Vợ chồng nhà nọ nhờ chăm chỉ làm ăn và khéo thu vén, lại ăn tiêu tùng tiệm trở nên giàu có. Hiềm nhà hiếm hoi, đẻ muộn chỉ được một đứa con trai. Cậu quý tử nom cũng khôi ngô, khoẻ mạnh nhưng lêu lổng vì bà mẹ quá nuông chiều từ bé. Gia đình mời thầy về dạy ngay trong nhà nhưng cậu lười quá, học được dăm ba chữ đã cho là đủ, thường tạ cớ để trốn học. Thầy chán, bỏ đi. Cậu thừa dịp đua bạn bè sống bê tha. Người cha lo buồn lắm. Hừm! Thằng này sẽ là đứa “phá gia chi tử”. Một mai ta nằm xuống thì cơ đồ của cả đời hai vợ chồng ta tần tảo sẽ đội nón ra đi. Nếu tìm được nàng dâu thảo thì may ra … Nhưng thảo như thế nào mới cầm cương nổi thằng nghịch tử ấy? mới đảm đang được cơ nghiệp?
Một hôm, đang dạo chợ, ông để ý đến hai cô gái nom thùy mị, nết na, lại ưa nhìn. Khi họ ra về, ông đi theo. Hai cô gái, là hai chị em ruột, thấy một ông già đi sau bèn nép bên đường nhường bước. Ông đi trước nhưng cố ý thong thả giữ một khoảng cách vừa phải. Trời nắng mà ông cắp ô vào nách. Đường khô ráo, ông vẫn dép cầm tay. Qua đoạn đường rợp bóng mấy cây đa sum sê, ông giương ô lên. Đi phía sau thấy vậy, cô em bảo chị:
- Người đâu mà lẩm cẩm! Chỗ nắng thì để đầu trần, chỗ râm lại che ô. - Cô nói nhỏ nhưng cũng đủ cho người đi trước nghe thấy.
- Chúng mình biết đâu được thâm ý người ta. - Người chị ngăn em - Có khi ông cụ sợ chim chóc đậu trên cây bậy xuống.
Đến khúc đường trũng lầy bùn, ông già xỏ chân vào dép lội qua.
- Ông này đúng là khùng rồi. - Cô em lại không nhịn được nói - Dép lại dành để sục bùn!
- Em thật là! - Cô chị trách em - Ngộ nhỡ có gai náu trong bùn thì sao?
Ba người đã đi được một đỗi đường dài. Sắp đến một làng. Ông già bỗng ngồi phịch xuống vệ đường. Người em định vượt qua. Cô chị ghé lại ân cần hỏi:
- Cụ làm sao thế ạ?
- Không can chi. - Ông già mệt mỏi đáp- Tôi đi nhiều trong người khó chịu một chút thôi.
- Cụ còn phải đi xa nữa không ạ?
- Cũng hơi xa.
- Nhà chúng cháu cũng gần đây. Mời cụ ghé lại nghỉ tạm, chờ khoẻ người rồi hãy đi tiếp, cụ ạ.
Ông già theo hai chị em về nhà họ. Nhà tranh, vách liếp. Đồ đạc trong nhà đơn sơ nhưng sạch sẽ, ngăn nắp. Ông được biết hai chị em mồ côi cả cha lẫn mẹ đã hơn ba năm. Hai cô mời khách nằm nghỉ trên một chiếc phản trải chiếu tinh tươm, sau khi mời một bát nước vối. Lát sau, cô chị bưng đến một mâm gỗ trên có một bát cơm gạo hẩm, một đĩa tép kho, một đĩa rau luộc và một bát con tương. Cô có vẻ ngượng ngùng nói:
- Mời cụ xơi tạm đỡ lòng đường xa. Chúng cháu không kịp sửa bữa cho tươm tất, xin cụ cảm phiền.
Ông già mở tay nải lấy ra một vốc gạo trắng, nói:
- Không dám quấy quả hai cô. Tôi có gạo đây. Nhờ các cô nấu sao cho vừa có cơm, vừa có cháo, lại vừa có vầng cơm cháy. Ấy! Cũng là tật của người già. Muốn húp tí cháo cho tỉnh, muốn nuốt tí cơm cho chắc dạ, lại muốn có tí cơm cháy nhai cho thơm miệng. Có phiền các cô lắm không?.
Cô em tròn mắt:
- Có một dúm gạo như thế này, một bát cơm chẳng nổi nữa là. Lại còn …
Cô chị đỡ lời:
- Dạ, không sao ạ. - Cô nhỏ nhẹ bảo em- Em để chị nấu.
Cô vo gạo cho vào một cái niêu đất đổ nhiều nước. Cơm sôi, cô gạn nước cùng chừng một thìa to gạo ra một niêu đất khác bắc lên bếp đun nhỏ lửa. Niêu kia thì cô đem vùi trong đám tro trấu đang cháy âm ỉ. Chẳng mấy chốc, cô được các món đúng ý khách.
Trời tà, ông già từ tạ ra về. Mấy hôm sau, ông cho người mối đến hỏi cô chị làm vợ cho con trai. Cô từ chối, vì không muốn bỏ em lại một mình. Ít lâu sau, khi người em đã yên bề gia thất (có sự góp sức gián tiếp của ông già nọ), cô mới thuận tình, trước hết là do cảm kích về sự chu đáo của ông già.
Cô về làm dâu chưa được bao ngày thì mẹ chồng rồi cha chồng nối nhau qua đời. Trước khi nhắm mắt mãi mãi, ông già gọi con dâu đến bên giường dặn:
- Cha lo cha chết đi thì thằng con ta sẽ phá tan tài sản nhà ta. Con chẳng ngăn được nó đâu. Cha giao cho con cái cẩm nang này phòng khi gia tài khánh tận. Lúc ấy, con hãy mở ra, có thể giúp con dựng lại cơ nghiệp. Cha trông cậy ở con. Nhưng con nên nhớ rằng chồng con là đứa bất trị, quen hưởng thụ mà chẳng chịu mó tay làm gì cả.
Cha mẹ chết đi, được làm chủ cả một cơ nghiệp, anh con trai nhà phú hộ thả sức ăn chơi. Rượu chè, cờ bạc, đàng điếm. Chị vợ hết sức khuyên can mà chẳng ăn thua. Nhà cửa, ruộng vườn lần lượt bị cầm cố hoặc gán nợ. Chỉ hơn một năm sau, vợ chồng phải ra ở nhờ nơi một cái điếm canh bỏ không. Ngày ngày người vợ đi làm thuê làm mướn kiếm ăn. Người chồng không chịu được vất vả bỏ mặc vợ tự lo, đi biệt.
Sống lang bạt, chẳng có nghề ngỗng gì, lại lười biếng, anh ta chẳng còn cách gì khác hơn ngoài cách đi ăn mày. (Cũng còn may là không sa vào vòng trộm cướp). Anh ta lê la xin ăn hết chợ gần đến làng xa, rồi bặt tăm tích.
Thấm thoắt đã mấy năm…
Một hôm, tại các chợ trong vùng nghe rao lên rằng: vào ngày ấy, tháng ấy, tại cơ ngơi cũ của phú hộ họ Nguyễn làng Phúc có phát chẩn cho hành khất. Sẽ phát làm ba đợt, mỗi đợt mỗi người được một bát gạo và ba đồng tiền.
Đến ngày hẹn, trời vừa sáng, những người xách bị gậy đã đứng chật trước cổng nhà cũ của anh-chồng-ăn-mày, ngôi nhà mà anh ta đã đánh mất. Trong số người đó có cả chính anh ta.
Người quản gia thay mặt chủ nhà điều khiển buổi phát chẩn cho đám người đến nhận chẩn xếp hàng ngang trong cái sân rộng trước nhà kho. Anh-chồng-bị-gậy ngồi ngay đầu hàng bên phải.
Quản gia ra lệnh. Ba tiếng trống vang lên. Bắt đầu phát từ bên trái. Phát gạo cùng với phát tiền đúng như đã rao. Phát xong cho người áp chót thì mọi thứ đã chuẩn bị vừa vặn hết. Một hồi trống ngắn, rồi một tiếng hô:
- Đợt một xong! Ổn định chỗ ngồi, chờ đợt phát tiếp theo!
Trong khi đám người cấp phát sửa soạn những thứ cần thiết thì anh-chồng-hành-khất vội vàng đến ngồi vào đầu hàng bên trái. Cuộc phát chẩn lại tiếp tục. Sau ba tiếng trống, người ta bắt đầu từ bên phải. Và oái oăm thay! đến lượt anh ta thì gạo và tiền chuẩn bị cho đợt này đều hết nhẵn. Lại một hồi trống và lời tuyên bố kết thúc đợt hai, chuẩn bị cho đợt cuối cùng.
Đợt thứ ba, anh chàng chen ngồi giữa hàng, chắc mẩm lần này có mà chệch đằng trời. Khác với hai lần trước, đợt chót người ta phát từ hai đầu lại. Và, chẳng hiểu sao, lần này nữa, của phát chẩn cũng sạch trơn khi đến người cuối cùng. Mà người cuối cùng vẫn là anh chàng rủi ro mà ta đã biết. Tiếng trống bãi cuộc buông một hồi gọn. Đám người bị gậy lục đục đứng lên, nối nhau ra cổng. Các bị đều lùm lùm vướng một bên nách.
Các hành khất đã kéo đi hết. Anh ta ngồi trơ một mình trên cái sân rộng thênh. Những người phát chẩn cũng chẳng buồn hỏi đến anh ta. Trời đã gần trưa, bụng anh ta đang làm loạn. Đi ra cũng dở, ở lại cũng dở. Chợt có tiếng hỏi to nghe giật cả mình:
- Này, anh kia! Còn ngồi ăn vạ đó hả?
Anh ta ngước nhìn lên. Người quản gia đang đứng trên thềm. Anh ta thiểu não nói:
- Thưa bà, tôi chẳng được hạt gạo, đồng tiền nào cả.
- Hả? Anh nói lạ!
Anh ta dốc ngược bị lên. Một củ khoai lang to đúng bằng ngón tay út và một cái bát mẻ rơi ra. Người đàn bà xuống thềm tới gần tỏ vẻ ái ngại:
- Sao không bảo ngay lúc nãy? Bây giờ bà chủ cho lệnh cất sổ, khoá kho rồi.
- Bà ơi! Tôi đói quá. Từ chiều qua tới giờ chưa có chút gì vào bụng, những trông vào buổi hôm nay…
- Bây giờ chưa vào bữa. - Người quản gia làm ra vẻ nghĩ ngợi- Thôi được! Có lưng bát cơm nguội, anh ăn tạm. Xong, đến chỗ góc sân đằng ấy chẻ đống củi kia. Anh sẽ được bữa ăn ra trò đấy.
Anh ta nghi ngại liếc nhìn đống củi chẳng lấy gì làm to, song cũng đứng lên theo chân người kia đến thềm nhà bếp. Anh ta nhận chẳng phải lưng cơm mà một bát đầy hẳn hoi với một quả cà. Loáng cái bát cơm đã nhẵn. Đặt bát cơm xuống, liếc nhìn nhanh xung quanh không thấy ai, anh ta vớ lấy bị gậy len lén đi ra phía cổng. Nhưng anh ta mới đi được mấy bước đã nghe tiếng quát:
- Anh kia! Đi đâu? - Bà quản gia có mặt chẳng đúng lúc tí nào!
- Ơn bà đã cho ăn. Tôi xin kiếu.
- Hà, hà. - Một anh người nhà vừa đi đến cười riễu- Bổ củi, anh chẳng bõ làm chứ gì? Cổng đóng rồi, có chó dữ canh đấy. Giỏi thì anh đi ra đi!
- Xin các ông, các bà để cho tôi ra. Tôi không quen những việc ấy.
- Đi xin thì quen phải không? - Bà quản gia chép miệng- Này! Chủ tôi đã xin với quan trên tư giấy đi các nơi, từ rày không ai được bố thí cho những hành khất trai trẻ, khoẻ mạnh như anh nữa đâu. Dễ mà người ta mướn những người ngại việc à? Được ăn lại có chỗ trú ngụ khỏi mưa nắng lại không thích! Có khi còn được tiền công. Chịu khó làm đi! Có gì chúng tôi chỉ vẽ cho.
Anh ta miễn cưỡng nghe theo. Thật là một thứ cực hình! Đống củi hình như không chịu vơi. Mà mặt trời cũng ỳ ra. May mà mãi rồi cũng đến lúc được nghỉ. Đống củi còn già nửa. Đến bữa, anh ta được dọn cho ăn riêng. Có mâm gỗ đàng hoàng, cơm nóng đủ no, có rau dưa, có tương. Tối đến, anh ta được ngủ trong hiên nhà bếp. Vậy cũng tốt chán, có chõng nằm, có chiếu đắp.
Hôm sau, anh ta được giao làm cỏ vườn. Cái cuốc mới nặng làm sao! khó bảo làm sao! Chẳng nhẹ nhõm, ngoan ngoãn như cái gậy ăn xin. Vung gậy xua chó những nhà đến xin ăn lắm khi phải tả xung hữu đột, còn ra cái mẽ xông pha, dẫu chỉ để tránh đòn chứ chẳng bao giờ dám đánh chúng (ăn xin mà đánh chó nhà chủ thì có mà…!). Đâu có đơn điệu như vung cuốc lên, bập cuốc xuống. Chà! mệt quá xá! Phải ngả lưng tí. Nghĩ là làm, nằm luôn xuống đất. Và “khò” luôn. Quản gia ra ngó xem, lắc đầu sái cổ. Cả một buổi, anh ta rẫy cỏ được một khoảnh rộng bằng… ba chiếc chiếu. Bữa đó, anh ta chỉ được ba lưng cơm hẩm với vài quả cà muối. Tuy vậy, anh ta vẫn được giao việc này, việc nọ, thường là có người cùng làm để bảo ban, kèm cặp. Anh ta những muốn đánh bài chuồn, nhưng hiềm nỗi một anh người nhà đã rỉ tai: “Anh chớ tự tiện bỏ đi mà dại. Người ta hô lên là anh ăn cắp rồi trốn thì làm sao? Lính hoặc tuần chúng nó gô cổ lại ngay”. Anh ta buồn cho số mình gặp nạn (!).Đành phải nai lưng (?) mà làm. Hôm nào làm khá thì được ăn cơm dẻo với canh rau, có khi còn được tí thịt hoặc cá. Còn hôm nào mà nổi cơn lười lên thì … tệ hơn cả cơm ăn mày. Quản gia thường khuyến khích và ân cần chỉ bảo. Dần dần anh ta biết trồng cây, chăm quả, biết cả cày bừa, gặt hái, kham được những việc nặng nhọc. Anh ta đã được ăn ở chung với người làm. Anh ta hầu như quên mình là ai, nhìn vẻ ngoài thấy vô tư lự, tuy ít nói.
Vậy là một năm đã trôi qua, từ ngày anh ta gác bị gậy. Một hôm quản gia gọi anh ta đến trao cho một bộ quần áo bà-ba trắng vải cát bá và một cái áo dài the đen cùng cái khăn nhiễu vấn đầu, bảo: “Anh đi tắm và thay quần áo đi. Đóng bộ này vào! Hôm nay giỗ cha chồng bà chủ. Anh bây giờ đã được coi là người nhà, phải đến trước bàn thờ trình diện”.
Từ khi trở lại chốn từng là cơ ngơi của mình, anh ta chỉ được ra vào nơi dành riêng cho người làm kề nhà kho. Chưa một lần anh ta được đặt chân vào ngôi nhà chính. Chưa một lần anh ta được giáp mặt bà chủ. Cơ ngơi xưa dường như vẫn y nguyên. Anh ta thờ ơ, chẳng dính dáng gì. Chẳng phải vì nghĩ rằng bây giờ nó là của ai khác rồi. Mà chính là do tâm lí của kẻ sa cơ, phó mặc dòng đời. Bây giờ, không phải là “được” mà “phải” bước vào ngôi nhà ấy đến trước bàn thờ ra mắt vong linh một kẻ xa lạ đã chiếm chỗ vong linh người thân của mình. Mới thật thấm thía cái tội tày đình của mình đối với gia tộc, cha mẹ, và đối với vợ. Ôi! người vợ thảo hiền! Bây giờ lưu lạc nơi đâu? Hay là đã gửi nắm xương tàn trong lòng đất lạnh! Đó là tâm trạng người vốn là chủ xưa khi cất những bước chân nặng nề vào gian thờ của nhà mình. Bàn thờ và đồ thờ phụng vẫn được giữ nguyên như ngày anh ta và vợ phải cuốn gói rời đi. Vẫn cùng cách bày biện. Vẫn thứ nhang mùi thơm ngọt mà vợ anh ta chuyên thắp những lần giỗ, tết. Vẫn cùng một kiểu cỗ bàn. Anh ta nhìn lên bài vị người được cúng giỗ hôm nay, bỗng giật mình, mắt hoa lên. Trời! Sao lại tên cha mình? Anh ta sực nhớ ra đúng hôm nay là ngày giỗ cha. Từ ngày xách bị gậy đi ăn xin, anh ta dám đâu nghĩ đến chuyện giỗ chạp. Còn chỗ nào nữa để mà cúng? Chẳng lẽ mang vong hồn người thân theo trên bước đường ăn mày ăn nhặt! Anh ta phủ phục trước bàn thờ, tê lặng, không khóc nổi. Lòng rối tơ vò chẳng hiểu sự thể ra làm sao.
- Bây giờ mời đi theo tôi.- Người quản gia nói, giọng dịu nhẹ.
Chỗ ấy là phòng khách như xưa kia. Như xưa kia, những bàn ghế ấy, những tràng kỉ ấy, cái điếu bát ấy, bộ đồ pha trà ấy. Người quản gia để anh ta một mình đứng đó, lặng lẽ lui gót. Bần thần một lúc, anh ta mệt mỏi ngồi ghé xuống một chiếc tràng kỉ, vừa phân vân, vừa ngỡ ngàng. Có tiếng dép và một người đàn bà vén rèm cửa bên bước vào. Anh ta quay nhìn và… há hốc mồm đứng bật dậy. “Rõ ràng mở mắt còn ngờ chiêm bao”, trước mắt anh ta là người vợ mà anh ta đã bỏ mặc trong cơn khốn khó. Thiếu phụ ra hiệu cho anh ta ngồi xuống và sẽ sàng đến ngồi trên tràng kỉ đối diện. Chị rót nước mời rồi lên tiếng:
- Hôm nay, tôi mời anh đến đây để trao lại gia sản cho anh. Trước lúc mất, cha đã lo anh sẽ không biết giữ của cha mẹ để lại. Tôi đã hết sức chèo chống. Nhưng anh chẳng những đã không nghe vợ mà lại lắm khi phũ phàng…
Chị khóc nức lên. Chị nhớ như in cái cảnh cha chồng trước khi lìa đời nắm tay chị trăng trối. Chị nhớ lại những ngày cay đắng phải nhìn cơ nghiệp rã dần mà đành chịu… Giọng chị lại đều đều cất lên:
- Khi gia sản nhà ta đã kiệt, tôi giở cẩm nang của cha để lại, biết chỗ cha chôn của. Tôi chưa dám lấy lên ngay, biết rằng anh sẽ vồ lấy đem nướng tiếp. Tôi muốn để anh nếm mùi lao động cực nhọc cho anh tỉnh ngộ đã. Không ngờ, - chị nghẹn lời- phá xong cơ nghiệp rồi, anh bỏ rơi luôn vợ trong cảnh gian truân. Tôi chịu cơ hàn hơn nửa năm trời đợi anh nghĩ lại, quay về. Nhưng anh biệt tăm. Nhờ số của cải cha để lại, tôi chuộc được nhà và vườn. Lần hồi làm ăn, dần dà tôi mua lại được những thứ đã mất, còn làm cho sinh sôi thêm.Giờ đây, anh đã trở về, anh hãy lo liệu lấy. Tôi đã thực hiện được ước nguyện cuối cùng của cha. Vậy là xong. Tôi sẽ đi.
Nãy giờ anh chồng sượng sùng cúi đầu nghe vợ nói. Lúc này, ngửng lên lo lắng hỏi:
- Mình đi đâu?
- Đi đâu mà chẳng được. Có thể tôi đi ăn mày lộc Phật.
Người chồng sụp xuống trước mặt vợ:
- Mình ơi! Tôi có tội với mình. Nếu mình không còn thương yêu tôi nữa thì cũng nên nghĩ tới tấm lòng của cha. Cha đã khổ công lặn lội đi tìm cho thằng con vô phước này một người vợ hiền thảo là vậy mà hắn nỡ phụ. - Anh ta khóc hu hu.
- Tội của mình là tội với cha với mẹ ấy. - Chị vợ gạt nước mắt, ngậm ngùi nói- Còn tôi thì phận làm con, đạo làm vợ… Mình nghĩ được vậy là tôi cũng đã được hởi lòng, chẳng mong gì hơn. Tôi giờ mệt lắm rồi. Tôi không muốn bao biện nữa.
Anh chồng đứng vụt dậy:
- Không! Tôi đi mới phải. Tôi chẳng còn lòng dạ nào mà cáng đáng việc mình trao đâu. Tôi không xứng đáng. Đây là công của mình, là của của mình. Mình không giữ thì mình cho ai tuỳ mình.
- Mình lại trở về nghiệp cũ ư?
- Không đời nào! Tôi giờ đi làm thuê cũng sống được rồi. Mà dẫu có chết đói tôi cũng không trở lại nghiệp ăn mày. Thôi, chào mình ở lại.
- Khoan đã! Mình vẫn còn nông nổi như xưa. Được rồi! Tạm thời tôi chưa đi. Còn sau này, tôi đi hay ở là tuỳ thuộc vào mình. Tuỳ thuộc vào lòng dạ của mình, vào việc làm của mình, nhất là vào thái độ của mình đối với những đam mê trước đây.
°
Mẹ tôi ngừng kể. Tôi hỏi: “Mẹ ơi! Rồi sao nữa?”. Mẹ xoa đầu tôi cười: “Con muốn sao nào?”
Phóng tác từ một chuyện kể dân gian được nghe từ thuở còn bé tí.