Tội Công Thành

Cuộc thẩm vấn thứ ba (tt)

Docsach24.com
gười nữ thơ ký không còn viết nữa; người ta chỉ nghe tiếng vo vo đều đều của cái đèn, và những tiếng rít của đôi tay áo hồ cứng của Gletkin; ông ta nghiêng tới trước, chống cùi chõ trên tay dựa của chiếc ghế bành để hỏi tiếp:

- Ông từ chối trả lời?

- Tôi không nhớ. - Roubachof nói.

- Tốt lắm. - Gletkin nói.

Ông ta càng nghiêng tới, như tựa hết sức nặng của mình lên người Người Sứt Môi:

- Xin ông gợi lại cho công dân Roubachof nhớ. Ông đã thấy ông Roubachof lần cuối cùng ở đâu?

Mặt của người Sứt Môi nhợt nhạt, không còn nhợt nhạt thêm được nữa. Mắt hắn dừng lại mấy giây trên người nữ thơ ký mà hình như hắn vừa nhận ra sự hiện diện của cô, rồi nhìn ngay đi nơi khác, làm như muốn trốn chạy và tìm một nơi để ẩn núp. Hắn đưa lưỡi liếm môi lần nữa và nói rất mau một hơi một:

- Tôi bị công dân Roubachof xúi dục thuốc Đảng trưởng.

Ban đầu, Roubachof chỉ ngạc nhiên bởi một giọng trầm và êm tai mà người ta không ngờ thoát ra từ một thể xác rày rạc như thế. Giọng nói của hắn có lẽ là vật duy nhứt còn toàn vẹn ở hắn; nó họp với cái vóc dáng bề ngoài của hắn thành một sự trái ngược lạ kỳ. Roubachof để mấy giây để hiểu ý nghĩa của những lời hắn vừa thốt. Từ khi người Sứt Môi tới, ông đã chờ đợi một cái gì loại đó và đánh hơi trước sự nguy hiểm; nhưng hiện thời, ông ý thức những gì hài hước của sự tố cáo này. Một lúc sau, ông nghe Gletkin - lần này tiếng nói đó ở bên lưng ông, vì Roubachof quay mặt về người Sứt Môi. Có sự giận dữ trong giọng nói của Gletkin:

- Tôi chưa hỏi ông chuyện đó. Tôi đã hỏi, ông gặp công dân Roubachof lần chót hết hồi nào?

“Vụng về - Roubachof nghĩ thầm - Anh ta không nên nhấn mạnh rằng tên kia đã trả lời lầm. Tôi đã không nhận thấy chuyện đó”. Bây giờ, ông thấy hình như đầu óc ông hoàn toàn sáng suốt, cùng một sự cảnh giác nồng nhiệt. Ông tìm một sự so sánh. “Nhân chứng này là một cây dương cầm tự động - Ông nghĩ - và bây giờ hắn mới lộn bài nhạc”. Câu trả lời kế đó của người Sứt Môi còn êm tai hơn nữa:

- Xôi đã gặp công dân Roubachof sau một buổi tiếp tân tại Phái bộ Thương mãi ở B. Chính tại đó ông đã xúi tôi tham dự cuộc âm mưu khủng bố đối với sanh mạng của Đảng trưởng.

Trong khi hắn nói, cái nhìn bị ám ảnh của hắn đặt lên người Roubachof và dừng ở đó. Roubachof mang kiếng vào và nhìn lại hắn một cách hiếu kỳ. Nhưng trong đôi mắt của thanh niên, ông không đọc thấy một lời tạ tội, mà là một tin tưởng huynh đệ và sự thầm trách của kẻ bứt rứt và bất lực. Chính Roubachof phải quay mắt trước.

Sau lưng ông vang lên giọng nói của Gletkin, đã trở nên tự tin và tàn bạo:

- Ông có nhớ cuộc gặp gỡ đó xảy ra ngày nào không?

- Tôi nhớ rất rõ - Người Sứt Môi nói với giọng êm ái một cách kỳ lạ - Đó là sau buổi tiếp tân nhân lễ nhị thập châu niên của Cách mạng,

Cái nhìn không tự vệ của hắn vẫn hướng vào mắt Roubachof, như hắn tìm một cách vô vọng một hy vọng tự cứu cuối cùng. Một kỷ niệm, ban đầu mờ ảo rồi trở thành rõ ràng, hiện trong trí Roubachof. Ông đã nhìn ra người Sứt Môi. Nhưng phát giác ấy chỉ gây cho ông sự ngạc nhiên đau đớn. Ông quay sang Gletkin và nói một cách dịu dàng, vừa nháy mắt trước ánh sáng của ngọn đèn:

- Cái ngày rất đúng. Lúc nãy tôi không nhìn ra con trai của giáo sư Kieffer, vì tôi chỉ thấy anh ấy một lần thôi - trước khi anh được đưa vào tay ông. Ông có thể hài lòng về kết quả của việc làm của ông.

- Ông thú nhận nhìn ra hắn, và đã gặp hắn vào ngày và nơi đã nói trên phải không?

- Tôi vừa mới nói đó - Roubachof trả lời với sự chán chường. Sự cảnh giác nồng nhiệt đã biến mất, và những nhát búa âm thầm đang nện trong đầu ông - Nếu hồi nãy ông nói ngay anh này là con của người bạn Kieffer vô phước của tôi, tôi đã nhận ra anh ấy rồi.

- Tên hắn đã có khai trọn vẹn trong cáo trạng. - Gletkin nói.

- Cũng như mọi người, tôi chỉ biết giáo sư Kieffer dưới cái bút hiệu của ông thôi.

- Chi tiết đó không quan trọng. - Gletkin nói. Ông nghiêng người lần nữa về hướng người Sứt Môi, như muốn đè bẹp hắn bằng sức nặng của ông xuyên qua khoảng cách - Tiếp tục lời khai của ông đi. Nói cho chúng tôi biết cuộc hội họp đó xảy ra cách nào.

“Lại một sự vụng về nữa, Roubachof nói thầm, mặc dầu ông quá buồn ngủ. Chắc chắn không phải là một chi tiết không quan trọng. Nếu thật tình tôi xúi người này thực hiện cái âm mưu ngu xuẩn đó, tôi đã phải nhớ ra hắn ngay lần đề cập đầu tiên, dẫu có tên hay không”. Nhưng ông quá mệt để giải thích dài dòng; và hơn nữa, ông phải quay lại đèn. Như vầy thì ít ra ông cũng được quay lưng về phía Gletkin.

Trong khi hai người cãi nhau về lý lịch của người Sứt Môi; thì người này vẫn đứng, đầu cúi xuống và môi trên hắn rung bây bẩy trong ánh sáng chói lòa của ngọn đèn rọi. Roubachof nghĩ đến ông bạn già cũng là đồng chí Kieffer, đại sử gia của Cách mạng. Trong bức ảnh chụp tại bàn Đại hội, trong đó tất cả đều có râu và có những vòng tròn trên đầu như hào quang, giáo sư Kieffer ngồi bên trái của vị lãnh tụ già. Ông đã hợp tác với vị lãnh tụ trong những công cuộc soạn sử; ông cũng là bạn cờ mà có lẽ là người bạn thân duy nhứt của vị lãnh tụ già. Sau cái chết của cụ già, Kieffer, người biết rõ lãnh tụ hơn ai hết, được trao trách nhiệm soạn tiểu sử của người. Ông đã làm việc đó hơn mười năm, nhưng quyển sách không được chào đời. Thuyết chánh thức về những biến động của cuộc Cách mạng đã bị nhiều sự thay đổi lạ lùng trong vòng mười năm đó; cần phải viết lại về vai trò của những vai chánh trong cuộc Cách mạng, sửa đổi các bực thang giá trị; nhưng lão Kieffer là kẻ cứng đầu và không hiểu gì hết về chế độ độc tài mới dưới trào của Người số I...

- Cha tôi và tôi, - Người Sứt Môi nói với giọng du dương của hắn - khi trở về từ Đại hội quốc tế Nhân chủng học, chúng tôi đi một vòng sang nước B. vì cha tôi muốn thăm người bạn cũ là công dân Roubachof...

Roubachof nghe hắn với sự tò mò pha lẫn với một nỗi buồn man mát. Cho đến đoạn này, những điều hắn kể đều đúng; lão Kieffer đã đến viếng ông, vì lão cần tâm sự và hỏi ý kiến ông. Buổi tối mà hai người đã sống với nhau đó có lẽ là thời gian thích thú cuối cùng của lão Kieffer.

- Chúng tôi chỉ ở với nhau một ngày - Người Sứt Môi tiếp, mắt không rời Roubachof, như tìm một sửc mạnh và sự khuyến khích - Hôm đó đúng là ngày kỷ niệm Cách mạng; vì vậy mà tôi nhớ rõ ràng hôm đó. Suốt ngày, công dân Roubachof bận rộn vì những cuộc tiếp tân chánh thức và chỉ gặp cha tôi ít phút. Nhưng tối lại, khi cuộc tiếp tân tại sứ bộ chấm dứt, ông mời cha tôi về nơi ngụ riêng của ông, và cha tôi cho phép tôi đi theo. Công dân Roubachof mệt mỏi và mặc áo ngủ, nhưng ông tiếp chúng tôi một cách nồng nhiệt. Ông đã sữa soạn một bàn rượu, có Cognac và bánh, và sau khi ôm hôn cha tôi, ông tiếp đón chúng tôi bằng lời này: “Buổi tối vĩnh biệt của người da đỏ Mohican cuối cùng...”

Sau lưng Roubachof, giọng Gletkin ngắt ngang:

- Ông có nhận thấy ngay Roubachof có ý phục rượu ông, để để làm cho ông nhận những dự tính của ông ta không?

Roubachof có cảm giác thấy một nụ cười thoáng qua trên gương mặt tàn tạ của Người Sứt Môi: lần thứ nhứt ông nhận ra trên gương mặt đó một vài nét giống với thanh niên mà ông đã thấy tối hôm ấy.

Nhưng những nét đó biến mất ngay; Người Sứt Môi nháy mắt và liếm chiếc môi sứt:

- Ông có vẻ đáng nghi, nhưng lúc đó tôi chưa phát giác ý định của ông.

“Tội nghiệp cho cái thằng nhỏ bẩn thỉu này, - Roubachof nói thầm - họ đã làm gì mày vậy?...”

- Tiếp tục đi! - Giọng Gletkin nạt.

Phải mấy phút sau Người Sứt Môi mới trấn tĩnh được sau khi bị chận lời. Trong khoảnh khắc đó, người ta chỉ nghe cô nữ tốc ký viên ốm chuốt viết chì.

- Roubachof và cha tôi cùng nhau nhắc lại những kỷ niệm xưa rất lâu. Họ không gặp nhau nhiều năm rồi. Họ nói về thời trước Cách mạng, về những người thuộc về thế hệ cũ mà tôi chỉ nghe nói chớ không biết, và về nội chiến. Họ thường nói bằng cách ám chỉ nên tôi không theo dõi được, và họ cười về những kỷ niệm mà tôi không hiểu.

- Họ uống rượu nhiều không? - Gletkin hỏi.

Người Sứt Môi bị ánh sáng rọi ngay mặt, nháy mắt một cách ngơ ngác. Roubachof nhận thấy hắn hơi nghiêng qua nghiêng lại trong lúc nói, như mắc một chứng bịnh không thể đứng yên một chỗ:

- Theo tôi nghĩ, họ chỉ uống vừa thôi. Trong những năm sau này, tôi chưa thấy cha tôi vui vẻ như vậy bao giờ.

- Chuyện đó xảy ra, - Giọng của Gletkin cất lên - ba tháng trước khi khám phá được âm mưu phản Cách mạng của cha ông, đã làm ông ấy bị hành quyết ba tháng sau.

Người Sứt Môi liếm môi và nín thinh.

Do một xung động bất ngờ, Roubachof quay mặt lại Gletkin, nhưng bị ánh sáng chóa mắt, ông nhấm mắt và quay chậm chậm trở lại, vừa chùi kiếng mắt vài tay áo. Cây viết chì của cô nữ thơ ký rít trên giấy rồi ngừng lại. Kế đó, lại có tiếng Gletkin:

- Từ lúc đó, có phải cha ông đã hướng dẫn ông vào những âm mưu phản Cách mạng của ông ấy không.

Người Sứt Môi liếm môi:

- Dạ phải.

- Và ông biết rằng Roubachof tán thành ý kiến của cha ông?

- Ông hãy lặp lại những câu chánh trong cuộc đàm thoại. Bỏ tất cả những gì không cần thiết.

Người Sứt Môi bây giờ để hai tay sau lưng và tựa vai vào tường.

- Một lúc sau, cha tôi và Roubachof đề cập tới thời hiện tại. Hai người dùng toàn những từ ngữ có tính cách chỉ sự xấu xa khi đề cập đến những hiện trạng trong Đảng, và những phương pháp do Ủy ban chỉ đạo của Đảng áp dụng. Roubachof và cha tôi luôn luôn dùng mấy tiếng “Người Số 1” để chỉ Đảng trưởng Roubachof nói rằng từ khi Người số I đặt cái bàn tọa rộng của ông lên Đảng, thì không khí hết còn thở được nữa. Vì lẽ đó ông thích đi công tác ở ngoại quốc.

Gletkin quay sang Roubachof:

- Chuyện đó xảy ra ít lúc trước lời tuyên bố đầu tiên của ông trung thành với Đảng trưởng phải không?

Roubachof quay phân nửa sang phía ánh sáng:

- Đúng vậy.

- Có phải trong buổi tối đó, Roubachof ngõ ý đưa ra một lời tuyên bố như vậy không? - Gletkin hỏi Người Sứt Môi.

- Dạ phải. Cha tôi trách Roubachof và nói ông không tin ông này làm như vậy. Roubachof cười và bảo cha tôi là ông già ngốc và là Don Quichotte. Ông nói điều cần thiết là phải chịu đựng lâu hơn những kẻ khác hầu chờ thời cơ để ra tay.

- Ổng muốn nói gì với từ ngữ: “chờ thời cơ”?

Thanh niên lại nhìn vào mặt Roubachof với dáng điệu buồn thảm và dịu dàng. Roubachof có ý nghĩ vô lý rằng ông sắp sửa đi về phía hắn và hôn lên trán hắn. Ông mỉm cười về sự vô lý ấy trong khi cái giọng êm tai trả lời:

- Giờ mà nhà lãnh đạo Đảng bị gạt khỏi địa vị.

Cái mỉm cười của Roubachof không qua khỏi mắt Gletkin ông ta hỏi gay gắt:

- Những kỷ niệm đó làm ông thích thú?

- Có lẽ. - Roubachof nói, vừa nhắm mắt lại.

Gletkin sửa lại tay áo và tiếp tục hỏi Người Sứt Môi:

- Như vậy, Roubachof đã nói đến thì giờ mà vị lãnh tụ Đảng bị gạt khỏi nhiệm sở. Nhưng làm sao để thực hiện chuyện đó?

- Cha tôi nói rằng có ngày tức nước vỡ bờ và Đảng sẽ truất phế ông hay bắt buộc ông từ nhiệm; và phe đối lập lãnh việc phổ biến tư tưởng đó.

- Còn Roubachof?

- Roubachof cười cha tôi, lặp lại rằng ông ấy là kẻ ngu và là một Don Quichotte. Kế đó, ông nói rằng Người số I không phải là một hiện tượng bất ngờ, mà là hiện thân của một thứ đặc trưng của nhân loại - thí dụ, sự tin tưởng tuyệt đối vào tính cách không lầm lỗi của những niềm tin của ông, từ đó, ông rút tỉa sức mạnh cần thiết cho sự thiếu hẳn lương tri. Như vậy ông sẽ không bao giờ từ chức bất ngờ, và chỉ có thể bị loại bằng bạo lực. Người ta cũng không mong chờ gì ở Đảng được, vì Người số I nắm hết các giềng mối trong tay, và biến cải chế độ quan liêu của Đảng thành đồng lõa sống chết với ông, và ông biết như vậy

Mặc dầu buồn ngủ, Roubachof cũng phải nhìn nhận sự chính xác trong việc thanh niên nhắc lại những lời của ông. Chính ông cũng không nhớ những chi tiết của cuộc đàm thoại, nhưng ông biết Người Sứt Môi đã lặp lại một cách trung thực. Ông quan sát hắn qua cặp kiếng mắt một cách đặc biệt chú ý.

Giọng của Gletkin lại vang lên:

- Như vậy là Roubachof nhấn mạnh sự cần thiết phải dùng bạo lực chống Người số I - tức là nhà lãnh đạo Đảng?

Người Sứt Môi gật đầu xác nhận.

- Những lý lẽ của Roubachof và rượu đã gây cho ông cảm giác mạnh phải không?

Con của giáo sư Kieffer không trả lời ngay. Kế đó hắn nói hơi nhỏ hơn trước:

- Tôi gần như không có uống gì cả. Nhưng những điều ông nói gây cho tôi một cảm giác sâu xa.

Roubachof cúi đầu. Một mối nghi ngờ dâng lên trong người ông, gây cho ông gần như một thứ đau đớn thể xác và làm ông quên tất cả các đầu đề khác. Biết đâu thanh niên bạc phước này đã có những kết luận về tư tưởng của chính ông, Roubachof - và con người đang đứng trước mặt ông trong ánh sáng chói lòa của chiếc đèn rọi, là hiện thân những kết quả xuất phát từ lý luận của ông?

Gletkin không cho ông đi đến tận cùng dòng tư tưởng, ông nói với giọng chua chát:

- Và sau việc chuẩn bị bằng lý thuyết thì đến việc xúi giục anh đi thẳng vào hành động?

Người Sứt Môi nín lặng. Hắn ngẩng lên trước ánh sáng đôi mắt chớp chớp của hắn.

Gletkin chờ đợi câu trả lời mấy giây. Roubachof, dẫu không cố ý, cũng ngẩng đầu lên. Nhiều giây trôi qua, trong lúc đó, chỉ còn tiếng vo vo của ngọn đèn; lại giọng của Gletkin, đứng đắn hơn và lạt lẽo hơn:

- Ông có muốn người ta nhắc cho ông nhớ lại không?

Gletkin nói câu ấy với một tư thái thung dung rõ rệt, nhưng Người Sứt Môi giựt nẩy mình như bị quất một ngọn roi. Hắn liếm môi và trong đôi mắt hắn hiện ra sự khủng khiếp của một con thú. Giọng nói du dương của hắn cất lên:

- Sự xúi dục không có tối hôm đó, nhưng sáng hôm sau, trong dịp chỉ có mình công dân Roubachof và tôi.

Roubachof mỉm cười. Dời cuộc đàm thoại tưởng tượng đó đến sáng hôm sau hẳn là lối dàn cảnh tế nhị của Gletkin; để cho lão Kieffer tham dự một cách vui vẻ cảnh con ông nhận những chỉ thị đánh thuốc độc người là chuyện khó xảy ra, dầu đối với môn tâm lý học của đám dân Neanderthal ăn lông ở lỗ... Roubachof quên đi nhận xét đó; ông quay sang Gletkin hỏi, mắt nháy lia trong ánh sáng:

- Tôi tưởng bị cáo có quyền đặt câu hỏi trong một cuộc đối chứng?

- Đó là quyền của ông. - Gletkin nói.

Roubachof quay sang thanh niên:

- Nếu tôi nhớ không lầm, anh vừa học xong bực đại học lúc anh tới viếng tôi với cha anh?

Bây giờ là lần thứ nhứt ông nói thẳng với Người Sứt Môi, cái nhìn hiền từ và tin cậy trở lại với hắn, và hắn gật đầu.

- Như vậy là đúng - Roubachof nói - Và nếu tôi nhớ không lầm nữa, anh có ý vào làm việc dưới quyền cha anh tại Viện Nghiên cứu Lịch sử, phải không?

- Phải - Người Sứt Môi đáp, và sau một lúc do dự, hắn tiếp - Tôi làm việc đến ngày cha tôi bị bắt.

- Tôi hiểu - Roubachof nói - Sau biến cố đó, tự nhiên anh không thể ở lại Viện, và có lẽ anh đã tìm được phương tiện khác để sống...

Ông ngừng lại, quay sang Gletkin, tiếp:

-... Điều đó chứng tỏ lúc tôi gặp thanh niên này, tôi lẫn anh ấy đều không dự tính được có ngày anh ta làm việc trong một quán ăn; như vậy, sự xúi giục giết người bằng cách đánh thuốc độc, theo luận lý là không thể có!

Cây viết chì của cô thơ ký dừng lại thình lình. Roubachof dầu không nhìn cô, có cảm giác rằng cô ta ngừng viết và đã quay gương mặt nhọn như chuột sang Gletkin; nhưng đôi mắt cô ta không tỏ ra thoải mái, mà lại bối rối, sợ sệt. Cảm giác thắng thế tạm thời của Roubachof biến mất; ông lại có cảm giác kỳ lạ là đã phá hư sự tiến hành bình thường của một buổi lễ long trọng. Giọng của Gletkin càng bình tĩnh và đứng đắn hơn thường lệ:

- Ông còn câu hỏi nào nữa không?

- Bây giờ thì hết rồi.

- Không ai nói những chỉ thị của ông bắt buộc kẻ sát nhân phải dùng thuốc độc mà thôi - Gletkin dịu dàng nói - Ông đã ra lịnh ám sát; ông để cho công cụ của ông lựa chọn phương tiện. - Ông quay sang Người Sứt Môi - Phải vậy không?

- Dạ phải. - Người Sứt Môi đáp, giọng hắn tỏ ra nhẹ nhõm.

Roubachof nhớ rằng cáo trạng dùng lời lẽ thật minh bạch: xúi dục giết người bằng cách đánh thuốc độc, nhưng bỗng nhiên ông trở thành dửng dưng trước tất cả những cái đó. Dầu thanh niên thật sự đã thi hành cuộc mưu toan rồ dại đó, dầu hắn chỉ mới thai nghén một dự tính mơ hồ loại ấy, dầu sự thú tội của hắn do kẻ khác gà cho tất cả hay một phần, việc ấy giờ đây, không có một giá trị nào về mặt pháp lý; những sự kiện đó không làm thay đổi tội trạng ông chút nào! Điều trọng yếu là con người đáng tội nghiệp kia là hiện thân và cũng là hậu quả của tư tưởng ông. Vai trò bị đảo lộn không phải Gletkin, mà chính ông Roubachof, đã toan đưa sự hỗn độn vào một chánh nghĩa rõ ràng bằng cách chẻ cọng tóc làm bốn. Cáo trạng từ trước tới giờ vô lý, vừa mang tới - dẫu một cách nặng nề và thô bỉ - những vòng sắt đã thiếu trong một sợi lòi tói hoàn toàn hợp lý.

Tuy nhiên, theo Roubachof, hình như người ta có điểm bất công đối với ông. Nhưng ông đã quá kiệt lực để thốt ra thành lời.

- Ông còn câu hỏi nào nữa không? - Gletkin hỏi.

Roubachof lắc đầu.

- Phần ông đã xong rồi. - Gletkin nói với Người Sứt Môi. Ông nhấn vào một nút điện; một ngục tốt đồng phục bước vào còng tay cậu Kieffer. Trước khi để bị đưa đi, ra đến cửa, Người Sứt Môi còn quay lại nhìn Roubachof, giống như mỗi lần dứt cuộc đi dạo ngoài sân. Roubachof cảm thấy cái nhìn đó đè nặng lên người ông; ông gỡ kiếng, chùi vào tay áo và quay mắt nơi khác.

Khi Người Sứt Môi đi khỏi, ông có cảm giác gần như ghen tức với hắn. Giọng Gletkin như xói vào tai ông, chính xác, với một sự tươi nhuận tàn nhẫn:

- Ông có nhìn nhận rằng lời khai của Kieffer hợp với các sự kiện trên những điểm trọng yếu không?

Roubachof phải quay về chiếc đèn. Ông nghe ù tai và ánh sáng như ngọn lửa đỏ và nóng xuyên qua màn mi mỏng. Tuy nhiên, từ ngữ: “trên những điểm trọng yếu” không thoát khỏi tai ông. Với đoạn này trong câu nói, Gletkin vừa bắt một cái câu qua lỗ sơ hở của ông ta trong lúc thẩm vấn, và cho phép mình thay đổi “xúi dục giết người bằng cách đánh thuốc độc” thành “xúi dục giết người” mà thôi.

- Trên những điểm trọng yếu - Ừ, Roubachof nói.

Tay áo của Gletkin rít lên và cô nữ tốc ký viên cũng xê dịch trên ghế của cô. Roubachof thấy mình đã nói ra câu quyết liệt, và ký tên vào tờ nhận tội. Làm sao những kẻ ăn lông ở lỗ lại hiểu được những gì mà ông, Roubachof, xem là tội phạm của ông và những gì mà, theo các tiêu chuẩn của ông, ông gọi là sự thật?

- Ánh sáng có làm ông khó chịu không? - Gletkin thình lình hỏi ông.

Roubachof mỉm cười. Gletkin tiền trao cháo múc ngay. Đó cũng là tâm địa của đám người Neanderthal ăn lông ở lỗ. Tuy nhiên, khi ánh sáng ngọn đèn xuống một mức, Roubachof cảm thấy nhẹ nhõm và một cái gì giống như sự cám ơn.

Dầu vẫn nháy mắt, bây giờ ông có thể nhìn thẳng vào mặt Gletkin. Ông thấy lại cái thẹo to đỏ hỏn trên sọ hớt trọc của Gletkin.

-... Chỉ trừ một điểm mà tôi xem như trọng yếu. - Roubachof nói.

- Xin cho biết. - Gletkin nói, và trở lại đáng diệu thẳng cứng và đứng đắn.

“Tự nhiên là hắn tưởng mình ám chỉ cuộc trực diện không bao giờ xảy ra với thằng nhỏ Kieffer - Roubachof nghĩ - Đó là điều quan trọng đối với hắn: hắn muốn đặt dấu chấm lên chữ ‘i’, dầu những chấm đó giống như những vết mực rớt trên giấy. Nhưng đứng ở quan điểm của hắn, có lẽ hắn có lý...”

- Điều quan trọng đối với tôi, - Ông nói lớn - là cái này: thật ra thì theo những niềm tin của tôi thuở đó, tôi nói sự cần thiết phải dùng đến bạo lực. Nhưng bạo lực, theo tôi hiểu là hành động chánh trị, chớ không phải khủng bố cá nhân.

- Như vậy là ông chọn cuộc nội chiến?

- Không, hành động quần chúng.

- Như ông biết, hành động đó cũng đưa thẳng đến nội chiến. Có phải đó là sự phân biệt mà ông tha thiết muốn nêu rõ không?

Roubachof không trả lời. Cách đây một lúc, đó là điểm mà ông xem rất quan trọng. Bây giờ thì ông dửng dưng đối với nó. Trên thật tế, nếu phe đối lập chỉ có thể thắng chế độ quan liêu của Đảng và bộ máy rộng rãi của nó bằng nội chiến - tại sao sự kiện đó lại có giá trị hơn là bỏ thuốc độc vào bữa ăn của Người số I, vì như vậy cũng có thể làm sụp đổ chế độ mau hơn và ít tốn máu hơn!

Sự ám sát chánh trị không danh dự bằng sự giết chóc chánh trị tập thể ở chỗ nào? Thằng bé khốn khổ này chắc hắn hiểu lầm về những gì nó muốn nói - nhưng sự lầm lẫn của nó phải chăng hợp lý hơn là chí hướng thật sự của nó trong mấy năm sau này?

Kẻ nào chống đối độc tài phải chấp nhận nội chiến làm phương tiện. Kẻ nào lùi trước nội chiến, phải bỏ sự đối lập và chấp nhận độc tài.

Những câu giản dị đó, Roubachof đã viết trong cuộc bút chiến với phe “ôn hòa”; từ gần suốt một đời, lại chứa đựng sự kết án chính ông. Ông không buồn tiếp tục cuộc tranh luận với Gletkin nữa. Ý thức về sự thất bại của chính mình gây cho ông một cảm giác nhẹ nhõm; sự bắt buộc phải tiếp tục cuộc tranh đấu, gánh nặng của trách nhiệm, ông đã trút bỏ; sự buồn ngủ trước kia bây giờ trở lại với ông. Ông nghe tiếng búa bổ trong đầu như một tiếng vọng thật xa, và trong một lúc, ông nhận thấy hình như sau cái bàn, không phải Gletkin ngồi, mà là Người số I, với cái dáng mỉa mai làm như thông cảm nhau lắm khi ông nhìn Roubachof vừa siết tay ông khi cả hai từ giã nhau lần chót, ông nhớ lại một chữ khắc mà ông đã đọc được trên cửa Nghĩa trang Errancis, nơi đã chôn Saint Just, Robespierre và mười sáu đồng chí của họ bị chặt đầu. Chữ ấy là:

Dormir.

Một chữ duy nhứt: ngủ.

Từ lúc này, những kỷ niệm của Roubachof lại trở thành mây mù. Có thể ông ngủ lần thứ hai trong vòng vài phút hay vài giây; nhưng lần này ông không nhớ mình có nằm mơ hay không. Ông bị Gletkin đánh thức để ký tờ khai. Gletkin trao cây viết máy cho ông; Roubachof nhận thấy với một chút nhờm gớm hơi ấm từ túi ông kia. Người nữ tốc ký viên cũng đã ngưng viết; một sự yên lặng tuyệt đối ngự trị trong phòng. Ngọn đèn không kêu vo vo nữa và chiếu ra một ánh sáng bình thường, hơi nhạt, vì bình minh đã hiện ở cửa sổ.

Roubachof ký tên.

Cảm giác nhẹ nhõm và vô trách nhịệm vẫn còn, dầu ông quên mất lý đo; kế đó, quá say ngủ, ông đọc qua những lời khai trong đó ông thú nhận đã xúi dục cậu Kieffer ám sát Đảng trưởng. Trong vài giây, ông có cảm giác đây là một sự hiểu lầm hài hước; ông muốn bôi bỏ chữ ký và xé tài liệu; nhưng ông nhớ lại tất cả; ông chùi kiếng mắt vào tay áo và trao tờ giấy cho Gletkin.

Kỷ niệm kế đó là ông đi trong hành lang, có một người khổng lồ đồng phục hộ tống và cũng chính người ấy đã đưa ông đến văn phòng của Gletkin trong một thời gian vô hạn định trước đó. Nửa ngủ nửa thức, ông đi ngang phòng hớt tóc và chiếc cầu thang xuống hầm rượu; ông nhớ lại sự sợ sệt của ông hồi bận đi; ông hơi ngạc nhiên về sự kiện đó và mỉm cười vẩn vơ với chung quanh. Kế đó ông nghe tiếng cửa xà-lim đóng lại sau lưng, rồi ông nằm vật xuống giường với cảm giác thoải mái thể xác; ông thấy ánh sáng xám của buổi ban mai trên kiếng cửa sổ và mảnh giấy báo quen thuộc dán trên tấm kiếng, và ngủ ngay.

Khi cửa xà-lim mở trở lại, trời chưa sáng hẳn; ông chỉ ngủ không hơn một giờ. Ông nghĩ chắc họ mang bữa ăn sáng tới; nhưng bên ngoài, thay vì người ngục tốt già, là người khổng lồ đồng phục. Và Roubachof biết mình phải trở lại văn phòng Gletkin vì cuộc thẩm vấn sẽ tiếp tục.

Ông vỗ nước lạnh vào trán và cổ, mang kiếng; rồi bước ra đi trong hành lang, ngang phòng hớt tóc, cầu thang, bằng những bước hơi xiêu vẹo nhưng ông không hay biết.

4.

Kể từ lúc này một màn sương mù dầy đặc trùm phủ những kỷ niệm của Roubachof. Ông chỉ nhớ từng đoạn rời rạc của cuộc đối thoại giữa ông và Gletkin, suốt mấy ngày mấy đêm, chỉ cách khoảng một hoặc hai giờ. Ông không thể nói đúng cuộc thẩm vấn đã kéo dài bao nhiêu ngày và đêm, có lẽ một tuần lễ.

Roubachof đã nghe nói về phương pháp nghiền nát hoàn toàn thể xác của bị cáo; hai hay ba dự thẩm thường thay phiên nhau để hỏi cung không ngừng. Phương pháp của Gletkin khác hơn là không bao giờ ông để cho người khác thay phiên cho ông, và ông đòi hỏi ở mình cũng bằng với Roubachof. Do đó, ông tước đoạt của Roubachof sự nương tựa tâm lý cuối cùng: sự bi thảm của những con người bị đối xử tàn tệ, ưu thế tinh thần của nạn nhân.

Trong vòng bốn mươi tám giờ, Roubachof mất hết quan niệm về ngày và đêm. Sau khi ngủ được một giờ, khi tên khổng lồ tới lay ông thức dậy, ông ở vào tình trạng không thể quả quyết xem ánh sáng xám ở cửa sổ là ánh sáng bình minh hay hoàng hôn. Hành lang, phòng hớt tóc, cầu thang xuống hầm rượu và cánh cửa rào luôn luôn được rọi sáng bằng một thứ ánh sáng buồn cười của những ngọn đèn điện. Nếu trong lúc thẩm vấn, ban ngày hiện rõ lần lần ở cửa sổ, đến nỗi Gletkin phải tắt đèn, thì đó là buổi sáng. Nếu trời tối lần lần, và nếu Gletkin bật đèn, đó là buổi chiều.

Nếu Roubachof đói trong lúc bị hỏi cung, Gletkin cho phép ông nhờ người đi tìm giúp nước trà và bánh xăng quít. Nhưng ít khi nào ông đói; nghĩa là ông đói rã ruột, vậy mà khi bánh mì được mang đến, ông buồn nôn ngay. Gletkin không hề ăn trước mặt ông, và Roubachof vì những lý do không giải thích được, không bao giờ hạ mình xin phép được ăn. Tất cả những gì liên quan đến các cơ năng của thân thể đều làm cho Roubachof cảm thấy mất thể diện trước mặt Gletkin và Gletkin không hề tỏ ra mệt nhọc, không ngáp, không hút thuốc, có vẻ như không ăn không uống, và hình như lúc nào cũng ngồi ở bàn làm việc trong một tư thế đứng đắn, mặc bộ đồng phục hồ cứng với hai tay áo kêu sồn sột. Sự giảm thể nhứt đối với Roubachof là phải xin phép đi làm những việc cần dùng về vệ sinh. Gletkin cho ngục tốt, thường là tên khổng lồ, đưa ông đi cầu, còn hắn thì ở ngoài chờ. Có lần Roubachof ngủ sau cánh cửa cầu đóng kín. Từ đó cánh cửa luôn luôn mở. Tình trạng của ông trong lúc bị hỏi cung lẫn lộn giữa sự ngơ ngơ ngẩn ngẩn và sự sáng suốt bất thường và lờ đờ. Ông chỉ bất tỉnh có một lần; ông thường cảm thấy sắp lâm vào tình trạng đó, nhưng sự kiêu hãnh nâng đỡ ông vào phút chót. Ông đốt một điếu thuốc, nhấp nháy đôi mất, và cuộc thẩm vấn tiếp tục. Ông không khỏi ngạc nhiên thấy mình chịu đựng nổi như vậy. Ông biết rằng những kẻ tầm thường cho rằng sức chịu đựng của con người có những giới hạn thật hẹp hòi; họ không hiểu gì về sự thun dãn của trạng thái đó. Ông nghe nói có nhiều tù nhân bị ngăn không cho ngủ từ mười lăm đến hai mươi ngày mà vẫn chống trả nổi với lối đối xử đó.

Trong lúc bị Gletkin thẩm vấn lần thứ nhứt, sau khi ký tờ cung khai, ông tưởng đâu đó xong xuôi. Đến lần thẩm vấn thứ hai, ông thấy rõ rằng mọi việc chỉ mới khởi đầu. Có tất cả bảy tội trạng bị tố cáo, mà ông chỉ mới thú nhận có một. Ông tưởng tượng đã uống chén rượu nhục nhã đến tận cặn. Hiện giờ ông mới phát giác rằng sự bất lực cũng có những cấp độ như quyền lực; rằng sự thất bại cũng có thể làm mình say sưa như thắng lợi, và những chiều sâu của nó là một cái hố thâm thẳm không đáy. Và từng bước một, Gletkin bắt buộc Roubachof phải đi xuống chiếc thang đó.

Ông có thể giản dị hóa công việc của mình. Ông chỉ cần ký tất cả một lượt hay chối hết là yên thân. Một quan niệm kỳ lạ và phức tạp về bổn phận ngăn ông đầu hàng sức cám dỗ đó. Cuộc đời của Roubachof chứa đầy một ý niệm tuyệt đối là ông chỉ biết hiện tượng “cám dỗ” trên lý thuyết mà thôi. Giờ đây sự cám dỗ theo đuổi ông suốt những ngày những đêm, trong lúc ông đi xiêu vẹo trong hành lang, trong ánh đèn trắng của Gletkin, một sự cám dỗ chứa đựng trong một chữ giản dị khắc tại nghĩa trang của những kẻ bại trận: Ngủ.

Khó mà kháng cự được, vì sức cám dỗ ấy lặng lẽ và hiền hòa; nó không được sơn phết bằng những màu sắc chói lọi, nó không thuộc về nhục thể; nó không dùng lý lẽ. Tất cả lý lẽ đều từ phía Gletkin; nó chỉ lặp lại những chữ do người thợ hớt tóc đã viết: “Chết trong yên lặng”.

Lắm khi, trong những lúc trì độn pha lẫn với sự tỉnh táo sáng suốt, môi Roubachof mấp máy, nhưng Gletkin không nghe ông nói gì. Bấy giờ, Gletkin tằng hắng sửa lại tay áo, và Roubachof chùi kiếng vào tay áo thờ thẫn lắc đầu rồi ngủ; vì ông đã nhận được kẻ cám dỗ chính là đối tượng câm lặng mà ông tưởng đã quên rồi; và đối tượng đó không có việc gì phải làm trong phòng này, cũng như ở bất cứ nơi nào khác: giả tưởng văn phạm.

- Vậy là ông chối đã vì phe đối lập mà thương thuyết với những đại diện một Cường quốc, trong mục đích lật đổ chế độ hiện hành với sự giúp đỡ của Cường quốc đó? Ông phản đối cáo trạng về việc ông sẵn sàng nhượng đất - nghĩa là hy sinh một số tỉnh của chúng ta - để trả ơn sự ủng hộ trực tiếp hay gián tiếp những dự án của ông?

Phải, Roubachof phản đối việc đó; Gletkin đã kể lại ngày và giờ của cuộc đàm thoại với nhà ngoại giao đó - và Roubachof nhớ lại cảnh vô thưởng vô phạt đã hiện ra trong trí ông lúc Gletkin đọc cho ông nghe bản cáo trạng. Vừa ngủ gục sững sốt, ông nhìn Gletkin và hiểu rằng giải thích cảnh ấy với hằn vô ích. Sau bữa ăn tối ngoại giao tại Sứ bộ ở B., màn đó diễn ra. Roubachof ngồi cạnh Herr von Z. vị Đệ Nhị tham vụ Sứ quán của quốc gia mà mấy tháng trước đó, Roubachof đã mất mấy cái răng. Ông đã nói chuyện với nhà ngoại giao to con đó về một đề tài thật hữu ích liên quan đến một giống “Bọ” rất hiếm có, được đồng thời nuôi trên đất riêng của Herr von Z. và trên đất nhà của cha Roubachof; có thể cha của Roubachof và cha của Herr von Z. đã trao đổi nhau nhiều mẫu giống lúc trước.

- Bây giờ mấy con bọ của phụ thân ông ra sao? - Herr von Z. hỏi.

- Chúng nó bị đập chết hết hồi Cách mạng để ăn thịt. - Roubachof nói.

- Còn đám bọ của chúng tôi thì hiện nay được dùng thay thế cho mỡ. - Herr von Z. nói với giọng buồn bã.

Ông ta không giấu diếm sự khinh miệt đối với nền độc tài mới của nước ông; có lẽ vì sự tình cờ mà người ta đã quên tống cổ ông khỏi nhiệm sở đương thời.

- Ông với tôi đều đồng cảnh ngộ. - Herr von Z. nói vừa ngồi lại cho thoải mái và uống cạn ly rượu - Cả hai chúng ta đều là những người sống sót trong thời đại của mình. Nuôi chuột bọ là chuyện dĩ vãng; chúng ta đang sống ở thế kỷ của đám bình dân thời cổ La Mã.

- Nhưng chớ quên rằng tôi đang đứng về phía đám bình dân cổ La Mã ấy. - Roubachof cười nói.

- Không phải tôi muốn nói như vậy - Herr von Z. nói - Trong thâm tâm, tôi cũng đồng ý về chương trình của người có đốm râu đen dưới mũi của chúng tôi - Nếu ông ta đừng la quá to như thế. Dầu sao, người ta cũng không thể tự làm cho mình bị đóng đinh vào cây thánh giá vì niềm tin của chính mình.

Họ uống thêm cà-phê, và khi đến tách thứ hai, Herr von Z. nói:

- Nếu vì lẽ gì ông phải làm trở lại cuộc Cách mạng trong xứ ông và hạ bệ Người số I, thì ông nên đối xử lịch sự hơn với mấy con bọ của ông.

- Chuyện đó có thể lắm chớ - Roubachof nói, và ngừng một lúc, ông nói - Hình như các bạn của ông cũng tin tưởng vào một biến chuyển như vậy phải không?

- Chắc chắn là vậy - Herr von Z. trả lời với giọng phóng khoáng như trước - Theo những vụ án bên xứ ông giúp chúng tôi hiểu, thì hình như bên ông có chuyện gì xảy ra khá ngộ nghĩnh.

- Vậy thì, bên các bạn thân của ông, chắc họ cũng có ý kiến về những biện pháp mà họ sẽ có một khi chuyển biến đó xảy ra không? - Roubachof hỏi.

Tới đó, Herr von Z. trả lời thật rõ ràng, như ông chờ đợi câu hỏi đó:

- Chúng tôi sẽ không nhúc nhích. Và như vậy thì phải được đền công.

Họ đứng gần bàn, tay cầm tách cà-fê.

- Sự đền công đã được định giá chưa? - Roubachof hỏi và nhận thấy giọng ỡm ờ của mình có vẻ giả tạo.

- Có chớ. - Herr von Z. trả lời; và ông ta nói tên một tỉnh sản xuất lúa mì do một giống dân thiểu số cư ngụ. Rồi hai người từ giã nhau...

Roubachof không nghĩ đến màn đàm thoại ấy từ mấy năm nay - hay ít ra cũng không nghĩ tới một cách đứng đắn. Những chuyện trà dư tửu hậu - Nhưng làm sao giải thích được với Gletkin sự vô nghĩa hoàn toàn của câu chuyện? Roubachof ngủ gà ngủ gật nhìn Gletkin ngồi trước mặt, tàn nhẫn và lạnh lùng như thuở giờ. Không, không thể nào nói chuyện chuột bọ với hắn. Tên Gletkin này không hiểu gì về vụ con bọ. Hắn chưa bao giờ uống cà-phê với Herr von Z. Roubachof nhớ lại những do dự của

Gletkin trong khi hắn đọc, và những lỗi về âm điệu của hắn. Hắn thuộc nguồn gốc vô sản, tập đọc tập viết lúc đã thành nhân. Hắn làm sao hiểu được một câu chuyện khởi sự bằng đám chuột bọ thì sẽ dẫn dắt đến đâu, Trời cũng chẳng biết được.

- Như vậy là ông nhìn nhận có cuộc đàm thoại đó. - Gletkin nói.

- Cuôc đàm thoại vô thưởng vô phạt hoàn toàn. - Roubachof nói một các chán nản; ông nhận thấy Gletkin lại đưa ông xuống thang một nấc nữa.

- Vô thưởng vô phạt cũng như những bài luận hoàn toàn lý thuyết cửa ông trước cậu Kieffer về sự cần thiết phải gạt Quốc trưởng khỏi chánh quyền bằng bạo lực phải không?

Roubachof chùi kiếng mắt vào tay áo. Câu chuyện có đúng là vô thưởng vô phạt như ông tìm cách thuyết phục mình chăng? Chắc chắn là không có “thương thuyết”; cũng chẳng có một thỏa hiệp nào cả; Herr von Z. cũng không có tư cách gì để ký một thỏa hiệp. Tất cả vụ này có thể xem như là “thăm dò” trong ngôn ngữ ngoại giao. Nhưng loại thăm dò ấy là một chiếc vòng trong sợi dây chuyền luận lý của các tư tưởng ông thời đó; ngoài ra, nó cũng hợp với một số truyền thống trong Đảng. Cụ lãnh tụ già, ít lâu trước Cách mạng, đã chẳng phải nhờ bộ Tham mưu của quốc gia đó giúp đỡ mới hồi hương được để lãnh đạo cuộc Cách mạng đến chiến thắng đó sao? Kế đó, trong hiệp ước hòa bình đầu tiên, cụ há chẳng phải nhượng địa để trả giá hòa bình đó sao? “Cái trò hy sinh không gian cũ mèm để đỡ mất thời gian” một người bạn thân của Roubachof đã nhận xét dí dỏm như vậy. Cuộc đàm thoại bị quên lãng và vô hại đã len vào sợi dây chuyền mà hiện nay Roubachof thấy khó mà xem khác hơn lối nhìn của Gletkin. Cái tên Gletkin đọc chậm chạp, trí thông minh hoạt động cũng chậm chạp và đi tới những kết quả giản dị, cụ thể, có lẽ bởi vì hắn chẳng hiểu gì hết về vụ chuột bọ... mà làm sao Gletkin hay biết về cuộc đàm thoại đó? Hoặc có đệ tam nhân nào nghe lén, nhưng đó là trường hợp khó xảy ra lúc đó; hoặc cái anh chàng Herr von Z. hịch hạc đó đã đóng vai trò của kẻ khơi ngòi - Trời mới biết vì những lý do phức tạp nào mà có chuyện như vậy. Một cái bẫy đã giăng ra cho Roubachof - một cái bẫy được quan niệm theo tâm địa chất phác như người tiền sử của Gletkin và Người số I; và ông, Roubachof đã vội vã chui vào.

- Ông đã tìm hiểu rõ cuộc đàm thoại giữa tôi và Herr von Z. ông cũng phải biết nó chẳng có hậu quả nào cả.

- Đúng - Gletkin nói - Bởi vì chúng tôi đã bắt ông kịp thời, và chúng tôi đã tiêu diệt đối lập trên toàn lãnh thổ. Những kết quả của âm mưu tạo phản đó sẽ hiện ra giữa ban ngày nếu chúng tôi đã không hành động.

Làm sao trả lời đây? Thật ra, nếu sự việc không xảy ra những hậu quả quan trọng, há chẳng phải vì Roubachof đã quá già và quá lụt để hành động với tất cả sự luận lý mà các truyền thống của Đảng bắt buộc, như trường hợp Gletkin hoạt động thay cho ông? Vì tất cả hoạt động của cái tự xưng là đối lập chỉ giới hạn trong sự chuyện gẫu theo kiểu các cụ già, vì tất cả thế hệ của Đoàn lão vệ binh cũng đều lụt như ông. Suy nhược vì những năm tranh đấu bất hợp pháp, bị sự ẩm ướt trong các ngục tối gặm nhấm vì họ đã ở trong các nơi đó phân nửa thời trẻ trung của họ; tinh thần khô cằn vì sự cố gắng tinh thần thường trực để đè nén nỗi kinh sợ thể xác mà người ta không bao giờ nói ra, nỗi kinh sợ mà mỗi người phải tự trấn lấy, trong nhiều năm, trong mấy chục năm. Suy nhược bởi những năm lưu vong, lưu đày, bởi tình trạng sôi sục của những cuộc tranh chấp trong nội bộ Đảng; suy nhược bởi những cuộc thất bại liên tiếp và bởi sự mất tinh thần khi chiến thắng cuối cùng. Phải chăng nên nói rằng chưa bao giờ thật sự có đối lập tích cực và có tổ chức chống nền độc tài của Người số I? Tất cả đều là những trận giặc mồm của những kẻ bất lực giỡn với lửa, bởi vì thế hệ của Đoàn lão vệ binh đã phung phí tất cả cái gì họ chứa đựng, bị vắt đến giọt cuối cùng, đến nhiệt lượng tinh thần cuối cùng. Và, như những kẻ chết tại nghĩa trang Errancis, Đoàn lão vệ binh chỉ còn mong ước một điều: ngủ và chờ cho hậu thế phán xét?

Làm sao trả lời cho tên ăn lông ở lỗ không thể lay chuyển được này? Hắn có lý hoàn toàn, nhưng hắn phạm một lỗi lầm căn bản: tưởng rằng người ngồi trước mặt hắn là lão Roubachof, thật sự chỉ là cái bóng của lão ấy mà thôi. Tất cả có nghĩa là: trừng trị lão ấy, không phải vì những tội mà lão đã phạm phải, mà vì những tội mà lão đã chẳng phạm nổi! “Người ta không thể tự làm cho mình bị đóng đinh trên cây thánh giá nhân danh niềm tin của chính mình”, Herr von Z. đã nói.

Trước khi ký vào tờ cung chiêu và bị đưa trở về xà-lim để nằm dài như chết trên giường cho đến khi cuộc hành hạ tái diễn, Roubachof đặt một câu hỏi với Gletkin. Câu hỏi ấy không dính dáng gì đến điểm tranh luận, nhưng Roubachof biết rằng mỗi lần một tờ cung khai sắp được ký, thì dễ thương lượng với Gletkin hơn - Gletkin thích tiền trao cháo mút. Câu hỏi của Roubachof dính dáng đến số phận Ivanof.

- Công dân Ivanof đã bị bắt. - Gletkin nói.

- Có thể biết vì lẽ gì không?

- Công dân Ivanof đã mở cuộc thẩm vấn ông một cách sơ sài, và trong một cuộc đàm thoại riêng, ông đã bày tỏ những sự hoài nghi trắng trợn về nền tảng vững chắc của cáo trạng.

- Và nếu thật sự ông ấy không tin được thì sao? - Roubachof hỏi - Phải chăng vì ông ấy đã có những ý kiến quá tốt về tôi?

- Trong trường hợp đó, đáng lẽ ông ấy phải ngưng cuộc điều tra, báo cáo chánh thức cho giới trách thẩm quyền rằng theo ý kiến của ông ấy thì ông vô tội.

Gletkin có mỉa mai Roubachof không? Ông ta vẫn có vẻ đứng đắn và lạnh lùng như bao giờ.

Lần sau, khi Roubachof lại sắp cúi xuống biên bản của phiên thẩm vấn, cây viết máy nóng hổi của Roubachof trên tay - cô tốc ký viên đã ra khỏi phòng - ông hỏi:

- Tôi có thể hỏi một câu không?

Vừa nói, ông vừa nhìn cái thẹo to trên sọ Gletkin:

- Người ta nói rằng ông thuộc phe chủ trương những phương pháp hà khắc kiểu Dracon tức là “biện pháp mạnh”. Tại sao ông không dùng áp lực cơ thể trực tiếp đối với tôi?

- Ông muốn nói sự tra tấn phải không? - Gletkin nói với giọng phóng khoáng - Như ông đã biết, bộ hình luật của ta cấm chuyện đó.

Ông ta ngừng một lúc. Roubachof ký xong biên bản.

- Hơn nữa, - Gletkin tiếp - có một vài loại bị cáo thú nhận khi bị áp lực cơ thể, mà lại phản cung tại phiên xử công khai, ông thuộc loại gan lì đó. Sự ích lợi chánh trị của lời tự thú của ông trong vụ án lệ thuộc vào tính cách tình nguyện.

Đây là lần thứ nhất mà Gletkin nói về phiên xử công khai. Nhưng lúc trở về, trong hành lang, trong khi đi bên người khổng lồ với những bước ngắn mệt nhọc, không phải viễn ảnh đó làm bận tâm Roubachof, mà là câu “Ông thuộc loại gan lì đó”. Muốn hay không, câu ấy cũng làm ông thoải mái và hài lòng.

“Tôi già và trở thành trẻ con,” ông nghĩ thầm khi nằm lên giường. Nhưng sự thích thú kéo dài đến lúc ông ngủ.

Sau một cuộc tranh luận dai dẳng, mỗi khi ký xong những lời thú nhận mới, rồi nằm dài trên giường, kiệt sức nhưng lại hài lòng một cách lạ kỳ, biết rằng sẽ bị đánh thức trong một hay nhiều lắm là hai giờ nữa - mỗi lần như vậy, Roubachof chỉ có một mong ước: phải chi Gletkin, dẫu chỉ một lần thôi, cho ông ngủ để đầu óc sáng suốt trở lại. Ông biết rằng mong muốn của ông không thể được chấp thuận trước khi dấu chấm chót được đặt lên chữ “i” chót - ông cũng hiểu mỗi trận đấu sẽ chấm dứt bằng một cuộc thất bại mới và ông cũng chẳng chút hoài nghi nào về kết quả cuối cùng. Tại sao lại tiếp tục băn khoăn và để cho người ta ngược đãi mình, thay vì bỏ hẳn một trận đấu thất bại, để khỏi bị đánh thức nữa? Ý nghĩ về cái chết từ lâu đã mất tất cả tính cách siêu hình; nó có một ý nghĩa êm dịu, quyến rũ và hữu hình: ý nghĩa đó là giấc ngủ. Tuy nhiên, một cảm giác kỳ lạ và khúc khuỷu về bổn phận bắt ông phải tỉnh táo và giao tranh đến tận cùng một trận đấu mà phần thua về mình - dầu chỉ là một trận đấu với những cái cối xay lúa bằng cánh gió. Phải tiếp tục đến lúc Gletkin đẩy ông xuống bực thang cuối cùng, và đến lúc cái chấm thô kệch của cáo trạng biến thành một chữ “i” hợp lý, trước đôi mắt nhấp nháy của ông. Phải theo con đường tới cùng. Bấy giờ, khi bước vào bóng tối với đôi mắt mở to, ông có thể đạt được quyền ngủ đề không bao giờ thức dậy.

Một sự thay đổi cũng đã diễn ra ở Gletkin trong cái chuỗi ngày và đêm liên miên bất tận. Không có gì quan trọng lắm, nhưng không thoát được đôi mắt nóng buốt của Roubachof. Gletkin vẫn ngồi thẳng thớm, vẻ mặt lạnh lùng, với hai tay áo sột sạt, trong bóng mờ của chiếc đèn, sau bàn làm việc của ông; nhưng lần lần, sự tàn nhẫn mất đi trong giọng nói của ông, và cũng lần lần, ông bớt cường độ ánh sáng chói lòa của chiếc đèn, và chót hết nó trở thành bình thường. Ông không bao giờ mỉm cười, và Roubachof tự hỏi phải chăng con người ăn lông ở lỗ không có thể cười được; và giọng nói của ông cũng chẳng được dịu dàng để diễn tả một khác biệt tình cảm tế nhị. Nhưng một lần, Roubachof hết thuốc sau một cuộc đối thoại mấy giờ đồng hồ, Gletkin không hút thuốc, đã lấy một gói trong túi ông và trao cho Roubachof.

Roubachof cũng đã chiếm được thành công trên một điểm về tội trạng liên quan tới vụ phá hoại Tổng vụ sản xuất nhôm. Đó là một sự tố cáo ít quan trọng trong toàn bộ tội phạm mà ông đã thú nhận, nhưng Roubachof cực lực phản đối như đối với những điểm quyết định khác. Họ ngồi đối diện nhau gần suốt đêm. Roubachof bác bỏ từng điểm một những chứng cớ buộc tội và những thống kê thiên lệch; giọng nói đầy mệt nhọc, ông đã kể ra những con số, những ngày tháng đã trở về như có phép lạ và đúng lúc trong đầu óc đau đớn của ông; và suốt thời giạn đó, Gletkin không tìm được khởi điểm giúp ông có thể đưa ra cái chuỗi hợp lý. Vì từ cuộc gặp gỡ lần thứ hai hoặc thứ ba, một loại thỏa hiệp mặc nhiên đã được đồng ý giữa họ: khi Gletkin có thể chứng minh rằng nền tảng tố cáo vững chắc - dầu nền tảng đó chỉ có tính chất hợp lý và trừu tượng - thì ông ta được tự do thêm thớt những chi tiết thiếu sót, nghĩa là đặt dấu chấm lên chữ “i” như Roubachof thường nói. Dẫu không ý thức rõ rệt thỏa hiệp ngầm đó, họ vẫn quen lần với các quy tắc của trò chơi, và cả hai không cần phân biệt những hành động mà Roubachof thật sự có làm, và những hành động mà đáng lý ra ông có thể làm, căn cứ vào những ý kiến của ông. Lần lần, họ mất tất cả quan niệm về những gì thuộc về bề ngoài, những gì thực tế, về giả tưởng họp lý hay hành động có thật. Roubachof nhận thấy sự kiện đó trong những lúc sáng suốt hiếm hoi, và những lúc đó, ông có cảm tưởng là tỉnh dậy sau một trận say lạ lùng; về phần Gletkin, hình như không bao giờ ông nhận thấy điều đó.

Đến sáng, Roubachof vẫn không nhân nhượng về vấn đề phá hoại ở Tổng vụ sản xuất nhôm, giọng của Gletkin đã có vẻ nóng nảy - giống như lúc khởi đầu, khi Người Sứt Môi trả lời lầm. Ông tăng cường độ ngọn đèn, một sự kiện từ lâu không xảy ra. Nhưng bớt lại khi thấy nụ cười mỉa mai của Roubachof. Ông đặt thêm mấy câu hỏi nhưng vẫn không kết quả, kế đó ông nói với giọng kết thúc:

- Vậy là ông quyết liệt chối đã phạm những hành động phá hoại trong kỹ nghệ đã được giao phó cho ông hoặc đã toan tính những hành động như vậy?

Roubachof lắc đầu - mặc dầu ông quá buồn ngủ, ông vẫn muốn biết chuyện gì rồi sẽ xảy ra. Gletkin quay sang nữ tốc ký viên:

- Cô viết: ông dự thẩm yêu cầu loại bỏ dữ kiện cáo tố này vì thiếu bằng chứng.

Roubachof đốt mau một điếu thuốc để giấu cảm giác thắng trận trẻ con đang dâng trong người ông. Lần thứ nhứt ông vừa thắng Gletkin một keo. Một chiến thắng không đáng kể trong một trận chiến đã thấy thua trước, nhưng cũng là một chiến thẳng đã nhiều tháng, và cả nhiều năm qua, ông đã không nhận thấy một cảm giác như vậy... Gletkin nhận biên bản từ tay cô nữ thơ ký và cho phép cô rút lui, đúng theo nghi thức mà hai bên đã ngấm ngầm đồng ý lúc sau này.

Khi chỉ còn hai người, và lúc Roubachof đứng lên ký biên bản, Gletkin trao cây viết máy cho ông và nói:

- Kinh nghiệm chứng minh rằng phá hoại là phương tiện hữu hiệu nhứt của phe đối lập để gây khó khăn cho chánh phủ và để khích động sự bất bình của thợ thuyền. Tại sao ông cố tự binh vực rằng ông không dùng phương pháp đó - hoặc ông không có ý dùng nó?

- Bởi vì về kỹ thuật, đó là chuyện vô lý - Roubachof nói - Và câu chuyện kéo dài bất tận về vụ phá hoại mà người ta dùng như ông ngáo ộp gây được một loại truyền nhiễm trong việc tố cáo kẻ khác, như vậy, tôi không thích.

Cảm giác thắng trận, mà từ lâu ông không có, làm cho Roubachof linh hoạt hơn, và ông nói to hơn ngày thường.

- Nếu ông cho rằng sự phá hoại là một thứ giả tưởng hoàn toàn, vậy theo ông, đâu là những lý do thật sự trong tình trạng trầm trệ của kỹ nghệ chúng ta?

- Tiền công ăn món quá rẻ, những phương pháp kiểu cai tù và những biện pháp kỷ luật dã man - Roubachof nói - Tôi biết nhiều trường hợp tại Tổng vụ của tôi, nhiều thợ thuyền bị bắn về tội phá hoại chỉ vì một vài sơ xuất nhỏ do sự mệt nhọc quá độ gây ra. Khi một người đến nơi kiểm soát công nhân trễ hai phút thôi là bị đuổi, và thẻ căn cước bị đóng một con dấu làm họ lâm vào tình trạng không tìm việc làm nơi khác được nữa.

Gletkin nhìn Roubachof với cái nhìn lạnh lùng thường lệ, và với giọng lạnh lùng thường nhựt, ông hỏi Roubachof:

- Hồi nhỏ, người ta có cho ông một cái đồng hồ không?

Roubachof ngạc nhiên nhìn ông. Tính cách nổi bật nhứt của con người ăn lông ở lỗ là không biết hài hước, hay, một cách chính xác hơn, là không bao giờ biết bông đùa.

- Ông không muốn trả lời câu hỏi của tôi sao? - Gletkin hỏi.

- Muốn chớ. - Roubachof đáp, càng lúc càng ngạc nhiên hơn.

- Khi người ta cho ông cái đồng hồ thì ông được mấy tuổi?

- Tôi không nhớ rõ lắm; khoảng tám hay chín tuổi.

- Tôi, - Gletkin nói, bằng giọng đứng đắn - tôi được mười sáu tuổi mới biết rằng một giờ được chia ra sáu mươi phút. Trong làng tôi, khi các nông dân phải ra tỉnh, họ ra nhà ga lúc mặt trời mọc và nằm ngủ trong phòng chờ đợi cho đến khi xe lửa tới, thường thì vào giữa trưa; có khi tới tối hay sáng hôm sau mới có xe. Đó là những nông dân hiện làm việc trong các xưởng của chúng ta. Thí dụ, hiện thời trong làng tôi có xưởng làm đường sắt lớn nhứt thế giới. Năm đầu bọn cai thợ nằm dưới đất ngủ giữa hai lần sắt chảy trong lò, và cứ tiếp tục mãi như vậy cho tới ngày họ bị bẳn. Trong các nước khác, nông dân cần một trăm hay hai trăm năm để có được thói quen về sự chính xác kỹ nghệ và sử dụng máy móc. Tại đây, họ chỉ có mười năm. Nếu chúng ta không tống cổ họ ra cửa hay không bắn bỏ vì một chuyện lôi thôi nhỏ, cả nước sẽ ngưng sản xuất, và bọn nông dân nằm ngủ trên các sân xưởng cho tới bao giờ cỏ mọc trong ống khói, và mọi việc sẽ trở lại như trước. Năm rồi, một phái đoàn phụ nữ từ Manchester ở Anh quốc đến viếng nước ta. Người ta chỉ cho họ xem tất cả, và sau đó họ viết những bài báo tỏ ý bất bình, bảo rằng bọn thợ trong các xưởng dệt ở Manchester không bao giờ chịu bị đối xử như vậy. Tôi có đọc ở đâu đó rằng kỹ nghệ bông vải ở Manchester đã có từ hai trăm năm nay, nghĩa là kể từ ngày họ mới khởi đầu. Ông, công dân Roubachof, ông vừa dùng những luận điệu giống như phái đoàn phụ nữ ở Manchester. Lẽ tự nhiên ông thông thạo hơn mấy chị đàn bà đó. Người ta phải tự hỏi tại sao ông dùng những luận điệu như họ. Nhưng đây, ông có một cái gì giống như họ: người ta cho ông một chiếc đồng hồ hồi ông còn nhỏ...

Roubaehof không nói gì và nhìn Gletkin một

cách hứng thú. Sao? Người ở hang Neanderthal thời ăn lông ở lo chun ra khỏi vỏ chăng? Nhưng Gletkin vẫn ngồi thẳng thớm trong ghế bành, lạnh lùng như bao giờ.

- Ông có lý ở một khía cạnh nào đó - Roubachof nói - Nhưng chính ông đã khơi ngòi chuyện này. Nhưng tại sao phải bày đặt ra những con vật tế thần để vượt những khó khăn mà các nguyên nhân xuất phát vừa được ông kể ra một cách thật hấp dẫn?

- Kinh nghiệm cho biết, - Gletkin nói, rằng người ta phải cho quần chúng sự giải thích giản dị, dễ hiểu của tất cả các hiện tượng khó khăn, phức tạp. Theo những gì tôi biết về lịch sử, nhân loại không thể nào bỏ qua được những con vật tế thần. Bất cứ ở thời nào, những con vật đó cũng là một sự kiện cần thiết; bạn ông là Ivanof dạy tôi rằng sự kiện đó bắt nguồn từ đạo giáo. Nếu tôi không lầm, ông ấy giải thích rằng từ ngữ này phát xuất từ một tục lệ của người Hébreux; mỗi năm một lần, họ tế trời bằng một con dê mang tất cả tội lỗi của họ.

Gletkin ngừng một chút và sửa lại tay áo:

- Hơn nữa, trong lịch sử có những thí dụ về những con vật tế thân tự nguyện. Vào tuổi mà ông có một chiếc đồng hồ, một giáo sĩ trong làng cho tôi biết rằng Jesus Christ tự xem mình là con cừu non nhận hết của loài người. Tôi không bao giờ hiểu được khi một người tuyên bố rằng mình hy sinh cho nhân loại, thì người đó giúp nhân loại được những gì. Nhưng từ hai ngàn năm nay, hình như con người cho chuyện đó rất tự nhiên.

Roubachof nhìn Gletkin. Ông ta muốn đi đến đâu? Mục đích của cuộc đàm thoại này là gì? Con người ăn lông ở lỗ này đang lạc lõng trong một gian nhà bí mật nào đây?

- Dầu sao, - Roubachof nói - tốt hơn là nói sự thật với dân chúng, thay vì xem thiên hạ là phá hoại, là ác quỷ.

- Nếu người ta nói với dân làng tôi rằng họ hãy còn lù đù, chậm tiến, mặc dầu đã có Cách mạng và xưởng hãng, thì sẽ không gây cho họ một kết quả nào cả. Nếu nói với họ rằng họ là những vị anh hùng lao động, rằng mức sản xuất của họ cao hơn người Mỹ, nếu còn sự tệ hại là do bọn yêu quỷ và bọn phá hoại, thì ảnh hưởng sẽ khá hơn. Sự thật hữu ích cho nhân loại; sự láo xược có hại cho nhân loại. Trong quyển sử cương yếu do Đảng xuất bản cho các lớp học tối và tráng niên, người ta nhấn mạnh rằng trong những thế kỷ đầu của đạo Thiên Chúa, một sự tiến bộ khách quan đối với nhân loại đã được thực hiện. Chẳng biết Chúa Jesus có nói sự thật hay không khi ông quả quyết rằng ông là con của Trời và một thiếu nữ đồng trinh, việc đó không đáng chú ý đối với một người đầy đủ lương tri. Người ta bảo rằng đó là một sự kiện tượng trưng, nhưng người nông dân nói sao tin vậy. Chúng ta cũng có quyền phát minh những sự tượng trưng hữu ích mà người nông dân tin tưởng.

- Lối lập luận của ông làm tôi nhớ tới lối lập luận của Ivanof.

- Công dân Ivanof, cũng như ông, thuộc về giai cấp trí thức cũ; nói chuyện với ông ấy, có thể thâu thập được một ít hiểu biết lịch sử mà người ta không có vì kém học. Sự khác biệt là tôi cố dùng những hiểu biết đó để phục vụ Đảng; nhưng công dân Ivanof là một người trí nô.

- Là một người?... Roubachof hỏi, vừa lột kiếng mắt.

- Công dân Ivanof, - Gletkin nói, vừa nhìn ông bằng cặp mắt lạnh lùng - vừa bị bắn tối qua, do một quyết định hành chánh.

Sau cuộc đàm thoại đó, Gletkin để cho Roubachof ngủ hai giờ trọn. Khi trở về xà lim, Roubachof tự hỏi tại sao tin Ivanof chết không gây cho ông một xúc động mạnh. Nó chỉ đánh tan cái vui chiến thắng nhỏ của ông thôi, và trả lại ông sự mệt nhọc và buồn ngủ. Hình như ông đã đến một tình trạng mà mọi xúc động mạnh không còn nữa. Hơn nữa, trước khi biết tin Ivanof chết, ông đã hổ thẹn về cảm giác thắng trận phù du kia. Cá tính của Gletkin đã chế ngự ông rất nhiều, đến nỗi những sự thắng trận của ông cũng đổi thành thất bại. Nặng nề và thản nhiên, ông ta ngồi đó, hiện thân tàn bạo của quốc gia, một quốc gia đã nhờ những Roubachof, những Ivanof mới có được. Con đẻ của họ, trở nên độc lập và vô tình cảm khi lớn lên, Gletkin không nhìn nhận mình là kẻ nối nghiệp tinh thần của Ivanof và của giai cấp trí thức cũ kỹ. Roubachof tự lặp lại cả trăm lần rằng Gletkin và những tên ăn lông ở lỗ mới, ngày nay lại có công tác hoàn thành công trình của thế hệ có những cái đầu đánh số. Sự kiện là, cũng cùng chủ thuyết đó, mà khi xuất phát từ miệng họ đã trở thành vô nhân đạo là do những lý lẽ có thể nói thuộc về khí hậu. Khi Ivanof đưa ra những lập luận như thế, thì trong giọng nói của ông còn có những âm điệu xuất phát từ dĩ vãng, những kỷ niệm từ một xã hội đã tàn lụn. Người ta có thể chối bỏ cái thiếu thời của mình, nhưng không thể xóa bỏ nó được. Ivanof đã kéo lê thê cái dĩ vãng của mình tới cùng; vì vậy mà ông đưa vào tất cả những gì ông nói cái giọng sầu não vẩn vơ; do đó mà Gletkin bảo ông là trí nô. Những tên Gletkins có gì đâu mà xóa bỏ; chúng cũng chẳng cần chối bỏ dĩ vãng, vì chúng chẳng có bao giờ. Họ sanh ra không có cuốn rún, không lạc thú, không sầu não.

5.

Một đoạn trong nhựt ký của N.S. Roubachof

“Chúng ta là những kẻ đã biến mất khỏi sân khấu, chúng ta lấy quyền gì mà nhìn đám Gletkins một cách tự cao tự đại như vậy? Những con khỉ đã cười khi người Néanderthal ăn lông ở lỗ xuất hiện trên quả đất. Những con khỉ văn minh cao độ ẻo lã chuyền từ cành này sang cành khác; người ăn lông ở lỗ vụng về và dính chặt xuống đất. Bọn khỉ, no nê và thuận hòa, sống trong không khí an vui phong nhã, hoặc cắn rận trong tư thái trầm mặc triết lý; người ăn lông ở lỗ đi khắp nơi trên thế giới với những bước nặng nề, vung chùy đập quanh mình. Mỉa mai, những con khỉ thích thú nhìn hắn từ ngọn cây và liệng trái bồ đào vào người hắn. Nhiều khi chúng ghê tởm: chúng ăn một cách thuần khiết và thanh nhã những trái và thân cây ngon ngọt; người man dã ăn thịt sống, tàn sát thú vật và đồng loại. Hắn đốn những cây cối đã có muôn đời, dời các tảng đá khỏi vị trí thiêng liêng từ ngàn xưa và vượt tất cả các luật lệ và truyền thống rừng xanh. Hắn thô bỉ, hung dữ, mất cả thể thống thú vật; đứng ở quan điểm những con khỉ trí thức, người man dã là hiện thân của một bước lùi dã man của lịch sử. Một ít con dã nhân còn sống ngẩng đầu một cách ghê tởm khi thấy một con người...”

6.

Năm hay sáu ngày sau, một việc bất ngờ đã xảy ra: Roubachof bất tỉnh ngay lúc thẩm vấn. Họ đã đến giai đoạn kết thúc của cáo trạng: vấn đề các lý do đã thúc đẩy các hành động của Roubachof. Cáo trạng định nghĩa lý do một cách giản dị là “một tâm địa phản Cách mạng”, và ghi qua loa, như một việc dĩ nhiên, rằng ông hoạt động cho một cường quốc ngoại quốc. Roubachof chiến đấu lần chót chống định thức ấy. Cuộc tranh luận kéo dài từ bình minh đến khoảng chín giờ sáng; bấy giờ, trong một lúc ít gay cấn nhứt, Roubachof bỗng chuồi khỏi ghế và nằm dài dưới đất.

Khi ông tỉnh lại vài phút sau, thì thấy cái sọ có mấy chùm tóc của viên bác sĩ, và người này đang xối nước vào mặt ông bằng một cái chai và xoa hai màn tang của ông. Roubachof hít phải hơi thở của bác sĩ, với mùi cây húng giổi và bánh phết mỡ; thế là ông mửa. Viên bác sĩ rầy la bằng một giọng chói tai, và khuyên nên đưa Roubachof ra chỗ thoáng khí một lúc.

Gletkin theo dõi cảnh ấy bằng đôi mắt lạnh lùng. Ông bấm chuông và ra lịnh rửa tấm thảm; rồi ông cho đưa Roubachof về xà-lim. Vài phút sau, viên ngục tốt già đến đưa ông ra sân vận động.

Lúc khởi đầu cuộc đi dạo, Roubachof như say trước khí lạnh làm rát mặt. Ông phát giác phổi ông thưởng thức ốc-xy như ổ gà trong miệng thưởng thức một thức uống mát dịu. Mặt trời chói rạng, tái và sáng; lúc ấy đúng mười một giờ sáng - giờ mà trước kia ông được đưa đi dạo mát, trong một thời gian dường như xa xôi vô định trước chuỗi ngày đêm mù mịt như một đám tinh vân này. Quả thật là ngu ngốc vì trước kia ông không biết thưởng thức ân huệ này! Tại sao người ta không thể chỉ sống và thở rồi đi dạo trong tuyết, cảm thấy nắng ấm trên mặt? Tại sao không trút bỏ giấc ác mộng trong văn phòng Gletkin, trút bỏ ánh đèn chóa mắt, cùng tất cả cuộc dàn cảnh ma quái kia để mà sống như mọi người?

Vì đó là giờ vận động bình thường, ông đi cạnh anh nông dân ốm yếu mang giày gai. Hắn nhìn về phía Roubachof đang đi hơi xiêu vẹo; hắn tằng hắng một hai lần, rồi vừa nói vừa nhìn về đám lính canh:

- Lâu quá tôi không thấy ông. Ông có vẻ bịnh hoạn đến nỗi dường như ông khó chịu đựng lâu nữa được. Người ta nói sắp có giặc.

Roubachof không trả lời. Ông chống lại sự cám dỗ cúi xuống hốt một nắm tuyết bóp thành cục tròn trong tay. Vòng người quay chầm chậm trong sân. Độ hai mươi thước đàng trước, cặp dẫn đầu sắp dẫm lên giữa những bờ dốc nhỏ phủ tuyết - hai người mặc áo tơi xám, hình vóc xấp xỉ nhau, mỗi người đều có một đám mây hơi nước trước miệng.

- Sắp tới mùa gieo mạ - Người nông dân nói - Sau khi tuyết tan, người ta đuổi trừu vào núi. Phải ba ngày để lên núi. Xưa kia, tất cả các làng trong vùng đều đưa trừu lên đường cùng ngày. Suốt đời ông, chưa chắc ông thấy được nhiều trừu như vậy, nhiều chó, nhiều bụi, và nghe được nhiều tiếng chó sủa, trừu kêu như vậy... Đức Mẹ ơi, mọi người đều vui sướng làm sao!...

Roubachof đưa mặt ra ánh sáng mặt trời hãy còn tái nhạt nhưng cũng đã xuyên qua không khí một hơi ấm dịu. Ông nhìn những con chim đang bay lượn thật cao phía trên pháo tháp.

Giọng nói như than thở của người nông dân tiếp tục:

- Một ngày như hôm nay, khi không khí có mùi tuyết tan, nó làm tôi ra sao ấy. Cả ông cả tôi, chúng ta không sống lâu được đâu. Họ chà đạp chúng ta bởi vì chúng ta là những kẻ phản Cách mạng, và bởi vì họ không thể để cho những ngày như hồi xưa trở lại, những ngày mà mình rất hạnh phúc...

- Hồi trước, quả thật anh có hạnh phúc sao? - Roubachof hỏi, nhưng người nông dân chỉ nói lầm thầm những gì không nghe được, trái cổ của hắn động đậy nhiều lần. Roubachof nhìn ngang qua quan sát hắn; lúc sau, ông nói:

- Anh có nhớ cái đoạn trong Thánh kinh nói về các bộ lạc ở sa mạc hét lên: “Ta hãy đề cử một người chỉ huy rồi trở về Ai Cập”.

Người nông dân gật đầu hăng hái nhưng không hiểu gì... Rồi người ta dẫn hết tù nhân vào trong.

Ảnh hưởng của không khí trong lành biến mất, trạng thái hôn ám, choáng váng và buồn nôn khởi sự trở lại. Đến cửa vào, Roubachof cúi xuống hốt một nắm tuyết chà lên trán và hai mắt nóng bỏng.

Ông không được đưa về xà lim như đã mong ước, mà bị dẫn thẳng tới văn phòng Gletkin. Ông ta đã ngồi ở bàn, trong tư thế như hồi Roubachof ra khỏi nơi đó. Các chiếc màn đã kéo kín đèn cháy sáng; thời gian dừng lại trong gian phòng này, như trong vùng nước đọng. Khi ngồi xuống trước mặt Gletkin, cái nhìn của Roubachof dừng lại trên một vết ướt trên tấm thảm. Ông nhớ lại sự khó chịu của ông lúc nãy. Ông ra khỏi nơi đây đã một giờ rồi.

- Bây giờ chắc ông đã thấy khá hơn lúc nãy - Gletkin nói - Chúng ta chưa xong câu hỏi chót, về động cơ của các âm mưu phản Cách mạng của ông.

Ông hơi ngạc nhiên nhìn tay phải của Roubachof hãy còn nắm một trái tuyết. Roubachof theo dõi cái nhìn ấy; ông mỉm cười đưa tay về chiếc đèn. Cả hai nhìn trái tuyết nhỏ tan trong tay ông trước sức nóng của ngọn đèn.

- Câu hỏi về động cơ là câu cuối cùng - Gletkin nói - Khi nào ông ký tờ cung chiêu, chúng ta sẽ xong việc với nhau.

Chiếc đèn phát ra một ánh sáng dữ dội hơn bao giờ hết. Roubachof bị bắt buộc phải nháy mắt.

-... Chừng đó ông có thể nghỉ ngơi. - Gletkin nói.

Roubachof đưa tay lên hai màn tang, nhưng hơi mát của tuyết không còn nữa. Tiếng “nghỉ ngơi” dứt câu của Gletkin hãy còn lửng lơ trong yên lặng. Nghỉ ngơi và ngủ. “Ta hãy đề cử một người chỉ huy và trở về Ai Cập!...” Vừa nháy mắt xuyên qua kiếng kẹp mũi, ông rọi một cái nhìn sắc như dao vào mặt Gletkin:

- Ông biết rõ những lý do như tôi. Ông biết rằng tôi không hành động dưới sự thúc đẩy của một “tâm địa phản Cách mạng” và tôi cũng không làm việc cho một cường quốc ngoại quốc nào cả. Cái gì tôi nghĩ và làm, tôi đã nghĩ và làm theo niềm tin và lương tâm tôi.

Gletkin rút ra từ hộc tủ một tập hồ sơ. Ông duyệt qua rồi lấy ra một tờ đọc với giọng đều đều:

“... Đối với chúng tôi, vấn đề thiện chí chủ quan không có nghĩa gì cả. Kẻ tà phải đền tội, kẻ chính sẽ được xá lỗi. Đó là luật của chúng ta...” ông đã viết như vậy trong quyền nhựt ký sau khi bị bắt.

Roubachof nhận thấy sau mi sự nhấp nháy quen thuộc của cây đèn. Trên môi của Gletkin, câu mà ông đã thai nghén và viết ra có một âm thanh trần truồng một cách kỳ lạ, như lời thú tội với một giáo sĩ vô danh lại bị thâu vào đĩa hát rồi phát ra bằng cái giọng eo éo.

Gletkin rút một trang khác trong hồ sơ, nhưng ông chỉ đọc một câu, cái nhìn lạnh lùng của ông dán chặt vào Roubachof:

“Danh dự là phục vụ không kiêu hãnh, và cho đến kết quả tối hậu”.

Roubachof cố gắng chịu đựng cái nhìn ấy.

- Tôi không thấy, - Ông nói - phục vụ đảng ở chỗ nào khi những đảng viên lặn hụp trong vũng bùn trước mặt thiên hạ. Tôi đã ký tất cả những gì ông muốn. Tôi nhận tôi đã theo một chính sách sai lầm và khách quan nguy hiểm. Bấy nhiêu đó chưa đủ sao?

Ông mang kiếng vào, nhìn qua khỏi ngọn đèn rọi với dáng điệu thẫn thờ vừa nháy mắt, và kết luận bằng một giọng chán nản và khàn khàn:

- Dầu sao, cái tên N. S. Roubachof tự nó đã là một trang sử của đảng. Kéo lê nó trong bùn, ông làm dơ cả lịch sử của cách mạng.

Gletkin duyệt qua hồ sơ:

- Tôi còn có thể trả lời ông bằng cách trích văn của chính ông. Ông đã viết:

“Tốt hơn là đưa từng câu vào quần chúng bằng đường lối lặp tới lặp lui và giản dị hóa. Những gì được xem là tốt phải chiếu sáng như vàng; những gì bị xem là xấu phải đen như gỗ lim. Để cho quần chúng thâu thập được, những hiện tượng chánh trị phải được tô màu như những chú hề bán hàng trong hội chợ”.

Roubachof nín lặng. Kế đó ông nói:

- Đó là điều ông muốn: tôi phải đóng vai quỷ trong màn hát hình của ông - hét to, nghiến răng và le lưỡi - và có vẻ tự nhiên càng tốt. Danton và các bạn hữu của ông ấy đã được tha cho công tác đó.

Gletkin khép tập hồ sơ. Ông hơi nghiêng mình tới trước và sửa lại tay áo.

- Những lời tự thú của ông trong vụ án sẽ là công tác cuối cùng mà ông có thể giúp cho đảng.

Roubachof không trả lời. Ông nhắm mắt và nghỉ mệt dưới ánh sáng đèn như kẻ ngủ kiệt sức dưới ánh mặt trời; nhưng vẫn không thể tránh khỏi giọng nói của Gletkin:

- Danton và Quốc ước Hội nghị chỉ là trò trẻ trước những gì đang đặt ra ở đây. Tôi có đọc nhiều cuốn sách về những chuyện đó; những kẻ đó mang tóc giả đánh phấn và hét to về danh dự cá nhân của họ. Đối với họ, điều quan trọng là chết với một cử chỉ đẹp, không cần nghĩ xem cử chỉ đó là tốt hay xấu.

Roubachof nín thinh, ông bị ù tai; giọng của Gletkin đè lên ông; nó đến từ khắp nơi bao quanh ông; nó đập lên sọ đau đớn của ông không chút xót thương.

- Ông biết cái gì được đặt ra ở đây - Gletkin tiếp - Lần thứ nhứt trong lịch sử, một cuộc cách mạng chẳng những chiếm được chánh quyền, mà còn giữ được chánh quyền đó nữa. Chúng ta làm cho nước ta trở thành một pháo đài của kỷ nguyên mới. Nó chiếm một phần sáu diện tích quả đất và chứa đựng một phần mười dân số trên thế giới.

Giọng của Gletkin hiện thời vang lên ở sau lưng Roubachof. Ông ta đã đứng lên đi qua đi lại trong phòng. Lần thứ nhứt một việc như vậy xảy ra. Đôi giày cao cổ của ông nghiến lên từng bước, và một mùi chua của mồ hôi và da thuộc lan ra.

- Khi Cách mạng thành công ở nước ta, chúng ta tưởng tượng thế giới còn lại sẽ noi theo ta. Ngược lại, một làn sóng phản ứng lại nảy sanh, hăm dọa chôn vùi ta. Có hai trào lưu trong Đảng. Một, gồm những kẻ mạo hiểm muốn liều lĩnh đưa sự chiến thẳng xa hơn trong mục đích khích động cuộc cách mạng ở ngoại quốc. Ông là một trong số người đó. Chúng tôi nhìn nhận rằng trào lưu đó nguy hiểm và thanh toán nó.

Roubachof muốn ngẩng đầu lên nói. Tiếng giày của Gletkin vang lên trong đầu ông. Ông quá mỏi mệt. Ông ngả mình ra sau và không mở mắt.

- Đảng trưởng, - Giọng Gletkin tiếp - có một viễn ảnh rộng hơn và một chiến thuật bền dẻo hơn. Ông hiểu rằng tất cả lệ thuộc vào khả năng cố sống cho qua thời kỳ phản ứng thế giới và gìn giữ pháo đài. Ông hiểu rằng chuyện đó có thể kéo dài mười, hoặc hai mươi, hoặc năm mươi năm, đến khi thế giới chín mùi cho một làn sóng cách mạng mới. Từ đây tới đó chúng ta chỉ có một bổn phận duy nhứt là: không chết.

Một câu lơ lửng trên mặt trí nhớ của Roubachof:

“Bổn phận của một nhà cách mạng là bảo vệ sự sống còn của chính mình”. Ai nói câu đó? Chính ông, Roubachof? Hay Ivanof? Chính ông đã nhân danh nguyên tắc đó mà hy sinh Arlova. Và sự kiện đó đưa ông đến đâu?

- Không chết - Giọng Gletkin nói - Phải giữ thành trì với bất cứ giá hy sinh nào. Đảng trưởng đã nhìn nhận nguyên tắc đó với một sự sáng suốt vô song, và không ngớt áp dụng nó. Chánh sách Quốc tế phải lệ thuộc chánh sách quốc gia. Kẻ nào không hiểu điều cần thiết đó phải bị tiêu diệt. Nhiều đoàn công chức tài giỏi của chúng ta ở Âu châu đã bị xử tử. Chúng ta không ngần ngại nghiền nát những lớp người do chính ta đào tạo ở ngoại quốc khi quyền lợi của Pháo đài bắt buộc. Chúng ta đã không lùi bước trước việc hợp tác với cảnh sát các nước phản động để tiêu diệt những phong trào cách mạng nổi lên bất hợp thời. Chúng ta không ngần ngại phản bội bạn hữu và hòa giải với kẻ thù để bảo vệ Pháo đài. Đó là trách nhiệm mà lịch sử giao phó cho ta, những đại diện của cuộc cách mạng thắng lợi đầu tiên. Những kẻ cận thị, những nhà thẩm mỹ, các luân lý gia không hiểu như vậy. Nhưng lãnh tụ cuộc Cách mạng đã hiểu rằng tất cả tùy thuộc một sự kiện: có hơi dài hơn những kẻ khác.

Gletkin ngưng đi trong phòng. Ông đứng sau lưng Roubachof. Cái thẹo trên đầu trọc của ông bóng loáng mồ hôi. Ông thở hào hển, dùng khăn tay chậm mồ hôi trán, và có vẻ bối rối đã mất sự dè dặt thường lệ.

Ông ngồi lại bàn và sửa tay áo. Ông hạ bớt cường độ ánh sáng và tiếp với giọng lạnh lùng bình thường:

- “Đường lối của Đảng đã được vạch ra rõ ràng. Chiến thuật của Đảng đã được quy định bằng nguyên tắc mục đích biện chính cho thủ đoạn - tất cả các thủ đoạn, không từ bỏ cái nào. Chính trong tinh thần của nguyên tắc đó, thưa công dân Roubachof, ông Biện lý xin xử ông tử hình.

Loạn Đảng của ông, công dân Roubachof, đã bị đập tan và hành quyết hết rồi. Ông muốn chia rẽ Đảng, ông phải biết rằng mọi phân hóa trong Đảng đều đưa tới nội chiến. Ông đã hay biết sự bất bình của nông dân, vì họ không hiểu ý nghĩa của những hy sinh mà họ bị bắt buộc phải nhận. Trong một trận giặc có thể chỉ vài tháng thôi, những trào lưu như vậy khả dĩ đưa đến hiểm họa. Do đó, Đảng cần phải giữ sự thống nhứt của mình. Nói rõ hơn là Đảng phải được đúc trong một chiếc khuôn duy nhứt - thấm nhuần một kỷ luật mù quáng và một tin tưởng tuyệt đối. Ông và các bạn hữu của ông, công dân Roubachof, các ông đã mở một vết thương trong cơ thể Đảng. Nếu sự hối hận của ông xác thực, thì ông phải giúp chúng tôi hàn gắn vết thương đó. Tôi đã nói với ông, đó là công tác chót mà Đảng đòi hỏi nơi ông.

Công tác của ông rất giản dị. Chính ông đã vạch nó ra: nhuộm vàng cái Chính, nhuộm đen cái Tà. Chánh sách của đối lập là tà. Bổn phận của ông là làm cho đối lập bị khinh khi; là làm cho quần chúng hiểu rằng đối lập là một tội ác và những lãnh tụ đối lập đều là những kẻ phạm tội ác. Đó là một ngôn ngữ giản dị mà quần chúng hiểu được. Nếu ông nói về những động cơ phức tạp, ông sẽ gieo sự hồ đồ vào quần chúng. Bổn phận của ông, công dân Roubachof, là tránh gợi thiện cảm và sự tội nghiệp của quần chúng đối với ông. Đối lập được thiện cảm và thương hại là một hiểm họa cho đất nước.

Đồng chí Roubachof, tôi mong rằng ông đã hiểu công tác mà Đảng giao phó cho ông”.

Đây là lần thứ nhứt từ khi biết nhau, Gletkin gọi Roubachof là “đồng chí”. Roubachof ngẩng ngay đầu lên. Ông cảm thấy sự phẫn nộ dâng lên trong người mình nhưng ông không làm gì được. Cằm ông hơi rung và ông mang kiếng lên:

- Tôi hiểu.

- Tôi nhấn mạnh rằng Đảng không có một viễn ảnh đền bù nào đối với ông. Một số bị cáo bị áp lực vật chất. Một số khác được hứa tha mạng sống hoặc mạng sống của cha mẹ thân quyến của họ bị chúng tôi giữ làm con tin. Đối với ông, đồng chí Roubachof, chúng tôi không đề nghị một sự trao đổi nào cả, và chúng tôi cũng chẳng hứa hẹn gì với ông hết.

- Tôi hiểu. - Roubachof lặp lại.

Gletkin nhìn qua hồ sơ:

- Trong quyển nhựt ký của ông có một đoạn làm tôi xúc động. Ông đã viết: “Tôi nghĩ và làm đúng với sự cần thiết. Nếu tôi đúng, tôi sẽ không hối hận; nếu tôi bậy, tôi sẽ trả”.

Ông nhìn thẳng vào mặt Roubachof:

- Ông đã làm bậy, ông sẽ phải trả, đồng chí Roubachof. Đảng chỉ có một cam kết duy nhứt: sau khi thắng trận, một ngày nào đó, và nếu chuyện này không còn có thể làm hại được nữa, thì những tài liệu mật sẽ được công bố. Chừng đó, thiên hạ sẽ biết những gì đã xảy ra trong hậu trường của trò hát hình này - như ông đã nói - mà chúng tôi đã phải dựng lên trước thiên hạ để hành động hợp với cuốn sách về lịch sử...

Ông do dự vài giây, sửa tay áo, và kết luận một cách vụng về, trong khi sắc đỏ hiện lên cái thẹo của ông:

- Và chừng đó, ông và vài bạn hữu của ông thuộc thế hệ cũ, các ông sẽ hưởng sự thiện cảm và thương hại mà các ông bị từ chối ngày nay.

Vừa nói, ông vừa đẩy tờ cung khai làm sẵn về phía Roubachof, và đặt cây viết máy bên cạnh. Roubachof đứng lên và nói với nụ cười gượng:

- Tôi tự hỏi mãi khi những con người ăn lông ở lỗ đi tới chỗ tình cảm thì chuyện gì sẽ xảy ra. Bây giờ thì tôi hiểu.

- Tôi không hiểu. - Gletkin nói, và ông cũng đã đứng lên.

Roubachof ký tờ cung khai trong đó ông thú nhận đã phạm những tội ác về những lý do phản Cách mạng và hoạt động cho một cường quốc ngoại quốc. Khi ngẩng lên, ông thấy bức ảnh của Người số I treo trên tường, và ông nhận dáng điệu mỉa mai như đã thông cảm nhau trước mà cách đây mấy năm, Người số I đã từ giã ông - Sự vô liêm sĩ áo não đang nhìn nhân loại từ chiều cao của bức ảnh được treo khắp nơi ấy.

- Nếu ông chẳng hiểu cũng không sao - Roubachof nói - Có nhiều chuyện chỉ có thế hệ cũ, những Ivanofs, những Roubachofs và những Kieffers mới hiểu. Giờ đây, sự kiện đó không còn nữa.

- Tôi sẽ ra lịnh cho họ không làm rộn ông trước khi vụ án mở ra. - Gletkin nói sau một lúc im lặng ngắn.

Ông trở lại thái độ nghiêm trang và chính xác.

Nụ cười của Roubachof trêu tức ông.

- Ông có một mong muốn riêng nào nữa không?

- Ngủ. - Roubachof nói.

Đứng ở cửa, cạnh viên ngục tốt khổng lồ, ông chỉ là một cụ già nhỏ thó vô nghĩa lý với cái kiếng kẹp mũi và bộ râu dưới cằm.

- Tôi sẽ cho lịnh để ông ngủ yên giấc. - Gletkin nói.

Khi cửa đóng lại, ông trở vào bàn việc. Ông ngồi bất động mấy giây. Kế đó, ông bấm chuông gọi thơ ký.

Cô ngồi trong góc, ở chỗ cũ.

- Tôi mừng cho sự thành công của đồng chí Gletkin. - Cô nói.

Gletkin điều chỉnh ngọn đèn trở lại ánh sáng bình thường.

- Thế là hết mất ngủ và kiệt sức - Ông vừa nói vừa nhìn ngọn đèn. Tất cả cái đó chỉ là vấn đề thể chất.