Thuật Đọc Nguội

Chương 2. Khởi Động Hệ Thống Đọc Nguội Của Bạn

Nếu như hệ thống đọc nguội của bạn đang ở trong trạng thái ngủ, như vậy trong quan hệ xã giao, công việc, rất có thể bạn sẽ chịu sự chi phối của người khác. Bây giờ, xin hãy cùng tôi khởi động hệ thống đọc nguội của bạn, khiến nó giúp bạn thể hiện bản thân thật hoàn hảo.

Bài 1: Rèn luyện khả năng quan sát của bạn

Mỗi khi khoa chân múa tay, con người đều bộc lộ tình cảm, trí tuệ và cảm xúc của bản thân. Liệu có thể quan sát lời nói và sắc mặt, coi đó là điểm đột phá để xé bỏ rào cản trong quan hệ giao tiếp, chính là cơ sở thành công của đọc nguội.

Từ lông mày nhìn thấu lòng người

Một số chi tiết trong ngôn ngữ cơ thể đều có thể bao hàm những thông tin phong phú, ví dụ ánh mắt và lông mày của một người sẽ âm thầm thay đổi theo thế giới nội tâm của người đó. Chỉ cần chúng ta chú ý kỹ, có thể thông qua những chi tiết đó để nắm bắt suy nghĩ của đối phương.

Trong bữa tiệc của người bạn, khi bạn bè của bạn giới thiệu cho bạn về người bạn chưa quen biết, nếu như lông mày của đối phương nhướn lên, điều đó có nghĩa anh ta giữ thái độ kháng cự và tẩy chay bạn. Bạn nên chào xã giao, bắt tay đối phương. Tốt rồi, đến đó mà thôi, không nên tiến sát đối phương. Nếu như đối phương cảm thấy bạn rất tuyệt vời, anh ta sẽ chủ động trò chuyện với bạn. Bằng không, sự chủ động của bạn chỉ khiến anh ta cảm thấy không thoải mái, vì người bạn này hiện nay còn chưa muốn chấp nhận bạn.

Đó chính là thông tin lông mày truyền đạt cho bạn. Trên thực tế, chỉ cần bạn giỏi quan sát, lông mày còn truyền đạt cho bạn nhiều thông tin hơn nữa.

Trong cuộc sống, nếu giỏi quan sát bạn còn phát hiện, khi nói dối người ta sẽ có những động tác như dụi mắt và cười không tự nhiên. Động tác này thường biểu hiện sự giả nhân giả nghĩa hoặc có tật giật mình của con người.

Từ lông mày tới trái tim, có thể hiểu rõ người khác là một trong những kỹ năng xã giao mà thuật đọc nguội dạy cho bạn.

Khi bạn gia nhập một tập thể, nếu những thành viên trong tập thể nhìn bạn, lông mày thành hình mái vòm, chúng tỏ họ chào đón bạn, còn nếu đối phương liếc xéo, bạn phải dè chừng, đối phương không thích sự tham gia của bạn.

Khi người khác chào hỏi bạn một cách giả tạo, lông mày hắn ta sẽ cụp xuống dưới, cánh tay cũng không giơ lên cao.

Khi bạn nói chuyện, bàn công việc với đối phương, nếu lời nói của đối phương có ý nghi vấn hoặc thích thú, một bên lông mày của anh ta sẽ nhướn lên.

Nhân viên bán hàng: “Xin chào Tổng giám đốc Vương, đây là sản phẩm mới nhất của công ty chúng tôi, nó có tính năng tốt nhất, là sản phẩm tốt nhất trong dòng sản phẩm tương tự hiện nay, nhất định ông sẽ có hứng thú với sản phẩm này.” Tổng giám đốc Vương chỉ nói “uhm” một tiếng, nhưng nhân viên kinh doanh tinh mắt phát hiện ông Vương khẽ nhướn mày, thế là anh ta tiếp tục nói: “Liên quan tới tính năng của sản phẩm có thể tin rằng những nhân viên bán hàng khác cũng giới thiệu tương tự, hãy cho tôi thời gian năm phút, tôi sẽ trực tiếp đưa giá thấp nhất để ngài cân nhắc.” Công ty của Tổng giám đốc Vương vừa hay đang cần sản phẩm này, cho nên ông ta liền dẫn nhân viên bán hàng vào văn phòng.

Trong dung mạo tự có thế giới lớn, nhất cử nhất động đều bao hàm buồn vui, tan hợp, ân oán, thù hận. Nếu như bạn không muốn bị đọc nguội, trừ phi rèn luyện bản thân tới cảnh giới không bất ngờ trong mọi sự việc, còn cần nhìn thấu lòng người, xem xét thời thế.

Từ cái cằm nhìn thấu lòng người

Khi nói chuyện, chúng ta phát hiện tư thế chống cằm lắng nghe của đối phương sẽ từ từ thay đổi. Bọn họ thường chống tay bên má hoặc dưới cằm, xòe tay ra, sau đó chống bên má hoặc dưới cằm, trong quá trình lắng nghe, bàn tay họ vuốt nhẹ cằm. Tư thế này cho chúng ta biết, khi đó phần lớn sức lực của đối phương không dùng để lắng nghe hoặc suy nghĩ, mà đang đắn đo tính chính xác trong quan điểm của người nói chuyện, sau đó, đưa ra phán đoán khẳng định hoặc phủ định.

Khi đối phương bắt đầu chống cằm suy nghĩ, cân nhắc quan điểm khẳng định hoặc phủ định của bản thân, việc thay đổi động tác sau đó là vô cùng quan trọng, bởi vì những động tác cơ thể rất chi tiết sau đó sẽ cho chúng ta biết đối phương đồng ý hay phản đối ý kiến của bạn. Lúc đó, là người phát ra tin tức, chúng ta cần phải tỉnh táo và bình tĩnh, quan sát kỹ từng động tác chi tiết của đối phương, từ đó phán đoán chính xác quan điểm và lập trường của đối phương.

Hồi nhỏ, mỗi khi mắc lỗi, khi trả lời câu hỏi của giáo viên chủ nhiệm, chúng ta luôn khom cằm, cúi đầu, không dám nhìn thẳng vào mắt giáo viên. Khi đó, tư thế khom cằm, cúi đầu là tín hiệu của sự bất an và hổ thẹn.

Khi đã trưởng thành, trong quá trình nói chuyện với đối phương, chúng ta đột nhiên cúi mặt xuống, rời con mắt nhìn thẳng đối phương của mình, thường không phải do chúng ta mắc sai lầm, mà do chúng ta có ý kiến trái ngược với lời nói của đối phương. Chúng ta không muốn tiếp tục trao cho đối phương sự ủng hộ bằng ánh mắt tích cực và sự khẳng định bằng ngôn ngữ cơ thể, khi chúng ta khom cằm, cúi đầu thường hình thành ý kiến mang tính phê phán. Tư thế khom cằm, cúi đầu phiên bản người lớn là tín hiệu phủ định đối phương, giống như minh họa tại hình 2 – 1.

Hình 2 – 1

Động tác cúi đầu, khom cằm thường gặp trong nhiều tình huống công việc, kinh doanh, nó biểu thị thái độ phủ định hoặc tâm trạng chán nản, thất vọng.

Bất cứ một loại ngôn ngữ cơ thể nào, hàm ý đằng sau đều không phải là duy nhất, khi thực hiện việc đọc nguội cần căn cứ theo tình hình cụ thể để tùy cơ ứng biến.

Khi đàm phán với khách hàng, bạn đang giới thiệu sản phẩm, đối phương vuốt cằm, đó là sắc thái suy ngẫm điển hình. Hàm ý của nó là: Tôi đang suy ngẫm, xin đừng quấy rầy. Khi đó, bên nói chuyện nên giảm tốc độ nói một cách phù hợp, cho đối phương thời gian suy ngẫm.

Hai người bạn đang tán gẫu trong quán cà phê, một người đang thao thao bất tuyệt, người còn lại ánh mắt lơ đễnh, chống cằm nghe, thực ra những người hiểu động tác này đều rõ rằng: người nói nên dừng lại, hoặc để đối phương nói. Bởi vì động tác chống cằm của đối phương đã cho bạn biết “Tôi mệt lắm rồi, buộc phải chống cằm cố gắng nghe anh nói đây.”

Là người tu luyện thuật đọc nguội, ngoài việc thông qua sắc mặt cụ thể để nắm bắt tâm lý của đối phương, còn cần thông qua một số kỹ năng để bảo vệ bản thân.

Lý X có một cô bạn gái tên là Tiểu Dĩnh, cô ấy rất thông minh, năm nào cũng giành được học bổng của nhà trường đồng thời rất tích cực trong các hoạt động đoàn thể, chỉ có điều lời nói, cử chỉ thường làm tổn thương người khác. Bạn cùng phòng vừa mua bộ quần áo mới rất đẹp nhưng cô ta không buồn liếc qua một cái. Khi Lý X nói chuyện với Tiểu Dĩnh, cô ấy thường vênh mặt, cằm cũng hất lên rất cao, Lý X từng góp ý với bạn gái nhưng không ăn thua, cuối cùng Lý X không chịu đựng nổi cách hành xử như vậy của Tiểu Dĩnh nên đã đòi chia tay.

Người hất hàm thường tự nhận thấy bản thân mình ưu việt, có chút kiêu căng, tự đại, không thấu hiểu sự đời.

Từ khuôn mặt nhìn thấu lòng người

Biểu cảm trên khuôn mặt là một trong những đặc trưng trực tiếp của biểu hiện cảm xúc con người, giống như Roman Frank, nhà văn, nhà hoạt động xã hội người Pháp từng nói: “Biểu cảm trên khuôn mặt là ngôn ngữ được bồi dưỡng thành công qua nhiều thế kỷ, là ngôn ngữ phức tạp hơn hàng nghìn lần được nhắc tới trong các so sánh.”

Biểu cảm trên khuôn mặt bộc lộ thế giới nội tâm của một người. Người giỏi thuật đọc nguội có thể căn cứ vào những thông tin được truyền đạt qua kênh này để nhìn thấu đối phương trong nháy mắt.

Ví dụ, sếp đột nhiên đánh úp, xuất hiện sau lưng bạn, hỏi ân cần: “Công việc tiến triển ra sao rồi?”

Bạn vừa nhanh chóng thay đổi các chương trình đang chạy trên màn hình máy tính, vừa suy nghĩ nên nói như thế nào, vì bạn chưa suy nghĩ từ trước rằng sẽ xảy ra vấn đề như vậy. Sự căng thẳng khiến bạn trở nên do dự, không lưu loát. Cuối cùng, bạn nói vờ vịt vài câu, nhưng chân tướng vì thế mà bại lộ, tuy nét mặt do dự của bạn thoảng qua rất nhanh, nhưng sếp vẫn biết thừa lời nói dối của bạn.

Trong thực tế giao tiếp xã hội, những sơ suất trong biểu cảm trên nét mặt sẽ vô tình tiết lộ chân tướng nội tâm, hơn nữa, trong đa số các trường hợp, bản thân chúng ta thường không hay biết. Vì vậy, nó cũng trở thành một trong những phương pháp tuyệt vời nhất để chúng ta dựa vào đó phán đoán đối phương có nói dối hay không.

Thay đổi cảm xúc tại nửa khuôn mặt bên trái còn phong phú hơn

Khuôn mặt là nguồn thông tin quan trọng nhất để biểu đạt tình cảm và thái độ, biểu cảm trên khuôn mặt trong giây lát không dễ nhận ra, nếu bạn gặp phải một cao thủ nói dối, hắn ta lại chuẩn bị kỹ càng những lời nói dối, có thể bạn sẽ không có cách nào phân biệt. Vậy tôi sẽ dạy bạn một chiêu: phán đoán từ nửa khuôn mặt bên trái.

Nửa khuôn mặt bên trái sẽ bóc mẽ lời nói dối của hắn rõ ràng hơn, biểu hiện cụ thể là: do dự, căng cứng, đờ đẫn, bạn sẽ phát hiện nửa khuôn mặt bên trái không hài hòa như vậy, giống như minh họa tại hình 2 – 2.

Hình 2 – 2

Tại sao ảnh quảng cáo của phần lớn ngôi sao điện ảnh đều chụp nửa khuôn mặt bên trái? Nghiên cứu tâm lý học chỉ ra rằng, nửa khuôn mặt nghiêng bên trái dễ bộc lộ thay đổi cảm xúc trong tâm hồn hơn, từ đó để lại ấn tượng sâu sắc cho người xem.

Chúng ta thường bắt gặp ảnh quảng cáo của các ngôi sao điện ảnh hoặc người mẫu trên xe buýt. Khi đó, chúng ta không có bất kỳ cảm giác đặc biệt nào, bây giờ nghĩ lại, dường như những tấm hình quảng cáo và áp phích đó đều chụp nửa khuôn mặt nghiêng bên trái.

Ví dụ, có người cầm tấm ảnh không chút ý nghĩa đưa bạn xem, dựa vào đó để phán đoán đặc điểm tính cách của bạn. Tấm ảnh vốn dĩ rất đối xứng bên phải và bên trái, nhưng bạn dễ bị thu hút bởi nửa khuôn mặt bên trái. Thêm một tấm ảnh trên Facebook, nửa khuôn mặt bên trái biểu hiện giận dữ, nửa khuôn mặt bên phải mỉm cười, sau khi xem, bạn sẽ bị thu hút bởi biểu hiện giận dữ của nửa khuôn mặt bên trái đồng thời để lại ấn tượng sâu sắc không dễ xóa nhòa.

Theo nghiên cứu tâm lý học, phát hiện nguyên nhân của hiện tượng đó là do mé phải của con ngươi (tức mé trái con ngươi của đối phương) dễ tạo nên sự dịch chuyển, thị giác quan sát của người bạn cũ thường dễ tập trung vào nửa bên trái khuôn mặt đối phương. Tương tự, phối hợp với hoạt động của con ngươi, cảm xúc dễ bộc lộ ở nửa bên trái khuôn mặt. Nếu xem bức ảnh thẻ được ghép lại từ cùng một bên khuôn mặt, cảm xúc của nửa bên trái khuôn mặt được bộc lộ rõ ràng hơn nửa bên phải, nếu như bạn không thể nắm bắt tâm lý đối phương, hãy ngắm nửa khuôn mặt bên trái của anh ấy/cô ấy theo bản năng, đại khái có thể biết được một hai phần.

Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn

Trong biểu cảm trên nét mặt của con người, đôi mắt là cửa sổ thông tin rất quan trọng. Trong tình huống bình thường, ánh mắt nhìn thẳng đối phương thể hiện sự trang trọng, ngước nhìn thể hiện sự tìm tòi suy nghĩ và tôn trọng, liếc xéo chứng tỏ sự khinh miệt, nhìn xuống thể hiện sự sỉ nhục. Khi nhìn thấy người hoặc vật mà mình thích, đồng tử sẽ giãn ra, trường hợp ngược lại sẽ thu nhỏ.

Khi bạn đi dạo phố, nhìn thấy món đồ trang sức hoặc những vật dụng khác mà mình tâm đắc, biểu hiện hành vi của bạn là đứng bất động, trong khi hai mắt bạn nhất định dán chặt lấy nó và sáng rực lên.

Khi bạn nhìn thấy người mà mình căm ghét bước đến từ phía xa, chắc chắn bạn sẽ nheo mắt lại và tìm hướng khác để đi.

Khi bạn mở máy vi tính ra, tìm thông tin liên quan thị trường chứng khoán ngày hôm nay, trông thấy giá cổ phiếu bạn mua tăng vọt, chắc chắn đồng tử của bạn cũng sẽ mở thật to, ánh mắt sáng ngời, ước gì được nhoài người về trước màn hình máy vi tính.

Bí mật của phần miệng

Trong biểu cảm trên nét mặt của chúng ta, còn có một bộ phận không thể xem thường chính là phần miệng. Miệng khép lại, thể hiện sự đoan trang tự nhiên, bình an vô sự; miệng há nửa, thể hiện sự kinh ngạc, nghi ngờ; miệng há hốc thể hiện sự sợ hãi, hoang mang; khóe môi hơi nhếch lên thể hiện sự vui mừng, sung sướng, thiện ý; môi trều xuống thể hiện sự phớt lờ, chán nản, đau thương; bĩu môi thể hiện sự bất mãn, giận dữ; hai môi mím chặt thể hiện sự phẫn nộ, kiềm chế, hạ quyết tâm.

Hai đồng nghiệp nữ đang bàn luận về một đồng nghiệp nữ khác vừa mới được lên chức. Người A nói: “trình độ chuyên môn của cô ấy rất vững, hơn nữa rất biết cách xử lý quan hệ giao tiếp.” Nói xong, A cười mỉm theo kiểu mím chặt môi. B đáp: “Đúng vậy, cô ấy biết rất rõ mình muốn gì, mục tiêu vô cùng rõ ràng.” Dứt lời, B cũng cười mỉm theo kiểu mím chặt môi. Thực ra, cả hai người phụ nữ này đều không nói thật lòng, động tác cười mỉm mím chặt môi của họ cho chúng ta biết, điều mà họ thực sự muốn nói ra có lẽ là: “Người đàn bà kia có tham vọng quá lớn, cô ta thích chơi trội, là con bạch cốt tinh quyến rũ đàn ông.”

Ở trên ti vi và tạp chí, chúng ta thường thấy một số người nổi tiếng khi mỉm cười mím chặt môi, mép hơi nhếch ra sau, không để lộ chiếc răng nào, cả đôi môi thành một đường thẳng. Hàm ý của nụ cười mỉm này là: “Tôi không tán thành ý kiến của anh lắm, trong thâm tâm tôi có cách nghĩ thật sự mà anh không biết, tôi cũng không muốn nói với anh.” Ví dụ, nhiều người khi đứng trước đối tượng tìm hiểu không ưng ý hoặc vị lãnh đạo mà bản thân không muốn thừa nhận, phản ứng trước đối phương luôn là điệu cười mỉm mím chặt môi, thực ra đây là một điệu cười mỉm tuy có hình thức ôn hòa nhưng thể hiện rõ nét sự cự tuyệt và phản đối, giống như minh họa tại hình 2 – 3.

Hình 2 – 3

Nếu một người con gái giữ nụ cười giống như hình vẽ khi bạn đang nói chuyện, bạn sẽ nghĩ tới điều gì? Đáp án chính xác là: thể hiện sự tôn trọng đối với bạn, nhưng cô ấy thường chẳng bảo đúng, chẳng bảo sai với những lời bạn nói.

Một phóng viên từng nói, anh ta đã phỏng vấn rất nhiều người thành công và phát hiện bọn họ đều có một thói quen, đó là khi bị hỏi về vấn đề chi tiết liên quan tới thành công, họ luôn cười mím môi, sau đó thoáng qua rất nhanh. Sở dĩ họ biểu hiện như vậy là vì không muốn công bố rộng rãi chi tiết liên quan tới thành công cho bàn dân thiên hạ, bọn họ có ý từ chối những vấn đề như vậy.

Từ động tác tay nhìn thấu lòng người

Động tác tay thường thống nhất với lời nói, điều này có thể trở thành lối vào để chúng ta thực hiện thuật đọc nguội. Nếu bạn thấy động tác tay và lời nói của đối phương có chỗ không ăn nhập hoặc xung đột, cũng đồng nghĩa với việc đối phương giấu giếm suy nghĩ thật sự.

Một nhân viên kinh doanh máy tính nói với khách hàng: “Dòng máy tính này cấu hình cao, chíp lõi kép, RAM 2GB, ổ cứng 300GB, hơn nữa giá bán chỉ hơn 9 nghìn tệ...” Khách hàng nhìn chiếc máy tính, đưa ngón tay vuốt nhẹ vành tai theo bản năng, quay đầu sang một bên và nói: “Để tôi suy nghĩ thêm.” Giống như minh họa tại hình 2 – 4.

Hình 2 – 4

Đưa ngón tay vuốt nhẹ vành tai

Khi đó, nếu tiếp tục thuyết phục đối phương mua dòng máy tính này, kết quả rất có thể sẽ không thành công, bởi đối phương vuốt nhẹ vành tai, thể hiện rõ ý đồ “không muốn nghe những lời vô lễ,” ông ta muốn thông qua động tác vuốt nhẹ vành tai để ngăn không cho những lời nói đó lọt vào lỗ tai mình.

Trên thực tế, không chỉ có vậy, một số ngôn ngữ cơ thể như vuốt cổ áo, vuốt gáy đều ít nhiều truyền đạt ý miệng nói một đằng, bụng nghĩ một nẻo, đằng sau nó thường đại diện cho những trạng thái giao tiếp như tẩy chay, cự tuyệt, không thừa nhận.

Dĩ nhiên, động tác tay còn có thể phản ánh một số trạng thái cảm xúc dưới đây:

Khi vượt qua khó khăn hoặc hoàn thành nhiệm vụ công tác, bạn sẽ thở phào nhẹ nhõm, giơ ngón tay hình chữ “V,” thể hiện sự vui mừng.

Khi bạn bị đối phương chửi té tát, mà đối phương chính là sếp của bạn, chắc chắn bạn sẽ siết chặt nắm đấm, muốn đấm hắn ta một cái, nhưng lý trí khiến bạn buông tay và bỏ đi.

Bạn nói chuyện với đối phương, đối phương đút hai tay vào túi quần, nhất định bạn phải biết rõ đối phương vẫn cảnh giác chưa tin tưởng mình, hoặc có bí mật không thể nói đang muốn che giấu.

Bạn tán gẫu với bạn bè, đột nhiên người đó dùng tay vuốt mũi trước khi nói, như vậy, bạn cần hiểu rõ có thể anh ta đang nói dối.

Cũng giống như kỹ năng tâm lý mà ai đó đã từng nói, trái tim và bàn tay có sự tương thông. Những suy nghĩ trong thâm tâm và động tác của đôi tay nhất định có sẽ có sự biểu lộ, chỉ cần bạn tìm ra bí mật trong đó là có thể dễ dàng đọc nguội đối phương.

Từ dáng điệu nhìn thấu lòng người

Đại đa số con người khá chú ý biểu cảm trên khuôn mặt của bản thân, sẽ có ý thức làm chủ nó nhưng lại xem nhẹ động tác của đôi chân, cũng rất hiếm khi che giấu, điều này cũng đem đến cho chúng ta cơ hội đọc nguội.

Có người từng làm một thí nghiệm, yêu cầu các học sinh trong lớp tham gia giờ tự học, dùng máy quay giấu kín ghi lại động tác vô thức của toàn bộ học sinh trong tình huống họ không hề biết trước. Khi trình chiếu nội dung clip, các học sinh rất kinh ngạc, tiếp theo nghe thấy những lời như sau: “Đây không phải tớ chứ, sao tớ cứ vuốt tóc mãi thế, sao tớ không biết nhỉ,” “Sao tớ lại xoay bút nhiều vậy nhỉ,” “Sao đầu tớ luôn nghiêng về một bên, rõ ràng tớ cảm thấy nó rất thẳng cơ mà,” “Sao chân tớ luôn rung rinh nhỉ, sao tớ không cảm thấy như vậy....” Bọn họ đều kinh ngạc trước động tác của chính mình.

Trong những động tác cơ thể đó, đặc biệt động tác của phần chân khi đứng hoặc ngồi là chân thực nhất, cũng là bộ phận dễ bị đọc nguội nhất. Những nhà tâm lý học của Mỹ nói, bất luận bạn đứng hay ngồi, vị trí của đôi chân sẽ luôn tiết lộ một số nét đặc trưng của bạn.

Hàm ý được biểu hiện từ động tác chân của con người là vô cùng chân thực, chúng ta buộc phải nhận thức rõ ràng vấn đề này, đồng thời áp dụng vào hoạt động giao tiếp xã hội của bản thân.

Khi nói chuyện với người khác, nếu vị trí chân của đối phương có sự thay đổi, bạn nhất định phải làm rõ ẩn ý của anh ta. Nếu như chân đối phương không hướng về phía bạn mà chuyển động về hướng khác, bạn cần ý thức được có thể đã phát sinh vấn đề. Nếu mũi bàn chân chuyển động vô thức về một hướng nào đó, bạn cần biết rằng có thể đối phương muốn rời đi. Nếu chân đối phương không ngừng lắc lư, có nghĩa đối phương có thể không muốn rời đi, nhưng buộc phải đi.

Động tác và tư thế theo thói quen là những điều chúng ta buộc phải chú ý khi quan sát người khác. Những ngôn ngữ cơ thể rất tưởng chừng rất nhỏ này sẽ cho chúng ta biết về thái độ của đối phương khi nói chuyện.

Khi ngồi hai chân dang rộng, dĩ nhiên phụ nữ có thể dang vừa hơn một chút, những người như vậy rất hào phóng, không câu nệ tiểu tiết; nếu hai đùi hoặc hai chân khép chặt vào nhau, hai tay đặt lên đầu gối một cách quy củ, những người như vậy tương đối ôn hòa, hướng nội, cũng sẽ có chút giữ kẽ; hai chân vắt chéo khi ngồi, người như vậy tương đối chín chắn, bình tĩnh, làm việc cũng khá chắc chắn.

Còn tư thế đứng? Một người đứng thẳng tưng, chứng tỏ anh ta tương đối tự tin, làm việc xông xáo. Dĩ nhiên quân nhân đã qua huấn luyện cũng có thể đứng thẳng; một người khi đứng thích đặt trọng tâm lên một chân, chứng tỏ anh ta khá có trách nhiệm; những ai thích khoanh tay trước ngực khi đứng lại tương đối thận trọng, ý thức đề phòng cũng khá cao.

Tư thế đứng và ngồi có nhiều hình thức biến hóa phong phú, khi áp dụng vào giao tiếp xã hội cụ thể, chúng ta nên kết hợp với hoàn cảnh thực tiễn để lý giải và nắm bắt, tuyệt đối không thể rập khuôn máy móc.

Bài 2: Thể hiện bản thân một cách vừa phải

Khả năng quan sát là nền tảng của thuật đọc nguội, khả năng biểu đạt mới là nòng cốt của thuật đọc nguội. Trong bài này, trước tiên chúng tôi sẽ giới thiệu kỹ năng sử dụng có hiệu quả ngôn ngữ cơ thể để thể hiện bản thân.

Trong quá trình giao tiếp xã hội, nếu chúng ta thông qua kỹ năng đọc nguội tạo cho người khác ấn tượng có thể chấp nhận, khiến đối phương tin tưởng vào sự thể hiện của chúng ta, từ đó giành lấy sự tán dương và lòng tin của đối phương, điều này sẽ giúp ích cho chúng ta trong việc xây dựng mối quan hệ giao tiếp tích cực.

Giao tiếp bằng tình yêu

Có cư dân mạng nói thuật đọc nguội là thể hiện sự thấu hiểu cao độ, câu nói này quả không sai. Nó là kết quả của việc phát huy tường tận, thấu đáo tâm lý hoán vị trong tâm lý học.

Sau khi đã hiểu hàm ý cơ bản của thuật đọc nguội, đồng thời có thể thông qua kỹ năng quan sát thần sắc để nắm bắt suy nghĩ của đối phương, chúng ta nên thuận theo tâm lý đối phương để giao lưu. Chỉ khi nào hiểu thấu nỗi lòng đối phương, tìm được tiếng nói chung, thuật đọc nguội mới có thể phát huy sức hấp dẫn mê hồn của nó.

Lựa lời mà nói, đừng cố gượng ép

Thuật đọc nguội không phải phỏng đoán đối phương. Giao tiếp bằng tâm lý phỏng đoán sớm muộn cũng gặp thất bại. Điều thuật đọc nguội cần là trạng thái tâm lý tốt với lời nói bùi tai, nói trúng hay không cũng như mưa dầm thấm lâu, không để lại dấu vết.

Trong cuộc sống, nếu bị người khác đi guốc trong bụng, cho dù đối phương nói đúng, chúng ta vẫn có một chút cảnh giác và sợ hãi. Chúng ta sẽ cho rằng “hắn ta nhất định không có ý tốt, đang có ý đồ gì đây?” Như vậy, đọc nguội sẽ thất bại toàn diện.

Thuật đọc nguội vừa cần nói trúng suy nghĩ đối phương, lại không thể tỏ ra quá lợi hại, cần uyển chuyển và trơn tru. Cho dù nói trúng rồi, cũng không phải tôi đang suy đoán, tôi chỉ giải thích những suy nghĩ trong lòng. Những lời nói của tôi, chỉ là sự thăng hoa tâm hồn thánh thiện của bạn, chính bạn đã rộng mở tấm lòng, đón nhận tôi. Chỉ khi nào làm được như vậy, đối phương mới có thể bình tĩnh, chủ động trò chuyện với chúng ta, nói ra những bí mật trong lòng, thuật đọc nguội cũng mới bộc lộ sức hấp dẫn của nó.

Tâm lý học gọi điều này là tính đồng nhất hoàn cảnh. Các chuyên gia tâm lý học chỉ rõ, giao tiếp xã hội là một quá trình tương tác song phương, quá trình này bao gồm đối tượng giao tiếp và hoàn cảnh giao tiếp. Nếu trong quá trình giao tiếp, chúng ta có thể thâm nhập vào trạng thái cảm xúc của đối phương, cùng họ chia sẻ niềm vui nỗi buồn, như vậy đã xây dựng được hoàn cảnh giao tiếp có tiếng nói chung với đối phương, cũng có thể nhận được sự phản hồi nhiệt tình của đối phương.

Một số thầy bói hạng xoàng hoặc người yêu thích thuật đọc nguội thường không thể lĩnh hội quy luật này, khi giao tiếp với đối phương, thường dễ bị dồn ép vào ngõ cụt.

“Gần đây công việc của anh có gì mới không?” (dẫn dắt vào vấn đề quen thuộc, những kiến thức liên quan tới chủ đề trò chuyện chiếu lệ phần sau sẽ có giải thích cặn kẽ).

“Ồ, có tí ti, hôm qua vừa bị sếp phê bình, tâm trạng rất buồn bã.”

“Thật sao, nhìn dáng vẻ của anh, tôi đã biết chắc chắn có việc như vậy!”

“Cái gì?”

“Đúng vậy, tại sao anh không nói gì chứ?”

“Tại sao nhất định phải nói chuyện nhỉ, khi vui tôi cũng thường xuyên không nói gì.”

“....”
Những chuyên gia đọc nguội ưu tú chắc chắc không để mình rơi vào đường cùng như vậy, giống như đã nói ở phần trước, trước tiên, họ sẽ xây dựng lòng tin của đối phương, như vậy, nói chính xác hay không chỉ đóng vai trò thứ yếu.

“Gần đây công việc của anh vất vả lắm phải không? Cho dù có chút rắc rối, cũng cần chú ý chú ý giữ gìn sức khỏe đấy nhé.”

“Quả thực rất lao tâm khổ tứ, hôm qua còn bị sếp phê bình nữa chứ!”

“Thực ra cũng không có vấn đề gì, đôi khi cần một chút thời gian để ông ta hiểu về anh, anh nhất định làm được.”

“Cảm ơn anh đã nói như vậy, tôi nghĩ cũng đúng.”

“Tôi cũng từng trải qua hoàn cảnh như vậy, tuy ruột gan rối bời, nhưng giống như anh, tôi cũng giữ vững niềm tin.”

“Quả thực, việc này chỉ cần tôi chú tâm làm cũng không có gì khó khăn, nói không chừng còn làm tốt hơn.”

“Dĩ nhiên rồi, chỉ cần anh chú tâm làm, nhất định không có việc gì làm khó nổi anh.”

“Nói cũng phải, vậy tối nay chúng ta cùng nhau đi ăn nhé.”

Đối xử tốt với đối phương, nói những điều họ muốn nghe

Ý nghĩa quan trọng nhất của sự thấu hiểu là luôn đứng về phía lập trường của đối phương, thỏa mãn nhu cầu tâm lý của đối phương, đối xử tốt với đối phương, nói những điều họ muốn nghe, đó cũng là yêu cầu thứ hai của hoán vị tình cảm trong thuật đọc nguội.

Chúng ta hãy xem ví dụ dưới đây và sẽ hiểu rõ quy luật trong đó.

A: “Xin chào, ngày nào anh cũng đi đường này à?”

B: (Không trả lời, nhìn A bằng ánh mắt cảnh giác, nghĩ bụng: “Mày là ai chứ, sao lại hỏi như vậy.”)

Một người bình thường bất kỳ sẽ không nói cho A biết câu trả lời. Thế nhưng, nếu dùng kỹ năng đọc nguội, kết quả sẽ khác hẳn.

A: “Ý tôi là mấy ngày gần đây đoạn đường này thường xảy ra tình trạng cướp giật, anh phải cẩn thận hơn, nếu có thể hãy đi vòng đường khác, vốn dĩ tôi cũng đi con đường này, nhưng nay chuyển đi đường khác rồi.”

B: “Ồ, vậy sao, vậy xin hỏi tôi có thể đi đường nào?”

A: “Như vậy đi, tôi sẽ dẫn anh đi một đoạn, anh sẽ nhận ra nhanh thôi.”

Trong câu chuyện trên, trước ánh mắt cảnh giác của người đi đường B, người đi đường A đã chủ động giãi bày nỗi lòng, nói rõ mục đích, sau đó, đối phương mới vỡ lẽ hóa ra người này muốn tốt cho mình, tâm lý ngờ vực tan biến, khoảng cách giữa hai trái tim cũng được thu hẹp.

Chỉ cần bạn giỏi quan sát, coi lập trường của đối phương là lập trường của mình là có thể dễ dàng thực hiện.

“Bình thường bạn không phải người thích pha trò, điều này có chút đáng tiếc, cũng giống như chiếc gương soi, chỉ có thể phản chiếu một mặt con người bạn, thực ra tâm hồn bạn rất giàu tế bào hài hước, hơn nữa rất biết cách hâm nóng bầu không khí, chỉ có điều bạn chưa khai phá ra.”

Câu nói này xem ra rất tự nhiên, đối phương dễ bị cuốn theo. Nếu bạn nói trực tiếp: “Bạn rất hài hước đó,” như vậy rất có thể đối phương sẽ nghĩ: “Tại sao mới bắt đầu câu chuyện hắn ta đã nói mò rồi, lẽ nào muốn nịnh bợ mình?” Trong ví dụ trước, ở đoạn cuối mang tính then chốt bồi thêm một câu “còn chưa khai phá ra,” điều này khiến đối phương thay đổi suy nghĩ. Đối phương sẽ tự giác rộng mở suy nghĩ, cảm thấy bản thân thực sự nên làm như vậy.

Giám đốc: “Tiểu Trương, kế hoạch thực hiện dự án này cậu làm rất tốt, nếu công ty chúng ta có nguồn lực như công ty X, việc thực hiện ý tưởng này chắc chắn sẽ thành công vang dội.”

Tiểu Trương: “Ồ, giám đốc, cân nhắc từ phía công ty, có thể kế hoạch này không thực tế, nhưng với tư cách là bậc tiền bối, ngài cảm thấy kế hoạch kinh doanh này phải tiến hành ra sao mới phù hợp, có thể cho tôi biết hay không?”

Giám đốc: “Uhm, nói cụ thể thì như vậy...”

Trong đoạn hội thoại như vậy, cả hai bên đều vận dụng khéo léo thuật đọc nguội.

Thực ra câu nói của Tiểu Trương đã giăng bẫy sẵn, vì giám đốc là lãnh đạo công ty, căn cứ vào tình hình thực tế sẽ từ chối một kế hoạch kinh doanh không phù hợp; nhưng ông ta còn là “bậc tiền bối,” vai trò “mới” này có sức hút mãnh liệt, khiến ông ta muốn nghĩ cách giúp Tiểu Trương giải quyết vấn đề.

Kiên nhẫn lắng nghe đối phương nói ra khúc mắc trong lòng

Những người muốn tìm đối tượng trút bầu tâm sự hoặc xin sự giúp đỡ của thầy bói đều vì lý do trong suy nghĩ của họ phát sinh vấn đề, muốn tìm ra câu trả lời. Ai gây ra phiền phức thì người ấy phải giải quyết hậu quả, khúc mắc của một người không phải vấn đề của những người xung quanh giải quyết, điều họ có thể làm là nghe đối phương nói những điều người ta muốn nói, sau khi nói ra suy nghĩ của mình, vấn đề có thể sẽ được giải quyết.

Khi thực hiện thuật đọc nguội, yêu cầu thứ ba là học cách lắng nghe. Khi người đọc nguội nói chuyện với đối phương, không được phép vội vàng bày tỏ quan điểm của mình, vì bản thân mình nói gì không quan trọng, điều quan trọng là cho đối phương một dịp thổ lộ tâm tình, dốc bầu tâm sự.

Luôn thể hiện sự quan tâm và tán thưởng đối phương

Trong tâm hồn những con người lương thiện, mỗi bé trai đều có thể là hoàng tử, mỗi bé gái đều có thể là công chúa. Khi chúng ta dùng sự tán thưởng và yêu thương để coi đối phương như một người đặc biệt, đối phương ắt sẽ cảm nhận được sự chân thành của chúng ta, điều này sẽ nhanh chóng gây dựng lên lòng tin giữa hai bên.

Bằng không, cho dù chúng ta đã nắm vững kỹ năng ngôn ngữ của thuật đọc nguội, nhưng trong lòng chúng ta chưa làm được điều đó thì cũng rất khó chiếm được cảm tình và lòng tin của đối phương.

Những chuyên gia đọc nguội cao tay, tất nhiên trước tiên đều mở ra một lối đi trong tâm hồn mình, bao dung và nuôi dưỡng lòng tin giữa hai bên. Việc xây dựng ý thức này được quyết định bởi người đọc nguội khi ở bên đối phương, cần cảm nhận được một sự kinh ngạc, tán thưởng, giữ vững quan điểm “người đang nói chuyện với tôi, mỗi đặc điểm trên cơ thể đều độc đáo như vậy, cho dù có khuyết điểm chăng nữa thì cũng thú vị và đáng yêu.”

Khi giao tiếp với đối phương, niềm tin như vậy nhất định cần từng giờ, từng phút thường trực trong đầu. Khi nghĩ như vậy, dù không dùng ngôn ngữ cố ý biểu đạt ra, nhưng sắc mặt, sự quan tâm cũng sẽ được thể hiện qua lời nói, hành động của chúng ta cũng sẽ làm đối phương cảm nhận được.

Nếu xây dựng được niềm tin tích cực như vậy khi nói chuyện với đối phương, bất luận đối phương là người thế nào, chúng ta đều có thể nhanh chóng xây dựng lòng tin giữa hai bên.

Tình yêu lớn không lời, quy luật vĩ đại thường giản đơn, thuật đọc nguội cũng giống như quy luật đó.

Học cách kiểm soát ấn tượng

Khi đã có cơ sở tình cảm của niềm tin trong lòng, chúng ta cần học cách thông qua lời nói cử chỉ để biểu đạt tốt hơn.

Trong quá trình nói chuyện với người khác, hai bên đều không ngừng đánh giá và phán đoán đối phương, đồng thời nảy sinh nhiều ấn tượng. Các ấn tượng trên sẽ ảnh hưởng tới thái độ của đối phương đối với bạn, vì vậy, khi nói chuyện với người khác, chúng ta cần lựa chọn ngôn từ, cách biểu cảm phù hợp, từ đó để lại ấn tượng tốt trong lòng đối phương. Quá trình hoàn thiện hình tượng bản thân chính là kiểm soát ấn tượng.2

Nếu như bạn không giỏi xây dựng hình tượng cho bản thân, thì dù có nhiều ưu điểm và thành tựu, bạn cũng có thể không được người khác chấp nhận, không được số đông thừa nhận. Vận dụng hợp lý thuật đọc nguội, thể hiện bản thân, lăng xê bản thân, cũng là trí khôn sinh tồn.

Dựa vào sở thích của đối phương để đánh bóng bản thân

Diện mạo bên ngoài của con người là điều người khác dễ dàng nhận biết nhất, bởi vì con người thường để ý chăm chút vẻ bề ngoài. Ví dụ, người xin việc khi đi phỏng vấn ăn mặc gọn gàng, nụ cười thường trực, dáng đi thẳng tắp, qua đó để tăng cường ấn tượng tốt của người phỏng vấn đối với mình.

Đề cao bản thân một cách phù hợp

Thể hiện năng lực và sự nhiệt tình của bản thân trước mặt người khác một cách phù hợp. Thông thường, trước khi tự tâng bốc bản thân có thể tự phê bình, bộc lộ một số khuyết điểm hoặc tật xấu vô thưởng vô phạt của bản thân, sau đó nói ra ưu điểm và sở trường của bản thân, khiến ấn tượng của đối phương về mình thêm sâu sắc và chân thực.

Căn cứ trường hợp cụ thể, chiều theo sở thích của từng người

Khi nói chuyện với người khác, để được đối phương đánh giá tốt, hình thành ấn tượng tốt đẹp, chúng ta cần chiều theo sở thích của họ, có thể áp dụng các biện pháp như: tự kiểm điểm, phụ họa, ban ơn, nói chuyện hòa hợp,… với đối phương.

Đọc nguội, không phải thuật tấn công tâm lý ép buộc người khác, mà là một biện pháp dẫn dắt mềm mỏng, để đối phương chủ động bước vào, sau đó khơi gợi hứng thú của đối phương, cuộc trò chuyện tiếp theo sẽ vô cùng trôi chảy, tự nhiên.

Dưới đây chúng ta sẽ bàn về những chi tiết cụ thể của kiểm soát ấn tượng từ cách vận dụng cánh tay và bàn tay.

Mở rộng vòng tay nhiệt tình

Trong các chương trước, chúng ta đã bàn về ý nghĩa của động tác tay, động tác tay và cánh tay thống nhất với nhau là sự thể hiện tổng thể. Trong quá trình nói chuyện với người khác, thông tin truyền đạt bởi cánh tay đủ giúp chúng ta hiểu rõ mức độ chân thành của đối phương.

Trong sự nghiệp làm công tác tư vấn, sự thay đổi cảm xúc của một vị khách tới viếng thăm khiến tôi rất xúc động. Khi phỏng vấn, chị ta thể hiện rất nhiều thông tin của hai cánh tay.

Sau khi ngồi xuống, vị khách ngồi khoanh chặt hai cánh tay. Thấy vậy tôi nói với giọng nhẹ nhàng: Bây giờ, chúng ta bắt đầu nhé, tôi sẽ nói chuyện với chị chân thành, và tất cả nội dung buổi nói chuyện đều được bảo mật, xin chị hãy yên tâm, chớ căng thẳng.” Khi đó vị khách thở phào nhẹ nhõm, đồng thời hai cánh tay cũng thả lỏng hơn một chút. Khi chúng tôi nói về việc tại sao chị ta có cảm giác người chồng muốn xa lánh mình, vị khách nói: “Vì chồng tôi cảm thấy tôi không quan tâm cha mẹ anh ấy.” (Vị khách bất giác đưa tay xoa cổ) Tôi hiểu rõ đây không phải lời nói thật lòng của chị ta, bèn hỏi: “Có thể nói cụ thể hơn không?” Vị khách cố gắng muốn nói rõ ràng, thế nhưng từ ngữ rời rạc. Tôi bèn nói: “Có thể phiền chị nói lại lần nữa được không?” Cuối cùng, chị ta dựa lưng vào ghế, hai tay đặt lên đùi và nói: “Ai dà, thực ra bố mẹ chồng muốn đến ở cùng vợ chồng tôi, tôi không đồng ý, chồng tôi nói tôi không quan tâm bố mẹ anh ấy, và anh ấy muốn ly hôn.” Sau khi nói ra những lời này, vị khách cũng cảm thấy thoải mái hơn nhiều, chúng tôi vào chủ đề chính, cùng thảo luận nguyên nhân sâu xa. Cuối cùng, tâm lý vị khách thoải mái hơn rất nhiều, chị ta đứng dậy và hỏi tôi: “Tôi có thể ôm anh không?” Tôi mỉm cười đồng ý, mở rộng vòng tay, chị ta cũng dang hai tay ôm chặt tôi, nói: “Cảm ơn anh, tôi cảm thấy vô cùng ấm áp, tôi không còn là người cô đơn nữa.”

Lời nói của con người không biết chừng có thể lừa người khác, nhưng ngôn ngữ cơ thể lại có thể gỡ bỏ lớp mặt nạ. Trong lần tư vấn này, vị khách từ hoài nghi tới thẳng thắn, cánh tay chị ấy đã cung cấp cho tôi nhiều thông tin, cũng giúp tôi tìm thấy lối vào thế giới nội tâm của chị ấy.

Mở rộng vòng tay, trao cho nhau những cái ôm ấm áp, thế giới này sẽ tràn ngập tình yêu.

Xòe lòng bàn tay bạn ra

Những động tác rất nhỏ của bàn tay cũng phản ánh trạng thái tâm lý của một người khi nói chuyện. Nếu muốn có được sự khen ngợi và chiếm lòng tin của người khác, bạn cần xòe lòng bàn tay ra cho đối phương xem, biểu đạt sự thẳng thắn và đón nhận của bản thân.

Sophie cầm kế hoạch kinh doanh tới tìm giám đốc. Cô ấy dùng bàn tay chỉ nội dung từng điểm, còn cánh tay che khuất nội dung khác. Giám đốc của cô ấy biết rõ động tác tay như vậy có nghĩa là gì, bèn hỏi: “Đối với nội dung này, tôi còn muốn bàn bạc thêm với cô, trước tiên, chúng ta hãy nghe ý kiến của cô đi nhỉ.” Sophie rất ngưỡng mộ giám đốc, vì ông ấy giống cô, còn những điểm chưa ưng ý. Sophie thẳng thắn trình bày ý kiến của bản thân, chứ không giống kiểu ấm ức bày tỏ sự bất mãn. Khi bàn tay Sophie một lần nữa đặt lên bản kế hoạch kinh doanh, nó đã được hướng lên trên và xòe ra.

Khi đọc nguội, chúng ta cần chủ động quan sát đối phương, như thế mới có thể làm chủ cục diện. Trong ví dụ này, lòng bàn tay được mở rộng, bày tỏ sự thẳng thắn của bản thân, đồng ý nói chuyện với đối phương; còn lòng bàn tay hướng xuống dưới để che giấu điều gì đó, chứng tỏ muốn cự tuyệt.

Khi nói chuyện với người khác, bạn thích đặt tay vào đâu? Hãy tưởng tượng nếu đặt tay trên vai đối phương? Bạn có nhớ lại được là đã từng có người làm thế với mình? Nếu như sếp đặt tay lên vai bạn, nhất định bạn sẽ cảm thấy có một luồng sức mạnh đang dâng lên; nếu bạn là nhân viên kinh doanh, tưởng tượng đặt tay lên vai khách hàng để bàn về sản phẩm, “Ồ, anh ấy là đối tác của tôi, có thể đặt tay lên vai anh ấy, đủ thấy quan hệ tốt đến nhường nào,” có cảm giác như vậy còn sợ không bán được hàng sao?

Chúng ta đều biết, khi chú chó làm nũng với chủ nhân sẽ để lộ bộ phận yếu nhất của nó – phần bụng, điều này cho bạn biết quả thực nó không có sự đề phòng, tuyệt đối nghe lời bạn. Tuy con người không tuyệt đối như vậy, nhưng vẫn có thể thông qua tư thế tay để truyền đạt tình cảm.

Điều cần ghi nhớ là, nếu không phải thực sự muốn cự tuyệt hoặc tẩy chay người khác, đừng đưa tay ôm ngực, hoặc giấu tay dưới gầm bàn.

Bài 3: Học được kỹ năng chuyển đổi bộ khung ngôn ngữ

Trong phần trước, chúng ta đã làm sáng tỏ kỹ năng quan sát người khác và tự mình kiểm soát ấn tượng, bắt đầu từ bây giờ, chúng ta sẽ nghiên cứu làm thế nào để tiến hành biểu đạt ngôn ngữ.

Trong ngành nghiên cứu tâm lý học, đã có khá nhiều chuyên gia tầm cỡ tiến hành các nghiên cứu khác nhau liên quan tới kỹ năng biểu đạt ngôn ngữ, ví dụ những kỹ năng như ngôn ngữ NLP (lập trình ngôn ngữ tư duy), chuyển đổi ngôn ngữ... Trong khi Hiroyuki Ishii, người sáng lập ra thuật đọc nguội lại nghiên cứu tương đối ít về những kiến thức kể trên, điều này dẫn tới đại bộ phận những người yêu thích thuật đọc nguội thiếu sự rèn luyện mang tính hệ thống đối với các kỹ năng ngôn ngữ.

Trải nghiệm ngôn ngữ

Thuật đọc nguội nhấn mạnh, khi giao tiếp, chúng ta buộc phải dựa trên lập trường của đối phương để xây dựng một loạt hình ảnh mang tính hiệu quả, dẫn dắt trải nghiệm tâm lý tích cực của đối phương. Nói cách khác, ý nghĩa của tiến hành biểu đạt ngôn ngữ không phụ thuộc vào ý đồ của bản thân chúng ta mà phụ thuộc vào việc có thể khơi gợi đối phương phản hồi ra sao.

Quân đội hai bên đang giao chiến, một tòa thành bị quân địch tấn công vây hãm, tình hình nguy cấp. Tình hình chiến sự ngày càng diễn biến xấu đi, quân đội bảo vệ thành bắt đầu thiếu hụt lương thực và nước uống. Binh sĩ giữ thành được huấn luyện công phu dù chết đói cũng không chịu đầu hàng. Bọn họ quyết định dùng máy bắn đá bắn nốt số lương thực còn sót lại về phía quân địch đang đóng ngoài thành để cười nhạo chúng. Quân địch ngoài thành cũng đang chết đói chết khát, thấy số lương thực từ trên trời rơi xuống, cho rằng quân đội giữ thành lương thảo dồi dào, đến nỗi muốn vứt xuống đây một ít để chế nhạo chúng. Cứ như vậy, những binh sỹ vây hãm thành bỗng chốc vô cùng chán nản, thất vọng, buộc phải từ bỏ kế hoạch tấn công, vội vàng rút đi.

Ví dụ này đã minh chứng một cách hình tượng rằng khi sử dụng ngôn ngữ đọc nguội, chúng ta nên quan tâm tới cảm giác của đối phương hơn nữa, đạt đến trình độ khéo léo thông qua kỹ năng biểu đạt tác động tới niềm tin của người khác. Trong nghiên cứu tâm lý học, kỹ năng này chính là mô thức bộ khung ngôn ngữ trong NPL, thông qua việc chuyển đổi ngôn ngữ để ảnh hưởng, thậm chí thay đổi trải nghiệm ngôn ngữ của một người.

Trong kỹ thuật bộ khung ngôn ngữ kiểu này, lời nói không chỉ miêu tả trải nghiệm tâm lý mà còn thường xuyên thiết kế bộ khung mang tính chỉ dẫn cho trải nghiệm ngôn ngữ. Trong loại hình tổ chức ngôn ngữ này, lời nói sẽ đặt một số cảm thụ trải nghiệm tâm lý vào vị trí nổi bật(3) và làm suy yếu một phần trải nghiệm khác, từ đó tạo dựng sự trải nghiệm.

Ví dụ, chúng ta thường sử dụng một số liên từ như: “tuy nhiên,” “nhưng,” “hơn nữa,”… khi chúng ta tiến hành liên kết suy nghĩ và trải nghiệm bằng những từ ngữ khác nhau, cảm giác thu được là hoàn toàn khác nhau. Chúng ta hãy tổ hợp hai câu văn ngắn “hôm nay chơi rất vui vẻ,” “ngày mai phải đi làm rồi,” trải nghiệm một chút, giống như hình minh họa 2 – 5.

1

Hình 2 – 5: Trải nghiệm sự liên kết bằng những từ ngữ khác nhau

Trong ba mô thức biểu đạt ngôn ngữ kể trên, nếu có người nói: “Hôm nay chơi rất vui vẻ, nhưng ngày mai phải đi làm rồi,” điều này sẽ khiến chúng ta nghĩ nhiều hơn tới việc ngày mai phải đi làm, mà xem nhẹ sự thật hôm nay chơi rất vui. Nếu dùng “hơn nữa” để liên kết, tức: “Hôm nay chơi rất vui vẻ, hơn nữa ngày mai phải đi làm rồi,” mức độ nhấn mạnh hai sự việc sẽ tương đương nhau. Nếu như nói “Hôm nay chơi rất vui vẻ, tuy nhiên ngày mai phải đi làm rồi,” rõ ràng đã nhấn mạnh trải nghiệm tích cực “Hôm nay chơi rất vui vẻ.”

Đây chính là công năng bộ khung của ngôn ngữ. Người biết ăn nói, dù là một chuyện không tốt đẹp gì, cũng biết tận dụng kỹ năng này để miêu tả trải nghiệm tâm lý tích cực cho đối phương, đây cũng là biện pháp thực hiện hiệu quả thuật đọc nguội.

Trong cuộc sống hàng ngày, các loại hình giao tiếp và biểu đạt đa dạng thường kèm theo quá trình thiết lập bộ khung và chuyển đổi bộ khung ngôn ngữ. Ví dụ “Anh đã làm rất tốt, tuy nhiên vẫn còn một số sai sót,” “Anh đã làm rất tốt, hơn nữa vẫn còn một số sai sót,” “Anh đã làm rất tốt, nhưng vẫn còn một số sai sót,” trải nghiệm tâm lý mang đến cho đối tượng giao tiếp cũng giống như sự biến đổi mẫu câu “chơi rất vui vẻ” được miêu tả ở phần trước.

Trong chuyển đổi bộ khung ngôn ngữ, dùng “nhưng” sẽ không ngừng làm tổn thương trải nghiệm tâm lý tích cực. Những chuyên gia đọc nguội ưu tú cố gắng tránh từ này mà sử dụng nhiều hơn các liên từ hoặc từ chuyển tiếp mang tính tích cực. Ví dụ “Bạn nhất định có thể thành công trong việc này, nếu bạn cố gắng hơn nữa.” Thầy Hiroyuki Ishii đã biến cấu trúc câu này thành một dạng mô thức biểu đạt đọc nguội dễ đánh trúng tâm lý đối phương, thường được nhiều thầy bói rởm sử dụng. Lời nói như vậy sở dĩ có thể được đối phương thừa nhận là vì có tính định hướng tích cực, đem đến cho đối tượng giao tiếp sức mạnh to lớn. Nó dùng quan hệ nhân quả liên kết hai trải nghiệm tâm lý “thành công” và “cố gắng.” Tuy “cố gắng” không khiến người ta mong ngóng như vậy, nhưng do đặt “thành công” vào phần trước trải nghiệm, khiến câu văn này mang tính động cơ mạnh mẽ, kích thích chủ nghĩa lý tưởng trong suy nghĩ con người.

Nếu chúng ta chuyển đổi hai mô thức trải nghiệm này thành “Nếu bạn cố gắng hơn nữa, nhất định việc này sẽ thành công.” Ý nghĩa sẽ hoàn toàn khác đi, điều này cho chúng ta biết, khi tổ chức bộ khung ngôn ngữ, nhất định cần đặt trải nghiệm quan trọng vào phần khung quan trọng để dẫn dắt tư duy tích cực trong nội tâm con người, thúc đẩy sự giao lưu tích cực.

Như đã đề cập trong phần trước, trong quá trình thực hiện đọc nguội, chúng ta cần sử dụng thận trọng từ “nhưng,” vì nó sẽ kích thích trải nghiệm tiêu cực. Khi chúng ta đứng trước nhu cầu như vậy, có thể đơn giản sử dụng “tuy nhiên” tiến hành chuyển đổi bộ khung, để dẫn dắt đối tượng giao tiếp quan tâm nhiều hơn tới phương diện tích cực. Ví dụ “Hôm nay, chúng ta có thể ở cùng nhau là niềm hạnh phúc, nhưng ngày mai còn chưa biết ra sao.” Có thể thay đổi thành “Hôm nay, chúng ta có thể ở cùng nhau là niềm hạnh phúc, tuy nhiên ngày mai còn chưa biết ra sao.”

Dùng ngôn ngữ thay đổi trải nghiệm

Trong thuật đọc nguội, biểu đạt ngôn ngữ giống như quan sát nét mặt và tự mình kiểm soát ấn tượng đều là một biện pháp giao tiếp nhằm khiến đối phương tin tưởng mình, từ đó xây dựng mối liên hệ sâu sắc về mặt tâm lý giữa hai bên.

Để học tập tốt hơn kỹ năng ngôn ngữ chuyển đổi bộ khung này, chúng ta hãy trải nghiệm thông qua ví dụ sau:

“Quả thực tôi rất chú tâm rồi, bạn có biết tôi kiên trì bao lâu rồi không? Thế nhưng, ai bảo anh ấy không thích tôi chứ, lại còn luôn khiến tôi tổn thương. Tôi rất đau lòng.”

Đây là lời tự bạch của một cô gái yêu đơn phương. Khi chúng ta đứng trước biểu đạt ngôn ngữ như vậy, những câu trả lời khác nhau sẽ có ảnh hưởng ra sao?

Thông qua việc thay đổi ý đồ, dẫn dắt đối phương

Nếu hy vọng đối phương kiên cường hơn, chúng ta có thể lái câu nói của đối phương tới ý đồ tích cực, để giảm bớt nỗi đau thương của đối phương và chiếm được thiện cảm từ phía họ.

“Khi cảm nhận được nỗi đau thương trong lòng, bạn có thể đọc sách và vẽ tranh để giúp bản thân trở nên kiên cường và xuất sắc hơn.” (Ý đồ tích cực: kiên cường và xuất sắc).

“Bạn có thể tạm thời gác tình cảm này sang một bên, dồn hết tâm trí vào một việc mà bạn thích.” (Ý đồ tích cực: làm một việc mà bạn thích).

Thông qua định nghĩa lại phương hướng, dẫn dắt đối phương

Chúng ta có thể chuyển đổi những từ ngữ tiêu cực mà con người sử dụng trong giao tiếp thành những từ ngữ tích cực có nghĩa gần giống để giảm bớt nỗi đau thương.

“Tôi nghĩ bạn nên thoát khỏi tình cảnh này, tại sao phải khiến bản thân mình trở thành người chịu thiệt thòi cơ chứ!” (chuyển đổi “không thích tôi, luôn khiến tôi tổn thương” thành “không làm người chịu thiệt thòi nữa”).

“Đây là một sự trưởng thành, một quá trình thử thách, thời gian sẽ giúp bạn thay đổi tất cả.” (chuyển đổi “không thích tôi, luôn khiến tôi tổn thương” thành “một sự trưởng thành, một quá trình thử thách”).

Thông qua việc liên hệ với kết quả tích cực, dẫn dắt đối phương

“Tôi nghĩ bạn đã biết rõ đối phương không thích mình, lại luôn khiến bạn tổn thương, chỉ cần bạn kiên trì với lập trường của mình, sau này, bạn sẽ không còn bị tổn thương, cũng có thể khiến bản thân trở nên vui vẻ hơn.” (thông qua việc hiểu rõ tình cảnh hiện nay, giúp bản thân kiên trì với lập trường của mình, không còn bị tổn thương).

Thông qua việc phân loại xuống dưới, dẫn dắt đối phương

Phân loại xuống dưới là mô thức biểu đạt tiến hành phân tích tình cảnh trong ngôn ngữ, nó có thể thúc đẩy chúng ta từng bước phá vỡ trải nghiệm ngôn ngữ ban đầu của đối phương.

“Bạn có thể nghĩ thật kỹ, anh ta bắt đầu không thích bạn từ khi nào, còn nữa, anh ta khiến bạn tổn thương trong hoàn cảnh nào, như vậy có lẽ bạn sẽ tìm ra biện pháp giải quyết.”

Phân giải “không thích” ban đầu thành “không thích từ bao giờ,” “khiến bạn tổn thương” phân giải thành “khiến bạn tổn thương trong hoàn cảnh nào” để giảm nhẹ và ứng phó với cảm xúc đau thương ban đầu.

Ngữ pháp này thường phát huy tác dụng tốt trong đàm phán thương mại hoặc bán hàng.

Khách hàng: “Tôi không thích dòng sản phẩm này lắm.”

Nhân viên bán hàng: “Vậy sao, ngài không thích kiểu dáng hay màu sắc của nó.”

Thông qua phân loại hướng lên, dẫn dắt đối phương

Phân loại hướng lên thông qua việc ám thị một số tình cảnh tương đối lớn, dẫn dắt trải nghiệm tâm lý tích cực hơn so với niềm tin ban đầu của đối phương.

“Đau thương thường đồng nghĩa với việc thức tỉnh, nó sẽ mang lại sức mạnh tiến bước cho tâm hồn. Thế mới nói, nhận thức được nỗi đau khổ trong lòng là khởi đầu của sự thay đổi.” (Trong câu văn trên, chúng ta từng bước phân loại hướng lên “đau thương” thành “thức tỉnh,” “sức mạnh” và “thay đổi.”)

“Đối diện với một tình yêu không trọn vẹn sẽ khiến chúng ta nhận thức rõ bản chất của tình yêu, giúp chúng ta tìm thấy tình yêu chân chính trong tương lai.” (Trong câu văn trên, chúng ta đã từng bước phân loại hướng lên “đau thương” thành “không trọn vẹn,” “nhận thức rõ bản chất,” “tình yêu chân chính.”)

Kỹ thuật chuyển đổi bộ khung ngôn ngữ

Học được kỹ năng biểu đạt ngôn ngữ bộ khung sẽ khiến giao tiếp trở nên hiệu quả hơn, có thể đạt đến trình độ tùy ý điều chỉnh và khống chế trải nghiệm tâm lý của đối tượng giao tiếp, nắm chắc tâm lý đối phương, bởi vì nó sẽ quyết định cảm nhận và chủ đề nào thuộc phạm vi giao tiếp, cảm nhận và chủ đề nào có thể lặng lẽ loại bỏ.

Ngôn ngữ bộ khung chủ yếu dùng để thay đổi quan điểm cố hữu trong suy nghĩ của đối tượng giao tiếp, lồng ghép những quan điểm và trải nghiệm có lợi cho việc liên hệ tình cảm, từ đó xây dựng lòng tin giữa hai bên. Thuật đọc nguội chính là mô thức giao tiếp phát huy tối đa kỹ năng này.

Đổi hướng từ bộ khung vấn đề sang bộ khung kết quả

Khi chúng ta giao tiếp với người khác, thường nói “đừng mải uốn nắn vấn đề mà hãy quan tâm hơn tới việc sẽ thực hiện nó ra sao.” Câu nói này chính là ví dụ điển hình về việc đổi hướng từ bộ khung vấn đề sang bộ khung kết quả. So với “bộ khung vấn đề,” “bộ khung kết quả” phần nhiều xuất phát từ định hướng mang tính xây dựng và cũng dễ được người khác thừa nhận hơn.

Thông thường, bộ khung vấn đề nhấn mạnh những trải nghiệm như “xảy ra vấn đề gì,” “nên tránh điều gì” và “trách nhiệm của ai,” dẫn tới việc mô thức ngôn ngữ này không được yêu thích. Trong khi đó, bộ khung kết quả tập trung vào kết quả và hiệu quả mong đạt được, coi khả năng tích cực trong tương lai là mục tiêu hướng đến, thỏa mãn nhu cầu trải nghiệm trong nội tâm con người và cũng dễ được người khác thừa nhận hơn. Như biểu 2 – 1 minh họa sự chuyển đổi giữa bộ khung vấn đề và bộ khung kết quả.

Biểu 2 – 1: Bộ khung vấn đề và bộ khung kết quả

2

Trong mô thức ngôn ngữ bộ khung kết quả, chuyển đổi câu trần thuật kiểu vấn đề thành câu trần thuật kiểu định hướng mục tiêu, khiến thông tin tiêu cực cũng trở nên tích cực và ôn hòa hơn thông qua chuyển đổi bộ khung.

Trong bối cảnh ngôn ngữ như vậy, bất cứ vấn đề nào cũng có thể chuyển đổi thành cơ hội và thách thức, ví dụ “Tôi thất tình rồi” có thể chuyển đổi thành “Có thể bắt đầu một cuộc tình mới;” “Tôi mắc sai lầm trong công việc” có thể chuyển đổi thành “Công việc của tôi còn có cơ hội thăng tiến tương đối lớn.”

Điều này cho chúng ta biết là cần thường xuyên duy trì ngữ cảnh giao tiếp tích cực, từ đó định hướng cho đối tượng giao tiếp. Tuy rằng trong giao tiếp, chúng ta không thể xóa bỏ tầm quan trọng của vấn đề, nhưng sa đà vào vấn đề dễ kích thích tâm trạng chán nản, ủ dột. Khi chúng ta đặt kết quả và khát vọng vào vị trí trải nghiệm đầu tiên sẽ thôi thúc bản thân tìm được biện pháp giải quyết tốt hơn.

Thay đổi kích thước bộ khung, dẫn dắt trải nghiệm nội tâm

Hồi nhỏ, chúng ta thường cãi nhau với bạn vì những chuyện nhỏ nhặt, nhưng bây giờ nghĩ lại, thấy có một số trải nghiệm tốt đẹp. Đó là vì đặt những chuyện thời thơ ấu vào trường đoạn thời gian hiện nay, thông qua thay đổi kích thước bộ khung thời gian, làm loãng trải nghiệm về mặt không tốt của sự việc.

Trước khi chuyển đổi bộ khung: “Ngán tận cổ rồi, ngày nào tôi cũng gặp phải những con người và sự việc như vậy.”

Sau khi kéo dài bộ khung: “Thực ra cũng không có gì, sự đày đọa bây giờ, chờ vài năm sau sẽ thành gia tài lớn.”

Trước khi chuyển đổi bộ khung: “Quả thực tôi rất chú tâm rồi, bạn biết tôi theo đuổi lâu rồi không? Thế nhưng, ai bảo anh ta không thích tôi chứ, lại luôn khiến tôi tổn thương. Tôi rất đau lòng.”

Sau khi kéo dài bộ khung: “Chỉ cần thời cơ đến, gặp một người khác, cũng có thể dần quên đi người mà mình từng yêu si mê, say đắm.”(4)

Có một số nhân viên bán hàng trong quá trình tiêu thụ sản phẩm, thường thông qua chuyển đổi kích thước bộ khung, tác động tới khả năng phán đoán của khách hàng để đạt mục đích hoàn tất việc giao dịch.

Một cặp vợ chồng cùng đi xem nhà, bà vợ ưng một căn hộ nghỉ dưỡng, nhưng ông chồng chê đắt.

Nhân viên bán hàng lịch sự hỏi: “Xin thưa, ngài ở bên đó được bao lâu rồi ạ?”

“Ít nhất cũng hơn 30 năm rồi, tôi thì muốn sống nốt quãng đời còn lại ở đó.”

“Được, số tiền ngài có là 200 nghìn đô-la, trong khi giá của căn hộ này là 380 nghìn đô-la. Như vậy, nếu dùng mức giá chênh lệch 180 nghìn đô-la trước đó chia cho 30, mỗi năm cần bao nhiêu tiền vậy?”

“Sáu nghìn đô-la.”

“Tiếp tục chia cho 12 tháng thì sao ạ?”

“Năm trăm đô-la.”

“Một tháng năm trăm đô-la, vậy một ngày cần bao nhiêu tiền?”

“Nếu như vậy thì, mười bảy đô-la.”

“Ngài bằng lòng bỏ ra mười bảy đô-la mỗi ngày để có một người vợ lạc quan vui vẻ, hay là tiết kiệm chút tiền này để ngày ngày phải đối diện với một bà vợ buồn rầu, u uất.”

“Dĩ nhiên là vế thứ nhất.” Khách hàng vui vẻ trả lời.

Thay đổi tình cảnh hoặc ý nghĩa, dẫn dắt trải nghiệm nội tâm

Chúng ta hãy lĩnh hội những lời răn của Phật chứa đựng trí tuệ cuộc sống, tìm hiểu mô thức ngôn ngữ trong bộ khung tình cảnh này:

Có người hỏi: “Tại sao trên thế gian có nhiều chuyện đáng tiếc như vậy?”

Phật đáp: “Nếu không có sự tiếc nuối, thì dù con có nhiều hạnh phúc hơn nữa cũng chẳng thể cảm thấy vui vẻ.”

Có người hỏi: “Tại sao tuyết luôn rơi khi con cảm thấy đau thương nhất.”

Phật đáp: “Mùa đông tức là quá khứ, lưu lại chút ký ức.”

Người đó lại hỏi: “Tại sao mỗi lần tuyết rơi đều vào những đêm con không để ý?”

Phật đáp: “Khi lơ là, con người luôn bỏ lỡ rất nhiều điều tốt đẹp thật sự.”

Người đó hỏi tiếp: “Vậy vài ngày sau liệu tuyết còn rơi nữa không.”

Phật đáp: “Đừng chỉ nhăm nhăm vào một mùa như vậy, bỏ lỡ mùa đông năm nay, sang năm mới biết trân trọng.”

Một sự việc có thể xem xét từ hai khía cạnh, thông qua việc thay đổi tình cảnh hoặc ý nghĩa có thể dẫn dắt rất tốt đối phương, khiến đối phương nảy sinh trải nghiệm ngôn ngữ tích cực. Ví dụ “trẻ con nghịch ngợm, bướng bỉnh” có thể chuyển thành “trẻ con hoạt bát, đáng yêu;” “khó chịu vì bạn gái rỗi việc gọi điện theo dõi”, có thể chuyển thành “có một cô gái luôn quan tâm bạn từng giờ từng phút, lo nghĩ cho bạn là niềm hạnh phúc.”

Chuyển phê bình thành quan tâm, dẫn dắt trải nghiệm tích cực

Các chuyên gia giáo dục từng nói, phê bình chỉ khiến bọn trẻ không hư thêm, chứ không có tác dụng khiến chúng ngoan lên. Quy luật này vẫn thích hợp đối với thế giới người lớn. Trong quá trình thực hiện đọc nguội, cố gắng không dùng những từ ngữ mang tính phê bình mà chuyển thành câu hỏi thể hiện sự quan tâm, như thế sẽ khiến đối phương xuất hiện trải nghiệm cảm xúc tích cực. Như biểu 2 – 2 thể hiện sự chuyển đổi giữa biểu đạt kiểu phê bình với câu hỏi thể hiện sự quan tâm.

Biểu 2 – 2: Phê bình chuyển thành quan tâm

3

Chuyển bộ khung bất khả thi thành bộ khung “giống như”

Kỹ năng chuyển đổi bộ khung “giống như” là thể hiện trải nghiệm chưa được thực hiện thành trải nghiệm “giống như” đã được thực hiện.

“Bạn có thể thử thực hiện theo phương pháp này, trong đầu tưởng tượng như thể nó đã được thực hiện thành công.”

“Bạn có thể xem xét vấn đề này bằng thái độ cảm thông, như thể trước đây hai người chưa từng xảy ra tranh chấp.”

“Bạn có thể tưởng tượng người lạ đứng trước mặt mình là bạn cũ lâu năm chưa gặp và nói chuyện với họ.”

Mô thức bộ khung “giống như” đóng vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình thực hiện đọc nguội. Thầy Ishii nhấn mạnh, trong quá trình thực hiện đọc nguội, cần coi đối phương là người độc nhất vô nhị, cảm thấy hân hoan trước mọi thứ thuộc về đối phương. Đây là sự trải nghiệm bộ khung “giống như” trong tình cảnh.

Hình thức chuyển đổi đơn giản mà hiệu quả

Tiêu chuẩn đọc nguội thành công là khiến đối phương tin tưởng tuyệt đối vào những điều mình nói, nhanh chóng chiếm được lòng tin của người khác. Để làm được điều này, chúng ta buộc phải sử dụng những kỹ thuật bộ khung ngôn ngữ khác nhau, cấy ghép vào bộ não đối phương trải nghiệm cảm xúc tích cực, phá vỡ bức tường ngăn cách giữa hai tâm hồn.

Robert Dilts, chuyên gia NLP đẳng cấp quốc tế từng tiến hành nghiên cứu và quy nạp một cách có hệ thống mô thức giao tiếp này. Trong nội dung phần trước, tôi đã giới thiệu một số kỹ năng chuyển đổi bộ khung. Để giới thiệu hoàn chỉnh hơn những kỹ năng ngôn ngữ này, phần dưới đây là sự chắt lọc các kỹ thuật chuyển đổi bộ khung khác có liên quan tương đối chặt chẽ tới việc thực hiện thuật đọc nguội để mọi người tham khảo.

Hướng suy nghĩ con người tới mục tiêu tích cực

Trong giao tiếp, điều con người quan tâm nhất chính là bản thân họ. Bằng kỹ năng hoán vị, chúng ta có thể tác động tới niềm tin và ý thức của người khác. Trong quá trình này, chúng ta buộc phải thông qua kỹ năng chuyển đổi bộ khung ngôn ngữ hướng sự chú ý của đối phương tới những mục tiêu và trải nghiệm thành công đằng sau ý niệm tiêu cực.

Trước khi chuyển đổi bộ khung: “Tôi đã kiên trì quan niệm giá trị này được mười năm rồi, bây giờ rất khó thay đổi.”

Bộ khung ngôn ngữ này có thể biểu đạt bằng hình vẽ, như minh họa tại hình 2 – 6:

4

Hình 2 – 6: Trải nghiệm tâm lý trước khi chuyển đổi bộ khung

Chuyển đổi bộ khung 1: “Rất vui mừng khi nghe anh đánh giá chân thực, khách quan về bản thân như vậy.” (“rất khó thay đổi” chuyển thành thái độ “chân thực, khách quan” với ý tích cực).

Chuyển đổi bộ khung 2: “Giữ nhận thức tích cực đối với việc thay đổi quan niệm giá trị là điều rất quan trọng. Trên thực tế, điều chúng ta cần biết rõ là phải làm gì để thay đổi quan niệm giá trị này.” (tiếp tục chuyển đổi trải nghiệm ở phần trước thành ý đồ tốt “nhận thức tích cực”).

Chúng ta hãy tiến hành giải thích hai loại hình trải nghiệm tâm lý chuyển đổi bộ khung bằng hình vẽ, như minh họa tại hình 2 – 7.

5

Hình 2 – 7: Trải nghiệm tâm lý sau khi chuyển đổi bộ khung

Trong mô thức bộ khung ngôn ngữ này, ví dụ “Tôi đã duy trì tình cảm này lâu như vậy, bây giờ quả thực rất khó dứt bỏ” có thể chuyển thành “Điều đáng vui mừng là, anh có thể tôn trọng cảm giác trong lòng, giữ lòng tin khiến người khác khâm phục trong chuyện tình cảm,” “Đối với chuyện tình yêu, giữ thái độ chân thành, trung thực với lòng mình rất đáng quý. Chính vì vậy, chúng ta có thể nghĩ rốt cục nên làm thế nào mới có thể giúp bản thân không đắm chìm trong phiền não.”

Định nghĩa lại, hướng tới trải nghiệm tích cực

Phương pháp thứ hai để chuyển đổi bộ khung ngôn ngữ có thể được hoàn thành thông qua việc định nghĩa lại một số từ khóa, dùng những từ có ý nghĩa gần giống nhưng mang tính tích cực hơn để thay thế cho những từ mang tính tiêu cực ban đầu.

Trước khi chuyển đổi bộ khung: “Tôi đã duy trì tình cảm này lâu như vậy, bây giờ quả thực rất khó dứt bỏ.”

Chuyển đổi bộ khung 1: “Đúng vậy, đối với một số việc mà anh giữ chặt không muốn buông tay, có thể thử thách thức bản thân rời bỏ nó.”

“Duy trì lâu như vậy” chuyển thành “giữ chặt không muốn buông tay.”

“Rất khó dứt bỏ” chuyển thành “thử thách thức bản thân rời bỏ nó.”

Chuyển đổi bộ khung 2: “Tôi hiểu muốn thay đổi tình trạng mối quan hệ trong một thời gian ngắn luôn khiến bản thân suy tính thiệt hơn.”

“Tình cảm” chuyển thành “tình trạng mối quan hệ.”

“Rất khó dứt bỏ” chuyển thành “muốn thay đổi.... luôn suy tính thiệt hơn.”

Trải nghiệm tâm lý của chuyển đổi bộ khung giống như minh họa tại hình 2 – 8.

6

Hình 2 – 8: Trải nghiệm tâm lý của chuyển đổi bộ khung

Bằng việc so sánh dẫn dắt đối tượng giao tiếp nhận thức lại

Đây cũng là một phương pháp đi từ con đường nhỏ tới nơi tươi sáng. Trong quá trình thực hiện đọc nguội, nếu vận dụng thành thục kỹ năng chuyển đổi bộ khung này, chúng ta không những có thể tạo dựng bầu không khí tích cực mà còn có thể thể hiện khiếu hài hước của bản thân.

Trước khi chuyển đổi bộ khung: “Tôi đã duy trì tình cảm này lâu như vậy, bây giờ quả thực rất khó từ bỏ.”

Chuyển đổi bộ khung 1: “Tình yêu chỉ theo ý mình giống như môn chạy marathon, chạy càng lâu càng mệt mỏi, cuối cùng vẫn phải đối diện với đích đến.”

Chuyển đổi bộ khung 2: “Nếu tình yêu bị người khác xem nhẹ như làn gió thoảng, vậy cho dù bạn có đủ tự tin, điều thu được cuối cùng chỉ là sự nản chí.”

Tiến hành chuyển hóa kết quả, thu được trải nghiệm hoàn toàn mới

“Lục Tổ đàn kinh” ghi lại chuyện luận đàm giữa pháp sư Tuệ Năng (vị tổ đời thứ sáu của Thiền tông) với hai nhà sư: Khi đang giảng kinh, gió thổi làm cờ Phật khẽ phất phơ. Một nhà sư nói, gió thổi; nhà sư còn lại nói, cờ bay. Hai nhà sư tranh luận gay gắt. Pháp sư Tuệ Năng đứng ra phân giải, nói đó là do cái tâm của hai ngươi đang động.

Trong quá trình thực hiện đọc nguội, chúng ta cũng có thể thông qua phương pháp này để thay đổi trải nghiệm tâm lý của đối tượng giao tiếp.

Trước khi chuyển đổi bộ khung: “Tôi đã kiên trì quan niệm giá trị này được mười năm rồi, bây giờ rất khó thay đổi.”

Chuyển đổi bộ khung 1: “Không cần thay đổi quan niệm giá trị của bạn, chỉ có điều nên đổi mới nó cho hợp với thời cuộc mà thôi.”

Chuyển đổi bộ khung 2: “Vấn đề chẳng phải cần hay không cần thay đổi quan niệm giá trị mà là quan niệm giá trị của bạn và con người bạn trên thực tế có thống nhất với nhau hay không?”

Về vấn đề kỹ năng chuyển đổi bộ khung ngôn ngữ và chuyển hóa kết quả nhằm thay đổi thế giới quan. Robert Dilts cũng có những cách làm tuyệt vời, tuy khác biệt nhưng đều phát huy hiệu quả như nhau.

Trước khi chuyển đổi bộ khung: “Tôi kiên trì quan niệm giá trị này được mười năm rồi, bây giờ rất khó thay đổi.”

Chuyển đổi bộ khung: “Con người đều trưởng thành từ sự khổ đau, hãy thử nghĩ xem, sau khi cố gắng thay đổi, anh sẽ trở thành một người hoàn toàn mới.”

Xem xét lại từ đầu, xây dựng trải nghiệm mới

Xem xét lại sự thật mà nội tâm cảm nhận được, rút ra sự thật từ góc độ vượt qua bản thân để xây dựng niềm tin mới cho đối tượng giao tiếp.

Trước khi chuyển đổi bộ khung: “Tôi không tin tưởng anh, hơn nữa, chúng ta cũng không hề thân thiết.”

Sau khi chuyển đổi bộ khung: “Khi muốn trò chuyện thoải mái với một người xa lạ, bạn sợ nhất điều gì, điều gì khiến bạn tỏ ra thiếu tự tin như vậy?”

Phá vỡ bộ khung, xây dựng nhận thức hoàn toàn mới

Giao tiếp giữa con người với nhau, cái gọi là giới hạn tâm lý chỉ là vì hai người xa lạ, không có tiếng nói chung. Nếu như trong quá trình giao tiếp, chúng ta có thể vượt qua bộ khung ban đầu, xây dựng nhận thức mới cho đối phương, quan hệ giữa hai người tự khắc sẽ được nâng lên tầm cao mới.

Trước khi chuyển đổi bộ khung: “Tâm trạng của tôi hiện nay tốt hay xấu cũng không liên quan gì tới anh, tôi dựa vào đâu để tin rằng anh sẽ giúp tôi trở nên vui vẻ?”

Sau khi chuyển đổi bộ khung: “Có lẽ em rất muốn thay đổi tâm trạng hiện nay, trải nghiệm cảm giác trời biển mênh mông, chỉ có điều thiếu mất một người đẹp trai phong độ nhất vũ trụ như anh cùng em trò chuyện mà thôi.”

Trong giao tiếp xã hội, phương pháp biểu đạt phá vỡ bộ khung có thể nhanh chóng giúp hai bên tìm được tiếng nói chung.

Học sinh A tới trường làm thủ tục nhập học, bố mẹ cậu ta đi cùng. Trong khi đó, bạn cùng phòng với cậu ta đi một mình, tự trải giường nằm bên cạnh. Học sinh A rất khâm phục người bạn cùng phòng, khâm phục bố mẹ cậu ấy có thể để con mình độc lập như vậy, cảm thấy vô cùng xấu hổ. Khi cậu ta nói ra suy nghĩ như vậy với đối phương, người bạn cùng phòng đáp: “Bạn ngưỡng mộ tôi độc lập, còn tôi thì ngưỡng mộ gia đình bạn thật đầm ấm.”

Câu trả lời của người bạn cùng phòng đã phá vỡ bộ khung ngôn ngữ ban đầu, đem đến trải nghiệm hoàn toàn mới cho đối tượng giao tiếp.

Bài 4: Một câu nói đánh trúng tâm lý đối phương

Thuật đọc nguội thực sự có hiệu quả ở chỗ một câu nói đánh trúng tâm lý đối phương và xây dựng được mối liên hệ tâm lý tin tưởng lẫn nhau trong nháy mắt. Kỹ năng quan sát, kỹ năng thể hiện, kỹ năng bộ khung ngôn ngữ mà chúng ta rèn luyện trong phần trước đều phục vụ cho mục tiêu này và tiếp tục tăng cường quan hệ lòng tin giữa hai bên.

Bí mật của chủ đề trò chuyện chiếu lệ

Có một số câu nói rất chung chung, dường như áp dụng vào trường hợp nào cũng chuẩn xác, thế nhưng đối phương có thể bị dẫn dắt, cho rằng câu nói đó đánh trúng suy nghĩ của anh ta. Xét từ kỹ năng bộ khung ngôn ngữ, không gian bộ khung ngôn ngữ như vậy đủ lớn, vì vậy, trải nghiệm mà nó khơi gợi có thể bao gồm tâm lý của tuyệt đại bộ phận con người.

“Bạn từng có một mối tình khiến mình vô cùng vương vấn chứ?”

Câu nói này có thể đều đúng khi áp dụng với mỗi cá nhân trong cuộc sống. Một mối tình, có thể là tình yêu, tình bạn, cũng có thể là tình đơn phương. Tóm lại, trong quá trình trưởng thành của mỗi người, dù ít dù nhiều đều trải qua những chuyện như vậy.

Chính vì vậy, khi chúng ta trò chuyện với đối phương, nếu nhắc tới những chủ đề trò chuyện như vậy, chắc chắn đối phương sẽ cảm thấy bạn nói trúng suy nghĩ anh ta, từ đó nhìn bạn bằng con mắt khác. Kiểu chủ đề trò chuyện có thể đúng với tất cả mọi người như vậy trong thuật đọc nguội được gọi là “chủ đề trò chuyện chiếu lệ.” Khi thực hiện chủ đề trò chuyện chiếu lệ, buộc phải thêm vào những kỹ năng đã được giới thiệu trong phần trước như quan sát nét mặt, kiểm soát ấn tượng, đạt đến trình độ lấy sự giả dối che lấp sự thật.

Khi thiết kế chủ đề trò chuyện chiếu lệ, buộc phải nhắm vào từng nhóm người khác nhau, dựa vào những đặc trưng như: tính cách, thân phận, địa vị xã hội, nghề nghiệp,… để vận dụng linh hoạt.

Đứng trước người cao tuổi, hãy nói như sau:

Điều người già quan tâm thường là con cháu, nghỉ ngơi, hoạt động tại khu dân cư, câu cá... Khi nói chuyện với các cụ, chúng ta có thể tìm kiếm chủ đề từ một số phương diện như:

“Con trai bác coi như đã có chút thành tựu, hồi bé cậu ta rất nghịch ngợm phải không ạ?”

“Hiện nay, bác sống rất an nhàn, trước đây, bác cũng từng trải qua không ít khó khăn, phải không ạ?”

Đứng trước đàn ông tuổi trung niên, hãy nói như sau:

Đàn ông tuổi trung niên, sự nghiệp đang ở thời kỳ nở rộ, nhưng cũng chịu gánh nặng gia đình, do đó, họ sẽ dành nhiều sự quan tâm tới các chủ đề như con cái, gia đình, sự nghiệp, tin tức thời sự nổi bật,...

“Anh rất say mê với sự nghiệp của mình, đôi khi cũng cảm thấy lo lắng cho con cái.”

“Tuy sự nghiệp hiện nay của ngài thành công rực rỡ, nhưng cũng gặp không ít trở ngại đúng không ạ?”

Đứng trước phụ nữ tuổi trung niên, hãy nói như sau:

Đối với đa số phụ nữ tuổi trung niên, họ thường quan tâm những vấn đề như con cái, gia đình, thời trang, điện ảnh, mỹ phẩm, quan hệ xã hội,... Khi giao tiếp, lựa chọn những chủ đề gặp mặt sau đây có thể kích thích nhiệt tình trò chuyện của họ:

“Con trai chị rất có triển vọng, hồi bé cu cậu chắc cũng nghịch ngợm phải biết nhỉ?”

“Bộ cánh này của chị thật đẹp, trong tủ quần áo còn nhiều bộ đẹp hơn thế này đúng không?”

Đứng trước nam thanh niên, hãy nói như sau:

Nam giới độ tuổi thanh niên tràn đầy sức sống, rất năng nổ, say mê các hoạt động vui chơi giải trí. Họ thích quan tâm tới những thông tin như kết bạn, thể thao, điện ảnh, du lịch,...

“Anh rất quan tâm bạn bè, nhưng đôi lúc cũng có sự hiểu lầm, đúng vậy không?”

“Anh rất tích cực, có chí tiến thủ, đôi lúc lại cảm thấy bản thân chưa thật sự cố gắng?”

Đứng trước nữ thanh niên, hãy nói như sau:

Con gái tuổi thanh niên ngoài việc giỏi phát hiện nét đẹp trong cuộc sống và theo đuổi phương pháp sống nhàn nhã, còn có hướng phấn đấu, chí tiến thủ khá mạnh mẽ, do đó, họ dành nhiều sự quan tâm cho những chủ đề như dạo phố, mua sắm, làm đẹp, ăn mặc, nghỉ ngơi dưỡng sức,... Bắt đầu từ những chủ đề như vậy luôn có thể kích thích sự hứng thú rất lớn của họ:

“Bạn rất muốn đi dạo phố, nhưng trong lòng lại cảm thấy bản thân nên nghỉ ngơi dưỡng sức, phải vậy không?”

“Bạn xinh đẹp như vậy mà vẫn chăm chỉ trang điểm trước khi ra khỏi nhà sao?”

Đứng trước nam thiếu niên, hãy nói như sau:

Đối với nam giới độ tuổi thiếu niên, theo đuổi xu hướng thời thượng, yêu thích sự mạo hiểm là bản tính của họ. Chủ đề họ quan tâm phần nhiều là nữ diễn viên, điện ảnh, liveshow ca nhạc, khám phá, làm đỏm,... Đưa những chủ đề như vậy vào câu chuyện, sẽ giảm bớt hành vi phản đối và ánh mắt thiếu thiện cảm của họ.

“Kiểu tóc mới của cậu rất sành điệu, chỉ có điều thường xuyên bị người nhà phản đối đúng không?”

“Luôn muốn khám phá, nhưng lại cảm thấy sợ hãi trước thế giới lạ lẫm bên ngoài, đúng không?”

Đứng trước các thiếu nữ, hãy nói như sau:

Thiếu nữ tuổi thanh xuân vốn yêu cái đẹp, sùng bái thần tượng, thích xem các chương trình giải trí. Điều họ quan tâm là thời trang, làm đẹp, nam diễn viên, điện ảnh, phim truyền hình,... Đưa những chủ đề như vậy vào cuộc trò chuyện sẽ kích thích tính tích cực tham gia giao tiếp của họ.

“Mỗi lần nhìn thấy quần áo mới đều muốn mua, nhưng lại sợ chi tiêu quá đà, cảm giác đó thật kỳ lạ phải không?”

“Cho dù thường ngày bố mẹ quản rất chặt, nhưng vẫn thường xuyên xem trộm phim Hàn Quốc ở nhà đúng không?”

Hiệu ứng Barnum được nhắc tới khi mới bắt đầu cuốn sách chính là sức hấp dẫn của chủ đề trò chuyện chiếu lệ. Nếu như bạn không biết bắt đầu câu nói đầu tiên ra sao, thì đây là một thử nghiệm không tồi.

Những câu nói đơn giản như vậy tại sao lại có sức mạnh đánh lừa đối phương? Từ hiệu ứng Barnum có thể biết, khi nói chuyện, con người sẽ thể hiện ba đặc trưng dưới đây, và đây cũng là nguyên do vì sao “chủ đề trò chuyện chiếu lệ” có thể mượn chủ đề để phát biểu chính kiến.

* Nguyên lý cụ thể hóa

Người ta thường thiên về việc chuyển hóa những ngôn ngữ và thông tin khái quát hóa thành ví dụ thực tế cụ thể để lý giải. Ví dụ, khi nghe đối phương nói, trên một số phương diện bạn quá nghiêm khắc với bản thân, bạn sẽ vắt óc suy nghĩ để tìm ra một số vấn đề mình quá nghiêm khắc với bản thân nhằm “cụ thể hóa” nhận xét trên.

* Nguyên lý Gestalt

Con người thường cảm thấy không thoải mái trước trạng thái không hoàn chỉnh, không rõ ràng, đồng thời tính toán bổ sung và hoàn chỉnh nó.

Đứng trước vấn đề “Đôi khi bạn sẽ có cách nghĩ không thực tế cho lắm,” khi bạn định trả lời, đã kịp cân nhắc và bổ sung cách nghĩ không thực tế đó, để hoàn thành quá trình giao tiếp này.

* Nguyên lý chủ quan

Con người có xu hướng áp đặt những điều người khác nói vào bản thân mình.

Đối với một số chủ đề, cho dù đối phương quả thực không muốn rơi vào “cái bẫy” như vậy, cho rằng sự miêu tả đó không liên quan gì tới bản thân mà đang nói về người khác, nhưng khi nghe những lời như vậy, anh ta chẳng cầm lòng được đã áp đặt vào bản thân.

Thầy bói nói như vậy

Tại sao có rất nhiều người tin tưởng thầy bói, hơn nữa còn cho rằng bọn họ quả thực nói rất chính xác? Bởi vì thầy bói sau khi chiếm được lòng tin của chúng ta mới bắt đầu thực hiện trò lừa gạt. Loại hình tâm lý này có thể quy về:

Vì chúng ta tin những điều thầy bói nói là chính xác, nên những lời ông ta nói là chính xác.

Tại sao lại nói như vậy? Trong mục “bí mật của thầy bói” trong phần trước đã từng nói, nhiều khi thầy bói chỉ gơi khợi những tiếng nói từ trong sâu thẳm tâm hồn chúng ta. Hay nói rõ hơn, trước khi chúng ta đi xem bói, luôn nghe thấy một số người nói “thầy này phán rất chuẩn,” “ông ấy quả thực đã phán đúng chuyện nọ chuyện kia của tôi,” điều này đã giả thiết sẵn một trải nghiệm trong tâm lý chúng ta bị cuốn vào tình cảnh của đối phương. Dưới ánh hào quang như vậy, khi chúng ta xin sự giúp đỡ của đối phương, sẽ tích cực phối hợp với đối phương để hoàn thiện những điều ông ta nói.

“Gần đây có phải anh lo lắng chuyện gì nên mới phân tâm như vậy?”

“Không, tôi vừa giải quyết thành công một khó khăn kỹ thuật, còn được công ty trao thưởng nữa!”

“À, vậy sao? Có lẽ anh đã lơ là một số việc, vì quá chuyên tâm giải quyết khó khăn trên.”

“Lơ là?” (Dáng vẻ trầm ngâm suy nghĩ)

“Gần đây có bị người nhà than phiền không, nói anh không đoái hoài gì tới chuyện gia đình chẳng hạn?”

“Hình như là không, người nhà rất ủng hộ tôi!”

“Có lẽ còn một số việc anh chưa phát hiện ra?”

“Nếu ông nói như vậy, hình như tôi nhớ ra mấy hôm trước bà xã đã lặng lẽ lau nước mắt khi tôi ngủ, lẽ nào vì chuyện này sao?”

“Đúng rồi, chắc chắn anh đã lơ là một số chuyện!”

Thầy bói cứ từng bước, từng bước gợi mở để bạn tự nói ra như vậy và còn khiến bạn tin tưởng tuyệt đối. Trong tình huống giao tiếp từng bước tiến sâu này, “cách hỏi thăm uyển chuyển” chính là công cụ thường dùng. “Cách hỏi thăm uyển chuyển” chỉ việc trong câu hỏi ẩn giấu ngữ khí thăm dò, giả vờ rằng bản thân mình đã hiểu rõ tình hình của người đi xem bói, từ đó giao tiếp với đối phương bằng phương pháp gần gũi, mềm mại.

“Anh rút được quẻ như vậy, phải chăng đã nhớ ra điều gì?”

“Trên quẻ bói ám thị anh “luôn tự đấu tranh với lòng mình,” anh có thể nhớ lại một sự việc nào đó luôn ám ảnh mình không?”

“Bộ bài Tarot này ám thị anh mang vận... có nghĩa gần đây anh xảy ra chuyện gì phải không?”

Khi đọc được những câu như thế, bạn sẽ quên mất định hướng của nó rất chung chung, ngược lại cảm thấy vô cùng thân thiết, từ đó nói ra bí mật trong lòng. Khi thầy bói phán “anh luôn tự đấu tranh với lòng mình,” nếu đang mâu thuẫn với bạn gái, có thể bạn sẽ buột miệng: “Tôi đang cân nhắc có nên chia tay bạn gái hay không?” vậy là thầy bói đã hoàn thành một lần coi bói thần kỳ.

Trên thực tế, không chỉ riêng thầy bói, trong cuộc sống, chúng ta cũng có thể dựa vào phương pháp biểu đạt này để tìm hiểu thông tin về đối tượng giao tiếp, từ đó cùng đối phương xây dựng mối liên hệ tâm lý sâu sắc hơn. Những mẫu câu hỏi tương tự như dưới đây:

“Sao lại trở nên ... như vậy?”

“Vấn đề.... anh biết nó có nghĩa gì không?”

“Việc... chỉ điều gì vậy?”

“Anh hiểu rõ nó có nghĩa gì?”

“Việc... đúng hay không?”

“Nhắc tới ý nghĩa của việc ... trong cuộc sống của bạn?”

Câu hỏi phủ định có thể sử dụng

Trong kỹ năng thuật đọc nguội, có một phương pháp nêu câu hỏi kiểu phủ định, bất luận nói đúng hay không đều có thể hiểu là nói đúng.

“Lẽ nào (nghiêng đầu ra vẻ suy nghĩ) chưa ai nói em rất giống một đóa hoa hồng có gai?”

“Ồ, chưa có ai cả, tại sao, em rất hiền lành, sao lại “có gai” nhỉ?”

“Anh vừa nhìn đã biết em rất hiền lành, anh đâu có nói em là người không thể tiếp cận mà chỉ nói trong lòng em muốn tự bảo vệ bản thân.”

“Ồ, cũng đúng.”

Khi chúng ta muốn hiểu rõ về đối phương, nhưng lại không biết anh ta rốt cuộc là người như thế nào, dùng câu hỏi phủ định làm chủ đề trò chuyện chiếu lệ là một biện pháp tuyệt vời. Khi đối phương cảm thấy bất ngờ, đồng thời chủ động giải thích nội dung còn thiếu trong câu hỏi phủ định, chắc chắn họ đã rơi vào bẫy.

Trong công việc, chúng ta cũng có thể hỏi như vậy:

“Giám đốc X gần đây chẳng phải bôn ba công tác khắp nơi vì công ty sao?”

“Đúng vậy, nếu chỉ phải chạy đôn chạy đáo khắp nơi đã đành, đằng này tôi còn phải quay về công ty để tuyển nhân viên.”

“Ồ, ra thế, quả thực ngài đã dốc hết tâm huyết vì công ty? Vừa khéo chúng tôi cũng làm công tác phân phối nguồn nhân lực, ngài xem chúng ta có thể hợp tác với nhau hay không, chúng tôi sẽ giúp ngài tuyển chọn một số nhân viên phù hợp.

Nhân viên kinh doanh chỉ khi nào biết rõ nhu cầu của khách hàng mới có thể tiếp tục triển khai chiến thuật marketing. Khi mới gặp đối phương lần đầu, có thể dùng câu hỏi phủ định như vậy để tìm hiểu thông tin, sau đó tiếp tục thực hiện sách lược marketing, khiến đối phương không thể cảm nhận được bạn đang chào bán sản phẩm mà như thể ta đang tâm sự với họ.

Chỉ cần giỏi biến đổi, câu hỏi phủ định dạng này có thể dùng trong mọi hoàn cảnh giao tiếp, hơn nữa thử lần nào cũng đúng.

A: “Gần đây, quan hệ của anh với mọi người không phát sinh vấn đề gì chứ?”

B: “À, vẫn tốt. Chỉ có điều hơi hục hặc với bố mẹ.”

A: “Bố mẹ luôn hết lòng vì con cái, tuy nhiên đôi khi chưa chắc đã đúng, thậm chí còn cản trở sự phát triển của con cái.”

B: “Đúng vậy, tôi không muốn làm việc tại thành phố nơi bố mẹ tôi đang sinh sống, vì làm như vậy tôi sẽ ỷ lại, nhưng họ cương quyết giữ tôi lại.”

A: “Tôi nghĩ anh hiếm khi rời xa người thân và sống độc lập phải không?”

B: “Đúng vậy, sao anh biết, thậm chí hồi đại học tôi còn chọn trường ở tỉnh để thường xuyên về nhà.”

A: “Chính vì vậy, điều đó mới khiến anh buồn phiền, trong lòng anh muốn thay đổi, thực ra bản thân anh có thể quyết định, điều khiến anh do dự thực ra là nỗi sợ hãi.”

B: “Thực ra, tôi cũng biết lời nói của bố mẹ không đóng vai trò quyết định, bản thân tôi mới là người quyết định cuối cùng.”

Bắt đầu từ câu hỏi phủ định, tránh khả năng nói sai, đợi sau khi đối phương đưa ra câu trả lời khẳng định, tiếp tục với chủ đề trò chuyện chiếu lệ, như vậy dễ dàng gợi mở nỗi lòng đối phương.

Tỷ lệ nói không trúng bằng “không”

Vấn đề phủ định, trong câu nghi vấn có công năng bộ khung kép, khiến cho trong quá trình giao tiếp, chúng ta có thể nói trúng tâm lý đối phương với khả năng cao nhất. Dưới đây, chúng ta có thể dựa vào “Xem ra anh rất mệt mỏi, có phải bị ốm rồi không?” để lý giải kết cấu bộ khung của mẫu câu này, như minh họa tại hình 2 – 9.

7

Hình 2 – 9: Công năng bộ khung khép của vấn đề phủ định trong câu nghi vấn

Trong bộ khung ngôn ngữ này, nếu “bị ốm” là trải nghiệm tích cực, vậy “có phải bị ốm rồi không” là trải nghiệm tiêu cực của nó, tổ hợp hai mặt tích cực và tiêu cực chúng ta sẽ thu được mô thức câu hỏi phủ định cuối cùng, cũng có tính bao quát.

............ chẳng phải sao?

Chẳng phải bạn bè thường nói anh.....?

Anh không có.... chẳng phải.....?

Nếu như vậy... không phải...?

Anh sẽ không lo lắng quá nhiều vì việc... chứ?

Những câu hỏi phủ định hoặc nghi vấn kiểu như vậy dùng trong cuộc sống và công việc hàng ngày, có thể cùng đối phương xây dựng tình huống giao tiếp tốt đẹp một cách tự nhiên.

“Xem ra anh rất mệt mỏi, có phải bị ốm rồi không?”

“Không có, tôi đang chờ một người.”

Nghe được câu trả lời như thế, có nghĩa chưa nói trúng suy nghĩ đối phương. Vậy làm thế nào để cứu vãn hình ảnh bản thân? Thực ra rất đơn giản:

“Là như vậy, chờ đợi quả thực là một việc khiến người ta sốt ruột.”

Cứ như vậy, bằng việc dùng câu hỏi phủ định hay nghi vấn để thăm dò, đối phương không cảm nhận được chúng ta nói trúng hay không, cũng có nghĩa chúng ta đã nói trúng.

Chỉ một câu nói đánh trúng nỗi phiền muộn của đối phương

Tâm sự hoặc nỗi phiền muộn của một người, bất luận là chuyện lớn hay chuyện nhỏ, khi chưa được giải quyết, tâm trạng rất dễ tiết lộ ngọn nguồn của nó. Một chuyên gia đọc nguội thông minh chỉ cần vận dụng một chút kỹ năng hỏi thăm liền dễ dàng nắm bắt tâm lý, chiếm được lòng tin của đối phương.

Thực ra rất đơn giản, nỗi phiền muộn của một người phần nhiều không nằm ngoài phạm vi sau: quan hệ giữa người với người, tiền bạc, mục tiêu sống và sức khỏe. Các vấn đề thường gặp của con người như tình yêu, công việc, gia đình được phân loại thuyết minh như biểu 2 – 3.

Biểu 2 – 3: Phân loại thuyết minh tình yêu, công việc, gia đình

 

 

   

8

Biểu 2 – 3 chỉ nêu ví dụ và phân loại những nỗi phiền muộn thường gặp, thực ra phân loại trong bảng biểu cũng không phải là duy nhất, ví dụ “bố mẹ không ủng hộ mình đi làm xa” cũng có thể quy về quan hệ giữa người với người. Trong quá trình đọc nguội, chỉ cần giỏi lý giải vấn đề, bất cứ sự việc nào cũng có thể quy về bốn phạm vi kể trên.

Khi đọc nguội, chúng ta có thể bắt đầu câu chuyện xoay quanh các chủ đề như “quan hệ giữa người với người,” “tiền bạc,” “mục tiêu sống,” “sức khỏe.” Khi bắt đầu cuộc trò chuyện, chúng ta có thể dự báo trước loại hình nỗi phiền muộn của đối phương, tùy theo diễn biến của cuộc trò chuyện, sau đó từng bước xác định.

“Có phải anh gặp vấn đề gì trong giao tiếp xã hội?“ (giả thiết bộ khung)

“Không, tôi chỉ đang cân nhắc có nên về quê phát triển sự nghiệp hay không.” (vượt ra ngoài giả thiết bộ khung)

“Vấn đề này liên quan khá nhiều đến người nhà anh phải không?” (quay trở về giả thiết bộ khung)

“Cũng có một phần nguyên nhân như vậy, tôi đang suy nghĩ có nên về quê ở gần bố mẹ hay không.” (bị nói trúng)

“Chẳng phải anh muốn tiếp tục công việc hiện nay hay sao?”

“Tôi đến tìm anh cũng vì chuyện này, ở đây tốt hơn ở quê, tôi đang do dự nên tiếp tục công việc ở đây hay về quê bắt đầu lại từ đầu.”

“Anh đang lo lắng điều gì vậy? Thực ra trong lòng anh đã có câu trả lời, chỉ có điều chưa đủ can đảm để đưa ra quyết định.”

“Có thể nói như vậy, là vì tôi...”

Đây chính là cách thăm dò khéo léo, bắt đầu từ “xung quanh,” thông qua việc từ từ dò hỏi, nắm bắt thông tin, đến khi đối phương cảm thấy tin tưởng, giãi bày nỗi lòng thì mọi việc cũng trở nên dễ dàng.

Trong tình yêu, hai bên nam nữ cũng có thể sử dụng cách này.

Nữ: “Cưng à, sức khỏe của anh có gì bất ổn phải không?”

Nam: “Không, sức khỏe của anh rất tốt, tuần trước công ty vừa kiểm tra sức khỏe một loạt rồi.”

Nữ: “Ý em là, anh cau mày, có phải trong lòng đang cảm thấy rất nặng nề không?”

Nam: “Cũng đúng, gần đây công việc bận rộn quá, đến thời gian nghỉ cuối tuần như bình thường còn bị xáo trộn, đã rất lâu không được nghỉ ngơi, thư giãn rồi.”

Trong quá trình đọc nguội như vậy, cô gái đã mở rộng vấn đề “sức khỏe” thành “áp lực tâm lý,” cũng có nghĩa nói trúng ý “không được nghỉ ngơi, thư giãn” của chàng trai. Giao tiếp như vậy giống như một quá trình từ “giả thiết bộ khung” đến “vượt ra ngoài bộ khung” rồi lại “quay trở về bộ khung.”

Tuy không phải lần nào cũng có thể điều chỉnh bộ khung ngôn ngữ thuận lợi như vậy, từ đó đạt mục đích nói trúng tâm lý đối phương, nhưng chỉ cần chúng ta sử dụng thành thục kỹ năng ngôn ngữ, đồng thời thông qua kỹ năng quan sát sắc mặt được giới thiệu trong phần trước để nắm bắt suy nghĩ đối phương, từ đó nói những lời khuôn sáo, xác suất nói trúng vẫn rất cao.