Tìm Lại Cái Tôi Đã Mất

Tòng Phạm Lớn Nhất Của Niềm Vui Giả Tạo Là Con Quỷ Nhút Nhát

| CON HỔ GIẤY TRONG TIM

Nếu có một ngày bạn biết công ty có kế hoạch cắt giảm nhân sự, xét về tiêu chuẩn cắt giảm, có lẽ bạn khó mà tránh được “kiếp nạn” này, bạn sẽ có phản ứng như thế nào?

“Tôi làm việc chăm chỉ ở công ty này đã mười năm rồi, tôi dâng hiến cả tuổi thanh xuân cho nó. Nếu bây giờ công ty đuổi việc tôi thì cũng thật không có tình người! Trong tình hình khủng hoảng kinh tế như thế này, biết đi đâu tìm việc? Tiền trả nhà hàng tháng của tôi phải làm thế nào? Phí quản lí, phí điện nước phải làm thế nào? Con trai của tôi sắp đi mẫu giáo rồi, không có tiền cho nó học trường tốt, tương lai của nó sẽ thế nào? Trời ơi! Tôi nên làm thế nào?”

Hết cái “phải làm thế nào” này đến cái “phải làm thế nào” khác tranh nhau vẫy tay chào hỏi bạn, như thể bạn sắp đến đảo Bali du lịch, chúng sợ bị bạn bỏ lại vậy.

Lúc nào chúng ta cũng sợ tạm biệt trạng thái cuộc sống quen thuộc, ổn định để đối mặt với môi trường xa lạ chưa biết. Chúng ta luôn hi vọng biết được mình đang ở đâu, rồi lại vì sao lại ở đây, ở đây làm gì, vì sao làm những chuyện này; thường quen với việc tiếp nhận những thông tin rõ ràng, quen thuộc, chắc chắn, nằm trong tầm kiểm soát của mình, lo sợ cảm giác bất lực khi cuộc sống không nằm trong tầm kiểm soát của mình. Điều đó thúc đẩy chúng ta đánh đồng những gì chưa biết, chưa xác định với nguy hiểm. Để tránh nguy hiểm, chúng ta thà ở lại vùng đất thoải mái mà mình đã quen thuộc, tự ngăn cản bước chân của mình.

Khi chúng ta lo sợ những điều chưa biết thì cũng chính là lúc ta đang dùng toàn bộ tinh thần và sức lực để đối kháng với nó. Chúng ta từ chối bước ta khỏi môi trường sống quen thuộc, ổn định, thoải mái, khiến ta không nhìn rõ hình dáng của những điều bị chúng ta từ chối. Hễ nghe thấy “Sói đến rồi” là ta liền co cẳng bỏ chạy, có lẽ chúng ta còn chưa được chứng kiến sự đáng sợ của sói, thậm chí chưa bao giờ nhìn thấy dáng vẻ thật sự của sói. Chúng ta bị phản ứng thói quen của mình kéo vào vòng xoáy của sự sợ hãi. Vùng vẫy trong vòng xoáy của sự sợ hãi sẽ khiến nỗi sợ hãi trong lòng càng lớn lên. Chúng ta không ngừng vùng vẫy, tiêu hao sức lực của mình một cách vô ích, đến tận khi không còn sức lực để cất bước, toàn thân trở nên giống như một pho tượng.

Chúng ta sống cuộc sống giống như pho tượng nhưng chưa bao giờ ý thức được cái gọi là an toàn và sợ hãi chỉ là suy nghĩ hạn chế chúng ta hành động. Khi chúng ta biết kế hoạch cắt giảm nhân sự của công ty, nếu thay đổi cách suy nghĩ, có lẽ cuộc sống của chúng ta sẽ xuất hiện một cảnh tượng khác tràn đầy sức sống.

“Tôi làm việc cho công ty này đã mười năm rồi, không có dũng khí để ra đi, bây giờ cuối cùng đã cơ cơ hội để làm việc mà trước đây mình muốn làm rồi. Cả đời tôi không thể cứ chỉ làm một việc, chỉ ở một nơi như thế này. Đây là một cơ hội để tôi bắt đầu lại; còn về tiền vay để mua nhà, tôi có thể cho thuê lại nhà, gạt bỏ gánh nặng; còn về con trai, không nhất thiết cứ phải học trường đắt tiền, đắt chưa chắc đã tốt, thích hợp với nó là được, rất nhiều người không đi học mà vẫn thành đạt…”

Bạn đã cảm nhận thấy điều gì chưa? Sự ỷ lại của chúng ta vào vùng đất thoải mái và nỗi sợ hãi những điều chưa biết đến từ đâu? Chúng đến từ sự cường điệu hóa một cách vô thức, không ngừng nghỉ về những suy nghĩ tiêu cực của chúng ta. Vốn dĩ đó chỉ là một con mèo ngoan ngoãn nhưng bạn lại coi nó là con hổ, nhìn kĩ lại, không biết chừng còn là một con hổ đang há to cái miệng đầy máu. Nếu thật sự là một con hổ, bạn đâu còn thời gian để ở đây nghĩ đông nghĩ tây? E rằng bạn đã bị nó ăn thịt từ lâu rồi!

Có một câu danh ngôn như thế này: “Thứ duy nhất chúng ta không thể không sợ chính là sợ bản thân. Nỗi sợ hãi khó có thể diễn tả, mất đi lý trí và vô căn cứ này làm tê liệt ý chí của con người, khiến con người không còn những nỗ lực cần thiết, nó biến tất cả những nỗ lực cần thiết để biến lùi thành tiến của con người thành bong bóng xà phòng.” Rất nhiều lúc, sợ hãi chỉ là suy nghĩ biến dạng của chúng ta về một điều gì đó, nhưng những suy nghĩ này lại điều khiển hành vi của chúng ta bằng một sức mạnh khủng khiếp.

| CÁI TÔI BỊ NHỐT TRONG BỨC TƯỜNG NIỀM VUI GIẢ TẠO

Trong một lần đi chơi vườn bách thú, có một hình ảnh đã để lại ấn tượng rất sâu sắc với tôi.

Một ngày cuối tuần, chúng tôi tới vườn bách thú chơi. Khi đến chuồng voi, chúng tôi nhìn thấy rất nhiều người ném các loại hoa quả như táo, chuối vào trong chuồng voi. Voi nhìn thấy hoa quả ném vào liền chạy ra ăn.

Tôi phát hiện có quả táo lăn tới cạnh tường, voi chạy theo quả táo tới chỗ cách tường ba bốn mét là dừng lại, không ăn quả táo đã gần ngay trước mắt ấy nữa.

Lúc ấy tôi có chút bực tức, chỉ cần nó đi thêm một bước nữa là có thể ăn được quả táo. Nhưng vì sao nó lại ủ rũ quay đầu bước đi?

Tôi nhìn kĩ, thì ra chỗ cách tường bao ba bốn mét có những sợi thép rất nhỏ, dài khoảng một thước, cắm thành một vòng tròn bao quanh chuồng voi, giống như một đường ranh giới. Nhưng những sợi thép mảnh nhỏ này cơ bản sẽ không gây ra bất cứ nguy hại nào cho voi, vì sao chúng không dám bước qua? Quả táo ở ngay trước mắt, nó đã chạy xa như vậy rồi, chỉ thiếu một bước nhỏ này thôi? Tôi cảm thấy tò mò về ma lực của những sợi thép này, cái gì khiến chúng giam cầm được những con vật khổng lồ này?

Suy đoán của bạn tôi là trên dây sắt có điện hoặc là dây sắt có thể phát ra sóng điện từ, có thể ngăn cản voi lại gần. Tôi mang những nghi vấn này lên mạng tra nhưng tra cứu rất lâu cũng không tìm thấy lời giải thích hợp lí.

Về sau, tôi gọi điện đến vườn bách thú để hỏi. Người quản lí nói: “Chúng tôi sợ voi làm hại khách đến thăm quan nên từ nhỏ đã huấn luyện chúng không được bước ra khỏi phạm vi ấy. Khi nó định bước ra khỏi khu vực này, người quản tượng sẽ trừng phạt nó. Voi là loài động vật rất thông minh, lâu dần chúng không dám bước ra khỏi phạm vi ấy nữa, đến tận khi voi đã trở thành con vật to lớn như bây giờ, nó cũng không dám bước ra vạch ranh giới này.”

Lúc này có lẽ bạn sẽ nghĩ voi thật ngốc, để những sợi dây thép nhỏ bé chôn chân trong khu vực hữu hạn, chỉ nhìn mà không dám lấy quả táo. Thực ra, chẳng phải con người chúng ta cũng vậy sao? Bất cứ khu vực nào cách xa sự an toàn và vui vẻ đều là khu vực cấm của chúng ta. Muốn hạn chế voi, chỉ cần một vài sợi dây thép mỏng, còn muốn giam cầm chúng ta, để chúng ta không thể nhúc nhích, chỉ cần một ý nghĩ không nhìn thấy, không sờ thấy. Đây chẳng phải là một chuyện đáng sợ sao?

Anh Lâm có một nỗi sợ hãi không thể nói thành lời với việc lái xe. Cứ nhắc đến việc mua xe, anh lại viện hàng đống lí do hợp lí để không mua. Ví dụ lái xe nguy hiểm, nuôi xe phiền phức, không có thời gian thi bằng lái, lái xe ảnh hưởng tới uống rượu gì gì đó. Vợ anh ta có bằng lái, rất muốn mua xe nhưng lúc nào anh ta cũng chần chừ không mua.

Có một hôm, cuối cùng anh ta đã lấy hết dũng khí đi mua xe. Trước khi đi, anh ta gọi điện thoại cho tôi, bảo tôi đi lấy xe giúp. Lúc ấy đúng lúc tôi có việc, không đến kịp, liền khuyên nhủ qua điện thoại, bảo anh ta yên tâm đi lấy xe.

Mấy hôm sau, tôi gọi điện hỏi anh ta đi xe thế nào. Anh ta nói không mua nữa.

Lúc ấy tôi vô cùng ngạc nhiên, hỏi anh ta sao không mua. Anh ta nói: “Hôm ấy cậu không đến, tôi cũng không biết chọn xe, vì thế quyết định không mua nữa. Về sau nghĩ lại, vẫn thấy bắt xe bus thuận tiện hơn”.

Đúng là lí do nực cười. Sự việc đã qua đi hai năm rồi, chỉ vì một lý do đơn giản như vậy khiến anh ta đến tận bây giờ vẫn không lái xe được.

Nếu chúng ta không muốn bước ra khỏi vùng đất quen thuộc của mình, thì cho dù là một lí do vô cùng nực cười cũng có thể khiến chúng ta ngoan ngoãn đứng ở chỗ cũ.

Thái độ sống này của anh Lâm khiến cuộc sống của anh ta đơn điệu, nhàm chán. Năm nay, Lâm đã ngoài 40 tuổi, tôi quen anh ta khi chúng tôi mới 27 tuổi. Lúc ấy anh ta thế nào, bây giờ vẫn như vậy, chỉ là tóc ít hơn, bụng to hơn, than phiền nhiều hơn và nhát gan hơn trước đây. Ngoài ra, không có sự biến đổi nào khác.

Tâm lí sợ hãi hạn chế chúng ta trải nghiệm những điều mới lạ. Nhưng chúng ta thường cho rằng, chính những sự vật khiến chúng ta sợ hãi đã hạn chế hành vi của chúng ta. Thực ra, thứ bủa vây chúng ta chỉ là ý nghĩ sợ hãi trong đầu chúng ta chứ không phải là bản thân hiện thực. Những nỗi sợ hãi này đã xây một bức tường rất cao, giam cầm chúng ta trong vùng đất quen thuộc, khiến chúng ta không bước ra được.

| THẮT DÂY AN TOÀN TRƯỚC KHI LÊN XE

“Trước khi lên xe” đã thắt dây an toàn? Có lẽ bạn sẽ cho rằng tôi viết sai. Nên là thắt dây an toàn “trước khi lái xe” thì đúng hơn? Không sai, là thắt dây an toàn trước khi lên xe.

Có một thực tế là, lúc nào chúng ta cũng muốn thắt dây an toàn trước khi lên xe. Vì muốn cuộc sống tương lai được đảm bảo, chúng ta yêu cầu bạn trai của mình có thu nhập ổn định, yêu cầu trước khi kết hôn phải mua được nhà, còn phải có một chiếc xe thật tử tế… Đưa ra kế hoạch và sắp xếp chu đáo cho tương lai không có gì là không đúng. Nhưng khi chúng ta coi những kế hoạch và sắp xếp này quan trọng hơn cả bản thân, cường điệu kế hoạch và sự sắp xếp thì lại thể hiện nỗi sợ hãi những điều chúng ta chưa biết và không xác định. Hành động này sẽ khiến chúng ta bị hạn chế trong một quỹ tích cố định, cuộc sống của chúng ta cũng sẽ rơi vào thế cục đã được vạch sẵn. Điều đó sẽ khiến chúng ta bỏ lỡ rất nhiều cơ hội phát triển tốt đẹp, khiến chúng ta mất đi sức sáng tạo và nhiệt tình với cuộc sống, khiến sinh mệnh trở nên không còn sức sống.

Bên cạnh một vị lão hòa thượng nọ có rất nhiều đệ tử trung thành.

Một hôm, lão hòa thượng căn dặn các đệ tử mỗi người xuống núi phía nam lấy về một bó củi. Khi các đệ tử đi tới chỗ cách núi nam không xa, họ liền dừng lại. Cơn mưa lớn suốt cả ngày khiến nước sông dâng cao, dòng suối nhỏ ban đầu biến thành con sông lớn chắn đường đi của họ. Các đệ tử nhìn nước sông chảy xiết, ai cũng trợn mắt há mồm. Xem ra không thể qua sông lấy củi được, các đệ tử đều quay về tay không.

Các đệ tử ủ rũ đến trước mặt sư phụ. Lúc ấy chỉ có một tiểu hòa thượng tỏ ra bình thản.

Sư phụ hỏi lý do, tiểu hòa thượng lấy ra một quả táo rất to từ trong túi ngực, đưa cho sư phụ và nói: “Chúng con không qua sông được, không lấy được củi, thấy bên bờ sông có một cây táo, liền tiện tay hái quả táo duy nhất trên cây về đây ạ.” Sư phụ nghe xong gật đầu. Về sau, tiểu hòa thượng này trở thành truyền nhân của sư phụ.

Nếu chúng ta quá chú trọng vào kế hoạch và sự sắp xếp, thì khi hiện thực xuất hiện bất cứ tình huống nào ngoài kế hoạch và sự sắp xếp, chúng ta cũng sẽ giống như những đệ tử kia, ra về tay trắng. Đệ tử của lão hòa thượng bó hẹp mục tiêu của mình trong việc lấy củi, không lấy được củi, kế hoạch của họ coi như đổ bể. Còn trong quá trình này, tiểu hòa thượng kia lại có thể tùy cơ nắm bắt lấy cơ hội bên cạnh mình, để bản thân có được thành quả.

Quay trở lại hiện thực, chúng ta cũng thích đặt ra các kế hoạch. Phần lớn những người lái xe đều thích đi theo lộ trình đã vạch ra sẵn. Như thế, chúng ta có thể biết rất rõ 1 km nữa là vào đường chính, vào đường chính đi 2 km nữa rồi rẽ bên trái là lên cầu, hạn chế tốc độ 40km, xuống cầu, đi thêm 1,5km nữa thì giảm tốc độ, bắt đầu tắc đường, vì thế tốt nhất lại rẽ trái… 1 tiếng sau, về nhà an toàn theo kế hoạch. Nếu không có tình huống đặc biệt, chúng ta có thể đảm bảo được thời gian về nhà mỗi lần sẽ không chênh lệch quá 5 phút, có thể đẩy cửa bước vào nhà đúng lúc vợ bày đồ ăn lên bàn.

Vậy thì vì sao chúng ta không thử đi một con đường mới? Sở dĩ chúng ta đi theo con đường trong kế hoạch là bởi vì con đường mới chưa chắc đã gần hơn hoặc không tắc đường, cuối cùng có lẽ sẽ mất thời gian bằng với thời gian đi con đường trong kế hoạch, thậm chí mất nhiều thời gian hơn. Với con đường mới, chúng ta không quen, không biết chừng sẽ không cẩn thận đi vào đường một chiều và bị phạt, không biết chừng chỉ một phút lơ là bỏ qua bảng chỉ dẫn giảm tốc dẫn đến bị phạt vì vượt quá tốc độ. Ai cũng có những tiên đoán riêng, và đều rất sâu xa. Việc đi một con đường mới cần chúng ta mất thêm nhiều công sức để chú ý biển chỉ đường và các vật cản, còn con đường trong kế hoạch thì đơn giản hơn nhiều. Quỹ tích kế hoạch khiến chúng ta không có dũng khí đi vào ngã tư xa lạ. Điều đó có nghĩa là tất cả mọi thứ bên ngoài quỹ tích đều không có duyên với chúng ta.

Tagore đã từng nói: “Cuộc sống không phải là một dòng sông nhân tạo, không thể hạn chế nước sông trong một vài dòng chảy đã được vạch sẵn.” Trên con đường mới, biết đâu chúng ta sẽ phát hiện một nhà hàng đặc sắc gần nhà mình hơn hoặc một siêu thị lớn mới mở, biết đâu sẽ nhìn thấy một mặt đáng yêu hơn của thành phố này, thậm chí sẽ phát hiện rất nhiều bạn bè đã mất liên lạc nhiều năm với mình thực ra đều sống cách mình không xa, chỉ là một người quen đi bên trái, một người quen đi bên phải, hai người không có cơ hội gặp nhau.

Kế hoạch và sự sắp xếp được chúng ta cường điệu giống như vòng kim cô trên đầu Tôn Ngộ Không, nó sẽ ngày càng trói ta chặt hơn. Chúng ta càng coi trọng kế hoạch thì sẽ càng biểu hiện sự sợ hãi của chúng ta với những điều chưa biết. Tâm lí sợ hãi sẽ khiến chúng ta lún sâu trong vùng đất an toàn. Bảo thủ làm theo kế hoạch chỉ có thể khiến chúng ta giống như ếch ngồi đáy giếng, nhìn thế giới to bằng cái vung trên đỉnh đầu, đến tận khi cuộc đời của chúng ta không còn chút sức sống. Thử hỏi, nếu có một ngày, chúng ta bị ném vào một vùng núi xa xôi, hẻo lánh mà không kịp có một sự chuẩn bị nào, tỉ lệ sống sót của chúng ta là bao nhiêu?

✳✳✳

| KHÔNG AI CÓ THỂ KHIẾN CHÚNG TA THẤT BẠI

Có một người rất muốn li hôn, nhưng vẫn chưa đạt được ước nguyện. Cô ấy đã giải thích với tôi nguyên nhân cô ấy muốn li hôn.

Hai vợ chồng họ vừa mới bước qua tuổi ba mươi, người vợ cho rằng đây đúng là thời điểm phấn đấu cho sự nghiệp. Nhưng ngày nào cũng vậy, sau khi đi làm về, chồng cô không lên mạng thì xem tivi, cuối tuần và ngày nghỉ lễ cũng như vậy. Ngoài ra, anh ta không muốn làm bất cứ việc gì khác. Cô ấy không nhìn thấy ở chồng bất cứ tia hi vọng nào cho tương lai. Chỉ cần nhìn những ngày tháng hiện tại là có thể biết được cuộc sống của mười, hai mươi năm sau. Cô ấy cảm thấy những ngày tháng như thế này khiến cuộc đời mình đi xuống, không một chút mong chờ, không một chút hi vọng, dường như có một đôi tay đẩy mình xuống hố sâu, vô cùng tuyệt vọng.

Cảm giác khủng hoảng về cuộc sống thúc đẩy bản thân cô không ngừng học tập, không ngừng tiếp xúc với những điều mới lạ. Cứ nhìn thấy dáng vẻ nhàn rỗi của chồng, cô ấy lại cảm thấy quả thực không thể chịu đựng được nữa, một năm trước cô ấy quyết định li hôn.

Nhưng chồng cô ấy không chịu li hôn, lại còn mượn sức ép từ cha mẹ hai bên để gây áp lực cho vợ, khiến cô ấy cảm thấy bản thân là một người phụ nữ không an phận, không có trách nhiệm, là một đứa con gái không hiếu thuận. Cô ấy rất muốn li hôn, nhưng cô ấy cho rằng chỉ cần li hôn, cuộc đời sẽ coi như thất bại hoàn toàn. Cô ấy cũng đã từng nghĩ có thể vì cha mẹ mà tiếp tục cuộc hôn nhân nhưng cuối cùng thất bại, bởi vì quả thực, cô ấy không thể chịu đựng được cách sống như thế này. Cô ấy không biết nên làm thế nào, nhưng cũng không muốn tiếp tục cuộc sống như vậy, vì thế, rất mong có người có thể giúp đỡ mình xua đi nỗi phiền muộn trong lòng.

Sở dĩ cô ấy lâm vào tình cảnh ngày hôm nay là bởi vì từ nhỏ cô ấy đã bị người ta tiêm nhiễm quan điểm thất bại. Li hôn có nghĩa là hôn nhân thất bại, có nghĩa cô ấy là một người thất bại trong tình cảm, thậm chí nâng cấp lên thành thất bại trong việc làm người. Nhận thức này khiến cô ấy có tâm lí sợ hãi thất bại, nó trói buộc tự do của cô ấy.

Cái gọi là thất bại ở đây đơn giản chỉ là cách nhìn nhận của người khác về một số sự việc nào đó. Chỉ khi chúng ta hiểu rằng không cần phải làm theo ý đồ của người khác thì sự trói buộc của quan niệm này đối với chúng ta mới mất đi hiệu lực.

Nếu cô ấy li hôn theo mong muốn của mình, nhưng vẫn không thể sống cuộc sống lí tưởng của mình, vậy là cô ấy đã thất bại sao? Chúng ta thường bước vào một sai lầm, chính là đánh đồng giá trị của bản thân với sự thành bại của một sự việc nào đó, nhầm lẫn giữa sự thất bại của một sự việc với sự thất bại của một người.

Trong cuộc sống, mỗi việc chúng ta làm đều có tính mục đích mãnh liệt, đều hướng tới thành công. Lúc nào chúng ta cũng được rót vào tai những câu như phải kiên trì, kiên trì chính là thắng lợi, phải cố gắng hết sức… Hàm ý của những câu nói này chính là chúng ta nhất định phải thành công. Những câu nói thoạt nghe thì tưởng là tích cực, đúng đắn này sẽ đẩy chúng ta vào đường cùng: Không thành công có nghĩa là thất bại. Chỉ cần bắt tay vào làm một việc thì có nghĩa là ta đã bước vào con đường một chiều. Chúng ta phải thề chết xông lên phía trước, bởi vì mục tiêu của chúng ta là thành công, dừng lại có nghĩa là thất bại, dừng lại có nghĩa là chứng minh bản thân không thể thành công hoặc không có khả năng khiến mình thành công. Chúng ta tiếp thu những quan niệm này không chút nghi ngờ, đồng thời để nó trói buộc cuộc sống và tự do của chúng ta.

Nguyên nhân sâu xa của việc chúng ta làm việc theo mong muốn của người khác là chúng ta sợ người khác nói mình là người thất bại, là để bảo vệ hình tượng tốt đẹp của bản thân. Chúng ta ấm ức nhưng vẫn ép mình kiên trì làm việc mà bản thân không muốn, cho đến một ngày, chúng ta cảm thấy chán nản, mới ý thức được rằng có một số chuyện không giống như chúng ta đã nghĩ.

Một điều cần phải luôn ghi nhớ là: Trên thế giới này, không ai có thể khiến chúng ta thất bại, chỉ có bản thân chúng ta!

| GIẤU GIẾM LÀ ĐƯỜNG LÙI CỦA NIỀM VUI GIẢ TẠO

Hải và Lệ cùng làm việc trong một công ty, quan hệ thân mật nhưng cả hai đều không dám chủ động bày tỏ vì sợ bị đối phương từ chối, khiến bản thân mất mặt.

Hôm ấy, Hải cảm thấy cứ tiếp tục thế này quả thực rất mệt mỏi, bèn thử thăm dò xem rốt cuộc thái độ của Lệ với mình là gì.

Hải hỏi: “Em muốn tìm một người bạn trai như thế nào, để anh giới thiệu cho em một người?”

Lệ thầm nghĩ: “Tích cực giúp mình tìm bạn trai như vậy, xem ra mình không phải là mẫu người anh ấy thích.” Thế nên cô liền nói: “A! Thật sao? Được thôi.”

Hải thầm nghĩ: “Vui vẻ nhận lời như vậy, xem ra cô ấy không thích mình.”Liền hỏi: “Thế em thích mẫu người như thế nào?”

Lệ nói: “Ham học cầu tiến, có tinh thần trách nhiệm…” (đúng là những đức tính của Hải). Cuối cùng Lệ nói thêm một câu: “Phải tích cực chủ động trước mặt người mình thích, nếu không có thích như thế nào thì rồi cũng sẽ nguội lạnh.”

Hải nói: “Em xem hai chúng ta đã nguội lạnh chưa?”

Lệ nói: “Chẳng phải anh định giới thiệu cho em sao?”

✳✳✳

Qua đoạn đối thoại này giữa Lệ và Hải, không khó có thể nhận ra rằng chúng ta sợ sự phủ định và từ chối của người khác với mình như thế nào. Tâm lí này chắn trước suy nghĩ chân thực, khiến chuyện đơn giản trở nên phức tạp.

Nếu coi người khác là ngọn nguồn để chúng ta có được niềm vui giả tạo, vậy thì chúng ta vô hình trung sẽ sợ bị người khác nhìn thấy suy nghĩ chân thực của mình. Nỗi sợ hãi trong lòng khiến chúng ta né tránh bất cứ thử thách nào. Nếu không thể tránh được, chúng ta sẽ cố gắng giữ im lặng, tự kiềm chế, đeo chiếc mặt nạ khiến người khác không thể thấu hiểu được, hoặc là ngụy trang bản thân trở thành người không thể công kích, phải bỏ rất nhiều tinh thần và sức lực để che đậy cái tôi chân thực, khiến người khác không thể nhìn thấu. Chúng ta thường biến sự việc đơn giản trở nên phức tạp, khiến người khác cảm thấy mơ hồ, khó nắm bắt, như thế chúng ta có thể có không gian để rút lui sau khi mục đích thật sự của mình bị người khác phát hiện.

Mỗi người đều có thể dùng chiếc áo khoác sặc sỡ, chiếc mặt nạ buồn vui thất thường, những lời nói không thật lòng để tô vẽ cho mình. Sở dĩ thế giới này trở nên phức tạp là vì chúng ta thích mập mờ, thích đưa đẩy. Chúng ta cảm thấy làm như vậy sẽ an toàn hơn so với việc công khai lập trường của bản thân một cách rõ ràng.

Sự phát sinh của rất nhiều chuyện không vui trong cuộc sống đều là vì chúng ta đang bảo vệ lòng tự tôn và thể diện ở tít trên cao mà chúng ta tự ngộ nhận. Chúng ta thà từ bỏ còn hơn là bước ra khỏi cái gọi là “tôn nghiêm” mà chúng ta bảo vệ, cũng không thể chấp nhận làm tổn thương cái tôi. Vốn dĩ là một chuyện đơn giản nhưng lại bị chúng ta làm cho rất phức tạp. Thực ra, những cái gọi là tôn nghiêm và thể diện này chỉ là bong bóng mà bộ não của chúng ta tạo ra vì lo sợ sự khô héo của cái tôi. Những bong bóng tư tưởng hư ảo này trở thành nơi giam cầm chúng ta.

| THÓI QUEN KHIẾN CHÚNG TA RƠI VÀO ĐƯỜNG CÙNG

Trước tiên, xin hỏi các bạn một câu hỏi nhỏ: “Vì sao bạn không dùng tay trái để viết chữ (trừ những người thuận tay trái)?”

Có lẽ bạn sẽ trả lời: “Bởi vì tay trái của tôi không biết viết chữ”, đúng, chắc chắn tay trái của bạn không thể biết viết. Thế bạn đã từng nghĩ tới việc vì sao tay phải của bạn lại viết được chưa? Có lẽ bạn sẽ trả lời: “Thói quen hình thành từ nhỏ.” Sự thật là chúng ta đã quen dùng tay phải để viết chữ, ỷ lại vào việc viết bằng tay phải nên mới dẫn tới việc chúng ta bỏ qua chức năng viết chữ của tay trái, lâu dần tay trái của chúng ta mất đi khả năng viết chữ, chứ không phải tay trái của chúng ta không biết viết.

Mức độ ỷ lại của chúng ta vào môi trường và sự vật mà bản thân đã quen thuộc luôn vượt quá tưởng tượng của chúng ta.

Hệ thống máy tính mà từ trước tới nay chúng ta đã quen sử dụng đã có chút cũ kỹ rồi, rất nhiều phầm mềm chạy chậm, văn bản trong máy tính của chúng ta không thể mở được trong máy tính của người khác, hệ thống cũ kỹ dẫn tới hiệu quả công việc của chúng ta giảm sút. Thực ra, chỉ cần chúng ta nâng cấp hệ thống một chút, những vấn đề này có thể giải quyết dễ dàng, nhưng vì sao chúng ta không làm như vậy?

Chúng ta lo lắng thay đổi hệ thống mới, menu này không tìm thấy, mệnh lệnh kia không hiểu, khiến bản thân không biết phải làm thế nào, rối tinh rối mù. Quan trọng hơn là chúng ta đã quen với hệ thống cũ mà không quan tâm tới chức năng mới của hệ thống mới. Chúng ta cho rằng hệ thống hiện tại vẫn có thể khiến chúng ta hoàn thành công việc, vẫn có thể dùng tạm, vì thế không cần thiết phải bắt bản thân hao tâm tổn sức làm quen với một thứ không nằm trong tầm kiểm soát của mình.

Chúng ta lo lắng sự vật, sự việc chưa biết khiến cuộc sống trở nên rối loạn, thậm chí sẽ mang tới nguy hiểm nhất định. Điều đó thúc đẩy chúng ta lặp lại một hành vi quen thuộc nào đó đến mức thành thói quen. Khi chúng ta bắt đầu dựa dẫm vào một hành vi thói quen, cuộc sống của chúng ta sẽ bắt đầu rơi vào đường cùng. Điều này giống như một thảm cỏ, khi chúng ta không có đường, chúng ta có thể đi qua bất cứ hướng nào. Nhưng khi trên bãi cỏ xuất hiện một con đường, chúng ta lại cảm thấy chỗ khác không thể đi được nữa, chỉ có thể đi qua con đường hiện có.

Phương thức sống theo trình tự, mặc dù khiến chúng ta vui vẻ nhưng lại là nguyên nhân cơ bản khiến chúng ta không thành công. Thói quen khiến bộ não mất đi rất nhiều khả năng, ví dụ như khả năng phát hiện, khả năng sáng tạo, khả năng khiến bản thân có được vui vẻ… Suy cho cùng, thói quen khiến chúng ta mất đi khả năng làm việc theo mong muốn thật sự của bản thân. Đây chính là ảnh hưởng lớn nhất mà thói quen mang lại cho chúng ta.

Hãy tự hỏi bản thân, chúng ta không muốn vui vẻ hơn sao? Chúng ta không muốn giàu có hơn sao? Chúng ta không muốn làm việc mình thích sao? Chúng ta không muốn có thành tích ưu tú và cuộc đời thành công? Chắc chắn câu trả lời của mỗi người đều là: “Muốn!” Thế vì sao không làm được? Bởi vì chúng ta tin rằng những chuyện này không “có duyên” với mình, chúng ta nghi ngờ khả năng của bản thân, chúng ta không xóa bỏ được nỗi sợ hãi trong lòng, chúng ta cảm thấy thay đổi bản thân là một chuyện đau khổ. Chúng ta thích làm việc theo thói quen của mình, quen có được kết quả giống nhau, quen buồn phiền vì những chuyện giống nhau. Những chuyện này đều nằm trong tầm kiểm soát của chúng ta, chúng ta biết kết quả xấu nhất, còn nếu thay đổi thì tất cả kết quả đều là thứ ta chưa biết.

Trên thế giới này, không phải không có đường khác để đi mà là sự tán đồng đối với thói quen khiến chúng ta không nhìn thấy chỗ khác có đường để đi.

| SỢ HÃI KHIẾN CHÚNG TA TRỞ NÊN YẾU ĐUỐI

Sợ hãi là bản năng sinh tồn của loài người, là cảm xúc dễ khiến chúng ta yếu đuối nhất, cũng là thứ hạn chế chúng ta cảm nhận thế giới này. Chân tay chúng ta bị trói chặt bởi nỗi sợ hãi, tránh xa sự vật chưa biết, trốn trong vùng đất thoải mái mà một tay mình xây nên, không thể nhúc nhích. Thực ra, sợ hãi chỉ là một mớ suy nghĩ trong đầu chúng ta, cuộc đời của chúng ta bị bó hẹp trong mớ suy nghĩ này.

Những ý nghĩ sợ hãi đã giam cầm chúng ta như thế nào?

Đầu tiên, sợ hãi khiến chúng ta đối mặt với những người quen thuộc, làm công việc quen thuộc trong môi trường quen thuộc, lặp lại những việc đã từng làm khiến cuộc sống trở nên rất đơn giản, thoải mái. Chúng ta dựa dẫm vào cảm giác thoải mái này theo bản năng, còn cảm giác này thúc đẩy chúng ta lặp đi lặp lại một phương thức thành thói quen, lặp đi lặp lại một cách tư duy trở thành giới hạn, lặp lại một ngày thành một đời. Cảm giác thoải mái khiến chúng ta lòng vòng trong sự lặp lại, lười biếng trong sự quen thuộc.

Nếu tiếp tục như thế, tôi nghĩ chúng ta đều biết những thứ lũ lượt kéo đến sẽ là gì.

Đó chính là nhàm chán và tẻ nhạt. Chúng ta lặp đi lặp lại cùng một cảm nhận trong vùng đất thoải mái, dần dần, chúng ta mất đi sức sống, cuộc sống trở nên vô vị, không có chất lượng. Chúng ta mất đi hứng thú và trí tò mò vốn có trước cuộc sống, lúc nào cũng hi vọng tránh xa những sự việc mới lạ, độc đáo.

Nhất định bạn sẽ rất bức bối, nếu nỗi sợ hãi nguy hại tới chúng ta lớn như vậy, vậy thì vì sao chúng ta vẫn còn chìm đắm trong đó không chịu tỉnh ngộ? Trong nỗi sợ hãi có cảm giác gì khiến chúng ta lưu luyến không rời?

Nỗi sợ hãi với những gì chưa biết có thể hạn chế chúng ta trong vùng đất quen thuộc của mình, nơi mang lại cho chúng ta cảm giác an toàn có thể biết trước. Sự dựa dẫm vào cảm giác tốt đẹp này khiến chúng ta để mặc cho tâm lý sợ hãi sinh sôi, không quan tâm tới sự cách biệt giữa cái tôi trong hiện thực và cái tôi trong lí tưởng. Chúng ta thuyết phục bản thân, tất cả đều nằm trong tầm kiểm soát của mình. Vì thế, chúng ta không cảm nhận được vùng đất thoải mái đã gắn xiềng xích lên người mình, hạn chế mình trong phạm vi của niềm vui giả tạo, ngăn cản chúng ta cảm nhận nhiều sự vật tốt đẹp hơn.

Sợ hãi khiến chúng ta đối lập cái tôi với hiện thực một cách vô thức, khiến chúng ta không muốn đối mặt với hiện thực, né tránh nhìn rõ bộ mặt thật của hiện thực. Sợ hãi khiến chúng ta sống trong thế giới hư ảo của mình, nhờ vào niềm vui giả tạo để duy trì sự cân bằng giữa cái tôi và hiện thực. Chúng ta lo sợ sự cân bằng trong tim bị phá vỡ, sợ nhìn thấy cái tôi ngay cả bản thân cũng không thể sắp xếp, không muốn chứng minh mình là một người không thể thành tài. Cùng với sự tăng lên của nỗi sợ hãi, chúng ta trở nên càng ngày càng yếu đuối.