Có thể so sánh những tư tưởng nằm trong đầu với những xăng dầu chứa trong bình máy ô tô. Tự nó, dầu xăng không phải là một động lực, nhưng khi có một tia lửa xẹt qua, nó phát cháy lên và biến thành một động lực có thể làm cho một chiếc xe nặng mấy tấn chạy.
Trong đầu lắm người, chứa chất nhiều ý tưởng. Song đó là những ý tưởng suông chẳng ích lợi gì cho họ hoặc cho một ai cả, vì trong đầu họ thiếu một cái “bu-gi” hoặc cái “bu-gi” ấy ỏng, không bật ra một tia lửa nào để có thể biến những ý tưởng hay ho ấy thành những hành động hữu ích.
Hẳn anh đã từng nghe nhiều người tuyên bố: “Năm nay tôi dự định làm công cuộc này”, “Tháng tới tôi sẽ làm công việc kia”. Nhưng năm này sang năm khác họ vẫn lãi nhải “tuyên bố”, “rao nam” “rao bắc” chẳng thấy họ thực hiện một phần nào cả. Họ chưa QUYẾT ĐỊNH.
Biết QUYẾT ĐỊNH và QUYẾT ĐỊNH NHANH CHÓNG là đức tính tối cần cho những nhà tư tưởng, những người chỉ huy, những người làm chủ. Trước khi ra quân, trong “tam thập vạn kế”, vị tướng soái phải QUYẾT ĐỊNH chọn một để thi hành. Vị thuyền trưởng phải QUYẾT ĐỊNH cho chiếc thuyền “hoát” hay “cại” chứ không thể để nó thả trôi theo dòng nước.
Song đó cũng là một đức tính căn bản cho những ai muốn sống một cách “đắc lực”. Trong đời sống hằng ngày ai cũng có dịp để QUYẾT ĐỊNH. Một nhà buôn cần QUYẾT ĐỊNH trong 24 tiếng đồng hồ: nên hay không nên mua một mớ hàng. Một người giúp việc vần QUYẾT ĐỊNH: nên tiếp túc giúp việc cho một hãng tuy trả lương hơi kém nhưng nơi đó họ có dịp học hỏi thêm nhiều hay là xin vào một hãng khác tuy lương bỗng có khá nhưng không có tương lai.
QUYẾT ĐỊNH một việc nhỏ cũng khó khăn như QUYẾT ĐỊNH một việc lớn vì ở hai trường hợp, chúng ta đều cần phải có tính quả quyết, lòng tự tin, tinh thần dám nhận lãnh trách nhiệm. Người biết QUYẾT ĐỊNH là người có một tính khí vượt trên mức bình thường. Vì xét kỹ ra không có một quyết định nào hoàn toàn lợi, hoặc hoàn toàn hại. Người biết quyết định là người luôn luôn phải dám liều để: một ăn, hai thua. Muốn quyết định cần nhiều tính khi hơn nhiều óc thông minh. Nhưng tâm lý thông thường của con người là: Sợ khó, sợ mệt, sợ thất bại, vì thế người hoạt động dám quyết định để hành động bao giờ cũng hiếm hơn người học xa, hiểu rộng, có nhiều ý tưởng.
Cho nên khoa học “đắc lực” chủ trương: phải rèn tập tính QUYẾT ĐỊNH như ta rèn tập tính tự chủ, tính yêu đời, lòng tự tin.
Có những lý lẽ để cho những người có thói quen “rụt cổ như rùa” thêm tự tin mà diệt trừ tính rụt rè, lưỡng lự.
1. Khi một người không QUYẾT ĐỊNH làm một công việc gì cả thì họ không thất bại nhưng chắc chắn họ cũng không bao giờ có dịp để làm nên.
2. Khi một người đã QUYẾT ĐỊNH để làm, thì họ đã thành công một phần nào. Dù họ chưa thành công trong công việc họ đeo đuổi, nhưng sự nổ lực của họ không phải là công dã tràng đâu. Rất có thể nó giúp họ thành công trong một việc khác mà họ chưa bao giờ dự tính.
3. Ôn lại lịch sử, chúng ta thấy: những công trình hiển hách phần nhiều là công trình của những người “dám liều” chứ không phải của những người “dè dặt”. Đọc lại tiểu sử các danh nhân chúng ta thấy: tính quả quyết đã giúp nhiều người làm nên chứ không phải đức thận trọng.
Vậy, nếu anh dự định làm nhiều công việc, anh đã thâu thập nhiều ý kiến, nhiều tài liệu, chưa đủ. Chiếc xe đổ xăng đầy, nhưng cái “bu-gi” hỏng không bật lửa cũng thành vô dụng. Hãy xem lại cái “bu-gi” trong đầu anh. Hãy bật một tia lửa vào khối tư tưởng để nó có thể biến thành những hành động. Người biết QUYẾT ĐỊNH mới thật là người HOẠT ĐỘNG.