Khi xuống thang gác, chàng đã may mắn tránh mặt được bà chủ trọ. Căn buồng xép của chàng kê sát dưới mái một toà nhà cao năm tầng và trông giống một cái tủ hơn là một gian phòng ở. Còn bà chủ - người cho chàng trọ, dọn cơm tháng và cho chàng mượn cả người dọn buồng - thì ở một căn nhà riêng phía dưới, cách buồng chàng một cầu thang, và mỗi lần ra phố thế nào chàng cũng phải đi ngang cánh cửa gian nhà bếp của bà chủ luôn luôn mở toang nhìn ra thang gác. Cứ mỗi lần đi ngang cánh cửa ấy người trẻ tuổi lại có một cảm giác sợ sệt bệnh tật khiến chàng xấu hổ và cau mặt. Chàng mắc nợ bà chủ trọ lút đầu lút cổ và sự gặp mặt bà ta lắm. Cũng chẳng phải chàng hèn nhát và khiếp nhược đến thế, trái lại nữa là đằng khác, nhưng ít lâu nay tâm thần chàng khích động và căng thẳng khác thường, gần như mắc chứng u uất. Chàng sống cô độc rụt sâu vào nội tâm và xa lánh mọi người, đến nỗi gặp ai chàng cũng sợ chứ chẳng riêng gì bà chủ trọ.
Chàng bị cảnh nghèo khó vùi đập, nhưng gần đây ngay cả tình cảnh túng bấn cũng không còn đè nén chàng nữa. Chàng đã bỏ hẳn mọi công việc và cũng chẳng buồn làm ăn gì cả. Thật ra chàng chẳng sợ mụ chủ nào hết, dù mụ có mưu mô gì để hại, chàng cũng mặc. Nhưng dừng chân trên thang gác, nghe những câu nói lải nhải đã nhàm tai về những chuyện vặt vãnh thường ngày chẳng có lý thú gì đối với mình, những câu đòi nợ dai dẳng, những lời doạ dẫm, than phiền, rồi chính mình lại phải kiếm cớ khất lần, xin lỗi, dối quanh; - không? Thà tìm cách lủi đi như một con mèo, rón rén xuống thang gác và chuồn thẳng một mạch, đừng để ai trông thấy.
Vả chăng lần nầy, khi bước ra phố chàng lại còn lấy làm lạ không hiểu sao mình lại sợ gặp cái mụ chủ nợ ấy đến thế.
"Ta đang mưu đồ một việc như vậy, mà đồng thời lại sợ những chuyện nhảm ấy ư - chàng nghĩ thầm, môi nở một nụ cười kỳ dị - thì… phải… tất cả đều nằm trong tay con người, thế mà nó cứ bỏ lỡ cơ hội, chỉ vì hèn nhát… thật hiển nhiên quá đi rồi. Kể cũng lạ không biết người ta sợ cái gì nhất nhỉ? Bước một bước mới, nói lên một lời mới do chính mình nghĩ ra đấy, họ sợ cái ấy hơn cả… Nhưng mà mình nói nhiều quá! Mình không làm gì chính cùng vì nói nhiều. Mà cũng có lẽ mình nói nhiều bởi vì mình chẳng làm gì cả. Chẳng qua tháng vừa rồi mình đâm ra nói nhiều vì cứ nằm lì suốt đêm ngày trong xó mà nghĩ đến… chuyện trên trời dưới đất. Nhưng bây giờ mình đi thế nầy đề làm gì? Chả nhẽ mình có thể làm việc ấy sao? Việc ấy liệu có phải là chuyện nghiêm chỉnh không? Chẳng nghiêm chỉnh gì đâu. Thế thôi, chẳng qua mình tưởng tượng ra để tự tiêu khiển: chuyện đùa ấy mà. Phải, có lẽ chỉ là chuyện đùa thôi cũng nên?"
Ngoài đường phố nóng như thiêu đốt, không khí ngột ngạt, người qua lại xô đẩy, chen chúc nhau, đâu đâu cũng thấy ngổn ngang những vôi, gạch, gỗ xây nhà, bụi bặm, và phảng phất cái mùi hôi hám của mùa hè rất quen thuộc đối với những người dân Petersburg nào không thuê nổi một ngôi biệt thự ở ngoại thành. Thần kinh của người trẻ tuổi đã khích động sẵn, lại thêm tất cả những thứ đó dồn dập vào một lúc, nên càng thêm nhức nhối khó chịu. Mùi xú uế xông ra nồng nặc từ các tiệm rượu nhan nhản ở khu phố nầy, và những gã say rượu gặp nhan nhản trên hè phố tuy đang giờ làm việc, càng tô cho màu sắc ảm đạm và dơ dáy của bức tranh thêm đậm đà. Một cảm giác ghê tởm đến cùng cực thoáng hiện một khoánh khắc trên nét mặt thanh tú của người trẻ tuổi. Chàng rất khôi ngô, có đôi mắt thẫm màu rất đẹp, tóc hung đậm, vóc người trên trung bình, mảnh dẻ và cân đối. Nhưng phút chốc chàng dường như đã ngập sâu vào tâm trạng đăm chiêu, hay nói cho đúng hơn, một trạng thái hầu như mê muội; và chàng bước đi, không còn trông thấy gì xung quanh nữa, mà cũng chẳng buồn để ý đến cái gì hết. Chỉ thấy chàng chốc chốc lại lẩm bẩm câu gì trong miệng, theo cái thói quen nói một mình mà chàng vừa tự thú nhận. Lúc ấy chàng cùng nhận thấy ý nghĩ của chàng đôi khi rối loạn và thẩ chất chàng đã suy nhược lắm rồi: đã hai ngày nay chàng hầu như không có miếng gì lót dạ.
Chàng ăn mặc tồi tàn đến nỗi giá phải người khác, dù đã dạn dày chăng nữa, cũng phải thấy ngượng khi bước ra phố giữa ban ngày trong những tấm giẻ rách như vậy. Song ở khu phố nầy thì dù có ăn mặc thế nào cũng khó lòng mà khiến ai ngạc nhiên. Ở đây rất gần khu Chợ Hàng Rơm, lại có nhiều tiệm rượu, dân cư phần lớn là thợ thuyền, chen chúc trong những phố xá và ngõ hẻm ở khu vực trung tâm Petersburg nầy, cho nên quang cảnh chung nhiều khi được tô điểm bằng những mẫu người lắm hình lắm vẻ đến nổi khó có thể ngạc nhiên khi gặp một bóng dáng quá kỳ quặc. Nhưng lòng người trẻ tuổi đã chứa chất một sự khinh miệt hằn học đến nỗi mặc dầu chàng vốn có một tính cả thẹn và tự ái đôi khi rất ngây thơ, chàng cũng chẳng thấy ngượng nghịu chút nào khi phải phô bày những mảnh giẻ rách của mình trên đường phố. Còn như gặp người quen hay bạn học cũ thì đó lại là chuyện khác; nói chung chàng không thích gặp những người nầy… Vừa lúc ấy, có một gã say rượu chẳng hiều tại sao và đi đâu mà lại ngất ngưởng trên một chiếc xe giàn to tướng thắng một con ngựa tải to tướng đang chạy qua phố; khi xe đến ngang tầm người trẻ tuổi, gã say rượu bỗng quát: "Ê, thằng cha đội mũ Đức kia?" rồi giơ tay chỉ chàng ngoác mồm cười rống lên. Người trẻ tuổi dừng phắt lại và lập cập đưa tay lên nắm lấy mũ. Chiếc mũ chàng đội là một chiếc mũ dạ hiệu Zimmermann(1) đã sờn hết tuyết và bạc phếch, loang lổ những vết bẩn và chi chít những lỗ thủng, vành mòn gần sát, méo xệch sang một bên, trông không còn ra cái hình thù gì nữa. Nhưng lúc bấy giờ chàng choáng người đi không phải vì xấu hổ mà vì một cảm giác gỉ khác hẳn, giống như kinh hãi.
- Mình đã biết mà - chàng lẩm bẩm trong cơn bối rối, - chính mình cũng đã nghĩ từ trước! Cái ấy mới tệ hại hơn cả! Chính những cái không đâu như thế, những cái vặt vãnh ngu xuần, tầm thường như thế lại có thể phá hỏng cả một ý đồ! Phải, cái mũ nầy dễ bị chú ý quá! Nó lố lăng, cho nên dễ bị chú ý… ăn mặc rách rưới thế nầy thì nhất định phải đội mũ lưỡi trai, một cái mũ khổ nào đấy cũng được, chứ không thể đội cái vật quái gở nầy. Chẳng thấy ai đội thứ mũ nầy cả, cách xa một dặm người cũng chú ý ngay, họ sẽ nhớ… Cái chính là về sau họ sẽ nhớ, thế là thành một tang vật. Lúc nầy, phải cố sao đừng để ai chú ý mới được.
Những cái vặt vãnh, những cái vặt vãnh lại chính là cái chủ yếu!… Chính những cái vặt vãnh nầy bao giờ cũng làm hỏng hết mọi việc.
Chàng không phải đi xa lắm. Chàng lại còn biết rõ từ cổng nhà trọ đến đấy bao nhiêu bước: đúng bảy trăm ba mươi bước. Trước kia trong khi mơ tưởng mông lung chàng đã có lần đếm. Dạo ấy chính chàng cũng chưa tin là thật và chỉ dùng những mộng tưởng liều lĩnh quái gở nhưng đầy sức cảm dỗ ấy để tự làm cho mình nôn nao, day dứt Nhưng từ dạo ấy đến nay đã được một tháng, chàng đã bắt đầu có một cách nhìn khác, và tuy những khi nói chuyện một mình chàng vẫn tự đay nghiến là bất lực và thiếu quả quyết, chàng dà dần dần quen xem cái mộng tưởng "quái gở" kia như một mưu đồ thật sự, mặc dầu trong thâm tâm chàng vẫn chưa dám tự tin. Bây giờ chàng đang đi "duyệt thử lại" việc đã mưu đồ, và cứ mỗi bước tâm trạng bứt rứt của chàng lại càng tăng thêm.
Tim như ngừng đập chân tay run lẩy bẩy, chàng đến gần toà nhà cao lớn một mặt trông ra con kênh đào, một mặt trông ra phố X… Toà nhà ngăn ra nhiều gian nhỏ làm nơi trú ngụ cho đủ các hạng người: thợ may, thợ khoá, đầu bếp; ở đấy có những người Đức thuộc đủ các loại, những cô gái mãi dâm, những viên thư lại… Qua hai cái cổng dẫn vào hai khoảng sân trước và sau nhà, người ra kẻ vào tấp nập. Trong nhà có ba hay bốn người gác cổng trông nom. Người trẻ tuổi rất hài lòng vì đã không chạm trán phải người nào trong bọn họ. Vừa lọt vào cổng, chàng liền rẽ ngoặt sang phải, lấm lét bước lên cầu thang. Thang gác phụ nầy chật hẹp và tối tăm, nhưng chàng đã biết rõ và đã nghiên cứu cặn kẽ hết những điều đó, nên rất hài lòng: tối thế nầy thì dù có con mắt tò mò nào dòm dõi cũng không ngại. Bây giờ mà mình còn sợ sệt thế nầy, thì giả sử khi đến đây để làm việc ấy thật, cơ sự còn sẽ ra sao?" - Chàng bất giác nghĩ thầm khi bước lên tầng thứ tư. Đến đây chàng phải dừng lại vì gặp phải mấy người cựu binh làm nghề khuân vác đang khiêng bàn ghế đồ đạc trong một gian nhà ra ngoài.
Chàng biết đây là gian của một gia đình công chức người Đức. "Thế nghĩa là lão người Đức kia dọn nhà đi và như vậy trong một thời gian nào đấy ở tầng thứ tư nầy, cuối thang gác nầy, chỉ có gian của mụ già là còn người ở. Như thế rất tốt, nhỡ khi có cần đến…" - Chàng lại nghĩ thầm, rồi đến giật chuông trước cửa mụ già. Cái chuông nhỏ khẽ rung lên rè rè, nghe như tiếng sắt tây chứ không phải tiếng động. Trong những gian phòng chật chội của loại nhà nầy hầu như bao giờ cũng dùng rặt một loại chuông ấy. Chàng đã quên bẵng cái âm thanh rè rè của chiếc chuông, và bây giờ cái âm thanh đặc biệt ấy bỗng như nhắc chàng nhớ lại một điều gì mà chàng chợt thấy hiện rõ mồn một trước mắt… Chàng bỗng rùng mình, vì lần nầy thần kinh chàng đã quá bạc nhược.
Một lát sau, cánh cửa mở hé ra thành một khe hở rất nhỏ; mụ già dòm khách qua khe hở với một vẻ nghi kỵ rõ rệt, chỉ thấy đôi mắt mụ long lanh trong bóng tối. Nhưng thấy ngoài hành lang đông người, mụ dạn dĩ lên và mở hẳn cửa ra. Người trẻ tuổi bước qua ngưỡng cửa, đặt chân vào gian phòng ngoài tối mờ mờ có một bức vách mỏng ngăn cách với một gian bếp chật chội.
Mụ già lặng lẽ đứng trước mặt chàng và nhìn chàng như dò hỏi. Đó là một mụ già khô đét, người bé loắt choắt, tuổi trạc sáu mươi, đôi mắt sắc và ác, cái mũi nhọn hoắt. Đầu mụ để trần, mớ tóc màu gai hơi bạc xức dầu trơn nhầy nhụa. Trên cái cổ mảnh và cao, trông như cái cẳng gà, quấn một thứ giẻ bằng nỉ mỏng, và tuy tiết trời nồng nực, trên vai mụ cũng vắt vẻo một chiếc khăn choàng bằng lông thú xơ xác đã ngả sang màu vàng.
Mụ già ho khục khặc và đằng hắng luôn mồm. Trong khóe mắt của người trẻ tuổi khi nhìn mụ chắc. phải có một cái gì khác thường, vì thấy mắt mụ lại thoáng lộ vẻ nghi kỵ như cũ.
- Tôi là Raxkonikov, sinh viên. Tháng trước tôi có đến nhà bà một lần, - người trẻ tuổi vội nói lắp bắp và khẽ nghiêng minh chào, chàng vừa sực nhớ ra rằng mình cần phải nhã nhặn.
- Tôi nhớ cậu ạ, tôi nhớ rõ là cậu đã có lần đến đây. - Mụ già nói rõ từng tiếng, đôi mắt dò hỏi vẫn nhln chàng xoi mói.
- Thưa bà… lần nầy tôi đến cũng vì việc ấy… - Raxkonikov nói tiếp, hơi lúng túng và ngạc nhiên vì cái vẻ nghi kỵ của mụ già." Chắc mụ tá bao giờ cũng vẫn thế, chẳng qua lần trưởc mình không để ý đấy thôi" - chàng nghĩ thầm với một cảm giác khó chịu.
Mụ già im lặng một lát như suy nghĩ điều gì, rồi tránh sang một bên nhường lối cho khách và chỉ cửa buồng nói:
- Mời cậu vào nhà.
Người trẻ tuổi bước vào một gian phòng nhỏ hẹp, tường dán giấy vàng, cửa sổ có chăng màn nhiễu, trên bậu đặt mấy chậu hoa dương hải đường. Ánh mặt trời lặn chiếu vào phòng sáng rực. "Thế nghĩa là đến lúc ấy ánh nắng cũng sẽ chiếu sáng như thế nầy…". Ý nghĩa ấy bất giác vụt qua óc Raxkonikov.
Chàng đưa mắt rất nhanh nhìn khắp gian phòng một lượt đề xem xẻt và ghi nhớ thật kỹ cách bày biện. Nhưng trong phòng chẳng có gì đặc biệt. Đồ đạc đều làm bằng gồ màu vàng và đã cũ lắm, gồm một chiếc đi-văng lưng rất rộng bằng gỗ uốn, một cái bàn hình bầu dục đặt trước đi-văng, một chiếc bàn trang điểm với một tấm gương móc lên khoảng tường giữa hai khung cửa sổ mấy chiếc ghế đặt dọc tường và vài ba bức tranh rẻ tiền đóng khung gỗ vàng, vẽ những cô gái Đức cho chim đậu trên tay, đồ đạc trong phòng chỉ có thể. Ở một góc phòng, trước một bức tượng thánh nhỏ, leo lét một ngọn đèn thờ. Mọi vật đều sạch sẽ tinh tươm, bàn ghế và sàn nhà đều được đánh xi bóng lộn. "Bàn tay mụ Lizaveta đây" - người trẻ tuổi nghĩ thầm. Khắp gian nhà không tìm đâu lấy được một hạt bụi. "Chỉ có mấy mụ đàn ba goá già nua và độc ác mới có cái nề nếp sạch sẽ như thế nầy" - Chàng tự nhủ tiếp và tò mò liếc mắt về phía bức màn vải hoa trên khung cửa dẫn vào căn buồng nhỏ thứ hai, nơi đặt giường ngù của hai mụ già và một chiếc tủ ngăn. Chàng chưa lần nào ghé mắt vào đấy. Cả gian nhà ở chỉ có hai căn buồng nầy.
- Cậu cần hỏi việc gì? - mụ già nói, giọng nghiêm nghị, trong khi bước vào phòng đứng trước mặt chàng như lúc nãy, đề có thể nhìn thẳng vào mặt chàng.
- Tôi mang cái nầy lại cầm. Đây ạ! - Và chàng móc túi lấy ra một chiếc đồng hồ quả quít mỏng bằng bạc, mặt sau có chạm một quả địa cầu. Dây chuyền đeo đồng hồ đánh bằng thép.
- Nhưng chuyến cầm lần trước đã hết hạn rồi. Cậu hẹn một tháng: đến nay đã quá mất ba ngày.
- Tôi sẽ trả thêm cho bà một tháng lãi nữa. Bà nán đợi cho ít lâu.
- Cái đó còn tuỳ tôi, cậu ạ, nán đợi hay đem bán ngay bây giờ là tuỳ tôi.
- Cái đồng hồ nầy liệu có được nhiều tiền không, bà Aliona Ivanovna?
- Cậu cứ đem đến đây rặt những của rẻ thối không đáng giá một xu. Lần trước cậu đem cầm chiếc nhẫn tôi đưa cậu hai tờ(2), chứ thật ra đến hàng thợ bạc mà mua thì dễ chỉ đến một rúp rưỡi.
- Bà ứng cho tôi bốn rúp, tôi sẽ chuộc lại, chả đấy là vật kỷ niệm của cha tôi. Tôi sắp lĩnh được món tiền.
- Một rúp rưỡi, tiền lãi trừ trước, cậu không ưng thì thôi vậy.
- Một rúp rưỡi? - người trẻ tuổi thốt lên.
- Tuỳ cậu đấy, - mụ già nói đoạn trao trả chiếc đồng hồ lại. Người trẻ tuổi cầm lấy, lòng căm uất đến nỗi toan bỏ đi ngay. Nhưng chàng chợt nghĩ lại, sực nhớ rằng mình chẳng còn biết đi đâu nữa; vả chăng chàng đến đây còn có mục đích khác.
- Bà đưa tiền đây, - người trẻ tuổi nói, giọng cộc cằn.
Mụ già lục túi tìm chùm chìa khoá và đi sang buồng bên, sau bức màn. Đứng lại một mình giữa căn phòng, người trẻ tuổi tò mò lắng tai nghe ngóng và nhẩm suy tính. Bên kia có tiếng mụ già mở tủ ngăn. "Chắc là ngăn trên cùng - chàng phỏng đoán - Mụ ta bỏ chìa khoá ở túi bên phải… Mấy chiếc đều móc vào cái khâu bằng thép thành một chùm. Có một chiếc to gấp ba mấy chiếc kia, đầu khoá răng cưa, chắc hẳn không phải chìa khoá mở tủ ngăn… Thế nghĩa là còn có một cái tráp hay một cái rương gì đấy… kể cũng lạ. Chìa khoá rương đều như thế cả… Nhưng sao ta lại có những ý nghĩ hèn hạ đến thế…"
Mụ già trở ra.
- Đây cậu ạ: mỗi tháng trừ lãi mỗi rúp một hào, tôi trừ trước một tháng lãi, vị chi mỗi rúp rưỡi trừ một hào rưỡi. Thế với lại trừ thêm vào chỗ hai rúp tháng trước của cậu hai hào nữa, vị chi cả thảy là ba hào rưỡi. Vậy bây giờ tôi đưa cậu một rúp mười lăm cô-pếch tiền cầm đồng hồ. Đấy cậu cấm lấy!
- Ơ! Thế ra bây giờ chỉ còn một rúp mười làm cô-pếch thôi ư?
- Đúng thế đấy ạ.
Người trẻ tuổi không cãi lại, lắng lặng cầm lấy tiền. Chàng nhìn mụ già và chần chừ chưa đi vội, như còn muốn nói gì hay làm gì nữa, nhưng cụ thể là cái gì thì dường như chàng cũng không rõ.
- Bà Aliona Ivanovna ạ, có lẽ nay mai tôi lại sẽ mang lại một cái nữa… bằng bạc… đẹp lắm… một chiếc hộp đựng thuốc lá… khi nào tôi lấy ở bạn tôi về… - chàng đâm luống uống và im bặt.
- Thôi đến luc ấy hẵng hay cậu ạ.
- Chào bà… Thế bà lúc nào cũng ở nhà một mình à? Bà em đi vắng à? - chàng cố lấy giọng thật ung dung hỏi mụ già khi bước ra phòng ngoài.
- Cậu hỏi mụ em nhà tôi có việc gì thế?
- Thì… cũng chẳng có gì đâu. Tôi chỉ hỏi thế thôi. Chắc bà lại tưởng… Thôi chào bà Aliona Ivanovna.
Raxkonikov ra về, tâm thần mỗi lúc một thêm bối rối. Khi xuống thang gác, chàng còn dừng lại mấy lần như chợt có điều gì làm cho chàng choáng cả người đi. Và cuối cùng, khi đã ra phố hàng thốt lên: "Trời ơi! Ghê tởm quá! Mà có lẽ nào, lẽ nào ta lại không, chỉ là chuyện nhám, phi lý hết sức? - chàng ngần ngừ nói thêm. - Chả nhẽ một việc khủng khiếp như vậy mà ta có thể nghĩ đến? Lòng ta có thể chứa đựng những điều nhơ nhuốc như thế ư? Tệ hơn cả là nó bẩn thỉu, xấu xa, kinh tởm hết sức!… Thế mà suốt một tháng ròng ta có thể…"
Nhưng những lời nói, những tiếng kêu chàng thốt ra không sao biểu lộ hết nỗi xúc động trong lòng chàng.
Cái cảm giác ghê tởm cùng cực đã bắt đầu đè nén, dày vò chàng ngay từ khi đang đi đến nhà mụ già, bây giờ đã mãnh liệt và rõ ràng đến nỗi chàng không còn biết trốn vào đâu cho thoát cơn ám ảnh nầy. Chàng bước trên vỉa hè như người say rượu, không trông thấy người qua đường và cứ xô phải họ, mãi đến phố sau chàng mới định thần lại. Đưa mắt nhìn quanh, chàng nhận thấy mình đang đứng trước một tiệm rượu dọn trong một gian nhà hầm có mấy bậc thang từ trên vỉa hè dẫn xuống cửa ra vào. Vừa lúc ấy có hai gã say rượu từ trong tiệm dìu nhau hước ra, mồm chửi bới lảm nhảm. Raxkonikov không nghĩ ngợi gì lâu. Chàng lập tức bước xuống mấy bậc thềm. Xưa nay chàng chưa lần nào vào quán rượu, nhưng bây giờ chàng thấy chóng mặt và thêm vào đấy lại khát bỏng cả họng. Chàng đang thèm uống một cốc bia lạnh, và hơn nữa chàng chợt có ý nghĩ rằng mình đột nhiên bạc nhược hẳn đi như thế nầy là vì đói. Chàng đến ngồi ở một góc tối và bẩn, cạnh một cái bàn nhớp nháp, gọi bia và khao khát nốc cạn cốc thứ nhất. Lập tức mọi vật đều sáng tỏ ra, và trí óc chàng cũng trở nên minh mẫn. "Tất cả những cái đó đều là chuyện nhảm, - chàng nói, lòng khấp khởi hy vọng, - chẳng việc gì mình phải bứt rứt! Chẳng qua là một sự rối loạn về cơ thể. Chỉ cần uống cốc lia. cắn miếng bánh - thế là trong một thoáng trí óc đã lại minh mẫn, ý định đã lại vứng vàng! Xì! toàn chuyện không đâu!" Nhưng tuy chàng nhổ nước bọt một cách khinh bỉ như vậy, khoé mắt chàng cùng đã vui hẳn lên, dường như chàng vừa đột nhiên thoát khỏi một ách gì khủng khiếp. Chàng đưa mắt thân mật nhìn những người ngồi trong tiệm. Nhưng ngay trong phút ấy chàng cũng mơ hồ cảm thấy tâm trạng lạc quan nầy có một cái gì bệnh tật.
Bấy giờ trong tiệm rượu chỉ còn lác đác mấy người khách. Ngoài hai người say rượu chàng đã gặp trên bậc thang, sau họ còn có cả một tốp khoảng năm người ra về, lôi theo một cô gái điếm, vừa đi vừa kéo phong cầm - Họ đi khuất, quán rượu im lặng và rộng rãi hẳn ra. Chỉ còn lại môt người hơi ngà ngà say ngồi trước mặt cốc bia, dáng dấp như một người tiểu thương, bạn hắn là một người to béo phục phịch mặc áo xibirca dài, để bộ râu hoa râm; say tuý luý, hắn nằm ngủ trên chiếc ghế dài và thỉnh thoảng, như chợt tỉnh giấc, lại bẻ ngón tay kèu răng rắc, vươn vai và nhấc lưng lên dây mấy cái, nhưng vẫn không ngồi dậy, mồm khẽ ê a hát một bài nhám nhí nào đấy, vừa ngâm nga vừa cố nhớ lại những câu thơ như:
Suốt năm hú hí với nhà tôi
Suốt năm hú… hú h…í hí …
Hoặc sau một lát lại sực tỉnh, hát:
Đang đi trên phố Podiatsexkaya
Tôi bỗng gặp người năm xưa…
Nhưng chẳng ai buồn chia sẽ hạnh phúc của hắn, thậm chí bạn hắn còn tỏ thái độ thù địch và nghi ngờ đối với những cơn cảm hứng nầy trong tiệm còn có một người trông vẻ như một viên công chức về hưu. Hắn ngồi riêng ra một xó, trước mặt để một be rượu, chốc chốc lại nhấp từng ngụm nhỏ và dạo mắt nhìn quanh. Hình như hắn cũng đang có chuyện gì bứt rứt.
Chú thích:
(1) Zimmermann, một hiệu mũ dạ nổi tiếng của Đức
(2) Ý nói hai đồng rúp tiền giấy.