Trên dưới 1/10 sao, anh là nhà vô địch, tên anh đặng khắc vào bảng vào, đời sau còn nhắc nhở, hoặc anh chỉ là một kẻ bại trận, chỉ đáng rước những lời an ủi, tên tuổi anh sẽ chìm dần trong lãng quên. Thể thao có những lề luật khắt khe thật, nhưng không phải là không công bằng.
Anh còn ngờ? Đây, một ví dụ khác: Lấy một chàng thanh niên nào bất luận, mạnh chân khỏe tay, bắt hắn tập dượt trong vài tháng, hẵn có thể ra sân vận động chạy 100 thước trong 14 sao đồng hồ. Và khắp trong nước ít ra cũng có hàng chục ngàn thanh niên có thể chạy nhanh như thế. Trong khi đó, nhà vô địch trong nước chạy khoảng đường ấy cũng phải mất ngót 11 sao. Giữa nhà vô địch và một tay mơ, giá trị cách nhau chỉ độ 3 sao! Làm gì chàng thanh niên nọ không đinh ninh rằng hắn có kém gì nhà vô địch bao nhiêu, nhưng các nhà huấn luyên viên thể thao già dặn đều biết rõ: trong số hàng chục ngàn thanh niên đã chạy 100 thước trong 14 sao ấy, dù có huận luyện họ cách nào, công phu đến đâu, chưa chắc đã tìm được “con chim lạ” có thể chạy 100 thước dưới 11 sao. Và ở thế vận hội trong số 100 anh tài các nước quần tụ lại để tranh giải, chỉ có 6 anh chạy độ 10 sao 5/10 đặng lọt vào các trận chung kết. Ở trận cuối cùng này, nhà vô địch thế vận hội lập kỷ lục với thành tích 10 sao 2/10 chỉ hơn người về kế độ 1/10 sao.
Sự phân cách nhau khít khao quá! Có ai sẽ ngờ vực giá trị của người thắng cuộc chăng? Không, những nhà thể thao đều biết: nếu có cáp độ lại thì nhà vô địch vẫn là nhà vô địch mà người thua trận lại vẫn thua… trong đường tơ kẻ tóc.
Cai hay của thể thao là nó đo lường một cách không sai chạy tài sức của một người. Không sai chạy, vì nó đo lường từng sao đồng hồ, từng phân, từng nấc. Sự hơn kém nhau dù nhỏ nhặt bao nhiêu, cây kim đồng hồ hoặc cây thước cũng có thể chỉ một cách rõ rệt, không một ai có thể chối cãi.
Ở trường đời cũng không khác: xưa giờ đã có bao nhiêu người đã biết ghép vần làm thơ, nhưng chỉ có một… Nguyễn Du mới tặng lại cho đời pho Truyện Kiều. Xưa nay đã bao nhiêu họa sĩ biết họa hình cô thiếu nữ cười duyên, nhưng chỉ có một… Leonard De Vinci mới tạo nổi nụ cười bất hủ của nàng Mona Lisa trong bức họa La Joconde.
Và những gương ở gần chúng ta cũng không thiếu: Ở Sài Gòn có biết bao nhiêu gánh phở? Nhưng chỉ có gánh phở ở đường T… là đặng khách đến ăn đông nghẹt. Đường Lê Lợi có bao nhiêu hiệu giày? Nhưng chỉ có một hiệu là không bao giờ vắng khách.
Cứ theo cái đà này, anh có thể dẫn thêm không biết bao nhiêu thí dụ để chứng minh rằng: bất luận trong địa hạt nào cũng phải có một người về nhứt… và nhiều người thua trận. Người về nhứt thường khi chỉ hơn người ở một điểm “mảy may” nào đó.
Nhưng ở trường đời không có lối đo lường tài sức người bằng đồng hồ, bằng cây thước nên khó lòng làm cho một người nhận thấy: có một người khác đã hơn họ. Càng khó lòng làm cho họ hiểu rằng người ấy có thể hơn họ chỉ trong 1/10 sao đồng hồ!
Do đó, nhiều người luôn ghen tỵ, bất mãn, gièm siễm, không bao giờ biết ngã nón trước sự thành công của người khác.
Thưa anh, nếu anh muốn trở nên người “đắc lực” anh nên thừa nhận lề luật khắc khe của thể thao mà cũng là của đời sống. Anh nên nhớ kỹ: Trên dưới 1/10 sao, người ta có thể là nhà vô địch hay là một kẻ thua trận, một tài năng hoặc một tên vô danh, người ta có tểh thành công hay thất bại.
Có nhìn nhận lề luật khắc khe của trò chơi ấy thì trong khi tranh đấu ngoài đời anh mới biết nỗ lực, tận lực tranh đua để không một ai có thể hơn mình dù chỉ hơn 1/10 sao.
Thành công chỉ đến với những người biết làm hơn người khác dủ chỉ hơn 1/10 sao thôi. Phải không anh?