Tìm Lại Cái Tôi Đã Mất

Chương I: Vui Vẻ Là Lời Nguyền Của Mục Đích Di Truyền Gen

BẠN BỊ NHỐT Ở ĐÂU?

| BẠN CÓ THỂ QUA CẦU TRÓT LỌT KHÔNG?

Bốn người nọ cùng nắm tay nhau đi tìm ước mơ.

Một hôm, họ đến bên vách núi hiểm trở, dưới vách núi là nước sông chảy xiết, lưng chừng núi có một cây cầu độc mộc chỉ đủ cho một người đi qua. Đây chính là con đường để sang phía bên kia vách núi.

Họ do dự rất lâu, cuối cùng có ba người lấy hết dũng khí, từng người bước lên cây cầu, tiến lên phía trước.

Kết quả thì sao? Một người qua được bên kia cây cầu một cách dễ dàng; một người lảo đảo trên cầu, khó khăn lắm mới sang được bên kia; người còn lại đi được nửa đường thì rơi xuống, mất mạng.

Người thứ tư nhìn thấy cầu hẹp, vách núi dựng đứng, nước chảy xiết thì hai chân mềm nhũn, không có dũng khí bước lên cây cầu. Cuối cùng, anh ta dựng một túp lều cạnh cây cầu, bắt đầu những ngày tháng nhàm chán.

Cuối cùng, vì sao mỗi người bọn họ lại nhận một kết cục khác nhau? Vì sao cùng là bốn người khỏe mạnh, có người thì dễ dàng qua cầu, có người mất mạng dưới vách núi, có người chấp nhận dừng lại? Thực ra, tình huống họ gặp phải không hề khác nhau, điểm khác biệt duy nhất là khi họ đứng bên cây cầu hoặc đi trên cầu, trái tim của họ ở đâu. Trái tim ở đâu, con người của họ sẽ ở đó.

Người thuận lợi qua cầu nói: “Mục đích của tôi chính là qua cầu, vách núi hiểm trở liên quan gì đến tôi? Nước chảy xiết liên quan gì đến tôi? Không nhìn, không nghe, không nghĩ, chỉ tập trung vào đôi chân, bước đi thật vững là được.” Mục đích của anh ta là qua cầu, con người và trái tim anh ta đều ở trên cầu, cùng hòa làm một, bản thân và cây cầu từ đầu đến cuối giữ được sự hài hòa thống nhất, vì thế anh ta có thể qua cầu dễ dàng.

Người lảo đảo qua cầu nói: “Tôi cố gắng không nhìn vách núi hiểm trở, không nghe tiếng nước chảy xiết, kiềm chế nỗi sợ hãi trào dâng trong tim, hết lần này đến lần khác kéo trái tim của mình từ dưới vách núi lên trên cầu mới kiên trì được đến cuối cùng.” Trái tim của anh ta lúc thì ở trên vách núi hiểm trở, lúc lại ở dưới dòng nước chảy xiết, lúc lại ở trên cầu. Điều đáng mừng là anh ta có thể kịp thời kêu gọi trái tim của mình quay trở lại, tránh được bi kịch bỏ mạng dưới vực sâu.

Người dừng chân không qua cầu nói: “Thay vì phải mạo hiểm tính mạng như vậy, chi bằng ở lại chỗ cũ cho yên ổn.” Trái tim của anh ta treo trên vùng đất an toàn bên ngoài vách núi, vì thế anh ta ở lại chỗ cũ, không có cơ hội cảm nhận thế giới muôn màu ở phía bên kia cây cầu.

Có lẽ chúng ta sẽ cảm thấy tiếc nuối cho người bị rơi xuống, nhưng thứ khiến anh ta rơi từ trên cầu xuống không phải là thứ gì khác ngoài chính bản thân anh ta. Từ đầu đến cuối trái tim của anh ta ở đáy sâu, và trái tim đã kéo thân thể anh ta xuống đó.

Vì sao cùng là bốn người khỏe mạnh bình thường, đối mặt với cùng một tình huống, lại có kết cục khác nhau? Thực ra, điều khác biệt chính là khả năng điều khiển trái tim của họ.

Có lẽ bạn sẽ lại đặt ra một câu hỏi nữa: “Cùng có một trái tim, vì sao có người có thể để trái tim của mình đưa mình qua cầu, có người lại bị trái tim của mình kéo xuống vực sâu, có người bị trái tim của mình khống chế ở chỗ cũ?”

Bởi vì trong tim mỗi người chúng ta, đều có một hệ thống thăng bằng nhằm cân đối mối liên hệ giữa bản thân và hiện thực. Có thể thuận lợi qua cầu không, phải xem hệ thống thăng bằng của chúng ta đánh giá hiện thực như thế nào và đánh giá cái gì trong hiện thực. Bốn người trong câu chuyện, cho dù đánh giá hiện thực là nguy hiểm hay là con đường hướng tới thế giới muôn màu, hoặc là cái gì khác thì tiêu chuẩn và phương thức đánh giá hiện thực của họ đều chịu sự chi phối của một sức mạnh to lớn, đó chính là công thức gen. Trong khi đó công cụ chủ yếu mà công thức gen khống chế chúng ta chính là niềm vui.

Hệ gen từ bố mẹ di truyền cho chúng ta đã trải qua sự tiến hóa hàng nghìn hàng vạn năm, chịu ảnh hưởng sâu sắc từ cuộc sống của tổ tiên nguyên thủy. Trước khi chào đời, quá trình phát triển do những gen này dẫn dắt, quyết định kết cấu gen trong từng phần của não người. Khi chúng ta chào đời, bộ não hoàn toàn không phải là một trang giấy trắng, mà đã bị gen lập trình. Vì thế, hành vi của chúng ta chịu sự điều khiển của công thức gen. Chức năng ban đầu của hệ thống cân bằng trong tim chúng ta lấy việc thực hiện di truyền gen làm mục đích.

Nhưng, trong thời kì đỉnh cao của văn minh nhân loại như ngày nay, chúng ta cảm thấy cần thực hiện giá trị của bản thân, càng cần sống một cuộc đời thực sự có ý nghĩa. Hệ thống cân bằng của chúng ta có thể gánh vác trọng trách thực hiện cái tôi hay không, có thể đảm bảo sự phát hiện hài hòa của hai mục đích: di truyền gen và thực hiện cái tôi hay không sẽ quyết định việc chúng ta có thể dễ dàng bước qua mỗi cây cầu của cuộc đời và việc chúng ta có thể có được niềm vui và sự thành công thực sự hay không. Suy cho cùng, có thể qua cầu hay không, phải xem kết quả “tỉ thí” giữa hai mục đích di truyền gen và thực hiện cái tôi.

Hãy thử hồi tưởng lại, chúng ta đã từng cùng ai rời xa mái trường, đã từng cùng ai bước vào cùng một công ty, đến bây giờ chúng ta đã đi được bao xa, vượt qua được bao nhiêu cây cầu; hay là chúng ta đã dừng bước ở một túp lều cạnh cầu, sống những ngày tháng tẻ nhạt? Bạn sẽ phát hiện, cùng một điểm khởi đầu, có người sống một cuộc đời thênh thang rộng mở, có người vô cùng vất vả, có người lại hết sức tầm thường. Mặc dù mọi người đều có thể nhìn thấy sự khác biệt rất lớn giữa con người với con người, nhưng rất ít người biết rằng nguyên nhân sâu xa làm nảy sinh những khác biệt này là gì và hiện trạng của bản thân với bản thân có mối quan hệ gì với nhau.

Tóm lại, đa số chúng ta đều làm trái với mong muốn đích thực của mình, cam chịu cuốn theo dòng chảy của công thức gen.

| LÀ BẠN MUỐN LÀM GÌ HAY GEN MUỐN BẠN LÀM GÌ?

Từ câu chuyện qua cầu, chúng ta thấy rằng có thể phối hợp nhịp nhàng mối quan hệ giữa gen di truyền và thực hiện cái tôi hay không là yếu tố cơ bản quyết định chúng ta có thể qua cầu được hay không. Mặc dù khả năng phối hợp này không sờ thấy, không nhìn thấy được, chúng ta không biết bắt đầu từ đâu để điều khiển nó, nhưng quả thực nó là sức mạnh tiềm ẩn đưa chúng ta qua cầu thuận lợi hoặc đẩy chúng ta rơi xuống vực thẳm.

Mặc dù khả năng phối hợp này không thể dùng mắt để phân biệt, không thể dùng tay để chạm vào, không thể dùng tai để nghe, nhưng chúng ta có thể dùng trái tim để cảm nhận nó, nhận biết nó. Bởi vì với vấn đề của trái tim thì dùng phương thức của trái tim để giải quyết là phương pháp hữu hiệu nhất.

Nắm được khả năng thiên bẩm này, đưa nó từ trạng thái vô thức lên thành trạng thái điều tiết có ý thức, từ đó tránh để cuộc đời của chúng ta trôi qua vô vị và rơi xuống vực sâu, khiến việc ung dung bước qua từng cây cầu của cuộc đời trở thành việc đáng làm nhất trong cuộc đời chúng ta.

Tiếp theo, chúng ta sẽ cùng bắt đầu khám phá tâm hồn, dùng trái tim cảm nhận những khu vực bị chúng ta bỏ qua, những vùng cấm ẩn giấu tận sâu trong đáy lòng khiến chúng ta yếu đuối. Chúng ta sẽ phát hiện nơi gọi là khu vực cấm nằm trong chính thế giới của bản thân ta chứ không nằm ở cầu hẹp, vách cao, nước chảy xiết.

Phần lớn con người đều đã từng nhìn thấy chiếc cân để cân trọng lượng của đồ vật. Có hai đĩa cân, một bên đặt đồ vật cần cân, một bên đặt quả cân, từ đó cân được trọng lượng của đồ vật.

Trong tim mỗi người chúng ta đều có một hệ thống cân bằng giống với chiếc cân nói trên, dùng để đánh giá “trọng lượng” của hiện thực. Nhận thức của chúng ta về hiện thực cùng với phương thức giải quyết vấn đề hiện thực, đều là kết quả mà chiếc cân trong lòng chúng ta đánh giá hiện thực trước mắt. Điểm khác biệt với chiếc cân trong hiện thực là chiếc cân trong tim chúng ta coi việc có được niềm vui là nguyên tắc, chúng ta gọi hệ thống cân bằng theo đuổi niềm vui trong tim chúng ta là “cán cân vui vẻ”. Hệ thống cân bằng này là hệ thống tự bảo vệ hình thành qua quá trình tiến hóa hàng nghìn hàng vạn năm của gen.

Hai đầu của cán cân vui vẻ lần lượt là đĩa cân hiện thực và đĩa cân cái tôi, vật đặt trong đĩa cân hiện thực là hiện thực không ngừng thay đổi, còn trong đĩa cân cái tôi là quả cân chúng ta đánh giá hiện thực. Những quả cân này là nhận thức, phản ứng của chúng ta với sự vật.

Quả cân trong đĩa cân cái tôi chia thành hai loại. Một loại chịu sự khống chế của mục đích gen, nhận thức và phản ứng vô thức hoặc chủ quan về hiện thực. Chúng ta gọi nó là quả cân mất cân bằng, nó là quả cân khiến cán cân mất cân bằng.

Một quả cân khác là quả cân chúng ta lấy việc thực hiện cái tôi làm mục đích, đưa ra nhận thức và phản ứng khách quan với hiện thực, chúng ta gọi nó là quả cân vui vẻ. Quả cân vui vẻ là quả cân khiến bản thân và hiện thực giữ được sự phối hợp nhịp nhàng, khiến cán cân vui vẻ giữ được thăng bằng.

Cho dù chúng ta đặt vào trong đĩa cân cái tôi quả cân mất cân bằng hay quả cân vui vẻ thì đều là vì theo đuổi niềm vui. Chỉ là hai quả cân này khiến chúng ta thu được niềm vui khác nhau. Niềm vui có được thông qua việc đặt quả cân mất cân bằng là niềm vui giả tạo, chịu sự khống chế của mục đích gen, làm trái với mong muốn thật sự của bản thân. Còn niềm vui có được thông qua việc đặt quả cân vui vẻ là niềm vui giống với mong muốn thật sự của bản thân – niềm vui thật sự.

Đối mặt với sự vật hiện thực, chúng ta đặt vào trong đĩa cân cái tôi quả cân mất cân bằng hay quả cân vui vẻ, phụ thuộc vào việc chúng ta chịu sự khống chế của mục đích gen hay lấy việc thực hiện cái tôi làm mục đích.

Quan trọng là chúng ta hầu như luôn luôn chịu sự khống chế của mục đích gen, cho thêm quả cân mất cân bằng vào trong đĩa cân cái tôi một cách vô thức, theo thói quen. Sự dựa dẫm thâm căn cố đế của con người vào hệ thống tự bảo vệ dẫn đến việc trong cuộc đọ sức giữa hai mục đích gen di truyền và thực hiện cái tôi, chúng ta không thể chiến thắng mục đích gen, không thể để quả cân vui vẻ chiếm toàn bộ không gian trong đĩa cân cái tôi. Kết quả là, hầu hết thời gian, hành vi của chúng ta không xuất phát từ mong muốn thật sự của bản thân, mà là sự thỏa hiệp với mục đích gen. Đây chính là lí do sâu xa khiến chúng ta trở nên tầm thường và không thể có được niềm vui thật sự.

Bốn người qua cầu trong câu chuyện, người không qua cầu và người bị rơi từ trên cầu xuống đều là những người bị sức mạnh của gen khống chế. Trong cuộc sống, đa số con người đều thuộc nhóm này, đều bị công thức gen khống chế, phó mặc cuộc đời cho công thức gen, để mặc cho bản thân tuột dốc.

Trong cuộc đọ sức giữa mục đích gen và mục đích thực hiện cái tôi, mục đích thực hiện cái tôi chiếm ưu thế hơn một chút là người lảo đảo qua cầu. Nhưng anh ta không hề hiểu được nguyên nhân khiến bản thân xuất hiện trạng thái lảo đảo này. Trong cuộc sống, một số người vô tình có được chút thành tựu, chính là thuộc nhóm này. Nhưng trước sự chi phối của mục đích gen, số lượng vật chất mà chúng ta có được không thể chứng tỏ được một người có thật sự vui vẻ và thành công hay không.

Còn người dễ dàng qua cầu mới là người thật sự khiến quả cân vui vẻ chiếm trọn không gian của đĩa cân cái tôi từ đầu đến cuối, mới là người theo chủ nghĩa thực hiện cái tôi. Anh ta mới là người có thể dễ dàng đi qua cây cầu tiếp theo, cũng là người thật sự hạnh phúc.

| MỖI CHÚNG TA ĐỀU ĐANG TÌM KIẾM CẢM GIÁC VUI VẺ

Trong công thức gen, gen thiết kế phương thức thưởng phạt đơn giản nhất, hữu hiệu nhất đối với hành vi của chúng ta – cho chúng ta sự đau khổ hoặc niềm vui. Nếu chúng ta có hành vi uy hiếp tới mục đích gen thì sẽ phải nhận sự trừng phạt của gen – khiến chúng ta đau khổ; ngược lại, nếu chúng ta có hành vi có lợi để đạt được mục đích gen thì sẽ cảm thấy vui vẻ - Đây chính là phần thưởng từ gen. Gen khống chế hành vi của chúng ta để đạt được mục đích của nó.

Cán cân vui vẻ sẽ tiến hành đánh giá sự vật mà chúng ta phải đối diện, điều này là để đảm bảo sự sinh tồn của chúng ta không bị uy hiếp, cái tôi không bị xâm phạm. Một khi cán cân vui vẻ cảm nhận được một chút “uy hiếp”, thì sẽ lập tức khởi động hệ thống phòng ngự của bản thân để chống lại nó, hoặc là tránh xa sự vật này, để qua đó bảo vệ sự an toàn và hoàn chỉnh của cá thể.

Trong câu chuyện qua cầu, người không thử qua cầu nhìn thấy cây cầu trên vách núi, cái mà anh ta đọc được chính là nguy cơ sẽ bị rơi xuống, thế là trong lòng trào dâng nỗi sợ hãi sẽ bị rơi xuống vách núi, khiến anh ta trở nên vô cùng đau khổ. Nỗi sợ hãi và đau khổ lúc này chính là do gen phát ra tín hiệu cảnh báo và khởi động hệ thống phòng ngự với mối nguy hại tới sự sinh tồn của cá thể. Bởi vì gen tuyệt đối không cho phép có bất kỳ hành vi nào gây nguy hại tới cá thể xảy ra, vì thế người không dám qua cầu - do muốn bảo toàn tính mạng của mình nên đã dựng lều cạnh vách núi. Đây chính là phản ứng mà gen hy vọng chúng ta đưa ra trước nguy hiểm. Lúc ấy, niềm vui chính là đảm bảo cho bản thân không bị xâm phạm.

Hai chức năng lớn của công thức gen là: Trước tiên bảo vệ bản thân, sau đó là mở rộng vô hạn.

Khi chúng ta đánh giá những thông tin có lợi cho việc khiến bản thân trở nên lớn mạnh qua sự vật hiện thực, bộ não sẽ nảy sinh cảm giác vui vẻ. Cảm giác này khiến chúng ta có sức mạnh vô hạn để vươn lên, tích cực giành lấy nhiều ưu thế hơn người khác và càng nhiều sức mạnh xã hội hơn người khác. Lúc ấy, niềm vui chính là động lực để chúng ta trở nên mạnh mẽ.

Người rơi xuống dưới cầu, lúc đối diện với cây cầu, anh ta đánh giá được qua cầu là việc lợi nhiều hơn hại, thế là anh ta hào hứng lên đường. Sau khi đặt chân lên cây cầu, anh ta mới cảm nhận được rằng, tình huống trước mặt uy hiếp rất lớn tới tính mạng của mình, thế là trong lòng nảy sinh nỗi sợ hãi. Khi anh ta không thể thoát khỏi nỗi sợ hãi trong lòng, nỗi đau khổ liền nảy sinh. Gen dùng nỗi đau khổ để trừng phạt chúng ta, hi vọng chúng ta lập tức thoát khỏi tình thế nguy hiểm, bảo vệ bản thân. Trong nỗi đau khổ, anh ta không tìm thấy lối thoát an toàn, nỗi đau khổ kéo dài khiến anh ta không thể chịu đựng được, cuối cùng chôn vùi tính mạng của mình. Môi trường sinh tồn của con người càng ngày càng phức tạp, vì vậy cũng có lúc những công thức gen được thiết lập “ngốc nghếch” sẽ phản tác dụng, chôn vùi luôn cả mục đích gen.

Người lảo đảo qua cầu, lúc đối diện với cây cầu, cũng cảm nhận được việc qua cầu có lợi với mình nhiều hơn là có hại. Cũng như vậy, sau khi bước lên cầu anh ta mới cảm nhận được bản thân gặp nguy hiểm về tính mạng, trong lòng vô cùng sợ hãi. Nhưng điểm khác biệt giữa anh ta và người rơi xuống dưới là ở chỗ, anh ta có thể kiềm chế nỗi sợ hãi trong lòng. Trong cuộc đọ sức giữa bản thân với gen, anh ta đã chiến thắng nỗi sợ hãi, cuối cùng mới qua cầu trót lọt.

Từ ba trường hợp của ba người này, có thể thấy, họ đều là những người không thoát khỏi sự bó buộc của công thức gen. Điều thôi thúc họ hành động chính là những niềm vui khác nhau “đo lường” được từ trong hiện thực: niềm vui từ vùng đất thoải mái bên cạnh vách núi và niềm vui từ những lợi ích thu được khi qua cầu. Đó đều là những niềm vui sẽ chôn vùi cuộc đời của chúng ta. Đây chính là tình cảnh nguy khốn mà công thức gen dồn chúng ta vào.

Đối với con người mà nói, rốt cuộc cảm giác vui vẻ là gì? Nó trói buộc chúng ta như thế nào?