Thuật Xử Thế Của Người Xưa

Biết... Sống

KHÔN, chết

DẠI, chết

BIẾT... sống

(Trang Tử)

NGƯỜI CHÚNG TA thường nói: Khôn sống, mống chết. Mới nghe, không thể nghi ngờ gì nữa được. Nhưng, nếu nghĩ cho sâu, xét cho rộng ta sẽ thấy, chưa ắt: khôn là sống mà dại là chết...

Khôn, mà khôn như Hàn Tín, Dương Tu... thì làm sao mà sống được. Còn dại, mà dại như Phạm Lãi, Tử Phòng... thì làm sao mà chết được... Cho nên bàn đến Khôn, Dại... chưa biết lấy gì làm chuẩn đích.

*

Trang Tử cùng đệ tử đi chơi trên núi.

Thấy một cây to, cành lá rườm rà. Một tên thợ rừng đứng bên nó mà không đốn. Hỏi tại sao, nó nói: "Không dùng đặng nó chỗ nào hết." Trang Tử nói: "Cây nầy vì bất tài mà đặng sống lâu".

Ra khỏi núi, Trang Tử ghé vào nhà người quen. Chủ nhà mừng rỡ hối trẻ làm thịt chim mòng để nấu ăn. Thằng nhỏ thưa: "Có một con biết gáy, một con không biết gáy, giết con nào?" Chủ nhà nói: "Giết con không biết gáy".

Bữa sau, đệ tử hỏi Trang Tử: "Hôm qua cái cây trong núi vì bất tài mà sống, còn chim mòng, vì bất tài mà chết. Giá như Thầy phải xử trí như thế nào?"

Trang Tử cười nói: "Tài và bất tài, cũng như nhau, đều là quấy cả, nên không thể tránh khỏi lụy thân... Chỉ có kẻ nào biết... là sống mà thôi..."[xxxvii]

KHÔN, chết...

DẠI, chết...

BIẾT, sống...

*

Biết lúc khôn, biết lúc dại... nghĩa là biết thời biết thế. Chung quy chẳng qua biết rõ một chữ "thời"...

Lão Tử nói: "Thông minh duệ trí, thủ chi dĩ ngu; dũng lực chấn thế, thủ chi dĩ khiếp..." Mình là bực thông minh, trí thức sâu sắc nhất, hãy biết làm như kẻ ngu khờ... Mình là bực dũng lực kinh người, hãy biết làm như kẻ nhút nhát...

Nào đâu có bảo mình phải là đứa ngu! Sự thật là mình phải thật thông minh... vì chỉ có kẻ thật thông minh mới biết lúc nào nên làm như kẻ ngu được mà thôi.

Lữ Khôn nói: "... Thông minh, người ta ghét; thông minh mà biết làm như ngu, mới thật là khôn kín."

*

Nhưng, biết được chữ Thời, đâu phải dễ gì. Thái quá là dở, mà bất cập cũng không hay. "Người trí đi quá mực Trung; kẻ ngu theo không kịp mực Trung..." (Trí giả quá chi, ngu giả bất cập chi).

Phần đông, chỉ "biết tiến, mà không biết thối; chỉ biết giữ cho còn, mà không biết làm cho mất; chỉ biết lấy cho được mà không biết bỏ đi..." nên, hễ hành động thì chắc chắn không khỏi có điều hối hận.[xxxviii]

Trong sách Liệt Tử có câu chuyện nầy, cũng tạm có thể miêu tả thái độ "vô khả, vô bất khả" của một người đã học đặng chữ Biết ấy...

Tử Hạ hỏi Khổng Tử: "Nhan Hồi là người thế nào?".

Khổng Tử nói: "Cái nhân của Hồi hơn ta".

Tử Hạ lại hỏi:

- Tử Cống là người thế nào?

- Cái mau mắn của Tứ hơn ta.

- Tử Lộ là người thế nào?

- Cái dũng của Do hơn ta.

- Tử Trương là người thế nào?

- Cái vẻ trang-nghiêm của Sư, hơn ta.

Tử Hạ lấy làm lạ, đứng dậy thưa: "Vậy thì tại sao bốn người ấy lại còn theo Thầy mà học?"

Khổng Tử nói: "Ở đây ta bảo cho: Hồi chỉ biết nhân mà không biết lúc bất nhân; - Tứ chỉ biết mau mắn mà không biết lúc chậm chạp; - Do chỉ biết hùng dũng mà không biết lúc nên nhút nhát; - Sư chỉ biết trang nghiêm mà không biết lúc ung dung để hòa đồng với mọi người. Nay gồm tất cả những cái hay của bốn người ấy có mà đổi với cái ta có, ta không đổi. Bởi vậy, họ phải thờ ta làm Thầy mà không có hai lòng."[xxxix]

Biết đây, là biết tùy lúc mà biến thông cho hạp thời trúng tiết... Nếu chỉ biết khư khư một mực... dầu hay đến đâu cũng hỏng việc. Mạnh Tử bảo: "Sở ố chấp nhất giả, vị kỳ tặc đạo. Cử nhất, nhì phế bách". Cái đáng ghét trong sự chấp nhất là vì nó làm hại đạo: làm được một việc mà hư cả trăm việc.

Trọng hệ nhất trong đạo xử thế, là biết biến, vì "có biến mới có thông, có thông mới lâu bền được".[xl]

"Cái nghĩa của chữ tùy thời, lớn vậy thay!"[xli]. Cho nên: "Kẻ biết cái đạo tiến, thoái, tồn, vong mà không bao giờ sai cái chỗ chính trung của nó, có lẽ chỉ có bực thánh nhân mà thôi ư?"[xlii]

Ôi! Chỉ có bực thánh nhân mà thôi ư! Vậy mà bực thánh như Khổng Tử lại còn phải than:

Vi nhơn nan...

Vi nhơn nan...[xliii]

Thế mới hay: "Ở đời không có cảnh ngộ nào dễ xử..."

*

Cái Biết như thế, - cái điều có thể cảm được mà không thể nói ra được, có thể hiểu được mà không thể chỉ ra được ấy, - muốn đạt được nó, phải làm thế nào?

"... Thư bất tận ngôn, Ngôn bất tận ý..."[xliv]

Vậy thì, ta phải biết "tinh nghĩa nhập thần"[xlv] mới mong sử dụng được đến cùng cái đạo xử thế của cổ nhân...

Phật còn phải bảo với các đệ tử: "Kìa là mặt trăng! Các con cứ theo ngón tay ta chỉ mà nhìn thì thấy. Nhưng, nên nhớ rằng ngón tay ta không phải là mặt trăng... cũng như những lời ta giảng về Đạo. Các con có thể theo ta giảng mà tìm thấy Đạo. Nhưng nên nhớ rằng: "Lời giảng của ta không phải là Đạo"...