Tình Dục Thuở Hồng Hoang

Chương 8

MỚ HỔ LỐN HÔN NHÂN, GIAO CẤU VÀ MỘT VỢ MỘT CHỒNG

Hôn nhân là trạng thái tự nhiên nhất của con người, do vậy đó là trạng thái mà bạn có nhiều khả năng tìm thấy hạnh phúc bền vững nhất.

• BENJAMIN FRANKLIN

Tình yêu là lý tưởng, hôn nhân là thực tế; nhầm lẫn giữa thực tế với lý tưởng không bao giờ không phải trả giá.

• JOHANN WOLFGANG VON GOETHE

Khi Einstein tuyên bố E=mc2, không một nhà vật lý nào hỏi nhau: “Ông ấy nói E nghĩa là sao?” Trong khoa học tự nhiên, các chất liệu quan trọng được đóng gói trong những con số và biểu tượng được xác định từ trước. Hiếm khi có việc sử dụng từ ngữ mơ hồ gây khó hiểu. Nhưng trong những ngành khoa học mang tính giải thích nhiều hơn như nhân học, tâm lý học và lý thuyết tiến hóa, giải thích sai và hiểu sai là chuyện thường ngày.

Chẳng hạn như hai từ yêudâm. Về căn bản, cuốn sách này viết về dâm nhiều hơn là về yêu. Yêu và dâm khác nhau như rượu vang đỏ khác pho mát xanh, nhưng do cũng có khả năng bổ sung cho nhau nên chúng lẫn vào nhau nhiều đến mức kinh ngạc, điếng người.

Trong các tài liệu tâm lý học tiến hóa, trong văn hóa đại chúng, trong những văn phòng được trang trí đẹp đẽ của các luật sư hôn nhân, hay trong những bài giảng tôn giáo, cũng như diễn văn chính trị và - chẳng có gì đáng ngạc nhiên với tất cả những điều đó - trong cuộc sống lộn xộn của chúng ta, dâm thường bị nhầm với tình yêu. Thậm chí sự nhầm lẫn đó còn âm ỉ và gây tổn hại hơn trong những cộng đồng nhất quyết duy trì chế độ một vợ một chồng lâu dài, độc quyền tình dục, và dạng tiêu cực cũng thật sự tồn tại. Không dâm bị hiểu nhầm là không tình yêu (chúng ta sẽ khám phá điều này trong Chương 20).

Các chuyên gia khuyến khích chúng ta nhầm lẫn hai khái niệm này. Cuốn sách được nhắc đến trong sách này, Anatomy of Love (tạm dịch: Giải phẫu tình yêu) của Helen Fisher, quan tâm đến sự chia sẻ trách nhiệm làm bố mẹ trong vài năm đầu nhiều hơn là đến tình yêu. Nhưng chúng ta không thể trách Fisher được, bởi vì bản thân ngôn ngữ đã không rõ ràng rồi. Chúng ta có thể “ngủ cùng” ai đó mà vẫn luôn tỉnh táo. Khi chúng ta đọc rằng chính trị gia “làm tình” với gái điếm, chúng ta biết rằng tình yêu liên quan rất ít đến chuyện này. Khi chúng ta nói rằng mình đã từng có bao nhiêu “người yêu”, phải chẳng chúng ta đang tuyên bố rằng đã “yêu” tất cả bọn họ? Tương tự, nếu chúng ta "giao cấu” với ai đó, liệu điều này có biến chúng ta thành “bạn tình”? Hãy cho một chàng trai xem ảnh một cô nàng nóng bỏng và hỏi liệu anh ta có muốn “cặp với cô ta” hay không. Nhiều khả năng anh ta sẽ trả lời (hoặc nghĩ): “Có chứ!” Nhưng cũng nhiều khả năng là hôn nhân, con cái và viễn cảnh về một tương lai lâu dài bên nhau sẽ không bao giờ lọt vào quá trình ra quyết định của anh ta.

HÔN NHÂN: “ĐIỀU KIỆN CƠ BẢN” CỦA LOÀI NGƯỜI?

Mối quan hệ trai-gái mật thiết mà các nhà động vật học gọi là ‘quan hệ kết đôi’ có sẵn trong xương tủy chúng ta. Tôi tin rằng hơn bất cứ nguyên nhân nào khác đây là điều khiến chúng ta khác hẳn các loài khỉ.

• FRANS DE WAAL

Phần lớn các ông chồng khiến tôi nghĩ đến con đười ươi đang tìm cách chơi violin.

• HONORÉ DE BALZAC
(1799-1850)

Ai cũng biết rằng đó là những biểu hiện ngẫu nhiên cho vô số tình huống và mối quan hệ; dường như ai cũng biết thế trừ các chuyên gia. Nhiều nhà tâm lý học tiến hóa và các nhà nghiên cứu khác có vẻ như nghĩ rằng “tình yêu” và “tình dục” là những thuật ngữ thay thế được cho nhau. Và họ cũng quẳng “giao cấu” với “cặp kè” vào một chỗ. Việc không xác định được thuật ngữ thường dẫn tới lẫn lộn và cho phép thành kiến văn hóa gây nhiễm bẩn suy nghĩ của chúng ta về bản chất tính dục của loài người. Hãy thử mở một con đường xuyên qua bụi cây ngôn từ chằng chịt này xem sao.

Chiếc cốc thánh của tâm lý học tiến hóa là “tính phổ quát của con người”. Mấu chốt của nó là rút ra những hình mẫu tri giác, nhận thức và hành vi mang bản chất con người từ những gì bị quy định bởi trình độ văn hóa hoặc cá nhân: bạn thích bóng chày vì bạn lớn lên được theo dõi các trận đấu cùng bố, hay vì hình ảnh các nhóm nhỏ đề ra chiến thuật và phối hợp với nhau trên sân bóng đã kết nối với một khu vực căn bản nào đó trong não bạn? Đấy là loại câu hỏi mà các nhà tâm lý học tiến hóa thích đặt ra và muốn trả lời.

Vì tâm lý học tiến hóa hướng đến khám phá và giải thích cái gọi là sự thống nhất tinh thần của con người và dưới áp lực phải phát hiện những vấn đề thích hợp với các vấn đề chính trị cụ thể - độc giả cần thận trọng với những tuyên bố liên quan đến những điều phổ quát như vậy. Như khi diễn giải một câu tục ngữ cổ, hãy tin những ai tìm kiếm tính phổ quát của con người, nhưng hãy nghi ngờ những ai tuyên bố đã tìm thấy chúng. Thường thì những tuyên bố này không được nghiên cứu kỹ lưỡng.

Cái được cho là tính phổ quát của hôn nhân loài người - và gắn liền với nó là sự hiện diện khắp nơi của gia đình hạt nhân - là một trường hợp như vậy. Cơ sở cho mô hình chuẩn của tiến hóa tính dục ở loài người, lời tuyên bố cho khuynh hướng kết đôi này của loài người nói chung không còn gì phải thắc mắc hay nghi ngờ - “chuẩn hoàn chỉnh” như lời của Malinowski. Mặc dù khuynh hướng này đã được giả định từ trước thời Darwin, luận văn này đã trở thành kinh điển của nhà sinh vật học tiến hóa Robin Trivers, Parental Investment and Sexual Selection (tạm dịch: Đầu tư làm cha mẹ và Chọn lọc tính dục), xuất bản năm 1972, đã thống nhất quan điểm hôn nhân là nền tảng cho đa phần các lý thuyết về tiến hóa tính dục của loài người.*

Cần nhắc lại rằng hôn nhân, như các lý thuyết này định nghĩa, đại diện cho sự trao đổi cơ bản đối với tiến hóa tính dục loài người. Trong loạt phim truyền hình của mình trên BBC, The Human Animal (tạm dịch: Con người động vật), Desmond Morris nói: “Quan hệ kết đôi là điều kiện nền tảng cho loài người.” Michael Ghiglieri, nhà sinh vật học và người bảo trợ cho Jane Goodall, viết: “Hôn nhân là hợp đồng tối thượng của con người. Đàn ông và phụ nữ ở mọi cộng đồng đều kết hôn gần như cùng một kiểu. “Hôn nhân”, Ghiglieri nói tiếp: “thường là sự kết đôi vĩnh cửu giữa một người nam và một người nữ… trong đó người nữ nuôi dưỡng con cái còn người nam chu cấp và bảo vệ họ”. Ông kết luận: “Sự hình thành hôn nhân lâu đời hơn cả nhà nước, nhà thờ và pháp luật”.* Lạy Chúa. Điều kiện nền tảng? Hợp đồng tối thượng của con người? Thật khó mà tranh cãi với điều đó.

Nhưng hãy cứ thử xem sao, bởi vì việc dùng sai từ hôn nhân trong tài liệu nhân học đã gây nên cơn đau đầu kinh khủng cho bất cứ ai đang tìm hiểu xem hôn nhân và gia đình hạt nhân thật sự đúng với bản chất con người ra sao - nếu có. Chúng ta sẽ thấy, từ này được dùng để chỉ rất nhiều mối quan hệ khác nhau.

Trong Female Choices (tạm dịch: Lựa chọn của con Cái), tài liệu khảo sát về hoạt động tính dục ở linh trưởng cái, nhà linh trưởng học Meredith Small viết về sự lẫn lộn khi thuật ngữ kết đôi (consortship) bị dùng sai nghĩa gốc - tương tự như việc từ hôn nhân bị dùng lẫn lộn. Small giải thích: “Từ ‘kết đôi’ ban đầu được dùng để chỉ mối liên hệ tình dục gần gũi đực-cái ở loài khỉ đầu chó vùng thảo nguyên, nhưng về sau lại được dùng phổ biến để chỉ mối quan hệ của các cặp đôi khác.” Bước nhảy về mặt ngữ nghĩa này, theo Small, là một sai lầm. “Các nhà nghiên cứu bắt đầu nghĩ rằng mọi loài linh trưởng đều kết đôi, và họ áp dụng từ này cho bất cứ hình thức cặp kè nào, lâu dài hay ngắn ngủi, có chọn lọc hay không chọn lọc.” Đây là một rắc rối vì “Thứ ban đầu dùng để mô tả sự kết hợp đực-cái cụ thể chỉ có tồn tại trong những ngày rụng trứng lại trở thành một từ bao hàm việc cặp đôi… Khi một phụ nữ được mô tả là ‘đang kết đôi’, không ai thấy tầm quan trọng của việc cô ấy thường xuyên giao phối với các cá thể nam khác.”

Nhà sinh vật học Joan Roughgarden nhận thấy lỗi tương tự khi áp dụng mô hình cặp đôi lý tưởng ở người cho động vật. Bà viết: “Tài liệu căn bản của chọn lọc tính dục mô tả vợ chồng ngoại tình là ‘lừa dối’ quan hệ kết đôi; người nam bị gọi là ‘cắm sừng’; con cái của cặp bố mẹ ngoại tình bị gọi là ‘con hoang’; còn người nữ không tham gia vào giao cấu ngoại tình thì được gọi là ‘chung thủy’.” “Chung quy, thuật ngữ mang tính phán xét này”, Roughgarden kết luận, “chẳng khác gì áp một định nghĩa đương thời của hôn nhân phương Tây vào động vật.”

Trên thực tế, khi các nhãn quen thuộc được dán lên, bằng chứng mang tính hỗ trợ các nhãn này bỗng trở nên dễ thấy hơn nhiều so với các bằng chứng ngược lại bởi một quá trình tâm lý có tên gọi là thành kiến xác nhận. Khi đã có hình mẫu tinh thần, có nhiều khả năng chúng ta sẽ chủ yếu để ý và nhớ lại bằng chứng hỗ trợ cho mô hình của mình hơn là bằng chứng chống lại nó. Giới nghiên cứu y khoa đương đại cố gắng trung hòa hiệu ứng này bằng cách sử dụng hệ phương pháp mù đôi trong tất cả các nghiên cứu quan trọng - cả người nghiên cứu lẫn đối tượng nghiên cứu đều không biết viên thuốc nào chứa thuốc thật.

Không có một định nghĩa rõ ràng về điều mình đang tìm kiếm, nhiều nhà nhân học nhìn đâu cũng thấy hôn nhân. George Murdock, một nhà nhân học tầm cỡ của ngành nhân học Mỹ, khẳng định trong cuộc khảo sát nhân học kinh điển về giao thoa văn hóa tiến hành năm 1949: “Gia đình hạt nhân là sự quần tụ xã hội của loài người nói chung.” Ông tiếp tục tuyên bố: “Hôn nhân được tìm thấy trong bất cứ xã hội loài người nào mà chúng ta từng biết.”

Các nhà nghiên cứu cố gắng mô tả bản chất con người cực kỳ nhạy cảm với quá trình Flintstone hóa: vô thức hướng tới “khám phá” những đặc điểm trông có vẻ quen thuộc, và do đó phổ cập những hình thái xã hội đương đại trong khi vô tình chặn lại nhận thức về sự thật. Học giả Louis Menand lưu ý khuynh hướng này trong một bài báo trên tờ The New Yorker, ông viết: “Các môn khoa học nghiên cứu bản chất con người có xu hướng công nhận sự vận hành và ưu tiên của bất cứ chế độ nào tình cờ đang bảo trợ cho chúng, ở chế độ chuyên chế, bất đồng ý kiến bị xem là tâm thần, ở chế độ phân biệt chủng tộc, quan hệ khác chủng tộc bị cho là phi tự nhiên, ở chế độ tư bản, tư lợi được xem là đặc tính bất dịch.” Nhưng nghịch lý thay, hãy lưu ý xem, trong mỗi trường hợp nói trên, cái gọi là hành vi tự nhiên được khích lệ và sai lầm phi tự nhiên phải bị trừng phạt như thế nào.

Những căn bệnh ngày nay đã bị lãng quên như drapetomaniadysaethesia aethiopica minh họa cho quan điểm này. Cả hai đều được mô tả năm 1851 nhờ bác sĩ Samuel Cartwright*, một tác giả hàng đầu trong lĩnh vực chăm sóc y tế cho “mọi đen” ở Louisiana, và là một nhà tư tưởng hàng đầu trong phong trào ủng hộ chế độ nô lệ. Trong bài Bệnh tật và đặc trưng của chủng mọi đen, bác sĩ Cartwright giải thích rằng drapetomania là căn bệnh khiến lũ mọi đen bỏ chạy trốn tránh phục vụ các ông chủ da trắng, trong khi dysaethesia aethiopica được mô tả là “sự u mê và cảm giác trì độn của cơ thể”. Ông lưu ý rằng các đốc công nô lệ thường chỉ đơn giản gọi căn bệnh này là bất lương (rascality). Bất chấp những tuyên bố như thể mình cao quý - thường được diễn tả bằng thứ ngôn ngữ nhằm làm nhụt chí kẻ bất đồng tương lai (dysaethesia aethiopica!) - khoa học thường bò dưới chân mô hình văn hóa chiếm ưu thế đương thời.

Một nhược điểm nữa của rất nhiều cuộc nghiên cứu như thế này được biết đến với tên gọi nghịch lý dịch thuật. Khi một từ (chẳng hạn hôn nhân) dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác mang một nghĩa khác hẳn.

Chúng ta có thể nhất trí rằng chim thì hót (sing) và ong thì lượn (dance), miễn là chúng ta nhớ rằng hành động ca hót và bay lượn của chúng gần như không có điểm gì chung với hành động của chúng ta - từ động cơ đến thực hiện. Chúng ta sử dụng các từ ngữ y hệt vậy để biểu thị những hành động khác hẳn. Từ hôn nhân cũng vậy.

Con người ở khắp nơi đều kết đôi - dù chỉ trong vài ngày, vài giờ, hay vài năm. Có thể họ làm vậy để chia sẻ niềm vui, để có con, để làm hài lòng gia đình, để đảm bảo một liên minh chính trị hay thương thảo kinh doanh, hoặc chỉ vì thích nhau. Khi họ làm vậy, nhà nhân học nghiên cứu gia đình đứng trong bóng mát của tình yêu và nói: "A ha, nền văn hóa này cũng thực hành hôn nhân. Thấy chưa, việc này phổ biến mà!” Nhưng nhiều mối quan hệ kiểu này khác với cảm nhận của chúng ta về hôn nhân, cũng như chiếc võng dây khác với chiếc giường nệm lông của bà nội vậy. Chỉ thay đổi biệt ngữ và nhắc tới quan hệ kết đôi lâu dài thay cho hôn nhân cũng chẳng hơn gì. Như Donald Symons nói: “Từ điển cổ xưa của tiếng Anh nghèo nàn một cách đáng thương nên không thể phản ánh chính xác kết cấu trải nghiệm của con người được…Rút ngắn từ vựng hiện tại thành một cụm từ - quan hệ kết đôi - và tưởng tượng rằng như vậy là người ta đang làm khoa học chỉ là tự đánh lừa bản thân mà thôi.”

TÌNH DỤC BỪA BÃI TRONG HÔN NHÂN

Ngay cả khi chúng ta bao quát được sự nhầm lẫn ngôn ngữ khắp nơi, những người tự cho rằng mình đã lập gia đình cũng có thể có những khái niệm khác nhau đến ngạc nhiên về cuộc hôn nhân của mình. Người Aché ở Paraguay nói rằng đàn ông và đàn bà ngủ chung lều là đã kết hôn. Nhưng nếu một trong hai người mang võng sang căn lều khác, thì họ chẳng còn là vợ chồng nữa. Thế thôi. Đó là ly hôn không-lỗi-lầm nguyên thủy.

Trong cộng đồng người!Kung San* (còn được gọi là người Ju "hoansi) ở Botswana, hầu hết các cô gái đều cưới vài lần trước khi ổn định với một mối quan hệ lâu dài. Đối với người Curripaco ở Brazil, kết hôn là một quá trình từ từ, không xác định. Một nhà khoa học từng sống với họ giải thích rằng: “Khi một phụ nữ đến mắc võng cạnh người đàn ông của mình và nấu cho anh ta ăn, một số người Curripaco trẻ tuổi hơn bảo rằng họ đã lấy nhau (kainukana). Nhưng những người báo tin lớn tuổi hơn lại không đồng ý; họ bảo hai người đó chỉ lấy nhau khi chứng tỏ được rằng bọn họ có thể chu cấp và nuôi được nhau. Có con, và cùng nhau trải qua gian khó, sẽ làm cuộc hôn nhân trở nên vững chắc.” Trong cộng đồng người Canela, Crocker và Crocker* giải thích: “Mất trinh chỉ là bước đầu tiên đi đến một cuộc hôn nhân toàn vẹn đối với phụ nữ.” Có vài bước cần thiết khác trước khi cộng đồng Canela xem một cặp là thật sự kết hôn, bao gồm việc cô gái trẻ được cộng đồng chấp nhận khi cô phục vụ trong “lễ hội cộng đồng đàn ông”. Nghi thức “phục vụ” tiền hôn nhân này là cô gái sẽ liên tục quan hệ tình dục với 15 đến 20 người đàn ông. Nếu cô dâu tương lai làm tốt, cô sẽ được những người đàn ông đó trả công bằng thịt, và trả trực tiếp cho mẹ chồng tương lai vào ngày lễ hội.

Ở Ả-rập Xê-út và Ai Cập đương đại, có một dạng hôn nhân là Nikah Misyar (thường được hiểu là hôn nhân tạm bợ [travelers marriage]). Theo một bài báo gần đây của Reuters:

Misyar hấp dẫn những người đàn ông ít tiền, cũng như đàn ông đang tìm kiếm những sự sắp xếp linh động - người chồng có thể rời bỏ misyar và lấy những người phụ nữ khác mà không cần phải báo cho người vợ đầu biết. Những người Hồi giáo giàu có đôi khi vẫn thỏa thuận với một misyar khi đi nghỉ để được quan hệ tình dục mà không vi phạm giáo lý của mình.

Suhaila Zein al-Abideen, thuộc Liên hiệp Học giả Hồi giáo Quốc tế ở Medina, nói rằng gần 80% cuộc hôn nhân misyar kết thúc bằng ly dị. “Phụ nữ mất sạch mọi quyền lợi. Ngay cả việc cô ta được gặp chồng bao nhiêu lần cũng phụ thuộc vào trạng thái của anh ta”, cô nói.

Trong truyền thống Hồi giáo Shia, có một thể chế tương tự gọi là Nikah Mut’ah (hôn nhân cho vui), trong đó mối quan hệ có một điểm chấm dứt định sẵn, giống như thuê xe ô tô vậy. Các cuộc hôn nhân như vậy có thể kéo dài từ vài phút đến vài năm. Một người đàn ông có thể có rất nhiều cô vợ tạm thời (bên cạnh cô “vợ suốt đời”). Thường được sử dụng như một lỗ hổng tôn giáo trong đó mại dâm hay tình dục ngẫu nhiên phải nằm trong những ranh giới bắt buộc của tôn giáo, hình thức này không đòi hỏi giấy tờ hay nghi lễ gì cả. Phải chăng đây cũng là hôn nhân.

Bên cạnh kỳ vọng về sự lâu dài hoặc được xã hội công nhận, những yếu tố như trinh tiết và chung thủy về mặt tình dục thì sao? Liệu chúng có phải là một phần phổ quát và không thể thiếu của hôn nhân như dự đoán của thuyết đầu tư làm cha mẹ hay không? Không. Đối với nhiều cộng đồng, trinh tiết vô nghĩa đến mức thậm chí trong ngôn ngữ của họ còn không có từ nào để gọi tên nó.

Năm 1990, Cacilda Jethá (đồng tác giả cuốn sách này) tiến hành một cuộc nghiên cứu về hành vi tính dục của dân làng ở vùng nông thôn Mozambique cho Tổ chức Y tế Thế giới. Cô thấy rằng 140 đàn ông trong nhóm nghiên cứu của cô có 87 bà vợ, 252 phụ nữ khác là bạn tình lâu dài và 226 phụ nữ nữa thỉnh thoảng qua lại về tình dục, tính ra bình quân mỗi người có bốn mối quan hệ tình dục cùng một lúc, không tính những lần ngẫu nhiên gặp gỡ không được báo cáo mà rất nhiều đàn ông trong số này chắc chắn dính vào.

Ở người Warao, một nhóm người sống trong rừng rậm Brazil, các mối quan hệ bình thường vẫn bị gác lại định kỳ và thay bằng những mối quan hệ mang tính chất nghi lễ, gọi là mamuse. Trong suốt các lễ hội này, người lớn được thoải mái quan hệ tình dục với bất cứ ai họ thích. Các mối quan hệ như vậy được xem là cao quý và người ta tin rằng có tác dụng tích cực lên lũ trẻ có thể được hoài thai.

Trong hồ sơ thú vị của mình về người Pirahã và một nhà khoa học nghiên cứu họ, nhà báo John Colapinto cho biết: “mặc dù [họ] không chấp nhận hôn nhân ngoài bộ tộc, nhưng đã từ lâu họ giữ cho bộ gene của mình tươi mới bằng cách cho phép phụ nữ ngủ với người ngoài”.*

Đối với người Sirino, anh trai lấy em gái là chuyện bình thường, tạo nên một dạng Brady Bunch* hoàn toàn khác. Bản thân cuộc hôn nhân diễn ra mà không có bất cứ nghi thức hay nghi lễ nào cả: không trao đổi tài sản hay thề thốt, thậm chí còn không có tiệc. Chỉ treo lại võng của mình bên cạnh võng của người phụ nữ, vậy là bạn đã có vợ.

Cách tiếp cận thông thường như vậy với “hôn nhân” có thể là bất cứ trạng thái nào, nhưng không hề bất thường. Những nhà thám hiểm thời kỳ đầu, những tay săn cá voi, những tay bẫy lông thú ở phía bắc lạnh giá thấy người Inuit là những chủ nhà thân thiện đến mức đáng ngạc nhiên. Hãy hình dung thái độ biết ơn đầy bối rối của họ khi họ nhận ra vị trưởng làng mời vị du khách mệt lử, lạnh cóng sử dụng chiếc giường của chính mình (bao gồm cả vợ). Trên thực tế, các nhà thám hiểm được hoan nghênh đó là Knud Ramusen và những người khác đã lọt vào một hệ thống trao đổi vợ chồng là tâm điểm của nền văn hóa Inuit, với những lợi ích rõ ràng trong cái khí hậu chẳng lấy gì làm khoan dung kia. Trao đổi tình dục đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối các gia đình thuộc những ngôi làng xa xôi trong một mạng lưới hỗ trợ nhất định, tuy lỏng lẻo nhưng bền vững, trong những thời điểm khủng hoảng. Mặc dù sinh thái khắc nghiệt ở Bắc Cực khiến mật độ dân số ở đây thấp hơn nhiều so với vùng Amazon hay thậm chí sa mạc Kalahari*, nhưng sự tương tác tình dục ngoài cặp đôi đã góp phần củng cố các mối quan hệ và mang lại sự đảm bảo tương tự trước những khó khăn không lường trước được.

Không một hành vi nào trong số các hành vi kể trên bị những người liên quan xem là ngoại tình. Nhưng khi đó, ngoại tình cũng là một thuật ngữ bị dùng sai như hôn nhân vậy. Không chỉ vợ của người láng giềng khiến cho đàn ông phải phản bội, mà vợ của bạn cũng vậy. Một cuốn hướng dẫn đạo đức nổi tiếng thời Trung Cổ, Speculum Doctrinale (tạm dịch: Tấm gương giáo lý) của Vincent xứ Beauvais*, tuyên bố: “Anh chàng nào yêu vợ mình quá nhiều là kẻ ngoại tình. Yêu vợ người khác, hoặc yêu vợ mình quá nhiều, đều là đáng xấu hổ.” Tác giả còn tiếp tục khuyên: “Người đàn ông chính trực cần yêu vợ bằng phán xét của mình chứ không phải bằng đam mê.” Vincent xứ Beauvais hẳn sẽ đánh giá cao sự đồng hành của Daniel Defoe (ở London), nổi tiếng với tư cách là tác giả của Robinson Crusoe. Năm 1727, Defoe khiến cả nước Anh xôn xao khi công bố bài luận văn tả thực với tiêu đề câu khách Conjugal Lewdness: or, Matrimonial Whoredom (tạm dịch: Vợ chồng dâm đãng: hay, bừa bãi trong hôn nhân). Rõ ràng tiêu đề này là hơi quá. Trong ấn bản sau đó, ông hạ giọng thành A Treatise Concerning the Use and Abuse of the Marriage Bed (tạm dịch: Chuyên luận về sử dụng và lạm dụng chiếc giường hôn nhân). Nó không viết về cuộc phiêu lưu ngoài đảo hoang, mà là một bài giảng đạo đức về những hiểm họa vật chất và tinh thần của việc hưởng thụ tình dục với vợ/chồng mình.

Defoe hẳn sẽ đánh giá cao người Nayar, thổ dân miền nam Ấn Độ, vốn có một dạng hôn nhân không nhất thiết phải có bất cứ hoạt động tình dục nào, cũng không kỳ vọng chuyện gắn kết lâu dài, không sống chung - trên thực tế cô dâu có thể không bao giờ gặp lại chú rể khi nghi thức hôn nhân đã hoàn tất. Nhưng vì hệ thống này không chấp nhận ly dị, theo khảo sát nhân học, nên sự ổn định của các cuộc hôn nhân này chắc phải là mẫu mực.

Như các ví dụ trên đây cho thấy, nhiều phẩm chất được xem là thành tố thiết yếu của hôn nhân trong cách dùng của phương Tây đương đại hóa ra lại không hề là phổ quát: độc quyền tình dục, trao đổi tài sản, thậm chí là ý định chung sống lâu dài với nhau. Những mối quan hệ mà các nhà tâm lý học tiến hóa và nhân học gọi là hôn nhân thật ra không hề bao hàm những điều đó.

Giờ thì hãy xem xét sự lẫn lộn do hai từ bạn tìnhcặp đôi tạo ra. Bạn tình đôi khi dùng để chỉ một đối tác tình dục trong một cuộc giao cấu cụ thể nào đó; trong những trường hợp khác, bạn tình chỉ đối tác trong một cuộc hôn nhân được công nhận, trong đó trẻ em được nuôi nấng và tất cả mọi mô hình hành vi và kinh tế được thiết lập. Cặp đôi với ai đó có thể mang ý nghĩa sống với nhau “đến khi cái chết chia lìa đôi ngả”, hoặc có thể chỉ là một cú tàu nhanh với “Julio nơi sân trường*”. Khi các nhà tâm lý học tiến hóa nói với chúng ta rằng đàn ông và phụ nữ có những “mô-đun” nhận thức hay cảm xúc bẩm sinh khác nhau, vốn là thứ quyết định phản ứng của họ trước sự phản bội của bạn tình, chúng ta cho rằng điều này là nói về người bạn tình trong mối quan hệ lâu dài.

Nhưng bạn chẳng bao giờ biết được. Khi chúng ta đọc: “Sự khác biệt về tình dục trong tiêu chí lựa chọn bạn tình của con người hiện hữu và tồn tại dai dẳng bởi cơ chế dàn xếp đánh giá bạn tình giữa đàn ông và phụ nữ khác nhau”, và “khuynh hướng trở nên hứng tình nhờ những tác nhân kích thích thị giác là một phần trong quá trình chọn lựa bạn tình ở đàn ông”*, chúng ta gãi đầu gãi tai, tự hỏi không biết đây có phải là cuộc tranh cãi về việc người ta chọn nhân vật đặc biệt đó ra sao để giới thiệu cho mẹ; hay chỉ là mô hình hưởng ứng tức thì, theo bản năng thường thấy ở đàn ông khi gặp một phụ nữ hấp dẫn. Đàn ông thể hiện những mô hình phản ứng tương tự trước hình ảnh, phim truyện, ma-nơ-canh mặc quần áo hấp dẫn và đám gia súc của Noah - không thứ nào trong đó có sẵn cho hôn nhân - dường như thứ ngôn ngữ này chỉ đề cập đến sức hấp dẫn của tình dục mà thôi. Nhưng chúng ta không thật sự chắc chắn. Vậy thì lúc nào bạn tình trở thành bạn tình để người ta kết đôi?