Tiếng Gọi Vực Sâu

Chương 7

Docsach24.com
on Lavitz gọi Lữ vào phòng làm việc sát cạnh nhà bếp của tiệm ăn. Căn phòng nhỏ, bề bộn giấy tờ. Một chiếc bàn rẻ tiền để giữa phòng với hai chiếc ghế chỏng chơ. Lữ chưa bao giờ bước vào phòng này của Lavitz. Chàng không ngờ nơi làm việc của người chủ tồi tàn đến thế. Có lẽ tất cả những người giàu, có tiền đều sẻn so, không bao giờ tiêu xài hoang phí. Tiền chỉ để trong nhà băng hay để làm ăn. Mọi sự chi tiêu cho cá nhân đều tối thiếu. Có thế họ mới giầu được. Lữ thầm nghĩ khi kéo ghế ngồi. Lavitz lên tiếng trước:

- Tôi nghe Miriam nói anh đi học vào buổi tối. Việc học anh đến đâu rồi?

Lữ nhìn Lavitz, hơi ngạc nhiên. Ông già không mấy vẻ hài lòng khi thấy Miriam cặp với chàng. Có lẽ trái với dự đoán Miriam sẽ chán chàng sau hai ba tháng, Lavitz thấy cô con gái quý vẫn đi với chàng gần nửa năm và sốt ruột chăng? Lữ trả lời:

- Tôi học về business. Cũng theo được. Tôi học chương trình 2 năm.

Don Lavitz gật gù:

- Tốt lắm! Miriam nói anh học rất nhanh. Nhưng học không chưa đủ. Phải thực hành nữa. Anh nghĩ thế nào nếu tôi cho anh làm manager tiệm này?

Lữ thót người trong bụng. Tim chàng đập sai nhịp hai cái liền. Cơ hội chàng đã đến rồi! Ông già Lavitz nói tiếp:

- Tôi cần Vincent lên trên tiệm ở San Gabriel để trông coi. Vincent ở tiệm South Central này đã hơn mười năm rồi bây giờ muốn dọn nhà lên trên đó. Tôi sẽ bảo Vincent huấn luyện cho anh trong một tháng trước khi anh trông coi hẳn.

Lữ nói nhanh như sợ Lavitz đổi ý:

- Cám ơn ông! Tôi sẽ cố gắng làm hết sức!

Lavitz nói tiếp:

- Dĩ nhiên anh sẽ được tăng lương. Vincent làm lâu rồi nên lương cao, anh sẽ được 30 ngàn một năm. Sau một năm, nếu tiệm đông khách hơn, tôi sẽ trả anh bằng lương Vincent bây giờ. Cuối năm nếu thật khá, tôi sẽ cho anh tiền thưởng.

Lữ nhận lời ngay. Điều này quả thật ngoài mong ước của chàng. Chắc hẳn Miriam đã phải nói ra nói vào với ông bố nhiều. Tiền lương tuy chưa phải ghê gớm gì, nhưng sang Mỹ mới được một năm như chàng đã được trông coi hẳn một tiệm ăn, sai khiến hơn mười mấy người làm công Mỹ đen, Mỹ trắng, Mễ nâu cũng không phải chuyện thường.

Lữ tự hứa với lòng chàng sẽ phải làm sao để số khách và tiền thu vào sau sáu tháng sẽ tăng gấp đôi. Chàng sẽ chứng tỏ cho ông già Lavitz và nhất là Miriam, đã chọn đúng người. Bước khởi đầu cho sự thành công của chàng là tiệm Don’s Hamburger này, sẽ phải trở thành tiệm ăn đông khách nhất vùng South Central, tiệm ngon nhất, tiệm được khách hàng ưa thích nhất, lịch sự nhất.

Trong đầu Lữ bao nhiêu cái nhất khác của tiệm ăn của chàng hiện ra. Vì đây là tiệm ăn của chàng. Chưa phải là quyền sở hữu, nhưng cũng đã gần như thế. Ông già Lavitz khhông còn cách nào khác hơn là sửa soạn cho chàng, dù muốn dù không, cho sản nghiệp mà Lavitz sẽ để lại cho cô con gái độc nhất. Lữ không phải là người ông chọn lựa cho Miriam, cho tương lai của người con gái quý, cho tài sản ông đã mất bao công khó gầy dựng được. Nhưng Lavitz không còn cách nào khác hơn được. Miriam đã quá mê mệt chàng trai đến từ một xứ nghèo khổ bên kia bờ biển Đông, nàng đã không thể rời xa Lữ ra được Lavitz đã thấy và hiểu điều đó. Và đành chấp nhận.

*

Lữ say sưa với công việc. Sau khi học với Vincent được một tháng, chàng đã thông thạo tất cả. Sổ sách, chi thu, lương nhân viên, sổ thuế, đặt hàng, giao hàng… chàng có thể làm lấy một mình. Trong thời gian phụ Vincent để tập. Lữ đa ghi nhận những điểm thiếu sót, những sai lầm nhưng Lữ khôn ngoan không nói gì, không phê bình một câu. Chàng lẳng lặng để ý và suy nghĩ cách để cải thiện, sửa đổi khi Lữ chính thức lên làm manager. Chàng không muốn Vincent bị mất mặt và đem lòng thù oán chàng, nói xấu chàng với Lavitz. Vincent là bạn từ thuở nhỏ của Lavitz, hai người coi nhau như anh em. Lữ không dại gì để Vincent thấy chàng tài giỏi hơn, có nhiều sáng kiến hơn. Trái lại chàng còn khen dồi Vincent, lấy lòng để ông ta có cảm tình với chàng. Lavitz nghe Vincent ca tụng Lữ, tuy chưa tin tưởng hẳn cũng bớt phần e dè về quyết định đưa Lữ lên làm manager trông coi tiệm. Ngày cuối trước khi rời tiệm để Lữ chính thức trông coi một mình, Vincent nắm tay Lữ dặn dò:

- Tôi biết anh có tài. Tiệm ăn này chỉ là khởi đầu cho anh, nhưng nên nhớ điều này Lữ: đừng ép buộc sự may mắn nhiều quá. Mỗi người chỉ được Trời cho một số lượng may mắn hạn định. Đừng dùng để hết sự may mắn của mình quá sớm!

Lữ nhìn Vincent không hiểu. Ông già này sâu sắc hơn mình tưởng. Lữ thầm nghĩ. Nhưng ông ta ngụ ý gì? Lữ băn khoăn một thoáng nhưng chàng quên ngay. Chàng còn đang bị kích thích nhiều vì nhiệm vụ mới và sự hãnh diện, tự hào đang xâm chiếm chàng. Hơi đâu để ý đến lời lẩm cẩm.

Lữ bắt đầu tìm cách để tăng số khách hàng của tiệm. Chàng nghiên cứu về thành phần khách hàng ở đâu đến, làm việc gì, khách quen trở lại thường xuyên vì lý do gì. Các tiệm ăn cạnh tranh lân cận được chàng theo dõi đặc biệt. Chàng tìm hiểu ưu khuyết điểm của tiệm chàng, của tiệm ăn cạnh tranh, về món ăn, về cách hầu bàn, về địa điểm. Lữ đặt ra chương trình, kế hoạch để vượt xa các tiệm khác và để kéo khách ăn về tiệm chàng, như một người bày binh, bố trận, nhất quyết tranh thắng cho bằng được.

Một lợi thế Lữ thấy bắt đầu khai thác ngay là sự thay đổi của vùng South Central với số người Đại Hàn đổ về làm ăn buôn bán ở vùng này. Những tiệm tạp hóa, chợ, tiệm rượu do người Đại Hàn làm chủ bắt đầu mọc lên như nấm và lan tràn dần khắp vùng. Khách tới tiệm ăn của Lữ càng ngày càng đông dân gốc này. Lữ giao thiệp vui vẻ, hòa đồng, thêm một vài món Đại Hàn trong thực đơn, chẳng mấy chốc tiệm Lữ đã trở thành chỗ cho họ lui tới. Lữ hài lòng khi thấy tiệm Don’s Hamburger đủ mọi mầu da đồng đều và ngày một tấp nập. Chàng cũng tìm ra những phí phạm trong việc đặt hàng, trong nhà bếp để cắt giảm những thứ thừa thãi, không cần thiết.

Lữ nhiều lúc cười thầm vì thấy mình như một người nội trợ hà tiện, chắt chiu. Nhưng chàng quyết để mức thu tăng vọt nhanh chóng và mức tiêu giảm tối đa. Để chứng tỏ cho Lavitz và Miriam thấy với chàng trông coi, tiền lời của tiệm ăn sẽ lên nhanh vùn vụt.

Sau 3 tháng trông coi., Lữ hãnh diện đưa số tính toán cho Lavitz xem. Số khách ăn đã tăng lên 30%. Tiền lời thu vào được tăng hơn 50%. Lavitz thật sự ngạc nhiên. Tiệm ăn này chưa bao giờ có số thu cao như vậy. Lavitz nói:

- Giỏi lắm Lữ! Cứ đà này không chừng mình phải mở rộng tiệm hơn nữa.

Lữ không nói gì. Lavitz nhìn mắt Lữ và hiểu ngay. Ông nói:

- Tôi nghĩ rằng anh phải được trả công xứng đáng hơn. Anh muốn sao?

Lữ phân vân. Chàng không muốn Lavitz nghĩ mình tham lam nhưng ngược lại, chàng cũng không muốn bị thiệt thòi. Chàng đã bỏ quá nhiều công sức để tiệm ăn phát đạt hơn. Và Lữ đã học được một tính tốt của người Mỹ xứ này Là sự chấp nhận công bằng để cả hai bên cùng lợi. Lũ quan sát và tìm hiểu những người khách quen đến ăn, chủ nhân các cửa hàng, dịch vụ, công ty, về sự giao dịch, làm ăn của họ. Và chàng nhận thấy một điều. Sự thành công của họ nằm trong sự công bằng, chàng nghe họ nói luôn đến từ ngữ fairness. Chàng thấy người Mỹ có lý, và tại sao người Mỹ thành công hơn những giống dân khác trên thé giới. Sự lường gạt, chiếm phần lợi về mình quá đáng chỉ tạo được ưu thế lúc đầu và phù du. Không ai để bị gạt đến lần thứ nhì, cũng như không ai chịu sự thiệt thòi quá lâu. Vấn đề là biết sự công bằng, biết thế nào là fair. Chàng trả lời với Lavitz:

- Tôi nghĩ ngoài số lương mỗi tháng, ông trả tôi thêm tiền thưởng tùy theo số lới nhiều ít. Lấy mức của tháng này làm căn bản, ông chi cho tôi 40% số sai biệt của tháng tới nếu tiếp tục lời nhiều hơn nữa.

- Anh đòi hỏi hơi nhiều nghe Lữ! Anh mới sang Mỹ được hơn một năm. Được như vậy là quá lắm rồi! Tôi cho anh 30%.

- 35%!

Lavitz cười, giơ tay cho Lữ bắt:

- Giỏi lắm Lữ! Anh bắt đầu thành businessman rồi! 35% là con số đúng. Anh học hỏi nhanh lắm. Và đừng để Miriam buồn! Nhớ kỹ điều đó Lữ ạ!