Xui xẻo cho anh ấy là suốt tuần anh không lãnh được một mối hàng nào cả, nhưng anh vẫn tươi cười đáp: “… Tôi chưa bán đặng món hàng nào cho khách, nhưng tôi đã bán cho họ “lòng tín cẩn” ở món hàng mà họ rất cần thiết”.
Nhà kỹ nghệ này bàn thêm: “Câu trả lời này mới ý nhị làm sao! Bán cho người đời “lòng tín cẩn” thì suốt đời doanh nghiệp tôi chỉ cốt làm công việc anỳ. Một bí quyết để thành công trên thương trường là “gây đặng lòng tín cẩn của người khác”.
Và thưa anh, đó cũng là một bí quyết để thành công trên đường đời vậy. Đó là một số vốn liếng rất cần, cần cũng như số vốn bằng tiền bạc và có khi còn quý hơn. Vì sao? Vì rằng: chưa có tiền bạc mà đặng lòng tín cẩn của người khác thì luôn luôn còn hy vọng làm ra tiền, còn trái lại mất lòng tín cẩn của người khác thì đôi khi mất cả sự nghiệp.
Làm cho người khác tín cẩn ở tài năng của mình, ở sức làm việc của mình, ở chí cương quyết của mình, ở lòng hăng hái của mình, ở sự thành công của mình, ở lòng trung thực của mình, ở đức liêm chính của mình, ở lòng biết ơn của mình, người biết bán đặng hàng cho người đời “lòng tín cẩn” ấy có lo gì không có người giúp đỡ mình không bằng cách này hay cách khác để mình lập nghiệp.
Anh sẽ hỏi tôi: “Làm thế nào để bán đặng “lòng tín cẩn” cho người khác?”. Khoa học “đắc lực” dạy rằng: Trước hết ta phải biết tin tưởng nơi mình (có tin tưởng nơi mình mới có thể làm cho người khác tin mình); sau đó, khởi sự làm một vài công việc gì đó để chứng minh giá trị của mình (người ta chỉ tin theo việc làm của anh chứ không ai tin theo lời nói anh đâu, dù là lời nó khéo).
Nói một cách khác: Anh hãy nổ lực trước rồi hẳn cậy trông rằng… sẽ có người tin cậy nơi anh sau.