Tia Chiếu Khủng Khiếp Của Kỹ Sư Garin

- 25 -

116

 

 

Người hầu phòng tóc bạc, cao lớn, mặc chế phục nhẹ nhàng bước vào phòng, đặt tách nước sôcôla và đĩa bích quy lên chiếc bàn kê ở đầu giường rồi khẽ khàng vén rèm cửa sổ. Garin mở mắt ra:

- Đưa thuốc lá đây.

Y không thể bỏ được cái thói quen đặc Nga là hút thuốc lúc đói này, mặc dù y biết rằng giới thượng lưu Mỹ đang theo dõi từng bước đi, từng cử động, từng lời nói của y và sẽ thấy việc hút thuốc lúc đói này là dấu hiệu không được đẹp đẽ lắm.

 

Trong những bài tiểu phẩm hàng ngày, toàn bộ báo chí Mỹ đều hoàn toàn biện minh cho quá khứ của Piốt Garin. Nếu trước đây y có uống rượu thì đó là do sự bắt buộc, còn trong thực tế thì y là kẻ thù của rượu; tất cả các báo đều khẳng định rằng công việc yêu thích của y và bà Lamôlơ trong lúc nghỉ ngơi là đọc một số chương ưa thích trong Thánh Kinh; một vài hành động tàn ác của y (biến cố ở Vinlơ Đavrê, vụ phá hủy các nhà máy hóa chất, việc đánh chìm đội tàu chiến Mỹ) được giải thích hoặc là một sự ngẫu nhiên tai hại, hoặc là do sử dụng bất cẩn bộ máy phát tia, nhưng dù sao thì con người vĩ đại ấy vẫn thành thật và ân hận sâu sắc về những hành động đó, vẫn sẵn sàng bước vào giáo đường để rửa sạch những tội lỗi ngẫu nhiên phạm phải (giữa nhà thờ Tin lành và nhà thờ Cơ Đốc đã bùng lên cuộc xung đột nhằm tranh thủ Piốt Garin), và cuối cùng, y được tâng bốc là từ nhỏ đã ham mê ít nhất là mười môn thể thao.

 

Sau khi hút một điếu thuốc to bự. Garin liếc nhìn ly nước sôcôla. Nếu như vào trước kia, khi y bị coi là tên khốn kiếp và ăn cướp, thì y đã đòi nước sôđa và rượu cônhắc rồi, nhưng nhà độc tài của nửa thế giới không thể được phép uống cônhắc từ sáng sớm!

 

Y nhăn mặt tợp một ngụm nước sôcôla. Người hầu phòng vẫn đứng ở cửa với vẻ buồn bã trang trọng, nay khẽ hỏi:

- Ngài có cho phép thư ký riêng vào gặp không ạ?

Garin uể oải ngồi dậy, khoác bộ pigiama lụa. - Được.

Viên thư ký riêng bước vào, cúi chào nhà độc tài ba lần - ở cửa, ở giữa đường và khi đến cạnh giường. Y chúc nhà độc tài một buổi sáng tốt lành rồi hơi liếc nhìn chiếc ghế.

- Ông ngồi xuống đi, - Garin ngáp mạnh đến nỗi răng kêu lách cách rồi nói.

Viên thư ký riêng ngồi xuống. Y được coi là con người thanh nhã nhất Tân Thế Giới và theo Garin thì y được bọn trùm tài chính cử đến để dò xét.

- Có gì mới không? - Garin hỏi. - Giá vàng thế nào?

- Đang lên ạ.

- Lên chậm lắm phải không?

Viên thư ký rầu rĩ dướn mày:

- Vâng, chậm lắm.

- Bọn khốn nạn!

Garin xỏ chân vào đôi ủng bằng gấm và đi đi lại lại trên lớp thảm trắng.

- Bọn khốn kiếp, bọn ngu xuẩn! - y nhắc lại, - Việc giá vàng lên chậm chứng tỏ mọi người chưa tin vào tôi. Chưa tin vào tôi! Ông hiểu chứ? Tôi sẽ ban sắc lệnh cấm bán tự do các thỏi vàng, kẻ nào vi phạm sẽ bị tử hình. Ông ghi đi: "Từ hôm nay thượng viện quyết định..."

 

Sau khi xong việc đó, y hút điếu thuốc thứ hai và vứt đầu mẩu thuốc lá vào tách sôcôla uống dở. Rồi y hỏi:

- Còn gì mới nữa không? Không phát hiện được vụ mưu sát nào nhằm vào tôi hay sao?

- Tối qua và lúc bảy giờ sáng hôm nay cảnh sát đã khám phá ra hai vụ mưu sát ngài.

- Tốt lắm. Cho công bố ngay trên báo. Chúng là ai vậy? Tôi hy vọng là chính dân chúng đã thanh toán những tên khốn kiếp ấy rồi chứ?

- Tối qua, trong công viên trước cửa lâu đài, đã phát hiện thấy một gã thanh niên có vẻ như công nhân và trong túi tìm thấy hai cái êcu sắt, mỗi cái nặng năm trăm gam. Thật đáng tiếc lúc đó đã muộn, công viên rất vắng vẻ, và chỉ một vài người qua lại được biết là có kẻ định mưu sát nhà độc tài mà họ tôn thờ nên họ đã nện cho tên khốn kiếp một trận. Hắn đã bị bắt.

- Những người qua lại đó là dân chúng hay nhân viên mật vụ?

Mí mắt viên thư ký động đậy, y hơi nhếch miệng cười - nụ cười độc nhất vô nhị trong khắp Bắc Mỹ:

- Thưa ngài, dĩ nhiên đấy là dân chúng rồi, đấy là những thương gia trung thực, hết lòng với ngài.

- Tìm biết ngay họ tên những thương gia ấy, - Garin ra lệnh, - và công bố trên báo lời biết ơn nồng nhiệt của tôi. Kẻ mưu sát phải bị xét xử thật nghiêm khắc theo pháp luật. Sau khi kết án, tôi sẽ khoan hồng cho hắn.

- Vụ mưu sát thứ hai cũng xảy ra trong công viên, - viên thư ký nói tiếp, - cảnh sát phát hiện thấy một phụ nữ nhìn qua cửa sổ vào phòng ngủ của ngài. Trong người mụ ta tìm thấy một khẩu súng lục nhỏ.

- Còn trẻ chứ?

- Mụ ta năm mươi ba tuổi.

- Thế dân chúng phản ứng ra sao?

- Dân chúng chỉ giật mũ mụ ta, bẻ gẫy ô và giẫm nát túi xách. Sở dĩ họ phản ứng tương đối yếu ớt như vậy là vì lúc đó trời quá sớm, mụ ta trông thật thảm hại và ngã ngất ngay lập tức khi nhìn thấy đám đông dân chúng bừng bừng nổi giận.

- Cấp hộ chiếu cho con quạ già ấy và tống cổ ra khỏi nước Mỹ. Chuyện này không nên đăng trên báo. Còn gì nữa?

 

Lúc chín giờ kém năm, Garin tắm hương sen rồi phó thác cho một người thợ cạo lừng danh và bốn nữ phụ tá của ông ta - hai cô gái tóc vàng và hai cô gái lai - sửa sang đầu tóc, râu ria, móng chân, móng tay cho y. Y phải kiên nhẫn lắm mới chịu nổi đến cuối thủ tục này, một thủ tục mà sáng nào y cũng phải theo và được báo chí nói đến như là "một khắc sau khi tắm" của y. Chẳng làm thế nào được.

 

Sau đó, y sang phòng thay quần áo. Tại đây, hai gia nhân và viên hầu phòng giàu kinh nghiệm đã chờ sẵn y cùng bít tất, sơ mi, giày và nhiều thứ khác. Hôm nay, y chọn bộ comlê nâu có chấm sáng. Báo chí viết rằng một trong những tài năng kỳ diệu nhất của nhà độc tài là nghệ thuật chọn cà vạt. Garin vừa rủa thầm vừa chọn chiếc cà vạt sặc sỡ như lông công.

 

Khi sang phòng ăn - một căn phòng bài trí theo phong cách trung thế kỷ, - Garin thầm nghĩ:

"Không thể chịu nổi lâu thế này được. Thật quỷ quái, chúng không còn cho ta được tự do gì nữa."

 

Trong lúc ăn sáng (lại vẫn không có một giọt rượu nào), nhà độc tài phải xem các thư từ gửi đến. Khoảng ba trăm lá thư đã chờ sẵn Garin. Vừa nhai những món ăn dành cho các vận động viên và những kẻ đức hạnh, y lấy hú họa những tấm phong bì kêu sột soạt. Y dùng nĩa bẩn mở phong bì ra và thoáng đưa mắt đọc qua:

"Trái tim em đập mạnh, bàn tay em run rẩy khi viết những dòng chữ này... Ngài sẽ nghĩ gì về em? Trời ơi! Em yêu ngài. Em yêu ngài ngay từ giây phút được nhìn thấy chân dung ngài trên báo. Em trẻ trung. Gia đình em là gia đình danh giá".

 

Các bức thư thường kèm thêm ảnh. Những tấm ảnh (trong một tháng số lượng ảnh đã lên tới vài nghìn chiếc) các cô gái miệng to, tóc dày, cặp mắt thơ ngây và cái mũi ngốc nghếch ấy khiến Garin cảm thấy chán ngán đến phát khiếp.

 

Y đã đi qua một con đường nhanh đến chóng mặt từ đảo Crextôpxki tới Oasinhtơn, từ căn phòng lạnh lẽo trong căn nhà hẻo lánh ở khu vực Pêtơrôgrátxcaia đến chiếc ghế chủ tọa mạ vàng ở thượng viện Hoa Kỳ, nơi mà hai mươi phút nữa y sẽ phải đến. Y đã làm cả thế giới phải kinh hoàng, đã chiếm hữu một kho vàng vô tận trong lòng đất, đã giành được quyền lực tầm cỡ thế giới, - y đã làm mọi việc ấy để rồi sa vào bẫy của một cuộc sống tầm thường tẻ nhạt nhất.

- Thật tởm!

 

Y vứt khăn ăn đi, gõ tay liên tục vào bàn. Không thể nghĩ ra được gì hết. Chẳng có gì để vươn đến nữa. Y đã leo tới đỉnh cao nhất. Đã trở thành nhà độc tài. Chẳng lẽ lại đòi tước hiệu hoàng đế ư? Y sẽ càng khốn khổ thêm. Cuốn gói ư? Nhưng đi đâu? Và để làm gì? Đến với Dôia ư? Chà, Dôia! Giữa ả và y đã đứt đoạn một cái gì đó chủ yếu nhất, xuất hiện vào một đêm ẩm ướt, ấm áp, tại một nhà trọ ở Vinlơ Đavrê. Khi ấy, giữa tiếng lá xào xạc ngoài cửa sổ, đã nảy sinh ý tưởng ngông cuồng và toàn bộ chuyến phiêu lưu của Garin. Khi ấy, y tràn ngập niềm hân hoan tiến công. Khi ấy, thật dễ dàng nói rằng: "Anh sẽ ném thế giới xuống chân em". Và nay, y đã chiến thắng. Thế giới đã nằm dưới chân y. Vậy mà y, vị chúa tể của thế giới, lại phải ăn món cháo nhạt thếch, phải vừa ngáp dài vừa nhìn những khuôn mặt ngốc nghếch trên các tấm ảnh.

 

Y quay lại hai người hầu đang kính cẩn đứng cạnh cửa. Cả hai lập tức bước tới, một người cúi chào với vẻ dò hỏi, người kia lên tiếng.

- Xe của ngài đã sẵn sàng.

 

°

 

Nhà độc tài bước ngạo nghễ vào thượng viện. Y ngồi xuống chiếc ghế bành mạ vàng, nói sang sảng mấy câu qui định sẵn để khai mạc phiên họp. Lông mày y dướn lên, khuôn mặt lộ vẻ cương nghị. Hàng chục bộ máy chụp ảnh và quay phim chĩa vào y giây phút này.

 

Hôm nay, thượng viện vinh dự được trao cho nhà độc tài tước hiệu: huân tước xứ Uên (Anh), tử tước xứ Napplơ (Ý), bá tước xứ Saclơroa (Bỉ), nam tước xứ Muynhaoden (Đức) và đồng hoàng đế Đại Nga. Còn Hợp chủng quốc Hoa Kỳ - thật đáng tiếc, đấy là nước dân chủ nên không có tước hiệu - thì trao cho nhà độc tài danh hiệu "Bidơman ôphogốt" có nghĩa là "Người được thượng đế ân sủng."

 

Garin cảm ơn. Y sẽ rất sung sướng nếu được nhổ toẹt vào những gã đầu hói béo phị đang ngồi trước mặt y. Nhưng y hiểu rằng y sẽ không nhổ toẹt mà sẽ đứng dậy cảm ơn.

 

Từ thượng viện, y đi thẳng đến chỗ dự tiệc.

 

Ngoài phố, xe của nhà độc tài được dân chúng reo hò chào đón. Nhưng nếu nhìn kỹ thì đấy chỉ là những đám cảnh sát và viên chức cải trang. Chà, nếu Garin không sinh ra ở nước Nga, nếu y không trải qua cách mạng thì chắc hẳn chuyến diễu phố giữa những tiếng tung hô nay sẽ làm y hết sức thích thú. Nhưng y đã từng trải rồi. Y giận dữ: "Trò rẻ tiền, rẻ tiền, câm họng đi, chẳng có gì đáng sung sướng hết!". Y xuống xe cạnh cổng tòa thị chính và hàng chục bàn tay phụ nữ (con gái các ông vua dầu mỏ, đường sắt, đồ hộp,... ) tung hoa lên người y.

 

Lúc bước lên thang, y gửi những chiếc hôn gió hết sang phải lại sang trái. Trong phòng, âm nhạc nổi lên chào mừng con người được thượng đế ân sủng. Y ngồi xuống, tất cả ngồi xuống theo. Bàn ăn trải khăn trắng tinh, kê thành hình chữ "п"[1] sặc sỡ hoa và lấp lánh pha lê. Cạnh mỗi bộ đồ ăn là mười một con dao bằng bạc và mười một chiếc dĩa to, nhỏ khác nhau (không kể thìa, và các thứ khác). Phải cẩn thận để không lầm lẫn khi dùng các loại dao và dĩa.

 

Garin giận dữ nghiến răng kèn kẹt: quí tộc gì cái bọn này! Trong số hai trăm người ngồi quanh bàn ăn thì ba phần tư chuyên buôn bán cá mòi ngoài phố! Nhưng mọi cặp mắt đều hướng vào nhà độc tài và y buộc mình phải cư xử thật mẫu mực.

Sau bữa tiệc, y đi ngay về nhà.

Tại tiền sảnh lâu đài, y quẳng can và mũ xuống sàn khiến đám người hầu kinh hoàng nhảy bổ đến nhặt lên, rồi y đút sâu hai tay vào túi quần, giận dữ vểnh râu, bước theo lớp thảm lộng lẫy. Viên thư ký riêng đã chờ sẵn trong phòng làm việc của y.

- Vào bảy giờ tối, tại câu lạc bộ "Paxiphích" sẽ tổ chức buổi chiêu đãi có hòa nhạc giao hưởng để chào mừng ngài.

- Được, - Garin đáp. - Còn gì nữa không?

- Còn vào mười một giờ hôm nay sẽ có vũ hội tại căn phòng trắng của khách sạn "Inđiana" để chào mừng.

- Gọi điện đến cả hai nơi đó bảo là ta bị ốm vì ăn quá nhiều cua tại tòa thị chính.

- Nhưng tôi e rằng việc giả ốm sẽ còn gây nhiều phiền nhiễu hơn nữa: cả thành phố sẽ lập tức đến vấn an ngài. Ngoài ra, lại còn các tay săn tin cho báo chí. Họ sẽ tìm mọi cách vào đây bằng được, dù có phải chui qua đường ống bằng đá chăng nữa.

- Ông nói có lý. Ta sẽ đi vậy, - Garin bấm chuông. - Chuẩn bị buồng tắm, quần áo buổi tối, mũ miện và huân chương cho ta.

Garin ngồi vào bàn (bên trái là máy thu tiếng, bên phải là điện thoại, trước mặt là micro). Y lấy một mảnh giấy trắng, chấm bút vào mực và đột nhiên trầm ngâm suy nghĩ.

"Dôia, - y bắt đầu viết bằng tiếng Nga, nét chữ to và rắn rỏi, - chỉ có em là người duy nhất hiểu được ta đang đóng vai một thằng ngốc như thế nào."

Lúc tám giờ kém mười lăm, Garin vội vã bước lại gần bàn. Y mặc lễ phục, đeo huân chương, đeo sao và một dải băng ngoài áo gilê.

Những tín hiệu dồn dập của chiếc máy thu bao giờ cũng bắt sẵn làn sóng điện của đảo Vàng. Y đeo ống nghe. Giọng Dôia rõ ràng nhưng mất hết sức sống, như từ một hành tinh khác vọng đến, nhắc đi nhắc lại bằng tiếng Nga:

- Garin, chúng ta nguy mất... Garin, chúng ta nguy mất... Khởi nghĩa ở đảo Vàng. Bộ máy phát tia chính đã bị chiếm... Gianxen đang ở chỗ em. Nếu may mắn thì em và Gianxen sẽ chạy trốn trên chiếc "Aridôna".

Giọng nói đứt quãng. Garin đứng bên bàn, để nguyên ống nghe. Viên thư ký riêng cầm sẵn mũ và can của Garin, đứng chờ cạnh cửa. Và chiếc máy thu lại đã bắt đầu phát tín hiệu. Nhưng một giọng khác, một giọng đàn ông, mạnh mẽ, cất tiếng nói bằng tiếng Anh:

"Hỡi nhân dân lao động toàn thế giới! Các bạn đều đã biết quy mô và hậu quả của cơn kinh hoàng đang bao trùm nước Mỹ..."

Sau khi nghe hết lời kêu gọi của Senga, Garin gỡ ống nghe. Y thong thả, nhếch mép cười, châm thuốc hút. Rồi y rút trong ngăn kéo ra một tập giấy bạc một trăm đô la cùng một bộ máy mạ kền hình khẩu súng lục nòng to: đây là bộ máy phát tia bỏ túi, phát minh mới nhất của y. Y cau mày ra hiệu gọi viên thư ký riêng lại gần.

- Ra lệnh chuẩn bị ngay một chiếc xe đường trường.

Lần đầu tiên trong suốt thời gian ấy, viên thư ký trố mắt, đôi mắt màu nâu, nhìn chòng chọc vào Garin:

- Nhưng thưa ngài...

- Im! Truyền đạt ngay lập tức cho tư lệnh thành phố, thống đốc thành phố và giới chức chính quyền là từ bảy giờ sẽ ban hành lệnh giới nghiêm. Phương sách duy nhất để dập tắt rối loạn trong thành phố là thẳng tay bắn hàng loạt.

Viên thư ký biến mất sau cửa.

Garin bước lại gần chiếc gương ba mặt. Y đeo huân chương và đeo sao, tái nhợt như hình nhân bằng sáp. Y soi mình hồi lâu trong gương, đột nhiên một mắt y cứ tự nháy nháy đầy giễu cợt. "Chuồn thôi, Garin, chuồn cho thật mau thôi", - y thầm thì tự nhủ.

 

 

117

 

Những biến cố trên đảo Vàng bắt đầu từ tối hai mươi ba tháng sáu. Biển động suốt ngày. Những đám mây dông bão kéo đến từ mạn Tây Nam. Bầu trời như nứt nẻ vì những làn chớp lửa ngoằn ngoèo. Tại cảng, đối diện với lâu đài, chiếc "Aridôna" đơn độc ngả nghiêng trên các đợt sóng.

Số dân trên đảo giảm đi rõ rệt trong thời gian gần đây. Công việc ở giếng mỏ tạm thời đình lại. Trong số sáu nghìn công nhân, chỉ còn lại ngót năm trăm.

Bọn cảnh sát chẳng có việc gì làm trên mảnh đất nhỏ bé này. Chúng bắt đầu đâm rượu chè và buồn nhớ những thành phố lớn, những tiệm ăn xa hoa. Chúng xin nghỉ phép, đe dọa sẽ nổi loạn. Nhưng Garin nghiêm khắc ra lệnh: không có nghỉ phép, không có chuyện thôi việc gì hết. Các doanh trại cảnh sát là mục tiêu thường xuyên nhằm vào của bộ máy phát tia chính.

Trong các doanh trại diễn ra cảnh chơi bời dữ dội. Người ta sát phạt nhau không phải để lấy vàng (vàng chất đống gần đấy đã khiến ai nấy phát ngán đến tận cổ) mà là để lấy vũ khí, những tẩu thuốc đã lâu đời hoặc chai rượu cônhắc lâu năm. Đến tối thì cả doanh trại thường say bí tỉ. Viên tướng Xúpbôtin phải vất vả lắm mới duy trì được một thứ kỷ luật hết sức lỏng lẻo.

Không một biện pháp nào còn tác dụng. Nhưng chưa bao giờ tình trạng say sưa rượu chè lại ghê gớm như vào ngày dông bão hai mươi ba tháng sáu. Tướng Xúpbôtin quát tháo khản cả giọng, nhưng rồi cũng thây kệ tất và chính y cũng say bí tỉ nốt.

Trinh sát của ủy ban Cách mạng (chú bé Ivan) thông báo về tình hình tồi tệ của kẻ địch trong các doanh trại. Vào lúc bảy giờ tối, Senga cùng năm người thợ mỏ lực lưỡng đến trạm gác và gây chuyện cãi lộn với hai tên lính gác đang ngà ngà say đứng cạnh giá súng. Hai tên này mất cảnh giác, lại bị tiến công bất ngờ nên lập tức bị tước vũ khí và bị trói gô lại. Senga chiếm được một trăm khẩu súng. Số súng ấy lập tức được phân phát cho anh em công nhân đang nấp sau các bụi cây và bò tới gần từ cột đèn này đến cột đèn khác.

Một trăm nghĩa quân xông vào các trại lính. Bắt đầu cảnh rối loạn cực kỳ hỗn độn, bọn cảnh sát kháng cự bằng chai, bằng ghế đẩu rồi tạm thời lùi bước, tổ chức lại đội ngũ và bắn trả. Trên các cầu thang, trong các hành lang và trong các buồng ngủ đều diễn ra những trận đánh nhau. Hai bên đánh giáp lá cà. Từ các ô cửa sổ vỡ nát vọng ra những tiếng gào thét man rợ. Bên tiến công tuy ít người (một người phải chọi với năm), nhưng họ đã đánh bọn cảnh sát nhu nhược bằng các dây xích, bằng các nắm đấm nổi đầy chai. Lực lượng tiếp viện chạy đến. Bọn cảnh sát bắt đầu nhảy qua cửa sổ ra ngoài. Một vài chỗ bùng lên các đám cháy, doanh trại ngập trong khói lửa.

 

 

118

 

Gianxen chạy qua những căn phòng trống trải, tối tăm của lâu đài. Thỉnh thoảng y hối hả gọi Dôia rồi lắng nghe trong tâm trạng lo lắng đầy kinh hoàng.

Y chạy xuống dưới, nơi vọng lên tiếng súng và tiếng la hét. Y ngó đầu nhìn vào bên trong khu vườn. Vắng vẻ, không một bóng người. Ở phía đối diện, dưới chiếc cổng vòm quấn dây leo, có nhiều người đang phá cổng. Bà Lamôlơ chạy trốn rồi ư? Hay bị giết chết rồi?

Y mở hú họa một cánh cửa nào đấy rồi bước vào. Đấy là phòng làm việc của Garin. Trên thảm lăn lóc một chiếc khăn tay vo tròn lại. Gianxen nhặt lên, cảm thấy thơm mùi nước hoa của bà Lamôlơ. Y chợt nhó rằng từ phòng làm việc này có một đường ngầm dẫn đến thang máy của bộ máy phát tia chính nên chắc hẳn quanh đây phải có một cửa bí mật. Dĩ nhiên là khi những phát súng đầu tiên vừa vang lên thì bà Lamôlơ phải lao lên tháp rồi, - làm sao lại không đoán ra ngay như thế nhỉ?

Y nhìn quanh, tìm cánh cửa bí mật. Nhưng bỗng vang lên tiếng kính vỡ, tiếng chân người và bên kia tường có tiếng lao xao gọi nhau. Những kẻ nổi loạn đã xộc vào lâu đài. Vậy thì bà Lamôlơ đã chậm chân hay sao? Y nhẩy tới cửa và khóa lại, rút súng lục ra. Hình như cả lâu đài đều ngập chìm trong tiếng chân người và những tiếng la hét.

- Gianxen!

Đứng trước mặt y là Dôia. Đôi môi nhợt nhạt của ả mấp máy, nhưng y không nghe thấy gì hết. Y thở hổn hển nhìn ả.

- Chúng ta chết mất, Gianxen, chúng ta chết mất! - ả nhắc lại.

Ả mặc chiếc áo dài đen. Đôi tay hẹp nắm chắc lại của ả áp vào ngực. Mắt nhớn nhác, ả nói:

- Thang máy của bộ máy phát tia chính không hoạt động, buồng thang máy ở trên đỉnh. Trên tháp có một người nào đó. Chúng đã từ bên ngoài leo lên theo các thanh xà. Tôi tin rằng đấy là thằng bé Ivan...

Ả bẻ ngón tay răng rắc, nhìn ra cửa. Lông mày ả nhíu lại. Ngoài cửa, hàng chục bước chân chạy rầm rập. Rồi vang lên tiếng la hét, tiếng súng nổ gấp. Dôia lanh lẹn ngồi vào bàn, mở cầu dao phát tín hiệu.

- Garin, chúng ta nguy mất. Garin, chúng ta nguy mất, - ả khom người nói vào micro.

Một phút sau, cửa ra vào rung chuyển dưới những tiếng đấm tay và đạp chân.

- Mở cửa ra! Mở ngay ra! - nhiều giọng nói quát to.

Dôia nắm lấy tay Gianxen kéo đến tường và ấn chân vào một vòng hoa văn trang trí ngay sát sàn nhà. Một tấm panen lặng lẽ mở ra. Dôia và Gianxen bước qua lỗ cửa bí mật đó xuống đường ngầm. Tấm panen lại trở về vị trí cũ.

 

°

 

Ngoài bến, chiếc canô được neo lại bằng xích. Gianxen đút nòng súng lục vào vòng, cố bẻ gẫy khóa. Phía trên, trên hàng hiên, cửa mở toang và một toán người vũ trang xuất hiện. Gianxen vứt súng lục đi, nắm lấy đoạn gốc xích. Bắp thịt y nổi cuồn cuộn, cổ phồng lên, móc cài trên cổ áo đứt phựt. Đột nhiên, động cơ đã mở được kêu ròn rã. Đám người trên hàng hiên chạy theo bậc thang xuống dưới và vừa vung vũ khí vừa hét to: "Dừng lại! Dừng lại!".

Bằng một nỗ lực cuối cùng, Gianxen giật tung sợi xích, đẩy chiếc ca nô ra xa và bò theo thành ca nô đến chỗ lái.

Sau khi ngoặc một vòng gấp, chiếc ca nô lao vụt đi. Nhiều phát súng bắn đuổi theo.

- Thang đâu? Đồ quỷ sứ! - Gianxen quát to trên chiếc ca nô đang bập bềnh bên dưới thành du thuyền "Aridôna". - Thuyền phó đâu? Ngủ chắc? Ta sẽ treo cổ!

- Tôi đây, thưa thuyền trưởng!

- Chặt đứt dây cáp! Mở máy động cơ! Tắt đèn đi!

- Xin tuân lệnh!

Dôia là người đầu tiên bước lên chiếc "Aridôna". Khom người qua thành tàu, ả thấy Gianxen cố đứng dậy rồi lại ngã xuống, mặt nhăn lại vì đau đớn.

- Gianxen, ông làm sao thế?

- Tôi bị thương.

Bốn thủy thủ nhày xuống canô, dìu Gianxen lên. Y ngã ngất đi và được đưa vào buồng.

Chiếc "Aridôna" rẽ sóng, phóng hết tốc lực rời khỏi đảo vàng. Viên thuyền phó đảm nhận nhiệm vụ chỉ huy. Dôia đứng trên cầu chỉ huy, cạnh viên thuyền phó, tay bíu chặt vào lan can. Nước chảy từ mặt ả xuống, chiếc áo bó chặt lấy người ả. Ả nhìn ánh hồng mỗi lúc một rực rỡ (các doanh trại bốc cháy) và những làn khói đen cuồn cuộn bốc lên che kín hòn đảo. Nhưng rồi, hình như ả nhận thấy một chuyện gì đó, ả nắm lấy tay áo viên thuyền phó.

- Quay về mạn Tây - Nam.

- Có đá ngầm, thưa bà.

- Im đi, không phải việc của ông!... Luôn luôn cho thuyền chạy ở mạn trái đảo.

Ả chạy lên chiếc tháp nhỏ có đặt bộ máy phát tia.

Trên đảo, mãi tít bên trên đám khói lửa, lấp lánh một ngôi sao chói lọi - đấy là bộ máy phát tia chính đang săn lùng chiếc "Aridôna".

Dôia quyết định chiến đấu, dù sao cũng không tài nào thoát khỏi tia sáng có khả năng khống chế nhiều hải lý đang phát ra từ ngọn tháp kia. Tia sáng lúc đầu lồng lộn trên các ngôi sao rồi chúc xuống đường chân trời, chỉ trong vài giây đã vẽ nên một vòng tròn chu vi bốn cây số. Nhưng giờ đây, nó kiên nhẫn sục sạo khu vực phía Tây đại dương, lướt trên các ngọn sóng, để lại dấu vết là những cột hơi nước nghi ngút.

 

Chiếc "Aridôna" chạy hết tốc lực dọc theo đảo Vàng. Nhưng một lần, khi nó cưỡi lên một ngọn sóng thì trên đảo đã nhận thấy nó. Tia sáng trắng chói lóa nhảy nhót quanh nó, lượn ngoằn ngoèo từ trên xuống dưới, xích lại gần, lúc thì đằng sau, lúc thì đằng trước.

 

Dôia cảm thấy ngôi sao chói lọi kia như chiếu thẳng vào mặt ả, và à cố hướng nòng bộ máy phát tia vào ngôi sao trên ngọn tháp đằng xa. Động cơ chiếc "Aridôna" gầm rít dữ dội, đuôi thuyền lộ ra, mũi chiếc thuyền bắt đầu chúc xuống, trườn theo lưng sóng. Đúng lúc đó, tia sáng kia bắt được mục tiêu, nó run rẩy như ướm thử rồi không do dự, chiếu thẳng vào thân chiếc du thuyền. Dôia nhắm mắt lại. Chắc hẳn, tất cả những ai có mặt trên boong và chứng kiến cuộc chiến đấu sống mái này, đều thấy tim mình như ngừng đập.

 

Khi Dôia mở mắt ra, trước mặt ả là một bức tường nước, là vực thẳm mà chiếc "Aridôna" trượt xuống. "Vẫn chưa chết", - ả thầm nghĩ. Ả rời tay khỏi bộ máy phát tia và kiệt sức buông thõng tay xuống.

 

Khi chiếc "Aridôna" lại cưỡi lên một đợt sóng, ả mới hiểu là tại sao ả thoát chết. Những đám khói lớn, dày đặc, bao phủ cả hòn đảo và ngọn tháp - chắc là các bể chứa dầu bị nổ tung. Sau màn khói như vậy, chiếc "Aridôna" có thể bình tĩnh trốn thoát.

 

Chiếc du thuyền tiến về hướng Tây - Bắc. Gió đã yếu đi, nhưng biển vẫn chưa yên hẳn. Mỗi ngày, chiếc "Aridôna" phát đi nhiều lần những tín hiệu qui ước để tìm cách bắt liên lạc với Garin, và hàng chục vạn đài phát thanh trên khắp thế giới nghe thấy giọng nói của Dôia: "Phải làm gì, phải đi đâu bây giờ? Du thuyền đang ở tọa độ như thế này... Chờ mệnh lệnh".

 

Những con tàu xuyên đại dương khi bắt được tín hiệu ấy liền vội vã tránh xa địa điểm khủng khiếp, nơi lại xuất hiện chiếc "Aridôna" - "mối đe dọa của biển cả".

 

 

119

 

Những đám khói dầu hỏa cháy ngùn ngụt bốc lên, phủ kín đảo Vàng. Sau cơn dông bão là những giờ phút tĩnh mịch, và làn khói đen tỏa lên bầu trời trong trẻo, hắt xuống mặt biển một bóng đen khổng lồ rộng vài cây số.

Hòn đảo dường như hoang tàn, chỉ ở phía mỏ là những gầu xúc của các máy nâng vẫn không ngừng kêu ken két như thường lệ.

Sau đó, giữa không khí yên tĩnh bỗng vang lên tiếng nhạc: một điệu hành khúc chậm, trang trọng. Qua màn khói, có thể nhìn thấy khoảng hai trăm người: họ ngẩng đầu bước, nét mặt nghiêm nghị và quả quyết. Phía trước, bốn người khiêng một vật gì đó phủ lá cờ đỏ. Họ trèo lên núi đá, nơi sừng sững ngọn tháp có đặt bộ máy phát tia chính, và khi đến chân núi thì từ phía trên hạ xuống một bọc dài.

Đây là thi hài chú Ivan. Em hy sinh hôm qua, trong lúc chiến đấu với chiếc "Aridôna". Sau khi khéo léo trèo lên đỉnh tháp, em mở bộ máy phóng tia chính và sục sạo tìm chiếc "Aridôna" giữa những đợt sóng lớn.

Sau một hồi tìm kiếm, em bắt được mục tiêu. Em chiếu tia sáng hết đằng trước lại đằng sau chiếc "Aridôna" để điều chỉnh cho chính xác. Đột nhiên, tia sáng từ chiếc "Aridôna" biến thành ngôi sao chói lóa và lấp lánh, đâm vào mắt em. Bị tia sáng xuyên qua người, em ngã vào bộ máy phát tia chính...

- Ivan yêu quí, em đã hy sinh anh dũng, và em hãy yên giấc nhé, - Senga nói. Anh quỳ xuống trước thi hài chú bé, lật mép lá cờ ra và hôn vào trán em.

Kèn đồng nổi lên và hai trăm người cất tiếng hát bài "Quốc tế ca".

Ít lâu sau, một chiếc máy bay bay vụt ra khỏi các cột khói. Nó tăng tốc rồi quay về phía Tây...

 

120

 

- Thưa ngài, tất cả mệnh lệnh của ngài đã được thực hiện...

Garin khóa trái cửa ra vào, bước lại gần tủ sách và đưa tay sang bên phải tủ.

Viên thư ký nhếch mép cười.

- Nút ấn cửa bí mật ở bên trái kia, thưa ngài...

Garin thoáng nhìn viên thư ký với vẻ lạ lùng và ấn nút. Chiếc tủ sách lặng lẽ dịch sang bên, để lộ một lối đi hẹp dẫn đến khu phòng bí mật của lâu đài.

- Xin mời ông, - Garin vừa nói vừa ra hiệu cho viên thư ký đi trước. Mặt viên thư ký tái nhợt đi. Với vẻ lịch thiệp lạnh như băng, Garin giơ khẩu súng lục lên, chĩa vào trán viên thư ký. - Thưa ông thư ký, phục tùng là khôn ngoan hơn...

 


[1] Chữ “P” Nga, tức là chữ đầu tên của Piốt Garin - N.D.