Tơ hồng vương vấn

Chương 15

Thuở ấy, những nhà nho học có bày nhiều cách chơi phong lưu như bắn giàng hay đánh hồ, hay gát cu đất, để vui chơi đặng giải trí.

Cụ Huấn Trai, chủ khách sạn ở ngang nhà ga xe lửa Mỹ Tho, cụ xuy tiêu réo rắt vô song, mà cụ còn có tài đánh hồ cũng thiệt giỏi. Cụ có một bộ đồ đánh hồ của ông bà lưu hạ, gồm một cái bình, một con cóc với năm cây đũa toàn bằng cẩm lai, nhờ chơi nhiều đời nên láng nhuốt, xem đẹp lắm. Cách đánh hồ là cầm nắm đũa gõ từng cây vào con cóc và buông cho đũa nhảy vọt vào bình. Ai đánh vô bình được năm cây là giỏi nhứt.

Trong vài năm sau đây, hễ tới thứ bảy thì ông Kinh Lương với Vĩnh Xuân thường lại khách sạn đặng đánh hồ chơi với cụ Huấn Trai rồi uống trà, hòa đờn hoặc ngâm thi đến  11 hoặc l2 giờ mới về ngủ.

Thế mà tối thứ bảy nầy ăn cơm rồi, Kinh Lương ra lộ đi qua đi lại mà hứng mát, coi bộ không tính đi chơi.

Vĩnh Xuân đứng trong nhà ngó thấy mới bước ra hỏi ông Kinh :

-         Tuần nầy không đi đánh hồ chơi hay sao ông Kinh ?

-         Cụ Huấn Trai đi Sài gòn không có ở nhà.

-         Vậy hay sao ?

-         Ừ, hôm tuần trước cụ có nói với tôi.

-         Thế thì đêm nay mình phải nằm nhà đọc sách. 

-         Vô nhà tôi rồi uống trà nói chuyện đời chơi.

Hai người dắt nhau vào nhà ông Kinh.

Bà Kinh lấy bình trà đem súc đặng bỏ trà mới chế cho ông uống.

Bà Hương văn y theo lời hẹn, bà men men đi lại nhà ông Kinh rồi đi thẳng vô trong nói chuyện với bà Kinh.

Một lát bà Kinh vừa đi ra ngoài trước vừa nói: “Mời chị ra đây ăn trầu. Đêm nay hai người khôngđi chơi, họ uống trà rồi chắc họ hòa đờn với nhau chớ gì. Ra  nằm rồi nghe đờn chơi”.

Hai bà ra ván mà ngồi.

Ông Kinh uống hết chung trà rồi day mặt ngó ra đường mà nói với Vĩnh Xuân:

-         Người ta mà được cái địa vị của thầy thì trong nhà rần rộ vui lắm. Nhà thầy buồn hiu. Thầy không tính làm sao cho vui vui một chút vậy thầy thông ?

-         Nhà tôi vui lắm, có buồn hồi nào đâu.

-         Có hai mẹ con chanh ngoảnh mà vui nỗi gì.

-         Đằng nầy cũng có hai ông bà chanh ngoảnh mà cũng vui vậy.

-         Tôi có con trai con gái đủ, lại có cháu ngoại nữa. Tuy chúng nó không ở chung với tôi, song trong trí tôi vẫn biết có con cháu nên vui được. Thầy chỉ có bà mẹ, không có ai nữa hết, thế thì làm sao mà vui.

-         Thiệt hồi mới đi làm việc năm đầu tôi không vui, mà lại thối chí nữa, bởi vì lương ít quá, mà tôi phải cực, lại thấy thế tục suy đồi lòng tôi chán nản. Mấy năm sau đây lương tôi tăng thêm đủ xài, má tôi bớt cực, tôi theo ông mà hưởng thú thanh cao, để cho thiên hạ làm sao mặc họ, thì lòng tôi thơ thới lắm, tôi có buồn nữa đâu.

-         Thầy không buồn nhưng tôi có ý dòm coi, tôi thấy chị Hương văn buồn lắm.

-         Má tôi cũng vậy, có buồn việc chi đâu.

Bà Kinh tiếp với ông mà nói:

-         Thầy thông tối ngày mắc đi làm việc, hễ về nhà thì mê mết vơi mấy cuốn sách, mấy cây đờn, cứ vịnh phú ngâm thi, thầy không để ý tới việc trong nhà, trong cửa. Tôi ở nhà, tôi gần gũi với bà chị hàng ngày, hằng giờ, tôi thấy bà chị buồn lắm, thầy thông à. Thầy nghĩ lại mà coi, bà chị tuổi đã gần lục tuần rồi, mà chưa có cháu ngoại hay cháu nội để bồng ẵm, nựng nịu chơi với người ta thì làm sao mà vui đươc. Nhiều khi tôi thấy có bà già nào bồng cháu nhỏ lại mấy nhà gần đây chơi thì bà chị nhìn đứa nhỏ trân trân rồi ứa nước măt. Thầy làm con, thầy ở với mẹ thiệt là chí hiếu, thầy lo cho mẹ từ chút, tôi với ông Kinh khen thầy hoài. Thầy vốn con nhà  nghèo mà thầy có chí, học hay, làm lớn nhưng ôm ấp nhơn nghĩa, giữ gìn thanh liêm, làm rỡ ràng cho tông môn, ở với mẹ thảo thuận. Thầy tập được tánh thanh cao như vậy nên ai cũng kính trọng thầy. Nhưng tôi cũng như bà con trong nhà, tôi phải nói thiệt thầy còn thiếu sót một việc, thầy phải bồi bổ cái thiếu sót đó thì danh gíá thầy mới vẹn toàn.

-         Tôi thiếu sót chỗ nào ?.

-         Thầy có hiếu với mẹ, thầy kính mến mẹ, rnà thầy để cho mẹ buồn bực hoài, không chịu làm vui lòng mẹ. Con có hiếu chẳng những lo cho mẹ no ấm mà thôi, còn phải làm cho mẹ vui lòng nữa mới đươc.

Vĩnh Xuân ngồi lặng thinh. 

Ông Kinh nói: “Thầy có học Tứ Thơ, thầy thấy cái hiếu của Ông Tăng Sâm là thế nào. Mỗi bữa dâng cơm cho cha ăn, ông đứng hầu một bên coi cha ăn được hay không. Chừng cha ăn rồi có món nào còn dư thì ông hỏi ý cha muốn cho ai món đó đặng làm theo ý cha. Người xưa giữ chữ hiếu chẳng những là nuôi cha mẹ cho no đủ mà thôi, mà còn tưởng tâm chí của cha mẹ nửa. Vậy thầy thông phải làm sao cho chị Hương văn được vui lòng thì chữ hiếu của thầy mới viên mãn”.

Vĩnh Xuân thở ra một hơi dài mà nói: “Ông bà nói tôi không biết làm cho má tôi vui, chắc bà trách tôi không chịu cưới vợ chớ gì. Tôi vì một việc đại ân, đại nghĩa nên tôi không cưới vợ được. Việc đó má tôi hiểu rõ, bởi vậy không nỡ ép tôi cưới vợ bao giờ. Nếu má tôi có buồn là buồn về việc nào khác, chớ không phải việc đó”.

Bà Kinh cười mà nói: “Bà chị có than với tôi. Bà chị buồn vì việc đó, chớ không phải việc nào khác đâu”.

Vĩnh Xuân châu mày, gật đầu không cãi nữa.

Bà Kinh ngó bà Hương văn mà ra đấu, tỏ ý xin bà tiếp mà nói vô.

Bà Hương văn mới tằng hắng rồi chậm rãi nói: “Nầy con, bữa nay tình cờ ông Kinh bà Kinh thương mẹ con mình, nên dở chuyện nhà của mình ra mà nói phải, nói trái với con. Sẵn dịp đây má tưởng nên tỏ ý cua má một lần cho con biết. Con với Cúc Hương hồi nhỏ núp lén thề thốt trăm năm với nhau, chớ má không có cầm trầu, cầm cau mà nói nó cho con. Tuy vậy mà nó nặng tình nặng nghĩa với con, đến đỗi với má nó cũng trọn đạo dâu con trong nhà. Nó lo cho con ăn học mà nó còn lo cho má ấm no. Con thương nó, má cũng tiếc nó lắm. Má thường có than thở với con không thể nào má kiếm một con dâu thảo thuận cho bằng Cúc Hương được. Vì thương con nó dám quyên sanh đặng giữ trọn nghĩa với con. Mà sửa soạn đặng chết nó còn sắp đặt cho con ăn học đến cùng và cho má khỏi lang thang rách rưới”.

Nghe nhắc chuyện cũ, Vĩnh Xuân xúc động nên nước mắt chảy ròng ròng. Bà Hương văn thấy con ủ dột bà cũng khóc.

Vợ chồng ông Kinh ngó nhau, trong lòng ai truất nên khó chịu, không biết có nên sấn tới mà phá tan tình sâu, nghĩa nặng của người hay không.

Bà Hương văn lau nước mắt rồi tiếp: “Vì tình nghĩa của Cúc Hương như vậy nên từ khi con học xong rồi má đánh chữ làm thinh, không nỡ khuyên con cưới vợ đặng lập gia thất với người ta”.

Vĩnh Xuân nói: “Hễ ai hỏi con sao không tính cưới vợ,  thì con đau lòng quá má à”.

Bà Hương văn nói: “Bởi  biết như vậy nên má không dám nhắc con. Bữa nay nhơn có ông Kinh bà Kinh nhắc nên má mới nói: Má một ngày một thêm già không biết sống chết bữa nào, má nhớ tới việc về sau rồi má buồn quá. Chớ chi má có được vài đứa con trai, nếu con không có vợ có con, thì đứa khác có, ngày sau cũng còn con cháu, cúng quải ông bà. Má có một mình con mà con không cưới vợ thì mãn đời con rồi có ai mà cúng quải ông bà và thờ phượng cha con với má. Má nhớ tới mồ hoang, hương lạnh thì má buồn quá, nên có khi má than thở với bà Kinh là tại vậy đó”.

Vĩnh Xuân nói: “Tôi cưới vợ còn cái khó nầy nữa, ông Kinh à. Cưới người ta theo lẽ tự nhiên, lôi phải thương người ta. Tôi biết cái lòng tôi ngoài cô Cúc Hương, tôi không còn thương yêu ai hết. Nếu tôi cưới vợ khác đem về rồi tôi không thương, tôi lơ lãng nguội lạnh với người ta, thì tôi có tội lớn lắm: tội gạt gẫm một người thiếu nữ có lẽ sẵn lòng yêu tôi nên mới ưng trao thân gởi phận cho lôi.

Ông Kinh nói:

-         Việc riêng của thầy thuở nay tôi không dám tọc mạch hỏi tới. Nãy giờ tôi nghe nói tại thầy nặng tình nặng nghĩa với cô Cúc Hương, ngoài cô thì thầy không biết thương ai khác, vậy tôi xin vô phép mà hỏi thầy: phải cô Cúc Hương là người viết câu: “Xả sanh nhi thủ nghĩa” mà để lại cho thầy nên thầy lộng khuôn kiếng treo tại bàn viết mấy năm nay đó hay không?”.

-         Thưa, phải.

-         Năm thầy mới dọn nhà, tôi thấy khuôn kiếng đó tôi hỏi, thầy nói mấy chữ đó là di bút của người bạn học mất rồi. Thầy nói như vậy mà tôi có ý nghi, vì tuồng chữ viết không được cứng như con trai, lại ở dưới ký hai chữ Cúc Hương, tên đó là tên đàn bà con gái. Tôi nghi thầy đau khổ vì tình, vì nghĩa nên thầy không chịu cưới vợ.

-         Chánh tại vậy đó.

Bà Hương văn tiếp nói: “Để tôi nói luôn hết cho ông Kinh bà Kinh nghe. Tôi nghèo không đủ sức cho Xuân đi học thêm bốn năm ở trường trên. Cúc Hương buôn bán kiếm lời đặng bao cho xuân ăn học. Xuân học mới được một năm thì cha mẹ Cúc Hương gả nó 1ấy chồng. Cúc hương phải thú thiệt là nó đã hứa hẹn trăm năm với Xuân rồi. Chà mẹ nó chê Xuân nghèo, ép gả bướng con nọ cho nhà giàu. Con nọ giận mới uống giấm với á phiện mà chết. Trước khi tự vẫn nó có gởi một số tiền lại cho một người quen dặn trao cho Xuân đặng ăn học đủ bố năm. Nhờ vậy Xuân học mới thành công”.

Ông Kinh gải đầu mà nói:

-         Người như vậy hèn chi thầy thông tưởng nhớ hoài cũng phải.

-         Còn vầy nữa ông à. Năm Xuân thi đậu ký lục rồi đó, nó có vô mộ con nọ mà tạ ơn. Tối nó lại nằm chiêm bao thấy con nọ từ giã nó đặng đi đầu thai. Con nọ căn dặn nó biểu phải cưới vợ đặng nuôi mẹ già và lo cơm nước cho chớ đừng có bắt mẹ cực khổ nửa.

-         Ồ! Cô Cúc Hương có dặn rõ ràng như vậy, đã muốn thầy trọng hiếu hơn tình sao thầy lại trái ý cô vậy thầy thông ?.

Vĩnh Xuân nói:

-         Người ta biết thủ nghĩa với tôi thì tôi phải biết thủ tiết với người ta chớ.

-         Tôi nghe mấy người tân học họ nói: “Không nên bảo hoàng hơn ông vua”. Cô Cúc Hương biểu thầy cưới vợ đặng báo hiếu nghĩa là không muốn thầy thủ tiết, mà thầy thủ tiết làm chi. Thủ tiết thì trái ý của bạn, lại thất hiếu với cha mẹ nữa.

-         Ngặt tôi không có tình gì với ai hết, tôi sợ cưới người ta rồi tôi không thương, té ra tôi báo hại người ta.

-         Người mình cưới vợ thuở nay có ai thương trước bao giờ. Cha mẹ đành người nào thì cậy mai nói cưới cho mình. Nhiều khi đến bữa cưới mình mới thấy mặt vợ chán chường. Vợ chồng ăn ở với nhau bắt đầu gây nghĩa rồi lần lần gây tình. Vậy mà hết thảy đều ở đời với nhau tới già sanh con đẻ cháu cả bầy, có sao đâu.

-         Bây giờ má tôi với ông bà đều muốn tôi cưới vợ. Tôi biết ai đâu mà cưới.

Bà Kinh nghe câu đó, biết Vĩnh Xuân đã xiêu lòng rồi, nên bà chụp mà nói: “Nếu thầy chịu thì tôi với ông Kinh mới dọ dẫm hỏi thăm coi ai có con gái. Nếu liệu phải chỗ thì tôi dắt bà chị đi coi mắt. Như coi được ông Kinh sẽ dắt thầy đi coi chánh thức. Chừng nào thầy chịu rồi vợ chồng tôi mới khởi đầu làm mai. Tôi làm mai hay lắm. Bất luận chỗ nào, hễ thầy đành thì tôi nói được hết. Tôi nói thiệt a”.

Vĩnh Xuân dụ dự một chút rồi nói:

-         Để thủng thẳng cho tôi suy nghĩ lại coi.

-         Suy nghĩ đã mấy năm nay còn suy nghĩ gì nưa ? Thầy đã 27 tuổi rồi, phải làm riết, chớ trì huởn thầy già, rồi cưới con gái sạo được… Ừ, thầy thông, bà Chủ Thiệu bên chợ Cũ, bả có một con gái út dễ thương quá. Để tôi dọ ý bả coi như bả tính gả con nhỏ lấy chồng thì ông Kinh dắt thầy qua chơi đặng coi mắt.

-         Để thủng thẳng coi. Phải bà chủ cho xoài hai lần, rồi mời ăn giổ đó hôn ?.

-         Phải a.

-         Nếu vậy thì bả có ẩn ý, nên bả mới đến làm quen với má tôi, rồi mời ăn giỗ đó chớ gì.

-         Không có ý gì đâu thầy thông. Tôi quen với bả lâu rồi, mà tôi không dè bả có con gái út. Lần đầu tôi với bà chị qua thăm, tôi không thấy con nhỏ đó. Bữa đám giổ nó ra hầu trầu nước tôi mới hay.

Bà Hương văn thấy bà Kinh tráo trở lanh lẹ quá thì bà chúm chiếm cười.

Vĩnh Xuân lơ lửng vói lấy cây kìm mà đờn, không nói đến chuyện cưới vợ nữa. Tuy vậy mà bà Kinh với bà Hương văn thấy mưu kế của mình mười phần đã có mòi thắng lợi tới sáu bảy phần rồi, nên hai bà vui lòng nằm nghe đờn, thầm tính mỗi bữa nói thêm nuột chút, chẳng sớm thì muộn thế nào cũng thành công.

Còn ông Kinh thì làm bộ như người trung lập, ông lý luận theo sách mà thôi, chớ ông không nài ép, để cho Vĩnh Xuân tin bụng ông thành thật, không dè ông cũng a ý với hai bà rù quến Xuân lập gia thất đặng nếm mùi phú quí vinh hoa với thiên hạ.

Mấy bữa sau Xuân đi làm về ăn cơm rồi không khảy đờn, không làm thi, cứ ngồi tại bàn viết ngó bút tích của Cúc Hương rồi buồn hiu. Mà hễ thầy thấy mẹ vô ra, tóc bạc hết phân nửa, răng rụng đã bộn rồi, thầy nhớ lời mẹ than hễ tuyệt tự thì mồ hoang hương lạnh, thì trong lòng thầy chua xót ngậm ngùi.

Chữ hiếu nặng hơn chữ tình. Thiệt quả như vậy. Đến bữa thứ năm tuần đó, lúc ngồi ăn cơm trưa với mẹ, Vĩnh Xuân thấy mẹ buồn, thầy xốn xang khó chịu, nên thình lình thầy vụt nói: “Má muốn cưới vợ cho con thì má kiếm đi. Má đành đâu con chịu đó. Con không chọn lựa chi hết”.

Bà Hương văn đương kiếm chước mà dụ dỗ con, tình cờ nghe con xuôi thuận dễ dàng như vậy thì bà hớn hở, nên mắt nhìn con rất thân yêu, vừa cười vừa nói: “Con bằng lòng cưới vợ thì má vui lắm. Trong đời má chỉ còn mong ước có bấy nhiêu đó, con cưới vợ đặng kiếm  cho má vài đứa cháu nội. Con chịu thì để má cậy bà Kinh dọ hỏi coi có chỗ nào rồi má sẽ coi. Con thủ tiết với Cúc Hương đã tám năm rồi, vậy cũng đủ. Huống chi khi con thi đậu, nó từ biệt con, nó có biểu con phải cưới vợ. Con dụ dự cho tới năm năm, không nỡ phụ tình bội nghĩa với nó, thì nó đã biết lòng dạ của con rồi, có gì đâu mà ngại”. 

Vĩnh Xuân vì kính yêu mẹ nên chịu cưới vợ, nhưng trong lòng không ham muốn chút nào, bởi vậy thầy lặng thinh. Dường như chữ hiếu ép buộc thầy phải đành liều nhắm mắt đưa chưn, thầy không cần nói nhiều nữa.

Đến xế, Vĩnh Xuân với ông Kinh đi làm việc rồi, thì bà Hương văn lật đật đi thông tin cho bà Kinh hay. Hai bà mừng rỡ hết sức. Bà Kinh nói để bà cho ông Kinh hay đặng chúa nhựt ông rủ Vĩnh Xuân đi qua Chợ Cũ chơi mà coi mắt con gáí út của bà Chủ Thiệu.

Chều thứ sáu đi làm về dọc đường, ông Kinh rủ Vĩnh Xuân sáng chúa nhựt đi qua phía Chợ Cũ  xem vườn tược chơi.

Vĩnh Xuân nghi Ông Kinh có ý muốn thầy đi coi vợ, nhưng đã quyết đánh liều nhắm mắt đưa chưn cho mẹ vui lòng, nên thầy chịu liền, không ái ngại chi hết.

Bà Kinh ngồi xe kéo qua thông tin cho bà chủ Thiệu hay trước. 

Sáng chúa nhựt, ăn lót lòng rồi, ông Kinh với Vĩnh Xuân thay y phục, kêu hai chiếc xe kéo lại rồi mỗi người ngồi một chiêc mà đi. Tới nhà bà chủ Thiệu, ông Kinh biểu xa phu quẹo vô sân.

Ba Khai, con trai lớn của bà Chủ Thiệu, mặc áo dài chực sẵn trong nhà, nên vừa thấy hai chiếc xe kéo ngừng thì cậu vội vã bước ra chào khách và mời vào ngồi cái bàn mặt tròn cẩn ốc xa cừ, chưn tiện thiệt khéo, bàn để giữa nhà có sáu cái ghế sắp chung quanh.

Bà Chủ Thiệu đang ngồi bộ ván phía trong, bà thủng thẳng bước ra chào khách, hỏi thăm sức khỏe của bà Kinh với bà Hương văn, nghe nói danh thầy thông đã lâu rồi, bữa nay mới biết, rồi bà kêu người nhà mau mau bưng trà ra đãi khách. Bà vui vẻ nói nói cười cười, bước lại cái ghế để dựa góc cột mà ngồi đặng hầu chuyện với khách.

Ba Khai đi vô  trong một lát, thì Cẩm Nhung mặc một bộ đồ lụa trắng, bưng một kỷ trà ra để trên bàn, chắp y xá ông Kinh và Vĩnh Xuân rồi trở vô trong. Ba Khai xách bình ra rót. Bà Chủ mời khách giải khát.

Ông Kinh hỏi bà Chủ được mấy người con, vườn bà được bao nhiêu sào, mẫu và lúc nầy dừa có giá hay không.

Vĩnh Xuân ngồi ngó trong nhà, không nói chi hết.

Ông Kinh tỏ ý muốn đi xem vườn. Ba Khai mới dắt hai người khách ra sân xem hoa, xem kiểng rồi đi thẳng vô phía sau cho thấy vườn. Xem chơi một chút rồi khách trở vô nhà từ giã bà Chủ mà về.

Tuy Vĩnh Xuân đã có nghe mẹ trầm trồ khen nhà bà Chủ Thiệu lớn, đồ đạc tốt, vườn tược minh mông, song thầy không dè bà Chủ giàu có đến mức vậy, bởi vậy về đọc đường thầy chúm chím cười, thầm nghĩ thầy không thế nào làm con rể một nhà cự phú được.

Về tới nhà thay đồ rồi, vợ chồng Ông Kinh lại nói chuyện chơi với mẹ con Vĩnh Xuân.

Bà pha lửng hỏi Vĩnh Xuân;

-         Ông Kinh dắt thầy qua nhà bà Chủ Thiệu chơi, nghe nói bà Chủ có cho con gái bả ra chào phải hôn thầy không ?

-         Thưa có.

-         Nếu vậy thì bả muốn gả con chớ gì. Thầy đi chơi mà bả muốn thầy coi con bả, nên bả mới cho ra chào. Sao ? Thầy coi cô đó được hay không ? Bả đã cho coi, nếu thầy chịu thì tôi làm mai chắc bả gả.

Vĩnh Xuân suy nghĩ rồi nói cụt ngủn:

-         Tôi coi không được bà à.

Bà Hương văn với vợ chồng ông Kinh ngó nhau ngạc nhiên lại bối rối.

Hà Kinh chưa chịu thua nên bà hỏi:

-         Thầy thông coi không được về chỗ nào ? Đâu thầy nói nghe thử một chút.

-         Cô đó có sắc đẹp quá, lại nhỏ tuổi hơn tôi nhiều.

-         Trời Phật ơi ! Người ta đi coi vợ, nếu có chê là chê xấu. Thầy coi vợ, thầy thấy đẹp mà thầy lại chê, cái đó thiệt là lạ đời. Còn nhỏ tuổi hơn thầy, cái đó có chê thì đàng gái họ chê, chớ thầy chê nỗi gì. Tại thuở nay thầy không tính cưới vợ, nên thầy chưa nghĩ tới chuyện vợ chồng. Đàn bà mau già hơn đàn ông lắm. Nếu cưới vợ mà tuổi chồng vợ xấp xỉ với nhau, người vợ đẻ vài lứa rồi coi già hơn chồng nhiều lắm. Vậy con Cẩm Nhung nhỏ hơn thầy tám tuổi, trong ít năm đây vợ chồng. sẽ vừa với nhau, nó khỏi già rước thầy chớ có hại gì đâu.

-         Má tôi muốn cưới vợ đặng má tôi có cháu nội. Vậy thì tôi cần gì phải cưới vợ đẹp. Người ta nói : “Hữu nhan sắc, hữu ác đức”. Tồi sợ “sắc năng bại đức” nên tôi ngán. Còn một điều nầy nữa: nhà bà Chủ giàu sang quá, còn nhà tôi nghèo. Hai bên không xứng nhau.

-         Nếu họ biết thầy nghèo mà họ chịu gả, thì thầy sợ gì mà không đám cưới ?

-         Người giàu họ hay kiêu lắm. Họ kể ruộng vườn tiền bạc chớ họ có kể đạo đức tài năng là gì đâu. Mà dầu họ không dám khinh khi tôi, thì họ cũng khinh khi má tôi. Tôi nói thiệt nếu họ cũng khi má tôi thì không thế nào tôi chịu được.

Bà Hương văn nói: “Bà Chủ biết điều lắm con à. Má qua nhà chơi hai lần, bả kính trọng má chớ có khi đâu. Mấy người con bả cũng vậy. Nhà đó là nhà chơn chất lễ nghĩa mà !”.

Ông Kinh nói: “Cưới vợ nên lựa nhà phúc đức. Ở đây ai cũng biết nhà bà Chủ Thiệu là nhà giàu xưa, giàu từ lớp ông bà, chớ không phải mới giàu đây mà mình sợ “vi phú bất nhơn”. Mà vợ chồng là cái đạo của ng quân tử. Cưới chủ ý nối nghiệp tông môn, chớ không phải cố tâm chia ruộng vườn vàng bạc. Bởi vậy cưới vợ nhà giàu hay nhà nghèo không phải là vấn đề. Có khi nghèo mà tử tế còn giàu lại không ra gì. Nhiều khi trái ngược lại cũng có. Vậy thầy thông đừng vội khen chê, nên để chị Hương văn với bà nó dọ dẫm lại coi như thiệt bà Chủ mến tài, mến đức của thầy nên bà muốn gả con thì thầy nên chịu chớ không nên chê giàu, chê đẹp. Lại nếu gả thì phải để cho mình tuỳ tiện  làm lễ cưới không nên eo xách quá, đòi đủ lục lễ, đòi trâu khiêng, rượu ché, heo cũi, tiền đồng. Nếu bà làm khó thì để bả gả cho người khác, mình  đừng thèm bước tới”.

Vĩnh Xuân nói:  “Thệt vậy, nếu làm khó thì tôi xin kiếu”.

Bà Hương văn nói: “Nhà tôi chật hẹp quá. Nếu làm rình rang thì có chỗ đâu cho khách ngồi”.

Bà Kinh nói: “Không gả thì thôi, còn thương nên chịu gả thì phải chế giảm chớ. Chị đừng lo, tôi biết làm mai mà. Bữa nào chị qua nói chuyện làm sui công khai đi: Hễ bà Chủ chịu gả thì cứ để cho lôi nói chuyện với bả. Tôi sẽ làm dễ đàng cho cả đôi bên”.

Công việc bàn tính xong rồi ai cũng an lòng. Ông Kinh rủ Vĩnh Xuân lại nhà hòa đờn chơi.

Hai bà con ngồi to nhỏ bàn tiếp câu chuyện hôn nhơn, cả hai đều vui thấy Vĩnh Xuân chịu cưới vợ, lại được vợ giàu và đẹp.

Xế bữa sau, hai bà kêu xe qua nhà bà Chủ Thiệu. Bà Kinh mở đầu cho bà Hương văn chánh thức cầu hôn. Bà Chủ chịu gả. Bà Hương văn nói nhà đơn chiếc chật hẹp, xin bà Chủ thương giảm bớt hôn lễ, làm cho giản tiện. Bà Chủ nói bà gả Cẩm Nhung cho Vĩnh Xuân là vì mẹ con bà ái mộ tài đức của Xuân, bởi vậy bà không tính đi nhiều lễ, mà cũng không muốn đòi nữ trang. 

Nếu đàng trai cậy vợ chồng ông Kinh làm mai, đàng trai muốn làm cách nào cho thuận tiện thì cứ tỏ thiệt với bà mai đặng bà mai trao lời rồi bà sẽ bàn tính với bà mai.

Chiều ông Kinh với Vĩnh Xuân đi làm về, bà Kinh liền cho hay hồi xế hai bà qua nói chuyện làm sui thì bà Chủ đã chịu gả rồi và hứa hôn lễ bà làm cho giản tiện, đàng trai muốn thế nào cứ nói cho bà mai biết đặng bà bàn với đàng gái.

Ăn cơm tối rồi, vợ chồng ông Kinh mời mẹ con Vĩnh Xuân lại uống trà mà bàn việc hỏi cưới.

Ông Kinh nói theo xưa, nhà tử tế cưới gả phải đi đủ sáu lễ, bây giờ người ta chế giảm còn lễ hỏi và lễ cưới mà thôi. Mà ông nghĩ lễ hỏi cũng không ích gì. Bây giờ nên đi một lễ cầu thân. Họ đàng trai đi năm ba người vậy thôi. Ấy là lễ cáo báo trai với gái đã hứa hôn nhơn rồi đặng người khác hết gấm ghé cầu hôn nữa. Lễ ấy đi trầu mâm, rượu ve vậy thôi, mà đàng gái lo sắm dùm trầu rượu sẵn trong nhà cũng được. Nhưng đàng trai phải đi rượu trà; bánh trái, ít nhứt là bốn mâm với một đôi hoa tai như mua cái hoa con gái. Lễ nầy rồi dâu với rể được phép gọi cha mẹ hai bên là cha mẹ. Từ đó cho tới đám cưới chàng rể phải đến viếng bên vợ, gọi là “làm rể” mấy ngày đến một lần tuỳ cha mẹ vợ định.

Vĩnh Xuân hỏi đi một đôi hoa tai phải tốn bao nhiêu tiền.

Bà Kinh nói việc đó để cho bà với bà Hương văn liệu mà mua, Xuân chẳng cần phải lo.

Còn lễ cưới thì ông Kinh nói cũng phải đi bánh trái, trà rượu với mâm trầu đàng gái xây giùm trước cũng được. Nhưng phải đi cho cô dâu một mớ áo với một đôi vàng.

Bà Kinh rước nói lễ vật, vàng và áo cũng để cho bà với bà Hương văn lo.

Bây giờ ông Kinh hỏi Vĩnh Xuân đám cưới phải mời khách nhóm họ đãi ăn bữa trước hay là rước dâu về rồi tối mới đãi tiệc.

Vĩnh Xuân nói ở một căn phố nhỏ, chật hẹp, nhóm họ và đãi tiệc có chỗ đâu cho khách nghỉ. Nếu lựa mời nhóm năm ba người thì người khác phiền. Còn mời đãi ngoài hành lang thì làm rùm beng quá, sợ người ta dị nghị. Huống chi đám cưới là cái lễ gia đình. Vậy lễ cầu thân cũng như lễ cưới, chỉ mời ít người thân thiết đi họ giùm vậy thôi, không nhóm họ, không đãi tiệc. Thầy sẽ mướn in tbiệp gởi báo tin cho mấy ông, mấy thầy các sở hay ngày nào thầy kết hôn với ai ở đâu vậy thôi chớ không mời.

Ông Kinh hiểu ý Vĩnh Xuân, mới tính gọn như vầy: lễ cầu thân thì đi sáu người: chàng rể, bà sui trai, vợ chồng ông mai, mời thêm ông với bà Huấn Trai nữa thì đủ. Họ qua đàng gái làm lễ rồi ăn bánh uống nước về cũng được. Vả hai nhà ở gần thau quá, nhà nào đãi cơm thì đãi một nhà mà thôi, chớ mời ăn bên kia không lẽ về bên nầy ăn nữa được. Vậy bà mai nên nói với sui gái sẵn có nhà rộng thì đàng gái lãnh đãi hai họ, chừng rước dâu về đàng trai thì ăn bánh uống nước trà, hoặc rượu vậy thôi.

Vĩnh Xuân khen cách ông Kinh bày gọn gàng lại êm thấm, nên thầy chịu làm như vậy.

Bà Kinh lãnh thương thuyết với bà sui gái đặng hai bên thỏa thuận với nhau.

Bà Chủ Thiệu ái mộ Vĩnh Xuân, quyết gả Cẩm Nhung cho thầy, nên bà Kinh làm mai bày cách nào bà cũng vui lòng mà chịu hết. 

Tháng sau đi lễ cầu thân, bà Hương văn sắm bốn quả rượu và bánh trái mà thôi. Bà Chủ lãnh xây mâm trầu và lén đưa cho bà Kinh một đôi bông tai nhận hột xoàn đặng đi lễ, khỏi mua tốn tiền. Bà lại xin họ đàng trai qua làm lễ xong, bà đãi ăn một tiệc rồi sẽ về.

Trước khi lên xe ngựa mà đi, Vĩnh Xuân không quên Cúc Hương. Thầy lại đứng trước khuôn kiếng lộng di bút của nàng mà vái lầm thầm rằng vì chữ hiếu nên thầy không thủ tiết với nàng đươc, chớ không phải thầy phụ bạc.

Cách ba tháng sau, ngày cưới định rồi, Vĩnh Xuân in thiệp để tới bữa cưới sẽ gởi cho  mấy ông, mấy thầy trong tỉnh mà báo tin. Thầy có gởi thơ xuống Chợ Giồng mời vợ chồng Ông Giáo Huân với Hai Tỷ, nhưng hai nhà đều trả lời chúc mừng, vì xa xuôi đi không tiện.

Đi rước dâu thì thầy có mời thêm vợ chồng thầy Giáo Thôi, là bạn học cũ mới đổi lại dạy lớp nhứt trường tỉnh Mỹ Tho.

Bà Chủ Thiệu nói nhà bà rộng rãi nên bữa cưới bà xin đãi hai họ; chừng đưa dâu qua đàng trai làm lễ rồi họ đàng gái uống trà vậy thôi. Bà chịu lãnh xây mâm trầu và chịu miễn lộng. Bà lại lén đưa cho bà Kinh một mớ áo, một đôi neo, một đôi vàng chạm, đặng bữa cưới trình lễ vật cho dễ coi.

Có một việc rắc rối xảy ra thình lình là quan Huyện Lê Thành Kiên hay Vĩnh Xuân sửa soạn cưới vợ, nhưng vì nhà nghèo lo sắm lễ vật đã mệt rồi, không dám đãi tiệc, chỉ báo tin cho mấy ông, mấy thầy hay vậy thôi. Quan Huyện hảo tâm mới viết giấy nói rằng thầy thông Vĩnh Xuân sắp cưới vợ, nhưng vì nhà cửa chật hẹp nên không dám mời mấy thầy. Ông nghĩ Vĩnh Xuân là anh em, thầy làm lễ thành hôn mấy ông mấy thầy không lẽ làm lơ, không chúc mừng cho thầy. Vậy ông muốn hùn với nhau mà đặt một tiệc tại nhà hàng đặng chiều bữa cưới mời vợ chồng Vĩnh Xuân đến dự tiệc mà tỏ lời chúc mừng cho thầy long phụng hòa minh, sắt cầm hảo hiệp. Quan Huyện dặn thầy nào chiu hùn đãi tiệc thì ghi tên vào tờ đặng biết số mà đặt tiệc.

Mấy thầy trong Toà Bố đều biên tên hết. Có nhiều thầy làm sở khác, Giáo huấn, Ngân khố, Công chánh và Tòa Án cũng xin ghi tên chịu đãi tiệc, thành thử số người chung đậu mà chúc mừng cho Vĩnh Xuân lên tới 60 thầy. Quan Huyện lấy làm mừng mà thấy mấy thầy hoan nghinh ý kiến của ông. Ông mới đặt cho thợ làm một tấm hoành thêu kim tuyến bốn chữ lớn: “Sắt cần hảo hiệp” để bữa tiệc trao cho vợ chồng Vĩnh Xuân kỷ mệm ngày vui.

Vĩnh Xuân hay chuyện ấy thầy rất ái ngại.

Ông Kinh Lương nói quan Huyện thương, nên bày làm như vậy, mà làm đó là phải lắm, anh em chung đậu mà ăn mừng với nhau một bữa, chớ phải người ta hùn tiền mà đi cho mình hay sao nên ái ngại. Bữa đó, anh em chúc mừng cho mình thì mình tỏ lời cám ơn thạnh tình của mấy ông, mấy thầy vậy thôi.

Vĩnh Xuân nghe như vậy mới an lòng.

Đám cưới làm y theo chương trình đã định trước. Sửa soạn đi rước đâu, Vĩnh Xuân cũng vái Cúc Hương rồi mới lên xe mà đi. Mớ áo với vòng vàng thì bà Kinh cùng bà Hương văn sắp đặt làm êm, Vĩnh Xuân không hay gì hết. Cô dâu về nhà chồng đeo vàng đỏ tay, cổ đeo kiềng, ngực đeo hột xoàn, đầu giắt trâm rung, coi thiệt đẹp.

Bà Chủ Thiệu hay tối bữa đó mấy ông, mấy thầy đặt tiệc đãi vợ chồng Vĩnh Xuân tại nhà hàng thì bà đắc chí hết sức. Chừng họ đàng gái về bà nói cho vợ chồng Vĩnh Xuân hay chiều bà sẽ cho xe cao su qua trước đặng đưa vợ chồng đi dự tiệc và chờ đặng rước về.

Đám cưới thì xuôi thuận. Còn tiệc đãi thiệt là vui. Mấy thầy ai cũng xầm xì Vĩnh Xuân có phước nên cưới vợ giàu lại đẹp.

Tiệc mãn rồi, quan Huyện đứng lên thay mặt cho mấy thầy chúc mừng vợ chồng Vĩnh Xuân trăm năn bền chặt tóc tơ, một cửa dẫy đầy hạnh phúc. Ông biểu giăng tấm hoành thêu bốn chữ: “Sắt cầm hảo hiệp” cho vợ chồng Vĩnh Xuân xem rồi giao cho thầy treo trong nhà để làm vật kỹ niệm.

Vĩnh Xuân cảm động đứng dậy tạ ơn quan Huyện với tất cả bằng bối. Thầy cáo lỗi vì nhà chật, nên không dám mời mấy ông mấy thầy. Sau hết thầy nói thạnh tình của mấy ông mấy thầy đây không bao giờ thầy quên.

Mấy ông mấy thầy ai cũng lại bắt tay Vĩnh Xuân và cúi đầu chào Cẩm Nhung mà từ giã.

Vợ chồng Vĩnh Xuân đứng chờ khách đi hết rồi mới ôm tấm hoành lên xe mà về.