Những nhà cố vấn tổ chức này chuyên lo việc tổ chức công việc làm ở các xưởng máy, các ty, các sở, các hiệu buôn cho hợp với phương pháp khoa học để vừa tiết kiệm tiền bạc mà có thể gia tăng sản xuất.
Khi nhà kỹ nghệ thấy việc sản xuất của xưởng mình sút kém bất thường, khi một viên chủ sự thấy “nghẹt thở” bởi những đống giấy má rườm rà nhưng vô dụng, khi một thương gia rối óc với những con số mà viên kế toán không làm chủ nổi, thì họ cho mời nhà cố vấn tổ chức đến để tìm xem nguyên do vì đâu công việc làm không đặng chạy.
Mỗi khi được mời đến “khám bệnh” cho một xí nghiệp hay một phòng văn, công việc làm đầu tiên của nhà cố vấn tổ chức ấy là quan sát về cách tổ chức, cách hoạt động hiện hữu của xưởng hoặc sở ấy. Trong khi đi quan sát như thế, họ để ý xét về những dụng cụ, những hàng hóa, những phương pháp làm việc, về những nhân viên giúp việc và luôn luôn họ đặt câu hỏi: “Cái này có ích gì chăng?”. Câu hỏi này làm trắc nhiệm để đo lường năng suất của một vật, một phương pháp, hoặc một người.
Vào kho hàng, họ có thể thấy nhiều hàng hóa bị màn nhện phủ giăng. Hàng hóa ấy là tiền bạc đấy, nhưng hàng hóa không lưu thông đã là những vật vô giá trị.
Vào phòng giấy họ có thể thấy giấy má, nhiều châu tri làm ra để mà làm hoặc chặn nghẹt guồng máy hành chánh. Phương pháp tổ chức văn phòng chưa vén khéo nên việc làm không chạy.
Vào xưởng thợ, họ có thể thấy mặt rất nhiều thợ, nhưng rất ít tay làm, hoặc nhiều tay chân hoạt động một cách vô ích. Cách làm việc ở xưởng ấy chưa đặng hợp lý hoặc hoặc những thầy thợ chưa đặng tuyển trạch chu đáo nên sản xuất kém.
Một trong những nguyên tắc chính của khoa học đắc lực là: Phải biết phân biệt những gì có ích với những gì vô ích. Thỉnh thoảng bạn cũng nên dùng câu hỏi “Cái này có ích gì chăng?” để kiểm soát lại đời mình, thử xem mình có phải là người đắc lực chăng?
Hãy xem lại xung quanh mình, xem những món đồ của mình, phương pháp học hành hoặc phương pháp làm việc của mình rồi tự hỏi: “Nó có ích cho mình chăng?”, xét lại những người cộng sự của mình, những người mình giao du và tự hỏi: “Họ có ích gì cho mình chăng?”.
Và xét ngay ở chính mình: có những thói quan nào vô ích chăng? Có những thành kiến nào vô bổ chăng?
Nếu có,bạn nên mau vứt nó đi cho nhẹ gánh, nếu vì mạng nặng theo mình những món đồ vô dụng mà bạn phải chậm tiến trên đường đời thì không phải là việc lạ.