Người có danh thường hay thận trọng, dầu danh lớn hay nhỏ cũng vậy, phải lo giữ gìn củng cố; không chịu để cho người ta chê “hữu danh vô thiệt”, phải làm sao cho người ta công nhận “danh bất hư truyền”.
Vĩnh Xuân hồi nhỏ học chữ nho với ông Giáo Huân, được ông Giáo khen thông minh, mẫn cán, ông cho là ngôi sao rạng rỡ trong trường ông. Chừng bỏ nho học mà theo Tây học, thì từ Chợ Giồng xuống Gò Công, sau lên Mỹ Tho, Sài gòn cũng vậy, học trường não cũng được cái danh giỏi nhứt trong lớp.
Nay xuất thân đi làm việc vừa mới vào Tòa Bố Mỹ Tho trình diện, liền được quan Phó Tham Biện khen thầy bặt thiệp, nói tiếng Tây dễ dàng nên chọn thầy đứng thông ngôn. Dầu muốn dầu không thầy cũng phải vâng chịu không được phép kiếm kế mà từ chối.
Trưa về ăn cơm, Vĩnh Xuân nói với ông Kinh:
- Đường đời có nhiều khoảng gay go. Bây giờ tôi mới thấy gay go thiệt. Thi đặng làm nghề ký lục tôi tưởng tôi ngồi biên chép rồi cuối tháng lãnh lương mà ăn vậy thôi. Tôi có dè phải làm việc khó quá như vầy đâu.
- Có khó chi đâu. Tôi biết thầy dư sức. Thầy đừng lo chi hết. Hồi sớm mơi quan Phó cho dân vô hầu. Thầy đứng thông ngôn lần đầu, mà mấy thầy lén coi ai cũng cho thầy thông ngôn vững vàng, không bợ ngợ, không lụi đụi chút nào hết. Người ta đoán trong ít lâu thầy sẽ lên đứng thông ngôn cho quan lớn Chánh cho mà coi.
- Làm việc gì cũng vậy, hễ có thiện chí tự nhiên phải thành công. Tuy chưa thạo việc, song tôi cố gắng, có lẽ tôi cũng sẽ làm cho quan trên vừa lòng được. Có một điều làm cho tôi ái ngại quá nên hết sốt sắng.
- Điều gì ?
- Hồi nãy đi về dọc đường ông nói ông nghe rõ lại thì quan Phó không để thầy Khuê thông ngôn nữa là tại thầy ăn hối lộ sao đó nên mất tín nhiệm.
- Tại thầy làm lộng quá nên mới đổ bể chớ. Làm việc ai lại khỏi quơ quào chút đỉnh. Nhưng người ta làm kín đáo có sao đâu.
- Tôi nghe như vậy tôi buồn quá. Hôm thứ bảy vô trình diện với quan lớn Chánh, ổng dặn tôi làm việc phải siêng năng, mà ổng còn khuyên tôi đừng hối lộ. Tôi hối lộ có danh hay sao mà ổng khuyên như vậy ? Lời khuyên đó nhục tôi quá, bởi vậy hổm nay tôi phiền không biết chừng nào. Tôi nói thiệt nếu nhà tôi có cơm tiền đủ sống thì hôm đó tôi nói tiếng cho ổng nghe rồi tôi đi về. Vì nghèo nên phải làm tay sai cho người ta, mà còn để cho người ta nhục mạ nữa thì chịu sao được.
- Thầy đừng phiền. Có lẽ tại quan Phó đã cho quan lớn Chánh hay thầy Khuê lôi thôi sao đó và đã có tính hễ thầy vô làm việc thì bắt thầy thế cho thầy Khuê, nên quan lớn Chánh mới khuyên như vậy, nghĩa là khuyên đừng có làm như thầy Khuê, chớ không phải cố ý nhục thầy.
- Nếu vậy thì một thầy hối lộ rồi cho tất cả mấy thầy đều hối lộ hết hay sao mà dặn như vậy ?
- Việc đó tôi không muốn nói. Để thầy làm lâu lâu rồi thầy sẽ hiểu lấy
- Ai làm sao thì làm. Tôi lập chí thanh cao chánh trực như tôi đã dặn lòng tôi, mà tôi cũng đã hứa với thầy tôi như vậy.
- Được vậy thì quí lắm.
- Dại hay khôn chung cuộc rồi mới biết.
- Thầy ở theo sách chớ không chịu ở theo đời.
- Sách hay đời cũng vậy, có cái phải mà cũng có cái quấy. Tôi quyết ăn ở theo lẽ phải mà thôi, không kể đời hay sách.
- Được lắm, được lắm. Cuộc đời biến chuyển, con người tấn hoá. Phải dung hòa cũ với mới cho hiệp thời. Duy có lẽ phải bao giờ cũng là lẽ phải, không làm sao thay đổi được. Nếu cái phải mà cho là quấy, còn cái quấy lại cho là cái phải, thì trật tự đảo điên, Phật Trời sụp đổ còn biết đâu mà nương dựa nữa. Tôi khuyên thầy thông cứ lấy lẽ phải nhà xử sự; ăn ở như vầy thì không ai dám khinh khi, mà cũng khỏi lo ai oán hận.
- Quan Phó gây chuyện rắc rối cho tôi quá. Chớ chi ổng giao bộ đinh cho tôi coi thì tôi khỏe, tôi mới lo kiếm phố mướn mà dọn chỗ ăn ở được.
Bà Kinh chặn mà nói:
- Thầy thông lo dọn nhà gấp làm chi; ở đỡ đây với vợ chồng tôi được mà.
- Ở đôi ba ngày không nói gì, chớ ở lâu quá tôi làm nhọc lòng ông bà. Tôi đâu dám.
- Thầy ở đây vợ chồng tôi vui lắm, có nhọc lòng gì đâu. Thầy ở mấy tháng cũng được.
- Tôi muốn dọn nhà đặng rước bà già tôi lên. Hôm ra đi tôi có hứa; nếu để lâu quá sợ bà già tôi trông.
- À nếu có việc đó nữa thì tôi không cãn. Mà tôi muốn thầy ở gần đây đặng tới lui chơi cho tiện. Tôi hỏi lại thì chắc có người ở dãy phố nầy họ sẽ dọn đi. Vậy thầy viết thơ thưa cho bà chị hay, đợi tháng sau có lẽ sẽ có phố trống mà dọn nhà được. Để tôi nói trước với chủ phố, hễ người đó trả phố thì phải giao chìa khóa cho tôi, Chủ phố làm Hương cả làng nầy. Nghe nói thầy thông đứng bàn quan Phó mướn phố, ổng phải bằng lòng, đâu dám cho người khác đâu mà sợ.
Ông Kinh tiếp nói: “Thầy muốn học đờn, tập làm thi với tôi thì phải ở gần nhau cho tiện. Thầy rán chờ ít ngày. Ở đỡ đây với tôi được mà. Thầy ở tới chừng nào cũng không sao đâu mà ngại”.
Hai bữa nay vợ chồng ông Kinh thấy Vĩnh Xuân mới vô làm liền được đứng thông ngôn thì biết thầy học giỏi thiệt. Đã vậy mà thầy tánh tình ôn hòa, khiêm nhượng, song cứng cỏi thẳng ngay, vợ chồng đem lòng yêu, muốn chứa thầy ở lâu lâu cho vui.
Còn Vĩnh Xuân chưa thạo việc trong nhà hầu, cũng muốn cậy ông Kinh chỉ dẫn, nên không đòi dọn nhà gấp nữa, viết thơ cho mẹ hay rằng chưa kiếm được phố trống, nên xin chờ qua tháng sau mới có thể dọn nhà.
Bây giờ mắc lo làm việc bổn phận vuông tròn, Vĩnh Xuân chưa dám nói tới việc học đờn và việc làm thi. Vô nhà hầu thì phải soạn các nghị định và huấn lịnh của quan trên nói về bộ thuyền mà xem cho hiểu thuyền chia làm mấy hạng, thuyền lớn phải làm sao, cách thức đo thuyền mà tính ra trọng tải thế nào, tính số thuế cách nào, ghe tân tạo phải làm sao mà cho sách, ghe giải bản phải làm sao mà bôi hộ.
Thầy cũng kiếm xem huấn lịnh về phép bắn súng, xem coi tính được bao nhiêu giấy phép, buộc người xin phép bắn súng phải có điều kiện gì, người có súng nếu chết, thân nhơn phải làm sao.
Trong hai ngày thì Vĩnh Xuân đã biết hết công việc của thầy làm, nếu có chỗ nào chưa hiểu rõ thì thầy Khuê chỉ thêm cho.
Về nhà ban đêm nói chuyện với ông Kinh thì Vĩnh.Xuân hỏi tới việc của mấy thầy khác làm. Ông Kinh làm việc lâu năm nên ông thạo hết. Ông cắt nghĩa các sắc thuế; thuế quản hạt, thuế địa hạt, phụ công nho. Ông chỉ các sắc bộ: bộ đinh, bộ điền, bộ vụ đậu, bộ thổ trạch, bộ sanh ý, bộ trâu bò. Ông cũng nói luôn cách cử Hội đồng địa hạt, cách cử Hương chức hội tề và cách cử mấy Bang trưởng với thể lệ thâu thuế Hoa kiều.
Một buổi sớm mơi, ông Kinh ở trong, Vĩnh Xuân ở ngoài, hai người đương thay đồ đặng đi làm việc. Có hai người cầm giấy tờ trong tay, lúm cúm bước vô cửa, thấy Vĩnh Xuân đương ngồi đút giày vô chưn mà mang thì cung kỉnh xá mà hỏi thầy thông coi bộ thuyền ở đây hay không. Xuân nói phải và hỏi lại hai người có việc chi mà kiếm nhà thầy thông coi bộ thuyền. Một người nói mới mướn đóng rồi một chiếc ghe nên đem xuống xin cho đặng lãnh sách với bài chỉ. Còn người kia nói mới mua một chiếc ghe để chở lúa nên đem nhờ mua bán xin đóng bách phần đặng sang bộ sửa sách.
Vĩnh Xuân nói việc như vậy thì vô Toà Bố mà hầu, chớ đây là nhà riêng, không biết việc của nhà nước. Hai người điều nói theo tục lệ phải thưa trước với thầy thông rồi sẽ vô Tòa Bố hầu sau.
Vĩnh Xuân cười mà nói: “Tôi coi bộ thuyền hổm nay. Tôi đã bỏ tục lệ cũ rồi. Hai anh cứ đi ngay vô Tòa Bố mà hầu, khỏi nói trước với ai hết. Hễ vô đơn rồi tự nhiên tôi làm cho. Đi liền đi, gần tới giờ hầu rồi”.
Hai người mở gói lấy tiền.
Vĩnh Xuân la lớn: “Ê ! Ê ! Hai anh muốn làm cái gì đó ? Tôi đã nói như vậy, hai anh chưa hiểu hay sao ?”.
Một người nói: “Thưa kiến tiền nước cho thầy”.
Vĩnh Xuân nói: “Nhà nước trả lương cho tôi đặng tôi làm công việc cho dân. Tôi không được phép lấy tiền của dân, mà dân cũng không được phép đem tiền cho tôi. Hai anh làm sái phép ở tù chết đa. Đừng có làm quấy như vậy nữa nghe hôn. Thôi đi, đi”.
Hai người ngó nhau, bộ bối rối. Vĩnh Xuân đứng dậy thôi thúc biểu đi.
Ông Kinh Lương bước ra nói: “Thầy thông đã biểu như vậy thì hai anh em đi lên Tòa Bố đi, sao lại còn dục dặc”.
Hai người nghe như vậy mới chịu xá mà ra của.
Ông Kinh cười mà nói với Vĩnh Xuân:
- Tại có tục lệ như vậy nên họ nới đến đây mà kiếm thầy đó. Thầy thấy chưa ? Vì thầy mới lãnh việc họ chưa biết nên mới tới có vài người. Lâu lâu họ biết rồi mỗi bữa họ tới cả chục cho mà coi. Sớm mơi thầy đi thử một vòng mà coi, mấy thầy coi bộ trâu bò, điền thổ, sanh ý, bách phần, nhà nào cũng có khách vô ra nườm nượp.
- Có như vậy nên người ta khuyên hờ tôi, nghĩ cũng phải. Mà xét cho chí lý thì bịnh hối lộ nảy sanh ra được là tại dân. Nếu dân đừng thèm cho tiền thì sao mà hối lộ được.
- Không cho tiền thì họ làm khó. Họ bắt bẻ từ chút, họ làm tờ giấy lại, họ bắt chờ đợi cả ngày thì bất tiện quá. Thôi, ra phứt ít đồng bạc đặng xong chuyện cho mau.
- Nếu người ta làm khó thì mình thưa.
- Thưa với ai ? Dân có biết tiếng Tây đâu mà thưa với quan. Phải nhờ thầy thông nói giùm. Nếu thầy thông binh vực đàng kia, thầy thêm bớt rồi mình mang họa.
Vĩnh Xuân suy nghĩ một chút rồi mới nói:.
- Hôm tôi thi đậu, thầy tôi có nói thông ngôn ký lục là hạng công bộc không có quyền hành gì, nhưng làm trung gian giữa dân với quan nên có trách nhiệm quan hệ lắm.
- Thiệt vậy. Làm sống làm chết được chớ chơi sao.
- Dân thiệt thà, lại nói ra quan không hiểu, tự nhiên ức thì rán mà chịu, không dám hở môi. Người ta thừa tình thế đó mới làm mưa làm gió mà hóng hách bốc lột. Cái nạn nầy phải làm sao mà trừ, chớ để hoài như vậy thì nguy cho dân quá.
- Tôi không thấy phương pháp nào hết.
- Có chớ. Muốn trừ cái nạn áp bức, bốc lột thì cứ dạy dân cho khôn, cho dạn, cho cứng, đừng chịu ai hiếp đáp, đừng để ai bốc lột, hễ ức trí thì chống cự hẳn hòi, hễ sái phép thì kêu nài mạnh mẽ. Làm như vậy thì gỡ nạn cho dân mới được.
- Ai chịu dạy dân ? Người có học thức họ muốn để cho dân dốt nát, ám muội đặng dễ sai khiến.
Thấy gần tới giờ hầu, hai người tạm dứt câu chuyện đặng đi làm việc.
Vĩnh Xuân nhờ có sẵn khiếu thông minh, lại nhờ quen tánh ưa tìm hiểu, bởi vậy làm việc trong vài tuần thì biết rành rẽ công việc thuộc phận sự của thầy, mà thầy cũng hiểu sơ lược các công việc của mấy thầy khác trong Tòa Bố. Thầy còn được biết các ngành hoạt động tổ chức về mặt hành chánh trong tỉnh và khắp trong xứ. Vì vậy nên bây giờ thì thầy đứng thông ngôn rất bình tỉnh, vững vàng, ngồi làm việc thì lẹ làng, còn nói chuyện thì hoạt bát, không khác nào một thầy thông ngôn giúp việc nhà nước đã nhiều năm. Các bạn đồng liêu ai thấy thầy thông thạo mau lẹ như vậy, thì dầu không thương cũng phải khen tài, mà lại thấy thầy được quan Phó càng ngày càng thêm thân yêu, nhưng thầy cứ một mực nhỏ nhoi khiêm nhượng, hỏi đặng học chớ không khoe khoang thì ai cũng phải kiêng nể. Có một điều thầy làm cho bạn đồng liêu xầm xì rồi ái ngại là thầy không chịu hối lộ, ai có chuyện đem tiến tới lo với thầy thì thầy đuổi đi hết; nếu còn nài nỉ thì thầy hăm kêu lính bắt đặng giải Tòa. Không chịu hối lộ sao không làm thầy giáo, lại làm thầy thông ? Làm thông ngôn ký lục mà thầy khác ý với bạn đồng liêu thì làm sao mà thuận hòa với nhau cho được ?
Tập sự xong rồi, việc làm đã dễ, bây giờ Vĩnh Xuân khoẻ trí mới tính tới việc mướn phố dọn nhà.
Bà Kinh cho thầy hay bà Sáu ở cách bà một căn mới cho chủ phố hay bữa rằm tháng tới nghĩa là còn 20 ngày nữa bà sẽ trả phố đặng dọn về An Hoá mà ở với cháu. Bà Kinh đã có dặn ông chủ phố rồi, hễ bà Sáu dọn đi thì phải giao chìa khóa cho bà đặng bà đưa cho thầy thông đứng bàn quan Phó dọn về mà ở. Chủ phố đã hứa chắc với bà rồi, vậy kể từ ngày rằm tháng tới thì sẽ dọn nhà được.
Ông Kinh hỏi sẽ chở đồ đạc dưới Gò Công lên mà dọn nhà hay là phải mua đồ mới trên nầy. Vĩnh Xuân tỏ thiệt vì nhà nghèo nên đồ đạc lôi thôi không có thứ chi quí giá. Thầy có dặn mẹ chừng nào mướn phố được rồi, thầy gởi thơ cho mẹ hay, thì mẹ bán cái nhà, còn đồ đạc thứ gì xài được và cần ích thì chở ghe đò đem lên mà dọn, thứ nào không xứng đáng thì bỏ, lên trên nầy sẽ sắm thêm.
Bà Kinh nói nếu không đủ bàn ghế hay giường ván thì bà kiếm mượn giùm cho mà dọn đỡ rồi sau sẽ mua sắm thêm đừng lo việc đó.
Vĩnh Xuân viết thơ cho mẹ hay chắc rằm tháng sau sẽ có phố và xin mẹ sắp đặt cho xong, đặng qua ngày rằm thì chở đồ lên.
Ông Kinh đã thấy Vĩnh Xuân đã an lòng khỏe trí rồi, ban đêm mới bắt đầu chỉ cho thầy hiểu các thể thi, chỉ niêm vận và bình trắc theo thể thất ngôn bát cú. Nghe thầy nói thầy thích đờn kìm, ông lại kiếm mượn thêm một cây kìm kêu tiếng tốt mà treo trong nhà đặng tập cho thầy đờn.
Từ đó mỗi đêm Vĩnh Xuân học làm thi một hồi rồi tập khẩy đờn, thầy sốt sắng rèn tập, ông Kinh cũng tận tâm chỉ dẫn, đêm nào hai người cũng thức hoặc đờn hoặc làm thi đến 12 giờ mới chịu nghỉ.
Đến bữa rằm thiệt quả bà Sáu chở đồ đạc xuống ghe đi về An Hoá, giao chìa khóa căn phố cho bà Kinh Lương.
Trưa bà Kinh dắt Vĩnh Xuân lại coi phố. Bà chê vách dơ, chỉ gạch bể hết vài tấm, bà nói để bà xin ông chủ phố sơn phết, sửa gạch lại cho đàng hoàng. Buổi chiều ông Kinh với Vĩnh Xuân đi làm việc rồi thì bà Kinh che dù đi vô nhà ông Hương Cả chủ phố, bà nói thế nào không biết, mà bữa sau, mới tảng sáng, thì ông chủ phố ra nhà ông Kinh đặng thăm thầy thông Vĩnh Xuân.
Nói chuyện qua lại theo lễ xã giao xong rồi, ông chủ phố hỏi chìa khóa và mời thầy thông lại coi cặn phố. Ông nói ông lấy làm vui lòng mà được để một căn phố cho thầy thông ở.
Vợ chồng ông Kinh đi theo mở cửa đặng cùng nhau coi. Ông chủ phố nói thầy thông muốn sơn phết màu gì, muốn sửa chữa chỗ nào thì chỉ cho ông biết đặng ông biểu thợ hồ làm lại cho sạch sẽ rồi sẽ dọn. Vĩnh Xuân chưa kịp nói thì bà Kinh giành xin ông chủ phố cho thay hết mấy tấm gạch bể từ nhà trên xuống nhà bếp, sửa khóa cửa trước, cửa sau cho chắc, còn sơn vách thì nên sơn làu trứng gà, bắt chỉ màu xanh đậm. Ông chủ phố chịu hết. Chừng coi rồi ra về ông nói với thây thông rằng trong nhà ông có bàn ghế tủ ván dùng không hết. Vậy dọn nhà thầy thông có cần đùng thứ gì thì cho ông hay ông sẽ biểu trẻ nhà đem ra cho mượn mà dùng chẳng cần phải mua hoặc đặt cho thợ đóng, tốn tiền nhiều lại cây không tốt.
Chủ phố về một lát thì có thợ hồ, thợ mộc ra làm lăng xăng, người thay gạch bể, trám mấy lỗ đóng đinh, kẻ thì sửa khóa cửa, làm thông hồng đặng đóng cửa cho chắc.
Buổi chiều họ bắt đầu cạo vách đặng sơn, sơn nhà trên mà cũng sơn luôn nhà bếp nữa. Thợ làm trong hai ngày thì xong rồi hết. Tới phiên ba người trai mạnh mẽ, hai người gánh nước cho một người cầm chổi quét rửa gạch cho thiệt sạch. Họ làm một chút thì rồi. Nhưng bà Kinh không cho đóng cửa, để có hơi gió vô đặng khô vách, khô gạch cho mau.
Đến xế cũng ba người rửa nhà hồi sớm mơi đó đẩy xe tay chở ra một cái giường cây, một bộ ván gõ ba tấm mỏng nhưng giồì láng bóng, một bàn viết, một tủ áo với một bàn nhỏ có kèm hai cái ghế.
Bà Kinh nghe họ lụi hụi khiêng vô, bà liền lại mà chỉ lót cái giường trong buồng, cái bàn nhỏ với hai cái ghế thì để trước bộ ván, bàn viết tự nhiên để dựa cửa sổ bên tay mặt. Còn cái tủ áo bà đứng nhắm nhía coi phải để đâu. Bà suy nghĩ rồi biểu khiêng để trong buồng đặng đựng quần áo mà thay cho tiện.
Chiều ông Kinh với thầy thông về, bà Kinh mời lại coi bà dọn nhà.
Vĩnh Xuân bước vô thấy bàn ghế, ván tủ đủ hết thì chưng hửng, hỏi đồ ở đâu có mà đọn đủ hết như vậy. Bà kinh mới nói:
- Ông chủ phố cho bạn của ổng chở ra mà dọn đó.
- Bữa hổm ông có nói nếu dọn nhà mà thiếu thứ gì thì cho ổng hay, ổng sẽ cho mượn. Tôi lặng thinh, vì chưa quen với ổng mà hỏi mượn đồ thì kỳ quá. Sao bữa nay ổng lại chở đủ thứ mà dọn như vầy ?
- Ổng ở nhà lớn, lại giàu xưa, nên đồ đạc thiếu gì. Ổng thấy thầy mới đổi lại, dọn nhà mà không có đồ, nên ổng cho mượn đồ, có sao đâu mà ngại. Hôm tôi lên nói mà lấy chìa khóa căn nầy, tôi nói tôi mướn giùm cho thầy đặng bà con ở gần với nhau cho vui. Ổng nghe nói mướn cho thầy thì ổng sẵn lòng lắm. Ổng khen ngợi kính mến thầy quá. Ổng nói thầy mới đổi lại mà ai cũng khen thầy trẻ tuổi, học giỏi, vui vẻ, khiêm nhường, nhứt là thanh liêm, làm việc mà không thèm ăn hối lộ của dân, cái đó làm cho ổng kính phục hơn hết. Có lẽ vì vậy nên ổng giúp cho thầy dọn nhà mà ở cho đàng hoàng như người ta chớ có gì đâu.
- Tôi không ăn hối lộ mà tôi thọ lãnh đồ đạc như vầy thì tội của tôi còn nặng hơn lấy tiền bạc nữa.
- Ông chủ phố cho thầy mượn mà dùng đỡ, chớ phải cho đứt hay sao mà gọi là hối lộ ? Hơn nữa, ổng kính phục tài đức của thầy nên ổng giúp cho bề ăn ở được phương tiện, ổng có cầu thầy làm việc chi cho ổng đâu mà nói ổng lo lót.
Vĩnh Xuân suy nghĩ rồi ngó ông Kinh vừa cười vừa nói: “Mình không nhận tiền bạc, mà nhận đồ của ngươi ta cho mượn, hoặc đi Tết, hoặc lễ chi đó, nhận đồ như vậy có phải hối lộ hay không ? Đó là một vấn đề cần phải suy nghĩ đặng giải quyết cho đúng với phong hoá và pháp luật”.
Ông Kinh nói: “Theo phép lịch sự của xã giao, hai người quen nhau nên thù tạc cho nhau đồ, có phải hối lộ đâu. Còn việc ông chủ phố cho mượn đồ đặng dọn nhà lại còn không phải nữa. Ôi ! Ông chủ phố có đồ dư dùng, ổng cho mượn thì thầy cứ lãnh, chừng nào hết dùng thì phải trả lại cho ổng. Đó là việc ân nghĩa, chớ đâu phải hôi lộ mà thầy ngại”.
Vĩnh Xuân nói: “Có đủ đồ hết, để ăn cơn rồi tôi đi mua một cài đèn, đặng tối nay tôi về ngủ nhà mới. Nhưng xin ông bà tiếp cho tôi ăn cơm tới chùng bà già tôi lên, tôi sẽ ăn cơm nhà”.
Ông Kinh nói: “Phải lựa ngày tốt mới về nhà mới chớ. Để tối tôi coi ngày nào được rồi sẽ về. Còn việc ăn cơm thì thầy cứ ăn với tôi, lo làm chi”.
Bà Kinh khóa cử rồi ba người dắt nhau về ăn cơm. Câu chuyện hối lộ, hoặc với bạc tiền, hoặc với lễ vật, còn kéo dài thêm nữa. Vĩnh Xuân tỏ ý lo ngại về sự người ta có thể cậy trước làm ân làm nghĩa để mua lòng thiện cảm của kẻ có quyền hành hoặc có thế lực, mà nhờ nhỏi về sau, bởi vậy người có chút quyền thế phải sáng suốt, phải đề phòng, không nên để cho người ta lợi dụng hai tiếng ân nghĩa mà che đậy dục vọng âm thầm đương hướng về ngả khác.
Ông Kinh cảm thấy Vĩnh Xuân trẻ tuổi, lại mới để bước vào đường đời là thầy biết nhơn tình thế thái rất châu đáo, thì ông càng kiêng nể, nên ông cười chớ không đám cãi.
Còn bà Kinh, thì bà không dám xúi hối lộ, song bà không muốn nghe bài bát việc ấy là chứng bịnh chung của thời đại, bởi vậy bà cố tâm kéo câu chuyện qua sự dọn nhà là việc cần kíp của Vĩnh Xuân, Bà khuyên ông Kinh lấy lịch Tàu hoặc sách Ngọc Hạp coi ngày nào tốt rồi sẽ để cho Vĩnh Xuân bắt đầu về nhà mới mà ngủ. Bà khuyên Vĩnh Xuân viết tiếp một bức thơ nữa cho mẹ hay đã mướn phố xong rồi nên mời mẹ lên mà ở.
Ăn cơm rồi, Vĩnh Xuân ngồi viết thơ cho mẹ. Ông Kinh mở tủ lấy cuốn lịch Tàu ra coi ngày. Bà Kinh đốt một cái đèn nhỏ bưng lại để trong căn phố mới mướn, bà nói rằng đồ dọn rồi mà để tối mò, lạnh lẽo như vậy không nên.
Ông Kinh lật lịch coi một hồi rồi ông nói với Vĩnh Xuân nếu thầy muốn về ngủ nhà mới thì nên chờ ngày mai là ngày 20, về ngày đó mới hạp với sự dời chỗ ở.
Vĩnh Xuân viết thơ rồi thì bà Kinh trở về, tay có bưng một cây đèn tọa đăng mới tinh. Ông Kinh hỏi đèn ở đâu vậy. Bà nói: “Tôi đốt cái đèn nhỏ để đằng nhà thầy thông rồi đi luôn ra tiệm kiếm mua giùm cho thầy một cây đèn đây. Đèn trộng đến; ban đêm có khách thì đốt mà nói chuyện được. Có ống khói, có tim đủ, mà tôi mua có một đồng mốt, rẻ quá. Đồ nầy mà để cho đàn ông đi mua, không biết kèo nài, khách trú nó đòi tới một đồng rưởi, hoặc một đồng ba”.
Vĩnh Xuân khen rẻ, lấy một đồng mốt trả lại cho bà Kinh. Bà bưng cái đèn vô trong rót dầu đốt thử rồi bưng trở ra để trên bàn cho ông Kinh với Vĩnh Xuân coi. Vĩnh Xuân khen tốt. Bà dặn thầy muốn mua vật gì thì nói với bà đặng bà mua giùm cho vì thầy không biết giá, sợ thầy mua mắc lắm.
Ông Kinh nói tối mai Vĩnh Xuân mới về nhà mới được. Bà Kinh nói: “Vậy thì chiều mai tôi biểu con bếp bưng một cái lò lại đẳng đặng tôi nhúm một bếp lửa cho ấm áp. Theo phép thì về nhà mới phải có bếp lửa. Không nên bỏ tục lệ ông bà”.
Chiều bữa sau đi hầu về, Vĩnh Xuân thấy căn nhà của thầy mở cửa, thầy đi thẳng lại đó, thấy bà Kinh đương nhúm một lò lửa trong bếp, mà bộ ván đằng trước lại có trải chiếc chiếu bông. Cái đèn tọa đăng mua hôm qua cũng có để trên bàn.
Vĩnh Xuân trở về nhà ông Kinh, thay đồ mát, rồi bưng cái rương áo quần đem lại, dọn đồ về nhà mới.
Bà Kinh ở sau bếp đi ra, thấy Vĩnh Xuân bưng rương, thì bà la lớn: “Sao thầy không biểu con bếp nó bưng giùm cho ?”.
Vĩnh Xuân cười mà đáp:
- Tôi bưng được, cần gì phải cậy chị bếp.
- Làm thầy thông mà bưng rương, chòm xóm ngó thấy họ cười chớ.
- Rương của tôi thì tôi bưng, sao lại cười tôi. Nếu họ cậy thì tôi bưng giùm cho họ cũng được. Có luật lệ nào cấm thầy thông bưng đồ đâu.
- Thôi, thầy bưng luôn vô trong đặng sắp áo quần vô tủ cho rộng rãi. Tủ có chìa khóa hẳn hòi, để đồ rồi khóa lại tiện lắm. Tôi lấy chiếc chiếu của tôi mà trải thử trên bộ ván coi vừa quá thấy hôn thầy thông. Tôi cho thầy mượn ngủ đỡ ít ngày rồi sẽ kiếm chiếu mà mua. Để tôi về tôi ôm lại mùng mền lại giùm cho.
- Cám ơn bà. Để một lát tối rồi tôi dọn được mà.
- Thầy có một mình, để tôi phụ với chớ.
Bà Kinh đi về.
Vĩnh Xuân mở rương lấy đồ sắp vô tủ. Áo quần không có bao nhiêu nên để không giáp một ngăn tủ.
Bà Kinh ôm mùng mền đem lại, có ông Kinh đi theo. Bà hỏi Vĩnh Xuân muốn ngủ cái giường trong buồng hay là ngủ ngoài ván. Vĩnh Xuân tính để cái giường cho mẹ nằm, thầy ngủ ngoài ván cho mát. Bà Kinh trở về lấy đinh với dây gai đem lại rồi ông Kinh phụ với Vĩnh Xuân đóng đinh, giăng mùng thử rồi vắt lên, đợi chừng nào ngủ sẽ bỏ xuống.
Cuộc dọn nhà chỉ có bao nhiêu đó thì xong. Cả tháng nay Vĩnh Xuân lo lắng đêm ngày, may nhờ cách khôn ngoan, lanh lẹ của bà Kinh nên Vĩnh Xuân được ở một căn nhà tốt tươi, sạch sẽ, có đủ đồ dùng, mà chỉ tốn có một đồng mốt mua cái đèn mà thôi. Xuân không tính mua vật chi nữa, đợi mẹ lên coi mẹ muốn mua thêm thứ nào thì mẹ mua.
Đêm ấy ăn cơm rồi ông Kinh biểu bà chế bình trà ngon đem lại nhà Vĩnh Xuân rồi ông xách cây đờn kìm lại đó ngồi uống trà mà đờn giéo giắt mấy bản hay của ông để mừng thầy thông về nhà mới.
Người ở phía tay trái, khít một bên Vĩnh Xuân, !à thím Son, một góa phụ bán hàng ngoài chợ. Tuổi thím trên 40, thím có hai đứa con, đứa trai tên Lạc 15 tuổi, đứa gái tên Xuyến 13 tuổi, hai đứa đều đi học trường nhà nước.
Còn người ở căn phía tay mặt rồi tới ông Kinh, là ông Hoằng, thầy thuốc nam, tuổi gần 60, làm thuốc được tổ đãi, nên có bịnh rước hằng ngày, và mỗi bữa người ta ra vô hốt thuốc cả chục thang. Ông nghe thầy thông dọn nhà mới, có ông Kinh lại đờn chơi, ông mặc áo dài qua mừng thầy thông đặng làm quen.
Vì có hai cái ghế không đủ ngồi, ông Kinh phải về nhà nhắc thêm một cái ghế đem lại cho mượn. Chủ khách ngồi nói chuyện với nhau. Vĩnh Xuân lấy làm vui mà được lân cận với một danh y mà cũng là một nhà nho học. Bà Kinh biểu chị bếp chế bình trà lớn xách lại và đem thêm tách đặng chủ khách uống trà mà nói chuyện.
Vĩnh Xuân nhận thấy ông Hoằng học nho thì biết chữ vậy thôi, chớ không hiểu thuần tuý của đạo nho, so sánh với ông Kinh Lương hay ông Giáo Huân thì lù mù, còn ở sau xa lắm.
Nói chuyện chơi trót giờ rồi ông Hoằng về. Ông Kinh ngồi đờn hoài gần 11 giờ ông mới về nghỉ.
Vĩnh Xuân bưng bình, tách đem lại trả rồi đóng cửa, vặn đèn lu lu, và bỏ mùng xuống mà ngủ. Thầy nghĩ lại thì bước chưn vào thế cuộc, nhờ được mọi người thương yêu, nên việc gì khó cũng hoá ra dễ. Sự làm việc đã yên ổn lồi, nhà cửa dọn cũng xong xuôi, bây giờ chỉ đợi bà mẹ lên nữa, thì mọi việc đều vuông tròn.
Ban ngày làm việc, ban đêm học đờn và tập làm thi; tiện tặn đặng số lương đủ cho mẹ con sống thong thà vậy thôi, bao nhiêu đó đủ thỏa mãn chí hướng, chẳng cần mon mỏi rực rỡ, vinh quang trong lúc chung quanh mình kẻ khóc người than, kẻ khòm lưng, người mỏi gối.
Chiều bữa sau, tan hầu, Vĩnh Xuân biểu ông Kinh về trước để cho thầy đi vòng ngả mé sông coi đò chợ Giồng lên hay chưa đặng thầy nhắn cho mẹ lên. Ông Kinh nói để ông đi với cho vui.
Hai người xuống mé sông, Vĩnh Xuân ghé tiệm bán đồ học trò thầy mua vài manh giấy, một xấp bao thơ, một bình mực để dành trong nhà, còn cán viết, ngòi viết với viết chì, thì thầy có sẵn nên khỏi mua.
May quá, đò chợ Giồng lên rồi. Vĩnh Xuân kêu chủ đò mà cậy về chợ Giồng làm ơn vô nhà bà Hương văn nói giùm thầy đã dọn nhà xong rồi, nên xin bà lên gấp, hổm nay thầy trông bà lắm.
Vì Vĩnh Xuân có đi đò nầy mấy lần nên chị chủ đò biết thầy, vừa nghe thầy nhắn thì chủ đò nói:
- Bà Hương văn nói mốt, 24, bà lên thầy à. Nhưng thầy nhắn như vậy, để mai đò về, tôi cũng vô nhà tôi nói lại giùm cho.
- Sao chị biết mốt má tôi lên ?.
- Hồi hôm bà Hương văn có xuống đò tôi coi đò có chở đồ đạc chút đỉnh được hay không. Bà nói có được thơ thầy biểu lên gấp. Nhưng bà còn phải dọn dẹp đồ đạc nên chưa đi chuyến đò bữa nay kịp. Mai đò về, mốt bà sẽ chở đồ đi.
- Nếu vậy thì chiều mốt tôi sẽ xuống đây tôi rước. Chị nhắm coi mốt chừng giờ nào đò mới lên tới.
- Cha chả, mốt bị ngược nước nên đò có đi giỏi lắm thì cũng phải mặt trời lặn lên mới tới đây. Tôi sợ tới đỏ đèn không biết chừng.
- Má tôi có chở đồ chút đỉnh, chị làm ơn chở giùm nghe hôn. Chị ăn tiền chở bao nhiêu lên đây tôi trả cho.
- Được mà. Bà con một chợ chở đồ chút đỉnh, bà muốn cho bao nhiêu cũng được, có chi đâu mà lo.
- Hai anh chèo, có anh nào chị làm ơn cho ảnh đi theo tôi cho biết nhà đặng mốt như đò tới sớm, tôi xuống không kịp, thì ảnh lên cho tôi hay. Tôi ở đường sau chợ đây
- Được để anh chèo mũi đi với thầy.
- À, như mốt có đồ, tôi cậy hai anh chèo đem giùm lên nhà rồi tôi cho tiền, được hay không chị ? Được như vậy thì tôi khỏi mướn người ta.
- Được chớ. Đò tới thì hai người nghỉ chớ có làm gì đâu. Đem đồ giùm, thầy cho tiền mua thuốc hút thì hai ảnh mừng lắm.
- Vĩnh Xuân được tin mốt mẹ lên, thì thầy mừng lắm, từ giả chị chủ đò, rồi cùng với ông Kinh đi riết về đặng cho bà Kinh hay.
Ăn bữa cơn tối đó, Vĩnh Xuân vui vẻ, nói chuyện không ngớt, mà chẳng nói chuyện chi khác hơn chuyện mẹ con sum hiệp, từ đây con ở đâu thì mẹ ở đó, hết xa nhau nữa. Vợ chồng ông Kinh Lương thấy vậy thì đủ biết Xuân kỉnh ái mẹ chớ không phải như hạng người bất hiếu, hễ học giỏi làm nên rồi thì quên ân nghĩa sanh thành, không thèm ngó ngàng tới mẹ cha nữa.
Nhân dịp nầy bà Kinh mới ướm thử lòng Vĩnh Xuân, nên bà nói:
- Thầy thông làm việc ai cũng chịu hết. Đi đến đâu cũng nghe người ta khen rùm, khen học giỏi, làm việc bặt thiệp, ăn nói nhỏ nhoi, tánh tình vui vẻ, nhứt là khen thanh liêm, cái đó làm cho người ta kiêng nể hơn hết.
- Có gì đâu mà kiêng nể. Nhà nước mướn tôi làm công việc của dân, nhà nước đã trả tiền công cho tôi rồi. Tôi buộc dân phải trả tiền cho tôi nữa sao được. Bày chuyện nói đền ơn. Tôi có làm ơn gì đâu mà đền ? Bổn phận của tôi buộc tôi phải làm, chớ tôi có giúp ai đâu.
- Mấy thầy khác họ có nói như thầy vậy đâu.
- Ai nói sao tự ý họ. Riêng về phần tôi thì tôi cứ do lẽ phải mà nói ngay ra.
- Thôi, chuyện đó tôi không dám cãi với thầy. Bây giờ việc làm thì thầy đã thông thạo hết rồi, trên được quan yêu, dưới được dân chuộng. Thầy còn trẻ tuổi, lại mới ra làm mà thầy đã được danh vọng rất lớn. Nhà cửa dọn cũng đã yên rồi. Mốt đây bà chị lên thì mẹ con sum hiệp một nhà. Thầy chỉ còn thiếu có một việc tôi muốn thầy phải nghĩ tới cho sớm một chút.
- Thưa bà, còn việc chi ?
- Việc lập gia thất. Thầy nên lựa con nhà tử tế mà cưới đặng có người nội trợ, lo cơm nước cho thầy với bà chị, chớ không lẽ thầy rước bà chị lên đây rồi bắt bà chị đi chợ nấu ăn.
- Việc cưới vợ thì tôi chưa tính. Mà chắc tôi không tính đâu. Nhưng việc đi chợ nấu ăn thì tôi đã có tính rồi. Tôi chưa dám nói với bà là vì tôi đợi má tôi lên, tôi thưa với má tôi, rồi tôi sẽ nói. Hổm nay tôi muốn cậy bà kiếm mướn giùm cho tôi một người đi chợ nấu ăn, chẻ củi, xách nước, làm công việc lặt vặt trong nhà. Thuở nay má tôi cực khổ quá, vì nhà nghèo nên phải nhọc thân. Bây giờ má tôi già rồi, tôi phải ép má tôi nghỉ. Khống biết ở đây mướn một người ở giúp trong nhà mỗi tháng phải trả tiền công bao nhiêu bà ?
- Người lớn tuổi, nấu ăn giỏi họ đòi tới 5 đồng. Như mướn đứa nhỏ, làm công việc trong nhà được, nhưng dở việc bếp núc, thì vài ba đồng. Để bà chị lên rồi tôi kiếm giùm cho một đứa biết nấu cơm, nấu nước chút đỉnh vậy thôi, bà chị chỉ cho nó làm, thì trả chừng ba đồng được.
Ông Kinh Lương chứa Vĩnh Xuân trong nhà cả tháng nay, ông đã nghe Vĩnh Xuân. nói chuyện nhiều, ông đã thấy cách Xuân xử sự, ông biết chí hướng, ông hiểu tánh tình, ông chứng nhận lời nói không bao giờ trái với việc làm, mà việc làm cũng không bao giờ rời xa nhân nghĩa, ông cảm thấy Vĩnh Xuân không phải thuộc trong hạng thanh niên cậy tài học mà hống hách bóc lột hiếp đáp, hễ đắc lộ rồi thì mong hốt tiền cho nhiều, cưới vợ thiệt giàu, thiệt đẹp đặng lên xe xuống ngựa, ăn ở cao sang, miễn mình được sung sướng thì tôi, ai thảm khổ mặc kệ. Vĩnh xuân được quyền thế lại không chịu ăn hối lộ, nhà nghèo lại không ham bạc tiền, hổm nay làm việc yên rồi thì mong mướn phố dọn nhà đặng rước mẹ về nuôi, chẳng hề tính tới việc cưới vợ, cứ nói sắp đặt bề ăn để cho yên đặng học đờn kìm, tập làm thi, để hưởng thú phong lưu, lánh xa danh lợi. Thấy con người dị kỳ như vậy, ông Kinh cũng kiêng nể như mấy thầy trong nhà hầu, ông không dám bàn tới việc lợi danh, đợi bà Hương văn Thanh lên coi mẹ con có nói tới việc tơ tóc trăm năm của Vĩnh Xuân hay không, rồi ông sẽ liệu mà hướng dẫn. Hôm nay tình cờ bà Kinh dở chuyện cưới vợ ra mà nói với Vĩnh Xuân, Vĩnh Xuân lại gạt ngang mà xoay câu chuyện qua hướng khác, ông Kinh không thể nín nữa được, bởi vậy ông để hai người bàn đứt câu chuyện mướn đứa ở rồi, ông mới chen vô mà hỏi:
- Theo ý tôi, thầy thông dọn nhà cửa xong, mẹ con sum hiệp rồi, thì thầy phải lo kiếm người nội trợ đặng nuôi mẹ, chớ sao thầy lại nói việc cưới vợ chắc thầy không chịu tính.
- Nhà nghèo lương ít, cưới vợ phải tốn thêm một miệng ăn nữa tôi lo sao cho kham, ông Kinh. Tôi phải lo nuôi mẹ đặng đáp nghĩa đền ơn đã chớ. Nếu tôi đã có chịu ơn nghĩa của người vợ thì tôi mới lo trả. Tôi không có vay mà bắt tôi trả nợ thì tội nghiệp cho tôi quá. Ông bà nghĩ thử coi.
- Cưới vợ là để nối dòng để có người giúp đỡ việc trong nhà. Sao thầy lại nói cưới vợ là trả nợ.
- Người ta nói vợ chồng là duyên nợ, vậy thì vợ là nợ chớ gì. Huống chi cưới vợ phải lo nuôi vợ, tức thị là trả nợ.
- Cưới vợ nếu muốn khỏi nuôi, thì ta lựa người có nghề nghiệp làm ra bạc tiền, hoặc người có tài sản nhiều, có huê lợi lớn, ta cưới vợ như vậy ta khỏi nuôi, mà nó còn nuôi ta lại.
- Cưới vợ mà cầu cho vợ nuôi thì hổ quá.
- Thầy có nói học trọn bộ Tứ Thơ, lại ông Giáo Huân có giảng Mạnh Tử cho thầy rành lắm. Vậy tôi xin nhắc thầy câu nầy: “Thú thê phi vi dưỡng nhi hữu thời hồ vi dưỡng”. Rất đỗi thầy Mạnh còn nói: “Cưới vợ là vì phải lập gia đình, phải nối tông tộc, chớ không phải cưới vợ là vì cần phải có người nuôi mình, nhưng có nhiều lúc cũng cần phải có người nuôi nên mới cưới vợ”. Thế thì cưới vợ đặng có người nuôi, làm như vậy có lỗi với đạo thánh hiền đâu mà hổ thẹn.
- Ý thầy Mạnh nói câu đó tôi tưởng thầy muốn nói cưới vợ không phải cầu vợ nuôi nhưng khi đau ốm, hoặc rủi bị tật nguyền thì có người dưỡng nuôi sản sóc. Tôi mạnh khỏe mà tôi lựa người có tài nghề tôi cưới, đặng vợ tôi làm mà nuôi tôi vậy thì tôi lường công người ta. Hổ lắm, chớ sao không hổ ? Còn lựa con nhà giàu có mà cưới đặng hưởng gia tài, thì tôi sẽ mang tiếng đào mỏ, làm như vậy càng xấu hổ hơn nữa. Tôi nghèo, thôi để tôi lo trả thảo cho bà già tôi mà thôi, cưới vợ làm chi mà phải thêm một mối lo nữa.
- Thầy ở trong nhà gần một tháng rồi, thầy biết vợ chồng tôi yêu mến thầy như em ruột vậy, yêu mến mà lại quí trọng nữa. Bây giờ không có ai, tôi xin phép tỏ thiệt việc nhà của thầy theo ý tôi nhận xét. Thầy có nói thầy là con nhà nghèo thuở nay bà già phải làm cực khổ mà nuôi sống. Bây giờ thầy làm việc chắc là thầy chỉ nhờ lương bổng mà sống, chớ không có huê lợi nào khác. Mà thầy mới vô làm thì lương mỗi tháng có 20 đồng, lại bị truất một đồng cho kho hưu trí, thì còn có 19 đồng. Trong số đó phải trả tiền phố hết 5 đồng, tiền mướn người 3 đồng, thì còn có 11 đồng, làm sao mà đủ sống. Hổm rày vợ chồng tôi lo cho thầy về chỗ đó lung lắm. Chớ chi việc làm mà thầy chịu nhận tiền bạc của gười ta đền ơn, không ép buộc ai, ai muốn đền ơn bao nhiêu tuỳ hỉ, thì có lẽ mới đủ tiền mà sống. Trái lại thầy không chịu ăn hối lộ như ngươi ta thì làm sao ? Tôi thấy chỉ có cách cưới vợ giàu đặng bên vợ giúp đỡ.
- Cám ơn ông bà. Ông bà thương tôi nên mới cắt nghĩa chí lý như vậy. Việc tiền bạc tôi đã có suy nghĩ rồi. Tôi tính bà già tôi lên ở yên rồi thì tôi kiếm học trò tôi dạy riêng từ 6 giờ tới 8 giờ, mỗi tháng tôi kiếm thêm từ 15 tới 20 đồng thì đủ mẹ con sống thong thả.
- Làm việc mà về nhà còn phải dạy học nữa thì mệt lắm.
- Tôi còn trẻ tuổi, sức khoẻ còn dư, nên không mệt đâu.
- Thầy lập chí thanh cao chánh trực. Chí ấy tôi kính phục lắm vậy. Tôi muốn chí ấy được thỏa mãn, nên thiệt hổm nay tôi đương tính kiếm làm mai cho thầy cưới một người vợ có sẵn gia tài, đặng lo cung cấp tiền bạc đủ dùng trong nhà, giúp cho thầy trọn thảo với mẹ già, nuôi được chí thanh cao và hưởng phong lưu thú vị.
- Cưới vợ đặng nhờ vợ thì kỳ quá. Tôi cám ơn ông. Nhưng tôi không thế làm như vậy được.
- Ở đời muốn bên nầy đầy thì bên kia phải lưng một chút. Muốn được thanh liêm hoàn toàn, thì phải cưới vợ giàu đặng có tiền mà ăn mới thanh liêm được chớ.
- Tôi xin thưa thiệt với ông bà, tôi đã quyết định không cưới vợ để đời sống của tôi thong thả mà giữ thanh cao chánh trực, ông bà thương nên lo giùm cho phận tôi thì tôi cám ơn, nhưng thiệt tôi không thể vâng theo ý ông bà được.
Bà Kinh cười ma nói: “Thầy nói như vậy, để mốt bà chị lên đây coi bà chị có hiệp ý với thầy hay không?”.
Tại vợ chồng ông Kinh khuyên Vĩnh Xuân cưới vợ nên đêm ấy Xuân nằm nhớ lại Cúc Hương. Thầy tiếc ngày nay công thành, danh toại, nhà cửa đàng hoàng mà Cúc Hương không còn đặng sum hiệp một nhà, cho chồng yêu vợ, vợ giúp chồng, vợ chồng đồng chí đồng tâm mà nuôi mẹ già, làm nhân nghĩa. Thầy cũng tiếc Cúc Hương đã đi đầu thai rồi, nên không cho thầy chiêm bao thấy mặt nữa. Thầy nhớ Cúc Hương có dặn thầy phải cưới vợ đặng có người lo cơm nước và phụng dưỡng mẹ già. Dặn thì dặn chớ tình của Cúc Hương thiệt nặng, nghĩa của Cúc Hương thiệt dày, ngày nay thầy nên danh là nhờ Cúc Hương, nếu không trả nghĩa đáp tình với nàng được thì làm sao mà cưới vợ.
Chiều bữa 24, Vĩnh Xuân ra khỏi Tòa Bố rồi thì thầy đi thẳng xuống bến chợ coi đò Chợ Giồng đã tới rồi hay chưa. Hôm nọ chủ đò nói bữa nay đò lên trễ, té ra đò đã lên tới rồi, Vĩnh xuân thấy hai trạo phu đương khiêng ván để trên bực thạch, dựa mé sông. Thầy hỏi mẹ thầy có lên hay không thì chị chủ đò bước ra nói chị tưởng đò lên trễ, may nhờ có gió xuôi đò chạy buồm được nên tới sớm, hai người chèo đò đã xách đồ lặt vặt đưa bà Hương văn lên nhà rồi, bây giờ chỉ còn khiêng hai bộ ván với hai cái bàn nọ thì xong.
Vĩnh Xuân mừng quá, hỏi tiền chở đồ ăn bao nhiêu đặng thầy trả. Chủ đò nói bà Hương văn đã cho tiền rồi. Vĩnh Xuân dặn hai người chèo đem giùn đồ lên hết rồi thì sẽ đền ơn. Thầy đi riết về nhà đặng mừng mẹ.
Về tới đầu dãy phố, Vĩnh Xuân thấy tại căn của thầy thì cửa mở bét hết hai cánh còn ông Kinh thì đứng trước căn nhà ông. Thấy thầy đi tới thì ông Kinh kêu mà nói: “Ghé đây thầy thông. Có bà chị ở đây. Phải thầy đi về luôn với tôi, thì thầy đã gặp bà chị trước rồi”.
Vĩnh Xuân bước vô thấy mẹ đương ngồi uống nước trà nói chuyện với bà Kình, thầy vui vẻ mừng mẹ, nói thầy xuống bến đò mà đón, té ra mấy người chèo đò nói đã đưa mẹ lên nhà rồi. Họ đương đem đồ để dựa mé sông rồi sẽ vác lên.
Bà Hương văn hỏi con:
- Đồ ở đâu mà con dọn đủ thứ hết vậy ? Phải má dè có đồ nhiều rồi thì má bán hết đồ của mình, lên trên nầy có thiếu thứ gì thì mua thêm. Đồ không đáng gì mà chở đi kình càng quá.
- Má chở lên những gì đó má ? Con thấy có hai bộ ván nhỏ với bàn thờ.
- Ừ, bàn thờ tốt hay xấu cũng phải đem theo, chớ không lẽ bỏ. Má chở bộ ván dầu phía trước với bộ ván nhỏ ở nhà bếp, cái bàn ăn, hai cái ghế còn chắc và mùng chiếu chén bát. Có vài cái lò với cái lu nhỏ nữa. Còn đồ lặt vặt má để lại cho chòm xóm họ dùng.
- Má chở gần hết đồ trong nhà còn gì nữa. Thôi, để con lại con coi cho họ để đồ.
Vĩnh Xuân đi về nhà thay đồ rồi thì hai người chèo vác bộ ván dầu lên tới. Bà Hương văn với vợ chồng ông Kinh lại coi.
Vĩnh Xuân biểu vác thẳng bộ ván dầu vô lót trong buồng, bộ ván nhỏ lót dưới nhà bếp. Bàn ăn thì để trong buồng sát với bộ ván. Dời bộ ván gõ của chủ phố cho mượn qua lót một bên vách, chừa chỗ trống chính giữa đặng đặt bà thờ. Còn các đồ lặt vặt thì đem xuống hết nhà bếp.
Bà Kinh về lo bữa cơm tối đặng đãi khách. Ông Kinh chạy đi chạy lại để cho Vĩnh Xuân coi sắp đặt đồ đạc theo ý thầy. Bà Hương văn mới cho con biết cái nhà bà bán cho người ta được 50, còn đồ lặt vặt bán được 30 nữa.
Đến đỏ đèn thì đồ đã dọn xong rồi hết. Bà Hương văn nói tiền chở chủ đò xin 2 đồng bà đã trả rồi. Bây giờ bà cho hai người đem đồ lên nhà mỗi người l đồng. Vĩnh Xuân cho hai ngươi thêm 1 đồng nữa. Hai người cám ơn rồi từ giã mà xuống đò.
Bà Kinh lại mời ăn cơm. Vĩnh Xuân để mẹ theo bà Kinh đi trước. Thầy khóa cửa rồi theo sau.
Trong lúc ăn cơm bà Hương văn tỏ lời cám ơn vợ chồng ông Kinh lấy lòng háo nghĩa mà cho Vĩnh Xuân đùm đậu trong nhà cả tháng nay, ơn ấy không bao giờ bà quên được. Bà Kinh nói anh em một ty một sở với nhau, người cũ phải giúp đỡ người mới. Đó là việc vần công với nhau, đặng sau như ông Kinh đổi đi tỉnh khác thì có người khác giúp đỡ ông. Ông Kinh nói Vĩnh Xuân lên tới thì muốn mướn phố đặng dọn nhà liền. Vợ chồng ông cãn, biểu chờ ít bữa dãy nầy có phố trống sẽ mướn đặng anh em ở gần nhau chơi cho vui.
Bà Hương văn tính ngày sau bà sẽ lo cơm nước cho Vĩnh Xuân liền, không dám làm cực lòng bà Kinh lâu nữa. Bà Kinh không cho. Bà nói hai mẹ con phải ăn đằng nhà bà thêm một ngày nữa đặng có thì giờ mua gạo, mua củi, mướn gánh nước và mua đồ lặt vặt rồi mốt sẽ nấu được.
Vĩnh xuân cậy bà Kinh kiếm mướn giùm một người làm công việc nhà đặng đỡ tay cho mẹ và xin bà sẵn lòng giúp mẹ trong lúc ban đầu, vì mẹ chưa biết chợ mỹ Tho, nếu muốn mua đồ cần đùng thì không biết chỗ nào mà mua. Bà Kinh khuyên Vĩnh Xuân đừng lo, bà sẵn lòng giúp mọi việc trong lúc đầu.
Bữa sau bà Hương văn theo bà Kinh ra chợ mua lu đựng nước, mua thêm nồi, ơ, mua gạo, củi, dầu lửa, nước mắm, đủ hết rồi bữa sau nữa bà mới đi chợ mua cá thịt nấu riêng đằng nhà đặng mẹ con ăn với nhau.
Bữa đó nhằm cuối tháng, Tòa Bố phát lương rồi. Tối lại Vĩnh Xuân đem lại 10 đồng bạc mà thưa với bà Kinh cho phép thầy chung đậu chút đỉnh trong sồ tiền mua cá thịt cả tháng nay. Thầy xin bà vui lòng chấp nhận ít đồng bặc nầy, tuy không đủ vào đâu song có vậy thầy mới bớt ái ngại.
Bà Kinh không chịu lấy 10 đồng bạc đó. Bà nói rằng bà giúp anh em làm nghĩa, chớ không phải nấu cơm quán cho thầy ăn mà trả tiền.
Ông Kinh mới tiếp mà nói hẳn hòi: “Thầy thông nầy, thầy biết vợ chồng tôi thương thầy như em ruột vậy. Anh em mình còn gần gũi với nhau lâu dài chớ không phải một ngày một buổi rồi thôi. Nay thầy bợ ngợ trong bước đầu thì vợ chồng tôi giúp thầy. Mai mốt rủi tôi sa chưn sảy bước thầy giúp tôi lại. Thầy có học nho thầy hiểu ở đời nhơn nghĩa mới quí, chớ tiền bạc có quí gì đâu. Thầy ăn cơm với tôi một tháng nay không đến nỗi tôi nghèo, mà thầy không ăn tôi cũng chưa giàu được. Thầy cất tiền đi, đừng nài nỉ mà làm cho vợ tôi buồn”.
Ông lấy 10 đồng bạc nhét vào túi Vĩnh Xuân rồi ngâm:
Danh lợi mắt lơ tròng một cặp,
Non sông gánh nặng đạo ba giềng.
Ông vừa ngâm thi, vừa bước lại lấy cây đờn kìm, lên dây, rồi đờn ít bản cho Vĩnh Xuân nghe.