Tiết Đinh San chinh Tây

Hồi thứ tư

Nửa tháng sau, Nhơn Quý đã chỉnh đốn xong binh mã, vào triều tâu xin Thái Tông định ngày xuất chinh đồng thời sai Mậu Sinh về Sơn Tây báo tin cho gia đình, gọi tám anh em kết nghĩa đến Trường An phụ giúp một tay. Thái Tông vẫn chưa nguôi giận vì bài thơ khiêu khích, lập tức xuống chiếu đói bá quan văn võ đến giáo trường để làm lễ trao ấn soái cho Nhơn Quý.

Sau khi nhận ấn soái xong, Nhơn Quý lên Thoại Phong câu chạy đến trước ba mươi vạn quân, phong cho Tần Hoài Ngọc làm tiên phong, Uất Trì Bảo Lâm và Uất Trì Bảo Khánh làm phó tiên phong, Trình Thiết Ngưu, Đoàn Lâm và Đặng Hiền là tùy giá tổng binh, theo phò Thái Tông. Trong khi ấy ở triều đình, Thái Tông liền trao quyền trị nước cho thái tử Lý Trị và thừa tướng Nguỵ Trưng, còn bao nhiêu theo mình hộ giá chinh Tây, xong xuôi cùng Từ Mậu Công và Trình Giảo Kim đến thẳng giáo trường. Tiết Nhơn Quý nghênh đón nhà vua ngự trên đại trướng, rồi quay lại hỏi Trình Giảo Kim:

- Trước kia Trình thiên tuế có hứa bắt giết Lý Đạo Tông tế cờ, sao bây giờ không thấy hắn đâu cả?

Trình Giảo Kim vì muốn được việc nên hứa bừa, bây giờ không biết làm sao nên đành nói:

- Nguyên soái cứ phát lệnh tiễn ra, tôi sẽ đi bắt Lý Đạo Tông đến đây tế cờ.

Tiết Nhơn Quý bằng lòng ngay. Riêng Trình Giảo Kim cầm lệnh tiễn vừa đi vừa lo lắng, nghĩ thầm:

- “Lý Đạo Tông thấy mặt ta thì chẳng dám thò đầu ra khỏi phủ, chi bằng phải nhờ người khác hay hơn”.

Vì thế Trình Giảo Kim liền chạy đi tìm Tần Hoài Ngọc than thở:

- Trước kia ta lỡ lời nhận việc bắt Lý Đạo Tông tế cờ xuất quân nhưng nay lão ấy trốn miết trong phủ không làm sao bắt được. Vì thế nhờ ngươi vờ đến cáo từ, nhân dịp túm tóc hắn giao cho con cọp mới sổng chuồng thì con thỏ già này mới thoát chết nổi.

Tần Hoài Ngọc xin nghe theo, cầm lệnh tiễn đi thẳng đến Lý vương phủ, nói dối là vừa mới lãnh chức tiên phong nên đến cáo biệt. Lý Đạo Tông định từ chối nhưng nể mặt phò mã nên gắng gượng mở cửa mời vào. Tần Hoài Ngọc chẳng chần chờ, vừa thấy mặt Lý Đạo Tông là ra lệnh cho quân sĩ xông đến trói nghiến lại ngay, đem giải về giáo trường.

Trương Nhân vốn tới số chết cho nên lén chạy theo nghe ngóng tin tức để có gì còn báo tin cho chủ nhân là Trương mỹ nhân biết. Ngờ đâu Nhơn Quý nhìn qua là nhận ra Trương Nhân chính là người đã làm sứ giả thiên triều đến Giáng Châu triệu mình về kinh, truyền quân trói lại tại chỗ. Nhơn Quý dẫn giải Trương Nhân đến trước mặt Thái Tông, quỳ xuống tâu:

- Chính tên này đã giả làm thiên sứ triệu hạ thần về triều, sao đó cũng chính hắn ép uổng vào Thành Thanh vương ăn uống phục rượu. Xin bệ hạ tra hỏi thì biết rõ ngay.

Trương Nhân tuy giảo nhưng rất nhát sợ, thấy mặt Nhơn Quý thì đã hồn bay mất vía, chẳng đợi Thái Tông tra hỏi đã khai hết sự thật từ đầu đến đuôi, chẳng giấu chút nào. Thái Tông nghe xong nổi trận lôi đình, đập bàn quát lớn:

- Bọn ngươi vì chút thù riêng mà bày mưu độc, không những làm hại đến lương tướng mà còn làm trẫm mất mặt vì kết tội oan hiền thần ba năm. Bây giờ có hối hận cũng chẳng làm sao cứu vãn được nữa.

Mắng xong, Thái Tông lập tức xuống lệnh chém đầu Trương Nhân, ban cho Trương mỹ nhân được thắt cổ. Riêng phần Lý Đạo Tông, Thái Tông vẫn chưa dứt thể tình, nói với Nhơn Quý:

- Oan uổng của nguyên soái đã được tỏ tường. Trẫm nghĩ tình hoàng thúc tuổi cao già yếu, vì nghe lời tiểu nhân nên giết cả con mình chẳng còn ai kế tự thì đáng tội lắm rồi. Mong nguyên soái nể mặt trẫm dung thứ cho hoàng thúc được sống thêm vài năm nữa vậy.

Nhơn Quý cúi đầu tâu:

- Hạ thần chỉ cốt được bệ hạ rõ lòng trung, nay họ Trương đã chết thì đù thỏa mãn rồi, không nhất thiết phải đòi hoàng thúc đền tội làm gì nữa.

Trình Giảo Kim nghe xong thất kinh nghĩ thầm:

- “Đến như Nhơn Quý làm tước vương, được thánh thượng yêu chiều hết mực mà Lý Đạo Tông còn có thể vu oan giá họa suýt chết thì sau này tất tính đến mạng ta. Phải tìm cách nhổ cỏ tận gốc thì mạng già này mới an toàn được.”

Trình Giảo Kim liền lấy cớ yên lòng ba quân, nhất quyết xin chém đầu Lý Đạo Tông nhưng Thái Tông phân vân không nghe theo.

Thấy vậy, Trình Giảo Kim giở trò khác, ghe tai Thái Tông nói nhỏ:

- Nếu bệ hạ muốn đôi đường vẹn toàn thì sai người lấy cái chuông đồng úp hoàng thúc lại, nói giả là giết bằng cách ấy chứ không nỡ nhìn đầu rơi máu chảy. Như thế Nhơn Quý và ba quân yên lòng ra đi, sau đó bệ hạ lén sai quân mở chuông ra, không chết ai cả.

Thái Tông nghe vậy rất mừng, bằng lòng nghe theo. Trình Giảo Kim liền tâu:

- Chùa Nghiêm Minh ngoài thành Trường An có một đại hồng chung rất lớn, có thể dùng vào việc này được. Xin giao hoàng thúc cho tôi là mọi việc êm đẹp.

Được Thái Tông ý tấu, Trình Giảo Kim lập tức dẫn Lý Đạo Tông đến chùa Nghiêm Minh, sai quân tháo đại hồng chung xuống úp Lý Đạo Tông vào trong. Tuy đây là nhục hình nhưng Lý Đạo Tông biết tội mình nên không dám kháng cự, đành ngồi im mà chịu. Khi nhốt xong, Trình Giảo Kim sai quân tìm củi khô chất chung quanh, nổi lửa đốt luôn ngôi chùa, mặt cho Lý Đạo Tông kêu la khản giọng. Khi thấy chuông đồng đỏ rực, Trình Giảo Kim biết chắc xương cốt Lý Đạo Tông đã ra tro mới dẫn quân về tâu với Thái Tông:

- Tôi vừa mới giam hoàng thúc vào chuông thì chẳng biết tại sao chùa phát hoả. Tôi cho quân sĩ hết sức cứu chữa nhưng không kịp nữa, đành đứng ngoài nhìn hoàng thúc tử nạn. Ngẫm lại đúng là tội khó tha, đến trời cũng không dung thứ được.

Thái Tông tuy rất thương xót hoàng thúc cũng không thể dừng việc xuất quân, rơi lệ sai người chôn cất Lý Đạo Tông và xây dựng lại chùa.

Nhơn Quý tế cờ xong, liền nổi pháo tiến quân, ba mươi muôn quân mã rầm rộ kéo ra khỏi thành Trường An, chẳng bao lâu đã tới biên cương, chỉ còn cách Giới Bài thuộc Tây Liêu chừng mấy trăm dặm.

Khi ấy Tô Bảo Đồng đã nghe tin nhà Đường chém sứ thần, vội điều động một số lớn quân mã đến ải Giới Bài trấn giữ. Tướng trấn thủ aỉ này là Hắc Liên Độ, thân cao hơn trượng, mặt đỏ râu vàng, cầm siêu đao nặng một tạ hai yến, sức mạnh hơn người, võ nghệ cao cường, dưới trướng lại có nhiều bộ tướng tài giỏi nên không hề sợ hãi. Khi nghe báo tướng tiên phong là Tần Hoài Ngọc kéo binh đến trước ải, Hắc Liên Độ cười nhạt nói:

- Quốc cữu đang muốn mang quân lấy Trung Nguyên, chẳng ngờ bọn chúng không biết thân phận dám đến đây thì đúng là tận số rồi.

Tuy nói cứng nhưng Hắc Liên Độ vẫn đích thân đốc thúc quân sĩ lấy thêm gỗ đá, làm thêm cung tên sẵn sàng, không hề chểnh mảng chút nào. Tần Hoài Ngọc tuy đến trước nhưng được lệnh của Nhơn Quý nên chỉ cho hạ trại đóng binh, không khiêu chiến. Ba hôm sau, đại quân mới tới nơi, vừa kịp lúc tám tổng binh kết nghĩa của Nhơn Quý cũng vừa đến. Nhơn Quý cả mừng hỏi ngay:

- Tướng nào dám ra đánh trận dầu?

Tần Hoài Ngọc hăng hái xin đi, mở cửa trại tiến ra, có Uất Trì Bảo Lâm và Uất Trì Bảo Khánh phò tả hữu. Hắc Liên Độ nghe báo có quân Đường đến khiêu chiến cũng tức thì điểm quân xông ra. Tần Hoài Ngọc thấy tướng Liêu mặt đỏ râu vàng, oai phong lẫm liệt thì lớn tiếng hỏi ngay:

- Nguơi mau xưng danh tính ra rồi chịu chết cho mau, Tần Hoài Ngọc này không thèm đánh với bọn tiểu tốt vô danh.

Hắc Liên Độ trợn mắt đáp lại:

- Ta là bộ tướng của Tô nguyên soái, vang danh thiên hạ, tên là Hắc Liên Độ. Ngươi biết danh rồi còn không xuống ngựa đầu hàng hay sao?

Tần Hoài Ngọc mắng lại:

- Ta là Hộ quốc công phò mã Tần Hoài Ngọc, mấy lần làm cho bọn Đông Liêu mất mật kinh hồn. Chính ngươi nghe danh thì nên xuống ngựa quy hàng mới phải.

Hắc Liên Độ nghe vậy cười ngất nói:

- Tưởng ai, hóa ra là con của Tần Thúc Bảo. Đến cha ngươi cũng không dám lớn lối như vậy. Mau về báo cho Lý Thế Dân và Tiết Nhơn Quý đầu hàng đi, dâng đất Trung Nguyên thì khỏi chết uổng mạng.

Tần Hoài Ngọc nghe vậy nổi giận, huy động cây thương như mưa bay gió thổi, loang loáng đủ sáu mươi bốn đường rồi xông lại nhắm Hắc Liên Độ đánh luôn. Hắc Liên Độ cũng múa siêu đao như mây bay nước chảy, đón đỡ chặt chẽ, cùng Tần Hoài Ngọc giao đấu kịch liệt. Thật là rồng phượng gặp nhau, kỳ phùng địch thủ.