Từ mấy tuần nay, Anne là thư ký phụ tá của Nghiệp đoàn. Sau khi bệnh dịch bị tiêu diệt ở Bryngower, Anne có thể trở về bệnh viện Trafalgar nhưng Susan Gladstone cố thuyết phục cô nhận nhiệm vụ này. Anne không muốn bỏ nghề nhưng cô hiểu rằng với chức vụ này, cô sẽ giúp đỡ các nữ y tá dễ hơn. Susan đã tới tuổi, một năm nữa là về hưu. Anne khó từ chối lời mời.
Một buổi sáng tháng sáu đẹp trời, Anne đang làm việc thì Susan đẩy cửa bước vào. Bà châm một điếu thuốc, tựa mình vào bàn giấy, tươi cười nhìn cô:
- Có hai phóng viên đang đợi ở phòng khách, cô có vui lòng tiếp họ không?
Anne ngửng đầu. Cô vẫn giữ được vẻ trẻ trung nhưng nét mặt có chút nghiêm nghị và u uẩn. Từ cái ngày khủng khiếp, Anne đưa tiễn thân xác Lucy ra nghĩa địa miền núi thì đôi môi cô không còn biết đến nụ cười. Cô nhìn Susan hỏi:
- Chị nghĩ sao?
- Tôi thấy việc đó chẳng phiền hà gì cho cô, quảng cáo một chút cũng có lợi cho Nghiệp đoàn lắm chứ?
- Vậy mời họ vào.
Vài giây sau, hai phóng viên bước vào chào Anne, người lớn tuổi nói:
- Chào cô Lee. Chúng tôi hân hạnh biết tin cô vừa được đề nghị thưởng huân chương vì những thành tích rực rỡ cô đạt được trong chiến dịch chống dịch bệnh ở Bryngower. Trân trọng chúc mừng cô và xin cô cho biết cảm tưởng.
Anne trả lời giọng trịnh trọng:
- Tôi rất sung sướng và vinh hạnh tiếp nhận huân chương cao quý đó. Nhưng tôi sẽ vui sướng hơn nữa nếu như các cộng sự viên của tôi đều được tưởng thưởng xứng đáng.
Phóng viên thứ hai nói:
- Thưa cô, chính cô là người có công nhất. Không thể ban phát huân chương cho tất cả các y tá được.
- Chắc chắn là không được. Nhưng ít ra người ta cũng có thể đối xử với họ có nhân đạo chứ?
Susan nồng nhiệt xen vào:
- Hoàn toàn đúng!
Hai phóng viên nhìn nhau, linh cảm nghề nghiệp cho biết cuộc phỏng vấn rất hấp dẫn. Người lớn tuổi mở sổ tay, hỏi tiếp:
- Cô vui lòng giải thích?
- Thế này, bây giờ bệnh dịch đã bị tiêu diệt, tin tức lan truyền khắp nước, ai cũng biết ơn các y tá can đảm. Người ta tặng hoa, nói vài câu khuyến khích, nhiều người đánh giá đúng công việc của chúng tôi. Nhưng điều mà quần chúng chưa biết là chúng tôi phải làm việc trong những điều kiện rất dễ nổi loạn. Nói đúng ra là rất tồi tệ. Ngày làm việc của chúng tôi rất dài, đồng lương lại chết đói, nơi ăn ở kinh khủng. Một y tá trung bình phải sống cuộc đời tôi mọi. Người ta không thể sửa chữa tình trạng đó bằng cách ban phát huân chương cho một người trong khi cả bốn chục ngàn người khác phải vật lộn trong đói khát. Muốn sửa đổi, phải chấp nhận cho bốn chục ngàn người phụ nữ kia một mức sống khả quan.
Nghỉ một lát, Anne nói tiếp:
- Nghề nghiệp chúng tôi là lợi ích chung cho toàn xã hội. Nhưng các cô gái không muốn làm y tá không phải vì nguy hiểm trong nghề nghiệp mà vì những khó khăn không thể chịu đựng nổi. Hiện nay, các bệnh viện đang thiếu nhân viên, ngày mai sẽ ra sao? Nếu không sớm cải tổ thì việc thiếu nữ y tá sẽ là một hiểm họa cho quốc gia. Quần chúng phải được biết nguyên nhân sự thiếu thốn đó. Nhân dân công bình và rộng lượng, nếu được biết thì họ sẽ ủng hộ tối đa. Khi quần chúng ủng hộ những đòi hỏi chính đáng của chúng tôi thì Quốc hội phải chú ý. Từ đó, chúng tôi có thể hy vọng vào những cuộc cải cách, chấm dứt sự khốn khổ của chúng tôi.
Sự im lặng tiếp theo sau những lời của Anne. Phóng viên vốn cứng cỏi mà hai nhà báo này không tránh khỏi xúc động trước sự kiện mà Anne đưa ra, cũng như trước nhân cách của cô.
Người thứ nhất gập sổ tay, nói:
- Có thể là chúng tôi sẽ giúp một tay, cô Lee ạ. Những điều cô vừa nói rất đúng, báo chí sẽ ủng hộ cô.
Hai người khách đi rồi, Susan hả hê vui sướng:
- Tôi nói thật, việc này sẽ làm thay đổi tình trạng. Có nhiều hy vọng là một chiến dịch báo chí sẽ bắt đầu.
Anne vẫn rầu rầu đáp lại:
- Ồ, để coi xem sao đã.
Nhưng thái độ bi quan đó là không đúng. Sau bữa ăn trưa, Susan đến gặp Anne với tờ báo trên tay và nét mặt hoan hỷ, bà kêu to:
- Anne, có rồi! Hấp dẫn lắm, trứ danh lắm.
Dòng tít lớn ở trang nhất chạy dài nhiều cột: "Nữ anh hùng ở Bryngower, người được đề nghị huân chương đòi hỏi phải xét lại điều kiện làm việc của các nữ y tá". Một bài báo dài bốn cột tiếp theo đó thuật rõ lời kêu gọi của Anne trước dư luận quần chúng. Bài báo kể nhiều về Nghiệp đoàn Nữ y tá cùng những mục tiêu hoạt động.
Susan đắc thắng nói:
- Lần này chúng ta thắng lớn rồi!
Anne cũng vui lây niềm vui sôi nổi của Susan. Dù khó chịu vì phải lợi dụng những gì đã thực hiện ở Bryngower cho việc này, cô cũng thích thú trước kết quả sẽ đạt được. Tuy lòng rất thỏa mãn nhưng sao cô vẫn không vui. Cô không tài nào xua được những kỷ niệm đen tối đã giày vò cô suốt từ ngày Lucy mất đi. Một điều gì đó đè nặng lên tâm trí cô làm cho cô buồn nản triền miên.
Suốt buổi chiều cô làm việc với Susan, khi xong việc, bà mời:
- Cô lên phòng uống với tôi một chén trà.
- Không, tôi có hẹn. Cuộc gặp gỡ này tôi không thích nhưng phải đến.
Anne có mặt ở quán Mèo Đen lúc năm giờ rưỡi. Quán trà ở gần phố Regent, nơi Anne và Lucy thường lui tới, khi bước vào khung cảnh quen thuộc làm cô cảm thấy khắc khoải vì những kỷ niệm cũ. Anne đến đây để gặp Joe tuy cô không muốn nói chuyện với anh chút nào. Khi Joe bước vào, cô vẫn mỉm cười chào anh. Joe mặc bộ com-lê màu sẫm may rất khéo, đội mũ mềm. Anh tỏ ra nhanh nhẹn và tự tin hơn trước.
- Chị Anne, tôi có tin vui muốn báo chị hay, tôi vừa ở chỗ ông chủ đến đây. Tôi chẳng dám nghĩ tới, nay tôi chỉ huy cả một khu miền Bắc. Cám ơn chị, Anne. Không có chị, tôi đã bỏ công ty rồi. Chị có nhớ buổi tối ở Manchester, tôi đã buông rơi hết và chị đã dẫn dắt tôi vào con đường đúng đắn.
- Tôi mừng lắm, Joe ạ.
- Chị biết tôi kiếm mỗi năm bao nhiêu không, năm trăm bảng Anh đấy. Tôi được ở miền Bắc, liên lạc giữa mấy tỉnh Liverpool, Manchester và Edinburgh. Nếu thích, tôi sẽ về Shereford.
Anne cúi mặt, khó chịu vì nghĩ đến những điều cô linh cảm Joe sẽ nói hôm nay.
- Trước khi rời Luân Đôn, tôi muốn gặp chị. Tôi không thể ra đi mà chưa nói với chị một việc hệ trọng.
Anne cảm thấy nước mắt sắp trào ra, cô quay mặt đi. Joe đoán được nguyên nhân nỗi buồn của cô, anh vội nắm tay cô nói nhanh:
- Không, chị Anne yêu quý, chị đừng sợ. Tôi chẳng dám cầu hôn lần nữa với chị, tuy rằng tôi vẫn còn yêu chị. Tình cảm của tôi đối với chị khác hẳn, mỗi lần nghĩ đến chị, tôi thấy lại Lucy và tôi nghĩ đến những điều tôi biết ơn chị… Tôi không biết cách giải thích, nhưng chị yên tâm, tôi không theo đuổi chị đâu.
Anne đỏ mặt, đồng thời cô cảm thấy nhẹ nhõm biết bao, tâm hồn cô như cất đi một gánh nặng.
- Joe, chúng ta vẫn là bạn tốt với nhau chứ?
- Vâng. Nếu không thế tôi đã chẳng đủ can đảm để nói với chị những điều vừa nói, Anne ạ.
Joe đặt tay lên bàn, nhìn Anne với cái nhìn trìu mến của người em trai:
- Chị Anne này, trên đời này còn có một người mà tôi cảm mến và kính phục như với chị, đó là bác sĩ Prescott. Chị không thể tưởng tượng anh ấy tử tế với tôi đến thế nào. Khi Lucy chết, chính bác sĩ đã can thiệp với chủ để tôi được nghỉ phép. Tôi muốn nói đến chuyện của chị với Prescott, tôi nói ra là vì muốn chị biết rõ sự thật. Tôi biết rõ cả hai và đã quan sát kỹ. Chị yêu Prescott, chị có thể giúp cho anh ấy có hạnh phúc, mà sao chị lại không quyết định dứt khoát?
Anne rùng mình, Joe nói không tránh né những điều chất chứa trong lòng. Anne nói tránh đi để khỏi phải đi sâu vào vấn đề kia:
- Anh quên những điều tôi đã nói với anh trước kia, Joe ạ. Vấn đề đó không đặt ra cho tôi đâu. Cứ cho những lời anh vừa nói là đúng thì nghề nghiệp của tôi cũng ngăn cản chuyện hôn nhân.
- Có thể, nhưng chị không làm y tá nữa mà. Chị là thư ký, làm việc văn phòng mà!
- Tôi lúc nào cũng là y tá. Suốt đời tôi làm việc vì các nữ y tá.
- Chị không thấy chị sai lầm như thế nào ư? Hôn nhân cản trở gì đến việc làm của chị? Chị muốn tôi nói thẳng ra không? Tại chị kiêu ngạo quá.
Joe bối rối định xin lỗi, anh lại nói tiếp:
- Lẽ ra tôi không nên nói, chị tha lỗi cho tôi. Tôi chỉ muốn chị hạnh phúc.
Anne cảm động vì tấm lòng tử tế của Joe. Lòng cô đau đớn và tan nát vì một nỗi đau sâu xa và mạnh mẽ, nỗi đau có lẽ không bao giờ có thể nguôi được. Cô có khát vọng về tình cảm và hạnh phúc lứa đôi. Cô hiểu rõ mình, không dám nghĩ có lúc nào có thể hạ mình để làm thân trở lại và cô cũng biết rằng Prescott là người cao ngạo, chẳng mở miệng nói chuyện tình yêu lần thứ hai với cô đâu.
Một ngày làm việc trôi qua, chẳng để lại Prescott ấn tượng gì, kỉ niệm của một công việc khó nhọc cũng không mà sự kích thích của một tấm lòng nhiệt thành cũng không. Một ngày buồn tẻ, nhợt nhạt như bao ngày khác. Một nụ cười chua chát thoáng trên môi anh. Anh vẫn làm việc đều đặn nhưng chẳng thấy vui, chẳng ham muốn, làm việc như người máy. Anh cảm thấy mình khác trước, cuộc đời sao trống trải vô vị như căn nhà rộng thênh thang mà anh vừa mua.
Hơn một giờ anh ngồi mơ màng với khói thuốc. Chuông điện thoại reo, anh rùng mình ngồi tụt sâu trong chiếc ghế bành. Bà người làm đến báo:
- Thưa ông, bác sĩ Sinclair đấy ạ. Ông ta gọi điện thoại từ Manchester.
Một thoáng ngạc nhiên hiện lên trên mặt Prescott. Anh đứng dậy, cầm lấy ống nghe.
- Chào anh, Sinclair đây. Vui mừng được nghe lại tiếng nói của anh. Này Prescott, tôi muốn anh đến ngay Manchester khám cho một bệnh nhân của tôi. Một ca đặc biệt, cô bé mười bốn tuổi bị đe dọa mù cả hai mắt. Tôi sợ một trường hợp sưng tế bào não.
Prescott không muốn tham gia vào việc gì trong lúc này.
- Tôi không biết có thể nhận lời hay không, anh Sinclair ạ. Tôi đang bận việc ở Luân Đôn, khó có thể đi được.
Sinclair nài nỉ:
- Cần lắm anh ạ. Anh là chuyên gia duy nhất mà tôi có thể nhờ đến trong trường hợp này. Cần phải giải phẫu. Hơn nữa đây là cô cháu gái của ông bạn Bowley của anh.
Mặt Prescott đanh lại, anh trả lời cộc lốc:
- Rất tiếc, anh Sinclair. Anh nhờ người khác đi.
Anh trở lại phòng làm việc, bực dọc đi tới đi lui. Chắc chắn là Bowley, thị trưởng Manchester tung tiền ra mua chuộc, nhưng không bao giờ anh ngửa tay cầm tiền của hắn ta. Anh không đời nào tha thứ cho hành động hèn nhát và lọc lừa của Bowley trước kia.
Chuông điện thoại lại reo, Prescott đoán người gọi là Bowley thì quả nhiên:
- Chẳng cần phải hỏi ai ở đầu dây, anh Robert ạ. Anh biết chắc là tôi, anh bạn già Matt Bowley.
Tiếng nói chợt im bặt, hình như đang chờ đợi vài câu thân thiện, khuyến khích nhưng Prescott vẫn im lặng.
- Robert, tôi van anh. Lão Sinclair đã kể lại với tôi điều gì nhỉ? Rằng anh không muốn thăm bệnh cho cháu Rose ư? Sinclair yêu cầu anh khám bệnh cho cháu tôi, tôi cũng rất muốn. Anh đến chứ, anh bạn?
- Không được đâu, ông Bowley ạ. Đừng trông đợi ở tôi.
Giọng Bowley biểu lộ sự lo lắng, đáng thương:
- Kìa, Robert, không nên vậy. Tôi biết anh rất tốt. Trước kia tôi không phải với anh, nhưng chuyện đã qua, cho qua. Anh bạn ơi, tôi chịu đựng hết nổi rồi. Không phải tôi lo cho tôi đâu, mà là cháu Rose. Cháu sẽ bị mù. Prescott ơi!
Giọng Bowley lạc đi, Prescott không cầm lòng được nhưng vẫn đáp, giọng cứng cỏi:
- Nhiều bác sĩ khác sẵn lòng đáp ứng lời kêu gọi của ông, ông Bowley ạ!
Bowley xuống giọng, năn nỉ:
- Nhưng tôi không muốn những loại bác sĩ kia. Chúng tôi muốn chính anh, chúng tôi biết anh tài năng ra sao. Tôi tin cậy anh, tôi không muốn cho ai khác nhúng tay vào. Prescott, vì lòng nhân đạo, hãy giúp đỡ chúng tôi. Anh hãy quên những chuyện bỉ ổi tôi đã làm, hãy nghĩ đến tôi yêu thương cháu ra sao. Tôi chỉ có mình cháu trên đời, cháu mà có chuyện gì tôi phát điên mất.
Nỗi đau khổ quá lớn đó khiến anh quên ý nghĩ trả thù của mình. Nếu Bowley đề nghị tiền bạc, trả chi phí thật cao chắc chắn anh sẽ ngạo nghễ từ chối ngay, chứ nỗi đau buồn kia thì anh đành chịu thua. Anh quyết định ngay, giọng khô khan trả lời:
- Tôi sẽ đến bằng chuyến tàu đêm. Nói bác sĩ Sinclair đón tôi ở nhà ga.
Prescott đến Manchester vào lúc mờ sáng. Sinclair đem xe hơi đón chàng ở cửa ga. Chào hỏi sơ qua, ông kể cho Prescott cặn kẽ căn bệnh của Rose Bowley:
- Tôi đoán một sự nhiễu loạn trong não đã ngăn cản sự hoạt động bình thường của dây thần kinh thị giác. Thị giác yếu đi dần dần. Nếu cứ để vậy, chỉ vài tháng nữa đứa bé sẽ mù hẳn. Tôi nhận định là nếu chỉ uống thuốc thì không thể chữa khỏi. Còn về khả năng phẫu thuật, nghĩa là thực hiện một cuộc giải phẫu ở hạ tầng não bộ thì thuộc chuyên môn của anh - Sinclair nhún vai nói thêm - Cơ may thành công chỉ có một phần ngàn.
Prescott nhận xét.
- Thật quá mong manh.
- Nhưng không phải chắc chắn là mù. Còn giải phẫu chỉ có trời mới biết chuyện gì xảy ra, cái chết cũng nên. Tôi chưa dám nói thật với lão Bowley. Hiện giờ lão gần phát điên.
Prescott đáp cụt ngủn.
- Lão chẳng đáng cho người ta thương.
Không bao lâu, chiếc xe đậu trước dinh Thị trưởng. Anh yêu cầu cho vào thăm bệnh ngay.
Rose Bowley là cô bé to con tuy mới mười bốn tuổi, cô tỉnh táo nằm trong phòng đợi bác sĩ. Mắt cô buộc băng rất dầy. Dù cố gắng, cô bé không dấu nỗi sợ hãi và xúc động của mình.
Prescott biết là cô bé không ngủ suốt đêm qua, khắc khoải đợi nghe lời chuẩn đoán của anh sáng nay. Sự lạnh lùng kiêu kỳ của anh biến đi, anh nhẹ nhàng tháo băng buộc mắt cho bệnh nhân và lên tiếng hỏi Rose thân ái.
Khám bệnh tỉ mỉ, rất lâu, anh công nhận sự chẩn đoán của bạn đồng nghiệp là đúng. Những cơn đau đầu, nóng sốt liên tục và cảm giác bị đè nặng là những dấu hiệu đặc biệt. Thử nghiệm trên võng mô bằng máy thăm dò cho biết vùng nhiễu loạn trên não. Giải phẫu ở vùng não bộ như thế là vô cùng nguy hiểm. Nhưng nếu anh lùi bước trước một công việc hầu như không thể thực hiện thì đứa bé không tránh khỏi bị mù hai mắt. Sinclair có lý: nhà phẫu thuật phải đương đầu với một công việc nặng nề nhất trong sự nghiệp.
Prescott làm xong cuộc chuẩn đoán, tìm mấy lời khích lệ làm yên lòng bệnh nhân. Rose được một trực giác kỳ bí báo cho biết, giật giật bàn tay anh khi anh sắp bước đi, cô thẻ thẻ mấy lời thật nhỏ và khắc khoải.
- Bác sĩ ơi, đừng để cháu sống trong cảnh mù lòa. Cháu tin tưởng bác sĩ. Chẳng thà cháu chết…
Prescott trấn an cô bé, vuốt ve bàn tay Rose hồi lâu. Anh gặp Sinclair.
Mathew Bowley đợi hai người, ông khoác vội chiếc áo ngủ, đầu tóc bù xù, mắt ngơ ngáo, vội vã hỏi ngay:
- Sao? Anh quyết định thế nào?
Prescott nghĩ rằng Bowley phải bị giày vò, thiểu não lắm nhưng vẫn không khỏi ngạc nhiên trước những điều trông thấy. Gương mặt già nua bị hành hạ đến độ tuyệt vọng khiến anh phải quay mặt đi. Người đàn ông này không còn chút hình ảnh nào của ông Matt mập mạp, vui vẻ như lúc anh biết.
- Việc chẩn đoán của bác sĩ Sinclair hoàn toàn đúng. Cháu sẽ mất thị giác. Không cách gì cứu nổi, trừ một cuộc giải phẫu quá nguy hiểm khó lường được sự thành công.
Bowley vẫn nhìn Prescott đăm đăm, nói nho nhỏ:
- Nhưng anh đến đây để giải phẫu cho cháu chứ?
- Tôi không phải Đấng toàn năng hay Thượng đế. Tôi không thể làm liều một cuộc giải phẫu xét cho cùng là rất tai hại.
Bowley kêu lên:
- Prescott, tôi phải quỳ gối lạy anh nữa sao? Tôi không muốn cháu sống mà bị mù lòa, chính nó cũng không muốn nữa. Bác cháu tôi nhất trí với nhau rồi, còn cả hoặc mất cả. Đừng để chúng tôi mất cơ hội cuối cùng đó, Prescott ơi.
Prescott nhìn ông ta quay mặt đi, anh quyết định vì những lời giản dị chí tình của Bowley. Chàng muốn thử thách cho cô bé một cơ hội cuối cùng dù hoàn toàn may rủi chẳng hơn sao? Chẳng lẽ cứ để cho cô sống trong bóng tối? Prescott quyết định mổ, lỡ thất bại, lương tâm anh sẽ không yên ổn và cũng không cứu vãn được danh tiếng của anh.
Anh cắm cúi đi về phía hành lang, tới cửa sổ, anh đứng ngắm thảm cỏ, những cành cây nhỏ long lanh sương mai cùng những cây dẻ gai màu tím dưới ánh mặt trời mới mọc. Anh đo lường những mất mát mà cô bé phải chịu và những điều cô sẽ được hưởng nếu phép màu xảy ra. Anh quyết định dứt khoát, táo bạo và có thể liều lĩnh nữa, nhưng anh phải chấp nhận. Anh bước nhanh đến gặp Bowley:
- Tôi sẽ thử giải phẫu, tuy chẳng dám đảm bảo sẽ thành công. Phải thực hiện càng sớm càng tốt, có lẽ ngay chiều nay, để tôi còn nghỉ ngơi vài giờ. Anh đưa Rose vào bệnh viện, căn phòng kế bên phòng của tôi ở bệnh viện Hepperton. Bây giờ xin phép tạm biệt, tôi sẽ kiếm một khách sạn.
Vẻ mặt Bowley có vẻ quỵ lụy rất cảm động, như con chó bị chủ đánh, ông nhấn chuông gọi quản gia, nói ngắn gọn:
- Tôi biết thế nào anh cũng cứu cháu, Robert ạ. Khỏi cần phải kiếm khách sạn, có phòng sẵn cho anh rồi.
Prescott hơi mủi lòng trước thái độ thiện chí của người bạn cũ. Vào nằm nghỉ trong căn phòng sang trọng, chàng lại nghĩ ngợi nhiều hơn. Tiếng tăm mình đã lung lay mà lại còn liều lĩnh, chẳng là dại dột lắm sao? Lỡ thất bại, cả sự nghiệp của anh tiêu ma không cách chống đỡ. Tự giận mình, Prescott xua đuổi những ý nghĩ vớ vẩn để tập trung suy nghĩ về công việc sắp tới. Bác sĩ Sinclair đã sửa soạn các thứ cần thiết trong bệnh viện. Prescott phải đánh điện về Luân Đôn gọi cô y tá vẫn phụ tá cho anh. Nhưng một ý nghĩ chợt lóe lên. Anh suy nghĩ một lát và đi đến quyết định mà anh cho là hay nhất. Chẳng phải tại ngôi nhà này, Anne đã chịu sự nhục nhã và oan trái nhất hay sao? Để cô chứng kiến lúc xuống chân của Bowley, cô tham dự vào cái cảnh làm lành của ông ta chẳng hợp lý hơn sao? Prescott gọi điện thoại cho cô. Anh yêu cầu cô bỏ hết công việc để tham dự một cuộc giải phẫu thực hiện ở Manchester. Rồi anh đi nằm với nụ cười nhẹ nhàng.
Bốn giờ chiều anh thức dậy, tâm trí sảng khoái, các giác quan đều thức tỉnh. Giấc ngủ dài đã xua tan mệt nhọc. Anh thấy đói bụng, bấm chuông gọi đầu bếp. Thức ăn được mang lại kèm theo tờ giấy: "Cô Lee sắp đến, giải phẫu lúc 6 giờ tại bệnh viện Hepperton".
Lâu lắm Prescott mới có lại cảm giác thích thú mà ngày xưa mỗi giờ làm việc trong cuộc đời y sĩ đều mang lại cho anh. Anh không tìm hiểu nguyên nhân của niềm hạnh phúc đó, anh chỉ nghĩ thầm: Anne sẽ đến, lại ở bên anh để cùng làm việc và chỉ riêng sự có mặt của cô cũng giúp anh rất nhiều.
Năm giờ rưỡi, xe đợi anh ở cửa. Prescott hút xong điếu thuốc, bước lên xe tới bệnh viện. Sáu giờ kém năm anh bước vào phòng mổ. Anne đang đợi anh, sẵn sàng bắt tay vào việc. Tuy chưa nhìn đến cô, anh đã cảm thấy ngay sự hiện diện của cô. Khi Anne đưa cho anh chiếc áo choàng trắng, Prescott nói với nàng bằng một giọng tình cảm:
- Cảm ơn cô đã đến.
Anne không nói gì. Cô có thói quen ít lời trong căn phòng mà chỉ có hành động là quan trọng.
Mọi người đã sẵn sàng, khẩu trang cuối cùng đã đeo xong, Prescott ra hiệu. Bệnh nhân đã đánh thuốc mê được đưa tới. Chỉ vài động tác nhanh gọn, người ta đã đặt người bệnh nằm trên bàn mổ sáng loáng ánh kim loại. Chỉ có phần sọ ló ra khỏi tấm mền che phủ Rose Bowley. Chỗ giải phẫu đã được cạo nhẵn tóc, đẫm thuốc i-ốt và sáng loáng dưới ánh đèn chiếu.
Prescott đưa mắt nhìn những người tham dự một lượt. Sinclair mặc áo choàng trắng đứng trước mặt anh, chuyên viên gây mê cúi mình bên dụng cụ, bốn y tá cùng với Anne đều đeo khẩu trang, mang bao tay trắng.
Prescott tập trung sức lực trước khi cùng những người trong phòng lao vào vở kịch về sự sống và cái chết.
Anh đặt những ngón tay đeo găng lên sọ của Rose Bowley, căng làn da và rạch một đường ăn sâu đến xương sọ. Anh không cần nói tiếng nào thì một miếng bông thấm, một cây kẹp để kẹp tĩnh mạch, rồi miếng bông thấm thứ hai… cứ tự động đến tay anh. Bấy giờ anh mới cầm lấy con dao, rạch một đường vào xương sọ. Bộ óc hồng hồng đập nhè nhẹ dưới những màng mỏng trong vắt lộ ra. Đó là bộ óc người, biết hoạt động suy nghĩ và sống, nay đang có nguy cơ chịu cảnh mù lòa suốt đời. Những lớp màng mỏng được tách ra, Anne để hết tâm trí vào công việc, cô nhìn những nếp gấp trong não bộ, nhẵn và ươn ướt.
Ngay tại trung tâm của mô tế bào quý báu đó, Prescott phải gỡ đi những tế bào nhiễu loạn, phải tách rời chỗ hư ra khỏi các tế bào lành lặn. Chỉ có anh mới đo lường được những khó khăn, nguy hiểm của ca mổ. Anh biết những vùng bị đe dọa phức tạp như thế nào, Anne cũng biết phần nào qua theo dõi nhiều ca mổ, cô chăm chú nhìn vô số tế bào não bộ dính vào nhau như những pin điện bé tí. Cô biết rằng chỉ sai lầm một chút thôi, lưỡi dao chỉ lệch tí xíu là hết phương cứu chữa. Một nỗi nguy hiểm thật sự đang lơ lửng trên cơ thể đang chịu giải phẫu. Ở một số bộ phận, sự sai lầm có thể sửa chữa, vết thương tĩnh mạch có thể băng bó, vết cắt không đúng chỗ chẳng gây nên cái chết. Nhưng nếu đụng đến bộ phận thần kinh thì vấn đề là tuyệt đối, không thể sửa chữa mọi sai lầm dù nhỏ.
Trong khi Prescott bình tĩnh, tự tin làm việc thì Anne cầu nguyện trong lòng cho chàng thành công mỹ mãn. Cuộc giải phẫu kéo dài cả giờ liền mà anh vẫn chưa gỡ xong hoàn toàn những phần nhiễu loạn. Không thể nào hấp tấp trong công việc tỉ mỉ, chậm chạp để tách rời những tế bào lành mạnh khỏi phần nhiễu loạn. Cần hơn ba giờ mới có thể hoàn tất tốt đẹp cuộc giải phẫu.
Anne nhận rõ dấu hiệu căng thẳng và mệt mỏi trên khuôn mặt Prescott; những giọt mồ hôi nhỏ lấm tấm trên trán anh. Phòng mổ như ngưng đọng, thời gian cứ chậm chạp trôi, thật chậm. Những ngón tay Prescott cử động trong bộ óc sống của Rose Bowley. Anne bỗng thấy khuôn mặt Sinclair co lại vẻ lo âu, hồi hộp. Ông cúi xuống nhìn kỹ vết thương. Tim se thắt. Anne hiểu một điều phức tạp bất ngờ vừa xảy ra.
Prescott ngần ngừ, hai bàn tay dừng lại, đưa mắt hỏi ý Sinclair. Hai bác sĩ trao đổi ý nghĩ bằng mắt. Trên khuôn mặt họ, che khuất dưới khẩu trang bằng vải thưa chỉ có hai mắt nói chuyện với nhau. Anne hiểu ý nghĩa những lời nói thầm lặng đó. Sau cùng, bác sĩ Sinclair phải lên tiếng:
- Dừng lại đi. Anh đụng đến những vùng trung tâm hoạt động rồi. Tuy nhiên, phần rối loạn vẫn chưa loại trừ. Đừng đi xa thêm nữa, đậy vết thương lại. Tính mạng bệnh nhân bị đe dọa đấy.
Ánh mắt Prescott long lanh, bày tỏ sự kiên quyết và tự tin. Anne hiểu dễ dàng câu nói thầm lặng của anh: "Tôi mà dừng lại, đứa bé sẽ bị mù. Dù sao tôi vẫn tiến hành!"
Chỉ một giây đồng hồ cũng đủ cho bác sĩ biểu lộ nỗi lo sợ hay quyết định quả quyết. Anne nhận ra nỗi khắc khoải của bác sĩ Sinclair khi nghe Prescott cất giọng lạnh lùng và rõ ràng:
- Dao rạch!
Anne đưa ngay cho anh dụng cụ. Anh mở rộng vết mổ trên sọ. Anne lặng người như chết rồi, cô biết ông Sinclair không thuận tình cho Prescott liều lĩnh thêm. Anne bỗng hiểu vì sao cô sung sướng đến thế khi được phụ tá cho bác sĩ Prescott trong cuộc giải phẫu này, vì sao cô thầm mong cho anh thành công tốt đẹp. Lòng yêu nghề không đủ giải thích cho ước vọng đó. Thoáng như một tia chớp, Anne hiểu rõ tình cảm của mình. Tình bạn cùng nghề mà trước giờ cô vẫn dùng để che giấu tình cảm thật với Prescott bây giờ biến đi như đám mây bay. Tâm hồn cô biến đổi, cô đâm ghét sự dối trá đã làm sai lệch tâm hồn và trái tim cô. Cô đỏ mặt sợ hãi khi nhận ra sự thật: cô đã yêu!
Trong lúc đứng gần bên anh, thẳng người và chăm chú đưa từng dụng cụ bằng thép bóng loáng, Anne chân thành mong ước ca mổ thành công.
Thời gian trôi qua chậm chạp, Rose Bowley vẫn yên ổn. Anne cảm thấy thái độ của bác sĩ Sinclair biến đổi từng phút một. Không còn sự sợ hãi và không đồng tình, mà Sinclair như bị thôi miên, ông khâm phục theo dõi những cử chỉ chậm và chính xác tuyệt đối của Prescott. Ông buông tiếng thở dài xen lẫn giữa sự lo sợ và lòng nhiệt tình khi bác sĩ lấy ra khỏi não bộ một khối nhũn những sợi, mô tế bào rối loạn đã được gỡ ra hoàn toàn bằng đôi tay khéo léo vô cùng. Anne ứa nước mắt vì sung sướng.
Từ lúc đó, Prescott làm việc nhanh hơn. Không bao lâu, những màng mỏng được khâu lại và vết thương khép miệng. Anne thầm mong công việc được nhanh hơn nữa, vì ca mổ đã lâu, làm kiệt lực bệnh nhân một cách nguy hiểm.
Sau cùng, sợi dây cuối cùng đã được cắt và đã xong mũi khâu cuối. Rose được đặt lên xe đẩy, đắp chăn kín mình và có những bình nước nóng chườm quanh mình, người ta trả cô về phòng riêng.
Sau nhiều giờ căng thẳng tột độ, mọi người như mê đi. Anne cố gắng lê bước về phòng để tẩy trùng dụng cụ. Prescott đứng ngây người bên bàn mổ, dường như không biết đã đến lúc nghỉ ngơi. Bác sĩ Sinclair đặt tay lên cánh tay anh. Anh thở một hơi dài rồi theo bạn ra phòng khách.
Im lặng đã quá lâu và quá căng thẳng, cả hai đều cảm thấy cất tiếng nói thật là lạ lùng. Sinclair nói:
- Prescott, có những phép lạ mà ngôn ngữ không đủ khả năng diễn tả. Tôi chẳng muốn khen ngợi anh bởi những từ thông thường không đủ dùng. Tôi vừa xem anh làm một việc mà tôi tưởng là chỉ có trong giấc mộng. Anh thật đáng phục!
- Làm sao tôi có thể…?
- Tôi cũng không biết. Chính anh là người làm nên phép lạ chứ không phải tôi.
Hai người khoan khoái đón ly cà phê mà cô y tá mang đến. Sinclair đùa:
- Một dịp thế này phải khao sâm-banh!
Prescott không cười, anh đáp:
Ồ, chuyện nhảm nhí đó thì để cho Bowley
Anh vừa nói xong thì cửa mở, Bowley bước vào. Gương mặt ông đầy vẻ chờ đợi, khắc khoải nhưng không có dấu hiệu thất vọng, sắc mặt hơi nhợt nhạt và đôi mắt không còn ngơ ngác, vô hồn. Dù rất sung sướng, ông thị trưởng Bowley vẫn còn vẻ rụt rè như một đứa trẻ. Ông ngần ngại đứng trước mặt Prescott, nói giọng run run:
- Robert, biết nói sao đây?
Sau một lúc im lặng, ông ta lại nói tiếp:
- Khi anh nhờ cậy đến tôi, tôi đã đối xử với anh như một con chó ghẻ. Thế mà hôm nay anh lại rộng lượng như một vị Thánh. Anh đã cứu cháu Rose, trả lại ánh sáng cho cháu. Tôi chịu ơn anh còn hơn anh đã cứu mạng tôi. Biết làm gì cám ơn anh được?
Prescott càu nhàu:
- Ồ, tôi xin lỗi anh.
- Anh cho phép tôi được biếu anh cái này.
Prescott lùi lại trước tấm séc đưa ra. Anh cau mặt lại, giọng nói như quất vào người đối diện:
- Trước khi anh muốn trả công cho tôi, anh phải đợi xem tôi đòi bao nhiêu đã chứ?
Matt khúm núm đáp:
- Đây không phải là tiền công. Chút đỉnh mà tôi đã hứa với anh từ lâu ấy mà. Mong anh sẽ nói trễ còn hơn không!
Prescott tự động đưa tay cầm tờ giấy. Đọc đến con số, anh tái mặt đi. Bowley đã ký một tấm séc 50.000 đồng bảng để thành lập bệnh xá Rose Bowley.
- Anh đồng ý cho bệnh xá mang tên cháu Rose phải không nào? Anh cho xây cất ở đây hay Luân Đôn tùy ý. Ngày mai tôi sẽ mở một cuộc lạc quyên, tiền bạc sẽ rơi xuống như mưa lũ.
Prescott nén xúc động, anh nói:
- Anh rộng rãi lắm, Matt. Cám ơn.
Matt vui vẻ đáp:
- Ồ, chẳng cần. Tôi chỉ bằng lòng nhận những lời cảm ơn của anh, nếu anh trả lại tình bạn cho tôi.
Prescott đưa tay cho Matt siết chặt. Ngay khi đó, Anne bước vào phòng mà cô tưởng là không có người. Vừa thấy Bowley, cô định rút lui nhưng ông ta ngăn lại.
- Cô đừng bỏ đi, tôi có điều muốn nói với cô đấy.
Ông cố ngăn xúc cảm, nói giọng rất vui vẻ:
- Cô không từ chối bắt tay người vô tích sự là tôi đây, bắt tay người nay biết buồn rầu và hổ thẹn việc lỗi lầm của mình chứ?
Anne đưa tay ra với niềm vui rộng lượng.
Nửa giờ sau, Anne sửa soạn ra đi, cô đứng ở dưới cổng bệnh viện chờ taxi mà ông Mulligan đi kêu cho cô. Anne định về Luân Đôn bằng chuyến tàu tốc hành lúc 10 giờ rưỡi. Bối rối vì những biến chuyển tình cảm và kiệt sức vì những giờ căng thẳng thần kinh kéo dài, cô cảm thấy cô đơn. Cô yêu Prescott bằng một tình cảm dịu dàng và đau xót vì tính kiêu ngạo và những dằn vặt không đâu. Cô biết mối tình cô dành cho Prescott là chắc chắn không gì lay chuyển được.
Cô sắp bước lên xe thì có tiếng chân hối hả bước phía sau, rồi tiếng người gọi tên cô. Người đó là Prescott, anh hỏi mau:
- Cô trốn ở đâu vậy? Tôi kiếm cô cùng khắp.
- Tôi nói chuyện với cô East và các cô bạn.
- Và cô định ra đi, không cho tôi có lời cảm ơn hay sao?
Anne nhìn xuống.
- Tôi vui mừng được nhìn lại bệnh viện Hepperton.
- Tôi có chuyện cần nói với cô. Bowley quan tâm đến chiến dịch báo chí của cô đấy. Cô đi chuyến tàu nào?
- Chuyến 10 giờ rưỡi.
- Tôi đi theo cô. Tôi định đi chuyến nửa đêm đấy, nhưng chuyến nào với tôi cũng được cả.
Anne chưa kịp nói gì, Prescott đã nhờ ông gác cửa đi lấy giúp va-li. Lát sau, hai người rảo bước ra ga.
Trên xe lửa, hai người ngồi bên nhau. Prescott rút ví lấy tấm séc của Bowley ra và nói:
- Cô thử nhìn xem, mảnh giấy này quý giá lắm nhé, tôi đã mơ ước nó từ rất lâu.
Anne đỏ bừng đôi má, hai mắt long lanh, cô vô cùng vui sướng trước thành công đó, cô kêu lên hoan hỉ.
Tàu tăng tốc lao vào đêm tối. Bầu trời như chiếc màn khổng lồ căng phía trên các ống khói nhà máy, các bảng hiệu đèn nê-ông nhấp nháy, những đốm sáng đèn đường và hàng ngàn cửa sổ của các xưởng thợ. Vượt lên trên màu sáng đó là những ngôi sao lấp lánh trên bầu trời như nhung đen.
Prescott nói giọng cương nghị:
- Tôi muốn nói về việc làm của cô, tôi đã giải thích cho Bowley về tình trạng của cô. Ông ta hối hận nhiều về hành động ngày trước và muốn sửa chữa những điều không phải với cô. Tôi nhận thấy ông ấy cũng có những điều tốt. Ông ấy quá yêu cháu gái nên không thể quên tôi và cô. Sáng mai sẽ có thư gửi cho cô kèm một chi phiếu lớn do Bowley ký tặng Nghiệp đoàn. Chuyện ấy chưa đáng gì đâu, ông Matt còn muốn được bầu vào Hạ Nghị viện. Ông ấy hứa sẽ tranh cãi cho các nữ y tá, đánh động dư luận quần chúng. Có thể cô không cần sự giúp đỡ của ông ấy? Chiến dịch báo chí đã mở, cô có thể tin chắc là ông ấy ủng hộ chiến dịch của cô.
Anne gắng chế ngự lòng mình, cô ấp úng nói một câu chẳng hợp lý chút nào:
- Anh tốt với tôi quá, bác sĩ Prescott ạ.
Anh mỉm cười buồn bã đáp:
- Cũng tự nhiên thôi, em biết đấy. Anh yêu em. Anh không thể che dấu điều đó.
Cô cảm thấy một nỗi buồn đau tràn ngập trong lòng. Prescott nhìn ra trời đêm, nhắc đến chuyện cũ.
- Em còn nhớ chứ, bữa ăn ta dùng sau tai nạn xe hơi? Anh quá tự mãn, quá kiêu căng. Anh quên hẳn em là đàn bà còn anh là đàn ông. Anh đáng bị trừng phạt và đã chịu sự trừng phạt đó rồi. Và một lần khác ở Bryngower, anh đã làm tổn thương em đến độ em đã chạy trốn anh. Anh muốn chứng minh cho em thấy rằng, chúng ta sẽ làm việc, tuy là ai làm việc nấy nhưng kết quả rất tốt đẹp nếu chúng ta thành vợ, thành chồng. Chúng ta sẽ giúp đỡ nhau rất nhiều. Anh lo bệnh xá, em lo nghiệp đoàn, chúng ta cùng làm việc vì lợi ích của các y tá. Đó là hai mục tiêu mà cuộc đời ta cùng hướng đến.
Prescott thoáng rùng mình, thở dài và lại thì thầm:
- Anh quên một sự kiện nhỏ nhưng cơ bản: Anh quá tự đắc, quá chủ quan không nghĩ đến chuyện có thể em không yêu anh, không thể nào yêu thương nổi anh.
Những giọt nước mắt chua xót làm mờ mắt Anne. Cô không dám lộ vẻ cho anh thấy. Cô cảm thấy thất bại và mất lòng tin ở mình, ở đời. Cô bỗng nhớ lần nói chuyện với Joe, Joe chẳng trách cứ lòng kiêu ngạo của Anne đó sao? Thu hết can đảm, cô nói giọng run rẩy:
- Không phải là anh quên mà chính em đã quên sự kiện nhỏ nhặt đó…
Prescott nhìn cô đăm đăm, chưa hiểu cô nói gì. Bỗng nếp nhăn trên trán anh biến đi, anh đưa tay nắm lấy bàn tay Anne; gương mặt hiều dịu của cô thoáng cười trong nước mắt đầm đìa đã giúp anh hiểu ý cô muốn nói. Anh hỏi dịu dàng:
- Anne, có thật như thế không? Em không ghét bỏ anh chứ?
Anh sát lại bên cô, lúc sau cô giấu sự e thẹn vào vai anh. Anne thì thầm lẫn trong tiếng thổn thức:
- Mấy tuần nay em buồn quá, anh ạ. Em yêu anh ngay lần đầu mới gặp nhưng em không bao giờ muốn tự thú nhận. Có điều gì cứ ngăn cản em.
- Điều ngăn cản đó là sự ngu đần của anh, là sự tự kiêu đần độn của anh đó, em yêu.
Cô cười nho nhỏ, đáp lại:
- Không, không phải đâu. Chính là lòng tự kiêu của em đây này.
Prescott nâng khuôn mặt nhỏ bé, đẫm nước mắt và hôn dịu dàng lên đó. Anne cảm thấy lòng nhẹ nhõm và dâng đầy tình yêu với Prescott. Cô nở nụ cười, tâm hồn cô dần yên tĩnh trong tình yêu bao la của anh.
Chiếc xe lửa tiếp tục lao vào đêm, mang hai người yêu nhau về một nơi đầy hạnh phúc và hy vọng….
Chú thích:
Infirmière traitante: y tá có quyền điều trị bệnh nhân như y sĩ. Trưởng nhóm: (chef de groupe) lại là một chức vị khác, nên có dấu phẩy. (Người dịch)
HẾT