Tổ Ấm Nơi Tận Cùng Thế Giới

Chương 1-13

Ned nâng ly lên và nói: “Vì thế hệ mới. Chúc may mắn.”

Chúng tôi uống mừng vì thế hệ mới. Qua những chiếc loa giấu đâu đó, một ban nhạc đang chơi bản Moon river.

Dường như chúng tôi đang ở một nơi ít quan trọng nhất trên đời này.

Burt Morrow nói: “Jonathan đã chọn NYU[37] à?”

[37] NYU: Tên viết tắt của Đại học New York.

“Đúng vậy,” Ned đáp. “Nó chọn trường đó hoàn toàn dựa vào nền tảng kinh tế. NYU đắt hơn là trường Oregon.”

Burt nháy mắt, và châm một điếu thuốc. “Chà, tôi chắc ở đó thằng bé sẽ nổi bật đấy,” ông nói. “Bobby có vẻ không thích học đại học lắm.”

“Nó còn trẻ mà,” Ned nói. “Anh không thể biết chuyện gì sẽ xảy ra trong một hay vài năm nữa đâu.”

Burt nói: “Nó chọn gì tôi cũng đồng ý. Tôi sẽ không can thiệp vào cuộc đời nó. Ôi, không. Tôi sẽ không nghĩ đến điều đó. Nó có quyền làm những gì nó muốn.”

“Tôi nghĩ vậy,” Ned nói. “Chúng đều có quyền làm những gì chúng muốn, đúng không?”

Burt gật đầu, rít một hơi Pall Mall thật sâu như thể đang nuốt chính những chất liệu tạo ra cuộc sống: “Chắc chắn rồi,” ông nói, vẻ nghiêm trang. “Chắc chắn là thế.”

Chính cách ông dùng từ “chắc chắn rồi” đã làm tôi khó chịu. Nó khiến cho ông nghe có vẻ quá giống một đứa trẻ già dặn bị bỏ lại cho chúng tôi chăm sóc.

“Chúng không được phép,” tôi dằn mạnh từng từ. “Làm tất cả những gì chúng muốn.”

“Ồ,” Burt nói, “miễn là chúng không làm hại ai…”

“Anh Burt này,” tôi nói. “Khi Jonathan bắt đầu chơi với con trai anh, nó là một đứa trẻ có bản tính cởi mở, dịu dàng, và giờ sau ba năm nó đã biến thành một người mà tôi khó có thể nhận ra. Nó đã từng là một học sinh hạng ưu và đến lúc Bobby không còn quấn quýt với nó nữa, nó may mắn vào được bất cứ trường đại học nào.”

Burt chớp mắt nhìn tôi qua làn khói thuốc. Ned nói: “Thôi, Alice…”

“Ôi, đừng nói gì cả,” tôi bảo anh. “Em chỉ muốn hỏi anh Burt đây một câu thôi. Em muốn hỏi anh ấy em đã làm gì sai.”

Burt nói: “Tôi không nghĩ là chị đã làm gì sai cả.”

“Vậy thì tôi đang làm gì ở đây?” Tôi hỏi. Tôi bất chợt dùng đầu móng tay gõ gõ vào ly của mình. Tiếng gõ nghe đều đều như thể nó là một âm thanh phiền phức do ai đó gây ra. Tôi nói: “Sao tôi lại sống trong một thành phố mà tôi coi thường? Sao cuối cùng tôi lại bị con trai mình ghét bỏ? Dường như tôi cứ làm từng điều từng điều một, lúc đó nó có vẻ hoàn toàn logic, nhưng vào lúc này, khi ngồi đây, dường như đó là điều không thể.”

“Chà,” Burt nói rồi nuốt khói. Tôi vẫn nghe thấy tiếng móng tay mình gõ gõ vào ly.

“Chúng tôi đã tới đây để trở thành một gia đình,” tôi bảo ông. “Chúng tôi đã có những dự định tốt đẹp.”

“Ôi,” Burt nói. “Mọi chuyện sẽ ổn cả thôi. Chị phải có niềm tin.”

“Niềm tin là thứ chỉ dành cho những người trẻ tuổi thôi. Tôi đã đọc tất cả những cuốn sách hay, và tôi không còn đẹp nữa.”

“Ôi chao,” Ned nói. “Nếu em không đẹp thì anh không biết nửa số đàn ông trong phòng đang nhìn chằm chằm vào cái gì.”

“Đừng nịnh em,” tôi bảo anh. “Sao anh dám làm thế? Anh có thể bực bội với em, khinh bỉ em hay chán ngấy em, nhưng đừng nịnh em như thể em là một cô vợ nhỏ. Em không là người như thế. Anh có nghe em nói không? Anh có hiểu không?”

Ned không nói gì, chỉ đặt tay lên tay tôi để ngăn tiếng móng tay tôi gõ vào ly. Tôi nhìn vào mặt anh.

“Ned.”

Tôi chỉ gọi mỗi tên anh.

“Thôi được,” anh nói. “Chúng ta trả tiền và đi về thôi.”

“Em xin lỗi,” tôi nói.

“Không sao,” anh trấn an tôi. “Chúng ta đã có một ngày đầy xúc động. Đứa con trai duy nhất của chúng ta vừa tốt nghiệp trung học mà.”

Tay anh vẫn đặt lên tay tôi. Tôi nhìn ngang qua bàn về phía Burt, người đang chằm chằm nhìn tôi với cái nhìn trực diện hiểu biết đến đáng sợ.

Sau khi Jonathan đi New York, Bobby dọn ra ở riêng trong một căn hộ nằm trong một tòa nhà xây bằng đá vôi giản dị phía bên kia thành phố. Nó học ở một trường dạy nấu ăn và làm bồi bàn vào buổi tối. Nó bắt đầu đề cập đến việc cùng tôi mở một nhà hàng.

“Một không gian ấm cúng của gia đình,” nó nói. “Cháu nghĩ tham gia vào việc kinh doanh nhà hàng sẽ rất hay đấy, đúng không ạ? Cô cháu mình có thể cùng làm việc ở đó.”

Tôi công nhận là tôi có thể sắm vai một cái máy rửa bát đĩa tốt như thế nào.

“Cô sẽ là bếp trưởng,” nó nói. “Nhà hàng đó sẽ là, ờ, nhà hàng duy nhất theo phong cách miền Nam đích thực ở Ohio.”

Dần dà, nó bắt đầu nấu bữa tối cho Ned và tôi ở nhà tôi. Nó đã thực sự trở thành một đầu bếp rất cừ, và có vẻ có những ý tưởng hết sức thuyết phục về việc bỏ vốn kinh doanh một nhà hàng.

Tôi bảo nó rằng nếu nó muốn mở một nhà hàng của riêng nó, tôi sẽ là khách hàng đầu tiên, nhưng đừng tính tôi vào làm bếp trưởng. Nó cười như khi chúng tôi lần đầu gặp nhau nhiều năm trước – nụ cười ám chỉ rằng tôi đã chuyển sang một thứ ngôn ngữ khác mà nó không hiểu nổi.

Mùa đông đó, tôi đã tự kiếm cho mình một công việc, làm thư ký trong một văn phòng bất động sản. Chúng tôi cần tiền. Rạp chiếu phim của Ned đang trong tình trạng tồi tệ hơn bao giờ hết, vì quá nhiều trung tâm thương mại đã được dựng lên ở ngoại ô. Người ta thường tránh đi vào trung tâm thành phố sau khi trời tối. Rạp chiếu phim nhấp nháy ánh đèn neon màu hồng trên một đại lộ nơi đèn đường chỉ phát ra những quầng sáng nhỏ nhoi; nơi những người mẫu ma-nơ-canh khỏa thân tươi cười đằng sau lớp kính tối om của một cửa hàng tạp hóa đã sập tiệm.

Dù công việc thư ký của tôi không hề cao quý hay thậm chí cũng chẳng có gì là đặc biệt thú vị, nhưng tôi vẫn thích có một nơi để đến mỗi ngày đến độ tôi bắt đầu sợ những ngày cuối tuần. Trong thời gian rảnh, tôi lại chú tâm vào việc chăm sóc khu vườn thảo mộc ở sân sau.

Bobby thỉnh thoảng gặp tôi để ăn trưa ở khu trung tâm, vì trường dạy nấu ăn của nó không xa văn phòng tôi lắm. Nó đã trở nên khá điển trai, theo vẻ đẹp truyền thống, và tôi phải thừa nhận rằng tôi thấy vui khi gặp nó ở những nhà hàng đông khách, nơi tiếng ồn do những người làm công ăn lương đói bụng gây ra khiến không khí nhà hàng thêm sôi động.

Trong các bữa ăn, Bobby luôn hăng hái nói về công việc kinh doanh nhà hàng. Có lúc, nó đã không còn giống như một kẻ đang bắt chước một thanh niên dễ coi, sạch sẽ nữa mà đã thực sự trở thành người như vậy, ngoại trừ những khoảnh khắc kì cục khi mắt nó ngời lên một cách khác thường và da nó lấm tấm mồ hôi. Những lúc như thế, nó khiến tôi liên tưởng đến một người bán Kinh thánh, một trong những người cuồng tín miền Nam vô cùng nồng nhiệt mà tôi đã biết rõ từ thời hoa niên. Trong lúc hào hứng, Bobby có thể mang nét đặc trưng đó, nhưng rồi nó luôn kiểm soát được bản thân, cười trừ và hạ giọng xuống, thậm chí còn có vẻ rút lại mồ hôi vào trong lỗ chân lông nữa. Do đó ấn tượng cuối cùng mà nó tạo ra là một vẻ trẻ con và quyến rũ, một sự nguy hiểm non nớt bị đặt dưới tầm kiểm soát.

Tôi thú nhận những nỗi lo lắng của mình với nó, và thi thoảng cho phép mình buông đôi lời phàn nàn về hoàn cảnh của tôi, vì tôi không thích là gánh nặng cho Ned. Bệnh hen suyễn của anh đã trở nên tệ hơn nhiều khi công việc kinh doanh đi xuống, và anh bắt đầu uống nhiều rượu.

Bobby đã nói hàng nghìn lần: “Cháu sẽ tìm người bỏ vốn và sang năm sẽ mở nhà hàng, hoặc cùng lắm là hai năm nữa. Cô cháu mình có thể cùng điều hành nó. Mọi việc sẽ trở nên tốt đẹp thôi.”

Tôi bảo nó: “Cháu nói nghe thật dễ dàng. Cháu còn trẻ mà.”

“Cô cũng còn trẻ đấy chứ,” nó nói. “Ý cháu là, cô trẻ hơn so với tuổi của cô. Cô sẽ thích làm bếp trưởng thôi, cô hãy đợi xem.”

“Cô sẽ không làm trưởng triếc gì hết.”

“Có đấy. Cô sẽ muốn khi cô thấy nhà hàng mà cháu sắp dựng lên cho cô. Nào, cô Alice. Hãy nói với cháu rằng cô ủng hộ cháu, và cháu sẽ dựng lên nhà hàng tốt nhất ở Ohio này.”

Người đàn ông ở bàn bên liếc về phía chúng tôi. Ông ta khoảng năm mươi tuổi, ăn mặc gọn gàng và có vẻ thành đạt trong bộ com lê màu xám đen. Tôi có thể nhận thấy mối nghi hoặc trong mắt ông ta: một phụ nữ lớn tuổi, khuôn mặt hơi nghiêm nhưng không hoàn toàn làm mất đi vẻ đẹp của bà ta, đang ănt rưa với một thanh niên đẹp trai, đầy sức sống. Trong một thoáng, tôi đi theo mạch suy nghĩ của ông ta, khi ông ta hình dung ra cảnh Bobby và tôi đi ra khỏi nhà hàng và lên một căn phòng cho thuê, nơi ánh nắng chiều xiên vào qua những tấm rèm che.

Bobby ngả người về phía trước, đôi bàn tay to lớn của nó mở rộng trên mặt bàn. Tôi đưa tay ra và nhẹ nhàng chạm vào những ngón tay to thô kệch của nó.

“Được rồi,” tôi nói. “Nếu cháu thực sự quyết tâm mở một nhà hàng như thế, hãy để cô tham gia cùng. Cô sẽ làm bất cứ điều gì có thể để giúp cháu.”

“Tuyệt quá,” nó nói, và mắt nó thực sự sáng lên, long lanh những giọt nước mắt.

Nó mở nhà hàng chưa đầy một năm sau đó. Có lẽ nó quá nôn nóng. Nếu nó chờ đợi cho đến khi nó hiểu thêm về kinh doanh, có thể nó đã thành công hơn. Nhưng nó cứ khăng khăng rằng mình đã sẵn sàng, và tôi chỉ có thể suy đoán không hiểu sự vội vã này có bị ảnh hưởng chút nào từ sự sa sút của Ned không. Nó kiếm được nguồn vốn từ Beechum, một gã đàn ông trông khá đáng ngờ, với mái tóc chải bồng về phía trước để che cái trán hói. Gã còn đeo vài chiếc nhẫn bạc và ngọc lam nặng nề trên những ngón tay thon gầy trắng trẻo. Gã Beechum này sở hữu, hay đúng hơn là gã tuyên bố là có sở hữu, một chuỗi hiệu giặt là tự động đang làm ăn phát đạt. Và theo như lời Bobby thì gã đã mường tượng ra một thành công tương tự trong lĩnh vực ẩm thực theo phong cách miền Nam.

Dưới sự hướng dẫn của Beechum, Bobby đã thuê địa điểm trong một khu trung tâm mua sắm nhỏ ở ngoại ô, giữa một cửa hàng quần áo giảm giá và một tiệm bánh trưng bày trên tủ kính một chiếc bánh cưới hơi dơ dáy. Tôi bày tỏ và mối lo ngại về địa điểm này, nhưng Bobby đã nêu ra một loạt những ưu điểm không thể chối cãi của nó.

“Địa điểm này nằm gần vài đại lý bán lẻ chính,” nó nghiêm nghị nói. “Penney’s là đại lý bán lẻ hàng đầu, và Sears cũng sắp khai trương. Nơi đó còn có những cửa hàng thực phẩm khác nữa. Mà nó lại rẻ. Ý cháu là, cô phải bắt đầu từ đâu đó chứ, đúng không ạ?”

Tôi không cần đưa ra quá nhiều chi tiết về sự khởi đầu đầy lạc quan của nhà bàng, và sự đi xuống ngay lập tức của nó. Chỉ cần nói rằng Bobby đã đặt tên cho nhà hàng là Alice, và đã làm tất cả những gì có thể với một căn phòng sáng ánh đèn huỳnh quanh và trần được thiết kế có độ vang, căn phòng đó trước đây từng là một tiệm bánh pizza nhưng đã sập tiệm. Nó treo những tấm áp phích đóng khung về New Orleans – những ban công sắt rèn trong Khu Pháp, một người đàn ông da đen đang thổi kèm trumpet – và kiếm được những chiếc bàn ghế gỗ ở cửa hàng đồ cũ. Tôi thử các công thức nấu ăn với Bobby, tranh luận về việc nêm nếm gia vị, dù Beechum thường thắng thế với những lời nhắc nhở về việc chi phí bị đội lên quá cao hay khẩu vị của người Ohio còn quá rụt rè. Thực đơn cuối cùng được đưa ra chẳng khác gì một phiên bản miền Bắc của ẩm thực miền Nam: Xúp mướp tây, bánh bột ngô, tôm đông lạnh được chế biến theo nhiều kiểu khác nhau. Những món tráng miệng đều đặc biệt. Tôi chủ định ghé qua đó thường xuyên nhất có thể.

Thỉnh thoảng khi đến ăn trưa, tôi thấy một, hai người khách khác nữa – những người đi mua sắm với những cái túi từ cửa hàng giảm giá bên cạnh, hay những nhân viên chào hàng đi một mình trong giờ ăn trưa – và đôi khi tôi là người khách duy nhất. Trong những lần đó, Bobby thường đến ngồi với tôi khi người phục vụ hoặc lau chùi cái tủ bày bánh nướng đã quá sạch sẽ hoặc lui về đọc một tờ tạp chí điện ảnh bên cạnh tủ lạnh.

Từ đầu đến cuối, Bobby chưa bao giờ mất đi vẻ hào hứng giống với người bán Kinh Thánh.

“Ban đầu mọi việc bao giờ cũng chậm chạp,” nó nói. “Cô phải để cho những lời truyền miệng lan ra. Khi một người rời khỏi đây sau những bữa ăn ngon miệng, họ sẽ kể cho mười người khác nữa. Cô cần phải chờ đợi.”

“Các món ăn ngon lắm, Bobby,” tôi nói. “Cô mong rằng mọi người sẽ đến để nhận ra điều đó.”

“Chắc chắn thế,” nó nói. “Nếu cô có sản phẩm, người ta sẽ tìm đến cô. Chỉ còn là vấn đề thời gian thôi.”

Chúng tôi ngồi nói chuyện với nhau trong căn phòng vắng, dưới những tuýp đèn huỳnh quang. Người ta đi qua khung cửa sổ sạch bong và nhìn vào trong với một vẻ mà tôi nhận thức được: khuôn mặt hóm hỉnh và khá đáng sợ ngoảnh vào bất cứ một cơ sở kinh doanh rủi ro nào. Chính tôi cũng đã từng nhìn vào vô số cửa sổ theo kiểu đó: những cửa hàng quà tặng nho nhỏ cầu kì nhưng vắng khách, những cửa hàng bán đồ ăn sẵn không trữ nhiều hàng, những cửa hàng thời trang với những bộ quần áo đã lỗi mốt năm năm. Khi người ta vội vã đi qua với những gói đồ mua từ cửa hàng Sears và Penney’s, tôi hiểu được những cảm giác của họ; tôi hiểu cái thái độ khinh khỉnh mà họ dành cho bất cứ thất bại nào của con người khi cố làm những việc bất khả thi.

Vào một đêm ấm áp trái tiết tháng Mười một, sáu tháng sau khi cửa hàng của Bobby khai trương, Burt Morrow đã tự thiêu mình và nửa căn nhà ra tro khi ông ngủ quên mà không tắt thuốc lá. Ned và tôi đã bị tiếng còi xe cứu hỏa đánh thức, dù dĩ nhiên lúc đó chúng tôi không biết điểm đến của chúng.

Tuy nhiên, tôi vẫn có một linh cảm. Cảm giác đó tuy vô danh nhưng thật ro ràng, vì thế tôi thao thức khá lâu sau khi Ned đã quay lại với giấc ngủ ồn ào, gần như khó nhọc của anh. Khi chuông điện thoại reo, tôi đã đoán ra ngay. Chúng tôi lái xe tới đó luôn, chỉ kịp khoác tạm áo choàng lên áo ngủ.

Bobby trông thấy chúng tôi đỗ xe. Nó vẫn đứng im. Nó đang đứng trên thảm cỏ, cạnh một viên lính cứu hỏa mặc áo khoác đen. Khi Ned và tôi chạy đến bên nó, Bobby nhìn chúng tôi với vẻ mặt nghền nghệt, sững sờ quen thuộc, vẻ mặt như của một người nước ngoài ấy.

Tôi vòng tay ôm lấy nó. Nó đứng im như phỗng. Nó nói rành rọt trong một giọng the thé: “Bố cháu mất vào khoảng mười hai rưỡi tối nay.”

Tay áo Bobby cháy sém và tóc nó bốc mùi khét lẹt. Chắc là nó đã cố gắng tìm cách xông vào căn nhà đang cháy.

Tôi vuốt mái tóc rối bù của nó. Nó đứng bất động trong vòng tay tôi. Nửa căn nhà đã cháy thành đống đổ nát, nửa còn lại vẫn vẹn nguyên với vẻ khiêu khích. Cánh cửa trước đã mở, lộ ra bức tường bên trong với lớp giấy dán tường có họa tiết hình hoa đã bị cháy đen. Trên đó, một tấm gương vẫn còn được treo trong chiếc khung cầu kì.

Ned lập tức đi xem xét tình hình của Burt. Tôi ở lại với Bobby. Người nó chợt rung lên, vì vậy tôi ôm nó chặt hơn, điều đó có vẻ khiến nó rung lên thêm. Sự xúc động của nó làm tôi sợ nhưng tôi không nới lỏng vòng tay. Tôi chỉ biết làm theo cách mà tôi thường làm với Jonathan khi nó còn nhỏ với những cơn khóc hờn vô cớ và tôi, ngốc nghếch ngay cả khi đã hai mươi hai tuổi, chẳng biết làm gì ngoài việc ôm chặt nó trong nỗi sợ hãi và bối rối của chính mình.

Jonathan về nhà dự đám tang. Mái tóc vàng hoe của nó vẫn thả ngang vai, nhưng nó đã chuyển sang đi giày lười và mặc một cái áo khoác vải tuýt cùng quần jean. Bobby ăn mặc theo kiểu những thanh niên lao động ở Cleveland: quần sợi tổng hợp xếp ly, áo sơ mi có cầu vai màu tùng lam.

Chúng cùng nhau lái xe đi dạo, xem những bộ phim cũ trên ti vi. Bobby xanh xao và lơ đãng, như thể phần bên trong sọ nó đang phát ra một tiếng động mà chỉ có nó mới nghe được. Jonathan trông chừng nó rất kĩ bằng cách ngồi gần bên nó và chạm vào vai hai tay nó.

Chúng giống như một cặp bệnh nhân và y tá. Giữa chúng có tình thương mến thương, nhưng không có dấu hiệu của sự yêu đương. Tuy cả ai đều còn trẻ, nhưng chúng đã nhiễm một đặc trưng của người già, khi chúng cùng ngồi trên chiếc sofa, chúng khiến bạn nghĩ đến những tủ đồ cổ và những cánh cửa chớp lật. Bobby luôn ngồi cạnh Jonathan, sát bên nhau như hồi còn trẻ con. Vào bất cứ lúc nào, một người lạ có thể sẽ không nhận ra nổi đâu là người dỗ dành, đâu là người được an ủi. Sau một tuần, Jonathan quay lại với cuộc sống mới của nó ở thành phố New York.

Bobby mau chóng đóng cửa nhà hàng, và cuối cùng phải tuyên bố phá sản như một cách để xóa nợ. Hiện nó làm việc trong một tiệm bánh. Có vẻ nó cảm thấy an toàn hơn giữa những tấm ván lăn bột, những quả trứng tươi và những tuýp bột nhồi.

Vì không còn đủ khả năng trả tiền thuê nhà nên nó phải rời khỏi căn hộ kia và chuyển đến sống cùng chúng tôi. Nó ngủ ở một chiếc giường hẹp trên gác, trong phòng của Jonathan.

Chúng tôi không thấy phiền gì lắm khi Bobby sống cùng. Thực ra mà nói, chúng tôi có thể tận dụng khoản tiền ít ỏi mà nó đóng góp, dù khoản tiền đó chẳng giúp được mấy cho việc học của Jonathan ở trường đại học hay sự đình trệ của rạp chiếu phim của Ned. Anh đã bắt đầu đặt những bộ phim nước ngoài, thể loại không được chiếu ở các rạp phim trong trung tâm thương mại. Anh phải vá thảm tiền sảnh bằng những miếng băng dính to bản.

Chủ nhật nào Jonathan cũng gọi điện về, như một đứa con có trách nhiệm. Nó đã chuyển từ ký túc xá đến một căn hộ ở Greenwich Village. Tôi cố hình dung ra cuộc sống của nó: những bộ phim và những quán cà phê, âm nhạc trong những câu lạc bộ ở tầng hầm. Tôi phải mường tượng ra những chi tiết này vì nó không hề đề cập gì đến chúng. Điều mà nó kể cho tôi nghe là việc học của nó vẫn tốt, và nó không cần đồ trải giường, dụng cụ nhà bếp hay quần áo mới gì cả.

Đôi khi tôi nghĩ tôi sẽ bỏ Ned. Đôi khi tôi nghĩ tôi sẽ tuyên bố điều đó và bỏ đi, như một đứa trẻ mười bảy tuổi. Nhưng tôi không thể hình dung ra cảnh mình làm thế, thực sự không thể. Một trong những điều mà tôi phát hiện ra khi bước chân vào tuổi trung niên là tôi quan tâm đến anh từ tận đáy lòng. Anh truyền cho tôi sự dịu dàng, thậm chí là lòng trắc ẩn. Nếu anh thành công hơn, có lẽ tôi đã bỏ được anh.

Thay vào đó, tôi lại nỗ lực một lần nữa để hòa nhập với cuộc sống ở đây. Tôi gia nhập lại hội nhà thờ. Tôi bắt đầu đạy làm bánh ở YMCA[38] cho những bà nội trợ muốn làm gia đình mình ngạc nhiên vào những ngày lễ. Lớp học của tôi đã thu hút một lượng học viên đáng kể. Nhiều người trong số họ rất hài hước và tốt bụng, vài người còn bị dụ dỗ từ bỏ sự ham thích với thạch Jell-O và bột pudding có đường nữa. Khi khóa học kết thúc vào lễ Giáng sinh, ba bốn người trong số chúng tôi có lẽ sẽ tiếp tục là những người bạn làm bánh.

[38] YMCA: Hội Thanh niên Cơ Đốc giáo.

Đây là những gì mà bạn cần làm. Bạn tự tạo ra tương lai cho mình từ những nguyên liệu thô nằm trong tầm tay của bạn. Tôi ngồi đánh máy ở một chiếc bàn từ thứ Hai đến thứ Sáu, và dành hai ngày mỗi tuần để hướng dẫn cho những phụ nữ khác về nghệ thuật khuấy trứng thật đều, cán bộ thật mỏng đến mức nhìn qua nó bạn có thể đọc được cả giấy in báo. Tôi không có nhiều thời gian làm việc nhà, nhưng Bobby luôn giữ cho nhà cửa sạch sẽ khi tôi đi vắng. Ngoài những lúc ở tiệm bánh, nó luôn ở nhà. Lúc nào cũng vậy. Nó nấu bữa tối mỗi ngày. Sau bữa tối, Ned quay lại rạp chiếu phim còn Bobby cùng tôi xem ti vi hay chơi bài. Tôi ngồi với nó cho đến giờ đi ngủ. Đôi khi tôi khuyên nó nên ra ngoài và xem thế giới đang thay đổi ra sao. Thậm chí tôi còn ngỏ ý cho nó ít tiền, nhưng tôi luôn nói rằng, đây chính là nơi mà nó muốn ở. Vì thế chúng tôi cứ ngồi đó, ngày qua ngày. Thành thật mà nói đôi lúc tôi mong rằng nó sẽ rời đi. Nó quá tận tụy và lúc nào cũng quá ngoan ngoãn.