Tình Dục Thuở Hồng Hoang

Chương 19

TIẾNG RÊN CỦA PHỤ NỮ

Đây là câu hỏi mà chúng tôi đặt ra cho khán giả mỗi lần trình bày trước công chúng: Nếu bạn đã từng nghe những thanh âm của một cặp đôi khác giới làm tình (ai lại chưa nghe được nhỉ?), bên nào kêu to hơn? Câu trả lời chúng tôi nhận được mọi nơi, mọi lúc - từ đàn ông, phụ nữ, dị tính, đồng tính, Mỹ, Pháp, Nhật và Brazil luôn giống nhau. Bỏ tay xuống. Cần gì phải hỏi nữa. Chẳng có gì bí mật cả. Chúng tôi không phải nói cho bạn nghe câu trả lời bởi vì bạn đã biết hết rồi, đúng không nào? Đúng vậy, thứ tình dục “ngoan ngoãn”, “e lệ”, “bẽn lẽn” nằm sau tiếng kêu gào, rên rỉ cao độ, và gọi tới Chúa lòng lành ở trên cao, ôi giời bọn hàng xóm.

Nhưng tại sao? Trong khuôn khổ mô tả chuẩn mực về tính dục loài người, thứ mà các nhà khoa học gọi là âm thanh giao phối ở phụ nữ (FCV) (female copulatory vocalization) là một câu hỏi hóc búa và quan trọng. Bạn sẽ nhớ đến tuyên bố của Steven Pinker là “Trong mọi xã hội, tình dục là thứ ít nhiều ‘bẩn thỉu’. Nó được thực hiện một cách riêng tư…”* Nếu vậy thì tại sao phái nữ của một loài như thế lại phải mạo hiểm thu hút sự chú ý đến như vậy? Tại sao từ mạn hạ nguồn phía Đông tới thượng nguồn Amazon, phụ nữ lại xướng to niềm lạc thú tình dục của mình cho tất cả mọi người cùng nghe hơn là nam giới?

Và tại sao âm thanh của phụ nữ đạt cực khoái lại khiến đàn ông khó mà phớt lờ được?* Người ta bảo rằng phụ nữ có thể nghe thấy tiếng trẻ con khóc từ rất xa, nhưng thưa các quý ông, chúng tôi đang hỏi các ông, có tiếng động nào dễ nhận thấy nhất trong mớ tạp âm của một tòa nhà chung cư - và khó bỏ qua - hơn là âm thanh của phụ nữ đang lạc lối trong đam mê hay không?

Nếu bạn là một trong số 10 hoặc 15 người còn sống chưa được xem cảnh cực khoái giả vờ của Meg Ryan trong phim Khi Harry gặp Sally, hãy đi xem ngay (tìm trên mạng dễ ợt). Đây là một trong những cảnh nổi tiếng nhất của điện ảnh hiện đại, nhưng nếu hai diễn viên này đổi hành động cho nhau thì cảnh này sẽ không buồn cười - thậm chí nó còn chả có ý nghĩa gì cả. Hãy tưởng tượng: Billy Crystal ngồi bên bàn ăn nhà hàng, anh bắt đầu thở mạnh, ánh mắt có thể lảng đi đôi chút, anh cằn nhằn đôi lần, ăn một nửa cái sandwich và ngủ thiếp đi. Không có ai cười to. Thậm chí không ai trong cửa hàng đồ ăn để ý. Nếu cực khoái ở nam giới là một tiếng xoảng bị nghẹt của chũm chọe thì cực khoái ở nữ giới là một vở opera đầy đủ. Đầy những tiếng kêu gào, la hét, ngân nga, mọi người cầm giáo đứng quanh, và tiếng đập bàn chắc chắn sẽ khiến cho ngay cả quán ăn ồn ào nhất New York cũng phải im lặng.*

Tiếng rên rỉ đê mê của phụ nữ không phải là một hiện tượng hiện đại. Kama Sutra chứa đựng những ví dụ cổ xưa về âm thanh giao phối của phụ nữ trên phương diện kỹ thuật tình dục, phân loại một cái chuồng chim nhốt các biểu hiện đê mê mà phụ nữ có thể chọn ra: “Với rất nhiều tiếng rên rỉ, cô ấy có thể sử dụng, tùy theo trí tưởng tượng của mình, tiếng kêu của chim bồ câu, chim cu cu, chim cu xanh, vẹt, ong, họa mi, ngỗng, vịt và gà gô.” Ngỗng ư? Hãy kêu lên nếu Bạn Thích Tình dục!

Nhưng bên cạnh kỹ thuật tình dục của sân nuôi gà vịt, sẽ là vô nghĩa khi giới nữ của một loài đơn phối kêu gọi sự chú ý về bản thân trong lúc giao phối. Mặt khác, nếu hàng nghìn thế hệ đa phối được xây dựng vào trong hoạt động tính dục của con người hiện đại, chúng ta sẽ thấy rất rõ ý nghĩa của tiếng kêu này là gì.

Hóa ra phụ nữ không phải là linh trưởng cái duy nhất tạo ra ồn ào khi đắm chìm với đam mê. Nhà linh trưởng học người Anh Stuart Semple đã nhận thấy rằng: “Ở nhiều loài, con cái kêu lên ngay trước, trong hoặc ngay sau khi giao phối. Những âm thanh này”, Semple nói, “đặc biệt phổ biến ở các loài linh trưởng và bằng chứng tích lũy cho thấy chỉ bằng tiếng kêu, con cái đã kích động các con đực trong bầy cạnh tranh với nhau để giành cơ hội giao phối với nó.” Chính xác. Dường như có lý do chính đáng cho thấy tiếng kêu của một phụ nữ đang tận hưởng cuộc gặp gỡ tình dục sẽ lôi kéo đàn ông. “Tiếng kêu giao phối” của cô ấy là một lời mời tiềm năng đến đây, từ đó khơi dậy cạnh tranh tinh trùng.

Semple ghi lại hơn 550 tiếng kêu giao phối của bảy con khỉ đầu chó cái khác nhau và phân tích cấu trúc âm thanh của chúng. Ông thấy rằng những âm thanh phức hợp này chứa đựng thông tin liên quan đến cả tình trạng sinh sản của con cái (tiếng kêu phức tạp hơn khi con cái gần thời điểm rụng trứng hơn) và địa vị của con đực “hấp thụ” bất cứ tiếng kêu nào (tiếng kêu dài hơn và chứa đựng nhiều đơn vị âm thanh mang tính bản năng hơn trong lúc giao phối với những con đực có địa vị cao hơn). Do vậy, ít nhất là ở những con khỉ đầu chó này, các con đực lắng nghe có thể nhận được thông tin về khả năng thụ thai cho con cái đang kêu gọi cũng như cảm nhận đôi chút về địa vị của con đực mà chúng sẽ thấy với thằng cha mà chúng tiếp cận.

Meredith Small đồng ý rằng tiếng gọi giao phối của linh trưởng cái rất dễ nhận biết: “Ngay cả những người không quen cũng có thể nhận ra được cơn cực khoái, hoặc lạc thú tình dục của linh trưởng cái không phải con người. Con cái”, Small nói, “tạo ra những âm thanh không có ở bất cứ bối cảnh nào khác ngoài giao phối”. Sư tử đuôi ngắn cái sử dụng tiếng gọi giao phối để thu hút sự chú ý của con đực ngay cả khi không rụng trứng. Small cho biết trong số các loài linh trưởng này, con cái đang rụng trứng thường hướng lời mời gọi của chúng tới những con đực ngoài bầy, từ đó mang dòng máu mới vào hỗn hợp giao phối.

Có thể đoán trước được âm thanh giao phối của con cái liên quan chặt chẽ với giao phối bừa bãi chứ không phải giao phối đơn thê. Alan Dixson thấy rằng con cái của các loài linh trưởng bừa bãi phát ra những tiếng gọi giao phối phức tạp hơn nhiều so với con cái của các loài giao phối đơn thê và đa thê. Bên cạnh vấn đề phức tạp, Gauri Pradhan cùng đồng nghiệp đã tiến hành một cuộc khảo sát về tiếng gọi giao phối ở nhiều loài linh trưởng và thấy rằng “thay đổi trong sự bừa bãi của con cái dự báo về xu hướng sử dụng tiếng gọi giao phối liên quan đến việc giao phối”. Dữ liệu của họ cho thấy mức độ bừa bãi cao báo trước một tiếng gọi giao phối có tần suất cao.

William J. Hamilton và Patricia C. Arrowood đã phân tích âm thanh giao phối của nhiều loài linh trưởng, trong đó có ba cặp đôi con người.* Họ nhận thấy rằng “âm thanh của con cái dần mạnh lên khi gần đến cực khoái và khi đạt cực khoái thì giả định là thiếu một nhịp điệu nhanh, đều đặn (độ dài nốt và ngắt quãng giữa các nốt tương đương nhau) trong tiếng kêu cực khoái của con đực.” Mặc dù vậy, các tác giả vẫn không tránh khỏi đôi chút thất vọng khi viết rằng: “Không một giới nào (của con người)… thể hiện sự phức tạp trong cấu trúc nốt đặc trưng của âm thanh giao phối ở khỉ đầu chó.” Nhưng có thể đấy lại là tin tốt, bởi vì đâu đó trong bài viết của họ chúng ta thấy rằng tiếng gọi giao phối của khỉ đầu chó cái nghe rất rõ ngay cả với tai người ở khoảng cách 300 m.

Trước khi bạn kết luận rằng âm thanh giao phối của con cái chỉ là một cách nói ưa thích cho một chút phấn khích, hãy suy nghĩ về những con thú săn mồi có thể định vị được con mồi cho tiếng kêu đam mê này của linh trưởng. Tinh tinh và tinh tinh lùn có thể khó với tới vì ở trên cành cây, nhưng khỉ đầu chó (giống như các tổ tiên ở trên mặt đất của chúng ta) thì sống giữa lũ báo và các con thú săn mồi khác rất quan tâm đến món đặc sản khỉ đầu chó tươi rói hai-mà-một - đặc biệt là trong tình trạng mất tập trung, dễ tổn thương của cặp đôi đang giao phối.

Như Hamilton và Arrowood nói: “Bất kể nguy cơ các cá thể và cả bầy phơi mình trước bọn thú săn mồi, lũ khỉ đầu chó vẫn theo thói quen kêu lên trong lúc giao phối, (vì vậy) những tiếng kêu này chắc phải mang một giá trị thích nghi nào đó”. Giá trị thích nghi này là gì? Hai tác giả (viết trên tạp chí Science) đưa ra vài giả thuyết, trong đó có quan điểm cho rằng tiếng gọi này là mẹo giúp kích hoạt phản xạ xuất tinh của con đực, một phân tích mà có lẽ nhiều gái điếm sẽ đồng ý. Có thể ý tưởng này cũng có phần nào đúng*, nhưng ngay cả vậy thì linh trưởng đực không nổi tiếng trong việc cần đến nhiều trợ giúp để kích hoạt phản xạ xuất tinh của mình. Nếu có đi chăng nữa thì phản xạ xuất tinh của nam giới loài người có xu hướng quá dễ kích hoạt - ít nhất là từ khía cạnh phụ nữ không được trả tiền để kích hoạt phản xạ này càng nhanh càng tốt. Đặc biệt là với tất cả các bằng chứng hội tụ khác, có rất nhiều khả năng là ở loài người, âm thanh giao phối của nữ giới có chức năng thu hút nam giới đến với phụ nữ đang rụng trứng, dễ tiếp nhận về mặt tình dục, từ đó thúc đẩy cạnh tranh tinh trùng, với mọi lợi ích dành cho các bên tham gia - cả về mặt sinh sản lẫn mặt xã hội.

Nhưng bất chấp mọi ầm ĩ do phụ nữ trên thế giới gây ra, “Cương lĩnh phụ nữ rụt rè vẫn tồn tại”, Natalie Angier viết. “Nó được trang trí bằng nhiều phẩm chất và được thừa nhận là bức chân dung dở dang của chiến lược giao phối ở nữ giới, nhưng rồi nghi thức nho nhỏ đó tham gia vào và cương lĩnh đó lại lên tiếng.”

KHÔNG CÓ VÚ, KHÔNG CÓ THIÊN ĐƯỜNG*

Dù tốt hay xấu thì cái mẩu ngỗ ngược kia của phụ nữ cũng không phồng lên gấp năm lần kích thước bình thường và chuyển màu đỏ tươi để báo hiệu về sự sẵn sàng trên phương diện tình dục. Nhưng liệu có bằng chứng nào về mặt giải phẫu học cho thấy rằng phụ nữ đã tiến hóa để trở nên rất nhục dục? Không có gì phải thắc mắc cả. Hóa ra là cũng như cơ thể nam giới, cơ thể (và hành vi tiềm thức) của phụ nữ đầy những chỉ báo của hàng nghìn năm sinh hoạt bừa bãi và cạnh tranh tình dục tạo nên tiến hóa loài người.

Gần như không có mô cơ nào, nhưng vú của chị em có sức mạnh đáng kinh ngạc. Phụ nữ đẫy đà sử dụng sức mạnh này để thao túng ngay cả những anh chàng kỷ luật, chỉn chu nhất, chừng nào còn có bất cứ người nào ở quanh để lưu ý. Các đế chế đã sụp đổ, mọi ý chí đã thay đổi, hàng triệu tạp chí và cuốn lịch đã được bán ra, khán giả giải Super Bowl chướng tai gai mắt… dù sao đi nữa, tất cả đều do nguồn sức mạnh bí ẩn phát ra từ những túi mỡ bé nhỏ này.

Một trong những hình ảnh cổ xưa nhất của loài người từng được biết tới, với tên gọi Thần vệ nữ Willendorf*, được tạo ra cách đây 25.000 năm, mô tả bộ ngực với kích thước của Dolly Parton*. 250 thế kỷ sau, sức mạnh của bộ ngực được phóng đại vẫn không thể hiện nhiều dấu hiệu già nua cho lắm. Theo Hiệp hội Phẫu thuật Thẩm mỹ Hoa Kỳ, 347.254 phẫu thuật nâng ngực được thực hiện ở Mỹ trong năm 2007, trở thành loại phẫu thuật được thực hiện phổ biến nhất đất nước này. Điều gì khiến cho bộ ngực phụ nữ có sức ảnh hưởng vượt trội như vậy đến ý thức của đàn ông?

Trước hết, hãy loại bỏ những cách diễn giải thuần thực tế. Mặc dù các tuyến có trong bộ ngực phụ nữ tồn tại nhằm nuôi dưỡng trẻ sơ sinh, các mô mỡ tạo nên đường cong kỳ diệu của vú người - phồng lên, lắc lư, đung đưa - chẳng liên quan gì đến việc tạo sữa. Với cái giá rõ ràng phải trả về mặt sinh lý cho việc mang một bộ ngực lủng lẳng (làm lưng mỏi, mất thăng bằng, khó chạy), nếu không nhằm quảng cáo sữa cho trẻ con thì tại sao giới nữ loài người lại phát triển và duy trì những bộ phận cồng kềnh này?

Nhiều giả thuyết cho rằng bộ ngực đóng vai trò như những thiết bị truyền tin thông báo về khả năng sinh sản và tích đủ mỡ để chịu đựng được những gian khổ của thời kỳ mang thai và cho con bú* đến “thuyết tiếng vọng sinh dục”: phụ nữ hình thành bộ ngực lủng lẳng vào khoảng thời gian loài người bắt đầu đi thẳng để khơi dậy tình trạng kích thích mà đàn ông trước đây cảm thấy khi nhìn lớp mỡ trên mông*. Các nhà lý luận ủng hộ thuyết tiếng vọng sinh dục nhận thấy rằng những chỗ phồng lên như của tinh tinh và tinh tinh lùn sẽ cản trở sự vận động của linh trưởng đi hai chân, vì vậy khi tổ tiên xa xưa của chúng ta bắt đầu đi thẳng, họ suy luận rằng một số dấu hiệu sinh sản nữ chuyển từ phía sau, như vốn có, ra trưng bày phía trước. Trong một lát của trận bóng bàn lịch sử, tiếng gọi của thời trang đã di chuyển tới lui chỗ phồng phồng kia qua nhiều thế kỷ với giày cao gót, khung áo ngực kiểu Victoria và các món đồ nâng mông khác.

Sự giống nhau về mặt thị giác giữa hai phần này của cơ thể nữ đã được hỗ trợ nhờ gần đây phổ biến kiểu quần jeans cạp trễ làm lộ ra phần khe bên dưới như trêu ngươi. “Khe mông là cái khe”, nhà báo Janelle Brown viết, “mới được khai hoang để nhìn trộm một cách say đắm từ quần của siêu mẫu cũng như của dân thường… Nó vừa nghịch ngợm lại vừa hơi phô trương”, cô viết tiếp, “nhưng có sự quyến rũ tròn trịa mềm mại của cặp vú hoàn hảo”.* Nếu bạn đang ở tuổi trăng xế, bạn có thể luôn luôn mặc một bộ “nâng mông” của Bubbles Bodywear, hứa hẹn sẽ tạo ra thứ hiệu ứng đã từng khiến đàn ông phải ngoái đầu nhìn kể từ thời trước khi đàn ông xuất hiện. Giống như chiếc khung lót áo kiểu Victoria, chiếc yếm ngực bắt chước những đường cong đầy đặn của con tinh tinh hoặc tinh tinh lùn đang rụng trứng. Nói đến trăng xế, cần phải lưu ý rằng trừ phi bộ ngực được nâng bằng phương pháp nhân tạo, giống như khả năng sinh sản của phụ nữ kém dần theo tuổi tác, bộ ngực của cô ta cũng vậy - càng ủng hộ thêm lời tuyên bố rằng chúng tiến hóa để báo hiệu khả năng sinh sản.

Nữ giới loài người không phải là linh trưởng duy nhất mang tín hiệu sinh sản trên ngực. Khỉ đầu chó Gelada là một loài linh trưởng đứng thẳng khác có chỗ phồng tình dục trên ngực của con cái. Đúng như chúng ta nghĩ, chỗ phồng của bọn Gelada xuất hiện và biến mất cùng với khả năng tiếp nhận tình dục của con cái. Do nữ giới loài người luôn có tiềm năng tiếp nhận tình dục, nên bộ ngực của họ ít nhiều luôn căng phồng, từ khi trưởng thành trở đi.*

Nhưng không phải mọi linh trưởng cái đều có chỗ phồng sinh dục thông báo ra ngoài về tình trạng rụng trứng của mình. Meredith Small báo cáo rằng chỉ có 54 trong số 78 loài được khảo sát “có sự thay đổi dễ nhận thấy về mặt hình thái trong kỳ kinh”, và một nửa số này chỉ thấy “hơi hồng hồng”. Một lần nữa, hai người bà con linh trưởng gần gũi nhất với chúng ta lại đứng tách ra khỏi bầy trên phương diện hoạt động tình dục rất lộ liễu, trở thành loài linh trưởng duy nhất có chỗ phồng tình dục lòe loẹt, khoa trương đến thế. Vùng đèn đỏ của tinh tinh cái xuất hiện rồi biến mất, phản ánh lúc khuyết lúc tròn của khả năng sinh sản, nhưng như Small khẳng định, “chỗ phồng của tinh tinh lùn chẳng bao giờ thay đổi, vì vậy tinh tinh lùn cái luôn phát ra tín hiệu về khả năng sinh sản - rất giống với con người.”

Mặc dù nhiều giả thuyết tuyên bố rằng nữ giới loài người “rụng trứng kín”, thật ra nó cũng chẳng kín chút nào, nếu như bạn biết cách nhìn thế nào và nhìn vào đâu. Martie Haselton và đồng nghiệp thấy rằng đàn ông khi xem ảnh của 30 phụ nữ giống nhau - một số chụp quanh thời điểm rụng trứng còn số khác thì không - đều khá giỏi trong việc đánh giá khi nào thì những phụ nữ này đang “tìm cách trở nên hấp dẫn hơn”, tương ứng với tình trạng kinh nguyệt của họ. Các tác giả này thấy rằng phụ nữ có xu hướng ăn mặc quyến rũ hơn khi họ có nhiều khả năng mang thai hơn. “Hơn thế nữa”, Haselton viết, “phụ nữ càng gần thời điểm rụng trứng khi được chụp trong khoảng thời gian thụ thai thì ảnh của họ càng được chọn nhiều hơn.”*

Các nhà nghiên cứu khác nhận thấy rằng đàn ông thích mùi cơ thể của phụ nữ gần thời điểm rụng trứng, còn phụ nữ có xu hướng hành xử khiêu khích hơn theo nhiều cách khi họ dễ thụ thai hơn (đeo nhiều nữ trang và dùng nhiều nước hoa hơn, ra ngoài nhiều hơn, dễ quan hệ tình dục một cách ngẫu nhiên hơn và ít sử dụng bao cao su với các tình nhân mới hơn).

LẠI XEM NÀO?

Bộ ngực của phụ nữ khiến các nhà khoa học nam cảm thấy thích thú bao nhiêu thì cơn cực khoái của phụ nữ lại khiến họ bối rối bấy nhiêu. Giống như bộ ngực, sự tồn tại của cơn cực khoái ở nữ giới là một trong những vấn đề khó hiểu nhất trong các bài viết chính thống về tiến hóa tình dục loài người. Nếu không cần cho việc thụ thai thì tại sao nó lại tồn tại? Trong một thời gian dài, các nhà khoa học đã tuyên bố rằng người nữ là động vật duy nhất biết đến cực khoái. Nhưng khi phụ nữ bắt đầu trở thành nhà sinh vật học và linh trưởng học, hóa ra là nhiều linh trưởng cái cũng có cực khoái.

Động lực cơ bản để tuyên bố rằng cơn cực khoái ở nữ giới chỉ có ở loài người có thể nằm ở cách nó được lồng ghép vào mô tả chuẩn mực như thế nào. Theo quan điểm này, cơn cực khoái phát triển ở người nữ nhằm thúc đẩy và duy trì mối quan hệ đôi lứa lâu dài vốn là trung tâm gia đình hạt nhân*. Khi bạn vừa nuốt trôi câu chuyện đó, sẽ rất khó để thừa nhận rằng con cái của các loài linh trưởng khác cũng biết mùi lên đỉnh. Rắc rối của bạn tăng lên gấp bội nếu như loài đạt được cực khoái nhất lại hóa ra là loài bừa bãi nhất, và đúng là thế đấy.

Như tác giả về hoạt động tình dục linh trưởng Alan Dixson viết, cách giải thích cơn cực khoái ở phụ nữ theo hướng duy trì sự đơn phối “có vẻ như là cường điệu. Dù sao đi nữa”, ông viết, “con cái thuộc các loài linh trưởng khác, đặc biệt là những loài có hệ thống giao phối nhiều đực - nhiều cái như khỉ macaque và tinh tinh, thể hiện những phản ứng cực khoái khi không có sự gắn kết như vậy hoặc thiếu hình thành các đơn vị gia đình ổn định.” Mặt khác, Dixson tiếp tục viết: “Loài vượn, chủ yếu vốn đơn phối, không thể hiện các dấu hiệu rõ ràng về cơn cực khoái ở con cái.”

Mặc dù chúng tôi thích khẳng định sự ủng hộ rõ ràng của ông đối với luận điểm của chúng tôi, Dixson vẫn xếp con người vào loại hơi đa thê trong khảo sát của ông về hoạt động tính dục linh trưởng. Tuy nhiên, có vẻ như ông tỏ ý nghi ngờ khi viết: “Người ta có thể tranh luận rằng… cực khoái ở nữ giới rất xứng đáng, nó tăng sự sẵn sàng giao phối với nhiều bạn tình chứ không phải là một bạn tình ở nữ giới, từ đó thúc đẩy cạnh tranh tinh trùng.”*

Donald Symons và nhiều người khác tranh luận rằng: “Cực khoái được hiểu một cách chi li nhất là một tiềm lực mà tất cả mọi động vật giống cái có vú đều sở hữu.” Symons lập luận, điều góp phần thực hiện “tiềm lực” này ở một số cộng đồng người là “kỹ thuật dạo đầu và giao phối mang lại cảm giác kích thích đủ mãnh liệt và liền mạch cho phụ nữ để lên đỉnh”. Nói cách khác, Symons nghĩ phụ nữ lên đỉnh nhiều hơn ngựa cái bởi vì đàn ông là những người tình giỏi hơn ngựa đực. Hừm.

Để ủng hộ cho lý thuyết của mình, Symons trích dẫn các cuộc nghiên cứu của Kinsey cho thấy rằng chưa đầy một nửa số phụ nữ được phỏng vấn (người Mỹ những năm 1950) cứ mười lần quan hệ thì có ít nhất chín lần lên đỉnh, trong khi ở các cộng đồng khác (Symons nhắc đến người Mangaia ở Nam Thái Bình Dương), hoạt động tình dục tinh tế và kéo dài dẫn tới cực khoái gần như phổ biến đối với phụ nữ. “Cực khoái”, Symons kết luận, “không bao giờ được coi là việc tự phát và không tránh được đối với phụ nữ vì đây là điều luôn xảy ra đối với nam giới.” Đối với Symons, Stephen Jay Gould, Elisabeth Lloyd* và những người khác, một số phụ nữ đôi khi lên đỉnh trong khi tất cả đàn ông luôn luôn đạt được. Đối với họ, cực khoái ở phụ nữ giống như núm vú của đàn ông: sự trùng lặp về mặt cấu trúc không có chức năng ở giới này nhưng lại mang tính chất sống còn ở giới khác.

Với mọi năng lượng cần có để đạt được điều đó, thật đáng ngạc nhiên khi bộ phận sinh dục của nữ giới lại không phải là địa chỉ đặc biệt chào đón đối với các tế bào tinh trùng. Các nhà nghiên cứu Robin Baker và Mark Beilis thấy rằng khoảng 35% số tinh trùng bị đuổi cổ trong vòng nửa giờ giao hợp và số còn lại lâm vào cảnh “màn trời chiếu đất”.* Cơ thể nữ giới đón nhận tinh trùng với tư cách các kháng nguyên (dị thể) nên chúng bị tấn công bởi các bạch cầu chống tinh trùng với tỉ lệ so với tinh trùng là 100:1. Cứ 14.000.000 tinh trùng người phóng ra mới có một tinh trùng có khả năng chạm tới vòi trứng.* Bên cạnh những rào cản do cơ thể nữ đặt ra, ngay cả số ít tinh trùng may mắn vẫn phải cạnh tranh với những con đực khác (ít nhất, nếu như mô hình hoạt động tính dục của loài người chúng ta có đôi chút giá trị nào đó).

Nhưng trong khi đặt ra rào cản với hầu hết tinh trùng thì cơ thể phụ nữ đồng thời chọn cách hỗ trợ số còn lại. Có bằng chứng ấn tượng cho thấy rằng hệ thống sinh sản của phụ nữ có khả năng phán đoán tinh tế dựa trên dấu hiệu hóa học của tế bào tinh trùng thuộc các anh chàng khác nhau. Các đánh giá này có thể áp dụng tốt cho cả sức khỏe tổng quan lẫn những điểm tinh tế của khả năng tương thích miễn dịch. Khả năng tương thích di truyền của các anh chàng khác nhau đối với một phụ nữ cụ thể có nghĩa là chất lượng tinh trùng mang đặc tính tương đối. Do vậy, như Anne Pusey giải thích: “Phụ nữ có thể được hưởng lợi từ việc thu tinh trùng của nhiều đàn ông, và những phụ nữ khác nhau không nhất thiết phải được hưởng lợi từ việc giao phối với cùng một người đàn ông ‘chất lượng cao’.”

Đây là một luận điểm cực kỳ quan trọng. Không phải anh chàng “chất lượng cao” nào cũng kết hợp tốt được với bất cứ cô nàng cụ thể nào - ngay cả ở cấp độ thuần sinh học. Do tính phức tạp của quá trình hai bộ ADN bố mẹ tương tác khi thụ thai, anh chàng nào có vẻ mang giá trị giao phối vượt trội (hàm bạnh, cơ thể cân đối, nghề nghiệp tốt, nắm tay chắc chắn, thẻ AMEX Platinum) trên thực tế lại có thể kém phù hợp về mặt di truyền đối với một cô nàng cụ thể nào đó. Vì vậy, phụ nữ (và cuối cùng là con của cô ấy) có thể được hưởng lợi nhờ “lấy mẫu của nhiều đàn ông” và bỏ mặc cho hệ thống sinh sản quyết định tinh trùng của ai sẽ thụ tinh cho trứng của mình. Hay nói cách khác, cơ thể của cô có thể chọn lọc thông tin tốt hơn so với đầu óc tỉnh táo của cô.

Về phương diện sinh sản, “sự phù hợp” của các ông tổ thời tiền sử của chúng ta đã được quyết định là không nằm quá nhiều trong thế giới vật chất bên ngoài và xã hội, nơi các lý thuyết thông thường nói rằng đàn ông cạnh tranh vì bạn tình trong các cuộc chiến xúi giục nhằm đoạt lấy địa vị và của cải vật chất, mà nằm trong thế giới nội tại của bộ máy sinh sản nữ. Hóa ra mỗi cơ thể phụ nữ đều được trang bị các cơ chế chọn lựa người bố tiềm năng ở cấp độ tế bào.

Hãy nhớ điều này khi lần tới bạn đọc được những câu đại loại như: “Thiên hướng tranh giành ảnh hưởng, của cải và uy tín đều chỉ là những cách mà một người đàn ông đang tự đặt mình vào để giành được phụ nữ cho giao phối”, hoặc, “Cạnh tranh giao phối sẽ bao gồm các cuộc chiến giành lấy tài nguyên mà người vợ (của đàn ông) cần có để nuôi con”.* Rất có thể đây là tình huống của đa số mọi người ngày nay, nhưng cách đây không lâu, cơ thể chúng ta đưa ra một kịch bản rất khác.

* * *

Theo cách hiểu tốt nhất thì cạnh tranh tinh trùng không phải là cuộc đua nước rút đến quả trứng mà là cuộc chạy vượt rào. Bên cạnh các bạch cầu chống tinh trùng đề cập trước đó, những trở ngại về mặt giải phẫu học và sinh lý học còn có trong âm đạo, cổ tử cung và trên bề mặt của chính quả trứng nữa. Sự phức tạp của cổ tử cung người cho thấy nó tiến hóa để lọc tinh trùng của nhiều người đàn ông. Liên quan đến khỉ macaque (loài khỉ cực kỳ bừa bãi) và con người, Dixson viết: “Đối với giống khỉ Macaca, mọi loài được coi là có hệ thống giao phối nhiều đực-nhiều cái đều có cấu trúc cổ tử cung cực kỳ phức tạp…” Ông nói tiếp, ”bằng chứng gắn liền với loài người và khỉ macaque cái chỉ ra rằng cổ tử cung vừa đóng vai trò bộ máy lọc vừa làm bể chứa tạm thời cho tinh trùng trong lúc chúng di cư vào dạ con.”* Cũng như dương vật phức tạp và tinh hoàn bên ngoài ở đàn ông, thiết kế lọc tinh tế ở cổ tử cung người chỉ ra tình trạng tình dục bừa bãi ở tổ tiên chúng ta.

Ý tưởng cho rằng sự lựa chọn ở phụ nữ (ý thức hoặc vô thức) có thể xảy ra sau khi hoặc trong khi giao phối chứ không phải là một phần của nghi lễ tán tỉnh tiền giao phối đã lật ngược mô tả chuẩn mực từ trong ra ngoài, từ trên xuống dưới. Nếu hệ sinh sản nữ đã hình thành các cơ chế phức tạp để sàng lọc và từ chối tinh trùng của một số đàn ông trong khi hỗ trợ tinh trùng của một người khác đáp ứng được các tiêu chí mà có thể cô ấy hoàn toàn không biết, “phụ nữ rụt rè” của Darwin bắt đầu hiện ra đúng với bản chất: một ảo ảnh lỗi thời.

Nhưng Darwin có thể đã hoài nghi nhiều hơn những gì ông viết về cơ chế chọn lọc tình dục hậu giao phối. Bất cứ cuộc thảo luận nào về hành vi tình dục loài người hoặc ngụ ý tiến hóa về hình thái sinh dục của chúng ta đều hết sức gây tranh cãi vào năm 1871, nói nhẹ ra là như thế. Hãy hình dung, giống như Dixson, “điều gì sẽ xảy ra nếu dòng dõi con người phô bày những chi tiết về sự tiến hóa của dương vật và tinh hoàn hoặc mô tả các tư thế và kiểu giao phối của động vật cũng như con người”.

Không ai có thể trách Darwin vì đã quyết định không đưa các vấn đề về sự tiến hóa của dương vật và âm đạo vào trong tác phẩm vốn đã mang tính chất thay đổi định kiến của ông. Nhưng một thế kỷ rưỡi là khoảng thời gian dài để sự cân nhắc và thành kiến văn hóa tiếp tục che giấu sự thật khoa học. Đối với Meredith Small, câu chuyện về vai trò của phụ nữ trong việc thụ thai là hình ảnh thu nhỏ của mô tả chung. Bà thấy cách hiểu phổ biến về thụ thai là “câu chuyện ngụ ngôn lỗi thời về hoạt động tính dục của loài người” coi đàn ông là “kẻ gây hấn, kẻ thuyết phục, kẻ chinh phục”. Nhưng nghiên cứu gần đây về sự thụ thai ở con người cho thấy có sự đảo ngược vai trò. Small đưa ra giả thuyết là trứng “vươn ra và ôm lấy tinh trùng còn đang do dự”. “Sinh học phụ nữ”, bà kết luận, “ngay cả ở cấp độ tương tác trứng với tinh trùng, cũng không nhất thiết phải bắt theo một lập trường dễ bảo.”

Bên cạnh việc bao bọc lấy trứng, cổ tử cung còn phải sàng lọc hoặc hỗ trợ tinh trùng, và các cơn co thắt âm đạo có thể trục xuất tinh trùng của người này trong khi hỗ trợ tinh trùng của người khác, cơn cực khoái của phụ nữ kích thích những thay đổi trong nồng độ acid của âm đạo. Những thay đổi này xuất hiện hỗ trợ các tế bào tinh trùng của anh chàng may mắn nào tạo ra cơn cực khoái. Môi trường tại cổ tử cung mở có tính acid cao nên đây là kẻ thù đối với tế bào tinh trùng. Độ pH kiềm của tinh dịch có thể bảo vệ được tinh trùng trong môi trường này nhưng không lâu, đa phần các tế bào tinh trùng chỉ sống trong âm đạo được vài giờ, vì vậy những thay đổi này làm biến đổi môi trường âm đạo theo hướng có lợi cho một số tinh trùng nhất định.

Các lợi ích này cũng có hai mặt. Nghiên cứu gần đây cho thấy phụ nữ không dùng bao cao su có khả năng bị trầm cảm nhiều hơn so với phụ nữ dùng bao cao su hoặc không sinh hoạt tình dục. Nghiên cứu ban đầu của nhà tâm lý học Gordon Gallup đối với 293 phụ nữ (dữ liệu khá khớp với dữ liệu của một cuộc khảo sát khác sắp được công bố, bao gồm 700 phụ nữ) thấy rằng phụ nữ có thể hình thành một sự “phụ thuộc hóa chất” cho việc lên đỉnh mà họ có được nhờ testosterone*, estrogen*, prostaglandin* và các hormone khác có trong tinh dịch. Các hóa chất này đi vào máu qua thành âm đạo.*

Nếu đúng là đa phối phổ biến trong quá trình tiến hóa của loài người, sự lệch pha rõ ràng giữa phản ứng cực khoái tương đối nhanh ở nam giới và cái gọi là phản ứng “trễ” ở phụ nữ là điều dễ hiểu (lưu ý phản ứng ở phụ nữ bị “trễ” như thế nào chỉ khi ở nam giới được coi là “đúng lúc”). Cơn cực khoái nhanh chóng ở nam giới giảm bớt cơ hội bị gián đoạn bởi lũ thú dữ hoặc các anh chàng khác (sự tồn tại của kẻ nhanh nhất!), trong khi phụ nữ là kẻ được hưởng lợi nhờ thực hiện việc kiểm soát hậu giao phối đối với những tinh trùng có nhiều khả năng thụ thai cho trứng của mình nhất.

Prolactin* và các hormone khác tiết ra lúc cực khoái kích hoạt những phản ứng khác nhau ở cả nam và nữ. Trong khi đàn ông chắc chắn cần thời gian nghỉ ngơi (hay hồi phục) kéo dài ngay sau mỗi lần cực khoái (và có thể cùng một cái bánh sandwich và một chai bia nữa), do vậy anh ta không ngáng đường các anh chàng khác, phụ nữ lại sẵn sàng và có khả năng tiếp tục hoạt động tình dục ngoài “cơn cực khoái khởi động”.

Cần phải nhắc lại rằng các loài linh trưởng có con cái biết đến cực khoái đều có xu hướng lang chạ. Khả năng thay đổi cao của các hành vi giao phối - thậm chí chỉ ở các loài khỉ - là điều cực kỳ quan trọng. Người ta hiếm khi thấy lũ vượn chung thủy giao phối bừa bãi, chúng giao phối không thường xuyên và diễn ra trong thầm lặng, trong khi đó tinh tinh và tinh tinh lùn cái lại rất phóng túng. Con cái thường giao phối với mọi con đực mà chúng tìm thấy, và rõ ràng là chúng giao phối nhiều hơn hẳn mức cần thiết cho việc sinh sản. Goodall cho biết đã nhìn thấy một con cái ở Gombe giao phối 50 lần trong một ngày.

Sherfey không hề ngượng ngùng về mối quan hệ lệch pha này trong khả năng lên đỉnh của đàn ông và phụ nữ, bà viết: “Cơn đói tình dục của phụ nữ cũng như khả năng giao phối của cô ta hoàn toàn vượt xa bất cứ anh chàng nào”, và, “Với tất cả mọi ý định và mục đích, phụ nữ là những kẻ vô độ trong tình dục…” Có thể đúng và cũng có thể sai, nhưng không thể phủ nhận rằng thiết kế của hệ sinh sản nữ giới loài người vượt xa dự báo của mô tả chuẩn mực, do vậy đòi hỏi phải suy nghĩ lại một cách triệt để về sự tiến hóa của hoạt động tính dục nữ.