Tóc Ngắn

Chín

Buổi tối Trúc tới rủ tôi đi uống cà phê. Không khí ngoài đường còn ẩm ướt và mát lạnh. Những lá cây đan xen vào nhau loang loang ánh đèn như những con mắt tò mò nhìn chúng tôi không chớp. Tôi le lưỡi trêu ghẹo và thấy những con mắt lá cũng nheo nheo tinh nghịch.

Trúc hỏi, giọng hồi hộp: “Có biết chuyện gì chưa?” – “Chưa. Bộ trái đất sắp ngừng quay à?” – “Còn hơn cả thế nữa – Nó lắp bắp – Má Trúc về”. Tôi vội đưa tay lên sờ trán Trúc sợ mấy ngày nay mệt nó đâm nóng sốt mê sảng. Nhưng không, trán nó vẫn mát lạnh “Giỡn hay thiệt đó ông?” – “Thiệt mà. Má Trúc là cái bà hồi hôm đó!” – “Bà hồi nào?” – “Bà mặc đầm đen tới kiếm nội”. “À, thảo nào hèn…” – Tôi reo lên mùng rỡ: “Ly kêu bả giống Trúc mà con Thục hổng tin” – “ Đâu có, Trúc giống má chớ” – “Ờ há – Tôi phì cười – Chớ hồi giờ bả ở đâu không về kiếm Trúc?” – “Ở Mỹ. Bả mới về đây được một tháng. Tới nhà cũ không ai biết Trúc ở đâu, may nhờ có người bà con xa nhắn tin, má mới kiếm ra Trúc. Ly thấy sao?” – “Là sao?” – “Là Ly cảm thấy thế nào?” – “Vui muốn chết. Vậy là điều ước thứ nhất của Trúc thành rồi” – “Ờ mình đâu có ngờ đâu hén. Thiêng thiệt, chắc có nội phù hộ. Trúc thấy mình như ở trong mơ từ đó tới giờ”.

Chúng tôi yên lặng. Có tiếng nước róc rách chảy từ bồn cá và tiếng guita bập bùng thoảng trong gió. “Có nên không Ly?” Tôi ngớ người: “Nên cái gì cơ?” – “Ly thiệt… - Trúc ngần ngừ - Má Trúc về bảo lãnh Trúc sang Mỹ. Có nên đi không?” Tôi ngẩn mặt: “Sao giờ mới về đón Trúc?” – “Tại trước chưa có điều kiện. Khó nghĩ quá há!” Tôi không kịp nghĩ gì. Sau cùng tôi chậm rãi, cảm giác mình như một bà cụ non mười sáu tuổi, đầu cắt tém, lúc lắc người trong cái ghế nhựa lạnh ngắt: “Ly nghĩ chắc Trúc nên đi. Phải như nội còn sống thì khác. Đằng này nội mất rồi. Trúc còn mỗi má là người thân duy nhất. Trúc không ở với má thì ở với ai? Còn nữa bạn bè tụi mình thân nhau thật. Nhưng biết đâu sang bên đó Trúc thân khối vạn người hơn tụi này sao”. Tôi nghe giọng mình lạc đi đành câm bặt. “Ly nói thế mà nghe được. Làm như Trúc là người dễ thay đổi lắm á. Trúc sợ đi không biết bao giờ Trúc mới về được” – “Ráng học giỏi, ráng làm việc là đủ tiền về liền” – “Để Trúc nghĩ kỹ lại – Trúc mân mê ly nước – Chỉ tội cho nội, lúc đỡ khổ thì lại không có mặt. Hồi đó Trúc gắt bà miết”.

Tôi nhắm mắt thật chặt rồi mở bừng mắt. Ánh đèn vàng mắc trên nóc dù chiếu xuống soi rõ niềm hạnh phúc đang tràn ngập trên mặt Trúc. Tôi nhủ thầm, như vầy còn suy nghĩ gì nữa. Mở ước đã cầm chắc trong tay ai lại nỡ vứt đi.

Cuối cùng thì Trúc cũng quyết định sau khi hỏi thăn ý kiến của bao nhiêu người và dĩ nhiên cả ý kiến của bản thân Trúc, sau bao nhiêu đêm Trúc vắt tay lên trán suy nghĩ. Nhiều lúc phải nhờ đến cả những giọt nước mắt van xin của má Trúc.

Trúc đi vào nửa đêm. Chừng mười giờ Thục, Hiền và tôi kéo nhau ra phi trường. Tối ấy rằm. Trăng tròn vành vạch lơ đễnh chiếu xuống sân bay đông nghẹt người một thứ ánh sáng ngòn ngọt.

Mọi người chen lấn kêu gọi nhau í á. Cứ chừng một người đi lại kéo theo ba, bốn người tiễn. Tụi tôi len mãi mới tới được chỗ Trúc, mồ hôi đầm đìa, thở hổn hển như trâu cày. Trúc lách đám bạn, vội vã nhào ra chỗ chúng tôi: “Trời, sao giờ mới tới vậy?” – “Tìm ông muốn hụt hơi mới lâu vậy. Chao ơi, đông dễ sợ”. Tôi giũ lưng áo ướt chèm chẹp mồ hôi. “Chu choa ông Trúc hôm nay đẹp trai quá hen – Con Thục la to – Áo vét nè, cà-ra-oách nè, lại xách cặp táp nữa chứ. Thiệt hệt ông bộ trưởng con”. Trúc rụt cổ cười, mặt đỏ như gấc. Nó lén giúi vô tay tôi một gói nhỏ: “Nè, tặng Ly đó. Nhớ viết thư cho Trúc nha” và nói to “Thục, Hiền có địa chỉ của Trúc chưa? Mấy bà đừng có lười viết thư đó nghen”. Thục cười hì hì: “Một mình con Ly viết đủ rồi. Cho tụi này ké vài chữ thôi, chịu hôn?”

“Ủa, Ly!” Tôi quay sang ngó thấy Lam đang đứng thọc tay vô chiếc quần jean bạc phếch cười toe miệng, tóc đã cắt bàn đinh lại trông ngổ ngáo. “Anh Lam đi đâu vậy?” – “Vào đâu còn hỏi… Tiễn người nhà đi Mẽo” – “À” – “Ly tiễn ai vậy?” Tôi kéo tay Trúc: “Đây là Lam bạn cùng lớp với Ly. Đây là Trúc, bạn thân. Hai người còn nhớ nhau không?” – “Ờ, nhớ chớ” – Trúc lúng tung. Vừa may má Trúc gọi: “Xong chưa con, mình vô trong”. Trúc gật đầu: “Chào Lam”. Lam xòe tay ra bắt, hồ hởi: “Bồ đi mạnh giỏi há!”

Trúc nói: “Tạm biệt mấy bạn nghen. Nhớ viết thư cho tui nghen!” và nhìn tôi đăm đăm: “Thôi chào Ly, Trúc đi đây. Chừng nào ba Ly không đi công tác xa nữa nhớ biên thư cho Trúc ăn mừng. Vì ba điều ước của mình sẽ thành hiện thực mà”. Nó cười méo xẹo. Tôi biết nó chỉ cố nói vui thôi. Nó đang buồn lắm. “Ly nhớ chăm sóc con Mực, nhớ thắp nhang mộ bà nội giúp Trúc nha. Chừng nào Trúc về…” Nó bắt tay từng người và ôm chầm lấy tôi. Như hai thằng bạn trai thân thiết chia tay.

Nó quay lưng đi, bàn chân vẫn hơi giằn mạnh về bên trái. Tôi cúi đầu nước mắt rơi lã chã.

“Về thôi Ly” – Hiền, Thục giục. Tôi giụi mắt băm bổ bước đi, quên cả Lam đang đứng lẩn quẩn gần đó.

Tôi ngồi vào bàn, mở giấy gói quà của Trúc. Một cái lá thuộc bài ép khô tuột ra khỏi bao băng cassette, đậu khẽ khàng lên chồng vở. Tôi bật cười, nhớ hồi học cấp một, hai đứa thi nhau hái lá thuộc bài ép vô vở vì nghĩ như thế sẽ không tốn công học bài mà vẫn thuộc như cháo. Có đâu ngờ đến giờ kiểm tra hai đứa tắc tị. Tháng đó cùng nhau tụt hạng, cùng nhau khôn lên dược vài phân.

Tôi bỏ cuốn băng vô máy. Một điệu nhạc nhẹ nhàng thoát ra. “Trở về mái nhà xưa” của Ý thật da diết. Trúc hiện ra và bảo: “Trúc sẽ về Việt Nam. Đi đâu mình cũng chỉ có duy nhất một quê hương thôi phải không Ly?” Tôi mơ màng, ngực bỗng đau nhói. Nhưng mà còn ba Ly, ba vẫn đi hoài à Trúc ơi!

Nghỉ tiết. Lớp im lặng được một chút rồi lại ồn như vỡ chợ, mặc Thục Anh đứng trên bục gõ thước vào bảng lộc cộc đề nghị giữ yên lặng. Tôi chui tọt xuống chỗ Xuyến ngồi tán gẫu vì mãi vẫn không hợp được chuyện với Nguyệt voi.

Lam nói trỏng rất to: “Tối qua mưa to dễ sợ”. Xuyến trợn mắt ngạc nhiên: “Mưa đâu mà mưa” – “Thật mà, mưa ngập cả sân bay”. Xuyến vẫn thật thà gân cổ lên cãi: “Xuyến vẫn đi học có thấy gì đâu” – “Kệ nó - Tôi nhìn nó gườm gườm – Nó chọc Ly đó. Tối qua Ly tiễn Trúc đi Mỹ, cũng gặp hắn”. Xuyến cười: “Bộ ông tức à?” Lam giả lơ không nghe thấy, lui cui mượn Như Oanh con dao chuốt bút chì. Tôi nhéo Xuyến một cái ra dáng: “Rõ dớ dẩn”.

“Ái!” Lam la thất thanh. Tôi nghĩ Lam đùa. Nó luôn có những trò đùa kỳ cục làm người ta phải giật bắn mình như thế. Tiếp theo là giọng Oanh, véo von như chim: “Oanh đã biểu mà. Cái dao đó sắc lắm”. Nhật kêu hãi hùng: “Máu ra nhiều quá kìa”. Tôi tái mặt thấy máu từ tay Lam nhỏ tong tong xuống bàn. Tôi phóng ra cửa, chạy bổ uống ba tầng lầu. Phòng y tế khóa cửa. Vòng vèo mãi tôi mới gặp được cô y tá trong thư viện. Sau khi trả lời một tràng những câu hỏi quan tâm không cần thiết, tôi lại hì hục leo lên ba tầng lầu, thở hồng hộc.

Lên tới nơi mặt Lam đã bớt nhăn nhó. Ngón tay đã được buộc băng cẩn thận. Nó đưa ngón tay trước mặt săm soi vẻ rất hãnh diện. Bên cạnh nó Oanh đang cẩn thận lau đi những giọt máu vừa nhỏ xuống bàn.

Tôi cố lấy tay che đi lọ oxy già và cuộn băng to tướng, lủi thủi về chỗ ngồi. Nguyệt vội hỏi: “Nãy giờ Ly đi đâu vậy?” – “Đi toilet. Ai băng cho Lam vậy?” – “Như Oanh chớ ai. Con nhỏ lạ thiệt, lúc nào cũng có một bịch bông ở trong cặp. Nó bảo má nó bắt thế. Ngộ hén?” Tôi gạt mồ hôi tứa ra đầy trán: “Cũng chẳng ngộ lắm. Có khi phải thế thật” và lẩm nhẩm: đỡ phải tẽ tò như mình thế này!

Lam đi lên ghé vô nói: “Cám ơn Ly!” – “Vì cái gì?” Tôi nghi ngờ giọng điệu có vẻ rất thật lòng của nó. “Vì những cái Ly định làm cho Lam”. Nó nhấn mạnh hai từ cuối. Tôi nghĩ nó định chọc quê tôi nên làm mặt lạnh. “Tui chẳng định làm gì cho ai cả” – “Thật à?” Nó cười cười bỏ thẳng ra cửa làm tôi sượng trân người.

Tôi lục tủ lôi cái áo đầm xanh bông trắng cất kỹ từ năm ngoái đến giờ ra mặc thử. Khác hẳn con bé con loắt choắt với bộ mặt nhạu nhị dưới mái tóc cụt ngủn. Một cô nàng duyên dáng và xinh đẹp từ trong gương nhìn tôi không chớp mắt. Cô nàng diễu qua diễu lại như người mẫu thiệt ngộ.

Nghe tiếng động mạnh ở cửa tôi thụt vội vào bếp. Hóa ra chỉ là con Mực cào cửa. Hú hồn. Nếu không thì mắc cỡ chết với chị Lương.

Tôi ngầm so sánh mình với Như Oanh và con bạn thân của Lam. Quả thật tôi không xinh bằng, lại loắt choắt như con chim chích nhưng bù vào tôi có cái đầu không kém ai hết. Bắc lên cân cũng chỉ chòng chành tý chút rồi đứng yên.

Tôi cười tủm, ngường ngượng. Rõ đồ dớ dẩn tự nhiên lại bắt đầu đi so sánh hệt như Lam hồi kia. Mà cổ nhan đã từng khuyên nhủ “Sự so sánh nào cũng khập khiễng” đấy thôi.