Tìm Lại Cái Tôi Đã Mất

Niềm Vui Giả Tạo Tự Hưởng Lạc

| CÁI TÔI KHÔNG THỂ CÔNG KÍCH

Tôi có một người bạn rất thích chơi game. Cậu ta thường chơi game đến tận khuya, dẫn đến mắt bị đau và cơ lưng thương tổn, vì thế bị buộc thôi việc.

Tôi đã nhìn thấy dáng vẻ say sưa của anh ta khi chơi game, và thường nói đùa với anh ta rằng: “Lúc cậu làm việc giống như đang đốt pháo vậy, lúc nào cũng muốn bỏ chạy; lúc chơi game thì say đắm giống như đi tắm nắng mùa xuân vậy.”

Tôi cũng đã từng khuyên anh ta vô số lần: “Cậu cứ tiếp tục thế này không tốt cho sức khỏe đâu, dán mắt vào màn hình máy tính cả ngày rồi, buổi tối còn muốn tiếp tục, kiểu gì cũng mù”.

Bạn có biết anh ta giải thích việc mình nghiện chơi game như thế nào không?

Anh ta nói: “Chơi game có thể rèn luyện tính linh hoạt cho bộ não; chơi game là mốt của người trẻ tuổi; chơi game là phương pháp tốt để giảm áp lực...” Tóm lại là có lấy rổ đựng cũng không hết những lời giải thích thao thao bất tuyệt đó.

Nếu bạn cũng là người nghiện chơi game, chắc hẳn bạn còn có những lời biện hộ đặc sắc hơn cả anh ta?

Một lần, tôi đến giúp anh ta chuyển nhà. Có một chiếc giường phải chuyển đi, nhưng không gian trong phòng khá hẹp, người của công ty chuyển nhà làm thế nào cũng không chuyển chiếc giường ra được.

Anh ta bực mình, đi lên chỉ huy những người đó, chẳng mấy chốc đã khiêng được chiếc giường ra khỏi phòng.

Lúc ấy, anh ta đắc chí nói: “Cậu nhìn thấy rồi chứ? Đây chính là tác dụng của chơi game. Người không chơi game như cậu còn lâu mới nghĩ ra cách này.”

Tôi chỉ còn nước kinh ngạc, thốt lên một câu: “Nếu cậu mở công ty chuyển nhà, ba năm sau nhất định có thể lên sàn chứng khoán.”

Mặc dù là nói đùa nhưng không khó nhận ra anh ta tích cực bảo vệ chuyện mình mê chơi game như thế nào. Lúc nào anh ta cũng muốn chứng minh mặt chính xác, tích cực của sự việc mà mình nhìn thấy, còn những người nghi ngờ và khuyên nhủ anh ta, chỉ là nhìn thấy mặt sai lầm, tiêu cực của sự việc.

Mỗi người chúng ta không ít thì nhiều đều có một vài thói quen xấu. Mặc dù những thói quen này ảnh hưởng tới sức khỏe, tâm sinh lý của chúng ta, nhưng chúng luôn luôn ở bên cạnh chúng ta, chưa bao giờ bị chúng ta bỏ rơi. Sở dĩ chúng ta không bỏ rơi chúng, là bởi vì thông qua lời giải thích hợp lí hóa, chúng ta đã giải thích những thói quen xấu này thành thói quen tốt, hoặc coi chúng không tồn tại.

Thói quen xấu cần chúng ta tiêu tốn rất nhiều tinh thần, sức lực để bảo vệ chúng. Điều đó đã chứng minh, chúng không giống ưu điểm của chúng ta - khiến chúng ta cảm thấy thoải mái, nếu không, chắc hẳn ta đã không cần phải giải thích, không cần phải dốc hết tâm tư để bảo vệ những hành vi này của mình. Những hành vi này có nhiều điểm khác biệt với hình tượng cái tôi lí tưởng, chúng ta cần phải thông qua sự giải thích hợp lí hóa để ngụy trang bản thân thành người có phẩm chất tốt đẹp. Chỉ có như thế, chúng ta mới có thể an tâm tận hưởng niềm vui giả tạo mà chúng mang tới. Khi chúng ta dồn hết sức lực để bảo vệ thói quen xấu của bản thân, chúng ta sẽ bị những thói quen xấu này khống chế.

Hẳn nhiều người đã nghe thấy người nghiện rượu giải thích về hành vi uống rượu triền miên của mình: Lúc vui uống rượu có thể khiến chúng ta càng vui hơn, lúc buồn uống rượu có thể giải sầu; uống rượu có thể kết thêm nhiều bạn, có lợi cho cả việc công lẫn việc tư; không uống rượu thì không phải đàn ông, không uống rượu thì không xứng đáng tình nghĩa huynh đệ...

Nếu họ thừa nhận uống rượu sẽ khiến tình trạng máu nhiễm mỡ của mình càng ngày càng nghiêm trọng, sẽ gây bệnh viêm gan, xơ gan hoặc viêm dạ dày mãn tính, ngoài ra còn khiến họ dễ kích động, lái xe sau khi uống rượu còn là chuyện vi phạm pháp luật, vậy thì sau đó, họ nên làm thế nào?

Không cần nghĩ cũng biết, nếu như vậy, tiếp theo, họ phải mất rất nhiều thời gian để đấu tranh với rượu. Đây là một quá trình lâu dài, cũng sẽ là một quá trình rất gian khổ. Ngược lại, giải thích hợp lí hóa những thói quen này của mình sẽ đơn giản hơn rất nhiều. Chỉ cần bộ não đưa ra phản ứng đơn giản, không mất sức, họ có thể coi những thói quen xấu này không tồn tại. Như thế, có thể tiếp tục tận hưởng niềm vui giả tạo mà những thói quen xấu này mang lại, đồng thời còn có thể bảo vệ hình tượng tốt đẹp của bản thân.

Sở dĩ chúng ta không tích cực thay đổi những thói quen xấu này là bởi vì chúng ta không muốn thừa nhận những hành vi này không tốt. Chúng ta lo sợ nếu thay đổi, không những không thể thấy hiệu quả tức thì, mà còn sẽ chứng thực chúng ta không thể làm gì chống lại những hành vi này, điều đó sẽ gây thêm tổn thương cho bản thân. Thừa nhận khuyết điểm hoặc sai lầm của mình, đối với chúng ta mà nói, chẳng khác nào hành vi hủy diệt. Thừa nhận bản thân sơ suất hoặc sai lầm về một mặt nào đó sẽ khiến chúng ta cảm thấy thứ bị phủ định không phải là một phần trong cái tôi mà là toàn bộ cái tôi, giống như bản thân thật vô dụng, không có thuốc chữa vậy. Điều đó sẽ uy hiếp tới cái tôi hài hòa mà một tay chúng ta xây dựng nên.

Nhà văn Samuel Smiles đã từng nói: “Gieo suy nghĩ, gặt hành vi; gieo hành vi, gặt tính cách; gieo tính cách, gặt số phận.”

Sở dĩ hôm nay chúng ta vẫn tầm thường như vậy, chính là vì chúng ta đã quen với việc tiến hành hợp lí hóa hành vi của bản thân. Khi những hành vi không tốt khiến chúng ta nảy sinh cảm giác bất lực, chúng ta đã giải thích nó thành tốt theo thói quen. Khi cái tôi trong hiện thực và cái tôi trong lí tưởng nảy sinh xung đột, chúng ta đã ôm lấy niềm vui giả tạo theo thói quen, trong khi đó vứt cái tôi chân thực sang một bên.

Chúng ta bỏ tâm sức xây dựng cho mình một hình tượng tốt đẹp giả tạo, tập trung quá nhiều tinh thần và sức lực trong việc giải thích hợp lí hóa, thì làm gì còn cơ hội nhìn rõ nhu cầu thật sự của bản thân nữa? “Tốt” có nghĩa là chúng ta không thể công kích, “tốt” cũng có nghĩa là chúng ta hoàn mĩ, không tỳ vết. Nếu đã như vậy, chúng ta đâu cần thiết phải có sự thay đổi? Có một câu nói như thế này: “Sự hoàn mĩ của một người nằm ở chỗ có thể tìm ra khuyết điểm của bản thân”. Trong khi đó, sự hoàn mĩ trong quan điểm của chúng ta là thứ không thể công kích. Những điểm “tốt” này cứ thế chắn ngang con đường chúng ta bước tới thành công, hạn chế sự tiến bộ của chúng ta.

Niềm vui giả tạo mà chúng ta tìm thấy được trong thói quen xấu và hành vi không tốt của bản thân thực chất là: Chúng không hề tồn tại; bản thân ta có thể thoát khỏi chúng bất cứ lúc nào và nhìn thấy ý nghĩa tích cực, đúng đắn của những hành vi này.

| HÀNH ĐỘNG SÁNG SUỐT

Có phải bạn cũng đã từng có những trải nghiệm như thế này?

Bạn có một công việc tương đối nhẹ nhàng, ổn định, trừ các khoản chi tiêu, bạn vẫn còn tiền để dành.

Khi bạn nhìn thấy những người bạn cùng lớp kiếm được nhiều tiền hơn mình, bản thân cảm thấy không yên lòng, liền hạ quyết tâm đổi công việc tốt hơn.

Bạn bắt đầu gửi sơ yếu lí lịch đi khắp nơi, bỏ thời gian lén đi phỏng vấn ở các công ty khác. Bận rộn suốt mấy hôm, cuối cùng bạn phát hiện ra rằng nếu không yêu cầu quá cao thì mức lương sẽ bằng hiện tại, nếu không thì lại cần thường xuyên làm thêm, cường độ công việc quá cao.

Suy đi tính lại, bạn liền an ủi bản thân, bằng lòng với sự ổn định hiện tại. Bạn nghĩ rằng những người bạn khác mặc dù kiếm được nhiều tiền nhưng từ sáng đến tối họ phải làm thêm miệt mài, mệt muốn chết. Ngoài ra còn có rất nhiều bạn không bằng mình, công việc của họ rất bận, tiền lương hàng tháng vừa đủ nộp tiền thuê nhà, cuộc sống còn phải cần gia đình chu cấp, bạn bè họp mặt rất ít khi bỏ tiền, cứ đến lúc thanh toán là trốn trong nhà vệ sinh.

Để bảo vệ hình tượng của mình trong lòng các bạn, đồng thời cũng tránh nguy cơ chuyển việc có thể khiến bản thân tệ hơn, bạn lựa chọn cách sống an toàn hơn, bảo thủ hơn – tiếp tục “giữ vững” vị trí hiện tại.

Bạn sẽ không thừa nhận đây là sự lùi bước, bạn sẽ nói đây là cách nghĩ thực tế, bởi vì công việc hiện tại tương đối nhẹ nhàng, thời gian rảnh rỗi, còn có thể làm một số việc mình thích. Nhưng thực tế là đến tận hôm nay, bạn cũng không làm bất kì việc gì khác mà mình thích ngoài công việc.

Chúng ta rất khó thay đổi hiện trạng để đưa ra hành động tích cực, bởi vì chúng ta sợ nhìn thấy bộ mặt chân thực là bản thân bất lực với hiện trạng của mình. Chúng ta chỉ cần biện hộ cho sự lựa chọn của mình là có thể an tâm tiếp tục cuộc sống an phận thủ thường ngày này qua ngày khác. Những cái gọi là lời giải thích chính là sương mù mà chúng ta tạo ra để không phải nhìn rõ hiện trạng của mình.

Một học viên đã từng tranh luận với tôi về vấn đề hôn nhân và sự nghiệp. Cậu ta nói hôn nhân sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển sự nghiệp của bản thân, vì thế cậu ta chống lại áp lực từ phía cha mẹ, kiên quyết không kết hôn. Cậu ta giải thích rằng, vợ và con sẽ chiếm quá nhiều thời gian của cậu ta, dẫn đến bản thân không thể chuyên tâm vào sự nghiệp; kết hôn sẽ phải mua nhà, còn phải nuôi vợ con, lấy đâu ra tiền để lập nghiệp nữa?

Tôi hỏi cậu ta một câu hỏi: “Em không kết hôn, không phải bận tâm về gia đình, hơn nữa, em phấn đấu, lăn lộn cũng gần mười năm rồi, vậy thì sự nghiệp của em nhất định rất thành công đúng không?”

Thực tế là cậu ta không hề thành công trong sự nghiệp. Tất cả chỉ là cái cớ cậu ta biện hộ cho việc tới nay vẫn chưa kết hôn. Cậu ta muốn dùng nó để bảo vệ hình tượng tốt đẹp của bản thân. Khi chúng ta dùng ý chí khăng khăng bảo vệ sự lựa chọn của mình, chính là ta đang chứng minh điều ngược lại, rằng chúng ta không có tự tin với sự lựa chọn của mình, đang nghi ngờ sự lựa chọn của mình.

Cuộc sống là một quá trình không ngừng đưa ra sự lựa chọn. Đối với sự lựa chọn của bản thân, lúc nào chúng ta cũng có thể thông qua giải thích hợp lí hóa để chứng minh đó là hành động sáng suốt. Sở dĩ chúng ta sẽ bảo vệ lựa chọn của mình theo thói quen, là bởi vì: Một mặt, chúng ta có thể có được cảm giác vượt trội bằng hành vi đó; mặt khác, chúng ta sợ rằng phủ định sự lựa chọn của bản thân sẽ chứng minh bản thân không có tầm nhìn, từ đó khiến cái tôi trở nên kém cỏi.

Trong sự lựa chọn của mình, niềm vui giả tạo mà chúng ta tìm thấy là: Bản thân có tầm nhìn xa trông rộng; đó là hành động sáng suốt của bản thân.

| HẠN CHẾ ĐẾN TỪ CHÍNH CHÚNG TA

Để bắt đầu chương này, trước tiên hãy làm câu hỏi lựa chọn. Hãy lựa chọn những câu mà bạn cho rằng đáp án là “Đúng” trong các mục dưới đây:

☛ Có phải bạn cảm thấy không có tiền thì không thể làm điều mình muốn làm?

☛ Có phải bạn cho rằng thành công là chuyện của số ít người, không liên quan nhiều đến bạn?

☛ Có phải bạn không quen thuộc với ngành nghề khác, vì thế không dám bước chân vào?

☛ Có phải bạn cho rằng mình không có trình độ học vấn cao thì không thể tìm được công việc tốt hơn?

☛ Có phải bạn cho rằng mình đã già rồi, không nên quá tham vọng?

☛ Có phải bạn cho rằng mình không đẹp trai thì sẽ vĩnh viễn không thể bước chân lên sân khấu tráng lệ?

☛ Có phải bạn cho rằng mình hướng nội thì không thể đứng trên sân khấu diễn thuyết?

Cho dù bạn lựa chọn đáp án nào, chúng đều trở thành sự hạn chế với việc thực hiện cái tôi của bạn. Trong cuộc sống, những cái cớ nào khiến chúng ta không cần phải bỏ ra nhiều nỗ lực thì thông thường chúng ta sẽ làm theo.

Rất nhiều người cho rằng một số nhân tố nào đó của bản thân đã hạn chế ta làm một việc gì đó, hơn nữa, theo lối mòn tư duy, cũng cho rằng những việc này vốn không phải việc mà bản thân có thể làm được. Nhận thức như vậy khiến chúng ta thỏa mãn với hiện trạng, an phận làm công việc mà hiện tại mình đang làm, không dám tham vọng quá nhiều.

Nếu chúng ta thật sự cho rằng bản thân bị hạn chế, chứ không phải chúng ta không nhích được cái cơ thể tham lam lưu luyến hưởng thụ niềm vui giả tạo của mình, vậy thì những quan niệm này thật sự sẽ chôn chân chúng ta ở chỗ cũ, khiến chúng ta không thể nhúc nhích. Còn nếu ngược lại thì cuộc đời của chúng ta sẽ rộng mở, không bị trói buộc.

An sinh ra trong một gia đình ở miền núi Tây Bắc. Do gia cảnh nghèo khó nên không có tiền tiếp tục đi học. Sau khi tốt nghiệp cấp hai, cậu ta ở nhà làm nông.

Vì không muốn mãi mãi chôn vùi mơ ước của mình ở vùng núi như thế, An dự định tự học ở nhà. Cậu đã cân nhắc rất nhiều con đường tự học thành tài, sau khi tính toán thiệt hơn, cuối cùng lựa chọn tự học mĩ thuật.

Trong những tháng ngày sau đó, An bắt đầu tích cóp từng đồng, cuối cùng đã kiếm đủ tiền mua một cuốn sách. Cậu nóng lòng đến hiệu sách cách nhà hơn bốn mươi cây số, mua về cuốn hướng dẫn học mĩ thuật đầu tiên, bắt đầu tự học vẽ ở nhà.

Sau hai năm khổ luyện ở nhà, một người cùng quê đi làm ở ngoài về nói với cậu, ở thành phố có rất nhiều công ty tuyển kĩ sư đồ họa. An rất vui, thầm nghĩ cuối cùng những thứ mình học cũng không uổng phí. Thế là cậu hạ quyết tâm phải lên thành phố thử xem sao.

Một tuần sau, An cầm số tiền ít ỏi vay được từ một người bạn, bước lên chuyến tàu về thành phố. Năm ấy cậu 18 tuổi, chưa bao giờ đi xa, cũng chưa từng va chạm với bên ngoài.

Sau khi lên thành phố, ban ngày, An đi khắp nơi tìm việc, buổi tối chạy về bến tàu, ngủ trong phòng chờ tàu. Cậu mang ít tiền, không dám thuê nhà trọ, cũng không dám ăn gì khác. Mỗi ngày chỉ có thể ăn bốn cái bánh mì, uống nước lã.

Thấm thoát đã hai mươi ngày trôi qua, tiền trong túi cạn dần, nhưng vẫn chưa có công ty nào tuyển dụng cậu. Bởi vì kĩ sư đồ họa mà các công ty tuyển dụng đều cần làm việc bằng máy tính, hơn nữa, ít nhất phải có bằng cao đẳng. An không thể đáp ứng đủ yêu cầu của họ.

Nhưng An không hề nhụt chí. Trong hai tháng sau đó, cậu vừa rửa bát trong nhà hàng, vừa tranh thủ thời gian ngồi vỉa hè bán đồ lưu niệm, cuối cùng đã có thêm tiền.

Có tiền, An lập tức đăng kí lớp bồi dưỡng vi tính, rồi tìm một phòng trọ rẻ nhất để ở. Lúc ấy, trong tay cậu chỉ còn lại đủ tiền sinh hoạt trong một tháng. Ngày nào cậu cũng mang bốn cái bánh mì, sáng sớm đến cổng trường học vi tính chờ mở cửa, học đến tận khi trường đóng cửa, cậu mới chịu đi về.

Sau vài tháng chăm chỉ học hành, cậu đã may mắn trở thành nhân viên đồ họa của một công ty đúng như mong ước. Mặc dù còn chưa hiểu rõ về máy tính nhưng công việc của cậu vẫn nhận được sự khen ngợi của giám đốc.

Khi ấy, mạng internet vừa mới thịnh hành trong nước. Sau nửa năm làm việc, An lại bắt đầu học thiết kế trang web. Sau đó, An được nhận vào một công ty mạng quy mô lớn, đảm nhiệm vai trò quản lý bộ phận thiết kế.

Cuộc đời của An vẫn đang không ngừng thay đổi. Hai năm sau, mặc dù không biết một chút gì về ngành truyền thông, nhưng cậu ấy đã mở một công ty quảng cáo. Về sau, tích cóp được chút vốn, An lại bước chân vào lĩnh vực kĩ thuật mới. Hiện giờ, cậu ấy đang đầu tư vào thị trường tiền tệ.

Từ tay trắng đến có một cuốn sách hướng dẫn học mỹ thuật, từ một thông tin của đồng hương đến bước chân lên chuyến tàu về thành phố, từ ngủ ở ga tàu hỏa đến làm việc trong nhà hàng... đến tận khi bước vào thị trường tiền tệ như ngày hôm nay. Tất cả những việc này, An đã làm trong mười năm ngắn ngủi.

Một lần, mấy người bạn chúng tôi cùng An đi du lịch. Khi đi qua quê của cậu ấy, chúng tôi nhân tiện ghé thăm nhà cậu. Lúc An nói sắp tới nơi, tôi vẫn mong chờ đi qua một dãy núi là có thể nhìn thấy ngôi làng nhỏ đã nuôi dưỡng cậu ấy. Nhưng chúng tôi rẽ qua vô số ngã rẽ, đi qua hết ngọn núi này đến ngọn núi khác mà vẫn chưa tới. Đúng lúc tôi sắp tuyệt vọng thì An chỉ tay về phía một rãnh núi nhỏ ở phía xa và nói: “Chính là chỗ đó.”

Tôi nhìn làng quê nhỏ bé thoát ẩn thoắt hiện giữa rừng núi, trong lòng không khỏi khâm phục, ngôi làng nhỏ heo hút, dường như bị tách biệt khỏi thế giới bên ngoài. Thật khó có thể tưởng tượng được năm ấy An đã bước ra khỏi nơi này như thế nào.

Rất nhiều người có điều kiện kinh tế, sinh ra trong một môi trường rất tốt, nhưng lại viện cớ này cớ nọ để tự bó buộc bản thân. Còn An thì sao, cậu ấy thật sự không có gì cả. Thứ cậu ấy có chính là lần nào cũng dốc hết sức mình để làm việc mà mình muốn làm và một trái tim không bị trói buộc.

Có lẽ, bạn sẽ nói hạn chế về kinh tế, môi trường thì có thể cải thiện, vậy hạn chế trên cơ thể thì sao? Những khiếm khuyết trên cơ thể là rất khó thay đổi, chúng ta sao có thể đột phá được?

Chắc hẳn nhiều người trong số chúng ta đã từng biết đến Nick Vujicic, người đàn ông khoảng 30 tuổi, vừa không có cánh tay cũng không có chân. Mặc dù anh không có tay chân nhưng anh sống rất vui vẻ. Không những có thể tự ăn cơm mà anh còn có thể đá bóng, chơi golf, trượt băng, cũng có thể một mình leo lên bàn diễn thuyết mà không cần tới sự giúp đỡ của bất cứ người nào.

Khi Nick đứng trên bàn với nửa thân trên, ngay cả cánh tay cũng không có, khi anh diễn thuyết một cách dõng dạc, hùng hồn thì sức sống mãnh liệt và tinh thần không bao giờ khuất phục toát ra từ con người anh quả thực khiến người ta không thể tưởng tượng được. Những người được gặp anh, nghe anh diễn thuyết, đều cảm thấy vô cùng khâm phục.

Chúng ta có tay có chân, nhưng lại muốn tìm đủ mọi lí do để hạn chế bản thân. Thật sự là những lí do ấy hạn chế chúng ta sao?

Bất kì hạn chế nào cũng đều bắt nguồn từ chính chúng ta. Mọi vấn đề nảy sinh ở trong tim chúng ta. Chỉ cần chúng ta coi một số nhân tố nào đó là hạn chế, vậy thì nó sẽ ngay lập tức trở thành chướng ngại, hạn chế sự phát triển của chúng ta.

Rất nhiều điều kiện mà chúng ta không có, sở dĩ sẽ trở thành điểm hạn chế, thực ra là vì chúng ta có một trái tim dễ dàng bị hạn chế. Cái gọi là hạn chế chính là cái cớ để bản thân không làm một vài chuyện nào đó, là sự lấp liếm sự bất lực của bản thân về một mặt nào đó, cũng chính là phương thức để tránh cho bản thân trở nên khô héo. Đồng thời còn là vì chúng ta tham lam niềm vui giả tạo mà không thể nhấc nổi tấm thân nặng nề của mình lên.

Để có được niềm vui giả tạo, chúng ta có thể không cần nhìn rõ bộ mặt thật của mình, có thể bất chấp cảm nhận chân thực của bản thân, có thể coi tất cả những gì xung đột với niềm vui giả tạo là hạn chế của thực tế mang lại cho chúng ta. Nhưng trên thực tế, tất cả hạn chế chỉ có thể chứng tỏ chúng ta là người bất lực với bản thân.

Cần phải nhớ rằng, trên sân khấu cuộc đời, không có nhiều cái “nên như thế nào”, “cần phải như thế nào”, chỉ có một quy tắc duy nhất, đó chính là “mình phải như thế nào”.

Qua những việc bản thân chúng ta không làm được, niềm vui giả tạo mà chúng ta tìm thấy là: Đó không phải là lí do xuất phát từ bản thân tôi.