Tinh Vân Tiên Nữ

Chương 14

Docsach24.com

gười máy đào lò loay hoay suốt hai mươi ngày trong bóng tối ẩm ướt mới dọn quang được đống đất đá sụt lở nặng đến hàng chục ngàn tấn và chống được những vòm bị sụt. Đường xuống hang đã có thể dùng được. Chỉ còn phải kiểm tra xem có an toàn không. Những xe tải nhỏ tự động chuyển động bằng vòng xích và đinh vít Ác-si-mét trườn xuống không có tiếng động. Cứ đi được một trăm mét, các khí cụ lại cho biết thành phần không khí, nhiệt độ và độ ẩm. Những chiếc xe khéo léo vượt qua các chướng ngại và đã xuống tận sâu được bốn trăm mét. Khi đó Vê-đa Công cùng với một nhóm người cộng tác đi sâu xuống cái hang bí ẩn. Chín mươi năm trước, trong thời gian thăm dò các luồng nước ngầm, giữa những chất vôi và cát hoàn toàn không có tính chất quặng, các máy chỉ thị bỗng phát hiện thấy một số lượng kim loại. Chẳng bao lâu, người ta tìm ra rằng địa điểm này phù hợp với vị trí được miêu tả của hang Đen-ốp-cun nổi tiếng trong truyền thuyết từ nhiều thế kỷ trước. Theo một ngôn ngữ hiện nay không dùng nữa thì Đen-ốp-cun có nghĩa là "Hầm trú ẩn của văn hóa". Trước sự đe dọa của một cuộc chiến tranh khủng khiếp, những dân tộc tự coi là tiên tiến nhất trong khoa học và văn hóa đã cất giấu những kho báu văn minh của mình ở trong hang. Ở những thế kỷ xa xôi ấy, thói giữ bí mất là chuyện rất phổ biến.

Vê-đa xúc động không kém gì người cộng tác trẻ tuổi nhất của mình khi chị trườn trên lớp đất sét ẩm màu đỏ bao phủ mặt đường của cái lối đi dốc thoai thoải. Chị tưởng tượng thấy những căn phòng tráng lệ có những tủ bảo hiểm kín mít đựng những bộ phim, những bản vẽ kỹ thuật, những bản đồ, những tủ đựng những cuốn băng ghi âm hay những băng của máy nhớ, những giá để các mẫu hợp chất hóa học, mẫu hợp kim và thuốc. Xác nhồi của những con vật hiện nay đã tuyệt diệt, để trong những tủ kính trong suốt mà hơi ẩm và không khí không lọt vào được. Những mẫu cây cỏ, những bộ xương dựng lại bằng xương hóa thạch của những người thuộc một dân tộc đã tuyệt chủng. Rồi chị mường tượng thấy những tấm xi-li-côn bảo vệ những bức tranh của các họa sĩ nổi tiếng nhất, cả một gian triển lãm tượng những đại diện đẹp nhất của loài người, tượng những nhà hoạt động xuất sắc, mô hình những con vật được miêu tả một cách tài tình... mô hình những tòa nhà nổi tiếng, những bài văn khắc trên đá và kim loại, ghi chép về các biến cố lớn...

Vê-đa vừa tiếp tục mơ ước vừa đi sâu vào cái hang khổng lồ có diện tích đến ba bốn ngàn mét vuông. Cái trần vòm cong vút, đỉnh chìm trong bóng tối. từ trên trần có những vú đá[1] dài rủ xuống, lấp lánh dưới ánh điện. Căn phòng thực sự có vẻ tôn nghiêm. Dường như để xác nhận ý nghĩ của Vê-đa là đúng, trong những hõm tường đầy rẫy những cạnh và những mũi nhũ vôi nhô ra, chị thấy những cỗ máy và tủ. Các nhà khảo cổ học sung sướng reo lên, tản ra khắp xung quanh căn phòng ngầm dưới đất. Trong các lõm tường kính và nước sơn của những cỗ máy có chỗ vẫn còn bóng loáng. Trong các máy đó, có nhiều cái là những chiếc xe mà người thời xưa rất ưa thích và trong kỷ nguyên Thế giới Chia rẽ, người ta coi đó là đỉnh cao của thiên tài kỹ thuật của loài người. Hồi ấy, không hiểu vì lý do gì, người ta làm rất nhiều chiếc máy chỉ có thể chở được mấy người trên những chiếc ghế mềm. Cấu tạo của những máy đó nom thật duyên dáng, các bộ phận điều khiển và vận chuyển thật là tài tình, nhưng về các mặt khác thì những máy như thế quả là một điều vô lý quái gở. Hàng trăm nghìn chiếc chạy trên các đường thành phố và đường cái lớn, chuyên chở những con người mà không hiểu vì sao lại làm việc ở xa nhà ở của mình và ngày nào cũng vội vã đến nơi làm việc rồi lại vội vã trở về nhà. Loại máy nguy hiểm ấy đã giết chết vô số người, đốt cháy hàng tỷ tấn dữ trự chất hữu cơ quý báu đã tích luỹ được trong quá khứ địa chất của hành tinh, làm cho không khí bị nhiễm độc vì khí ô-xýt các-bon. Các nhà khảo cổ của thời đại Vành-khuyên thất vọng khi thấy những chiếc xe kỳ quặc ấy được dành nhiều chỗ như thế trong hang.

Nhưng trên những nền thấp, họ thấy nhô lên những động có pít-tông mạnh hơn, những động cơ điện, động cơ phản lực, động cơ tuyếc-bin, động cơ dùng năng lượng hạt nhân. Trong những tủ kính bị che lấp sau lớp nhũ vôi dày, có những dãy khí cụ đặt thẳng đứng. Có lẽ đấy là những máy thu thanh, máy ảnh, máy tính hay những máy khác có công dụng tương tự. Những cỗ máy ở đây một phần đã bị nát vụn vì han gỉ, nhưng cũng có phần còn nguyên. Dù sao, khu bảo tàng này cũng có giá trị lịch sử to lớn, vì nó làm sáng tỏ trình độ kỹ thuật của thời xa xưa mà phần lớn tư liệu lịch sử đã mất tích trong những cuộc chiến tranh và những biến động chính trị.

Mi-i-cô Ây-gô-rô, người giúp việc trung thành của Vê-đa, lại một lần nữa rời bỏ biển khơi mà cô yêu mến để đổi lấy cảnh ẩm ướt và tăm tối của những hầm ngầm. Bây giờ cô chợt nhận thấy ở cuối phòng, sau cột nhũ đá to có một lỗ đen ngòm dẫn vào một lối đi. Cái cột này là khung của một cỗ máy, dưới chân cột có một đống vụn chất dẻo: đấy là phần còn sót lại của một tấm chắn trước kia bịt kín lối đi. Lần từng bước theo những sợi cáp đỏ của những chiếc xe thăm dò tự động, các nhà khảo cổ vào hang thứ hai ở độ cao gần ngang với hang thứ nhất và đầy rẫy những tủ bằng kính và bằng kim loại đóng kín. Một hàng chữ to, bằng tiếng Anh chạy vòng quanh những bức tường thẳng đứng có đôi chỗ đã sụp đổ. Vê-đa nóng lòng sốt ruột, không thể không đọc ngay những chữ đó.

Với thái độ huênh hoang điển hình cho chủ nghĩa cá nhân đời xưa, những người xây cái hầm này tuyên bố với hậu thế rằng họ đã đạt tới những đỉnh cao của kiến thức và giữ những thành tựu vĩ đại của mình ở đây cho tương lai.

Mi-i-cô nhún vai khinh bỉ:

- Chỉ căn cứ những điều viết ở đây cũng có thể xác định rằng hang "Hầm trú ẩn của văn hóa" thuộc vào cuối kỷ nguyên "Thế giới Chia rẽ", vào những năm cuối của hình thái xã hội cũ. Nét đặc trưng cho các xã hội đó là niềm tin vô lý rằng nền văn minh phương Tây, ngôn ngữ phong tục, đạo đức và sự tôn nghiêm của cái gọi là người da trắng sẽ tồn tại vĩnh viễn và bất di bất dịch. Tôi căm ghét nền văn minh ấy.

- Chị hình dung quá khứ rất rõ nét, nhưng với lối nhìn một chiều, Mi-i-cô ạ. Còn tôi thì qua những nét tăm tối của bộ xương của chủ nghĩa tư bản, tôi nhìn thấy những con người đã đấu tranh cho tương lai. Tương lai của họ là hiện tại của chúng ta. Tôi thấy vô số người nam và nữa đi tìm ánh sáng trong cuộc sống tù túng, nghèo khổ, những người tốt đến mức có thể giúp đỡ những người khác, kiên cường đến mức có thể giữ cho mình không trở thành dã man trong bầu không khí ngột ngạt xung quanh. Họ là những người dũng cảm, dũng cảm đến điên cuồng!

- Những kẻ đã giấu nền văn hóa của họ ở đây không phải là những người như thế - Mi-i-cô phản đối - Chị xem, ở đây chỉ toàn những đồ vật kỹ thuật. Họ đánh giá kỹ thuật quá cao mà không chú ý gì đến tình trạng suy đồi ngày càng tăng về tinh thần và cảm xúc. Họ khinh miệt quá khứ và không nhìn thấy tương lai!

Vê-đa nghĩ rằng Mi-i-cô nói đúng. Cuộc sống của những người làm ra cái hầm này sẽ thoải mái hơn nếu như họ biết so sánh những thành tựu đã đạt được với những việc còn phải làm để thực sự cải tạo thế giới và xã hội. Khi đó họ sẽ thấy rõ như trong lòng bàn tay rằng hành tinh của họ đầy rác rưởi, bị hun khói, rừng rú bị tàn phá, mặt đất ngổn ngang những giấy, kính vỡ, gạch vỡ và sắt gỉ. Họ sẽ hiểu rõ hơn rằng họ còn phải làm gì và sẽ không bị lóa mắt vì thói tự tâng bốc.

Một cái giếng hẹp, thẳng đứng, sâu đến ba mươi hai mét dẫn vào phòng thứ ba. Sau khi đã phái Mi-i-cô cùng với hai người khác đi lấy máy phát tia ga-ma để chiếu xuyên qua tủ, Vê-đa bắt đầu xem xét cái hang thứ ba. Cái hang này không có nhũ vôi và những lớp đất sét. Những tủ thấp hình chữ nhật bằng kính đúc khuôn đổ mồ hôi vì hơi ẩm lọt vào trong. Các nhà khảo cổ dán mắt vào kính xem xét những vật phẩm rắc rối bằng vàng và bạch kim nạm ngọc.

Căn cứ vào những vật này mà phán đoán thì những di tích cổ này được thu thập vào thời kỳ mà người ta chưa từ bỏ được thói quen đã có từ thời nguyên thủy là coi cái cũ quý giá hơn cái mới, một thói quen bắt nguồn từ sự tôn thờ tổ tiên. Cũng như khi đọc những chữ ghi chú, Vê-đa cảm thấy bực mình vì thói tự tin lố lăng của những người cho rằng quan niệm của họ về giá trị và những thị hiếu của họ sẽ không thay đổi qua hàng chục thế kỷ và sẽ được hậu thế xa xôi coi là khuôn vàng thước ngọc.

Đầu kia hang chuyển thành một hành lang cao và thẳng đổ chênh chếch xuống một khoảng sâu bí ẩn. Máy tính của các máy thăm dò tự động cho biết đoạn đầu hành lang thấp hơn bề mặt Trái đất ba trăm bốn mươi mét. Những vết nứt to chia cắt những vòm trần thành những mảng đá vôi khổng lồ có lẽ nặng đến hàng nghìn tấn. Vê-đa lo ngại. Kinh nghiệm nghiên cứu nhiều hầm ngầm đã cho chị biết rằng khối đất đá ở chân một dãy núi thường có trạng thái cân bằng không bền. Có thể nó đã bị chuyển dịch do động đất hay do tình trạng trồi núi phổ biến khiến cho những dãy núi cao thêm lên đến năm chục mét (hiện tượng đó diễn ra trong hàng thế kỷ, kể từ lúc người ta làm ra cái kho chứa này). Đối với một đoàn khảo cổ bình thường thì chống đỡ cái khối ghê gớm này là một việc không thể thực hiện được. Những nỗ lực lớn lao như thế chỉ có ý nghĩa khi nó nhằm đạt tới những mục tiêu kinh tế quan trọng đối với hành tinh.

Mặt khác những bí mật lịch sử được giấu trong cái hang sâu như thế này có thể có giá trị kỹ thuật tương tự như những phát minh bị bỏ quên nhưng có ích cho thời nay.

Đình chỉ việc nghiên cứu có lẽ là thận trọng và khôn ngoan. Nhưng tại sao một nhà bác học lại phải giữ gìn bản thân mình đến thế, trong khi hàng triệu người đang làm những công việc và những thí nghiệm nguy hiểm, khi Đa-rơ Vê-te cùng với đồng đội đang làm việc ở độ cao cách mặt đất năm mươi bảy ngàn ki-lô-mét, còn Éc-gơ đang chuẩn bị tham gia chuyến bay không trở về. Hai người ấy, những người mà Vê-đa hết sức kính trọng, có lẽ sẽ không lùi bước... Vậy thì chị cũng sẽ không lùi bước.

Những bộ pin dự trữ, một máy chụp ảnh điện tử, hai bình ô-xy... Mi-i-cô vốn không biết sợ là gì, chị sẽ cùng với Mi-i-cô đi nghiên cứu hang thứ ba, còn những người khác thì để cho họ ở lại các hang trên.

Vê-đa Công khuyên các bạn nên ăn để bồi dưỡng sức khỏe. Họ lấy những thỏi thức ăn nén chặt, làm bằng chất đạm, chất đường tiêu hóa nhanh và những chất khử độc tố gây nên sự mệt mỏi trộn lẫn với các vi-ta-min, các hoóc-môn và các chất kích thích thần kinh. Vê-đa đang bồn chồn sốt ruột nên không muốn ăn. Bốn mươi phút sau Mi-i-cô mới đến. Thì ra cô không thể nén được tò mò nếu không chiếu tia ga-ma xem qua mấy chiếc tủ để biết trong đó có những gì.

Cô gái dòng dõi của những người đàn bà thợ lặn Nhật nhìn người lãnh đạo của mình với vẻ biết ơn và sửa soạn trong nháy mắt đã xong.

Những sợi cáp mảnh màu đỏ vươn dài dọc theo trung tâm lối đi. Ánh sáng màu tím nhạt của những vòng khí tự phát sáng trên đầu hai người phụ nữ không thể xuyên qua nổi bóng tối vạn cổ ở phía trước. Ở đấy, lối xuống mỗi lúc một dốc hơn.

Những giọt nước lớn buốt lạnh từ trên trần rơi xuống đều đều, làm vang lên những âm thanh trầm đục. Ở hai bên và ở phía dưới, có tiếng nước lách rách chảy trong những kẽ nứt. Không khí đẫm hơi ẩm vẫn tù đọng, không sinh khí trong cái hầm tối tăm, kín mít. Chỉ trong hang mới có sự im lặng như thế. Chính vật chất của vỏ Trái đất, thứ vật chất chết, trơ trơ, không có tình cảm gì đã bảo vệ sự im lặng ấy. Còn ở trên mặt đất, dù có yên lặng đến đâu đi nữa, bao giờ ta cũng đoán ra được sự sống đang ẩn náu, sự chuyển vận của nước, không khí hay ánh sáng.

Mi-i-cô và Vê-đa vô tình bị lôi cuốn bởi sức thôi miên của cái hang sâu đã nuốt chửng cả hai người trong lòng đất tối đen, khiến họ có cảm giác như đang ở trong đáy mồ của cái quá khứ đã hết, đã bị thời gian xóa nhòa vì chỉ sống lại trong những hình ảnh hư ảo của trí tưởng tượng.

Họ xuống quá nhanh, tuy mặt lối đi bị một lớp đất sét dày dính nhớp bao phủ. Đôi chỗ, có những khối đất đá từ trên vách lở xuống, chặn ngang đường, khiến họ phải trèo lên những đống ấy, bò qua những khe hở giữa trần và đống đất lở. Sau nửa giờ, Mi-i-cô và Vê-đa đã xuống được một trăm chín mươi mét và đến trước một bức tường nhẵn nhụi. Hai người máy thăm dò đã dừng lại và nằm yên ở đó. Chỉ một chút ánh sáng hắt lên cũng đủ để họ nhận thấy trong tường có một cánh cửa đồ sộ đóng kín, bằng thép không gỉ. Hai khối tròn lồi với những ký hiệu gì không rõ ở chính giữa cửa, những mũi tên mạ vàng và những tay nắm. Muốn mở cửa, phải xếp ký hiệu thành bộ đúng với quy ước. Cả hai nhà khảo cổ đều biết những kiểu cấu tạo tương tự, nhưng thuộc một thời đại trước nữa. Sau khi đã bàn bạc với nhau, Vê-đa và Mi-i-cô nghiên cứu ổ khóa. Nó rất giống những thiết bị mà người thời trước đã bố trí một cách ranh mãnh và độc ác để bảo vệ kho báu của mình không cho "người ngoài" vào được. Ở kỷ nguyên Thế giới Chia rẽ, có cái lối phân chia mọi người thành "người nhà" và "người ngoài". Đã nhiều lần, khi người ta thử mở những cánh cửa như vậy thì chúng phóng ra những quả đạn, hơi độc, những bức xạ làm mù mắt, và những nhà nghiên cứu đã chết vì không lường trước được những sự nguy hiểm đó.

Các cỗ máy làm bằng những thứ kim loại bền vững hay bằng những thứ chất dẻo đặc biệt, qua hàng nghìn năm vẫn không bị hư hỏng và chúng đã khiến nhiều người phải bỏ mạng, cho đến khi các nhà khảo cổ tìm được cách làm cho những cánh cửa thép đó trở nên vô hại.

Rõ ràng là muốn mở những cánh cửa này phải dùng những khí cụ đặc biệt. Đành phải trở về sau khi đã đi tới ngưỡng cửa của nơi chứa đựng điều bí mật chủ yếu trong hang. Còn nghi ngờ gì nữa, hẳn là sau cánh cửa đóng kín này phải có cái gì quan trọng nhất và quý giá nhất đối với những người ở thời quá khứ xa xăm ấy. Sau khi đã tắt đèn và chỉ dùng ánh sáng mờ của những vành khí sáng trên đầu, Vê-đa và Mi-i-cô ngồi nghỉ và lấy lương thực ra ăn.

- Ở đấy có thể có cái gì? - Mi-i-cô thở dài, không rời mắt khỏi cánh cửa có những ký hiệu lấp lánh ánh vàng một cách kiêu kỳ - Dường như chúng chế nhạo chúng ta: ta không cho vào, ta sẽ không nói cho biết.

- Nhưng chị đã soi thấy gì trong những chiếc tủ ở phòng thứ hai - Vê-đa hỏi, cố xua đuổi nỗi bực tức vì gặp phải trở ngại bất ngờ mà không thể làm gì được.

- Những bản vẽ kỹ thuật về cấu tạo của máy móc, những cuốn sách in trên những bản kim loại chứ không phải trên loại giấy thời cổ chế tạo từ gỗ. Ngoài ra có lẽ là những cuộn phim ảnh, những danh sách gì đó, những bản đồ tinh tú và bản đồ Trái đất.

- Ở phòng thứ nhất là các mẫu máy. Ở phòng thứ hai là tài liệu kỹ thuật về các máy đó, còn ở phòng thứ ba thì... nói thế nào được nhỉ... Có lẽ là những giá trị của một thời đại mà người ta còn dùng tiền. Nghĩ như thế cũng thích hợp đấy.

- Nhưng những giá trị hiểu theo nghĩa của chúng ta thì được cất giấu ở đâu? Tôi muốn nói những thành tựu cao nhất của sự phát triển tinh thần của loài người: khoa học, nghệ thuật, văn hóa - Mi-i-cô kêu lên.

- Tôi hy vọng rằng những cái đó ở sau cánh cửa kia - Vê-đa bình tĩnh trả lời - Nhưng tôi sẽ không ngạc nhiên nếu ở đó lại có vũ khí.

- Sao, cái gì?

- Khí giới, những phương tiện giết người hàng loạt một cách mau chóng.

Cô bé Mi-i-cô nghĩ ngợi, vẻ buồn rầu và khẽ nói:

- Đúng, điều đó cũng đúng thôi, nếu như ta suy nghĩ về mục đích của cái hầm bí mật này. Ở đây người ta cất giấu những giá trị kỹ thuật và vật chất cơ bản của nền văn minh phương Tây thời ấy để tránh một cuộc hủy diệt có thể xảy ra. Nhưng cái gì được coi là giá trị cơ bản, nếu như thời ấy vẫn chưa có dư luận xã hội của cả hành tinh hay thậm chí các dân tộc của các nước ấy cũng chưa có quyền nói lên ý kiến của mình? Cái gì là cần thiết và quan trọng trong một lúc nhất định, điều đó do nhóm cầm quyền quy định, mà những kẻ cầm quyền ấy thường là không hiểu biết gì hết, cho nên những vật cất giấu ở đây hoàn toàn không phải là có giá trị nhất đối với loài người, mà là cái mà nhóm người này hay nhóm người khác coi là quan trọng. Ý định của họ trước hết là gìn giữ máy móc và nếu có thể thì cả vũ khí, họ không hiểu rằng nền văn minh được xây đắp dần trong lịch sử, cũng như một cơ thể sống.

- Đúng, nền văn minh được xây đắp bằng cách tích luỹ và sử dụng thành thạo kinh nghiệm làm việc, kỹ thuật, các nguồn dự trữ vật liệu, những chất hóa học nguyên chất. Không thể khôi phục được một nền văn mình cao đã bị hủy hoại nếu không có những hợp kim hết sức bền vững, những kim loại hiếm, những máy móc có thể làm việc với năng suất cao và có dung hạn hết sức chính xác. Nếu tất cả những cái đó bị hủy diệt thì lấy đâu ra vật liệu, kinh nghiệm, kỹ năng để tạo nên những máy xi-béc-nê-tic ngày càng phức tạp, có khả năng thỏa mãn như cầu của hàng tỷ người.

- Mà cũng không thể trở lại nền văn minh không có máy, giống như nền văn minh cổ đại mà đôi khi người ta mơ ước.

- Cố nhiên. Thay cho nền văn minh cổ đại sẽ là tình trạng đói kém khủng khiếp. Những kẻ cá nhân chủ nghĩa hay mơ ước không muốn hiểu rằng lịch sử không quay trở lại.

- Tôi không nói chắc rằng sau cánh cửa kia là vũ kia - Vê-đa trở lại đề tài chính - Nhưng có nhiều dấu hiệu cho biết như thế. Nếu những người đã tạo nên hầm bí mật này nhận định sai lầm (mà người thời ấy vốn hay phạm sai lầm), nếu như họ lẫn lộn văn hóa với văn minh, không hiểu được nhiệm vụ bức thiết là phải giáo dục và phát triển cảm xúc của con người thì khi còn sống, họ không thiết gì đến những tác phẩm nghệ thuật và văn học, hay không quan tâm đến ngành khoa học nào xa với những đòi hỏi lúc bấy giờ. Thời ấy, ngay cả khoa học cũng bị chia thành cái có ích và cái vô ích, người ta không nghĩ gì đến tính thống nhất của khoa học. Một nền khoa học và nghệ thuật như thế chỉ được coi là những trò thú vị, nhưng thậm chí không phải bao giờ cũng được coi là một bộ phận thiết yếu của cuộc sống con người. Và tôi nghĩ đến vũ khí, mặc dù đối với chúng ta, những con người thời nay, điều đó có vẻ hết sức ngây thơ và vô lý.

Vê-đa im lặng, nhìn chằm chằm vào cánh cửa.

- Có thể đây chỉ là một cơ cấu sắp chữ, và chúng ta dùng mi-cơ-rô-phôn để nghe thì có thể mở được - chị bỗng nói và đến gần cánh cửa - ta liều thử một chuyến chăng.

Mi-i-cô lao đến đứng chắn giữa cánh cửa và Vê-đa.

- Không, Vê-đa! Sao lại liều lĩnh một cách vô lý như thế.

- Tôi có cảm giác rằng cái hang này không đứng vững được bao lâu nữa. Một khi ta đã rời khỏi đây thì sẽ không có dịp trở lại được nữa đâu... Chị có nghe thấy không.

Một tiếng ồn ào mơ hồ, xa xôi đôi lúc lọt vào ngăn buồng trước cửa, khi thì từ dưới vẳng lên khi thì từ trên đưa xuống.

Nhưng Mi-i-cô vẫn không lay chuyển. Cô đứng xoay lưng về phía cửa, dang rộng hai tay.

- Nếu như ở đấy có vũ khí thì sao, Vê-đa. Những thứ được không thể không được bảo vệ... Không, đây là cánh cửa độc ác, cũng như nhiều cánh cửa khác.

Hai ngày sau, người ta đã đưa những máy xách tay đến: một màn ảnh phản xạ tia Rơn-ghen để soi các máy móc, một máy phát âm siêu tần tụ tiêu để phá hủy liên hệ bên trong của các chi tiết. Nhưng các nhà nghiên cứu không có dịp sử dụng những khí cụ ấy.

Đột nhiên, từ trong lòng hang có tiếng ì ầm đứt quãng. Đất rung chuyển mạnh dưới chân, khiến cho những nhà nghiên cứu lúc này đã có mặt đầy đủ trong phòng thứ ba vội vã lao ra lối cửa theo bản năng.

Tiếng ì ầm mạnh dần lên, chuyển thành tiếng nghiến rít kèn kẹt. Có lẽ tất cả khối đất đá nứt rạn đã đổ sụp xuống theo đường đoạn tầng dọc chân núi.

- Chết rồi! Chúng ta chưa kịp ra khỏi hang, chạy mau lên tầng trên - Vê-đa gào lên một cách đau xót và mọi người đâm bổ về đến chỗ những xe tải tự động, điều khiển chúng đi về hang thứ hai.

Họ bám chặt lấy những sợi cáp của các người, trèo lên theo đường giếng. Tiếng ì ầm và sự rung chuyển của các vách đá bám sát gót họ và cuối cùng đã đuổi kịp họ. Một tiếng ầm ầm khủng khiếp... Bức vách trong cửa hang thứ hai sụp đổ thành một đống lớn ở chỗ cái giếng dẫn vào phòng thứ ba. Làn sóng không khí đúng là đã thổi bay mọi người cũng với bụi và đá nhỏ lên tới tận những vòm cao của căn phòng thứ nhất. Các nhà khảo cổ nằm sóng sượt trên mặt đất chờ chết.

Những luồng bụi ùa vào hang lắng xuống một cách chậm chạp. Những cột măng đá và những khối nhô vẫn không thay đổi hình dạng qua làn bụi mờ mịt. Sự im lặng như trong cõi chết lại ngự trị trong cái hầm ngầm... Vê-đa chợt tỉnh, chị đứng dậy. Hai người đỡ lấy chị, nhưng chị lánh ra với vẻ sốt ruột.

- Mi-i-cô đâu?

Mi-i-cô đứng tựa vào một cột măng đá thấp, lau bụi đá ở cổ, tai và tóc một cách cẩn thận.

- Bị hủy hoại gần hết rồi - Cô trả lời câu hỏi thầm lặng - cánh cửa bất khả xâm phạm vẫn đóng kín dưới lớp đá dày bốn trăm mét. Hang thứ ba bị phá hủy hoàn toàn, còn hang thứ hai... hang thứ hai thì còn có thể khai thác được. Nó chứa đựng cái quí giá nhất đối với chúng ta, cũng như ở hang này.

- Đúng thế - Vê-đa liếm cặp môi khô - Nhưng chúng ta có lỗi vì đã chần chừ và quá thận trọng - Lẽ ra chúng ta phải thấy trước là hang sẽ sụt.

- Một linh cảm không có căn cứ. Nhưng chẳng việc gì phải buồn phiền đâu. Chẳng lẽ chúng ta lại mất công chống đỡ những khối đá chỉ vì muốn biết những giá trị đáng ngờ ở sau cánh cửa ấy ư? Nhất là nếu ở đấy chỉ có những vũ khí vô tích sự.

- Nhưng nếu là những tác phẩm nghệ thuật, những tác phẩm của sự sáng tạo vô giá của loài người thì sao? Không, lẽ ra chúng ta có thể hành động nhanh hơn nữa!

Mi-i-cô nhún vai và kéo Vê-đa đang buồn phiền đi theo các bạn đồng đội, trở về với ánh mặt trời huy hoàng, với niềm vui sướng được tắm mình trong làn nước trong veo và tắm hoa sen điện làm giảm nỗi đau đớn.

Theo thói quen, Mơ-ven Ma-xơ đi đi lại lại trong căn phòng dành riêng cho anh ở tầng trên cùng của Nhà lịch sử tại khu vực Ấn-độ của vành đai dân cư phương Bắc. Anh chuyển đến đây hai ngày trước, sau một thời gian làm việc ở Nhà lịch sử của khu châu Mỹ,

Căn phòng, hay nói cho đúng hơn là một cái hiên có bức tường ngoài làm bằng thủy tinh phân cực, hướng về khoảng không gian xa xăm màu xanh lơ của một bình sơn nguyên có đồi. Chốc chốc, Mơ-ven Ma-xơ lại đóng những cánh cửa chớp tạo nên sự phân cực chéo. Cảnh tranh tối tranh sáng màu xám bao trùm trong phòng, và trên màn ảnh hình bán cầu, những ảnh điện tử chậm chạp lướt qua: đấy là ảnh những bức tranh, những đoạn phim cũ, những bức tượng và những tòa nhà mà Mơ-ven Ma-xơ đã chọn từ trước. Chàng trai người Phi-châu vừa xem ảnh vừa đọc cho thư ký máy ghi chép để chuẩn bị tài liệu cho cuốn sách sắp viết. Máy in những đoạn ghi chép, đánh số các tờ và xếp lại cẩn thận, phân loại theo đề tài theo nội dung miêu tả hay khái quát.

Khi mệt, Mơ-ven Ma-xơ lại mở cửa chớp, đến gần cửa sổ, phóng tầm mắt ra xa và nghiền ngẫm hồi lại mở cửa chớp, đến gần cửa sổ, phóng tầm mắt ra xa và nghiền ngẫm hồi lâu về những cái anh đã thấy trên màn ảnh.

Anh không thể không lấy làm ngạc nhiên rằng trong nền văn hóa gần đây của loài người, có biết bao nhiêu cái đã bị loại bỏ: những thuật nói và viết tinh vi hết sức tiêu biểu cho kỷ nguyên Thế giới Đại đồng (hồi xưa những cái đó được coi là dấu hiệu chứng tỏ học vấn rộng), văn chương cũng như nhạc có lời mà mãi đến kỷ nguyên Lao động chung vẫn còn rất phát triển thì nay đã hoàn toàn không đúng nữa, lối dùng từ một cách khéo léo mà người ta gọi lối chơi chữ cũng đã biến mất. Sự cần thiết phải che giấu những ý nghĩ của mình (điều rất quan trọng đối với kỷ nguyên Thế giới Chia rẽ) còn bị loại bỏ sớm hơn nữa. Mọi lời lẽ trao đổi trở nên giản dị và ngắn gọn hơn nhiều. Có lẽ kỷ nguyên Vành-khuyên vĩ đại sẽ là kỷ nguyên phát triển hệ thống tín hiệu thứ ba của con người: sự hiểu nhau không cần nói.

Chốc chốc, Mơ-ven Ma-xơ lại đọc cho người thư ký máy lúc nào cũng tỉnh táo ghi những ý nghĩ mới của mình:

- Khoa tâm lý thăng trầm[2] của nghệ thuật do Lu-đa Phia sáng lập từ thế kỷ thứ nhất của kỷ nguyên Vành-khuyên. Chính Phia đã chứng minh một cách khoa học sự khác nhau giữa cảm xúc của nam giới và nữ giới, bằng cách khám phá ra bí mật của lĩnh vực mà nhiều thế kỷ trước vẫn coi là tiềm thức nửa thần bí. Nhưng việc dùng khái niệm của thời nay để chứng minh mới chỉ là một phần nhỏ công việc. Lu-đa Phia đã làm được một việc lớn lao hơn cả là vạch ra những liên hệ chính của tri giác cảm tính, nhờ đó có thể làm cho những cảm xúc của nam giới và nữ giới tương hợp với nhau.

Một tiếng chuông ngân nga và một đốm sáng màu lục bừng lên gọi Mơ-ven Ma-xơ đến máy điện thoại vô tuyến truyền hình. Gọi điện thoại vào giờ làm việc nghĩa là có việc gì nghiêm trọng. Sau khi đã ngắt điện để thư ký máy ngừng hoạt động, Mơ-ven Ma-xơ chạy xuống buồng đàm thoại tầm xa.

Trên màn ảnh, Vê-đa Công chào anh, hai má chị sây sát, mắt thâm quầng. Mơ-ven Ma-xơ mừng rỡ, dang đôi tay to lớn của mình về phía chị, một nụ cười yếu ớt xuất hiện trên gương mặt lo âu của Vê-đa.

- Hãy giúp tôi, Mơ-ven. Tôi biết anh đang bận việc, nhưng Đa-rơ Vê-te hiện không có mặt trên Trái đất, Éc-gơ No-rơ thì ở xa, mà ngoài hai người đó ra thì chỉ còn anh là người mà tôi có thể nhờ cậy bất cứ điều gì. Tôi gặp tai họa...

- Sao? Đa-rơ Vê-te làm sao...

- Ồ không, một vụ sụt lở ở nơi khai quật hang - Vê-đa thuật lại một cách vắn tắt sự việc xảy ra ở hang Đen-ốp-cun.

- Trong số bạn bè của tôi, hiện giờ anh là người duy nhất có quyền liên hệ với Não Tiên Tri bất cứ lúc nào.

- Cái nào trong số bốn cái đó?

- Não xác định dưới.

- Tôi hiểu. Cần phải tính toán khả năng đến được cánh cửa thép mà ít tốn lao động và vật liệu nhất, phải không?

- Chính thế! Đã thu thập được số liệu rồi ư?

- Tôi có đây rồi.

- Tôi nghe đây.

Mơ-ven Ma-xơ ghi nhanh mấy dãy con số.

- Bây giờ vấn đề là bao giờ máy sẽ tiếp nhận những số liệu của tôi. Chờ một lát, tôi sẽ liên hệ ngay bây giờ với kỹ sư trực của Não Tiên tri. Não Xác định dưới ở khu châu Úc miền Nam.

- Thế còn Não Xác định trên ở đâu?

- Ở khu Ấn-độ, thuộc vùng dân cư phương Bắc, nơi mà tôi... tôi chuyển mạch đây, chờ nhé.

Đứng trước cái màn ảnh đã tắt, Vê-đa cố hình dung ra Não Tiên tri. Trong trí tưởng tượng của chị hiện ra một bộ não người khổng lồ với những đường rãnh và những nếp gấp ngoằn ngoèo, một bộ não phập phồng, sống động, tuy chị biết rằng đấy chỉ là tên của những máy nghiên cứu điện tử khổng lồ hạng nhất có khả năng giải quyết hầu như bất cứ nhiệm vụ nào mà các ngành toán học hiện đại đủ sức nghiên cứu. Trên hành tinh, chỉ có bốn cái máy như thế đảm nhiệm những công việc chuyên môn khác nhau.

Vê-đa chờ không lâu. Màn ảnh sáng lên và Mơ-ven Ma-xơ bảo chị sáu ngày nữa gọi điện cho anh vào cuối buổi tối.

- Mơ-ven, sự giúp đỡ của anh thật là vô giá.

- Chỉ vì tôi có một số kiến thức và quyền hành trong lĩnh vực toán học ư? Công việc của chị mới thật là vô giá vì chị biết những ngôn ngữ và những nền văn hóa cổ. Vê-đa, chị bị thu hút quá nhiều vào kỷ nguyên Thế giới Chia rẽ đấy!

Nhà sử học chau mày, nhưng chàng trai Phi châu phá lên cười hồn nhiên và dễ lôi cuốn đến nỗi Vê-đa cũng bật cười, chị phác một cử chỉ tạm biệt và biến mất.

Đến hạn đã định, Mơ-ven Ma-xơ lại gặp thiếu phụ trên máy điện thoại vô tuyến truyền hình.

- Anh không cần nói tôi cũng thấy câu trả lời không đáng mừng.

- Đúng, độ ổn định ở dưới mức an toàn... nếu làm theo cách thông thường thì phần phải vét đi sẽ tới một ki-lô-mét khối đá vôi.

- Với khả năng của chúng ta thì chỉ còn cách đưa những tủ bảo hiểm ở hang thứ hai ra bằng đường hầm - Vê-đa nói một cách buồn rầu.

- Liệu có đáng buồn phiền đến thế không?

- Thứ lỗi cho tôi, Mơ-ven, nhưng anh cũng đã từng đứng trước một cánh cửa mà đằng sau nó là một điều bí mật chưa đoán ra được. Điều bí mật mà anh muốn biết là một điều bí mật vĩ đại, có quy mô toàn thế giới, còn điều bí mật của tôi thì nhỏ thôi. Nhưng về mặt cảm xúc thì thất bại của tôi ngang với thất bại của anh.

- Hai chúng ta là bạn cùng thuyền, cùng gặp cảnh bất hạnh. Tôi có thể đoán chắc với chị rằng chúng ta sẽ còn nhiều lần vấp phải những cánh cửa thép. Khát vọng của ta càng táo bạo và mãnh liệt thì lại càng hay vấp phải những cánh cửa.

- Nhưng một cánh cửa nào đó sẽ mở ra.

- Chính thế!...

- Và các anh cũng chưa chịu thua hẳn chứ?

- Cố nhiên. Chúng tôi sẽ thu thập những sự kiện mới, những chỉ số cho thấy cách làm chính xác hơn. Vũ trụ có sức mạnh lớn lao đến nỗi ta xông vào tấn công nó mà chỉ dùng một cái que thông lò thì thật là ngây ngô... cũng như chị định dùng tay không mở cánh cửa nguy hiểm ấy.

- Nhưng nếu phải chờ đợi suốt đời thì sao?

- Cuộc đời riêng của tôi có nghĩa lý gì so với những bước tiến bộ lớn lao như thế của kiến thức?

- Mơ-ven, tinh thần hăng say của anh biến đâu mất rồi?

- Nó không biến mất, nhưng bị hãm lại. Sự đau khổ ghìm nó lại...

- Thế còn Ren Bô-dơ?

- Đối với anh ấy thì dễ hơn. Anh ấy vẫn tiếp tục tìm tòi để làm cho sự trừu tượng hóa của mình được chính xác hơn.

- Tôi hiểu. Chờ một lát, Mơ-ven, có việc gì quan trọng.

Màn ảnh vụt tắt, và khi nó lại bừng lên thì trước mắt Mơ-ven Ma-xơ dường như là một thiếu phụ khác, trẻ trung và vô tư lự.

- Đa-rơ Vê-te đang xuống Trái đất. Vệ tinh 57 đã xây dựng xong trước thời hạn.

- Nhanh thế ư? Xong cả rồi à?

- Không, chỉ mới xong phần lắp ráp bên ngoài và đặt các máy phát động lực. Những công việc ở bên trong thì đơn giản hơn. Anh ấy được gọi về để nghỉ ngơi và để phân tích báo cáo của I-u-nhi An-tơ về một loại thông tin mới trong Vành-khuyên.

- Cảm ơn Vê-đa! Rất vui mừng được gặp Đa-rơ Vê-te.

- Nhất định anh sẽ gặp... Tôi chưa nói hết. Nhờ những cố gắng của cả hành tinh, việc chế tạo a-na-mê-dôn cho con tàu vũ trụ "Thiên-nga" đã xong. Những người sắp bay đi mời chúng ta đến tiễn họ trước khi họ lên đường ra đi không trở lại. Anh sẽ đến chứ.

- Nhất định rồi. Trong buổi tiễn đưa, hành tinh sẽ trình diễn cho đội tàu "Thiên- nga" xem tất cả những gì đẹp nhất và đáng yêu nhất của Trái đất. Họ cũng muốn xem điệu vũ của Tsa-ra trong ngày hội Chén-lửa. Chị ấy sẽ đến biểu diễn lại điệu vũ trước khi con tàu khởi hành ở sân bay vũ trụ Trung ương En Hôm-ra. Chúng ta sẽ gặp nhau ở đấy.

- Hay lắm, Mơ-ven Ma-xơ thân mến ạ!

 

 

Chú thích:

[1] Những nhũ vôi từ trên rủ xuống

[2] Sự nghiên cứu những biến đổi lịch sử có tính chất quần chúng trong tâm lý mọi người (tưởng tượng).