Tìm Lại Cái Tôi Đã Mất

Quả Cân Vui Vẻ Hữu Hiệu Nhất: Tiếp Thêm Sức Sống Cho Cuộc Đời

| KINH NGHIỆM CŨ - VŨNG AO TÙ

Lincoln là một trong những vị tổng thống vĩ đại nhất trong lịch sử nước Mỹ. Một lần, phóng viên hỏi Lincoln: “Tổng thống hai nhiệm kì trước đã từng muốn xóa bỏ chế độ nô lệ, nhưng đều không làm được. Tại sao ngài lại làm được điều đó?” Lincoln kể rằng một kinh nghiệm lúc nhỏ đã có ảnh hưởng lớn đến ông.

Hồi Lincoln còn nhỏ, cha ông mua một nông trại ở Seattle. Trong nông trại có rất nhiều đá to, việc canh tác vì thế gặp rất nhiều khó khăn, cũng vì thế mà cha ông có thể mua được với giá thấp.

Mẹ ông đề nghị chuyển những tảng đá ấy đi, bởi vì những tảng đá này quả thực ảnh hưởng rất lớn tới việc canh tác. Nhưng cha ông nói: “Nếu có thể chuyển đi được thì người chủ trước đây đã không bán cho chúng ta với giá thấp như vậy.”

Có một năm, cha của Lincoln vào thành phố mua ngựa. Chỉ có mẹ của Lincoln đưa các con ra nông trại làm việc. Mẹ nói: “Chúng ta cùng chuyển những thứ cản trở này đi, được không?” Thế là mọi người bắt đầu đào xung quanh những tảng đá ấy, kết quả chẳng bao lâu sau, đã chuyển được toàn bộ chúng đi. Chúng không phải là những khối liên kết như cha đã tưởng mà là từng tảng đá tách rời. Chỉ cần đào một inch là có thể làm chúng lung lay.

Về sau, Lincoln chốt lại : “Có một số chuyện sở dĩ một số người không chịu làm, chỉ là vì họ cho rằng không thể làm được. Có rất nhiều thứ không thể chỉ tồn tại trong tưởng tượng của con người.”

Sở dĩ từ trước tới nay chúng ta bỏ lỡ rất nhiều việc, là bởi vì chịu ảnh hưởng từ kinh nghiệm cảm nhận trước đây, chúng ta đã sớm kết thúc những việc này ngay trong bộ não của chúng ta. Cha của Lincoln chịu sự ràng buộc của kinh nghiệm cảm nhận trước đây, ông cho rằng nếu những tảng đá này không có gì khác biệt với đá ở những nông trại khác, vậy thì chủ nhân trước đây đã sớm chuyển nó đi rồi. Chính suy nghĩ đơn giản này dẫn tới việc ông không thể bắt tay hành động dọn sạch chúng.

Mẹ của Lincoln đã thử chuyển chúng đi, trong khi thử, bà phát hiện ra sự thật về những tảng đá này. Còn thứ mà cha Lincoln nhìn thấy là tảng đá trong tim ông, là kí ức của ông về những tảng đá trong kinh nghiệm trước đây chứ không phải là đá trong nông trại lúc ấy. Nhận thức của chúng ta về tình yêu cũng vậy, tình yêu không đơn thuần là những gì chúng ta đã từng trải qua, mối tình sau có thể sẽ càng mãnh liệt hơn, càng trong sáng hơn, càng cuồng nhiệt hơn, cũng có thể càng nhạt nhẽo hơn. Thế giới của mối tình đã qua không phải là tất cả thế giới tình yêu.

Nhà triết học Heraclitus có một câu nói rất nổi tiếng: “Không ai có thể tắm hai lần trên cùng một dòng sông.” Ý nghĩa của câu nói này là, nước sông không ngừng chảy, lần này bạn tắm, nước sông chảy đi rồi. Lần sau khi bạn cũng bước xuống dòng sông ấy, nhưng nước ở đó đã là nước mới. Nước sông chảy không ngừng, vì thế bạn không thể tắm hai lần trên cùng một dòng sông. Mỗi ngọn cỏ, mỗi cành cây, mỗi hòn đá, mỗi con người trên thế giới này… đều thật đặc biệt. Nếu chỉ sống bằng kinh nghiệm cảm nhận về sự vật trước đây, chúng ta có suy nghĩ phiến diện, ấn tượng rập khuôn về sự vật, sự việc.

Nhận thức của bộ não của chúng ta về sự vật hiện tại chỉ có hai cách, hoặc là mượn kinh nghiệm cảm nhận trước đây, hoặc là dùng toàn bộ sức lực để nhận thức hiện tại. Nếu chúng ta dựa vào việc thông qua kinh nghiệm cảm nhận để tiến hành nhận thức và phán đoán sự vật, vậy thì kinh nghiệm cảm nhận sẽ hạn chế chúng ta cảm nhận sự vật lúc ấy một cách hoàn toàn. Nó ngăn cản chúng ta cảm nhận các mặt khác nhau của thế giới này và sự thay đổi xảy ra từng giờ từng phút, khiến sinh mệnh của chúng ta mất đi sức sống, biến chúng ta trở thành máy móc và rập khuôn.

Mãi sống trong kinh nghiệm cũ, cuộc đời của chúng ta sẽ trở thành ao tù nước đọng. Chúng ta đều biết kết quả của việc trở thành vũng nước tù là gì, từ trong veo biến thành vẩn đục, từ vẩn đục biến thành hôi thối, từ hôi thối đến cạn khô. Sở dĩ chúng ta phải nỗ lực thoát khỏi sự giam cầm của kinh nghiệm cảm nhận đối với mình chính là để cảm nhận mọi thứ một cách toàn diện, đối diện với thế giới hiện thực, không ngừng tiếp thêm sức sống cho cuộc đời.

| HÃY KHIẾN CÔ ẤY DỪNG BƯỚC

Ở phần đầu cuốn sách này, chúng ta đã nói đến một tình huống: Trong một buổi tụ tập bạn bè, một chàng trai đặc biệt chú ý đến một cô gái xinh đẹp. Qua ánh mắt, chàng trai cảm thấy cô gái không có ý né tránh mình, nhưng không có dũng khí chủ động bắt chuyện với cô ấy.

Đúng lúc ấy, cô gái đi về phía anh ta. Anh ta đang định chào cô gái, nhưng cô gái lại đi lướt qua người anh ta, đi về phía chàng trai phía sau. Chàng trai cảm thấy vô cùng xấu hổ. Cuối cùng, bằng một chuỗi tự biện hộ, giải thích trong nội tâm, anh chàng nhanh chóng thoát khỏi cảm giác khó xử và không vui, lấy lại trạng thái bình tĩnh.

Bắt đầu từ lúc chú ý tới cô gái, tư tưởng của chàng trai đã không ngừng giải mã hành vi của cô gái. Qua ánh mắt của cô gái, chàng trai giải thích rằng cô gái cũng thích mình. Khi cô gái đi về phía mình, chàng trai giải mã rằng cô gái đi tới chào mình. Sau khi cô gái đi lướt qua, đầu óc anh ta vẫn tiếp tục giải thích hành vi của cô gái.

Từ khi chú ý tới cô gái tới khi cô gái đi lướt qua anh ta, tất cả những gì anh ta làm đều không bước ra khỏi cái đầu của mình. Anh ta bỏ qua việc cảm nhận thực tại, chỉ đưa ra phản ứng đơn giản trong tư tưởng. Trong khi đó, tư tưởng xảy ra trong bộ não của chúng ta, không có bất kì tác dụng hỗ trợ nào với việc thỏa mãn nhu cầu thực sự ở tận sâu trong lòng chúng ta.

Hãy thử nhớ lại, khi gặp tình huống tương tự như thế này trong cuộc sống, bản thân chúng ta đã xử sự như thế nào.

Thực ra, đối mặt với nhu cầu thật sự trong lòng bạn, khoảnh khắc ấy, việc có giá trị và ý nghĩa nhất chính là nhận thức toàn bộ sự vật mà bản thân đối mặt.

Nếu chúng ta là anh chàng ấy, cho dù cô gái vẫn đứng trong góc ấy hay đi lướt qua chúng ta, khoảnh khắc cô ấy ở bên cạnh chúng ta, cho dù kết quả là gì, chúng ta đều phải chủ động chào cô ấy. Điều chúng ta phải làm chính là khiến cô ấy dừng bước ngay tại thời điểm đó.

Tất cả sự việc đều xảy ra vào khoảnh khắc đó. Khoảnh khắc đó, chúng ta có thể làm rất nhiều, cũng có thể cảm nhận được rất nhiều. Nếu chỉ đắm chìm trong thế giới tư tưởng của mình, thì chúng ta sẽ không có được gì cả. Bởi vì có nhiều phản ứng tư tưởng đến đâu đi nữa cũng đều vô ích, chúng chỉ hạn chế hành vi của chúng ta, hạn chế cảm nhận của chúng ta. Tự đắm chìm trong một mớ suy nghĩ lộn xộn, chính là ta đang tạo ra xung đột trong lòng. Bởi vì mọi chuyện chỉ trong tưởng tượng không gắn liền với hành động thực tiễn, kết quả sẽ vượt quá dự tính của chúng ta.

Chàng trai đã từng dự tính cô gái thích mình, đồng thời muốn bước tới chào mình. Nhưng kết quả thì sao? Sự thực chứng minh đó chỉ là những cái bong bóng mà tư tưởng của anh ta thổi ra.

Nếu anh chàng này chấm dứt việc dự tính, áp dụng hành động thực tế, thì kết quả tồi tệ nhất có thể chỉ là cô gái không bận tâm tới anh ta mà thôi. Nếu thật sự là kết quả như vậy, thì ý nghĩa của khoảnh khắc ấy chính là để chàng trai nhìn thấy suy nghĩ chân thực của cô gái và sự đa tình của mình. Chàng trai sẽ nhận thức được rằng, cảm tình cô gái dành cho anh ta mà anh ta vừa mới cảm nhận được chỉ là một cái bong bóng của sự tự hưởng lạc ở trong đầu mà thôi.

Chỉ có cảm nhận sự vật khi ấy một cách toàn diện, chuyên tâm trải nghiệm sự chân thực của cuộc đời từng phút từng giây, để cái tôi và hiện thực duy trì sự phối hợp nhịp nhàng thì mới có thể biết được rằng sự thật là gì, mới có thể thoát khỏi được sự bỡn cợt của mục đích gen, đưa ra quyết định mà bản thân thật sự mong muốn, nâng cao chất lượng của cuộc sống.

Sau một loạt lí thuyết, có thể bạn đã hiểu được tầm quan trọng của việc nhận thức hiện thực một cách toàn diện, cũng có thể bạn vẫn còn bực tức rốt cuộc mình nên làm thế nào. Lời khuyên của tôi là khi chúng ta chắc chắn muốn làm một việc thì nên tích cực làm, nghiêm túc làm, có thể đi sâu bao nhiêu thì đi sâu bấy nhiêu. Khi chúng ta thích một cô gái, thì hãy quan tâm tới cô ấy, đến tận khi cưới được cô ấy về nhà, hoặc đến tận khi cô ấy bị người khác cưới về nhà; khi chúng ta đối mặt với món ăn mà mình không thích, đưa nó vào trong miệng, chua cay mặn ngọt thế nào hãy để lưỡi nói với chúng ta chứ không phải để tư tưởng nói với chúng ta.

Khi đối diện với việc có giá trị nhất và có ý nghĩa nhất mà chúng ta muốn làm, hãy ngăn tư tưởng của mình lại ngay lúc ấy, ngăn đối tượng mà mình đối mặt lại ngay lúc ấy, để cảm giác nói với mình tất cả sự thật.

| NẮM CHẶT TỪNG GIÂY

Chúng ta có thể cảm nhận được sự biến đổi của từng giây từng phút một cách trực quan qua sự chuyển động không ngừng của kim giây trên đồng hồ. Nhưng nếu đồng hồ không có kim giây thì sẽ không thể khiến chúng ta nhìn rõ sự thay đổi của thời gian như vậy được. Chúng ta ngồi, chạy, đi, hoạt động cũng giống như kim giây trong đồng hồ đang chuyển động không ngừng. Chúng đều là trạng thái cuộc sống mà chúng ta đã quá quen thuộc.

Khi chúng ta dùng giây để nhận thức sự biến đổi của thời gian, các con số biến đổi nhanh chóng sẽ khiến chúng ta nảy sinh cảm giác cấp thiết mãnh liệt. Chúng ta sẽ cảm thấy sinh mệnh của mình đang tan chảy đi rất nhanh, không ngừng một phút giây nào. Khi chúng ta thông qua kính hiển vi quan sát quá trình phóng điện của tế bào thần kinh não, chúng ta sẽ phát hiện, thì ra sinh mệnh của chúng ta cũng phát sinh thay đổi nhanh đến như vậy. Trong cuộc sống bình thường, chúng ta lại không cảm nhận được cảm giác cấp thiết đến vậy.

Sinh mệnh của chúng ta giống với thế giới này, thay đổi từng giờ từng phút. Nhưng quả thực sự thay đổi này quá nhỏ bé, đến nỗi chúng ta rất khó có thể cảm nhận được, khiến chúng ta ảo giác tất cả vẫn như cũ. Từng giây từng giây nhỏ bé đến nỗi không đáng nói tới này lừa dối chúng ta. Nó nhỏ bé tới mức khiến chúng ta không thể nhìn thấy, cũng không thể nhớ ra. Chúng ta không cảm nhận được, liền lầm tưởng rằng sự thay đổi không tồn tại, sự thay đổi không uy hiếp tới chúng ta, vì thế chúng ta sẽ cảm thấy mình của ngày hôm nay so với hôm qua không có gì khác biệt, cảm thấy mình vẫn trẻ trung. Điều đó dẫn tới chúng ta không khẩn trương theo đuổi mục tiêu cuộc đời mình, luôn cảm thấy vẫn có rất nhiều thời gian dành cho mình. Chính là từng giây từng giây nhỏ bé này khiến cuộc sống của chúng ta trở nên khô cứng.

Có một ông bố người Anh, từ ngày con gái chào đời đã kiên trì mỗi ngày chụp một bức ảnh cho con. Mười ba năm nay, việc làm này chưa bao giờ gián đoạn. Khi đặt những bức ảnh này cùng với nhau, anh có thể chứng kiến sự thay đổi từng ngày và quá trình trưởng thành của con gái.

Chúng ta không có thói quen chụp ảnh hàng ngày, cũng rất khó nhìn rõ mình hôm nay và hôm qua có điểm gì khác nhau. Khi chúng ta đứng trước gương, phát hiện khóe mắt của mình đã có thêm mấy nếp nhăn, tóc đã có thêm mấy sợi bạc, chúng ta mới cảm thấy kinh ngạc, dường như thay đổi chỉ xảy ra trong khoảnh khắc chúng ta phát hiện nó. Mặc dù không thể cảm nhận được nếp nhăn đang dần đậm lên, tóc đang bạc màu từng giây từng phút, nhưng nhất định chúng ta phải nhận thức được rằng sự thay đổi của chúng ta được tích lũy từng giây từng phút. Điều chúng ta có thể cảm nhận được ở giây này, một giây sau đã thay đổi, Sau này chúng ta sẽ không bao giờ gặp lại cảm nhận ở giây phút ấy nữa. Cuộc đời ở giây này, chúng ta chỉ có thể trải qua một lần, những thứ chúng ta đã trải qua sẽ qua đi không bao giờ trở lại.

Nếu chúng ta không thể nhận thức được ý nghĩa của sự thay đổi của từng giây trong cuộc đời đối với chúng ta, thì chúng ta sẽ rất khó tránh khỏi có số phận tương tự với con ếch dưới đây. Khi ta thả một con ếch vào trong nồi nước sôi, ếch sẽ cố gắng bật nhảy để thoát ra ngoài. Nhưng nếu thả một con ếch vào nồi nước lạnh, sau đó từ từ đun nóng, ếch sẽ lầm tưởng rằng đây là xông hơi miễn phí, thế là đến tận khi bị nấu chín rồi, nó cũng không có phản ứng trốn chạy. Chúng ta muốn vui vẻ trong nước ấm hay cảm nhận sự thay đổi trong từng giây phút nhỏ bé, thức tỉnh từ trong niềm vui giả tạo, đồng thời cố sức vùng vẫy, nắm lấy cuộc đời đang trôi đi nhanh chóng đây? Câu trả lời chỉ có bản thân chúng ta mới biết.

| CẢM NHẬN LÀ CÂY CẦU NỐI LIỀN CÁI TÔI VỚI HIỆN THỰC

Năm 1999, nhà sinh vật học Tobias Bonhoeffer chụp được quá trình sinh trưởng của tế bào thần kinh dưới kính hiển vi điện tử. Ông lấy tế bào trong não chuột, đặt vào đĩa nuôi cấy tế bào. Sau đó ông mô phỏng hai cảm giác, kích thích hai tế bào thần kinh đồng thời lặp lại nhiều lần việc phát đi tín hiệu điện, sau đó căn cứ vào tín hiệu của hai cảm giác này để tìm ra mối liên hệ.

Sau nửa giờ đồng hồ, nhánh của tế bào thần kinh mọc ra đuôi gai, hai tế bào thần kinh này nối liền với nhau thông qua đuôi gai mới mọc. Thí nghiệm cho thấy những tế bào thần kinh nào thường xuyên chịu kích thích lặp lại có thể phát sinh sự liên kết lâu dài. Điều này giống như hai người không liên quan, sau một thời gian dài quen biết, ban đầu họ nắm tay, sau đó càng lúc càng trở nên thân thiết, che chở cho nhau, đến khi xây dựng quan hệ thân mật.

Sau một thời gian dài không ngừng luyện tập và trở nên thành thục, cho dù không cần nhìn phím đàn, chúng ta cũng có thể chơi được những bản nhạc du dương. Sở dĩ chúng ta có thể chơi đàn thành thục là bởi vì tế bào thần kinh trong bộ não của chúng ta thiết lập mạng lưới thần kinh mới trong sự kích thích không ngừng, khiến thông tin có thể truyền đi nhanh chóng giữa mạng lưới thần kinh.

Điều này cũng chứng minh, cho dù chúng ta có muốn hay không, tất cả những thứ chúng ta cảm nhận hoặc suy nghĩ đều sẽ kích thích bộ não của chúng ta, khiến bộ não nảy sinh thay đổi rất nhỏ. Chúng ta học được cách làm một việc, hoặc trải nghiệm một cảm giác mới, đều sẽ để lại vết tích sinh lí trong não.

Việc chúng ta không ngừng cảm nhận và trải nghiệm, cũng chính là đang xây từng cây cầu nối liền chúng ta với thế giới này. Cảm nhận và trải nghiệm là con đường duy nhất chúng ta nhận thức thế giới. Tách rời sự cảm nhận với thế giới này, chúng ta vĩnh viễn sẽ không biết được thế giới này như thế nào. Chỉ có không ngừng luyện tập, bộ não của chúng ta mới có thể hình thành một mạng lưới thần kinh mới, khiến chúng ta chơi được những bản nhạc tuyệt diệu. Cũng như vậy, chỉ có không ngừng cảm nhận thế giới, chúng ta mới có thể xây được cây cầu nối với vui vẻ và thành công.

| BÍ KÍP ĐỂ BỘ NÃO GIỮ MÃI NÉT XUÂN

Nghiên cứu chứng minh, những người nhiều năm mắc chứng trầm cảm nghiêm trọng, không gian mà các tế bào thần kinh chiếm cứ trong não chỉ bằng 1/3 người bình thường, dẫn tới cả khu vực não hoàn toàn teo lại. Điều này giống như người rụng tóc ít tóc hơn người bình thường rất nhiều. Biểu hiện quan trọng của chứng trầm cảm là: tâm trạng sa sút, tư duy chậm chạp, tần suất lời nói và hành động giảm đi, mất đi hứng thú với cuộc sống, giảm đi cảm nhận và trải nghiệm với sự vật.

Cảm nhận tiêu cực là kết quả của việc chúng ta nối sự vật với suy nghĩ tiêu cực hoặc tâm trạng tiêu cực. Nếu chúng ta lặp lại mối liên quan này một cách vô thức, thì sẽ nảy sinh phản ứng theo thói quen với một số sự vật hoặc hành vi. Khi chúng ta ở trong trạng thái buồn phiền và lo lắng kéo dài, lượng serotonin và dopamine duy trì tâm trạng vui vẻ trong cơ thể sẽ giảm xuống. Khi chúng ta ở trong trạng thái u uất, hormone sinh trưởng thần kinh cần thiết cho việc duy trì liên kết sinh trưởng mới trong não sẽ giảm đi, cuối cùng dẫn tới chất xám trong não chết đi.

Phản ứng của chúng ta với thông tin tiêu cực mãnh liệt hơn rất nhiều so với phản ứng về thông tin khiến con người vui vẻ, hơn nữa muốn thoát khỏi nó quả thực không phải là chuyện dễ dàng. Mặc dù những tư tưởng tiêu cực này chỉ lướt qua trong đầu chúng ta, nhưng lại chiếm cứ không gian mà chúng ta đưa ra hành động. Khoảnh khắc tưởng chừng vô hại này đang không ngừng tạo ra một tấm mạng rất lớn giam cầm cảm nhận của chúng ta. Mỗi ngày của chúng ta đều do hàng vạn giây lướt qua này tạo thành. Những tư tưởng tiêu cực, có thể chỉ chiếm mấy giây trong một ngày của chúng ta, nhưng mấy giây này sẽ ảnh hưởng tới mấy giờ đồng hồ hoặc cả một ngày, thậm chí còn lâu hơn nữa. Vì thế, nhất định chúng ta không được tùy tiện dây dưa với bất cứ tư tưởng hoặc hành vi tiêu cực nào, bởi vì nó sẽ gây ô nhiễm cho cuộc sống vui vẻ của chúng ta.

Thái độ tiêu cực là hung thủ giết chết sức sống bộ não của chúng ta. Chỉ có duy trì tâm trạng vui vẻ và tích cực trải nghiệm cảm giác khác nhau, bộ não mới có đầy đủ serotonin và dopamine, liên kết mới mới có thể dễ dàng được tạo ra. Luôn giữ tâm trạng vui vẻ, hormone sinh trưởng trong não mới không bao giờ cạn kiệt, chúng ta mới duy trì được tuổi xuân và sức sống cho não. Tâm trạng vui vẻ và thái độ tích cực có thể khiến sự liên kết giữa các tế bào thần kinh trong não được thông suốt. Điều này đồng nghĩa với việc xây con đường dẫn tới sự vui vẻ.

Bây giờ chúng ta nên hiểu rằng mỗi tư tưởng, cảm nhận của chúng ta, cho dù là mơ ước đều không phải là lâu đài cát, mà chúng đều xây dựng trên một cơ sở hóa học vững chắc. Chúng ta không thể tích cực cảm nhận sự vật xung quanh, có nghĩa là đang từ bỏ sức sống của bộ não, trong khi đó thái độ tiêu cực chính là hung thủ khiến bộ não mất đi sức sống. Thái độ tiêu cực sẽ khiến chúng ta có cuộc sống không khác gì người thực vật.

| LỘT XÁC

Chim ưng là loài chim có tuổi thọ lớn nhất thế giới, nó có thể sống nhiều nhất 70 năm. Khi chim ưng sống đến 40 tuổi, mỏ của nó trở nên vừa dài vừa cong, gần như chạm vào ngực; móng vuốt của nó bắt đầu lão hóa, không thể bắt mồi một cách hiệu quả; lông của nó vừa dày vừa rậm, đôi cánh trở nên vô cùng nặng nề, khiến việc bay lượn vô cùng khó khăn.

Lúc này chim ưng chỉ có hai sự lựa chọn: hoặc là chờ chết, hoặc là trải qua một quá trình lột xác vô cùng đau khổ, kéo dài 150 ngày. Lúc ấy nó cần trốn trong tổ ở trên vách núi, dùng mỏ của mình mổ vào đá, cho đến khi chiếc mỏ hoàn toàn rụng đi, sau đó lặng lẽ chờ đợi chiếc mỏ mới mọc ra. Chim ưng dùng chiếc mỏ mới nhổ sạch từng móng vuốt đã lão hóa, trong quá trình này, máu của nó không ngừng chảy. Nó cố chịu đựng sự đau đớn. Sau khi những chiếc móng mới mọc ra, chim ưng liền dùng móng vuốt mới nhổ sạch từng chiếc lông trên người. Khi những chiếc lông mới mọc ra cũng là lúc 5 tháng đau khổ ròng rã đã qua, chim ưng lại bắt đầu bay lượn, tiếp tục trải qua những năm tháng của 30 năm sau đó!

Trong giới tự nhiên có rất nhiều động vật đều thông qua việc không ngừng lột xác để trưởng thành. Rắn không ngừng lột da, tôm và ve muốn lớn lên cũng phải lột bỏ lớp vỏ cứng của mình. Một số thực vật cũng như vậy. Có một loại hoa tên là dạ lan hương, sau khi hết thời kì nở hoa, nếu muốn để nó tiếp tục nở hoa, thì phải cắt những nụ hoa e ấp trước đó. Chỉ có như vậy dạ lan hương mới lại bung nở rực rỡ.

Về điểm này, con người cũng không ngoại lệ. Cùng với sự phong phú về kinh nghiệm sống, chúng ta dần dần hình thành thói quen tư duy nào đó. Cuộc sống tiếp theo của chúng ta phần nhiều là lặp lại quá khứ của mình, đồng thời chúng ta sẽ bị hạn chế bởi quá khứ, rất khó có đột phá. Đây chính là nguyên nhân khiến rất nhiều người sau khi đạt tới đỉnh cao của sự nghiệp thì bước vào trạng thái trầm cảm. Khi bắt đầu chán ghét cái tôi không có gì thay đổi, trong lòng cảm thấy lo lắng và bất an, chúng ta cần phải lột xác, cần phải phủ định cái tôi được xây dựng từ quá khứ, sau đó tiếp thêm sức sống mới cho mình. Chỉ có như vậy, cuộc sống của chúng ta mới càng có chất lượng, chúng ta mới có không gian phát triển lớn hơn.

Một lần, một người làm trong lĩnh vực kinh doanh đã đến nhờ sự trợ giúp của tôi. Cô ấy nói: “Tôi không thể chú tâm vào kế hoạch đang tiến hành. Mỗi khi kế hoạch trong tay làm tới một giai đoạn nhất định, tôi đã nghĩ tới kế hoạch tiếp theo. Lúc nào tôi cũng nghĩ kế hoạch sau sẽ làm tốt hơn kế hoạch trước, dẫn tới không thể hoàn thành nhiệm vụ đúng hạn. Lúc sếp giục nộp kế hoạch, tôi đành phải làm qua loa cho xong, kết quả bị sếp phê bình. Tình trạng này khiến công việc của tôi không có hiệu quả.”

Cô ấy tiếp tục hỏi tôi: “Nếu anh là sếp của tôi thì sẽ giải quyết vấn đề này như thế nào?” Tôi nói: “Tôi sẽ bảo cô về nhà nghỉ hoặc bảo cô dừng công việc trong tay để đi nghỉ.”

Đây chỉ là câu nói đùa của tôi. Thực ra, vấn đề cơ bản của cô là: Cô ấy đã không thể thay đổi, luôn luôn lặp đi lặp lại cách làm cũ. Mỗi kế hoạch trong tay làm tới một giai đoạn nào đó thì sẽ gặp phải nút thắt tương tự, trong khi đó, cô ấy không thể gỡ nút thắt này, dẫn tới né tránh nó như một thói quen, gửi gắm hi vọng vào kế hoạch tiếp theo, nào ngờ kế hoạch tiếp theo lại lặp lại chuyện tương tự.

Giống như chiếc radio bị kẹt, mỗi lần đến chỗ vấp, nó sẽ dừng lại và lặp lại đoạn âm thanh đó. Chúng ta cho rằng đó là vấn đề của băng đĩa, tưởng rằng đổi băng là được. Nhưng sau khi đổi băng, phát đến vị trí tương tự vẫn sẽ bị kẹt. Thực ra là radio có vấn đề.

Chúng ta hãy thử nghĩ xem mình bị “kẹt” ở đâu. Nếu chúng ta không thể thoát xác kịp thời, e rằng tình trạng hiện nay của chúng ta cũng sẽ vẫn lặp lại trong mười hoặc hai mươi năm tiếp theo.

Chúng ta cần phải không ngừng tự đột phá, thoát ra khỏi sự giam cầm của tư tưởng cũ, có được bước trưởng thành mới, nếu không chúng ta sẽ không ngừng lặp lại quá khứ. Nếu hiệu quả công việc không thể nâng cao, lương của bạn cũng mãi không thể tăng cao, vậy thì đó là thời điểm thích hợp để chúng ta gạt kinh nghiệm làm việc trước đây sang một bên, tiếp thu những thông tin mới. Những thứ bây giờ chúng ta đang có không thể đủ cho chúng ta ăn cả đời, vì thế phải không ngừng nhận thức những điều mới, chỉ có như vậy, sinh mệnh của chúng ta mới có thể duy trì sức sống.

Lột xác là quá trình phủ định quá khứ, sau đó tiếp thu những điều mới, tư tưởng mới, quan niệm mới, bắt đầu làm một cái tôi mới. Điều đó cũng có nghĩa là chúng ta cần phải bỏ ra rất nhiều sức lực, tiêu hao phần lớn năng lượng của mình, còn phải đối mặt với nguy cơ thất bại. Hoặc là chúng ta chịu đựng lột xác trong đau đớn, hoặc là lặp đi lặp lại không ngừng nghỉ quá khứ, ngoài ra không có sự lựa chọn nào khác.