Tiếng Rền Của Núi

CHƯƠNG IV

1

- A, cây gbinco 1 đã đâm chồi! - Kikuco reo lên.

- Bây giờ con mới thấy ư? - Singo ngạc nhiên nói. - Còn ta thì đã ngắm nó từ mấy hôm nay rồi.

- Đó là vì ba luôn ngồi quay mặt về phía cây hoa.

Năm tháng trôi qua, trong nhà mỗi người đều chọn cho mình một chỗ cố định bên bàn ăn dưới bếp. Singo ngồi hướng về phía đông. Bên trái ông, nhìn về phía Bắc là chỗ của bà Yasuco, bên phải là chỗ của Suychi, Kikuco ngồi đối diện với bố chồng và nhìn về hướng tây. Như thế là hai ông bà già được ngồi những chỗ tốt nhất, từ đó có thể ngắm khu vườn trải ra phía đông và phía nam.

Hơn nữa như vậy thì tiện cho Kikuco và bà Yasuco đứng lên ngồi xuống dọn dẹp các thức trong bữa ăn.

Dù Kikuco có ngồi quay lưng về phía cây gbinco đi nữa thì Singo cũng vẫn thấy việc cô không nhận ra cây đã đâm chồi là không bình thường. Ông lo ngại điều gì đang diễn ra trong tâm hồn cô gái.

- Thôi được. - Singo hỏi vặn. - Nhưng hàng ngày con vẫn quét dọn hiên nhà và mở cửa trông ra vườn kia mà. Vậy thì tại sao con lại không nhận ra điều đó?

- Đúng là con vẫn đi ra ngoài luôn và mở cửa thật, nhưng...

- Đó, thấy chưa? Đấy là chưa nói đến việc hàng ngày, từ cổng vườn vào nhà, con cũng nhìn thấy cái cây đó. Hay là con cúi đầu đi, đắm chìm trong suy tư?

- Kìa, ba nói gì vậy? - Kikuco xấu hổ khẽ nguẩy đôi vai đẹp. - Thôi, từ giờ trở đi con sẽ cố phát hiện và ghi nhớ những gì mà ba để ý vậy.

Trong suốt cuộc đời Singo, chưa có người đàn bà nào yêu thương ông đến mức muốn để tâm đến tất cả những gì khêu gợi sự chú ý của ông.

- Trong cây gbinco ẩn chứa một sức mạnh kỳ lạ mà ở cây anh đào không có. - Singo nhận xét. - Thực sự thì phải cần đến một sức mạnh như thế nào cho một cái cây già cỗi để nó có thể đâm chồi lần nữa vào giữa mùa thu?

Trong bếp vọng ra tiếng nước chảy. Lát sau có tiếng bà Yasuco gọi gì đó, nhưng tiếng nước chảy mạnh làm Singo nghe không rõ.

- Bà nói gì vậy? - Đến lượt ông hét gọi bà.

- Mẹ con bảo là cỏ xa trục đã trổ bông.

- Chà...chà.

Yasuco lại réo lên trong bếp.

- Nào, thôi đi - Singo giận dữ quát. - Chẳng còn nghe thấy gì cả.

- Để con dịch cho. - Kikuco vừa nói vừa cố nhịn cười. - Mẹ con bảo là đêm qua nằm mơ thấy ngôi nhà ở quê bị đổ.

- Hừm...

Cuối cùng Yasuco cũng khóa vòi nước và gọi Kikuco:

- Đem cắm mấy bó hoa này vào bình đi con. Mẹ thấy đẹp quá nên hái vào.

- Để con đưa cho ba ngắm cái đã. - Kikuco nói và ôm vào một bó lớn cỏ xa trục và cỏ tóc tiên nở hoa.

Bà Yasuco đem vào phòng một chiếc bình gốm Sigaraki và nói:

- Cả thu hải đường ở nhà bên cạnh cũng nở rồi. Đẹp hết chỗ nói.

Singo bỗng nhớ đến những bông hướng dương của nhà hàng xóm. Bão đã tàn phá những cây hoa tuyệt vời ấy. Những bông hoa bị gió dứt đứt nằm lăn lóc trong bụi như những đầu người bị chặt. Mấy thân cây cụt đầu vẫn còn lô nhô bên vòm cổng. Trên mình chúng không còn lấy một chiếc lá.

Mỗi lần đi qua, Singo lại giẫm phải nhành hoa gãy, nhưng ông cố gắng để không nhìn chúng.

2

Ngôi nhà đổ nát trong giấc mơ của bà Yasuco chính là ngôi nhà chôn nhau cắt rốn của bà. Kể từ ngày cha mẹ bà chết đi, không còn ai sống ở đó. Khi còn sống, cha của Yasuco đã có ý định để lại ngôi nhà cho bà. Hẳn là ông đã tính cho cô con gái lớn xinh đẹp có nhiều người theo đuổi đi làm dâu ở nơi khác. Sau khi cô này chết, thấy Yasuco đến ở với các cháu và anh rể để chăm sóc họ, ông già đã xúc động sâu sắc và rất lo lắng cho số phận của cô con gái út. Cũng chẳng có gì lạ nếu ông cảm thấy có lỗi, vì chính cảnh ngộ gia đình đã đưa Yasuco đến nước ấy. Vì thế mà khi Yasuco lấy Singo, cha của bà đã vô cùng sung sướng.

Mẹ Yasuco chết trước và khi cha mất bà được thừa kế ngôi nhà với một khoảng rừng hiện đang được những người bà con ở quê trông nom.

Ở đó họ đã phải chặt hết cây trong cánh rừng để lấy tiền đóng thuế. Từ nhiều năm nay, Yasuco không thu lợi được gì từ món tài sản thừa tự, nhưng cũng không phải chi phí gì cho nó. Trong thời gian chiến tranh, nhiều người tản cư về vùng quê và có người hỏi mua ngôi nhà, song Yasuco không nỡ chia tay với nó. Và Singo cũng không ép bà bán.

Trong ngôi nhà ấy, Singo và Yasuco đã nên vợ nên chồng. Cha của Yasuco muốn đám cưới của cô con gái duy nhất còn lại diễn ra ở ngay dưới mái nhà của ông.

Một trái hạt dẻ đã rụng đúng vào lúc cặp tân hôn đang trao nhau ly rượu cưới. Quả dẻ nơi trúng một hòn đá và văng xuống suối. Việc đó diễn ra thật khác thường khiến Singo suýt la lên vì kinh ngạc.

Những người có mặt trong đám cưới không ai nhận thấy gì.

Ngay sau ngày cưới, Singo đã lần ra suối để tìm hạt dẻ. Tìm được nó, ông đã định mang về cho Yasuco, nhưng rốt cuộc lại từ bỏ ý định. Sau đó, ông đã vùi hạt dẻ vào trong đám cỏ um tùm bên bờ suối.

Singo không nói gì với ai, bởi vì ông ngại người anh rể. Nếu anh ta không có ở đó, hẳn ông đã kể cho tất cả mọi người nghe về chuyện trái dẻ rụng. Singo cảm thấy có lỗi, vì sau khi người chị của Yasuco đã lấy chồng, ông vẫn còn khao khát nhớ nhung chị ta, và giờ đây khi chị ta đã thành người thiên cổ, ông lại lấy đi người em gái. Vậy là, dù thế này hay thế khác, ông cũng đã xâm phạm đến sự bình yên của người anh rể.

Đối với Yasuco, tình thế còn thảm hại hơn. Ai cũng biết là, người anh rể vì không nhận thấy tình cảm thực của bà, đã để bà ở trong nhà như một con ở tận tụy.

Người anh rể đẹp trai, đẹp hơn hẳn so với chàng tân lang Singo. Chính Singo cũng hiểu điều đó, thậm chí ông còn thấy trên đầu anh ta tỏa hào quang. Đối với Yasuco thì vợ chồng bà chị đã hẳn là thần tượng. Chấp nhận lấy bà, Singo đã phải cam chịu thân phận của một kẻ không đọ được với họ. Và cái khoảng trống kia - câu chuyện về trái hạt dẻ không được nói ra - mãi mãi còn đó giữa hai người.

Vài ba ngày sau khi Yasuco nằm mơ thấy ngôi nhà bị đổ, bà nhận được một bức điện tín, mấy người bà con ở quê báo tin Fusaco và hai đứa trẻ đã về ở đó.

Liệu có phải giấc mộng của tôi báo trước chuyện này không? - Yasuco nôn nóng hỏi và chìa cho Singo xem bức điện khi ông đi làm về. - Hừm, thì ra là nó về quê. - Singo nói. - Chỉ có điều là tôi không hiểu vì sao nó lại về đó?

"Nhưng ít ra thì cũng không có nguy cơ nó sẽ kết liễu cuộc đời nữa". Ông thầm nghĩ.

- Chắc nó sợ Aikhara sẽ tìm ra nó ở đâu rồi đến đón về.

- Thế có tin tức gì về thằng đó không?

- Không.

- Nếu vậy thì giữa chúng nó đã chấm dứt rồi. Fusaco đem theo con, bỏ đi, mà thằng kia cũng không thèm tìm kiếm?

- Có thể là nó nghĩ mẹ con Fusaco về đây chăng?

- Không. Bà muốn nói gì thì nói, nhưng chuyện chúng nó thế là hết rồi.

- Tuy vậy tôi vẫn không hiểu vì sao nó lại về quê.

- Theo suy luận như thế thì lẽ ra nó phải về đây.

- "Phải về đây"! Ông nói điều đó mới thờ ơ làm sao. Sự thực chúng ta cần phải hiểu rõ bất hạnh đến thế nào một khi quay về ngôi nhà ruột thịt của mình cũng không được. Nó là con cái trong nhà, vậy mà chúng ta đã đẩy nó đến chỗ nào! Tim tôi nứt ra thành từng mảnh đây này.

Singo nhíu mày và bắt đầu thay quần áo.

- Trước tiên bà hãy bảo tôi, cái áo kimono của tôi ở đâu đã.

Kikuco liền đưa lại cho ông chiếc kimono và cầm lấy bộ y phục, lặng lẽ đi ra.

Yasuco ngồi cúi đầu một lúc rồi nhìn về phía cửa, nơi Kikuco mới đi ra, nói:

- Cũng chả có gì lạ là nó lại bỏ đi. Chẳng lẽ cha mẹ phải chịu trách nhiệm suốt đời về cuộc sống riêng của con cái hay sao?

- Ông nói vậy vì ông không hiểu phụ nữ... Mọi cái nó khác hẳn kia, khi người đàn bà đau khổ.

- Suychi hôm nay cũng chưa thấy đâu. Sao cha con ông không chịu về cùng với nhau? Ông toàn đi làm về một mình, còn con Kikuco mừng rỡ với ông. Chuyện đó đúng hay không?

Singo không trả lời.

- Thế ông không định bàn bạc gì với Suychi về việc của Fusaco.

- Để tôi bảo nó đón chị nó về đây.

- Fusaco sẽ chẳng thích Suychi đến. Thằng đó toàn nhạo báng nó thôi.

- Bây giờ không phải là lúc nói chuyện vớ vẩn. Suychi sẽ lên đường vào thứ bảy này, thế thôi.

- Tôi hình dung ra trong con mắt những người ở làng thì chúng ta ra sao rồi. Thật đáng xấu hổ! Chả bao giờ về quê cả, cắt đứt quan hệ họ hàng, thế rồi đùng một cái, Fusaco là đứa không biết họ hàng là thế nào, lại mò về đây?

- Nó có thể về ở nhà ai được nhỉ?

- Hẳn là nó sẽ ở ngôi nhà cũ... Đâu có thể ở mãi chỗ bà dì tôi được?

Đối với Singo cái ý nghĩ khó chịu nhất là Fusaco lại bỏ về ngôi nhà mà Yasuco đã nằm chiêm bao bị đổ?

3

Ngày thứ bảy, hai cha con Singo cùng ra khỏi nhà. Trước khi ra tàu đi về quê, Suychi ghé vào phòng làm việc của bố. Ở đó anh ta gửi cô thư ký cất giùm chiếc dù rồi quay sang bảo Singo:

- Con đã lỡ mời Ayco đi nhảy tối nay.

Sau đó Suychi xách cặp và đi khỏi. Ayco chạy theo ra cửa, nhưng rồi lại quay vào. Trong động tác của cô, Singo nhận thấy một vẻ gì đó rất phụ nữ và ông thấy vui vui.

- Tiếc quá hả? Hứa đi chơi với người ta rồi lại bỏ đi mất. - Singo nói.

- Gần đây tôi cũng không còn tin nhiều vào những lời hứa lắm.

- Còn cô nhân tình của Suychi có đến chỗ khiêu vũ không?

- Không, không bao giờ.

Đối với Singo, việc ông và gia đình không biết gì về người tình của Suychi trong khi cô thư ký của ông lại biết, thật khó mà giải thích. Trước mặt Ayco thì điều đó đối với ông lại càng khó hơn nữa.

Thoạt nhìn thì Ayco có vẻ nhẹ dạ và hời hợt, nhưng phút này đây cô như một tấm màn bí ẩn của chính cuộc sống.

- Suychi giới thiệu cô ta với cô à? - Singo hỏi tiếp.

- Cũng không hẳn như vậy...

- Tôi chả hiểu ra sao cả. Có lẽ nó định làm cô ghen chăng?

Ayco nhún vai.

- Tôi không phải là vật cản đối với họ.

Singo hiểu rằng cô hoàn toàn không thờ ơ với Suychi và thực sự cô có ghen tuông.

- Cũng không phải là dở nếu cô là vật cản của họ. - ông nói.

- Sao ngài lại nói thế ạ? - Ayco cười và cúi mặt xuống. Sau đó, cô nói thêm. - Mà ả kia lúc ấy cũng đâu có đi một mình.

- Sao kia? Cô ta cũng có người khác nữa à?

- Không phải người tình, mà là một phụ nữ. Đó là người cùng sống một nhà với ả ta.

- Nhà thuê ư?

- Không, một cái nhà riêng. Nhỏ, nhưng rất dễ ưa.

- Cô muốn nói rằng cô đã đến đó?

- Vâng. - Ayco đáp vừa đủ nghe.

- Nhà ấy ở đâu? - Singo hỏi đường đột.

- Tôi không nói đâu ạ. - Ayco lắp bắp và mặt cô biến sắc.

Singo im lặng, cuối cùng Ayco tự nói:

- Ở khu Honggo, gần trường Đại học Tổng hợp ấy. Người đàn bà ở cùng với ả kia là một người rất đẹp và hết sức dễ thương.

Dường như việc nói ra những phẩm chất siêu việt của người đàn bà kia giúp cho Ayco tự thanh minh với chính bản thân mình vậy.

Singo không thể giải thích nổi điều đó, tuy nhiên ông cho rằng, thông qua việc ca ngợi người kia, cô ta muốn tấn công trực diện vào ả nhân tình của Suychi.

Người phục vụ mang vào mây bức thư. Ayco cầm lấy và đưa lại cho Singo.

- Đấy, lại đám ma. - ông đọc một bức và làu bàu. - Một việc chẳng đáng ưa chút nào! Lần này là Toriama ư? Chà... có sự gì xảy ra với vợ ông ta chăng?

Cô thư ký đã quen với việc Singo tự nói một mình, nên để kệ ông. Singo bảo cô, vẻ xao lãng:

- Chiều nay tôi không đi nhảy với cô được. Có một đám ma. Người chết này bị vợ con hành hạ suốt, kể từ khi ông ta gặp vận hạn. Bà vợ thậm chí không cho ông ta ăn. Con cái cũng đứng về phía bà mẹ để hành hạ bố. Con người khốn khổ không dám ở nhà, ông ta lang thang đây đó, đợi cho đến lúc vợ con đi nghỉ rồi mới dám mò về.

- Tại sao lại thế ạ?

- Thì nó thế đấy. Khi tuổi tác đã đến cái giới hạn của nó rồi thì thật đáng sợ.

- Có thể là do lỗi tại ông ta?

- Bậy nào. Ông ta là một quan chức cao cấp của nhà nước, sau đó chuyển về làm ở một hãng tư nhân. Ở đây viết là tang lễ được cử hành ở nhà chùa - như vậy là ông ấy giàu có. Hồi là viên chức, ông hết sức mực thước.

- Và có chăm lo đến gia đình, tôi nghĩ thế?

- Tất nhiên.

- Nếu vậy thì tôi không hiểu nổi ạ.

- Vì cô còn trẻ. Có biết bao nhiêu người đàn ông đàng hoàng, ở cái tuổi năm mươi, sáu mươi tối tối lại lang thang khắp các ngõ phố, chỉ vì ở nhà thì sợ vợ.

Singo cố gắng nhớ lại nét mặt Toriama nhưng vô ích. Ông tự hỏi phải chăng ông ta chết ở nhà?

4

Singo đã nghĩ rằng, ở đám tang, thế nào ông cũng gặp lại những người đồng học cũ, vì thế khi thắp nén nhang cầu nguyện cho vong hồn người chết xong, ông ra đứng trước cửa chùa. Nhưng ông đã không gặp người quen nào cả. Hẳn là ông đến quá muộn.

Lúc cúi chào bà quả phụ, Singo thoáng nghĩ rằng Toriama đã ốm liệt giường và chết trên giường bệnh, bởi mái tóc nhuộm của bà vợ ông ta đã bạc màu ở gốc tóc và chưa được nhuộm lại. Trong khi nói lời chia buồn với gia quyến người quá cố, Singo đã quên bẵng đi mất là lúc còn sống, Toriama là nạn nhân của vợ mình. Mãi đến lúc cúi mình vái trước quan tài, ông mới sực nhớ ra điều đó và thấy rùng mình. Không phải vì sự hồi tưởng về mối quan hệ trong gia đình người bạn, mà vì sự đãng trí của bản thân ông. Số bạn bè cũ biết rõ vợ chồng Toriama còn rất ít. Trước đây, không ai trong bọn họ nhìn nhận vấn đề của Toriama một cách nghiêm túc cả, thậm chí trong những buổi tụ họp có người còn đùa cợt và thêm thắt phóng đại lên nữa. Giờ đây, Singo bỗng nghĩ rằng, sự thực vợ chồng Toriama cũng chẳng hề suy xét đến việc tại sao bà vợ lại dày vò ông chồng, và tại sao ông ta lại cam chịu như vậy.

Toriama đã chui xuống mồ mà chẳng được giác ngộ, còn với bà vợ thì mọi chuyện đã trôi qua. Không còn Toriama, câu chuyện của vợ chồng họ đã đi vào dĩ vãng.

Bức ảnh trên quan tài được chụp khi Toriama còn là một quan chức nhà nước. Khuôn mặt hiền lành của ông ta thành ra quá trẻ so với bà vợ góa đang đứng bên linh cữu. Người ngoài hẳn sẽ nghĩ rằng bà vợ là một nạn nhân trong gia đình và đã già trước tuổi vì vất vả.

Nếu có ai hỏi thăm việc gia đình Singo lúc ấy, hẳn là ông sẽ trả lời: "Ồ nhà tôi thì cũng tàm tạm, chỉ có điều gia đình riêng của cả con trai lẫn con gái đều trục trặc thế nào ấy".

Ông bỗng thấy muốn được chia sẻ với ai đó nỗi lo lắng của mình. Ông muốn được hỏi ý kiến người khác về những điều như: "Cuộc sống của con người ta có thể gọi là mĩ mãn được không, nếu con cái người ta có gia đình riêng hạnh phúc?", hoặc: "Cha mẹ có trách nhiệm tới đâu đối với cuộc sống riêng của con cái?" Những ý nghĩ của Singo cứ ùa ra và ông lẩm bẩm thành lời những điều ông nghĩ.

5

Khi Singo đi dự tang lễ trở về, đã có hai người khách đợi ông ở hãng. Ông bảo cô thư ký rót cho ông chút rượu Whisky vào tách trà để giúp cho trí óc được tỉnh táo.

Tiễn khách ra về, Singo bảo Ayco:

- Cô dẫn tôi đến nhà tình nhân của Suychi!

Cô thư ký hết sức kinh ngạc. Lúc đầu cô tỏ vẻ phản đối, nhưng rồi cô đành phải phục tùng.

- Ngài định làm gì nếu tôi đưa ngài đến đó? - Cô hỏi bằng một giọng đúng mực nhưng lạnh nhạt và xa lạ.

- Không làm gì bất tiện cho cô đâu.

Trong xe taxi, Ayco ngồi im lặng. Singo thấy khó xử vì đã buộc cô ta phải đi, ông ta xấu hổ vì cả con trai lẫn bản thân mình.

- Tôi nghĩ ngài nên nói chuyện với cô bạn của ả kia. - Cuối cùng Ayco lên tiếng. - Nếu ngài muốn, tôi sẽ gọi cô ta đến hãng!

- Tôi cũng không biết nữa... - Singo lưỡng lự trả lời.

- Khi đến đằng ấy, Suychi uống rượu say sưa và hóa điên khùng. Anh ta la hét và bắt cô bạn phải hát. Ẳ tình nhân thì khóc. Mà đã khóc thì, theo tôi, ả không hờ hững với Suychi đâu.

Họ xuống xe ở trước cửa trường Đại học Tổng hợp và rẽ vào một phố nhỏ.

- Nếu con trai ngài biết chuyện thì tôi sẽ không dám thò mặt đến hãng nữa. - Ayco nói khẽ. - Chắc tôi sẽ phải bỏ việc.

Singo rùng mình. Ayco đứng lại và bảo:

- Ngài hãy đi dọc theo bức tường đá kia. Nhà thứ tư là nhà của ả ta đấy. Tôi không thể đi thêm được nữa, vì họ sẽ nhìn thấy tôi.

- Nếu thế thì ta bỏ cuộc vậy. Hóa ra tôi làm khổ cô quá!

- Sao? Ngài đến tận đây để rồi... Ngài làm việc đó vì sự yên ấm của gia đình mình kia mà? Đừng có bỏ cuộc chứ! Trong lời nói khích ấy của Ayco, Singo nhận thấy một vẻ độc địa.

Ngôi nhà thứ tư với tấm biển đề "Ikeda" trông bé nhỏ, cũ kỹ và không được lành mạnh. Cửa vào tối tăm, cửa sổ đóng kín. Trong nhà không có một tiếng động.

Singo bỏ đi và cảm thấy kiệt sức. Con trai ông đã sống một cuộc đời nào ở sau bức tường này? Không, ông thì chưa được chuẩn bị để sục vào đó mà không báo trước.

Khi về đến nhà, Singo lảng tránh cái nhìn của Kikuco. Ông thấy mệt rũ và đi nằm sớm. Ông nghĩ miên man đến sự vất vả mà Kikuco sẽ phải gánh vác khi mẹ con Fusaco đến. "Vợ chồng Suychi sẽ phải ra ở riêng", ông thầm bảo.

 Chú thích:

1 Một loại cây lớn hạt trần, thường được trồng để làm cảnh.