Tỉnh mộng

Chương 9

Bóng quang âm thấm thoát, mới hè lúc trước, mà hôm nay đà đến tiết Trung-thu. Kỳ-Tâm đứng coi tiệm lúa, đã lanh lợi mà lại siêng năng, mới làm mấy tháng mà tính phỏng ra thì có lời gần 4 ngàn đồng bạc. Trường-Xuân với mấy người hùn ai cũng đều khen ngợi, nhưng mà không ai nói tới số tiền lương bổng, cứ biểu ráng mà làm, hễ có lời thì họ sẽ liệu mà thưởng công.

Bước qua đầu tháng chín, bà Phủ tính Yến-Tuyết đã gần tới ngày khai hoa rồi. Bà nghĩ chồng cưới cô mới có sáu tháng, nếu cô khai hoa trong lúc tháng 9 tháng 10, hoặc tháng 11 cũng đều bị người ta dị nghị. Bà mới lập kế rước thầy thuốc đến coi mạch, trước mặt thầy thuốc thì bà xin hốt thuốc an thai, mà chừng thầy thuốc về rồi thì bà nói với tôi tớ trong nhà, hoặc với người lân cận rằng thầy thuốc coi mạch cho Yến-Tuyết nói thai cô nóng lắm, nên sợ khai hoa gấp trong lúc đầu tháng 10. Thiệt quả cuối tháng 9 thì Yến-Tuyết lâm bồn, sanh đặng một đứa con trai tóc đen trạy, cân nặng hơn ba kí-lô rưỡi, mà bà Phủ than trời trách đất, bà nói rằng thằng nhỏ sanh thiếu tháng nên yếu lắm. Lối xóm ai đến thăm bà cũng nói mẹ con nó ngủ, nên không ai thấy mặt thằng nhỏ được.

Lúc Yến-Tuyết lâm bồn, thì Kỳ-Tâm mắc đi Chợ-lớn bán lúa, không có ở nhà. Chừng Kỳ-Tâm về tiệm nghe nói thì lật-đật chạy vô nhà hỏi thăm lăng-xăng, đặng cho thiên-hạ khỏi nói nhiều chuyện. Bà Phủ thấy anh ta thì làm bộ mừng rỡ mà nói rằng: “Nó chuyển bụng có một mình tao ở nhà tao sợ quá. Hôm trước ông thầy coi mạch nói thiệt là nhằm. Ông nói thai nó yếu, sợ phải đẻ thiếu tháng, thiệt quả mới có 7 tháng. Thằng nhỏ yếu một chút, mà coi bộ dễ nuôi, không hại gì. Cha chả! Nó giống mầy tợ như khuôn đúc”

Kỳ-Tâm thấy bà Phủ ngồi nói tự nhiên chẳng chút nào bợ ngợ, thì tức cười thầm, nên nói giễu lại rằng: “Tôi không phải thầy thuốc mà tôi cũng biết thế nào vợ tôi cũng phải đẻ thiếu tháng. Còn con tôi nó giống tôi chỗ nào đó má há?” Kỳ-Tâm thì nói chơi, mà bà Phủ tưởng anh ta nhạo báng nên mắc cỡ lặng thinh không đáp lại.

Kỳ-Tâm vừa muốn trở ra tiệm thì thấy xe hơi ngừng ngoài cửa rồi Trường-Xuân bước vô hỏi rằng: “Nghe nói con hai nó đẻ con trai phải không dì? May quá há?” Bà Phủ gặt đầu chớ không nói chi hết. Trường-Xuân cậy bà Phủ vào bồng thằng nhỏ ra cho anh ta xem. Kỳ-Tâm thấy có chín Hữu vô ra và có thằng Quới đương rót nước lấy thuốc lộn-xộn, sợ Trường-Xuân vô ý nói ló mòi tôi tớ trong nhà nó nghi, nên anh ta cản không cho bồng ra, nói rằng thằng nhỏ yếu lắm, không nên bồng ra ngoài gió. Trường-Xuân nài-nỉ hoài, túng thế bà Phủ phải vô mà bồng, chẳng dè vô buống Yến-Tuyết không chịu cho bồng.

Trường-Xuân ngồi nhim-nhỉm không được vui. Bà Phủ mới hỏi bây giờ đi khai sanh phải đặt tên gì. Kỳ-Tâm biểu đặt tên Lý-kỳ-Phùng. Trường-Xuân lại cãi, biểu phải đặt là Lý-trường-Phùng. Kỳ-Tâm giận nên nói rằng: “Vậy thôi thì anh đặt nó là Lê-trường-Phùng luôn thể, chớ để họ Lý mà làm gì. Chuyện mình tính giấu mà bây giờ anh muốn làm cho thiên-hạ biết hay sao?” Trường-Xuân xụ mặt muốn gây với Kỳ-Tâm, bà Phủ thấy vậy mới nói rằng: “Chuyện không đáng gì mà hai anh em bây cãi lẽ cho thất công. Thôi, con của nó đẻ, vậy để tao vô hỏi nó coi nó định đặt tên gì tự ý nó”.

Bà Phủ vô buồng hỏi Yến-Tuyết thì Yến-Tuyết biểu phải đặt tên là Lý-kỳ-Phùng. Bà Phủ bước ra nói lại thì Trường-Xuân giận đỏ mặt, cáo từ đi về liền.

Cách chưa đầy một tháng Trường-Xuân lẽo-đẽo qua nữa. Qua ngồi hút chưa tàn điếu thuốc lại thấy Kỳ-Tâm ở ngoài tiệm lơn-tơn đi vô. “Nầy anh, tôi mới làm đặng một việc lợi lớn quá”. Trường-Xuân nhìn thấy Kỳ-Tâm thì không được vui, nên Kỳ-Tâm nói như vậy mà anh ta không thèm hỏi coi việc gì, lại day qua hỏi bà Phủ rằng: “Hổm nay con hai nó mướn vú cho thằng nhỏ bú hay nó cho bú?”

Bà Phủ đáp rằng: “Nó cho bú. Có vợ thằng Thiền ở một bên đây, sữa nó tốt quá, nếu mướn nó nuôi cũng được”. Trường-Xuân hỏi rằng: Nếu có vú sẵn như vậy, sao không mướn người ta cho bú? Dì hỏi mà mướn đi, họ nuôi một năm chừng năm sáu chục đồng, tốn hao bao nhiêu đó mà sợ, để cho bú cực nhọc chịu sao nổi”.

Kỳ-Tâm ngồi nghe Trường-Xuân biểu như vậy mới xen vô mà nói rằng: “Tôi tưởng đàn bà có con thì cho nó bú tốt hơn là mướn vú. Trừ ra có bịnh hoạn, sữa không được tốt, thì mướn vú hoặc cho uống sữa bò chẳng nói làm chi, chớ nếu mình sữa nhiều và tốt thì cần gì phải mướn vú. Trong việc nuôi con có ai bằng mẹ được. Mình sanh con, cho nó bú, dỗ nó ngủ, bồng nó chơi, tập nó đi, gần gũi nó luôn luôn, nó mới trìu-mến rồi gây cái tình thân-ái cho ngày sau, chớ nếu mình ỷ có tiền mướn người nuôi, thì sợ e nó theo tánh tình người vú, mà không gây đặng cái tình mẫu-tử nữa”

Trường-Xuân nghe Kỳ-Tâm nói như vậy thì giận nên quạu mặt mà nói rằng: “Tôi tính việc gì dượng cũng đều ngăn trở hết thảy. Chuyện không can hệ đến dượng mà dượng cãi chi vậy?. Kỳ-Tâm cười và nói rằng: “Tôi lấy chánh lý nói nghe chơi đó thôi, chớ ai làm sao thì làm, can cập gì đến tôi mà tôi cãi”. Kỳ-Tâm nói tới đó, liếc thấy thằng Quới đương lấp ló nơi cửa buồng, anh ta sợ ló mòi, nên nói tiếp mà nói lớn rằng: “Tuy nói như vậy, song mướn vú hay là cho bú đều tại ý vợ tôi, chớ nào phải má tôi hay là tôi mướn mà đặng sao”.

Bà Phủ liền nói rằng: “Ờ, thằng hai nó nói đó phải lắm đa. Thôi, để tao hỏi nó lại coi nó chịu mướn vú hay không”. Bà đứng dậy đi vô buồng một hồi rồi trở ra nói rằng: “Con nó nói con nó đẻ thì nó nuôi, nó không chịu ai nuôi hết”. Kỳ-Tâm nghe nói thì chúm-chím cười, còn Trường-Xuân giận cành hông, giục đứng dậy chấp tay sau đít đi qua đi lại, giày khua dưới gạch nghe lốp-bốp.

Trường-Xuân ra về bộ coi giận lắm, giận Kỳ-Tâm sao cứ theo can dự việc của Yến-Tuyết hoài, giận Yến-Tuyết sao mỗi việc đều vừa theo ý Kỳ-Tâm không chịu nghe lời mình, đặt tên con nói theo Kỳ-Tâm, mà mướn vú cũng làm theo ý với Kỳ-Tâm, rồi anh ta giận luôn tới bà Phủ, nói sao bà Phủ tưng trọng Kỳ-Tâm, kêu Kỳ-Tâm bằng “thằng hai” nghe ngọt xớt. Anh ta giận rồi lại nghi rằng “hay là hai đứa nầy nó gạt mình, nói với mình rằng cưới giả, mà rồi chúng nó làm vợ chồng thiệt”. Trường-Xuân nghĩ tới đó thì trong bụng hầm hầm, tính thầm rằng nếu có vậy thì mình đuổi Kỳ-Tâm đi liền, mà trước khi đuổi nó mình phải làm cho nó khốn hại cho nó biết mình.

Năm ấy lúc gần Tết mỗi ngày lúa lên giá thêm hoài, bởi vậy Kỳ-Tâm lớp thì mắc đi chịu giá rồi đặt bạc cọc cho điền chủ, lớp mắc đi Chợlớn bán lúa, công việc dồn-dập không có một giờ nào rảnh, lối rằm tháng giêng, 3 chiếc chài chở lúa đã lên gần tới Chợlớn rồi, nên anh ta phải đi xe-lửa lên theo mà cân cho nhà máy. Anh ta mua giấy hạng nhì, xe bên Mỹ-Tho qua vừa mới ngừng, anh ta lật-đật bước lên xe thì thấy có cô sáu Nhiễu là con gái của ông Phó tổng Tài ngồi trong xe. Anh ta dụ-dự muốn qua xe khác mà ngồi, song anh ta nghĩ rằng người ta ở bạc với tình với mình thì người ta hổ ngươi, chớ mình có việc gì mà lánh mặt. Nghĩ như vậy nên Kỳ-Tâm bước lên xe dở nón mà chào rồi ngồi ngay mặt cô sáu Nhiễu. Trong cái xe ấy có cô sáu Nhiễu với một ông tóc bạc hoa râm, chớ không có ai nữa hết mà hai người ngồi cách nhau xa nên Kỳ-Tâm chắc là không quen biết nhau. Anh ta liếc coi thì thấy cô sáu Nhiễu mặc áo màu thiết quần hàng trắng, tay mặt đeo một chiếc đồng chạm mắt tre, tay trái đeo một chiếc vàng, hai tay đều quấn hột, còn cổ thì đeo ba sợi dây chuyền, tuy cách mặt nhau đã bốn, 5 năm và cô đã có chồng lâu rồi, nhưng mà tướng mạo không đổi cho mấy.

Cô sáu Nhiễu thấy Kỳ-Tâm ăn mặc sạch sẽ tướng-mạo đàng-hoàng thì cũng cứ theo ngó hoài, chừng xe lửa chạy qua khỏi cầu Tân-An rồi cô mới hỏi rằng: “Xin lỗi thầy, không biết thầy có phải con bác cả ở dưới Rạch-Giá hay không? Kỳ-Tâm cười và đáp rằng: “Thưa phải; chẳng hay cô ở đâu mà biết tôi?” Cô sáu Nhiễu cũng cười mà nói rằng: “Thưa, tôi gốc cũng ở Rạch-Giá”.

Kỳ-Tâm thấy cô ta dạn dĩ đến thế, thì tức cười thầm trong bụng, không muốn hỏi-han chi nữa, nên mở gói nhựt-trình ra rồi ngồi chống tay trên khuôn cửa mà đọc. Sáu Nhiễu ý muốn nói chuyện nữa, song cô thấy Kỳ-Tâm day mặt chỗ khác, còn ông đi chung xe thì ngó trân trân, làm cô mắc cỡ, nên cô dở quả xách lấy trầu ra ăn, không hỏi chi nữa hết.

Xe lên tới Bến-Lức, ông tóc bạc hoa rầm đó xách dù đi xuống, làm cho trong xe còn có Kỳ-Tâm với cô sáu Nhiễu mà thôi. Xe vừa rút chạy, cô sáu Nhiễu vùng hỏi rằng: “Thiệt thầy quên tôi hay sao?” Kỳ-Tâm liền buông tờ nhựt-trình rồi ngó cô ta mà đáp rằng:

-   Tôi nhớ cô lắm chớ! Dầu một ngàn năm nữa tôi cũng chưa quên được.

-   Thầy nhớ tôi sao hồi nãy thầy hỏi tôi ở đâu?

-   Tôi làm bộ không biết cô, là vì tôi không muốn biết cô làm chi nữa.

-   Sao vậy?

-   Cô hỏi câu đó tôi không biết sao mà trả lời. Vì khi trước rủi tôi biết cô nên mấy năm nay tôi não-nề lung quá, nếu bây giờ mà tôi biết nữa thì ….., khó quá.

-   Thầy nói sao đó? Tôi nghe không rõ?

-   Thôi, chuyện cũ nhắc lại không vui gì. Xin cô giả quên tôi luôn cho yên.

-   À! Tôi hiểu rồi. Bây giờ thầy cưới đặng con bà Phủ, thầy giàu sang không muốn nhìn biết đến những người quen thuở trước nữa chi?

Kỳ-Tâm nghe nói trớ trêu như vậy thì giận đỏ mặt, nên day mặt ngó ngoài cửa mà đáp rằng:

-   Thuở nay thiên-hạ bạc tôi, chớ nào tôi có bạc ai đâu mà cô nói vậy?

-   Ai bạc thầy, chớ tôi có bạc thầy đâu.

-   Xin lỗi cô, cô không bạc tôi, mà sao mấy lời cô nói dưới tàu rồi cô quên hết đi?

-   Những lời tôi nói với thầy, tôi nhớ hoài chớ nào tôi có quên đâu.

-   Cô không quên mà sao nhà tôi suy-sụp rồi cô lại bỏ tôi mà ưng chỗ khác?

-   Việc vợ chồng là tại cha mẹ định tôi đâu dám cãi.

-   Tại cha mẹ cô thì cô cũng phải nói cho tôi biết, chớ sao tôi nghe cô ưng chỗ khác tôi lật-đật viết cho cô một bức thơ, cô không thèm trả lời, rồi sau cô đi chợ gặp tôi cô lại làm lơ là vậy?

-   Tôi có được thơ từ chi của thầy đâu, còn tôi đi chợ gặp thầy hồi nào?

Kỳ-Tâm ngồi thở ra không thèm trả lời. Cô sáu Nhiễu cũng ngồi lặng thinh một hồi rồi nói rằng: “Tôi nghe lời cha mẹ ưng chỗ nầy, mấy năm nay tôi buồn quá. Bên chồng tôi thiệt là giàu, ngặt chồng tôi nó kỳ lắm, không lo làm làng tổng với người ta, cứ theo mèo đàng chó điếm, xài tiền phá của hoài, nói không đặng”.

Cô sáu Nhiễu liếc thấy Kỳ-Tâm cứ đọc nhựt-trình, không thèm nghe, thì cô mắc cỡ nên không nói nữa. Chừng xe lên tới Phú-Lâm cô mới hỏi rằng:

-   Thầy đi Sài Gòn có việc chi hay là đi chơi?

-   Tôi đi Chợlớn bán lua.

-   Rồi thầy ra Sài Gòn hay không?

-   Có lẽ khi cũng ra.

-   Thầy ra Sài Gòn ở nhà hàng hay là ở đâu?

-   Chưa biết chắc.

-   Lần nào tôi đi Sài Gòn tôi cũng ở nhà hàng Nam-Việt. Chuyến nầy lên tôi cũng ở đó nữa. Ở chỗ nào quen thì có dễ một chút, chớ đi một mình mà ở chỗ lạ tôi sợ quá.

Xe tới Chợlớn vừa ngừng, thì Kỳ-Tâm đứng dậy dở nón chào cô nọ rồi xuống xe đi tuốt. Cô dòm theo thì thấy anh ta ra khỏi nhà giấy rồi lên xe kéo mà đi, không thèm ngó lại.

Kỳ-Tâm biểu xa-phu chạy ra Bình-Tây, ngồi trên xe nhớ đến cô sáu Nhiễu thì chán ngán tình đời, chẳng hiểu người lòng dạ thế nào mà trước bạc tình sau chẳng biết hổ ngươi; nếu rủi gặp nhau thì phải trốn tránh mới phải, mà ví dầu không trốn đặng thì cũng phải làm lơ giả bộ không biết, chớ đâu lại bươi chuyện cũ ra mà nói. Bụng người đời khó lường thay! Việc xấu hổ mà họ lấy làm vinh diệu, lẽ gian tà mà họ công nhận thẳng ngay. Đã phụ người rồi, mà gặp người còn lại trách người, đã có chồng rồi, mà gặp người mình phụ trước lại đem chỗ xấu của chồng ra mà nói, rồi lại chỉ chỗ mình trú-ngụ cho trai biết nữa, coi có ghê-gớm hay không?

Kỳ-Tâm nhớ các điều ấy, vùng cười ra tiếng làm cho xa-phu không hiểu việc chi nên ngoái đầu lại mà ngó. Kỳ-Tâm nói thầm trong trí rằng: “Nhơn tình ấm lạnh, thế thái bạc đen, không biết sao mà nói cho hết được. Ôi thôi! Mình cũng rán chống mắt coi đời chơi, thử coi thiên-hạ họ quấy phải thế nào, rồi trở về già mình ghi chép làm một quyển “Thế tục thiệt biên” đặng trẻ em lúc buồn chúng nó xem chơi cho tiêu khiển.”

Ở đời người quấy hay muốn làm mặt phải, ấy là thường tình, nghỉ chẳng lạ chi. Có một điều nầy rất kỳ, là nhiều người coi ơn-nghĩa nhẹ như lông, khi có việc cần dùng thì khẩn cầu lòn cúi, đến chừng xong việc rồi thì chẳng niệm nghĩa cảm ơn, mà lại còn lấy nghĩa làm thù, lấy ơn làm oán.

Trường-Xuân đang bối-rối, sợ việc quấy của mình lậu ra thiên-hạ chê cười, rồi vợ rầy rà làm cho đường công danh hỏng hết, thì chiều lòn Kỳ-Tâm, đến đỗi Kỳ-Tâm nói nhiều lời rất nhục-nhã mà anh ta cũng làm lơ như người ngu không hiểu chi hết. Đến chừng anh ta đặng làm Tổng rồi và nghĩ phận Yến-Tuyết cũng đã yên ổn, thì anh ta lần lần muốn quên ơn tế độ của Kỳ-Tâm. Từ ngày Yến-Tuyết lâm bồn cho đến sau, cái lòng bội nghĩa của Trường-Xuân lại càng hiện rõ hơn nữa. Anh ta nhớ từ lúc đặt tên cho đến lúc mướn vú, Yến-Tuyết cứ làm theo ý của Kỳ-Tâm hoài, thì trong lòng sanh nghi, mà nhứt là Yến-Tuyết trốn tránh không chịu cho anh ta thấy mặt, nên anh ta lại càng nghi nhiều hơn nữa. Mỗi lần qua Tân-An gặp mặt Kỳ-Tâm thì anh ta không vui, kiếm chuyện gây với Kỳ-Tâm hoài, ý muốn cấm không cho Kỳ-Tâm đến nhà bà Phủ nữa, song không biết lấy cớ chi mà cấm được. Anh ta mới tính kiếm cớ đuổi Kỳ-Tâm, mà nếu đuổi không được thì làm cho Kỳ-Tâm phải mang hại.

Kỳ-Tâm tuy nhỏ tuổi, song mùi đời nếm đủ, từng quen thú sang giàu, từng vùi thân gió bụi, đã thấy nhơn-tình ấm-lạnh, đã biết thế-tục ngọt cay, có lý nào gần Trường-Xuân mà không hiểu ý anh ta, để đến nỗi bị anh ta thù oán. Nhưng vì bụng Kỳ-Tâm không phải là bụng một người tầm thường. Anh ta vẫn chịu tiếng làm chồng Yến-Tuyết là cứu giùm chút danh-giá cho người chớ không ích cho mình, còn đứng làm tổng-lý tiệm lúa thì cũng làm giàu thêm cho họ, chớ mình không có lợi chi, song anh ta cố ý làm hoài, ấy là vì anh ta muốn thử coi thiên-hạ cư xử với mình ra thể nào cho biết.

Con của Yến-Tuyết là Kỳ-Phùng đã được 6 tháng rồi. Ngày nọ Trường-Xuân qua thăm bà Phủ cứ nài-nỉ Yến-Tuyết phải bồng thằng nhỏ ra ngoài cho mình xem. Yến-Tuyết không chịu ra, mà cũng không cho bồng Kỳ-Phùng ra. Trường-Xuân giận quá dằn không đặng nên nói rằng: “À, nếu muốn như vậy thì để tôi làm cho mà coi.” Nói rồi liền đứng dậy bỏ đi ra chợ Tân-An, Trường-Xuân đi thẳng tiệm lúa không thấy Kỳ-Tâm, hỏi bạn thì chúng nó nói Kỳ-Tâm đi dưới Tầm-Vu mua lúa. Trường-Xuân lục sổ sách hết ra mà xem, dò từ số, cộng từ hàng, xét từ tờ, xem từ hồi 11 giờ cho đến 2 giờ chiều mới rồi. Trường-Xuân vừa muốn ra về, bỗng thấy Kỳ-Tâm đi Tầm Vu về, xe đang ngừng ngoài cửa.

Trường-Xuân đứng lại; Kỳ-Tâm bước vô mừng rỡ hỏi rằng: “Anh qua bao giờ đó, anh ba?” Trường-Xuân không thèm đáp câu hỏi ấy, lại nói rằng: “Tôi muốn nói chuyện riêng với dượng song ở đây bất tiện, vậy thì về trong nhà dì Phủ đặng tôi nói một chút”.

Kỳ-Tâm không hiểu có việc gì, nên đội nón đi liền. Hai người đi đọc đường không nói chuyện gì hết. Vô tới nhà, Trường-Xuân nói với bà Phủ rằng: “Thưa dì, cháu có chuyện kín muốn tỏ với thầy hai đây. Vậy xin dì làm ơn biểu mấy đứa ở đi xóm đặng cháu nói chuyện cho dễ”.

Bà Phủ tưởng có việc gì quan-hệ, nên lật đật sai chín Hữu mượn ghe chèo qua sông mà đòi nợ, rồi lại sai thằng Quới đem một nhánh cau đi xuống chợ cho người quen. Trường-Xuân thấy tôi tớ trong nhà đi hết rồi mới nói với Kỳ-Tâm rằng: “Thầy phải biết rằng thầy nhờ tôi nên hơn một năm nay áo quần lành lẽ, ăn ở mới sung-sướng. Nếu thầy là người biết điều thì thầy cám ơn tôi lắm mới phải. Chẳng hiểu vì cớ nào thầy đã không biết mang ơn, mà lại thầy ở với tôi càng ngày càng quấy quá. Vậy thầy phải tính ra khỏi nhà nầy cho mau, tôi không muốn thầy tới đây, mà cũng không muốn thầy coi tiệm lúa nữa”.

Kỳ-Tâm nghe nói chưng-hửng, nhứt là nghe Trường-Xuân nói mình nhờ anh ta, chớ không phải là anh ta nhờ mình, thì lấy làm bất bình, muốn dùng tiếng nặng nề mà đối lại, cho anh ta chừa cái thói vong ân bội nghĩa ấy đi, nhưng mà nghĩ rằng mình đã chê người ta ở quấy thì mình phải ở phải, chớ mình nóng giận rồi cũng quấy như người ta, thì mình có hơn người ta chỗ nào đâu, bởi vậy bỏ giận làm vui ngồi nói hòa huỡn rằng:

-   Phải. Khi anh cậy tôi nôm giùm cô hai ở nhà đây, thì anh có giao hễ chừng nào anh biểu thôi thì tôi phải thôi liền. Tôi đã chịu lời giao ấy, thì tôi nhớ luôn luôn. Bây giờ anh biểu thôi thì tôi thôi, mà anh muốn tôi đi liền bây giờ hay là bữa nào sẽ đi?

-   Tôi nói như vậy, song đôi ba bữa rồi thầy sẽ đi cũng được.

-   À, anh muốn định bữa nào tại ý anh. Nhưng mà tôi xin nói lời nầy cho anh biết: anh cậy tôi nôm đây là có ý muốn cứu danh-giá trước là của bà lớn đây, sau là của anh cho vẹn toàn. Hơn một năm nay tôi gìn-giữ đâu đó đều yên hết. Bây giờ thình-lình mà tôi bỏ ra đi, tôi sợ thiên-hạ dị-nghị chăng?

-   Họ muốn nói sao họ nói, trối kệ họ tôi không cần.

Bà Phủ ngồi lóng tai nghe, chừng nghe Trường-Xuân nói như vậy thì bà can rằng: “Cháu nói liều như vậy sao đặng. Bây giờ phận cháu yên rồi nên cháu không cần lo nữa. Vậy chớ cháu muốn làm cho mẹ con dì mang tiếng xấu hay sao?” Trường-Xuân xụ mặt mà đáp rằng: “Vậy chớ bây giờ mọi việc đều yên rồi, dì tính chứa thầy ở trong nhà làm chi nữa?” Bà Phủ cười mà nói rằng: “Dầu có muốn thầy đi thủng-thẳng bàn tính với nhau coi đi làm sao cho êm, chớ thình-lình cháu biểu đi thì sao đặng”.

Trường-Xuân ngồi suy nghĩ, Kỳ-Tâm mới hỏi rằng:

-   Nếu muốn cho tôi đi thì dễ, chớ không khó gì gì. Có một điều khó nhứt hơn hết là biểu tôi đừng có làm chồng cô hai nữa.

-   Sao mà thầy gọi rằng khó?

-   Tôi cưới cô hai có khai hôn thú rõ ràng. Bây giờ nếu biểu tôi thôi, thì phải đến Tòa kiện phá hôn-thú rồi tôi thôi mới đặng chớ.

-   Thầy đã có giao kết với tôi, thì thầy phải đến Tòa mà xin để đi.

-   Làm sao mà để cho đặng?

-   Hễ hai đàng thuận với nhau thì Tòa cho để liền, chớ sao mà không được.

-   Anh có làm Thông-ngôn Tòa mà sao anh nói trái luật quá vậy?

-   Sao mà trái.

-   Trong chỉ dụ ngày 3 Oetobre 1883 định lề-luật về sanh, tử và hôn-thú, của người Việt Nam có nói rõ rằng vợ chồng ăn ở với nhau chưa đầy 2 năm thì không đặng phép đến Tòa xin để. Tôi cưới cô hai vừa quá một năm thì tự thuận xin để sao đặng. Mà năm nay cô đặng mấy tuổi?

-   Hai mươi tuổi.

-   Đó là một điều trái luật nữa, bởi vì luật buộc vợ chồng tự thuận mà xin để thì người vợ phải 21 tuổi sấp lên mới đặng.

-   Thầy đừng có làm mặt lanh. Tôi không biết luật bằng thầy hay sao?

-   Không phải tôi dám khoe tôi thông luật hơn anh, tại anh nói sai quá nên tôi phải nhắc lại cho anh nhớ chớ.

-   Ứ hự! Bây giờ tôi mới biết thầy là người khôn lanh thiệt! Hèn chi hồi đó tôi giao kết điều nào thầy cũng chịu hết.

-   Nầy, tôi nói cho anh biết: anh muốn nói với tôi chuyện gì cũng đặng hết. Tôi đã hứa giúp giùm cho anh, thì tôi giúp cho đến cùng, anh muốn biểu tôi làm cách nào tôi cũng ráng làm theo ý anh muốn. Nhưng mà tôi cấm anh không đặng phạm đến danh-dự của tôi đa, bởi vì tôi tuy nghèo hèn, song tôi trọng danh-dự của tôi lắm, thà là tôi chết chớ tôi không chịu để cho nhơ-nhuốc cái danh-dự của tôi đâu. Theo cái hơi của anh nói đó, té ra năm ngoái tôi chịu nôm cô hai đây là vì tôi tiểu tâm, muốn kết duyên luôn với cô, nên tôi lập mưu kế làm hôn-thú đặng bây giờ để bỏ nhau không đặng phải không?

-   Chớ sao hồi đó tôi đang bối-rối, trong trí tối-tăm, tôi không dè ngày nay khó như vậy, mà thầy không nhắc tôi, để đến bây giờ thầy mới nói trái luật để không đặng?

-   Anh nhớ lại coi, có phải tại tôi ép phải khai hôn-thú đâu. Tôi có cản, mà bà Phủ không chịu, nói rằng bà là người sang trọng, gả con không làm hôn-thú sợ thiên-hạ chê cười, nên bà buộc phải làm hôn-thú chớ.

Bà Phủ nghe nói tới đó thì bà xen vô mà phân rằng: “Thầy hai nói phải đa cháu. Hồi đó tại dì buộc như vậy chớ không phải tại thầy muốn mà dì có dè làm hôn-thú rồi khó như vầy đâu”. Trường-Xuân không thèm trả lời với bà Phủ, cứ ngó Kỳ-Tâm mà nói rằng:

-   Nếu hai đàng tự thuận mà để không đặng thì thầy phải tính cách khác, thế nào thầy cũng phải để cho xong mới đặng.

-   Bây giờ tôi biết tính cái cách nào? Nếu tôi vào đơn kiện cô hai thì phải đủ cớ, Tòa mới cho để. Bây giờ biết lấy cớ gì? Theo luật thì người vợ phải có mấy lỗi nầy chồng xin để mới đặng: 1. Bỏ nhà chồng mà đi ở chỗ khác; 2. Đánh đập cha mẹ ông bà bên chồng; 3. Lấy trai chồng bắt tại trận, hoặc có tang cớ rõ ràng. Tôi có nhà cửa chi đâu mà nói cô hai bỏ nhà chồng đi ở chỗ khác. Tôi không còn cha mẹ ông bà chi hết, nên cũng không nói cô hai đánh đập đặng. Bây giờ còn có một cớ lấy trai. Anh muốn tôi làm đơn nói cô hai lấy trai không? Mà lấy ai? Phải nói lấy anh, rồi anh ra giữa Tòa anh chịu có, mới đủ bằng cớ. Anh chịu như vậy thì tôi làm liền cho.

Bà Phủ lật-đật can rằng: “Không đặng, không đặng đâu! Làm như vậy còn gì danh tiết con tôi”. Kỳ-Tâm cười mà đáp rằng: “Chuyện đó cũng là chuyện thiệt, chớ không phải là chuyện bày đặt. Đã làm xấu rồi mà muốn cho tốt thì có dễ gì đâu”. Trường-Xuân đã giận mà nghe Kỳ-Tâm nói hơi kiêu ngạo thì lại càng giận hơn nữa, không thể dằn đặng nên nói lớn lên rằng: “Chú mầy đừng nói hơi cao kỳ. Để ta bỏ tù chú mầy cho chú mầy biết chừng. Thôi đừng có xin để chi nữa”.

Kỳ-Tâm nghe giọng cà-xốc thì cười ngất và hỏi rằng:

-   Thưa anh, cách anh nói đó thiệt phải cách của người sang trọng quá! Tuy vậy mà tôi không biết anh làm sao mà bỏ tù tôi đặng há?

-   Thiệt chú mày thách đố ta sao nè?

-   Không phải tôi thách anh. Tôi muốn biết coi anh làm sao mà bỏ tù tôi chớ.

-   Đừng có làm mặt ngay! Ta đã xét sổ đã thấy rõ rồi. Chú mầy ăn gian tiền của hội hơn mười ngàn đồng bạc, để mai ta đi thưa coi Tòa có bắt chú mầy hay không mà.

-   Tôi ăn gian tiền gì? Anh nầy nói nghe lạ quá.

-   Thôi đừng có làm bộ dại. Gạt ta không dễ gì đâu. Chú mầy nói rằng chú mầy không ăn gian, vậy chớ hồi tháng 8 tháng 9 năm ngoái mấy điền-chủ túng tiền xài, đến xin lãnh bạc trước rồi ra giêng họ sẽ đong lúa. Họ lấy bạc tính có 50 đồng 100 thùng, ra ngoài ngày lúa phát giá lên tới 160 đồng 100 thùng, họ thiệt hại lung quá nên đến xin trả bạc lại cho khỏi đong lúa, và họ chịu tiền lời bằng hai, nghĩa là ai lãnh trước một ngàn thì phải trả hai ngàn đặng bớt lại chút đỉnh, chớ nếu đong lúa thì phải đong 2 ngàn thùng, tính ra thành 3.200 đồng. Năm ngoái chú mầy ra bạc tới một muôn mà mua lúa như vậy thì tự nhiên phải lời một muôn. Số bạc ấy chú mầy biên vào sổ nào đâu; chỉ thử coi. Nếu chú mầy không biên vào sổ thì là chú mầy ăn gian chớ gì.

- À, tưởng bạc nào, ai dè anh nói bạc đó thì tôi ăn gian nhiều nữa, chớ không phải mười ngàn đâu. Để tôi kể đủ hết cho anh nghe.

Kỳ-Tâm liền rút một cuốn sổ nhỏ ở trong túi ra rồi đọc như vầy:

Cả Vàng ở Bến Tranh........................................................ 1.000 $

Hội-đồng Cho ở Tịnh-Hà................................................. 1.500

Phó-tổng Lũy ở Bình-Công.............................................. 2.000

Chủ Cao ở Tầm-Vu............................................................... 500

Bà hương Công ở Tham-Nhiên........................................ 2.000

Thôn Thâm ở Nhựt-Tảo.................................................... 1.000

Sáu Thủ ở Bình-Ảnh.......................................................... 2.500

Hương-sư Tuy ở Kỳ-Son.................................................. 2.000

                                       Cộng.......................................... 12.500 $

Số đó là số bạc lời về mua lúa xa-mãi mà không lấy lúa. Còn hôm tháng hai tiệm Phước-Lợi ở Bình-Tây bị khánh tận tôi đấu giá mua đặng 5 chiếc ghe chài giá có 9.500 đồng. Tôi đấu giá vừa rồi thì chủ nhà máy Ích-Xương theo năn nỉ nài 5 chiếc ghe chài ấy lại nó trả cho tôi một muôn rưỡi. Tôi bán lại cho nó tôi lời đặng 5 ngàn rưỡi nữa, công với 12 ngàn rưỡi hồi nãy thì lời hết thảy tới một muôn tám ngàn, chớ có phải một muôn theo như lời anh nói đó đâu.

- Nếu nhiều chừng nào, thì chú mầy ở tù nặng thêm chừng nấy.

- Tôi có ăn gian đâu mà ở tù. Anh xét sổ mà anh không xét tủ sắt. Bạc ấy tôi để y nguyên trong tủ, chớ tôi có giấu đồng nào đâu mà nói tôi sang đoạt đặng.

- Nếu không có ăn gian sao lại không ghi vô sổ?

- Nói như anh vậy thì còn khờ quá, buôn bán sao đặng. Phàm ra đứng buôn bán phải biết tráo trở như khách-trú đó vậy mới đặng chớ. Mà buôn bán vật gì cũng còn dễ, duy có buôn bán lúa là một việc khó lắm. Đã biết lúa là vật của người Việt Nam ta làm ra, nhưng mà tại người mình thuở nay lơ-đỉnh, để cho khách-trú họ chiếm trọn cốc-mễ thương-trường đi, trong các tỉnh tiệm mua lúa đều của khách-trú hết, mà mấy nhà máy lớn ở Bình-Đông Bình-Tây cũng là của họ. Mình xướng ra lập tiệm buôn bán lúa, mình phải giành với khách-trú mà mua, đó là một việc khó rồi, mà mua đặng lúa chở đi bán, lại phải bán cho nhà máy khách-trú, đó là một điều khó nữa. Mình cô thân yếu thế quá, nếu họ muốn hại mình thì dễ như chơi, bởi vậy cuộc thương cổ trong Nam-kỳ duy có nghề buôn bán lúa là hiểm nghèo hơn hết, tuy phát tài mau thiệt, song cụt vốn cũng không lâu gì. Tiệm của mình mới lập ra năm đầu, may tôi bày cách mua lúa xa-mãi, mà thiệt cũng là nhờ ra giêng giá lúa phát lung quá, nên mình mới lời nhiều đặng. Mà năm nay lời như vậy biết qua sang năm mình có lời đặng nữa hay không, hay là cụt vốn rồi khánh -tận cũng không biết chừng.

-   Hoặc là Tổng-lý ăn gian, chớ buôn bán gì mà đến cụt vốn.

-   Anh đừng nói vậy; tôi đã thấy nhiều người ra vốn bằng mười phần vốn của mình, mà bị lỗ rồi cũng cụt vốn hết, mình có vài muôn không phải là nhiều đâu. Anh nghĩ thử coi, ví như mình thấy lúa phát giá mình mua lỡ nhiều rồi, mà chưa kịp bán, thình-lình lúa sụt giá đi, nếu mình bán nhầu thì phải lỗ, còn nếu vựa lại nhà máy mà chờ giá, thì vựa mình không tốt lúa hư hết. Nếu mình chở lên mướn tàu-khậu trên Chợ-lớn mà dựa thì đặng, song tiền mướn mắc lắm, mà biết chừng nào lúa mới phát giá nên liệu trước cho đặng. Anh giao tiệm cho tôi coi từ năm ngoái đến năm nay, tôi sợ có một điều đó là nhứt hết, bởi vậy số tiền lời mua lúa xa-mãi và mua ghe chài tôi làm theo Kỳ-Tâm tôi không ghi vào sổ, để riêng ra ngoài làm tiền dự-trữ của hội đặng ngừa năm rủi-ro lỗ-lã, số ấy là số lời ngoại-lệ có can hệ chi đâu.

-   Chú mầy đừng có lẽo-lự, muốn sang đoạt số bạc ấy, bây giờ nói giống gì cũng không đặng đâu.

Kỳ-Tâm nãy giờ dằn hết sức nên cứ kiếm lời êm ái mà nói với Trường-Xuân, tưởng là lời phải của mình sửa tánh quấy cho người đặng, chẳng dè mình nói êm chừng nào Trường-Xuân lại càng nói xấu mình chừng nấy, bởi vậy anh ta giận tái mét, trợn mắt ngó Trường-Xuân mà đáp rằng:

“Tôi muốn nói phải quấy cho anh nghe chơi, té ra anh hầm hầm muốn làm cho tôi ở tù hoài. Nếu anh muốn như vậy thì tôi cũng phải làm cho vừa lòng anh, chớ biết liệu làm sao bây giờ, bởi vì tôi đã hứa giúp giùm cho anh, thì tôi phải giúp cho đến cùng. Đặng, nếu anh làm như vậy thì có đủ cớ cho cô hai vào đơn xin để tôi đặng, bởi vì hễ tôi sang đoạt đến 18 ngàn đồng thì chắc là tôi phải bị Tòa đại-hình kêu án, mà hễ tôi bị án đại-hình thì cô hai xin để đủ phép lắm. Song muốn cho tôi bị án sang đoạt, thì trước hết lấy mất số bạc 18 ngàn đó rồi mới đi cáo tôi đặng. Vậy thì cuốn sổ với chìa khóa tủ sắt đây, anh lấy mà cất đi, rồi ra tiệm mở tủ lấy luôn một muôn tám đem về nhà mà cất rồi sẽ đi kiện tôi”.

Kỳ-Tâm vừa nói vừa móc túi lấy cuốn sổ với xâu chìa khóa quăng trên bàn ngay mặt Trường-Xuân. Trường-Xuân ngồi cặp mắt thì liếc hai vật ấy, còn trong trí thì suy nghĩ lung lắm. Kỳ-Tâm đứng chống nạnh ngó Trường-Xuân, thấy Trường-Xuân dụ-dự thì nói tiếp rằng:

-   Anh ra tiệm lấy bạc đi.

-   Chú mầy xúi ta đi ăn cắp sao?

-   Anh đừng giả bộ liêm-sỉ chi hết! Cha chả! Việc gì anh còn dám làm thay, huống chi việc nầy anh dụ-dự nỗi gì! Mà anh còn khờ quá! Để tôi chỉ giùm cho: dầu anh có lấy bạc đó anh cũng chẳng mang tiếng ăn trộm ăn cắp đâu mà sợ. Anh giàu sang quá, dầu tôi có khai ra đi nữa, có ai tin tôi. Song dầu tôi bị án đày lưu xứ tôi cũng vui lòng không thèm khai đâu mà anh ngại. Anh cứ lấy bạc đem về mà cất, rồi chừng Tòa đại-hình kêu án tôi rồi anh đem số bạc ấy ra mà trả lại cho hội, anh nói rằng anh tiến-cử tôi làm Tổng-lý, tôi ăn gian của hội bây giờ anh chịu đem tiền ấy ra mà bồi thường. Anh làm như vậy thiên-hạ kính phục anh biết chừng nào; có lẽ họ không nỡ cho anh bồi thường, bởi vì hội còn lời năm bảy ngàn khác chớ chưa lỗ, người hùn chưa bị thiệt hại. Nếu họ không cho anh bồi thường thì anh đã có danh lại thêm có lợi nhiều nữa. Còn tôi bị đày rồi thì anh làm đơn cho cô hai xin để tôi, rồi hai người qua lại với nhau tiện quá. Anh làm theo như lời tôi nói đó thì anh có danh, có lơi, mà lại phỉ nguyện nữa, anh hiểu chưa?

Kỳ-Tâm nói tới đó thì nghe tiếng Kỳ-Phùng khóc trong buồng, rồi lại nghe tiếng Yến-Tuyết ru nho nhỏ. Trường-Xuân ngồi tay chống trán mà suy nghĩ hoài. Bà Phủ ngó hai người một hồi rồi bà nói rằng: “Không nên đâu cháu; để thủng-thẳng rồi sẽ tính, chớ mình vui sướng mà phải làm thầy hai bị đày bị lưu thì tội-nghiệp thầy quá, làm như vậy thất đức lắm. Thầy giúp cho mình rồi bây giờ mình đi hại thầy hay sao?”

Trường-Xuân muốn nói mà rồi không nói lại ngồi suy nghĩ nữa. Kỳ-Tâm thấy vậy mới cười gằn mà nói rằng: “Thưa bà, bà cản ảnh làm gì, để cho ảnh lấy bạc rồi đi cáo tôi đi mà. Người giàu sang như ảnh thì biết thương ai! Hứ! Vậy cho thiên-hạ họ biết người khốn-nạn là ông Trường-Xuân giàu sang nầy, chớ không phải là thằng Kỳ-Tâm nghèo mạt đây đâu! Nầy anh, thuở nay anh nịch hai chữ giàu sang quá, dầu phải chịu xấu hổ mà đặng giàu, anh cũng làm, dầu bị nhơ- nhuốc mà đặng sang, anh không nệ, anh quen tánh đê-tiện, không biết danh-dự phẩm giá của kẻ nam-nhi là gì, nên anh tưởng thiên-hạ đều như anh hết thảy. Anh lầm lắm! Ở đời tuy là người như anh vậy thiệt là nhiều, song cũng còn có người biết trọng nhơn nghĩa hơn bạc tiền, biết trọng danh-dự hơn quyền tước, chớ không phải mọi người đều như anh vậy đâu. Anh phải biết rằng tôi đây là một thằng nghèo mạt, không đủ cơm ăn cho no bụng, không có áo mặc cho ấm thân, nhưng mà anh thử lạy tôi mà xin tôi đổi tên làm anh, còn anh xuống làm tôi, coi tôi có chịu hay không. Thà tôi làm thằng Kỳ-Tâm chớ tôi không thèm làm ông Trường-Xuân đâu. Anh đừng tưởng tôi chịu nôm cho con bà đây, là chủ ý tôi muốn ăn tiền của anh hoặc cố tâm muốn kết duyên với cô hai. Không, tôi không thèm cái nào hết, đồng bạc của anh sạch-sẽ gì, còn - nói ra phải xin lỗi bà - giá của cô hai thấp thỏi lắm. Chẳng giấu anh nữa mà gì, tôi là một thằng chán đời, tôi thấy thiên-hạ hễ ai giàu sang thì bấu theo bợ đỡ, dầu làm quấy họ cũng khen phải, còn ai nghèo hèn thì họ bấu theo khinh bạc, dầu ở phải họ cũng chê là quấy, mà họ lại thường cho mấy đứa nghèo như tôi là quân vô dụng, là đồ nhơ-nhuốc, bởi vậy thầy-giáo Thế thầy cậy tôi nôm giùm, tôi chịu liền, đặng thử coi ai trong sạch, ai nhơ-nhuốc, ai có ích cho đời, ai làm hại xã hôi. Tôi nói thiệt cho anh biết, anh cứ lấy bạc rồi đi cáo tôi đi, đừng dụ-dự gì hết, thân tôi là thân chết rồi, dầu ở đây hay là ở trong khám tôi coi cũng vậy, tôi cần gì đâu. Anh cứ làm ơn đi mà, làm thử coi ai xấu, ai tốt. Tôi làm ơn cho anh với bà đây, tôi trong sạch không ăn cắp của ai, mà tôi ở tù nghĩ tôi có nhục gì đâu. Có nhục là nhục cho bà đây có rể ăn cướp, nhục cho cô hai có chồng bị đày, nhục cho thằng nhỏ có cha khốn-nạn. Tôi xúi anh đó là thiệt tình, chớ không phải nói lẩy đâu.”

Kỳ-Tâm nói dứt lời rồi thọc tay vào túi quần đi qua đi lại. Trường-Xuân giận mà nói ra không đặng nên ngồi lặng thinh, còn bà Phủ hổ-thẹn quá nên day mặt vô vách têm trầu mà ăn, không dám ngó Kỳ-Tâm. Thằng Quới đi chợ về, bước vô bẩm rằng: “Thưa bà, tôi đem cho bà Thông một nhánh cau, bà biểu tôi về nói bà cám ơn lắm và có gởi cho bà hai chục trầu Đồng-Nai đây”. Trường-Xuân thở dài một cái rồi đứng dậy thưa với bà Phủ mà về, không thèm nói tới Kỳ-Tâm, Kỳ-Tâm ra cửa ngó theo, chừng thấy Trường-Xuân đi xa rồi mới trở vô lấy nón và từ giã bà Phủ mà ra tiệm. Anh ta đi đặng một khúc đường thì thấy thằng Quới chạy theo đưa cuốn sổ và xâu chìa khóa mà nói rằng: “Thầy bỏ quên sổ với chìa khóa trên bàn nên bà biểu tôi chạy theo đưa cho thầy”. Kỳ-Tâm lấy hai vật ấy bỏ túi, cám ơn thằng Quới rồi đi nữa, song đi chậm chậm, tay chấp sau đít, mặt ngó xuống đất, bộ coi suy nghĩ lung lắm.