Không phải ngẫu nhiên mà nàng Dôia Mônrô xinh đẹp lại trở thành bạn gái của ông vua hóa học. Năm năm trước (vào năm mười chín), ả chạy từ Pêtơrôgrát sang Pari và tại đây ả nổi tiếng là người phụ nữ kiều diễm nhất và thông minh nhất trong giới nghệ sĩ quí tộc phóng đãng. Ả đóng phim, nhảy múa và ca hát trong các nhà hát bình dân và thản nhiên làm khuynh gia bại sản bọn người nước ngoài vào những năm đó đổ xô đến Pari với những túi tiền căng phồng vì kiếm bẫm trong thời gian chiến tranh và sau chiến tranh.
Dôia là một phụ nữ hiện đại. Giữa những cuộc chơi bời phóng túng, ả vẫn dành được thời giờ chăm chú theo dõi tình hình chính trị.
Khi được biết nhân vật Rôlinh lừng danh dự định sang châu Âu, ả lập tức lên đường đi Niu Yoóc. Tại đây, ả mua chuộc được một gã phóng viên của một tờ báo lớn, và trên các báo liền xuất hiện những bài ngắn về chuyến viếng thăm Niu Yoóc của người phụ nữ xinh đẹp nhất, thông minh nhất châu Âu, một phụ nữ biết kết hợp nghề nghiệp nữ diễn viên balê với niềm say mê ngành khoa học thời thượng nhất là hóa học. Thậm chí ả không dùng loại kim cương tầm thường mà đeo một chuỗi vòng cổ gồm những hạt pha lê chứa đầy khí sáng lấp lánh. Chuỗi hạt này đã tác động đến trí tưởng tượng của người Mỹ.
Khi Rôlinh đáp tàu biển đi châu Âu thì vào một buổi sáng tuyệt đẹp rực rỡ ánh nắng, tại sân quần vợt trên boong thượng, y nhìn thấy Dôia đang chơi với huấn luyện viên. Y cau mày, quan sát hồi lâu người phụ nữ mà tất cả các báo vừa làm rùm beng lên, và y thấy thích ả. Ngay tối hôm đó, sau bữa ăn, khi ngồi trong quán rượu, y đề nghị Dôia trở thành bạn gái của y. Vừa nhúng ống hút chất nước uống lạnh buốt, Dôia vừa trả lời:
- Xin cảm ơn ông. Tôi nhận lời đề nghị của ông. Ông sẽ không bị thất vọng đâu. Ông đã lựa chọn rất đạt đấy. Những chuyện vặt vãnh của phụ nữ ít làm tôi bận tâm lắm... Ông đừng quên rằng tôi đã trải qua những ngày cách mạng, đã bị sốt phát ban và đã chiến đấu chống lại bọn Đỏ... Tôi rất hiếu danh. Ông là một nhân vật tầm cỡ. Tôi tin vào ông. Ông phải chiến thắng mới được... Tôi muốn làm thư ký riêng của ông.
Rôlinh xoay xoay người trên chiếc ghế cao, miệng y hơi nhếch một nụ cười giễu cợt, chứng tỏ y đang hết sức vui vẻ.
- Bà điên rồi, - y nói. - Bốn cựu vương và vài đại công tước thuộc vương triều Nga đang cố xin vào làm thư ký riêng cho tôi đấy... Nhưng tôi lại thấy thích bà mới lạ chứ...
Thế là bắt đầu quan hệ thân thiết giữa hai bên, và Rôlinh đã không lầm trong việc chọn bạn gái.
Tại Pari, y bắt đầu tiến hành thương lượng về việc hợp nhất các nhà máy hóa chất thành một tờrớt. Nước Mỹ đầu tư những món tiền lớn vào nền công nghiệp của Cựu thế giới. Đám nhân viên của Rôlinh thận trọng mua trữ cổ phiếu. Ở Pari, người ta gọi y là "con trâu Mỹ". Thật vậy, y có vẻ như người khổng lồ giữa các nhà công nghiệp châu Âu. Y băng qua mọi trở ngại. Tầm mắt của y chật hẹp. Y chỉ nhìn thấy trước mắt một mục tiêu duy nhất: tập trung toàn bộ nền công nghiệp hóa học thế giới vào tay một người (người đó là y).
Dôia mau chóng nghiên cứu xong tính cách của y, những thủ đoạn tranh đấu của y. Ả hiểu chỗ mạnh chỗ yếu của y. Y không thông thạo về chính trị và đôi khi nói những điều ngu ngốc về cách mạng và về bọn Bônsêvích. Ả kín đáo sắp đặt những con người cần thiết và hữu ích chung quanh y. Ả làm cho y quen thuộc với giới báo chí và hướng dẫn những cuộc trao đổi. Ả mua chuộc những tay chuyên viết tin vặt mà y không chú ý đến, nhưng chính họ lại giúp y được nhiều hơn các nhà báo tầm cỡ, bởi vì họ len lỏi vào mọi ngõ ngách của cuộc sống như giống muỗi vậy.
Khi ả "thu xếp" được một bài diễn văn ngắn do một nghị sĩ cánh hữu đọc tại nghị viện "về sự cần thiết phải hợp tác chặt chẽ với nền công nghiệp Mỹ nhằm phòng thủ nước Pháp bằng vũ khí hóa học" thì Rôlinh lần đầu tiên bắt chặt tay ả và lắc lắc một cách thân ái, như giữa nam giới với nhau:
- Tốt lắm, tôi sẽ lấy em làm thư ký của tôi với tiền lương là hai mươi bảy đôla một tuần.
Rôlinh bắt đầu tin vào sự hữu ích của Dôia và bắt đầu đối xử thành thật với ả về mặt công việc, tức là thành thật đến cùng.
Dôia có quan hệ với một vài gã lưu vong người Nga. Trong số đó có Xêmiônốp là người được ả thường xuyên cấp lương. Gã là kỹ sư hóa học tốt nghiệp thời chiến, sau đó làm thiếu úy rồi trở thành sỹ quan bạch vệ, và trong thời gian sống lưu vong thì phụ trách những "ủy ban" linh tinh.
Gã điều khiển bọn phản gián của Dôia, đem đến cho ả những tờ báo và tạp chí Xô Viết, thông báo cho ả những tin tức, những chuyện ngồi lê đôi mách, những lời đồn đại. Gã cần mẫn, nhanh nhẹn và không từ một việc gì không làm.
Một lần, Dôia đưa cho Rôlinh xem một mảnh báo cắt nói về một bộ máy có sức phá hoại ghê gớm đang được chế tạo ở Pêtơrôgrát. Rôlinh phá lên cười:
- Nhảm nhí, chẳng ai hoảng sợ đâu... Trí tưởng tượng của chúng ta quá phong phú đấy. Bọn Bônsêvích không có khả năng chế tạo một thứ gì hết.
Dôia liền mời Xêmiônốp đến ăn sáng, và gã đã kể một chuyện lạ lùng về mẩu tin đó:
-... Vào năm mười chín, ở Pêtơrôgrát, trước khi tôi trốn ra nước ngoài ít lâu, tôi gặp ngoài phố một anh bạn người Ba Lan đã cùng tôi tốt nghiệp trường công nghệ. Tên anh ta là Tưclinxki. Bị khoác sau lưng, hai chân quấn chặt những mảnh thảm, trên áo măngtô có viết những chữ số bằng phấn - dấu hiệu của những lần xếp hàng. Tóm lại, mọi thứ đều đúng như thông lệ. Nhưng vẻ mặt anh ta đầy phấn chấn. Mắt nhấp nháy. Có chuyện gì thế nhỉ? "Tớ đã vớ được một việc hái ra vàng mà lại, - anh ta bảo, - phải bạc triệu chứ không ít! Phải hàng trăm triệu ấy chứ (dĩ nhiên là hàng trăm triệu tiền vàng rồi!)" Tất nhiên tôi bám lấy anh ta, nằng nặc đòi anh ta kể. Anh ta chỉ cười trừ. Rồi chúng tôi chia tay nhau. Khoảng hai tuần sau, tôi lang thang trên đảo Vaxiliépxki là nơi anh ta ở. Tôi chợt nhớ đến cái công việc hái ra vàng của anh ta. Tôi nghĩ: ta thử đến xin nhà triệu phú này vài lạng đường xem sao. Tôi liền tạt vào nhà anh ta. Tưclinxli đang nằm trong tình trạng gần đất xa trời - tay và ngực bị băng bó kín mít.
- Ai làm cậu đến nông nỗi này?
- Cứ đợi đấy, - anh ta trả lời, - Đức mẹ đồng trinh sẽ giúp tớ bình phục, và tớ sẽ giết chết hắn.
- Giết ai kia?
- Garin.
Và anh ta đã kể chuyện cho tôi nghe. Quả thật, anh ta kể rất rối rắm và mơ hồ vì không muốn cho tôi biết tỉ mỉ, nhưng đại để là như sau. Một người quen cũ của anh ta là kỹ sư Garin đề nghị anh ta chế tạo loại nến than cho một bộ máy nào đó có sức phá hoại khủng khiếp. Để làm Tưclinxki hứng thú, y hứa sẽ chia lời lãi với anh ta. Y dự tính là sau khi kết thúc thí nghiệm, sẽ đem bộ máy đó chạy sang Thụy Sĩ, lấy bằng phát minh ở đấy rồi tự mình đứng ra trông coi việc sử dụng.
Tưclinxki hăm hở bắt đầu nghiên cứu việc chế tạo những khối chóp nhỏ. Nhiệm vụ đặt ra là những khối chóp ấy càng nhỏ càng tốt nhưng lại phải tỏa ra được một lượng nhiệt cực đại. Cơ cấu của bộ máy thì Garin giữ bí mật, y bảo là nguyên tắc của nó hết sức đơn giản, bởi vậy chỉ cần nói bóng gió xa xôi là cũng đủ làm lộ bí mật rồi. Tưclinxki cung cấp cho y những khối chóp nhỏ, nhưng không lần nào thuyết phục nổi y cho xem bộ máy kia.
Thái độ nghi kỵ đó khiến Tưclinxki giận điên lên. Hai bên cãi nhau luôn. Một hôm, Tưclinxki theo dõi Garin đến tận nơi y tiến hành thí nghiệm - một ngôi nhà đổ nát trên một đường phố hẻo lánh mạn Pêtơrôgrátxcaia. Tưclinxki theo gót Garin lần tới đó và mò mẫm hồi lâu theo những cầu thang, những căn phòng trống rỗng đã long hết cửa sổ, và cuối cùng anh ta nghe thấy dưới hầm nhà có tiếng xèo xèo mạnh như từ luồng hơi nước phụt ra và ngửi thấy mùi quen thuộc của những khối chóp nhỏ đang cháy.
Anh ta thận trọng leo xuống hầm nhà, nhưng bỗng vấp phải đống gạch vỡ, anh ta ngã lăn ra, làm vang động lên, và nhìn thấy sau vòm cửa, cách anh ta khoảng ba chục bước, là khuôn mặt của Garin đang méo xệch dưới ánh đèn dầu. "Ai, ai đấy?" - Garin giận dữ hét to, và đúng lúc đó, một tia sáng chói lòa không to hơn kim đan bỗng phụt ra từ bức tường và cắt chéo qua ngực và tay của Tưclinxki.
Anh ta tỉnh dậy lúc mờ sáng, kêu cứu hồi lâu rồi bò ra khỏi hầm nhà, khắp người bê bết máu. Anh ta được những người qua đường vực lên rồi chở bằng xe tay về nhà. Khi anh ta bình phục thì nổ ra cuộc chiến tranh với Ba Lan, và anh ta phải trốn khỏi Pêtơrôgrát.
Câu chuyện này đã gây cho Dôia một ấn tượng hết sức mạnh mẽ. Rôlinh thì chỉ nghi hoặc nhếch mép cười: y chỉ tin vào sức mạnh của hơi ngạt. Thiết giáp hạm, pháo đài, đại bác, những đội quân cồng kềnh, theo ý kiến y, tất cả những thứ đó đều là tàn tích của thời đại dã man. Máy bay và hóa học - đó mới là những vũ khí duy nhất hùng mạnh của chiến tranh. Còn những bộ máy gì đó ở Pêtơrôgrát chỉ là chuyện nhảm nhí.
Nhưng Dôia không yên tâm. Ả phái Xêmiônốp đến Phần Lan để từ đó tìm kiếm những tin tức chính xác về Garin. Một viên sĩ quan bạch vệ được Xêmiônốp thuê mướn đã trượt tuyết vượt qua biên giới Nga, tìm thấy Garin ở Pêtơrôgát, nói chuyện với y và thậm chí còn đề nghị với y hợp tác làm việc. Garin tỏ ra rất thận trọng. Y nói về bộ máy của mình theo ý nghĩa là người nào làm chủ được nó sẽ có được một sức mạnh siêu phàm. Các cuộc thí nghiệm với bộ máy mẫu đã đem lại những kết quả rực rỡ. Y chỉ chờ lúc hoàn tất việc nghiên cứu các khối chóp mà thôi
Vào một tối chủ nhật mưa gió đầu xuân, ánh đèn trong các ô cửa sổ và vô số ánh đèn đường phản chiếu trên lớp nhựa bóng nhẫy của các phố xá Pari, trông chẳng khác gì những dòng kênh đen sẫm mà bên dưới là một vực thẳm ánh sáng.
Những chiếc xe ướt át phóng vùn vụt, những chiếc ô ướt đẫm lấp loáng, va vào nhau, xoay tròn. Bóng tối dầy đặc nước mưa như đặc sệt những hơi ẩm rữa nát của các đại lộ, mùi các quầy bán rau, mùi khí xả và mùi nước hoa.
Nước mưa chảy thành dòng trên các mái nhà bằng graphít, trên những dãy chấn song của các ban công, trên những tấm mái che kẻ sọc khổng lồ của các quán cà phê. Những biển quảng cáo đủ mọi loại vui chơi giải trí quay cuồng, sáng nhấp nháy, mờ mờ trong màn sương mù.
Những con người tầm thường, nhỏ bé - các tham tán, các quan lại thấp và viên chức - tùy theo khả năng mà giải trí vào ngày này. Những nhân vật quan trọng, những nhà doanh nghiệp thì ngồi bên lò sưởi tại nhà. Chủ nhật là ngày của dân đen, dành cho các dân đen xâu xé.
Dôia ngồi thu lu trên chiếc đi văng rộng, giữa một lô gối nhỏ. Ả hút thuốc và nhìn lửa trong lò sưởi. Rôlinh mặc áo đuôi tôm, thả mình trong chiếc ghế bành lớn, ghếch hai chân lên bục đặt thấp, cũng vừa hút thuốc vừa nhìn những cục than hồng.
Khuôn mặt được lò sưởi chiếu sáng của y dường như đỏ rực vì bị nung nóng - chiếc mũi to mập, đôi má rậm râu, cặp mắt hơi bừng bừng hé mở dưới hàng mi của một bậc chúa tể vũ trụ. Y chìm đắm trong nỗi buồn nhè nhẹ cần phải có mỗi tuần một lần để đầu óc và thần kinh được thanh thản.
Dôia giơ đôi tay kiều diễm để trần ra trước mặt và nói:
- Rôlinh ạ, từ bữa ăn đến giờ đã hai tiếng đồng hồ rồi đấy.
- Đúng thế, - Rôlinh đáp, - cũng như em, anh cho rằng quá trình tiêu hóa đã kết thúc rồi.
Cặp mắt trong veo và gần như mơ mộng của ả lướt trên mặt y. Ả khe khẽ gọi tên y bằng một giọng nghiêm trang. Y vẫn ngồi yên trong chiếc ghế bành ấm áp mà trả lời:
- Anh nghe em đây, con mèo nhỏ của anh ạ.
Vậy là đã được phép nói. Ả chuyển sang ngồi ở mép đi văng và ôm lấy đầu gối.
- Anh Rôlinh này, các nhà máy hóa chất dễ có nguy cơ bị nổ tung lắm phải không?
- Đúng đấy. Vật phẩm phụ thứ tư của than đá - tơrôtin là một chất nổ cực kỳ ghê gớm. Vật phẩm phụ thứ tám của than đá - axit picrin - được nhồi vào đạn xuyên thép của các pháo hạm. Nhưng còn có một chất nguy hiểm hơn nữa, đó là têtơrin.
- Chất ấy là gì vậy, anh Rôlinh?
- Cũng vẫn là than đá thôi. Benzen (C6H6) khi hòa hợp với axit nitơrích (HNO3) ở tám mươi độ sẽ tạo nên nitơrô benzen. Công thức của nitơrô benzen là C6H5NO2. Nếu chúng ta thay thế hai phần ôxy O2 trong đó bằng hai phần hyđrô H2, tức là nếu chúng ta bắt đầu từ từ trộn lẫn nitơrô benzen ở tám mươi độ với mùn gang, với một lượng nhỏ axít clohyđrích, thì chúng ta sẽ thu được anilin (C6H5NH2). Anilin trộn lẫn với rượu mêtylích dưới áp lực năm mươi átmốtphe sẽ tạo ra đimêtin- anilin. Sau đó, chúng ta đào một chiếc hồ lớn, đắp lũy đất bao quanh, dựng một nhà kho bên trong để thực hiện phản ứng giữa đimêtin- anilin và axít nitơrích. Trong thời gian diễn ra phản ứng này, chúng ta sẽ đứng từ xa theo dõi nhiệt kế qua kính viễn vọng. Phản ứng giữa đimêtin- anilin và axít nitơrích sẽ tạo ra chất têtơrin. Cái chất têtơrin này chính là một con quỷ thực sự, đôi khi, do những nguyên nhân không ai biết, nó nổ tung trong lúc phản ứng diễn ra và biến những nhà máy lớn thành tro bụi. Thật đáng tiếc là chúng ta phải tiếp xúc với nó: khi được xử lý bằng phốtgen, nó tạo nên những tinh thể màu xanh tím. Và chính cái thứ đó đem lại cho tôi khối tiền đấy em ạ. Em đã hỏi tôi một cách thật ngộ nghĩnh... Hừm... Tôi cứ tưởng em am hiểu hóa học hơn thế kia đấy. Để từ hắc ín chế tạo được viên piramiđông chẳng hạn, thứ thuốc giúp em khỏi bệnh đau đầu ấy, cần phải đi qua một loạt giai đoạn... Trên con đường từ than đá đến piramiđông, hoặc đến lọ nước hoa, hoặc đến chế phẩm thông thường dùng trong nghề ảnh, là những chất quỷ quái như tơrôtin và axít picrin, là những chất tuyệt diệu như brôm- benzin- xianua, clo- picrin, đi- phênin- clo- ácxin và nhiều chất khác nữa, tức là những hơi độc chiến đấu khiến người ta hắt hơi, chảy nước mắt, dứt bỏ mặt nạ bảo vệ, ngạt thở, thổ huyết, sưng tấy, thân thể thối rữa lúc còn sống...
Vì Rôlinh cảm thấy buồn bã vào buổi tối chủ nhật mưa gió này nên y sẵn lòng triền miên suy nghĩ về tương lai vĩ đại của hóa học.
- Tôi nghĩ rằng (y phẩy phẩy gần mũi điếu thuốc đã hút hết một nửa), tôi nghĩ rằng Đức Chúa Trời đã sáng tạo ra trời đất cùng mọi sinh vật khác từ hắc ín và muối ăn. Thánh Kinh không nói thẳng điều đó, nhưng có thể đoán ra được. Kẻ nào có trong tay than và muối thì kẻ đó sẽ thống trị thế giới. Người Đức gây ra cuộc chiến tranh năm mười bốn chỉ bởi vì chín phần mười các nhà máy hóa chất trên khắp thế giới là thuộc về nước Đức. Người Đức đã hiểu được bí mật của than và muối: họ là dân tộc có văn hóa duy nhất thời đó. Nhưng họ không ngờ rằng người Mỹ chúng ta lại có thể xây dựng xong công binh xưởng Étvút[1] trong vòng chín tháng. Người Đức đã mở mắt cho chúng ta, chúng ta đã hiểu là cần đầu tư vốn vào đâu, và bây giờ người thống trị thế giới sẽ là chúng ta, chứ không phải họ, bởi vì sau chiến tranh, tiềm lực trong tay chúng ta và hóa học cũng trong tay chúng ta. Trước hết chúng ta sẽ biến nước Đức, rồi sau đó sẽ biến cả các nước khác nữa, những nước nào biết cách làm việc (những nước không biết làm việc sẽ bị đào thải theo luật tự nhiên, chúng ta sẽ giúp họ trong việc này) thành một công xưởng hùng mạnh. Lá cờ Mỹ sẽ buộc ngang trái đất theo đường xích đạo và buộc dọc trái đất từ cực này đến cực kia như ta buộc hộp kẹo vậy...
- Anh Rôlinh ạ. - Dôia ngắt lời y, - tự anh sẽ chuốc lấy tai họa mất... Vì khi ấy chúng sẽ trở thành những tên cộng sản... Sẽ đến ngày chúng tuyên bố rằng chúng không cần đến anh nữa và chúng muốn làm việc cho bản thân chúng... Ôi, em đã trải qua nỗi khủng khiếp đó rồi... Chúng sẽ không chịu trả cho anh hàng tỷ đô la của anh...
- Lúc đó, anh sẽ dìm cả châu Âu trong hơi mù tạt.
- Sẽ muộn mất, anh Rôlinh ạ. - Dôia lấy hai tay siết chặt đầu gối và nhô người ra phía trước. - Rôlinh, hãy tin em, em chưa bao giờ khuyên anh điều gì xấu cả... Em vừa hỏi anh: các nhà máy hóa chất có nguy cơ bị nổ tung hay không?... Trong tay bọn công nhân, bọn cách mạng, bọn cộng sản, trong tay những kẻ thù của chúng ta sẽ có thứ vũ khí có sức mạnh khủng khiếp... Chúng sẽ có thể từ xa làm nổ tung các nhà máy hóa chất và các hầm thuốc súng, có thể đốt cháy các phi đội máy bay, tiêu diệt các kho chứa hơi độc, tóm lại là tất cả những gì có thể nổ tung và bốc cháy.
Rôlinh bỏ hai chân khỏi chiếc bục đặt thấp, hấp háy mi mắt đỏ nhạt và chăm chú nhìn Dôia một lúc.
- Theo chỗ tôi hiểu thì em lại ám chỉ đến...
- Đúng đấy, anh Rôlinh ạ, em muốn ám chỉ đến bộ máy của kỹ sư Garin... Cho tới nay, anh vẫn bỏ ngoài tai mọi tin tức về bộ máy đó... Nhưng em thì em biết việc này quan trọng đến chừng nào... Xêmiônốp đã đem đến cho em một vật đáng sợ, từ Nga gởi cho anh ta.
Ả bấm chuông. Người hầu bước vào. Theo lệnh của ả, ông ta mang đến một chiếc hòm nhỏ bằng gỗ thông, bên trong có một mẩu thép dày chừng hơn một phân. Dôia lấy mẩu thép ra và đưa lại gần ánh sáng lò sưởi. Trên bề dày của mẩu thép có những vạch thẳng và đường vòng xuyên suốt qua bằng một dụng cụ sắc nhọn nào đấy và hằn rõ những chữ xiên nghiêng như viết tháu bằng ngòi bút: "Mẫu thử lực... mẫu thử... Garin". Những vụn kim loại bên trong một vài chữ rơi lả tả ra. Rôlinh xem xét hồi lâu mẩu thép.
- Trông cứ như "thử bút" vậy, - y khẽ nói, - dường như có người viết bằng kim lên bột nhão ấy.
- Đây là kết quả việc thử bộ máy của Garin ở một khoảng cách ba chục bước, - Dôia cho biết. - Xêmiônốp khẳng định rằng Garin hy vọng sẽ chế tạo được một bộ máy có thể cắt đôi một chiến hạm lớn dễ dàng như cắt bơ ở khoảng cách ba bốn cây số... Xin lỗi anh, Rôlinh ạ, nhưng em cầu khẩn anh phải chiếm bằng được bộ máy khủng khiếp này.
Rôlinh đã không uổng công trải qua trường đời ở Mỹ, cả con người y đã được rèn luyện để chiến đấu.
Ai cũng biết là việc luyện tập có tác dụng phân bố các nỗ lực một cách chính xác giữa các bắp thịt và khiến các bắp thịt huy động được tối đa khả năng của mình. Rôlinh cũng như vậy khi y bước vào cuộc chiến đấu: trước hết trí tưởng tượng bắt đầu hoạt động - nó xông vào những lĩnh vực hóc búa chưa ai đụng đến của các xí nghiệp và phát hiện ở đấy một hiện tượng gì đó đáng chú ý. Xtốp. Hoạt động của trí tưởng tượng kết thúc. Đến lượt lý trí làm việc - nó đánh giá, so sánh, cân nhắc, kết luận: hữu ích. Xtốp. Đến lượt óc thực tiễn - nó tính toán, dự tính, lập bảng cân đối: có lợi. Xtốp. Đến lượt ý chí rắn như thép môlipđen, ý chí mãnh liệt của Rôlinh, và y như con trâu mắt đỏ ngầu, lao tới mục đích và đạt bằng được nó, cho dù y và những người khác có phải trả giá thế nào chăng nữa.
Hôm nay cũng diễn ra một quá trình tương tự như vậy. Rôlinh đưa mắt nhìn bao quát lĩnh vực hóc búa bí ẩn này và lý trí bảo y: Dôia có lý. Óc thực tiễn tức khắc lập bảng cân đối: cái có lợi nhất là đánh cắp các bản vẽ và bộ máy, là thủ tiêu Garin. Chấm hết. Số phận của Garin đã được định đoạt, tín dụng đã mở, và ý chí bắt đầu hoạt động.
Rôlinh đứng dậy khỏi ghế bành, quay lưng về phía lửa lò sưởi và nói dằn từng tiếng:
- Ngày mai, tôi sẽ đợi Xêmiônốp ở đại lộ Mandéc.
Bảy tuần lễ đã trôi qua sau buổi tối hôm đó. Kẻ giống hệt Garin bị giết trên đảo Crextốpxki. Xêmiônốp xuất hiện trên đại lộ Mandéc không có các bản vẽ và bộ máy. Rôlinh suýt ném lọ mực vào đầu gã. Hôm qua, người ta trông thấy Garin hoặc kẻ giống hệt y ở Pari.
Hôm sau, như thường lệ, Dôia đến đại lộ Mandéc vào lúc một giờ trưa. Rôlinh ngồi bên cạnh ả trong chiếc Limudin mui kín, chống cằm vào can và nói rít qua kẽ răng:
- Garin đang ở Pari.
Dôia ngửa người vào đệm ghế. Rôlinh cau có nhìn ả.
- Đáng lẽ phải đưa Xêmiônốp lên máy chém từ lâu rồi mới phải, hắn là một kẻ bừa bãi, một tên giết người rẻ tiền, vừa xấc láo lại vừa ngu ngốc, - Rôlinh nói. - Tôi đã tin cẩn hắn và kết quả là rơi vào tình thế lố bịch. Có thể thấy trước là hắn sẽ lôi kéo tôi vào một chuyện tồi tệ mất...
Rôlinh kể cho Dôia nghe toàn bộ câu chuyện giữa y với Xêmiônốp. Việc xuất hiện kẻ giống hệt Garin đã làm Rôlinh hết sức bối rối. Y hiểu rằng địch thủ của y rất khôn khéo. Garin hoặc đã biết về vụ mưu sát đang chuẩn bị, hoặc đã thấy trước là nhất định sẽ bị mưu sát, do đó làm lẫn lộn dấu vết bằng cách bí mật bố trí một kẻ giống hệt mình. Tất cả những chuyện đó đều rất mơ hồ. Nhưng điều khó hiểu nhất là Garin đến Pari để làm quái gì mới được chứ?
Chiếc limudin chạy giữa vô số xe cộ trên quảng trường Êlidê. Tiết trời ấm áp, oi ả. Trong màn khói lam nhạt nhẹ bay hiện rõ hình lũ ngựa có cánh và mái vòm bằng kính của tòa Đại Lâu, những lớp mái hình bán nguyệt của các tòa nhà cao, những rèm cửa sổ, những đám cây dẻ sum suê.
Ngồi trên các xe hơi - người thì dạng chân, người thì gác chân lên đầu gối, người thì gậm gậm đầu can - chủ yếu là những tay anh chị mới phất, người ngắn ngủn, đội mũ kiểu mùa xuân và đeo cà vạt sặc sỡ. Họ chở những cô gái kháu khỉnh đi ăn sáng ở rừng Bulônhơ, những cô gái mà Pari hào phóng ban cho họ để giải trí cho khách nước ngoài.
Đến quảng trường Ngôi sao, chiếc limudin của Dôia đuổi kịp một chiếc xe thuê, ngồi trong chiếc xe này là Xêmiônốp và một người đàn ông mặt húp híp, vàng khè, bộ ria đầy bụi. Cả hai nhô người về phía trước, vẻ kích động đến cực độ, theo dõi một chiếc xe nhỏ màu xanh đang lượn vòng trên quảng trường Ngôi sao để đi đến bến tàu điện ngầm.
Xêmiônốp chỉ chiếc xe đó cho người lái, nhưng khó mà lọt qua được dòng xe cộ chạy nườm nượp. Rốt cuộc, họ cũng lách lên được và cho xe chạy tắt ngang chiếc xe nhỏ màu xanh. Nhưng chiếc xe đó đã đỗ cạnh đường tàu điện ngầm. Nhảy từ trong xe ra là một người tầm thước, mặc chiếc măng tô dày rộng thùng thình, rồi y biến mất vào lối xuống tàu điện ngầm.
Toàn bộ cảnh tượng đó diễn ra chỉ trong vòng hai - ba phút, ngay trước mắt Rôlinh và Dôia. Ả hét to bảo người lái xe rẽ về phía bến tàu điện ngầm. Xe của ả dừng lại gần như cùng một lúc với xe của Xêmiônốp. Gã vừa huơ chiếc can vừa chạy đến chiếc limudin, mở cửa xe làm bằng pha lê và nói với vẻ hết sức kích động:
- Garin đấy! Hắn lẩn mất rồi. Nhưng không sao. Hôm nay, tôi sẽ đến phố Batinhông gặp hắn và sẽ đề nghị hòa giải. Ngài Rôlinh ạ, ta cần thỏa thuận với nhau một chuyện: ngài sẽ bỏ ra bao nhiêu tiền để có được bộ máy? Ngài có thể yên tâm được: tôi sẽ hành động trong khuôn khổ luật pháp. Tiện đây, xin cho phép giới thiệu với ngài ông Tưclinxki, một con người rất mực đứng đắn.
Không đợi được phép, gã gọi to Tưclinxki. Tưclinxki vội chạy đến bên chiếc limudin, bỏ mũ cúi chào rồi hôn tay tiểu thư Dôia.
Rôlinh không đưa tay cho cả Xêmiônốp lẫn Tưclinxki, mắt y sáng quắc trong xe như mắt sư tử trong chuồng. Xuất hiện trước mặt mọi người trên quảng trường là thiếu khôn ngoan.
Dôia đề nghị đi ăn trưa ở bờ bên trái, tại hiệu ăn "Lapêrudơ" thường vắng vẻ vào khoảng thời gian đó.
Tưclinxkin liên tục cúi chào, vuốt thẳng bộ ria trễ xuống, nhìn Dôia bằng cặp mắt ươn ướt và ăn với vẻ hau háu cố kìm lại. Rôlinh cau có ngồi quay lưng về phía cửa sổ, Xêmiônốp luôn miệng ba hoa một cách suồng sã. Dôia có vẻ bình tĩnh, ả mỉm cười mê hồn và thỉnh thoảng lại đưa mắt ra hiệu cho người hầu bàn rót rượu thường xuyên hơn cho khách. Khi rượu sâm banh được đưa lên, ả đề nghị Tưclinxki bắt đầu kể chuyện.
Gã cởi khăn ăn khỏi cổ.
- Đối với ngài Rôlinh, chúng tôi không tiếc gì hết, kể cả mạng sống của mình nữa. Chúng tôi đã vượt qua biên giới Nga ở vùng Xêxtơrôexcơ.
- Chúng tôi là những ai? - Rôlinh hỏi.
- Tôi và một trợ thủ của tôi, một người Nga quê ở Vácsava, một sĩ quan trong quân đội của Balakhêvích... Hắn ta cực kỳ tàn bạo... Cái gã sĩ quan chết tiệt ấy gây hại cho tôi nhiều hơn là giúp đỡ tôi. Nhiệm vụ của tôi lúc đó là theo dõi xem Garin tiến hành thí nghiệm ở đâu. Tôi đã đến tận ngôi nhà đổ nát - ngài và tiểu thư đây dĩ nhiên đã biết rằng tại ngôi nhà này, gã kỹ sư khốn kiếp ấy đã suýt cắt đôi tôi bằng cái bộ máy của gã. Tại đấy, tôi đã tìm thấy trong hầm nhà mẩu thép mà tôi đã gởi cho tiểu thư Dôia, và tiểu thư có thể thấy rõ sự cần mẫn của tôi. Garin liền thay đổi địa điểm thí nghiệm. Tôi đã ngày đêm không ngủ vì muốn đáp ứng lòng tin cậy của tiểu thư Dôia và ngài Rôlinh. Tôi đã liều bị viêm phổi trong những đầm lầy trên đảo Crextốpxki, và tôi đã đạt được mục đích. Tôi đã lần ra dấu vết Garin. Đêm hai mươi bảy tháng tư, tôi và người trợ thủ của tôi đã lọt vào ngôi nhà nghỉ của Garin, trói gã vào chiếc giường sắt và lục soát hết sức tỉ mỉ... Không thấy gì hết... Thật phát điên lên được... Không có một dấu vết nào của bộ máy hết... Nhưng tôi biết rằng gã giấu bộ máy ấy trong nhà. Khi ấy, viên trợ thủ của tôi đã xử sự hơi quá tay với Garin. Ngài và tiểu thư đây chắc sẽ hiểu được nỗi xúc động của chúng tôi... Tôi không nói là chúng tôi đã hành động theo chỉ thị của ngài Rôlinh... Không! Chẳng qua là viên trợ thủ của tôi quá nóng nảy...
Rôlinh nhìn đĩa thức ăn. Cánh tay dài của Dôia trước đây vẫn nằm yên trên khăn bàn, nay động đậy nhanh các ngón, làm lấp lánh những móng tay làm bóng, những chiếc nhẫn đính kim cương, ngọc bích, ngọc lam. Tưclinxki phấn chấn lên khi nhìn bàn tay vô giá này.
- Như ngài và tiểu thư đã biết, một ngày sau tôi gặp Garin ở bưu điện. Lạy Chúa, ai mà không hoảng sợ cho được khi chạm trán với một kẻ đã chết mà nay lại sống sờ sờ trước mắt! Đúng lúc đó bọn công an khốn kiếp còn lao theo săn tôi nữa. Chúng tôi đã trở thành nạn nhân của một trò lừa bịp: gã Garin khốn kiếp đã đánh tráo gã với một người khác. Tôi quyết định lại lục soát ngôi nhà nghỉ: nhất định ở đó phải có hầm ngầm. Ngay đêm ấy, tôi trở lại một mình, đánh thuốc mê thằng cha canh gác. Tôi bò vào qua cửa sổ... Mong ngài Rôlinh sẽ không hiểu sai tôi... Khi Tưclinxki hy sinh tính mạng thì đó là hy sinh vì lý tưởng... Đúng lúc đó, tôi nghe thấy trong nhà có tiếng lách cách và răng rắc khủng khiếp đến nỗi ai cũng phải dựng tóc gáy lên. Nhảy ngược lại ra ngoài cửa sổ đối với tôi là chuyện dễ như bỡn, nhưng tôi đã không làm thế... Đúng, ngài Rôlinh ạ, vào phút đó, tôi hiểu rằng, Chúa đã dẫn dắt ngài khi ngài cử tôi đi chiếm lấy trong tay bọn Nga thứ vũ khí ghê gớm mà chúng có thể dùng để chống lại toàn thế giới văn minh. Đó là giây phút lịch sử, tiểu thư Dôia ạ, tôi xin lấy danh dự một quý tộc ra mà thề với tiểu thư như vậy. Tôi nhảy bổ như thú dữ vào bếp là nơi phát ra tiếng động. Tôi nhìn thấy Garin - hắn đang chất bàn ghế, bao bì, hòm xiểng thành một đống ở cạnh tường. Thấy tôi, hắn vớ lấy chiếc va li da mà tôi đã quen thuộc từ lâu rồi, nơi hắn thường để bộ máy mẫu, rồi nhảy vọt sang phòng bên cạnh. Tôi rút phắt súng lục ra và lao theo hắn. Hắn đang mở cửa sổ, định nhảy ra đường. Tôi bắn một phát, hắn cứ một tay xách va li, một tay cầm súng, mà chạy đến cuối phòng, núp sau giường và bắn trả. Đó là một trận quyết đấu thật sự, tiểu thư Dôia ạ. Một viên đạn xuyên qua mũ tôi. Đột nhiên, hắn lấy một mảnh vải gì đó che kín mồm và mũi rồi chĩa một ống kim loại về phía tôi: một phát súng vang lên, không to hơn tiếng mở nút chai sâm banh, và đúng giây phút đó, tựa như có hàng nghìn vuốt sắc nhỏ xuyên vào mũi, vào cổ họng, vào ngực tôi, cào xé người tôi, hai mắt tôi ràn rụa nước mắt vì một nỗi đau đớn không thể chịu nổi, tôi bắt đầu ho, hắt hơi, ruột gan tôi đảo lộn hết, và xin lỗi tiểu thư, tôi nôn thốc nôn tháo đến mức phải ngã vật xuống.
- Đi- phênin- clo- ácxin trộn với phốtgen theo tỷ lệ mỗi thứ năm mươi phần trăm đấy mà - một chất rẻ như bèo ấy, chúng ta hiện đang trang bị cho cảnh sát loại lựu đạn này, - Rôlinh nói.
- Đúng thế... ngài Rôlinh nói đúng đấy - đó là loại lựu đạn hơi ngạt... May thay, cơn gió lùa vào đã mau chóng làm hơi ngạt tản đi. Tôi hơi tỉnh lại và dở sống dở chết lê về nhà. Tôi bị ngộ độc, khắp người đau như dần, bọn công an sục sạo khắp thành phố tìm tôi, tôi chỉ còn cách trốn khỏi Lêningrát và tôi đã trốn được tuy phải trải qua biết bao gian nan nguy hiểm.
Tưclinxki vung hai tay lên và cúi đầu xuống mong được khoan dung. Dôia hỏi:
- Anh tin chắc là Garin cũng đã trốn khỏi Nga chứ?
- Nhất định là thế. Sau khi xảy ra câu chuyện tôi vừa kể thì trước sau gì hắn cũng bị Ban điều tra hình sự hỏi tội.
- Nhưng tại sao hắn lại chọn Pari chứ không phải nơi nào khác?
- Hắn cần những khối chóp than. Nếu không thì bộ máy của hắn chẳng khác gì súng không nạp đạn. Garin là nhà vật lý. Hắn mù đặc về hóa học. Theo đơn đặt hàng của hắn, tôi đã nghiên cứu những khối chóp này và sau tôi là kẻ đã phải trả mạng mình cho việc này trên đảo Crextốpxki. Nhưng Garin còn có một đồng bọn nữa ở đây, ở Pari - chính hắn đã đánh điện đến đại lộ Batinhông cho người này. Garin đến đây để theo dõi việc nghiên cứu các khối chóp than.
- Anh đã thu thập được những tin tức gì về tên đồng bọn của Garin? - Rôlinh hỏi.
- Hắn ta sống tại một khách sạn xoàng xĩnh trên đại lộ Batinhông, hôm qua chúng tôi đã đến đấy và được người gác cổng kể cho biết một số chi tiết, - Xêmiônốp trả lời, - Hắn ta chỉ về ngủ đêm thôi. Khi ra khỏi nhà, hắn thường mặc áo khoác bằng vải thô là loại áo mà các thầy thuốc, các thí nghiệm viên và sinh viên hóa thường mặc. Chắc hẳn hắn làm việc ở một nơi nào đó không xa lắm.
- Diện mạo hắn ra sao? Quỷ tha ma bắt anh đi, tôi cần quái gì đến cái áo khoác bằng vải thô của hắn kia chứ! Lão gác cổng có tả cho anh diện mạo của hắn không?
Xêmiônốp và Tưclinxki liếc nhìn nhau. Tưclinxki áp tay lên ngực:
- Nếu ngài muốn thì ngay hôm nay chúng tôi sẽ đem về cho ngài những chi tiết về diện mạo hắn.
Rôlinh im lặng hồi lâu, lông mày nhíu lại:
- Các anh có cơ sở gì để khẳng định rằng người mà hôm qua các anh trông thấy trong tiệm cà phê trên đại lộ Batinhông và người đã mất hút trên quảng trường Ngôi Sao chỉ là một, và người đó chính là Garin? Các anh đã lầm lẫn một lần ở Lêningrát rồi. Thế nào?
Tưcclinxki và Xêmiônốp lại nhìn nhau. Tưclinxki mỉm cười cực kỳ nhã nhặn:
- Chắc ngài Rôlinh không muốn khẳng định rằng ở thành phố nào Garin cũng có những kẻ giống hệt hắn...
Rôlinh bướng bỉnh lắc đầu. Dôia ngồi yên, hai tay quấn kín trong lớp lông chồn và thờ ơ nhìn ra ngoài cửa sổ.
Xêmiônốp nói:
- Tưclinxkin biết Garin quá rõ nên không thể lầm được. Bây giờ, cần làm sáng tỏ một điều khác kia, ngài Rôlinh ạ. Ngài cho phép riêng chúng tôi được giải quyết công việc này - tức là một buổi sáng nào đó sẽ đem các bản vẽ và bộ máy đến đại lộ Mandéc - hay ngài sẽ làm việc cùng chúng tôi?
- Không đời nào! - Dôia đột nhiên lên tiếng, mắt vẫn nhìn ra ngoài cửa sổ. - Ngài Rôlinh rất quan tâm đến thí nghiệm của kỹ sư Garin, ngài Rôlinh rất muốn có quyền sở hữu đối với phát minh này, ngài Rôlinh bao giờ cũng làm việc trong khuôn khổ hoàn toàn hợp pháp. Nếu như ngài Rôlinh tin những lời Tưclinxki vừa kể, dù chỉ một lời thôi, thì tất nhiên ngài sẽ lập tức gọi điện cho giám đốc cảnh sát để trao cho chính quyền tên vô lại và tội phạm như vậy. Nhưng vì ngài Rôlinh biết rõ rằng Tưclinxki bịa đặt ra toàn bộ câu chuyện đó để xoay được càng nhiều tiền càng tốt, nên ngài rộng lượng cho phép giúp đỡ ông ít nhiều trong công việc sau này.
Lần đầu tiên trong suốt bữa ăn, Rôlinh mỉm cười, y rút trong túi áo gilê ra chiếc tăm bằng vàng và ngoáy sâu vào kẽ răng. Trên trán đỏ bừng của Tưclinxki mồ hôi vã ra, hai má sệ xuống. Rôlinh nói:
- Nhiệm vụ của các anh là thế này, cung cấp cho tôi những tin tức chính xác và tỉ mỉ theo những vấn đề mà các anh sẽ được thông báo vào ba giờ hôm nay ở đại lộ Mandéc. Các anh phải tiến hành dò xét cho thật cẩn thận - chỉ có thế thôi! Không có mệnh lệnh của tôi thì không được đi một bước nào, không được nói một lời nào.
Chú thích:
[1] Công binh xưởng Étvút là trung tâm công nghiệp hóa chất quân sự lớn nhất của Mỹ ở gần Étvút (Mỹ), được bọn đế quốc Mỹ xây dựng trong những năm 1917 - 1918. (Chú thích của nguyên bản).