Thủy ra cầu Sài Gòn hai lần, đến lần này Thủy sực tỉnh khi nghe tiếng bảo vệ quát: “Bộ muốn tự tử hả má!”. Trước đó mươi phút Thủy như người mộng du, đạp xe lên cầu mà lòng nhẹ tênh, cứ nhẹ nhàng chạy giữa lằn ranh, không màng đến những câu rủa sả của người đi đường: “Chắc con nhỏ này khiến chết”. Chậm chạp lách vào hành lang bảo vệ cầu, Thủy còn kịp ngoái lại nhìn rõ mặt người đã thốt nên lời cay nghiệt. Bản thân mình, Thủy còn không luyến tiếc sá gì đến lời cay độc, kiêng dè gì một từ “chết” khô khan. Chợt nghĩ về mẹ rồi Thủy lẩm bẩm một mình “mẹ tha lỗi cho con!”. Biết rằng lời thì thầm thốt ra sẽ không thấu đến tai người mẹ nơi quê nghèo song đối với Thủy những câu mẹ dạy ngày nào vẫn còn văng vẳng bên tai. Mỗi khi quyết định điều gì hệ trọng, Thủy hay tìm đến lời mẹ. Thế nhưng lần này, vẫn còn đó lời mẹ, nó thúc giục Thủy không thể vì ích kỷ cá nhân mình mà thay đổi nếp nhà “nghèo cho sạch, rách cho thơm”. Vì muốn cho thơm lời mẹ nên Thủy không thể để cả dòng họ phải mang tai tiếng bởi có đứa con gái hư. Đã hư thì bỏ, vậy bỏ bằng cách nào? Thuốc rầy ư! Mùi thuốc nồng như thế làm sao uống hết cả chai. Thủy đã vứt thẳng nó vào xó bếp. Rồi một lần khác nghĩ về một sợi dây, sau lại thôi. Bỏ lại cái xác treo tòn teng, chiếc lưỡi thè ra. Đem lại sự sợ hãi cho người khác, liệu cách đó có nên chăng! Để đi đến quyết định này Thủy dằn vặt lắm, nghĩ mông lung về một dòng sông. Tự cái tên mình, Thủy đã thấy nó là không chắc chắn, nó mềm mại mong manh, nó yếu đuối, dễ thay hình đổi dạng. Mẹ đã từng khóc bao nhiêu lần khi lên bàn sanh chỉ vì muốn có cái tên Thủy trong giấy khai sinh. Niềm mong ước một đứa bé gái của cả nhà cũng được bù đắp; ấy vậy mà đứa bé vừa lọt lòng chưa được ba ngày đã lên cơn động kinh. Từng ngày, từng ngày mầm sống của mẹ dần khôn lớn cũng đồng nghĩa với ngần ấy thời gian mẹ gánh chịu cơ man nỗi nhọc nhằn. Làm sao Thủy quên lời mẹ: “Có biết bao cặp vợ chồng hiếm muộn, muốn có một mụn con mà không được”. Đôi lúc mẹ tự hào với bà con lối xóm: “Cái con Thủy tuy khó nuôi, nhưng được cái từ khi có nó, nhà tôi gặp toàn những điều may mắn”. Thủy chẳng hiểu có phải vì thương con mà mẹ tự đem cân bằng những thuận lợi cùng với những điều may. Nhưng mẹ ơi, đứa con gái mà mẹ thương yêu nhất, nay đã không còn là của mẹ nữa rồi. Bất hạnh đã đổ ụp vào đời con, khi đứa con phải xa vòng tay mẹ để vào đời lập nghiệp nơi phồn hoa đô hội.
° ° °
Thủy vẫn tự nhủ mình khi nhớ lời mẹ: “chốn xa hoa không phải là chỗ của mình”, nên cứ giữ lối sống mộc mạc quê nhà khi bước chân lên thành phố làm ăn. Khó khăn lắm Thủy mới xin được chân bán sách. Gần với sách vở giống như gần bạn tốt, có dịp rảnh rỗi Thủy học thêm điều hay lẽ phải từ những trang sách, cũng là một cách bổ khuyết những kiến thức còn thiếu của thời đi học. So với thời gian ở trường thì học trong sách tự do hơn, muốn học môn gì chỉ việc tìm loại sách về môn đó. Hoặc giả như đang học môn này mà chán thì học môn khác rất thoải mái, đọc sách cũng là một cách tự học. Thấy lợi ích của việc trông nom cửa hàng sách nên Thủy rất vui với công việc. Lắm lúc nhìn tội nghiệp những đứa bé không có tiền mua sách; tìm được cuốn truyện nào hay nó vội lẩn vào góc khuất đọc một cách say sưa. Nhiều đứa đã làm những ông bố bà mẹ không ít phen hú vía. Họ tìm kiếm khắp nơi cứ ngỡ con mình đi lạc. Chừng gào to tên con đến lần thứ ba cu cậu mới lò dò từ trong góc bò ra với cuốn truyện đọc dang dở trên tay. Biết tính mê xem truyện của trẻ nên việc chúng ngồi lâu trong nhà sách cũng chẳng làm Thủy khó chịu. Nhưng có một lần tình cờ nghe được cuộc trò chuyện của cha con đứa bé gái.
- Hôm nay nội bệnh, hai cha con mình về sớm.
Tiếng người cha chưa kịp dứt, vẻ phụng phịu trên mặt đứa bé gái hiện ra.
- Về nhà buồn lắm, ở đây đọc chuyện vui hơn, ba ơi!
Nghe tiếng con nói làm cho ý định về nhà của người cha có vẻ gì nghèn nghẹn. Đã trải qua tuổi thơ thiếu thốn nên Thủy cảm thông được phần nào về đứa bé gái. Trông mặt nó buồn buồn nhưng vẫn toát lên vẻ thông minh lí lắc. Từ sự cảm thông đó, Thủy mạnh dạn cầm tay cháu bé và nói nửa đùa nửa thật:
- Hay cháu ở lại với cô.
Cháu bé đã quen thuộc với hiệu sách nên không lấy gì làm lạ lẫm trước cử chỉ của cô hàng sách. Với điệu bộ dùng dằng không về vì muốn đọc nốt cuốn truyện hay, đứa bé ngước lên nhìn như muốn xin ba cho ở lại. Trong lúc này người giữ phần quyết định không phải là cha hay con mà là Thủy. Hiệu sách có thêm người lại càng vui, cũng chẳng ảnh hưởng gì, Thủy cầm tay cháu gái và nói với người đàn ông:
- Thôi anh cứ về, nửa tiếng sau ra đón cháu.
Xuất phát từ tấm lòng thương người chân thật của mình, Thủy đã để lại nơi người đàn ông một tình cảm đẹp. Đứa con gái ngoài thời gian đến trường, những ngày nghỉ vào hiệu sách đọc truyện tự nhiên thoải mái hơn lúc trước. Tình cảm cả ba người cũng nảy nở kể từ đó. Đứa bé thiếu tình mẹ lại càng hiểu những lời dạy bảo của Thủy như tình thân. Người đàn ông đã ly dị vợ xem Thủy như là chỗ dựa thứ hai của mình. Cả ba người, hai nữ một nam được gắn với nhau qua hiệu sách. Riêng Thủy cho rằng làm tăng doanh thu cho hiệu sách thì uy tín của mình được khẳng định và thu nhập cũng tăng theo. Chính từ chỗ đó, đối với cha con người đàn ông nọ, Thủy chỉ cám cảnh gà trống nuôi con mà giúp đỡ, chứ trong lòng không ẩn chứa tình cảm riêng tư nào khác. Nghĩ đến quê nghèo, nghĩ đến em mình và nghĩ về thân phận mà trải lòng ra khi có thể giúp những cảnh đời. Trong lòng chỉ biết sống giản đơn, chỉ biết giữ cái vẻ mộc mạc chân quê của người nghèo và cũng không vì nghèo mà làm những điều trái khoáy.
Thời gian càng dài thì việc làm của Thủy trở thành một nhu cầu không thể thiếu của cha con người đàn ông nọ. Dần dần người đàn ông bộc lộ sự quan tâm đến Thủy, thêm vào đó niềm cảm mến nơi bé gái có đôi lúc khiến Thủy chạnh lòng. Thế rồi tình yêu muộn cũng nảy nở giữa hai người. Ở người đàn ông từng trải, giàu kinh nghiệm, họ không ngại miệng khi ngỏ lời yêu thương, cử chỉ ngọt ngào hào phóng bao giờ cũng được họ chọn làm nơi xuất phát. Còn với Thủy nó là mối tình đầu thiêng liêng, luôn luôn toát ra nhiều vẻ mộng mơ. Rồi một lần cầm lòng không đậu trước lời ong mật của gã đàn ông, thế là Thủy trao cả đời con gái của mình cho gã. Thời gian dần trôi, tương lai và sự trưởng thành của đứa bé gái trở thành một nhu cầu bức thiết, nó cũng là cái cớ để người vợ cũ tìm cách về với gia đình. Sự khôn khéo của người phụ nữ có gia đình biết cách thu hút người đàn ông bao nhiêu thì cá tính ấy của Thủy lại nghèo nàn bấy nhiêu. Thủy đành cam chịu thua thiệt vợ cũ của gã đàn ông ấy. Trước đây Thủy những tưởng mình đã tìm được một nửa của mình thì nay một nửa ấy cũng lần hồi trở nên mong manh. Sự mạnh mẽ của gã đàn ông lúc đầu bây giờ cơ hồ như được thay vào đó là những câu nói nhát gừng yếu ớt; tìm nhiều lý lẽ thoái thác để từ chối những lời hứa hẹn khi xưa. Đến chừng nhận ra mình bị lừa dối cũng là lúc gã đàn ông cao chạy xa bay. Giờ đây Thủy chỉ còn biết tự trách mình nhẹ dạ cả tin. Rút được kinh nghiệm từ lời đường mật tán tỉnh của những gã đàn ông, cũng là lúc Thủy tự biết mình chẳng còn gì.
“Chết nếu được quyền chọn lựa thì cái chết phải được đặt vào chỗ thích hợp. Chứ không thể là cái chết lãng nhách! Con người là tài sản quí giá nhất, chỉ khi ta tồn tại và làm việc mới là điều khó. Chọn cái chết để từ bỏ cuộc đời chỉ vì bị gã đàn ông lừa lọc là một hành động hèn nhát”. Đạp xe trên đường trở về phòng trọ Thủy càng nghĩ càng thấy mình bình tĩnh hơn. Hít thật sâu luồng gió mát thổi lên từ bờ sông, Thủy lại nhớ lại dòng sông quê, dòng sông mà ở đó thuở ấu thơ còn đầy ắp kỉ niệm. Tắm sông, nước sông mơn man vỗ nhẹ vào làn da, giúp ta cảm giác khoan khoái hơn. Nào những lúc cùng dăm ba bạn chơi đùa té nước vào nhau, nhiều khi mượn dòng nước ẩn mình lặn sâu xuống để rồi bất ngờ trồi lên từ một chỗ khác khiến bạn phải một phen khiếp vía. Kỷ niệm về dòng sông với Thủy là như thế đó lẽ nào hôm nay chỉ vì một phút yếu lòng mà mượn dòng sông để tẩy rửa những ô uế cuộc đời! Ai một thời không tắm mát ở một dòng sông thì với họ khi đi xa khó lòng thấy ấm áp một tình quê.
Đứng trước thất bại con người thường mất bình tĩnh và có những hành động đáng tiếc. Đương đầu với thất bại phải có một khỏang lặng của thời gian ta mới có thể nhớ lại một câu: “Thua keo này ta bày keo khác”. Có thực là thua keo này ta có thể bày được keo khác không hay đó chỉ là một lời an ủi động viên của người xưa? Cuộc đời con người đâu phải là một canh bạc.Có ai đem sinh mạng mình ra đánh cược với cuộc đời. Ai cũng có nhu cầu sống và sống hạnh phúc. Nếu giả như cuộc đời là một canh bạc thì quả là đời sống bấp bênh quá, mong manh quá. Và cũng giả như cuộc đời là một canh bạc thì người chơi bạc liệu có biết được rằng sẽ có một ngày mình thắng, song phần trắng tay lại biết rõ mười mươi. Đến chừng trắng tay thử hỏi ai đó có còn thời gian để mà xóa bài làm lại! Thế cuộc đời là gì? Là thử thách ư! Là đau khổ ư! Còn gì là vui. Có người vẫn nói: Cuộc đời vừa có thiên đàng vừa có địa ngục. Những lúc ta vui sướng, thành công thì lúc ấy thiên đàng đang hiện diện trong ta. Trái lại có những khi buồn khổ, thất bại ta đã vô tình rơi vào địa ngục. Hiểu như vậy để biết được rằng thiên đàng hay địa ngục chính là những khỏang trời mà ta có thể lựa chọn được. Bây giờ Thủy mới thấy lại được những trang sách mà đã có thời Thủy chỉ đọc lướt qua để giết thời gian. Nhớ lại nó Thủy biết địa ngục đã không còn gần Thủy nữa. Tóm lại, Thủy phải sống, phải tồn tại, biến cuộc sống hiện tại của mình trở thành thiên đàng.
Những dòng suy nghĩ trong đầu Thủy cứ miên man: “Nảy sinh một nhu cầu kiếm tiền nhanh nhất bằng cách moi tiền đàn ông. Đó cũng là một cách để trả thù, để khẳng định mình chứ không đến nỗi phải bỏ xác dươí lòng sông....”. Tự suy nghĩ và tự đặt ra những câu trả lời dẫn Thủy đến tình trạng lúc dứt khóat, lúc do dự. Nghĩ suy ấy tỏ ra đậm nét hơn khi nó giúp Thủy liên tưởng đến một ý khác: “chết đâu phải là lối thóat”.
° °
°
Những lần trong bóng nhờ nhờ tối của quán cà phê là những lần các màn kịch cuộc đời trải ra dưới mắt Thủy. Họ, những gã đàn ông, đủ mọi thành phần gác tay qua vai Thủy để tỏ lời thì thầm. Thậm chí Thủy không cần nhìn rõ vào mặt chỉ cần nghe giọng nói qua hơi rượu là Thủy có thể đoán họ là hạng người nào. Nghe qua câu nói thứ hai Thủy có thể biết họ đang thiếu thứ gì? Lời họ kể thì lâm ly lắm, không khéo lỡ nuốt lời họ thể nào cũng mắc hỡm. Họ vào kiếm Thủy nói gì thì nói, đạo đức gì thì đạo đức cái họ muốn kiếm là cái “dục tình”, cái chất con trong người họ trỗi dậy. Không hiếm người dáng vẻ đạo mạo, trịnh trọng ngòai đời mà vào trong vòng tay Thủy chỉ là một gã mù say rượu tán tỉnh bằng tay. Sao Thủy biết ư! chỉ cần tinh ý nghe lóm những lời đối thoại của họ khi Thủy bất chợt từ ngoài toillet bước vào. Cũng phần vì quen, nghề dạy nghề, lại thêm kinh nghiệm những ngày kiếm được nhiều tiền nó dạy cho Thủy biết họ là ai để biết cách chiều họ. Đổi lại cái gía đó là một buổi tối mệt nhọc chịu đựng những vòng tay hộ pháp tì trên vai, nặng vai không tủi nhục bằng những giọng điệu thèm “thịt người” nghe đến mà tởm lợm.
Thủy mệt mỏi bước vào phòng trọ, chỉ còn kịp khép mạnh cánh cửa và ngã vật xuống giường với một túi sắc tiền thả lỏng vương vãi trên mặt nệm.Ghếch đầu vào cạnh giường Thủy chỉ kịp nôn thốc nôn tháo.Tiền ư! nhiều vô số kể tuôn ra từ cái đám đàn ông, họ vung ra để giành gái. Đám đàn ông chỉ có biết gái và gái, hì hục kiếm thật nhiều tiền bằng nhiều cách khác nhau để ăn nhậu và gái.Nếu có chết thì chính những cái ngữ ấy chứ không phải Thủy. Tòan một lũ sạo, bỏ bê gia đình vợ con để thỏa mãn thứ dục vọng tầm thường.
Mặt trời hắt nắng xiên qua khe cửa, tiếng người nói và tiếng xe máy trộn lẫn vào nhau làm Thủy thức giấc. Muốn nằm lì lại trên giường cũng không được, trang điểm qua loa, Thuỷ dắt nhanh chiếc xe @ ra ngõ. Để lại nhiều cặp mắt thanh niên uống cà phê trong hẻm nhỏ, nhìn theo tán gẫu về khói xe và mùi nước hoa mà Thủy còn vương lại trong ngõ hẹp.Hôm nay ngày rằm tháng bảy Thủy lên chùa cầu xin cho mẹ được sớm vãng sanh, mẹ Thủy mất vì bệnh ung thư gan gần được một năm. Cái chết của mẹ cũng làm cho Thủy thay đổi nhiều về lối sống. Nhìn những vị sư trong chùa thấy họ đẹp và an nhiên tự tại, gương mặt người nào cũng tươi sáng ánh lên những niềm vui. Nếu nói về tiền chắc họ không nhiều bằng Thủy, nói về tiện nghi xe cộ, đồ trang sức thì Thủy lại càng được hưởng nhiều hơn họ.Nhưng sao Thủy không có được một ngày vui.Qua lần thất bại đầu đời, Thủy cứ tưởng mình nghèo nên chịu nhiều thua thiệt.Khi làm lại cuộc đời, bằng mọi cách Thủy lao vào kiếm tiền vì tưởng rằng “có tiền mua tiên cũng được”. Hôm nay, tiền đã có mà trong lòng Thủy không gợn được một niềm vui. Hết đêm này qua đêm khác Thủy mạnh mẽ đi kiếm tiền từ bàn tay đàn ông. Càng có nhiều tiền Thủy càng thỏa mãn cho ý tưởng trả thù và triết lý thiên đàng của mình. Từ một cô gái nghèo, Thủy đã làm thay đổi cuộc đời mình bằng một diện mạo khác: Một cô gái thành thị sang trọng, nhìn đời bằng nửa con mắt. Bắt những gã đàn ông lắm tiền nhiều tật phải cung phụng mình. Có những đêm chính người con gái mà hôm nay có tất cả tiền bạc ấy lại khóc một mình. Cô khóc cho thân phận mình, cô khóc sự đời dư giả dối và thiếu lòng thương yêu. Khi cô trải lòng chân thật mình ra thì cô nhận lại sự lừa dối của những gã đàn ông. Khi cô dùng nhan sắc cộng thêm lời giả dối để đối đãi với bọn đàn ông lừa lọc thì cô lại nhận được những tình yêu thương “nháy nháy” và những đồng tiền mà cô đang thiếu.Cái buồn nhất của Thủy bây giờ là Thủy không còn là mình. Không lẽ với cái thân gái bé nhỏ phải đương đầu với nghịch cảnh ở đời bằng cách cùng lúc sắm vào mình hai bộ cánh với hai chủng loại khác nhau: áo cà sa và áo giấy. Sống ở đời mà bao giờ cũng phòng thủ phòng thân thì làm sao mà ăn ngon ngủ yên cho được. Nội chuyện mất ăn mất ngủ sẽ chẳng mấy chốc biến mình thành con người điên điên dại dại. Lúc này Thủy mới thật hiểu, sống cho thật có ích còn khó hơn đi tìm cái chết lảng xẹt. Hình ảnh an nhiên tự tại qua chiếc áo màu lam của vị ni cô trẻ trên chùa khi sáng Thủy thấy nó đẹp làm sao! Vị ni cô nhẹ nhàng bước vui, gương mặt lúc nào cũng tươi sáng, có được điều ấy có lẽ trong lòng cô không tư lự. Thủy nghĩ đến một điều:cái mà mình muốn thì ni cô không muốn. Còn cái mà vị ni cô muốn thì hiện giờ Thủy chưa thể muốn được. Điều đó cũng dễ dàng lý giải tại sao gương mặt Thủy lúc nào cũng đượm buồn, mặc dù khi ra đường Thủy luôn luôn trang điểm.
° ° °
Thời gian sau này, người ta không còn thấy cô gái đi chiếc xe @ bỏ lại màu khói, mùi nước hoa đắt tiền và ánh mắt buồn vương lên ngõ hẹp. Đám con trai trong hẻm không còn dịp chọn khuôn ngực hở sâu dưới làn áo mỏng của Thủy để mà bàn tán. Cô Thủy bây giờ, ban ngày ngồi bán sách báo ở đầu ngõ, tối tối đến câu lạc bộ thanh niên phường dạy phổ cập cho học sinh nghèo cơ nhỡ.Trong nhà Thủy không còn cùng một lúc hai chiếc aó: áo cà- sa và áo giấy. Thủy không còn mất ngủ như xưa. Cũng trong căn nhà ấy, đã có tiếng con trẻ học bài. Chồng Thủy, chỉ là người phu đêm đêm quét rác, dẫu biết rằng trong đó không thiếu những bọc rác do những cô gái bán cà phê đêm mạnh tay vứt xuống đường. Giờ đây, Thủy đã tìm lại chính mình, cô gái ngày nào mộc mạc chân quê, sống cho gia đình, cho con và cho những con người có hòan cảnh khốn khó.
Những bài đạo đức Thủy dạy cho con ngoài lý thuyết từ sách vở còn có một phần thực tế cuộc đời mình.Thủy vẫn biết rằng dẫu có nói sâu xa chưa chắc gì con đã hiểu nhưng Thủy vẫn xem đó như lời nhắc cho mình: “ Chưa hẳn có nhiều tiền là có hạnh phúc.Chưa hẳn trả được thù là lòng thanh thản...Con người sống với nhau bắt đầu bằng tình yêu thương”
TUỆ HẢI