Phản ứng đầu tiên của Na Lan, chắc đây vẫn là giấc mơ chưa tàn vì đói khát, mệt mỏi và sợ hãi, hoặc đây là ảo giác. Cô đã từng nếm trải những ảo giác như thật.
Cô kêu lên kinh hãi.
“Na Lan đừng sợ! Tôi đến cứu cô đây!”
Chưa đầy mười phút sau, còi hú của xe cảnh sát vang lên. Na Lan biết mình đã thực sự được cứu.
Chỉ trong mấy phút, Na Lan đã làm quen với vị cứu tinh. Một người đàn ông tuổi ngoài 60, gầy gò, râu bạc, tự giới thiệu mình họ Trần và nói có lẽ cô từng nghe nhắc đến. Ông đưa cho Na Lan chai nước khoáng và bánh quy đem theo. Nghe nói “họ Trần”, Na Lan liền đoán ra ngay, “Chú là…tiền bối Trần Ngọc Đống?”
“Cứ gọi tôi ‘chú Đống’ là được.”
Ba mươi năm trước, Trần Ngọc Đống là sĩ quan cảnh sát đã điều tra vụ án “ngón tay khăn máu” đầu tiên, cũng là chuyên gia tham gia trinh sát hầu hết các vụ án “ngón tay khăn máu” khác.
“Chú đã về hưu… mà vẫn…” Nếu Mễ Trị Văn có mặt, chắc lão sẽ nói cô “Biết rồi còn cố hỏi…”
“Đoán xem ai đã báo cho tôi biết?” Trần Ngọc Đống hỏi lại.
“Sở Hoài Sơn?”
“Cháu thông minh thật! Biết Ba Du Sinh không trực tiếp nhúng tay, anh chàng mới từ Bộ xuống lại càng không gọi tôi. Khi nhận được điện của Sở Hoài Sơn, tôi ngỡ gã nào đùa bỡn nói năng thì ấp úng lắp bắp, sau khi nghe ra anh ta biết rõ toàn bộ vụ án thì tôi mới hiểu tính chất nghiêm trọng của sự việc.”
Sỏ Hoài Sơn là người nhanh chóng báo động cảnh sát về việc Na Lan mất tích. Anh liên tục chờ kết quả khảo cổ thôn Mễ Lung của Na Lan, nửa đêm lên mạng vẫn không thấy cô, gọi điện cũng không được, cuống lên bèn gọi cho Kim Thạc. Kim Thạc dù tức giận vì Na Lan tự tiện hành động nhưng dẫu sao vẫn là sĩ quan cảnh sát cẩn thận có thừa, lập tức điều động ngay hai xe cảnh sát đến thôn Mễ Gia sau dốc Mễ Lung để tìm kiếm. Nhưng đêm khuya sương mù dày đặc, tìm không ra.
Kim Thạc cảm thấy sự việc nghiêm trọng, đành phải thông báo cho Ba Du Sinh. Ba Du Sinh và Kim Thạc bàn đến việc phải cho tìm kiếm quy mô toàn thành phố. Còn Sở Hoài Sơn thì nghĩ ngay đến Trần Ngọc Đống.
Mễ Trị Văn cưỡng bức Đổng Bội Luân bất thành rồi bị bắt, là vụ án xảy ra vài tháng trước ngày nghỉ hưu của Trần Ngọc Đống. Xem tư liệu mà Ba Du Sinh gửi cho, Sở Hoài Sơn biết Trần Ngọc Đống cũng tham gia xử lý vụ án này và đã đi sâu tìm hiểu về Mễ Trị Văn.
Về sau Sở Hoài Sơn kể với Na Lan rằng lúc đó anh bỗng sáng óc ra, chúng ta lâu nay muốn tìm hiểu kỹ về Mễ Trị Văn mà lại bỏ qua một cơ hội tốt, quên mất rằng không ai hiểu rõ vụ án “ngón tay khăn máu” và Mễ Trị Văn bằng Trần Ngọc Đống! Nhưng Trần Ngọc Đống đã nghỉ hưu,,,
Vụ án “ngón tay khăn máu” hoành hành suốt ba mươi năm, gần như song song với sự nghiệp cảnh sát của Trần Ngọc Đống. Sự nghiệp của ông, đúc kết cô đọng thì, thành công hay thất bại đều gắn liền với vụ án “ngón tay khăn máu”. Khi ông nghỉ hưu, vụ án vẫn đang tiếp diễn, những ai có tâm với sự nghiệp thì đều khó mà phủi tay với tất cả. Huống chi, tư liệu mà Trần Ngọc Đống để lại cho thấy ông là con người rất nhiệt tình với công tác trinh sát phá án hình sự, không bao giờ qua loa cẩu thả. Sở Hoài Sơn bèn gọi điện cầu cứu ông. Lúc đó đã 1 giờ 30 phút sáng.
Chỉ sau một hồi chuông reo, Trần Ngọc Đống đã nhấc máy, cứ như thức đêm để chờ điện thoại. Sở Hoài Sơn nói nhát gừng ngắt quãng, ông lại hỏi cụ thể nguyên do sự việc, sau đó lập tức đeo chiếc ba lô “tình trạng khẩn cấp” với đầy đủ dụng cụ rồi chạy ra khỏi nhà.
Trần Ngọc Đống không có ô tô, sau nửa đêm lại càng không thể kiếm được taxi đi đến dốc Mễ Lung hoang vu. Ông sang khu bên cạnh, gõ cửa nhà người bạn làm lái xe đã về hưu, nhà vẫn có chiếc ô tô Santana bình dân cũng đã đến tuổi về hưu. Trần Ngọc Đống vốn biết lái xe, sau mấy phút nói chuyện ông đã mượn được xe rồi phóng như bay đến dốc Mễ Lung.
Gọi là phóng như bay thì hơi quá, so với những chiếc Audi hay xe đua Lamborghini với chủ nhân phừng phừng men rượu, thì chiếc Santana già với bác tài cũng già này, chỉ như lững thững đi dạo phố. Khi chạy đến dốc Mễ Lung, đã gần 3 giờ sáng.
“Chú cũng nhìn thấy những viên ngói và các nốt nhạc cổ à?”
Trần Ngọc Đống nói, “Đầu tiên tôi nhìn thấy cái hốc tường.” Ông lầu bầu trách các nhân viên do Kim thạc cử đến, chắc đều là lính mới nên không chú ý bảo vệ hiện trường, mặt đất lẽ ra phải có dấu chân mới của Na Lan, nhưng đã bị một lô dấu chân giẫm lên xóa hết. Ông đã vào gần chục ngôi nhà có hốc tường thủng thì ông liền chú ý, nhà hoang, đương nhiên là tường ngói lở lói cũ kỹ, nhưng hốc tường này thì khác, Gạch ngói lâu ngày dầm mưa dãi nắng, nhất là gần đây mưa xuân ẩm ướt, thì phải bị nham nhở gặm nhấm, cũng rất dễ bị rêu xanh phủ kín, nhưng đống gạch lộn xộn ở dưới chân tường này thì quá phẳng phiu sạch sẽ, hình như mới bị dỡ xuống.
Trần Ngọc Đống bật chiếc đèn LED trong tay. “Chà! Hữu dụng quá, may mà có nó!” Ông nói, khi nhận ra các viên ngói vương vãi trong và ngoài nhà, bề mặt đều viết chữ rất kỳ quái.
Và cả dấu chân của Na Lan.
Sau khi ra khỏi thôn Mễ Gia, rất khó lần tìm dấu chân của Na Lan, nhưng những viên ngói đã chỉ đường cho ông.
“Tôi gọi điện cho Kim Thạc, bảo anh đến đây mà xem, có lẽ cần các anh ứng cứu.” Trần Ngọc Đống soi đèn pin lên trên. “Tôi dùng nó để xuống đây. Già rồi, phải chấp nhận vậy. Nếu trẻ hơn thì tôi đã nhảy ào xuống, không vấn đề gì.”
Na Lan nhìn thấy ở vách hố có sợi thừng nilon to bằng ngón tay cái.
“Hễ ra khỏi nhà là chú vũ trang đầy đủ như thế này à?”
Trần Ngọc Đống nói, “Thói quen hình thành từ hồi trẻ đi bộ đội, chuẩn bị kỹ thì đỡ lo, nếu không, lúc này cháu có gì mà ăn mà uống?”
Tiếng còi hú của xe cảnh sát lại vang lên, chừng hơn mười phút sau, theo chỉ dẫn của Trần Ngọc Đống, cảnh sát cứu viện đã tìm đến miệng hố rồi thả thang dây xuống. Trần Ngọc Đống hỏi Na Lan, “Cháu trèo được không?”
Na Lan đáp, “Cháu vừa được ăn, phải có ích chứ!” Trần Ngọc Đống đỡ Na Lan lên thang. Ông bật đèn pin rọi xuống, nhìn kỹ các “văn vật” vừa được khám phá. Na Lan sợ mình vẫn còn yếu, chỉ dám từ từ leo lên từng bậc. Lúc đến gần miệng hố bỗng nghe tiếng Trần Ngọc Đống, “Cháu có nhận ra chi trước của các động vật này đều thiếu một khúc xương ngón chân không?”