Lưu Triết trịnh trọng hẹn tôi đến đây để nói một chuyện rất quan trọng với hắn. Tách cà phê đã cạn mà hắn vẫn chưa hé môi. Tôi phải mở lời:
- Chuyện gì thế?
- Có gì đâu! – Triết ngập ngừng – Tao muốn thảo luận với mày một vấn đề
- Vấn đề gì? Có phải là vấn đề triết học của mày không?
- Không! Vấn đề này không thể lấy triết học mà phân tích được. Có lẽ phải áp dụng quan điểm nghệ thuật của mày mới ổn.
- Được rồi, mày nói thử nghe coi!
- Theo mày, giữa con người và con người sao lại xảy ra những cái hiểu lầm vớ vẩn như vậy, phải chăng là vì những ác cảm sẵn có trong cuộc sống của mỗi người?
- Chắc không hẳn vậy. Vì nếu nghĩ cho kỹ thế nào cũng tìm được căn nguyên của cái hiểu lầm đó, rất tiếc tao không phải là nhà tâm lý học để phân tích tỉ mỉ hơn.
- Nó không nằm trong nguyên tắc tâm lý học đâu! Tao muốn mày giải thích bằng vào quan điểm của mày. Khi mày tạo dựng nhân vật, loại trừ những ân oán của loài người, mày còn cách gì để cho họ phải đối địch với nhau không?
- Quan niệm lãnh thổ, quan niệm giai cấp và quan niệm chủng tộc, tư tưởng chính trị vân vân, có thể là nguyên nhân của sự thù hận.
- Những điều đó đều nằm trong vòng ân oái của loài người mà tao vừa nói khi nãy
- Nhưng hoàn cảnh cá nhân cũng có thể tạo lòng thù hận – Tôi suy ngẫm giây lát – Và đặc điểm của diện mạo cũng có thể gây sự ưa ghét của hai người, chẳng hạn như trong tình yêu đôi lứa, mỗi người có một mẫu ý trung nhân lý tưởng, đôi khi chịu sự chi phối của một ấn tượng nào đó. Đàn ông lựa vợ hầu hết đều căn cứ vào người mẹ. Người đàn bà thì chịu ảnh hưởng nhiều về hình dạng của người cha.
- Ừ, cái mà mày nói đó đúng. Nhưng vấn đề của tao không phải vậy. Hai người vô cớ lại giận ghét nhau, như thế mày phải dùng cái gì để giải thích cho ra đây.
- Tao đành phải nghĩ đến kẻ thứ ba! Người thứ ba đó đứng giữa để gây ra sự hiểu lầm.
- Kẻ thứ ba? – Triết cúi đầu nghĩ ngợi.
- Mày đã gặp rắc rối tình cảm hả? Đau khổ vì tình đúng không?
Triết gật gù và giải thích:
- Mày đừng hiểu lầm là người ta hiểu lầm tao, thậm chí nàng cũng không hiểu gì như tao!
- Mày có thể cho tao biết đầu đuôi câu chuyện được chăng?
- Không, mày hãy tha cho tao việc này. Nhưng chắc chắn trong tương lai thế nào tao cũng nhờ mày giúp.
- Lẽ dĩ nhiên tao rất vui lòng.
- Tao phải cảm ơn mày trước! Nhưng tao phải cố làm hết khả năng của mình trước.
- Được rồi, tao đợi tin tức của mày.
Triết trầm ngâm một hồi rồi chuyển hướng câu chuyện:
- Gần đây mày có gặp giáo sư Trung không?
- Có, tao có nói chuyện với cô Phụng. Cô ta ưa lý sự lắm.
Triết buông tiếng thở dài:
- Không, nàng rất đáng thương hại!
- Mày có cần tao nói gì với cô ta không?
- Để tao nói cũng được. Việc này không thể nhờ ai giúp được.
- Mày không thích nàng sao?
- Tao thấy tao không yêu nàng.
- Đây là vấn đề mà mày định hỏi tao đấy phải không? Đã có chuyện gì hiểu lầm à?
- Không có gì phức tạp.
- Lúc trước hai người thân nhau lắm mà, sao nay đột nhiên lại hững hờ đi?
- Tình yêu nó kỳ lắm – Triết cười cay đắng – Không thể cho chính xác như hai với hai là bốn được. Có lẽ mày sẽ mắng tao thấy mới quên cũ, không trọng đạo nghĩa. Nhưng mày phải thông cảm cho tao trong chuyện này.
- Mày thích cô biên tập viên kia hả?
- Ừ, cứ cho cô ta là người thứ ba đi. Theo mày tao phải làm sao?
- Tao không có ý kiến. Có lẽ tao sẽ có thiên kiến, nhưng cô Phụng quả là người xứng đáng, còn cô kia tao có biết gì đâu?
- Tao không được phép yêu người khác à?
- Chỉ có chút ân hận thôi!
- Dĩ nhiên, tao cũng rất ân hận. Nhưng tình yêu có lúc cũng tàn nhẫn lắm.
- Mày phải tự trung thực với mình.
- Mày không phản đối hành động của tao à?
- Tao không có quyền đó, cho dù tao có quyền đi nữa, tao cũng không muốn áp dụng nó.
- Tình yêu không phân giai cấp, phải không?
- Dĩ nhiên.
- Cái tao nói không phải là giai cấp xã hội mà là giai cấp nhân cách.
- Đúng, luyến ái là việc của trai và gái.
Triết dường như đã lấy lại được niềm tin, hắn mỉm cười nói:
- Theo mày, tình yêu có vấn đề khảo nghiệm không?
- Phải có khảo nghiệm chứ. Trên thực tế khi yêu nhau chính là lúc hai người đều đang khảo nghiệm nhau.
- Không có vấn đề sỉ nhục à?
- Trong yêu đương, không có vấn đề gì cả.
Triết gật gù:
- Nếu như có kẻ thứ ba, mày xử sự làm sao?
Tôi sực nhớ đến vấn đề mà tôi đã thảo luận với Lâm Việt Sanh, tôi quả quyết nói:
- Phải công bằng.
- Có vấn đề đạo nghĩa không?
- Không.
- Thí dụ như tao và mày cùng yêu một người thì phải làm sao?
- Làm sao có như vậy được? Thí dụ của mày chẳng thích đáng tí nào cả.
- Không phải tao hoài nghi gì mày. Lẽ dĩ nhiên tao hiểu mày lắm.
Tôi không hiểu Triết muốn ám chỉ gì, tôi đành phải an ủi và khích lệ hắn:
- Với những điều kiện mày có, mày không cần phải lo nghĩ đến vấn đề này.
Triết thở dài và gọi bồi:
- Cho ly cà phê, không bỏ đường! Mày uống gì thêm?
Tôi thấy đã đến lúc phải đi thì bảo Triết:
- Tao phải ở đây một lúc nữa, mày không trách chứ?
- Không, tao phải về nhà. Tao còn nhiều thư từ và bài vở phải lo nữa.
Khi tôi bỏ đi, Triết ngồi lặng lẽ suy tư, nhẹ khuấy tách cà phê không đường, hắn dường như đã quên đi sự hiện diện của tôi.