Phải, thời giờ quý hơn tiền tạc. Nhưng chúng ta thường sợ mất một hai trăm bạc hơn mất một hai tiếng đồng hồ.
Mất năm phút ở đây, ba phút ở đó, mỗi dịp mỗi lúc chúng ta để hao hụt đi một ít thời giờ quý báu. Nhưng vì số ít oi nên chúng ta thường không chú ý đến. Đôi khi chúng ta cũng chú ý đến nhưng rồi lại viện lẽ: “Có hề gì rồi chúng ta sẽ làm việc gấp đôi để chuộc lại những thời giờ đã phí phạm ấy”. Song, rồi công việc lại chồng chất và chúng ta quên hẳn cái việc ráng sức làm bù lại và giờ phút cứ trôi đi mà chúng ta không làm đặng điều gì cả. Thời giờ không sinh sản là thời giờ chết.
Năm cũ gần tàn, có khi nào anh chịu khó tính lại mấy năm qua anh đã mất hết bao nhiêu thời giờ vì những thời giờ chết ấy chăng? Chắc là không, vì có ai lại chịu mất thời giờ để làm cái công việc ấy.
Nhưng nào, chúng ta thử làm cái công việc ấy xem.
Một người khác hẹn anh 10 giờ đến, anh gác tất cả công việc để đợi khách, nhưng 10 giờ 5 phút đã qua khách chưa tới: thời giờ chết.
Nể nang anh em, anh để họ kéo đi ngồi quán cà phê để bàn về vấn đề Triều Tiên hay việc nội các mới của Pháp, những vấn đề mà chúng ta không thể giải quyết: thời giờ chết.
Nằm thả mộng tính việc lập các công ty hàng hải, lập ngân hàng, toàn những chuyện “lấp biển vá trời” trong khi mình chưa có “một đồng trinh”dằn túi: thời giờ chết.
Mất thời giờ để bình phẩm, chỉ trích hoặc giận ghét kẻ khác: thời giờ chết.
Mất cả một buổi tối để đọc một quyển sách nhảm nhí không bổ tâm cũng không bổ não: thời giờ chết.
Đại để đó là một tí dịp để chúng ta phí phạm thời giờ.
Trong tuần này, chúng ta thử chú trọng một cách đặc biệt về những khoảng “thời giờ chết” ấy và thử tìm ra cách nào để chẳng còn một giây phút nào không sinh lợi cả, để dụng thời giờ một cách triệt để, một cách đắc lực.
Có hai cách để biến cải những “thời giờ chết” ấy thành những “thời giờ sống”, có sinh sản:
Phải có một bảng dùng thời giờ mỗi ngày, mỗi tuần, mỗi tháng đã thảo trước.
Luôn luôn có dự bị sẵn trong đầu những việc có thể làm bất luận ở đâu (đọc sách hữu ích, thảo chương trình làm việc, ghi lại những ý kiến hay thoáng qua trí óc) và có thể làm mà không cần thời giờ phát động, nghĩa là có thể làm ngay không mất thời giờ “sang số”. Nghĩa là trong mình luôn có sẵn một cuốn sổ tay, một cây bút chì, một cuốn sách. Mỗi khi trong bảng thời giờ hằng ngày bị gián đoạn bởi một khoảng “thời giờ chết” chúng ta lập tức trám vào những công việc thay thế ấy.
Nhặt mót ở đây một vài phút chẳng đáng là bao, nhưng suốt năm chúng ta sẽ thấy chúng ta đã làm thêm đặng bao nhiêu việc.
NẾU BẠN YÊU ĐỜI BẠN ĐỪNG PHUNG PHÍ THỜI GIỜ VÌ LÀ NÓNG CỐT CỦA ĐỜI SỐNG. Câu kết này không phải của chúng tôi mà chính là của một người đã sống mtộ cách “đắc lực” và đã thành công, ông: B. Franklin.