Sau khi thấy một chiếc ghế xoàng xỉnh để trong buồng giấy như trăm nghìn chiếc ghế khác chẳng có vẻ chi quý hiếm, lạ người bạn nói:
- Anh giả bộ với tôi sao, chứ một chiếc ghế như thế này làm sao cao giá thế?
Nhà doanh nghiệp đáp:
- Anh lấy làm lạ cũng phải. Kể về giá trị thực sự, nó chỉ đáng giá 100 bạc, nhưng riêng đối với tôi, năm rồi tôi đã tiêu tốn vì nó ngót 10 vạn bạc. Anh nghĩ, nó êm ả quá, ngồi để suy nghĩ suông thì chẳng có gì là vất vả nguy hiểm nên tôi chỉ thích ngồi trong khi đáng lý ra tôi phải tháo vát, đi đứng, giao tiếp đó đây. Do đó tôi đã mất bao nhiêu thì giờ, để nhỡ bao nhiêu dịp mua bán, mất huê lợi bạc vạn”.
Tạp chí La Vie chuyên về doanh nghiệp thuật lại chuyện nói trên để chúng ta thấy rằng công việc doanh nghiệp không phải là một công việc có thể làm trong vòng một buồng giấy.
Nhưng không riêng gì địa hạt doanh nghiệp, ngay trong việc học cũng thế. Một bạn trẻ sau khi mài đũng quần ghế nhà trường rồi chỉ biết giam mình trong phòng văn, vùi đầu trong đống sách vở, dù có đỗ đạt mấy văn bằng hay cấp bằng thì sự hiểu biết của người ấy cũng chỉ là một thứ hiểu biết suông, chưa co thể mang dùng ngoài đời thực tế một cách có lợi.
Chúng ta há chẳng thấy có những người học rộng, hiểu cao nhưng khi ra đời chẳng làm nên trò trống gì cả. Vì chưa gặp thời nên chưa thi thố đặng sở đắc? Không, họ bị “rớt” khi ra trường đời chỉ vì họ chỉ mới học nửa chừng: học ở nhà trường. Mớ hiểu biết của họ chưa đặng trui vào lò “thực tế”, chưa đủ rắn để chịu đựng với đời.
Khi họ nhớm mình rời khỏi chiếc ghế ở nhà trường hoặc ở buồng giấy để bước ra ngoài phố, tiếp xúc với người, với sự việc, lúc bấy giờ sở học của họ mới thật đắc dụng. Và họ cũng đã đạt đến mục đích tối thượng của học vấn là HÀNH ĐỘNG. HÀNH ĐỘNG CHỨ KHÔNG PHẢI HIỂU BIẾT, như nhà triết học H. Spencer đã nói.
Anh nên xem lại nơi nhà, nếu có những chiếc ghế 10 vạn thì nên dẹp quách nó đi.