Tiệc Báo Thù

Chương 8

Một tiếng sau khi xảy ra vụ án, tại phòng làm việc tạm thời của ban chuyên án vụ cướp hội quán Tiêu Tương.

Bảo Lương Tiểu Đồng chưa nói hết sự thật, chỉ là phán đoán, thậm chí là trực giác, của cá nhân Ba Du Sinh. Trước mắt chưa có chứng cứ gì nhưng có căn cứ, ví dụ, con người chín chắn già dặn như Đới Hướng Dương tại sao bỗng dưng mạo hiểm chiến đấu với bọn cướp, để rồi bỏ mạng? Hoặc, người bị cùm cả hai tay, không chỉ riêng Lương Tiểu Đồng mà sau đó còn có cả Quách Tử Phóng, và Lý Vạn Tường đầu bếp của Tiêu Tương…

Theo Lương Tiểu Đồng nói, sau khi đầu bếp và hai người giúp việc bị áp giải từ bếp lên, họ bị “cùm liên hoàn” tức là dùng hai bộ còng để còng ba người. Nhưng khi cảnh sát đặc nhiệm cứu đầu bếp Lý Vạn Tường trong đám cháy ra, thì một mình ông ta bị còng hai tay bởi một bộ còng.

Tại sao Lương Tiểu Đồng không nhắc đến tình tiết Lý Vạn Tường được “ưu đãi” hai tay dùng một bộ còng, là do không nhớ rõ chăng? Có thể lắm. Khi vụ việc kinh hồn bất ngờ xảy ra, ít nhất có hơn chục người túm tụm một chỗ, có vô số tình tiết, không thể nhớ hết là điều khó tránh khỏi. Có lẽ không nên đi sâu truy cứu.

Ba Du Sinh nói, “Sau đây chúng ta ghi bút lục đối thoại với Lý Vạn Tường.” Nhìn vẻ do dự của Khương Minh, anh hiểu điều Khương Minh đắn đo, bèn nói thêm, “Chúng ta có thể đồng thời đối thoại ghi bút lục với nhiều người mục kích sự việc, sẽ đề nghị các đồng nghiệp ở sở và khu phối hợp làm. Nhưng cuối cùng những người mục kích vẫn phải gặp ba chúng ta. Như thế được không?”

Khương Minh gật đầu, “Được! Tôi sẽ sắp xếp ngay.”

Cửa phòng bật mở, một cảnh sát hình sự đưa máy di động chuyên dùng vào, “Sếp Vương và sếp Cát.” Ở đầu dây bên kia, Vương Chí Huân nói, “Ngọn lửa ở lầu chính Tiêu Tương căn bản đã khống chế được, cũng may cảnh sát chữa cháy luôn sẵn sàng và đã đến kịp thời để dập lửa, cho nên cả khu lầu vẫn tồn tại, vẫn giữ được các tầng nhà, nhưng cầu thang và sàn gỗ thì hỏng hết. Chúng tôi định dùng thang di động và bắc giàn giáo để lên tầng hai khám nghiệm. Mục tiêu là trước khi trời tối hoàn thành khám nghiệm và có kết luận sơ bộ.”

Ba Du Sinh nói, “Được! Cảm ơn cậu. Các cậu phải nhắc nhở chú ý an toàn là trên hết, nhất là anh Cát bị đau lưng, nên chú ý hơn.” Anh Cát tức Cát Sơn, là một tổ trưởng của trinh sát hình sự thành phố, là cảnh sát già kỳ cựu mà Ba Du Sinh rất kính trọng. Anh bỗng cảm thấy bứt rứt: Vương Chí Huân và Cát Sơn cùng các anh em khám nghiệm hiện trường ở tòa lầu ọp ẹp sau đám cháy, còn mình thì mát mẻ ngồi đây phán bảo, chẳng phải tác phong vốn có của anh.

Nhưng anh cũng hiểu rằng, vào lúc này ở đây đang rất cần anh.

Những lời tường thuật của Lương Tiểu Đồng căn bản có đầu có đuôi, quá trình xảy ra vụ việc tương đối rõ ràng mạch lạc, nhưng anh vẫn có cảm giác như bị một lớp sương mỏng bao phủ, sự thật thoắt ẩn thoắt hiện chưa rõ ràng. Nếu lúc này Na Lan cho anh biết tất cả, thì có lẽ sẽ bớt đi những đoạn đường vòng, đỡ tốn sức một cách không cần thiết. Anh cũng có thể hỏi Quách Tử Phóng trước, nhà báo vốn nhạy bén, thông tin đưa ra thường có độ tin cậy, nhưng niềm tin vào Quách Tử Phóng liệu có khiến anh rơi vào trạng thái ấn tượng, chủ quan nên khiên cưỡng không?

Tâm trạng hơi nặng nề khi nghĩ đến Na Lan, anh lập tức gọi điện đến phòng hồi sức ICU. Bác sĩ chủ trị là Trương Lỗi cho biết Na Lan đã một vài lần hồi tỉnh nhưng lát sau lại lịm đi, cũng phù hợp với quá trình bình phục của các ca chấn thương sọ não. Trương Lỗi tiện thể hỏi anh xem Na Lan bị thương trong trường hợp nào? Thấy sau gáy Na Lan có vết tụ máu, các bác sĩ liền cho chụp X quang, xác định có vết rạn lõm xương chẩm. Rơi từ cửa sổ gác hai xuống đất, độ cao 3-5 mét rất có khả năng bị chấn thương sọ não nhưng ở vùng chẩm có vết thương rõ rệt, rất có thể đã đập đầu vào vật cứng. Hơn thế, khi Na Lan nhảy xuống đất thì xảy ra vụ nổ thứ hai, một phần tường nhà vỡ bung, gạch vữa từ trên cao rơi xuống cũng có thể trút trúng vào cô.

Ba Du Sinh không thể trả lời câu hỏi này, đành nói là cảnh sát đang điều tra, anh chỉ biết Na Lan có nhảy cửa sổ xuống đất rồi ngất đi, toàn thân bị đất đá, thủy tinh bụi bặm phủ kín.

Điện thoại xong, tâm trạng Ba Du Sinh càng nặng nề.

Khương Minh quay trở vào phòng, đồng thời dẫn theo đầu bếp Lý Vạn Tường.

So với Lương Tiểu Đồng hoàn toàn bình thản lúc mới bước vào phòng thẩm vấn, thì Lý Vạn Tường trái ngược hoàn toàn, trông hết sức hoảng loạn khốn khổ.

Hơi khó đoán tuổi Lý Vạn Tường, nhìn tổng thể thì ở độ tuổi trên dưới 50, nhưng khuôn mặt già hơn tuổi rất nhiều, nhất là làn da đỏ thẫm, mà người ta hay gọi là “màu đồng hun”, trán và đuôi con mắt thì đầy vết nhăn. Tai phải và nửa mặt bên phải đang bị băng bó, hai má có hai vết nhăn rất sâu chạy vào đến dưới cái mũi gồ to tướng, trông thật là khổ sở. Mái tóc hoa râm cắt cua bằng phẳng, đôi mắt lờ đờ mệt mỏi, gây cho người ta cảm giác về một con người đã và đang tiếp tục nếm đủ mùi cay đắng.

Chắc không phải chứ! Ba Du Sinh đã đọc lướt tư liệu về Lý Vạn Tường, biết ông ta là tay đầu bếp thượng thặng trong giới nhà hàng Giang Kinh, hội quán Tiêu Tương đã chấp nhận chi cả đống tiền để mời ông ta từ khách sạn Đại Kim Sa về, đây cũng là thương vụ đình đám của Tiêu Tương trong ngành ẩm thực. Mấy đầu bếp hạng sao mà Ba Du Sinh biết đều thuộc loại khệnh khạng kiêu kỳ, nhưng Lý Vạn Tương ngồi trước mặt anh đây trông chân chất như một ông hàng xóm hiền hòa, thậm chí có phần nhếch nhác. Mà cũng có thể là tại mới trải qua một trận phong ba đáng sợ, ông ta vẫn chưa hết bàng hoàng.

Kể cũng đúng thôi, nếu căn cứ vào miêu tả của Lương Tiểu Đồng lúc nãy và thực tế mà anh nhìn thấy, thì bất cứ ai trải qua vụ cướp kinh hoàng kia đều có thể suy sụp tinh thần. Về thể chất, Lý Vạn Tường là một trong những người bị thương nhẹ nhất: chỉ bỏng nhẹ, và ho sù sụ, vì viêm họng cấp tính do hít phải khói nóng.

Vào tới phòng, hai tay Lý Vạn Tường vẫn không ngớt run rẩy, ngồi ghế mà như ngồi trên đống gai nhọn. Ba Du Sinh nói, “Nếu bác cần thêm thời gian thì bác cứ cho biết?”

Ông ta chỉ im lặng, ngây người nhìn ba cảnh sát, hình như không hiểu Ba Du Sinh vừa nói gì.

“Bác Tường.” Khương Minh gọi.

Vẫn không trả lời.

Ông ta vùi đầu vào hai tay, toàn thân co giật.

Rõ ràng là lúc này không thể thẩm vấn bút lục gì hết. Ba Du Sinh đứng dậy, nói với anh cảnh sát ghi biên bản, “Chúng ta cùng đưa bác ấy về phòng theo dõi y tế vậy.”

Lý Vạn Tường bỗng ngẩng đầu, “Không, không sao. Các anh cứ hỏi đi.”

Ba Du Sinh đưa mắt nhìn Khương Minh, rồi lại nói, “Bác đừng cố quá…” Đôi khi ghi bút lục trong tình hình như thế này lại càng lãng phí thời gian.

“Cứ hỏi, cứ hỏi đi, tôi có thể nói.” Lý Vạn Tường lại ho một tràng.

Ba Du Sinh ngồi xuống ghế, hỏi, “Các nhân viên cứu hộ của chúng tôi cho biết, khi cứu bác xuống lầu, hai tay bác bị còng với nhau, còn phần lớn những người khác thì hai người bị còng chung một còng, muốn hỏi bác, tại sao?”

Lý Vạn Tường sửng sốt, chắc là không ngờ cảnh sát lại mở đầu bằng câu hỏi kỳ lạ này, ông ta cười nhạt, “Tôi được ưu ái như thế, tôi nên cho rằng đó là vinh quang phải không? Để tôi bảo cho các anh biết tại sao…” Ông ta ngồi thẳng người lên, rồi lại ho, sau đó nói, “Vì tôi là người duy nhất kháng cự bọn chúng.”

Lý Vạn Tường

Ai cũng nhận ra, trong những người hùn vốn ở Tiêu Tương, thì “ông chủ nhì” Lương Tiểu Đồng là người dốc tâm huyết nhiều nhất vào hội quán, trước ngày khai trương cũng bỏ ra rất nhiều thời gian thu xếp, nhưng thời gian có mặt ở hội quán thì vẫn thua xa đầu bếp Lý Vạn Tường. Người ngoài không động não, chỉ tưởng tượng thôi, sẽ cho rằng đầu bếp này sẽ là một CEO, xem xét chỉ bảo, còn người tất bật trong bếp là các thuộc hạ xào nấu chế biến các món. Nhầm to! Một đầu bếp xuất sắc thì luôn đích thân mó tay vào đủ thứ việc lớn nhỏ, chẳng phải họ không cần đệ tử giúp đỡ, mà là, họ nhất định muốn nắm bắt các chi tiết cụ thể.

Chi tiết quyết định thành bại, chi tiết quyết định danh tiếng của đầu bếp.

Cho nên, hai ngày trước hôm khai trương, Lý Vạn Tường đã dồn mọi tâm huyết vào khu bếp thánh địa của mình, dường như ông ta là người bận rộn nhất hội quán. Nói cho khách quan, thì nên bỏ hai từ “dường như” mới đúng. Một hội quán mà chủ đề là ẩm thực thì lẽ nào hạt nhân của nó không phải là nhà bếp? Cho nên, từng li từng tí liên quan đến nhà bếp đều quan trọng, và đều cần Lý Vạn Tường quan tâm sát sao.

Nói chuẩn xác hơn, thì Lý Vạn Tường chỉ phụ trách bếp của lầu chính Tiêu Tương, còn hai lầu kia đã có hai nhóm đầu bếp tương đối quy mô đảm đương. Lầu chính của hội quán, nếu tính cả đại sảnh, thì có cả thảy năm phòng ăn riêng biệt, nhưng bốn phòng còn lại chỉ là phòng nhỏ. Lầu chính hầu như mang tính chất của một hội quán tư nhân, về lý thuyết, các món ăn cũng đều phải đặt trước, cho nên trong đa số tình huống, áp lực đối với nhà bếp là không lớn. Nhưng Lý Vạn Tường là đầu bếp cấp độ “huy chương vàng”, hợp đồng ký kết đã ghi rõ “ông Tường phải hỗ trợ kỹ thuật cho nhà bếp ở hai lầu Đông và Tây”, ví dụ, có những món ăn như sashimi Hokkaido - Nhật, laksa Nyonya - Malaysia, bánh nhân thịt cừu Lebanon - Syria… Các thợ bếp kia cũng làm được, nhưng muốn đạt chuẩn hương vị thì phải nhờ đến Lý Vạn Tường.

Vì Lý Vạn Tường đi khắp bốn phương, biết làm đủ món trên thế giới.

Ông ta không phải sư phụ về các món Tứ Xuyên hay các món Lưỡng Quảng đặc sắc, cũng không phải bậc thầy về các món mỳ, nhưng ông là sư phụ toàn năng. Cuối thập kỷ 1980 ông đã sang Nhật làm công, bắt đầu học nghề nấu ăn. Mười mấy năm sau đó ông hành nghề ở Hồng Kông, Ma Cao, rồi Thái Lan và các nước Đông Nam Á khác. Đến đầu những năm 2000 ông trở về Trung Quốc, và đã có chút tiếng tăm trong làng ẩm thực Bắc Kinh, nhưng ông không vội ghi danh trong ngành ẩm thực đang lên phơi phới, mà vẫn hết sức khiếm tốn miệt mài học hỏi, xin được làm đệ tử (và cũng là đệ tử duy nhất) của Tiêu Kính Đức - siêu đầu bếp cấp quốc gia của Trung Nam Hải. Ở Bắc Kinh, Lý Vạn Tường đi sâu vào ẩm thực miền Bắc, kể cả các món hỗn hợp Mãn-Hán, chỉ tiếc là chưa được trực tiếp học các món cung đình của nhà họ Lịch[1]. Tuy nhiên, năm năm sau, danh tiếng của Lý Vạn Tường đã nổi như cồn trong giới ẩm thực thủ đô, ông đã vài lần làm tiệc cưới cho một vài ngôi sao nổi tiếng. Tơ duyên của các ngôi sao ấy đã đứt gãy từ lâu, nhưng tài nghệ của Lý Vạn Tường thì đã nâng lên một tầm cao mới. Nhất là sau thời gian đi Trung Đông.

[1] Một gia tộc ẩm thực chuyên phục vụ hoàng gia, thành lập từ thời Đồng Trị nhà Thanh, hiện vẫn còn cơ sở tại Hậu Hải, Bắc Kinh.

Đang ung dung bước trên đại lộ danh tiếng của kinh thành sao lại đi tận Trung Đông, vẫn là một điều bí ẩn. Lý Vạn Tường theo một công ty sang Kuwait, có người đoán rằng ông muốn kiếm nhiều tiền, nhưng ở Bắc Kinh, dù phải cạnh tranh gay gắt thì ông vẫn kiếm ra nhiều tiền nhờ tài nghệ của mình, cho nên đoán thế chưa đúng. Cũng có người bảo, có lần ông làm hỏng một bữa tiệc lớn nên đắc tội với các quan to hoặc thương nhân cự phách, thậm chí cón đồn đại rằng có người bỏ mạng sau khi ăn món của Lý Vạn Tường… nên ông phải ra nước ngoài để tránh tai họa. Thói đời vẫn thích vuốt đuôi bôi bác, giới nào cũng có những chuyện đen bạc bẩn thỉu.

Chỉ Lý Vạn Tường tự biết: đi Trung Đông là vì nghệ thuật ẩm thực Trung Đông.

Cho đến giờ Lý Vạn Tường vẫn sống độc thân không gì vướng bận, ông dồn mọi tình cảm sâu nặng cho nấu ăn. Ông vẫn khát khao đi đến những vùng xa xôi để thu lượm những điều đặc sắc diệu kỳ, để mở rộng tầm mắt, rèn luyện và nâng cao kỹ thuật ẩm thực. Ông ở Kuwait và Arab Saudi ba năm, học được những điều cơ bản của ẩm thực Trung Đông, biết tiếng Ả Rập tạm đủ dùng, lại gặp dịp công ty công trình triển khai một dự án lớn tại thành phố Dubai viên ngọc của Trung Đông, Lý Vạn Tường rất vui mừng.

Dubai không chỉ là một trong vài thành phố lớn hiếm hoi ở Trung Đông, mà còn là kinh đô của miền đất kỳ lạ đã được quốc tế hóa ở đỉnh cao. Đến đây, Lý Vạn Tường không chỉ hoàn thiện chuyên sâu về ẩm thực Trung Đông mà còn tiếp xúc rất nhiều với văn hóa ẩm thực châu Âu, châu Phi, cho nên, khi ông đến Giang Kinh cách đây hai năm, ông đã trở thành một đầu bếp toàn năng và cực kỳ quý giá.

Tại sao ông lại đến Giang Kinh?

Đã ra hải ngoại “mạ vàng quốc tế” trở về, lại sẵn có danh tiếng từ những năm trước đó, Lý Vạn Tường có thể chinh phục bất kỳ đô thị lớn nào, sao ông không đến Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, Tam Á, Trùng Khánh, Thành Đô… mà lại về Giang Kinh? Giới đầu bếp vẫn thắc mắc về điều bí ẩn này. Nếu so sánh quy mô và tốc độ phát triển đô thị, thì Giang Kinh không hề thua kém các đô thị loại một loại hai, ngoại trừ Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, nhưng lại là nơi Lý Vạn Tường không có gốc rễ nào cả, tại sao nó lại hấp dẫn người đầu bếp dư sức thét gió gọi mây trong giới nhà hàng này?

Lý Vạn Tường thì giải thích rằng, Giang Kinh là thành phố có lịch sử lâu đời, có sức sống vô hạn và đầy ắp ý tưởng. Ông rất coi trọng bầu không khí văn hóa của thành phố và ảnh hưởng của nó đối với ẩm thực. Trong một lần giảng bài ở lớp nâng cao tay nghề nấu bếp, ông từng nói: một đầu bếp giỏi sợ nhất là thái độ qua loa thiếu chu đáo, và họ cũng sợ nhất là thiếu nhiệt tình và trí tưởng tượng đối với các món ăn. Không có gì giết chết trí tưởng tượng mạnh hơn cái lối chỉ biết cắm cổ mà đếm tiền, và không có gì kích thích trí tưởng tượng mạnh hơn bầu không khí văn hóa. Nét nhân văn tinh tế trang nhã của Giang Kinh đã hấp dẫn Lý Vạn Tường.

Hội quán Tiêu Tương thành lập là cơ duyên ông hằng chờ đợi bấy lâu.