Tiểu Sát Tinh

Chương 64: Lối nào cũng là đường

Phủ Cát An là một thị trấn rất phồn thịnh, và cũng là cố hương của u Dương Tu, một nhà đại nho thời Tống.

Hôm đó, trong thành bỗng xuất hiện hai thiếu niên ăn vận lối văn sĩ, áo may toàn bằng đoạn mềm bằng mầu thiên lam. Cả hai mặt đều đẹp như Phan An, Tống Ngọc, dáng cách rất tao nhã.

Hai người này chính là Tích Tố và Đàm Anh cải nam trang. Ngay khi tới phủ Cát An, Tích Tố bỗng phát hiện ra có người theo dõi hai nàng, kẻ theo dõi hai nàng là một thư sinh trung niên tuổi trạc ba mươi bảy, ba mươi tám, khuôn mặt nửa đẹp nửa xấu và ăn mặc rất lịch sự. Tích Tố và Đàm Anh vào một tửu lầu lớn ăn uống, người nọ cũng đi vào kiếm một cái bàn ở góc khuất (nên Tích Tố không để tâm thì khó lòng biết được) vừa ăn uống vừa liếc nhìn trộm hai nàng.

Đàm Anh thấy vậy tức giận vô cùng, khẽ bàn với Tích Tố:

- Tên kia chắc là chó săn của Ứng Thành Luân, cơm nước xong, chúng ta dụ y ra ngoại ô, cho y một bài học.

Tích Tố đáp:

- Chị cho rằng chả cần phải dụ mà chúng ta đi tới đâu y cũng theo tới đó.

Quả nhiên khi Tích Tố và Đàm Anh rời khỏi tửu lâu đi ra ngọai thành, thì hai nàng biết ngay là thư sinh kia đã theo sau dù rằng y rất cẩn thận đi cách hai nàng khá xa, khi tới một chỗ vắng vẻ. Đàm Anh lớn tiếng nói:

- Nếu có gan thì tới đây gặp mặt, việc gì phải lén lén lút lút như phường trộm cắp vậy.

Đàm Anh vừa dứt lời, bỗng có tiếng cười ha hả rồi thư sinh nọ đã từ trong lùm cây, cách xa hai nàng chừng năm trượng lướt tới.


Thân pháp y nhanh khôn tả, y không nói không rằng giơ tay tấn công Đàm Anh một chưởng, chưởng của y khi mới ra tay trông rất tầm thường, nhưng khi Đàm Anh tiếp thế chưởng đó thấy khá mạnh. Nàng liền vận năm thành công lực, tấn công lại thư sinh một chưởng, nàng tin chắc rằng thư sinh kia dù có đỡ được cũng phải chịu khổ.

Lúc ấy năm thành công lực của Đàm Anh mạnh như vũ bão tấn công. Ngờ đâu thư sinh nọ chỉ nhếch mép cười:

- Công lực của cô em cũng khá đấy! Thảo nào vừa lên đã đòi dạy đời như vậy!

Y có ý muốn biểu diễn công lực của mình cho hai nàng xem, liền tay áo phất lên một cái, kình lực của Đàm Anh bị tiêu tán liền.

Đàm Anh thấy vậy liền “ ủa” một tiếng, vội vận bảy thành công lực lên tấn công tiếp.

Thư sinh nọ bây giờ mới cảm thấy công lực của nàng không phải thường, nhưng y là một lão thành đã nổi danh nên không [X] đấu một trận không chắc gì đắc thắng, nhất là đấu với một cô bé mới mười lăm mười sáu tuổi như vậy, dù có thắng cũng không vẻ vang gì. Nghĩ thế không ra tay chống đỡ nữa, chỉ tránh sang một bên. Chưởng lực của Đàm Anh tuy mạnh nhưng đánh không trúng. Đàm Anh trông thấy thân pháp của y liền giật mình kinh hãi, vì mình tự biết tài ba của mình bây giờ có thể vượt xa các người chưởng môn của môn phái, nay nàng ra tay tấn công thư sinh này lại có thể né tránh một cách dễ dàng, đủ hiểu đối phương là một người rất có lai lịch. Nàng muốn giở toàn lực ra tấn công tiếp, nhưng thư sinh nhân lúc Tích Tố không để ý liền nhảy bổ về phía sau lưng nàng tấn công một chưởng. Đàm Anh thấy vậy buột miệng kêu lên:

- Chị Tố! Coi chừng!

Tích Tố đâu phải người dễ bị đánh lén, nàng không tỏ vè gì sợ hãi, mỉm cười khẽ xoay người một cái đã tránh được chưởng của thư sinh trung niên một cách dễ dàng làm cho thư sinh này tỏ vẻ kính phục vô cùng.

Thư sinh trung niên nhìn hai chị em Tích Tố một cái rồi bỗng cất tiếng giọng ôn tồn nói:

- Lão phu đoán quả không sai! Hai vị có phải là La cô nương và Đàm cô nương không?

Đàm Anh Tích Tố còn đang ngạc nhiên thì người thanh niên này giơ tay cới cái khăn trên đầu xuống, để lộ ra bộ tóc mây dài và đen bay phấp phới trước gió. Thì ra thư sinh trung niên này cũng là gái giả trai.

Tích Tố thấy thiếu phụ giả trai cố tình theo dõi hai nàng và đã nhận ra hai nàng nên cũng không giấu diếm:

- Tiểu bối đích thực là La Tích Tố, còn đây là Đàm Anh. Xin tiền bối cho tiểu bối biết danh hiệu là gì?

Thiếu phụ vừa cuộn lại chiếc khăn vừa ôn tồn nói:

- Lão phu họ Lãnh tên là Thiến Thiến. Lệnh sư và lệnh tổ của hai cô nương đều là chỗ quen biết hồi mấy chục năm trước. Lão phu trông còn trẻ nhưng thực ra đã ngoài ngũ tuần rồi. Hiện nay lão phu là một trong những hộ pháp của núi Vạn Dương.

Đàm Anh nghe Lãnh Thiến Thiến nói bà ta là hộ pháp của núi Vạn Dương liền kêu “ồ” một tiếng và trố mắt nhìn bà ta tỏ vè khinh thị.

Lãnh Thiến Thiến hình như đoán được tâm sự của Đàm Anh, liền lên tiếng u oán nói:

- Vì lão là hộ pháp của núi Vạn Dương nên lai lịch của Thẩm tiểu hiệp và hai cô nương đã được những nhân vật của núi Vạn Dương kể cho biết chi tiết lắm. Khi lão gặp hai cô nương, dù rằng đã cải trang nam, nhưng lão vẫn nghi ngờ nên mới theo dõi như vậy... sở dĩ lão theo cô nương là muốn trình bày với cô nương một việc.

Rồi không đợi Đàm Anh và Tích Tố lên tiếng, Lãnh Thiến Thiến tiếp ngay:

- Lão phu vì nể lời của một người bạn thân nên nhận lời làm hộ pháp núi Vạn Dương nhưng mà từ khi làm hộ pháp cho tới nay đã gần một năm trời rồi mà không hề biết Vạn Dương Sơn chủ là ai và cũng không hề làm một việc gì cho Vạn Dương Sơn chủ cả. Nay lão bỗng nhận được lệnh phải đi giết một người. Người này đối với lão không có thù hoán gì và nghe đâu y cũng không phải là người tàn ác nên lão do dự không muốn giết người đó. Nhưng bây giờ lão biết rõ là không tuân mệnh thì những người thân trong gia đình của lão sẽ bị xử tử một cách hết sức tàn nhẫn, vì nghe danh tiếng Thẩm tiểu hiệp có thể xếp vào bậc nhất cao thủ hiện nay. Nên lão mới có ý định liên kết để chống đối lại phe núi Vạn Dương. Có Thẩm tiểu hiệp và các bằng hữu của Thẩm tiểu hiệp giúp đỡ thì lão và người thân mới có thể thoát khỏi bàn tay độc ác của phe núi Vạn Dương.

Tích Tố thấy Lãnh Thiến Thiến tỏ vẻ rất chân thành, và nàng cũng được ông nàng nói qua về họ Lãnh cho biết bà ta không phải người gian hiểm độc ác, nên nàng tin lời bà ta ngay, liền nói:

- Lãnh tiền bối nghĩ như vậy thật là vạn phước cho võ lâm!

Đoạn nàng kể chuyện Vạn Dương Sơn Chủ và Ứng Thành Luân hai người chỉ là một cho Lãnh Thiến Thiến nghe, làm cho bà ta kinh ngạc vô cùng. Ngẫm nghĩ một lát, Tích Tố lại lên tiếng nói:

- Ngày mùng năm tháng năm sắp tới đây là ngày khai phái của núi Vạn Dương. Ngày đó Thẩm đại ca của tiểu bối thế nào cũng thừa dịp lột mặt nạ của Ứng Thành Luân... Bây giờ Lãnh tiền bối có thể giúp gì cho hai chị em tiểu bối trà trộn vào Vạn Dương Sơn để là nội ứng thì tốt.

Đàm Anh nghe Tích Tố nói như vậy, lên tiếng:

- Thì Lãnh tiền bối cứ nhận hai tiểu bối là đồ đệ mới thu nạp!

Tích Tố ngắt lời:

- Không được đâu, đồ đệ của Lãnh tiền bối thì phải là nữ nhân. Nhưng chúng ta không cải trang thì làm sao che nổi mắt những người trên núi Vạn Dương.

Lãnh Thiến Thiến như nghĩ ra được việc gì khoái trí, cười lên ha hả, rồi vui vẻ nói:


- Lão sẽ nhận hai cô nương là hai đứa cháu trai, mục đích mang về núi Vạn Dương là để tiến cử với Vạn Dương Sơn Chủ dùng làm vây cánh. Tuy nhiên hai cô nương cần cải trang lại chứ để thế này thì sẽ bị tiết lộ thân phận ngay. Về việc thay đổi nét mặt, lão có mấy thứ thuốc có thể làm cho hai cô nương khác hẳn được.

Tích Tố vui mừng đáp:

- Nếu vậy thì hay quá, xin Lãnh tiền bối giúp hai tiểu bối ngay đi.

Lãnh Thiến Thiến liền mời Đàm Anh và Tích Tố tới một nơi vắng vẻ rồi lấy ra mấy lọ thuốc... Sau khi xoa lên mặt, lông mày, mũi, cổ và hai tay của hai nàng, tức thì biến Tích Tố và Đàm Anh ra hai thư sinh, không còn ai có thể nhận ra hai nàng được nữa.

Cải trang cho Tích Tố và Đàm Anh xong Lãnh Thiến Thiến noi:

- Lão sẽ cho hai cô nương một lọ thuốc để sáng sáng thoa lên mặt, cổ và tay thì dù có rửa nước cũng không lộ nét mặt cũ ra được.

Xong đâu đấy, Lãnh Thiến Thiến lại tỏ vẻ lo lắng nói:

- Nhưng bây giờ còn một vấn đề khó nghĩ là đi giết người thì tính sao đây? Nếu không giết người đó thì Sơn Chủ sẽ cho là phản bội.

Tích Tố bàn rằng:

- Từ nay đến ngày khai phái của núi Vạn Dương cũng không còn bao xa, Ứng Thành Luân chắc bận nhiều công việc lắm, chưa để ý tới việc khác được nhiều. Vậy Lãnh tiền bối cứ tới tìm người đó, bảo người đó trốn đi rồi quay về báo rằng người đó đã trốn đi biệt tích chưa tìm ra. Sau ngày khai phái có thời gian sẽ tìm sau cũng không muộn.

Lãnh Thiến Thiến gật đầu khen:- Cô nương bàn chí lí lắm!