Bà Gilson lâu nay phải làm việc trong cảnh bực bội, bên những cô học việc ít kinh nghiệm và không chịu khó. Anne đã phụ giúp, đỡ bớt cho bà nhiều khó khăn trong công việc nên đã được bà thương yêu. Bà nói tiếp với nhiều cảm tình trong nụ cười:
- Em đừng lo. Chẳng có gì khó chịu đâu.
Tuy nhiên Anne vẫn không khỏi lo ngại. Cô không biết ông Bowley, chỉ biết là bệnh nhân trên bàn mổ, cô chưa thể hình dung ông ta là người thế nào. Cô hơi run khi bước đến phòng. Một tiếng mời cô vào.
Căn phòng nhỏ bày nhiều thứ hoa, trái cây và đồ trang trí, trái ngược với bức tường trơ trụi và đồ đạc nghèo nàn của bệnh viện. Một cái radio nhỏ đang phát ra tiếng nhạc. Những đĩa trái cây khoe màu sắc tươi rói trên cái bàn bằng gỗ sơn.
Anne có ngay ấn tượng mạnh về Bowley. Ông ta khoảng bốn mươi tuổi, người bè bè và nặng, nét mặt có vẻ cộc cằn, hơi tinh ranh hiện rõ những cay đắng của cuộc đời vất vả. Bây giờ cả con người Bowley toát ra vẻ uy quyền và tự tin do tiền bạc mang lại. Bowley nắm chặt tay Anne, tỏ vẻ dễ dãi và biết ơn. Hai con mắt tinh anh nấp dưới hàng lông mày rậm chú tâm quan sát khuôn mặt nhỏ nhắn thanh tú của Anne. Rồi Bowley mỉm cười:
- Ngày mai, tôi về nhà rồi, tôi muốn được gặp cô, cô ạ. Tôi nói thật, được nhìn cô là niềm vui của tôi.
Anne đỏ mặt. Bowley cười thoải mái, lại nói giọng mệnh lệnh.
- Cô ạ, tôi nói đây chẳng phải truyện cổ tích. Tôi chẳng ngại gì mà không nói thẳng với cô, Bowley này khỏi bệnh rồi sẽ là người hữu dụng đấy. Cô nghĩ sao?
Đôi mắt Anne lấp láy:
- Khó mà nghĩ khác được, ông Bowley ạ.
Người đàn ông to lớn ấy thân mật vỗ tay cô:
- Tốt lắm cô ạ. Cô vừa thông minh lại đẹp nữa, đó là điều hiếm có ở người đàn bà, đáng cho mọi người khâm phục.
Bowley nói chuyện với vẻ thân tình thẳng thắn, tỏ vẻ không ưa chuyện nói lấy lòng. Ông lại tiếp tục:
- Khi một cô y tá hội đủ hai đức tính đó thì rất quý. Cô ạ, khi nằm bệnh mà có một cô gái xinh đẹp bên cạnh thì mau khỏi bệnh hơn là thấy một bà mặt dài ngoẵng và buồn hiu.
Chiếc đồng hồ nhỏ đặt ở đầu giường vừa đổ ba tiếng, Bowley thở dài tiếc rẻ, ông siết chặt bàn tay đẹp của Anne và nói:
- Trò chuyện với cô chẳng thấy chán chút nào. Nhưng tôi sắp phải tiếp hai người của tòa án - chỉ đống thư bề bộn trên giường, ông nói tiếp - Những đứa vô tích sự. Chúng ta sẽ gặp lại nhau lúc khác, cô nhé. Tôi chẳng quên những gì người khác giúp mình đâu. Tạm thời cô nhận cho cái này, để kỷ niệm chuyện “miếng bông gòn”!
Ông mỉm cười cầm gói giấy đặt ở bàn đầu giường đưa cho Anne.
- Thôi khỏi cần nói gì cả. Có muốn cám ơn thì để khi khác. Cô về làm việc đi, mong cô làm tốt hơn nữa.
Anne ra khỏi phòng mà lòng rất phấn khởi. Cô vui thích thấy mình được đánh giá đúng. Chỉ có Presscott là người có thể kể cho Bowley chuyện “miếng bông gòn”. Không cưỡng lại được óc tò mò, mới ra ngoài hành lang cô mở giấy bọc thấy một cái xách tay rất đẹp. Cô vui mừng mở ra, xem xét những ngăn nhỏ bên trong, lập tức niềm vui của cô tắt ngay. Một tờ giấy bạc 5 đồng bảng Anh gấp kỹ nằm trong ngăn đựng tiền. Chạm tự ái, Anne muốn trả ngay số tiền. Việc cho tiền làm hạ thấp sự phấn đấu của cô, cô có cảm tưởng như đứa tớ gái nhận tiền thưởng của chủ.
Anne định quay lại phòng Bowley thì có tiếng chân bước, cô quay đầu lại. Bác sĩ Prescott tiến lại gần cô. Anh ấy biết việc làm của Bowley hay tình cờ anh tới đây? Annne lúng túng vì bị bắt gặp cầm cái túi xách và tờ giấy bạc. Bác sĩ hiểu ngay chuyện xảy ra, anh nói:
- Sự rộng rãi của ông Bowley luôn làm người ta khó chịu. Mỗi lần lãnh phụ cấp, tôi vẫn thường như vậy.
Tuy câu nói có làm Anne yên dạ phần nào, nhưng vẫn ngần ngại:
- Quả thật, bác sĩ Prescott ạ, nhận món tiền này tôi chẳng muốn chút nào.
- Không đúng, làm việc thì hưởng lương chứ. Cô giúp được cho ông ta một công việc lớn lao. Bác sĩ giỏi cũng chẳng được việc nếu không có y tá giỏi phụ giúp. Điều đó ít người biết được. Giúp được cho cô việc gì, tôi vui lòng làm ngay, cô ạ. Hè này có mấy khóa tu nghiệp, cô có muốn theo học không? Tôi sẽ gửi đến cô những hướng dẫn và tài liệu. Tôi luôn để ý khuyến khích phát triển tài năng ở Hepperton này.
Anne trở lại phòng C. Prescott biết khơi gợi ở cô những đức tính tốt. Tờ giấy bạc lại làm cô bực bội. Đưa tay cầm nó, cô cảm thấy tởm. Suy nghĩ hồi lâu, cô quyết định dành trọn món tiền ấy để mua một chiếc đĩa bạc gửi cho Lucy làm quà cưới.