Cặp thiếu niên nam nữ, xứng đôi vừa lứa, cả hai đều ham học, đều dễ thương gặp nhau liền khắn khít, liền thân yêu, là con nhà ai ở đâu ?
Xuân với Cúc Hương là hai nhơn vật chánh của truyện nầy, một nghèo một giàu, nhà nghèo thì khổ với nghèo, còn giàu cũng khổ với giàu, vì nặng tình nặng nghĩa nên cả hai đều chịu khổ như nhau, cưu mang nỗi khổ của dương trần, khổ đến kẻ mất người còn, mà tình nghĩa vẫn khư khư, tình không phai, nghĩa không lợt.
Vậy nên dẫn phứt tông tích của cặp thiếu niên nầy ra đây cho rồi, không cần phải giấu giếm nữa.
Xuân thiệt tên họ là Phan Vĩnh Xuân, con trai của Phan Vĩnh Thanh, sanh trưởng tại chợ Giồng Ông Huê, trong một xóm cách chợ ít trăm thước, gọi là xóm Cây Me lớn, vì chỗ đó có một cậy me cố cựu, gốc lớn đến hai người nối tay nhau ôm mới giáp.
Phan Vĩnh Thanh có vợ là Thị Hài, vợ chồng sanh có một đứa con trai, là Vĩnh Xuân đó mà thôi.
Vĩnh Thanh nghèo, nhưng có nghề đương thúng, đương rổ khéo, bởi vậy người trong chợ và mấy làng xung quanh đến đặt đương thúng rổ, phải ngồi làm tối ngày mà cũng không kịp cho người ta lấy. Còn vợ là Thị Hài lại giỏi về nghề mua bán, khi làm bánh bò, bánh ếch, khi nấu bắp, nấu khoai, khi mua ớt, mua rau, khi mua xoài, mua mít, đem ra giữa chợ ngồi bán.
Vợ chồng đều có nghề riêng, bởi vậy nhà tuy nghèo, song cơm gạo đủ, quần áo lành, khỏi nợ nần, không vất vả.
Vĩnh Thanh hồi nhỏ có học chữ nho vừa đủ dùng; lại có hoa tay nên viết chữ coi sắc sảo và tươi tốt. Nhờ hoa tay đó mà được Hương chức trong làng chọn cử lên chức Hương văn, để khi cúng mễu, cúng đình thì Vĩnh Thanh viết văn tế.
Vợ chồng sanh có một đứa con, mà may Vĩnh Xuân có khiếu thông minh, lại có tánh háo học. Mới năm sáu tuổỉ, Vĩnh Xuân thấy con nít trong xóm ôm vở đi học, nó đòi đi theo. Cha nó thấy vậy mới mua sách Tam Tự Kinh rồi lúc nào rảnh rang thì dạy nó học tiếng một và tập nó viết chữ. Chừng nó được bảy tuổi, cha nó đem đến trường ông Giáo Huân xin cho nó học.
Ông Giáo Huân thấy Vĩnh xuân còn nhỏ mà đã thuộc sách và viết được, thì ông đem lòng yêu. Ông ân cần dạy Vĩnh Xuân trong năm năm thì đã dạy tới Tứ Thơ.
Ai thấy Vĩnh Xuân mới 12 tuổi mà học Tứ Thơ cũng cho là kỳ quái, nên gọi là Thần đồng, làm cho ông Giáo Huân càng thêm tự hào nên ông chuyên chú dạy Vĩnh Xuân sốt sắng đặc biệt.
Rủi thay Vĩnh Xuân học Luận Ngữ vừa rồi thì Hương văn Vĩnh Thanh bịnh trong mấy ngày rồi mất.
Thị Hài có ngươi em trai tên là Ba Cao, ở tại chợ Gò Công, hay anh rể mất, vợ chồng liền lên giúp với chị lo việc tống táng.
Ba Cao hồi trước cũng nghèo, may gặp người vợ, gốc ở Vàm Láng có vốn được bảy tám trăm. Vợ chồng lên Gò Công cất nhà ở gần chợ rồi mua một chiếc xe kiếng với ba con ngựa để chạy mối đưa rước hành khách. Lúc ấy đã có lộ đá bắt từ Gò Công thông ra các chợ, mà xe thì ít có, bởi vậy Ba Cao đưa hành khách thâu lời dồi dào. Khi Hương văn Vĩnh Thanh chết đây thì vợ chồng Ba Cao đã có một bầy ngựa sáu con để kéo chiếc xe tờ chạy đương Cửa Khâu mỗi ngày hai chuyến, một chiếc xe kiếng chạy đường chợ Tổng Châu với một chiếc xe hai bánh dùng chạy mối riêng.
Trong nhà có tới ba người bạn giữ ngựa và đánh xe. Trong tủ thường có bạc ngàn luôn luôn. Ngặt vợ chồng không có con, nên còn buồn về chỗ dư bạc tiền mà thiếu con cháu.
Chôn cất Hương văn Vĩnh Thanh xong rồi vợ chồng Ba Cao hỏi thăm gia đạo của chị, khuyên chị bán nhà cửa, đồ đạc về Gò Công mà ở, trước chị em.gần nhau, sau Vĩnh Xuân học chữ Tây, đặng lập thân cho vinh hiển với người ta. Thị Hài nói ở đâu quen đó, đã có nghề mua bán thì ở đây mẹ con cũng có thể thong thả sống với nhau. Chị không đành bỏ xứ mà đi, nhứt là Hương văn mới nhắm mắt, nấm mả chưa khô, nên không nỡ lìa xa mồ chồng nới quá vãng.
Ba Cao muốn đem chị về nuôi mà chị không chịu, chàng mới xin cho Vĩnh Xuân làm con nuôi đặng chàng cho học chữ Tây, sau làm thầy ký, thầy thông, rồi lần lần làm ông Huyện, ông Phủ. Chàng nói đời đã đổi mới, phải học quốc ngữ với Pháp văn mới có chỗ dùng, chớ chữ nho thông dụng hồi cựu trào, bây giờ không ai dùng nữa, dầu học giỏi, học nhiều, cũng không ích gì.
Thị Hài nghe lời em nói có lý, nhưng thương con không nỡ lìa xa, nên nói thôi để chị đem Vĩnh Xuân qua trường Tổng chợ Giồng cho học chữ Tây thử một vài năm, như nó học được rồi sẽ gởi nó ở với cậu mợ nó dưới Gò Công đặng học tiếp.
Vì vậy nên cách vài sau, Thị Hài dắt con lên thưa cho ông Giáo Huân hay mà đem Vĩnh Xuân qua trường Tổng cho học chư Tây. Ông Giáo Huân mất một trò giỏi ông tiếc vô cùng. Nhưng vợ Hương văn Thanh đã muốn con học cho hợp thời, mà ông cũng dư biết chữ nho bây giờ không được thông dụng nữa, bởi vậy Vĩnh Xuân đi thì ông tiếc, mà nghĩ tới đời tương lai của Vĩnh Xuân thì ông không nỡ níu lại đặng học hoài với ông. Vì thương Vĩnh Xuân nhà nghèo mà lại mẹ góa con côi, ông không dám viện nghĩa vụ, hoặc nợ nước, mà khuyên phải an bần cho trọn đạo.
Ông Giáo Huân phải ép bụng để cho Vĩnh Xuân bỏ nho học theo Pháp học, mà chừng Vĩnh Xuân từ biệt đặng theo mẹ đi về, ông đứng trong cửa ngó theo, ông ứa nước mắt.
Từ đây vĩnh Xuân đặt chưn vào một con đường mới, lấy vần „A. B.“ mà ráp thành chữ, thành câu, và cũng lấy câu „uỷ môn xừ” để làm nấc thang leo lên đài danh lợi. Với chí ham lọc sở hữu, Vĩnh Xuân học thứ gì cậu cũng cố gắng đêm ngày, bởi vậy học trường Tổng một năm thì chữ quốc ngữ cậu đọc mau lẹ, viết dễ dàng, còn chữ Pháp cậu đã hiểu mấy câu dễ dễ.
Vừa được 15 tuổi thì Vĩnh Xuân được chọn đi thi học bổng. Cậu đậu cao, được nhà nước cấp cho mỗi tháng năm đồng bạc, đặng xuống trường sơ học Gò Công mà học lớp ba. Thị Hài dắt Vĩnh Xuân xuống gởi nhà Ba Cao mà đi học. Vợ chồng Ba Cao hay cháu học chữ Tây tấn phát thì mừng rỡ vô cùng, chiu lãnh nuôi Vĩnh Xuân, còn số tiền học bổng mỗi tháng sẽ giao lại cho Thị Hài may áo quần nhà bận.
Tại như vậy đó nên hai năm nay Vĩnh Xuân mới học trường Gò Công ngồi lớp ba một năm, lên lớp nhì một năm nữa, bây giờ bãi trường và nghỉ đợi ra giêng khai trường sẽ trở xuống học một năm lớp nhứt nữa rồi đi thi.
Còn Cúc Hương là danh tự của ông Giáo Huân đặt riêng cho môn đệ của ông học giỏi. Tên thiệt của Cúc Hương là Lý Thi Tư, con gái thứ tư cửa Lý Văn Mỹ, một người buôn bán lúa gạo, giàu lớn, nhà và vựa ở dựa nhé kinh, gần đầu Cầu Sắt chợ Giồng.
Thuở ấy chưa có nhà máy nhỏ lập trong các chợ, các làng, để xay lúa ra gạo trắng,mà bán như bây giờ. Duy tại Chợ Lớn mới có nhà máy xay lúa mà thôi. Mà thương gia ngoại quốc mua nông sản của ta thì mua gạo trắng với gạo lức, vì xứ họ không có nhà máy xay, nếu mua lúa thì tốn tiền chở chuyên nhiều, mà đem về rồi khó làm ra gạo bán liền cho được. Vì lẽ ấy nên mấy nhà máy ở Chợ Lớn đã mua lúa để xay ra gạo, mà họ xay không đủ để cung cấp cho thị trường, nên ai có gạo trắng hoặc gạo lức chở đến bán họ cũng mua luôn nữa.
Đường sông Gò Công lên Chợ Lớn rất thuận tiện. Ghe chở lúa gạo đi mất có hai con nước thì tới. Vì vậy nên trong hạt Gò Công những người có vốn được đôi ba ngàn, họ xướng ra làm nghề lái lúa đặng góp mua lúa mua gạo chở đi bán.
Rạch Vàm Giồng, bên Cửa Tiểu, nhờ có kinh đào đi ngang qua chợ Giồng rồi thông với rạch Gò Công bên sông Bao Ngược là sông Vàm Cỏ, bới vậy địa thế giúp cho chợ Giồng biến thành một thị trường lúa gạo trong hạt Gò Công. Ở đây có nhiều người cất vựa để trữ lúa, trữ gạo từ ngoài đồng đem vô bán. Họ mua để bán lại cho những lái lúa gạo chở lên Chợ Lớn mà bán ngay cho mấy nhà máy hoặc bán cho mấy tàu khậu làm trung gian mua cho nhà máy.
Hồi đó, hễ đến mùa gặt lúa, thì chơ Giồng phồn thạnh lắm. Dưới kinh ghe mua lúa đậu chật. Còn trên bờ, từ nửa buổi chiều cho tới hết canh một, ở ngoài đồng họ gánh gạo vô bán kể đến mấy trăm người, mỗi xóm đi chung một tốp, lại có năm ba xe bò chở lúa đem vô nữa. Chợ lúa gạo nầy buổi chiều nhóm tại dốc cầu sắt. Đàn bà, con gái, dọn ngồi bên đường mà bán dầu lửa, nước mắm, hộp quẹt, trà tàu, cá khô, bánh trái, thúng, rổ, nón, guốc, nia đệm, nghĩa là bán đủ thứ thường cần dùng ở chốn thôn quê.
Mấy người vựa lúa gạo lại đó trả giá mà mua. Hễ định giá xong rồi thì người ta gánh lại vựa mà đong. Lấy tiền rồi thì người ta trở lại dốc cầu sắt mua đồ mà về.
Lý văn Mỹ ở gần đầu cầu sắt, nên mua bán lúa gạo thuận tiện vô cùng. Ông ta nhờ nghề nầy mà làm giàu to. Mà thêm bà vợ, là Thị Phú, được bà mẹ chia gia tài cho một sở vườn gần một mẫu ở ngoài Chợ Mới, thuộc làng Vĩnh Hựu, với mười mẫu ruộng tốt ở phía U Giữa, thuộc trong địa phận làng Vĩnh Trị nữa, nên vợ chồng ông Lý văn Mỹ thấy gia tài càng thêm vững vàng.
Ông Mỹ gốc con cháu khách, cha ông hồi trước là một khách Triều Châu, có tiệm bán vải tại chợ Giồng, vì vậy nên làng gọi ông là Minh Hương, mặc dầu ông giàu, làng cũng không khứng cử ông làm Hương chức. Ông Mỹ không thèm lấy sự đó mà phiền lòng, ông nói làm ông gì cũng không bằng ông có tiền, mình làm ông ấy mình khỏi bẩm dạ ai, mà cũng khỏi lo sợ ai cách chức mình được.
Vợ chồng ông Mỹ có được bốn đứa con, đứa lớn thứ hai nên đặt tên Hai, đã có vợ mà mở tiệm bán vải với hàng lụa tại đầu chợ. Đứa kế thứ ba, con gái, nên đặt tên Thị Ba, vợ chồng ông đã gả nó cho con ông Cả Quí trên chợ Cầu Ngang. Đứa kế nữa thử tư, nên đặt tên Thị Tư. Ấy là cô Cúc Hương đương học với ông Giáo Huân đó. Hiện giờ cô mới 15 tuổi. Cha mẹ cô nhứt định năm tới cô 16 tuổi, cô phải thôi học để tập bán buôn, may vá, rồi gả lấy chồng. Còn đứa con út, cũng con gái, năm nay đã được mười tuổi, từ nhỏ tới giờ khí bẩm yếu ớt, nên èo uột hoài, cha mẹ không chịu cho đi học.
Cúc Hương đến 11 tuổi, cha mẹ mới cho đi học chữ nho với ông Giáo Huân. Khi cô vô trường bắt đầu học vỡ lòng, thì Vĩnh Xuân đã học rồi, đương nghe giảng Minh Tâm, bởi vậy cho nên hai trẻ không gần nhau. Mà cô học mới được hơn một năm thì Vĩnh Xuân lại xin thôi, đặng đi học bên thường tổng.
Đó gốc tích của Vĩnh Xuân với Cúc Hương là vậy đó; cậu nghèo, cô giàu, nên gia đạo khác nhau, nhưng cậu cô đều ham học như nhau, học nho cũng đồng sức với nhau, bởi vậy gây tình bằng hữu dễ dàng. Trước kia, hai trẻ gặp nhau hằng ngày, ngó nhau với cặp mắt ngây thơ không thấy vẻ gì đáng thương yêu, hoặc khêu tình cảm. Hôm nay không phải vậy nữa. Hai.trẻ gặp nhau lại rồi, nhìn nhau mà không dám ngó chán chường, Cúc Hương tỏ ý sụt.sè, còn Vĩnh Xuân ra bộ ái ngại. Cả hai đều lập nghiêm làm tỉnh, nhưng trong lòng dường như có cái gì làm phơi động, không dám tìm hiểu, mà cũng không muốn nói ra. Phải đợi ông Giáo đi nghỉ rồi, lại cũng phải nhờ Cúc Hương kiếm thế gợi khêu câu chuyện trước, bắt đầu cậy giải thích bài sách, rồi lần lần nói tới việc học hành, nói cho quen đặng phá tan ái ngại, sụt sè, rồi mới dám mời ăn cốm, mới dám ngó ngay nhau mà nói mà cười, mới dám biểu lộ thân yêu, mới dám vui mừng tái hiệp.
Chiều bữa đó Vĩnh Xuân về nhà, bà Hương văn hỏi con đi chơi nhà nào mà ở lâu dữ vậy, Vĩnh Xuân cười ngỏn ngoẻn, thuật chuyện ông Giáo Huân biểu thừa dịp bãi trường lại nghe ông dạy bộ Mạnh Tử. Ông nói ông dạy giùm, ông không ăn tiền. Ông buộc phải học luôn Mạnh Tử cho trọn bộ Tứ Thơ. Bà Hương văn nghe như vậy bà rất vui lòng, thầm nghĩ lúc bãi trường dầu học chữ nho cũng có ích hơn đi chơi, bởi vậy bà không ngăn cản, lại hứa mỗi bữa bà nấu cơm sẵn rồi sẽ đi chợ mà bán, đặng con có cơm ăn sớm mà đi học.
Còn Cúc Hương về nhà, cô không nói tới sự gặp gỡ Vĩnh Xuân cho ai biết, nhưng thấy đứa em gái thì cô vui vẻ phi thường, mà hễ ngồi đứng một mình thì cô buồn hiu, coi bộ lửng lơ, tư lự.
Sáng bữa sau, ăn cơn rồi, Cúc Hương lật đật ôm sách đi học sớm. Vô tới trường cô thấy mới có vài trò nhỏ tới trước mà thôi. Cô thở đài, đi lại bàn mà ngồi, dở sách ra coi, nhưng cặp mắt cứ ngó chừng ra góc nhà trên, là ngả học trò vô ra, có ý trông Vĩnh Xuân đến.
Học trò, tốp đôi ba đứa, lần lượt đi vô trường. Bây giờ Cúc Hương mới thấy Vĩnh Xuân thủng thẳng đi vô với mấy trò nhỏ. Cô mừng, ngực nhảy thịch thịch trong trí bối rối, không biết nên ngồi đây mà tiếp Vĩnh Xuân, hay phải làm sao. Cô lính quýnh, vói lấy nghiên mực cầm đi vô trong đổ một chút nước đặng mài mực mà viết. Chừng cô bưng nghiên mực đi trở ra, thấy Vĩnh Xuân đã ngồi trên bàn rồi, ngồi đối diện với cô, trước mặt có để một cây viết với một quyển sách, bìa có đề bốn chữ “Mạnh Tử thượng quyển”, thì cô đi thẳng lại đứng tại đầu bàn cho gần cậu, rồi lấy thẻ mực mà mài, miệng cười, mắt ngó cậu mà nói:
- Em tưởng anh đi học sớm, nên em đi sớm dữ quá. Nãy giờ em chờ anh lâu dữ.
- Thầy ăn cơm rồi thầy dạy mấy trò nhỏ trước, gần trưa mới giảng sách cho mình, đi sớm làm chi.
- Vô sớm mình tập viết, rồi xem thử bài học trước, đặng chừng thầy cắt nghĩa mình hiểu cho nhau. Anh mới mua cây viết đó phải hôn ?
- Không. Viết cũ hồi trước tôi cất để dành, thấy còn dùng được, nên tôi đem theo đặng có mà chấm sách, hoặc âm nghĩa.
- Em có đem theo một cây viết mới đặng em cho anh đây. Hiệu viết của em tốt lắm. Tía em mượn tài phú tiệm Xương Thạnh mua giùm trên Chợ Lớn, mua mỗi lần một chục để dành viết.
- Cây viết của tôi còn dùng được.
Cúc Hương mài mực rồi, để nghiên mực trước mặt Vĩnh Xuân, và lấy cây viết mới với một tờ lấy đưa mà nói:
- Đâu anh viết thử một hàng coi chữ còn tốt hay không.
- Tôi bỏ mấy năm nay, bỏ bút lông mà cầm bút thép, thì còn hay gì nữa được.
- Ấy, anh viết thử coi mà.
Vĩnh Xuân để dẹp cây viết mới một bên, cậu lấy cây viết cũ của cậu, rồi coi theo sách mà viết ra một hàng. Cúc Hương đứng một bên, chống tay trên bàn mà coi viết, chừng thấy viết đủ hàng rồi cô nói: “Anh bỏ lâu mà anh viết còn hay quá, chữ tốt lại cứng hơn chữ của em nhiều. Anh lấy cây viết mới anh viết thử một hàng nữa coi”.
Vĩnh Xuân tầm cây viết mới chấm mực viết thêm một hàng nữa, viết chữ nhỏ hơn. Cúc Hương càng khen hơn nữa. Cô lấy tờ giấy Xuân mới viết đó đem về chỗ mà ngồi, rồi lấy cây viết của cô, cậm cụi viết hai hàng cũng như Xuân vậy. Viết rồi cô đưa tờ giấy qua cho Xuân mà nói: “Thiệt chữ của em yếu hơn chữ của anh”.
Vĩnh Xuân coi rồi nói; “Con gái viết chữ được như vậy thì đã hay lắm rồi, còn muốn sao nữa. Nếu muốn viết chữ cho tốt thì cần phải luôn tập nhiều năm. Mà hay chữ quí hơn chữ hay. Viết chữ hay không có ích lắm. Nghe thầy nói hồi xưa ai viết chữ hay, hễ thi đậu thì được bổ vào Hàn Lâm Viện để chép sách đặng khắc bản mà in. Đời nay có thi cử gì nữa đâu. Viết chữ hay chỉ đợi chợ Tết ra ngồi viết liễn mướn ăn tiền vậy thôi”.
Học trò tựu đủ nãy giờ rồi. Ông Giáo ở trên nhà thủng thẳng đi xuống trường.
Cúc Hương vói lấy tờ giấy viết nãy giờ đó mà cất và nói nho nhỏ: “Em cất để dành làm vật kỷ niệm. Anh lấy luôn cây viết mới để mà dùng”.
Ông Giáo bước vô. Học trò các bàn đều đứng dậy chào thầy. Ông Giáo hỏi Xuân có đem sách theo hay không. Xuân thưa có và luôn dịp chuyển lời bà Hương văn cảm ơn thầy chiếu cố đến Xuân. Ông Giáo gặc đầu rồi đi dạy học trò từ nhỏ lên lớn như ngày hôm qua và các bữa thuở nay.
Đến trưa ông Giáo cũng lên nhà trên nghỉ. Học trò cũng nghỉ học ra đi chơi.
Bữa nay Cúc Hương không cần hỏi Vĩnh Xuân no đói gì nữa, cứ đưa tiền cho mấy trò đi chợ mà mượn mua chuối nấu với chuối chiên. Cô cầm sách qua ngồi khít một bên Xuân, rồi hai trẻ đọc và tập giải nghĩa lại với nhau. Chừng học trò đem chuối về, Cúc Hương mời Xuân ăn thì Xuân vui mà ăn với bạn liền, không ái ngại từ chối như bữa trước nữa.
Cách thân thiết của hai trẻ mỗi ngày càng đậm thêm một chút. Trong vài bữa Cúc Hương đem biếu cho Xuân một cái khăn vải trắng góc có thêu mỏ neo xanh. Cô nói: “Em cho anh khăn nầy để anh lau mìệng, hễ lấy khăn ra thì nhớ đến em. Em lựa khăn có thêu mỏ neo, anh hiểu tại sao hay không ? Ý em muốn nhắc cho anh nhớ thân em như chiếc thuyền bỏ neo đậu mà chờ anh”.
Vĩnh Xuân châu này và ngó lơ mà hỏi: “Chờ chi vậy”?
Cúc Hương chúm chím cười, miệng hữu duyên, mắt hữu tình, cô dụ dự rồi mới đáp: “Chờ coi anh học chữ Tây rồi anh làm ông gì”.
Vĩnh Xuân lặng thinh, gầm đầu ngó vào cuốn sách.
Cúc Hương hỏi:
- Trong ít năm nữa anh học xong rồi, thế nào anh cũng phải cưới vợ.Vậy chớ có khi nào anh suy nghĩ anh muốn có người vợ thuộc vào hạng nào hay không ? Anh muốn có vợ mập hay ốm, vui hay buồn, tốt hay xấu, giàu hay nghèo, hay chữ hay là dốt nát, giỏi mua bán hay là giỏi làm ruộng.
- Tôi chưa có tính tới việc vợ chồng.
- Sao vậy ?
- Má tôi nghèo, phải mua bán cực khổ đặng có cơm mà nuôi sống hằng ngày. Tôi còn đi học, chưa làm ra tiền để giúp đỡ má tôi. Tôi phải lo lập thân mà trả thảo trước đã, chừng nào có cơm tiền dư dã rồi sẽ tính cưới vợ chớ.
- Đâu anh nói thử ý anh cho em biết chơi vậy mà.
- Tôi tưởng trai với gái kết làm vợ chồng đều do ông Tơ, bà Nguyệt định đạt, chớ không phải tại mình muốn mà được đâu. Phải có duyên nợ mới làm vợ chồng.
- Làm sao mà biết mình có duyên nợ với người nầy, còn không có với người kia ?
- Cái đó tôi khống hiểu. Em hỏi mấy người lớn họ có chồng có vợ rồi có lẽ họ biết, họ sẽ cắt nghĩa cho em nghe.
- Con gái mà đi hỏi như vậy họ cười chết. Mắc cỡ quá ai hỏi cho được. Em muốn anh cắt nghĩa cho em biết mà thôi, chớ em không đám hỏi người khác. Ví như một cặp trai với gái được gần nhau, rồi yêu mến nhau, như vậy không phải là duyên nợ hay sao ?
- Qua sợ không phải đâu em. Qua có nghe má qua nói ở xóm qua hồi năm ngoái có anh Tồn ảnh thương chị Lợi, mà chị Lợi cũng thương ảnh nữa, té ra tía chị Lợi gả chị cho anh nào ở Bình Phú Tây. Anh Tồn buồn, ảnh bán nhà vô chợ Sáu Thoàn mà ở, rồi ảnh có vợ trong đó. Ấy vậy thương yêu nhau đó không phải là duyên nợ đâu.
- Em muốn làm sao mà biết ai là duyên nợ, ai không phải.
- Chỉ có ông Tơ, bà Nguyệt, mới biết được, chớ người phàm làm sao mà biết.
- Ai biết ông Tơ, bà Nguyệt, ở đâu mà hỏi.
- Em muốn hỏi để qua chỉ cách cho mà hỏi. Ban đêm canh vắng, em cứ vái ông Tơ, bà Nguyệt, làm ơn mách bảo lương duyên của em là ai. Em thành tâm khấn vái như vậy hoài, mỗi đêm mỗi vái, có lẽ Nguyệt Lão động lòng sẽ chỉ giùm em.
- Cám ơn anh. Bắt đầu tối nay em se vái.
Y Vĩnh Xuân muốn giễu chơi, mà thấy Cúc Hương hăng hái tin chắc như vậy thì cậu tức cười nên nói: „Em vái mà có ông Tơ, bà Nguyệt về nói với em làm sao, em nhớ thuật lại cho qua nghe với. Đừng có quên nghe hôn.
Mấy bữa sau, lúc nghỉ trưa, Cúc Hương không nói tới việc vợ chồng nữa; nhưng đối với Vĩnh Xuân càng bữa cô càng thêm dan díu, càng thêm khẳn khít, tỏ ý mến yêu, nói chuyện thân mật, khi cô ngồi đụng vai Xuân, khi cô nắm tay Xuân, mà cô không ái ngại chút nào hết.
Còn cậu Vĩnh Xuân, cậu quen biết Cúc Hương nhiều rồi, cậu thấy Cúc Hương vui vẻ lại thành thiệt, cậu cũng bắt đầu có cảm tình, bởi vậy cậu hài lòng mà để cho Cúc Hương chiều chuộng, ân cần, cậu không thèm dè đặt, mà cũng không tính ngăn cản.
Nhưng có đêm cậu nằm nhớ tới Cúc Hương, nhớ cách cô dan díu thân yêu, nhớ bộ cô khắn khít vô ngại, thì cậu giựt mình.