Thư Kiếm Ân Cừu Lục

Chương 34 - Tình vợ, tình chồng, tình phụ tử - Nghĩa thầy, nghĩa chủ, nghĩa kim bằng

Trong khi đó mọi người ngồi tìm cách giết thì giờ. Trần-Gia-Cách đang cầm tập thơ của Lục-Phương-Ông ngâm nga giải sầu thì bỗng Mã-Thiện-Quân vào báo:

-Thời khắc đã đến!

Quần hùng đều đứng dậy, trang bị đầy đủ cùng nhau lên đường. Cả đám đưa nhau đến một căn nhà của một thường dân đã dời đi nơi khác ở đàng trước dinh Nguyên-soái Hàng-Châu để phân công.

Thì ra Trần-Gia-Cách ra lệnh đào một địa đạo (#1) thông vào nhà lao nơi giam giữ Văn-Thái-Lai. Dẫn mọi người đến nơi, Tưởng-Tứ-Căn bàn với mọi người rằng:

-Bọn Thanh-binh canh phòng cẩn mật lắm. Chúng ta phải giữ im lặng tối đa.

Tưởng-Tứ-Căn cầm cây Thiết-tương giữ chặt cửa vào địa đạo. Quần hùng cứ theo đường đã đào sẵn mà đi. Nước trong hầm ngập đến đầu gối, mọi người phải lội nước đến mấy chục trượng mới đi đến tận cùng con đường, với bảy, tám tên đầu mục tay đang cầm đuốc canh giữ.

Thấy Trần-Gia-Cách, chúng đến thưa:

-Mé trước là một tấm bảng sắt.

Trần-Gia-Cách truyền lệnh:

-Giở lên!

Mấy tên lâu la cố sức mãi mà vẫn không làm sao giở lên được. Vệ-Xuân-Hoa phải dùng song câu kéo bật lên rồi dẫn quần hùng đi tới. Đi thêm mấy đoạn nữa, một cánh cửa sắt buông xuống. Từ-Thiện-Hoàng áng theo Bát-Quái Đồ nhưng cánh cửa vẫn không động đậy. Từ-Thiện-Hoằng nói:

-Bát đệ, cửu đệ, mau canh gác cửa ra địa lao, coi chừng bị quỷ kế.

Lạc-Băng bước tới dùng Ngân-Bích-Kiếm chặt đứt hết dây xích mới đẩy được tấm cửa sắt ra. Nóng nảy hơn ai hết, Lạc-Băng nhảy bên trong, nơi giam giữ Văn-Thái-Lai. Mọi người bỗng nghe Lạc-Băng la lên một tiếng ủa thì lập tức tràn vào. Thì ra bên trong trống rỗng, chẳng có một người nào trong đó. Thất vọng ê chề, Lạc-Băng ngồi gục mặt khóc nức nở.

Châu-Ỷ vộ bước tới an ủi:

-Tứ tẩu hãy bình tĩnh! Khóc than chẳng ích gì!

Trần-Gia-Cách thấy căn phòng không ngã ra bèn lấy thanh Ngân-Bích-Kiếm trên tay Lạc-Băng đi thẳng đến nơi Trương-Siêu-Trọng thoát thân lần trước khi hắn suýt bị chàng đâm trúng.

Từ-Thiện-Hoằng nói:

-Có lẽ vì sợ chúng ta đến giải cứu cho nên Lý-Khả-Tú đã dời Văn tứ ca đi nơi khác rồi!

Thình lình nghe có tiếng nước chảy ngoài cửa, Từ-Thiện-Hoằng vội la lên:

-Không xong! Mau ra khỏi nơi đây!

Chỉ trong nháy mắt, nước đã tràn vào đường hầm cao đến cả thước.

Trần-Gia-Cách truyền lệnh:

-Chúng ta không được rút lui! Đêm nay phải tấn công dinh Nguyên-soái để cứu Văn tứ ca bằng mọi giá.

Vô-Trần Đạo-Nhân vừa lội nước vừa cằn nhằn, mắng chửi:

-Tên Lý-Khả-Tú thật là khốn kiếp! Y định cho chúng ta chết ngộp ở trong đường hầm này chắc!

Quần hùng ra đến cửa bên ngoài địa lao thấy Dương-Thanh-Hiệp đang ra sức đánh lui một đám Thanh-binh đang vây cứng. Vô-Trần Đạo-Nhân tuốt gươm ra nhảy đến chém đám quân Thanh chết như rạ. Nhờ vậy, quần hùng thoát ra được hết.

Lục-Phỉ-Thanh chợt cau mày nghĩ thầm:

-"Ta với Lý-Khả-Tú có ân nghĩa với nhau, không thể để cho ông ta trông thấy mặt được."

Nghĩ vậy, ông ta bèn lấy vạt áo che kín từ đầu đến cổ, chỉ để hở hai mắt. Từ-Thiện-Hoằng dùng khinh công nhảy lên trên mặt thành quan sát tám hướng thấy dinh thự của Lý-Khả-Tú đông nghẹt binh lính canh gác.

Nhìn thấy ở phía Nam có một căn lầu hai tầng cất rời ra, với năm, sáu tên Thanh-binh canh gác tại mỗ lầu, Từ-Thiện-Hoằng cảm thấy nghi ngờ có điều gì bí ẩn.

Nhảy xuống thành, Từ-Thiện-Hoằng vung đao lên chạy thẳng, miệng hô lớn:

-Anh em hãy theo tôi!

Một trận ác chiến sau đó lại xảy ra. Quân Thanh được tiếp viện vô số, vô chừng. Cùng lúc ấy, Triệu-Bán-Sơn và Mã-Thiện-Quân cũng điều khiển một số bang chúng Hồng Hoa Hội nhảy lên tường thành đánh ráo riết.

Chương-Tấn múa song phủ, dùng thế Ô long tảo địa nhún mình nhảy lên lầu. Từ bên trong, một tên quân Thanh cầm thương nhảy ra. Lạc-Băng, Dương-Thanh-Hiệp, Thạch-Song-Anh lúc đó cũng mạnh bạo tiến tới. Quân Thanh tuy đông đảo nhưng vẫn không làm sao ngăn nổi.

Vô-Trần Đạo-Nhân nói với Triệu-Bán-Sơn rằng:

-Chúng ta nhảy lên lầu nhé!

Triệu-Bán-Sơn gật đầu. Vụt một cái, hai người như hai con chim én bay xuyên vào cửa phòng trên lầu. Từ trong cửa có một lưỡi đao chém ra. Vô-Trần Đạo-Nhân không né tránh, dùng thế Mã viện khiên tâm đâm vào ngực địch thủ một cái. Một tiếng rú lên thảm thiết, cây đao văng ra ngoài rớt xuống. Triệu-Bán-Sơn sử dụng ám khí giết chết khá nhiều quân lính rồi cùng với Vô-Trần Đạo-Nhân tiến vào bên trong căn phòng. Châu-Trọng-Anh, Lục-Phỉ-Thanh và Lạc-Băng sau đó cũng chạy theo lên.

Lục-Phỉ-Thanh thấy Chương-Tấn đang đánh nhau với một địch thủ cầm thương ngang ngửa, bất phân thắng bại liền dùng một thế Thiên ngoại lai vân đâm thẳng vào cánh tay người ấy một nhát. Người kia liền vận khí đưa thương ra đỡ lại. Hai binh khí chạm vào nhau nẩy lửa, người kia buông rời ngọn thương, phóng ra ngoài chạy trốn.

Vệ-Xuân-Hoa lúc đó cũng đang đấu với một địch thủ khá lợi hại. Thấy đánh mãi mà không hạ nổi đối phương, Vệ-Xuân-Hoa liền dùng thế Ngọc đái vi yêu đâm vào hao bên hông hắn. Người ấy dùng song đao đỡ lại, phá được cả hai chiêu. Vệ-Xuân-Hoa lập tức dùng hai thế hiểm ác đánh ngay vào ngực hắn. Người kia đỡ không kịp, bật ngửa ra sau chết tốt.

Viện binh cành lúc đến càng đông. Vô-Trần Đạo-Nhân dùng mật hiệu của Hồng Hoa Hội hô vang lên:

-Ánh sáng ở đây! Trăm hoa đua nở!

Ai nấy nghe xong đều reo mừng vang dội. Châu-Ỷ không phải là người của Hồng Hoa Hội nên không hiểu bèn hỏi Từ-Thiện-Hoằng:

-Vô-Trần Đạo-Nhân nói những gì vậy?

Từ-Thiện-Hoằng đáp:

-Tứ ca đang ở trước mặt, mau lên giải thoát.

Châu-Ỷ cả mừng reo lên:

-Hay quá!

Từ-Thiện-Hoằng nói:

-Chúng ta mau lên trợ lực với anh em!

Hai người liền phóng lên trên. Từ-Thiện-Hoằng bàn:

-Em vào tiếp tay anh em, anh ở đây canh phòng.

Châu-Ỷ vộ vã chạy vào bên trong, thấy mọi người đang bao quanh một chiếc lồng bằng sắt. Trần-Gia-Cách toan dùng Ngân-Bích-Kiếm chặt song sắt ra chợt đâu Châu-Ỷ chạy tới với nét mặt giận dữ. Thì ra bên trong chiếc lồng sắt lớn còn thêm một chiếc lồng sắt nhỏ thứ hai nữa. Trong chiếc lồng sắt nhỏ bên trong, mọi người nhìn thấy rõ ràng Văn-Thái-Lai tay chân bị xiềng xích cả lại, gương mặt hết sức tiều tụy.

Trần-Gia-Cách chặt đứt hai cây song sắt bên ngoài. Chương-Tấn dùng đôi tay bẻ cong thêm mấy song sắt nữa. Lạc-Băng chạy tới chặt rời ống khóa sắt ở cửa lồng. Quần hùng ai nấy đều vui mừng đến cực độ.

Lúc đó, Tây-Xuyên Song-Hiệp đang hợp sức với Từ-Thiện-Hoằng chỉ huy một số tiểu đầu mục. Thình lình, một loạt chiêng trống vang lên, tất cả quân Thanh đều lui ra ngoài 10 trượng nhưng vẫn giữ vững hàng ngũ, không bị rối loạn.

Thường-Bá-Chí hô lớn:

-Quân Thanh bắn tên! Tất cả anh em hãy lui hết vào trong!

Nhưng trái với sự tiên liệu của mọi người, không một tên quân nào bắn một mũi nào cả. Chỉ có một giọng nói vang lên như chuông đồng:

-Trần tổng đà-chủ Hồng Hoa Hội có ở trên đó không?

Trần-Gia-Cách bước ra cửa sổ tầng lầu thứ nhì bước ra, nhìn thấy Lý-Khả-Tú đứng trên một tẳng đá nói lớn tiếng gọi:

-Tôi muốn nói chuyệng với Trần tổng đà-chủ!

Trần-Gia-Cách đáp:

-Tôi có mặt ở đây! Lý nguyên-soái có điều chi xin cứ dạy bảo.

Lý-Khả-Tú nói:

-Các vị mau xuống khỏi lầu. Nếu chậm trễ thì tất cả đều chết hết.

Trần-Gia-Cách cười đáp:

-Dù cho Nguyên-soái có làm cách nào, chúng tôi cũng quyết phải đem Văn tứ ca về theo. Chẳng một người nào sợ chết đâu!

Lý-Khả-Tú nói:

-Nếu Trần tổng đà-chủ giữ vững lập trường thì tôi bắt buộc phải ra lệnh phóng hỏa!

Sau đó Lý-Khả-Tú truyền lệnh. Tăng-Đồ-Nam và Lý-Mộng-Ngọc điểu động quân lính khiêng những bó củi khô tẩm dầu đến đốt. Bốn phía quanh lầu đỏ rực như một biển lửa.

Trước tình thế đó, Trần-Gia-Cách vẫn bình tĩnh ra lệnh:

-Anh em mau gấp rút dùng toàn lực phá hủy tất cả song sắt mau lên!

Thình lình một tên Ngự-tiền thị vệ đàng sau lưng Lý-Khả-Tú bước ra nói lớn:

-Bọn ngươi đã biết dưới tầng lầu có gì mai phục chưa? Chết đến nơi rồi mà còn cứng đầu cứng cổ!

Trần-Gia-Cách biết tên thị vệ này do Càn-Long phái đến giúp Lý-Khả-Tú. Đang nghĩ kế đối phó bỗng nghe Từ-Thiện-Hoằng la lớn:

-Nguy mất! Chúng chôn thuốc nổ dưới lầu!

Trần-Gia-Cách kinh hãi, vội vã vào bên trong xem thì thấy lồng sắt đã bị chặt gẫy, Lạc-Băng đang ấu yếm dìu Văn-Thái-Lai ra ngoài.

Trần-Gia-Cách ra lệnh:

-Tứ tẩu; tam ca; nhị vị tiền bối Châu, Lục; xin cùng nhau bảo vệ Văn tứ ca. Tất cả theo tôi phá vòng vây!

Trần-Gia-Cách dẫn đầu đi xuống trước. Chương-Tấn cõng Văn-Thái-Lai trên lưng. Chung quanh có Lạc-Băng, Triệu-Bán-Sơn, Lục-Phỉ-Thanh và Châu-Trọng-Anh bảo vệ.

Vệ-Xuân-Hoa và Tây-Xuyên Song-Hiệp định đi tiên phong mở đường nhưng tên bắn tới như mưa, không thể nào qua khỏi, đành trở vào trong lại.

Lý-Khả-Tú nói lớn:

-Để Văn-Thái-Lai lại, nếu không tôi ra lệnh châm ngòi thuốc nổ, tất cả sẽ tan xác mà thôi!

Quần hùng biết lời của Lý-Khả-Tú không ngoa chút nào. Thật ra ông ta đã có nhiều cơ hội châm ngòi chứ không cần phải đợi đến bây giờ. Trần-Gia-Cách nhắm không xong bèn quay lại ra lệnh:

-Mau để Văn tứ ca xuống! Tất cả mau lập tức thoát thân ngay!

Chương-Tấn vẫn cõng Văn-Thái-Lai như chẳng nghe thấy lời của Trần-Gia-Cách. Triệu-Bán-Sơn thấy vậy nói:

-Mau để Văn tú ca xuống, nguy hiểm lắm! Chúng ta mau rời khỏi nơi này!

Chương-Tấn đành phải nghe lời, đặt Văn-Thái-Lai xuống. Lạc-Băng một tay vịn vai chồng dìu, một tay cầm kiếm tiến lên.

Họp nhau ở một góc, Trần-Gia-Cách nói:

-Ngũ ca, lục ca, bát ca cửu ca và thập ca! Các anh ráng làm sao chặn đừng cho Lý-Khả-Tú châm ngòi. Thất ca, anh nghĩ cách nào cắt đứt ngòi thuốc nổ. Đạo trưởng, tam ca cùng tôi lo giải thoát Văn tứ ca!

Lý-Khả-Tú đang định phái người đến giữ Văn-Thái-Lai thì thình lình trông thấy Tây-Xuyên Song-Hiệp đếm đánh giết. Bọn Ngụ-tiền thị vệ Phạm-trung-Tứ, Châu-Tổ-Âm, Chữ-Viên, Đoàn-Đại-Lâm xông ra chống cự.

Lục-Phỉ-Thanh xem xét tình thế địa hình bỗng nghiêng mình một cái, phóng lại nơi Lý-Khả-Tú đứng. Đám quân hộ vệ la hét vang trời xông tới ngăn cản. Lý-Mộng-Ngọc đứng bên cạnh cha chợt thấy một người bịt mặt xông tới liền gọi lớn:

-Định làm gì thế?

Hỏi xong, Lý-Mộng-Ngọc dùng một thế Xuân vân song tiễn đâm thẳng vào ngực Lục-Phỉ-Thanh.

Lục-Phỉ-Thanh lách mình tránh khỏi mũi kiếm rồi tiếp tục lao mình thẳng tới. Lý-Khả-Tú cũng tung ra một cước theo thế Khôi tinh tích đẩu đá mạnh vào mặt Lục-Phỉ-Thanh. Không chút vội vàng, Lục-Phỉ-Thanh liền thi triển tuyệt kỹ Chiêm y thập bát trận, thoáng một cái đã đến đàng sau lưng Lý-Khả-Tú. Đột nhiên, Lục-Phỉ-Thanh dùng chưởng vỗ mạnh vào lưng Lý-Khả-Tú rồi nhấc bổng ông ta, phi thân lên. Lý-Mộng-Ngọc thấy thế liền dùng kiếm nhắm Lục-Phỉ-Thanh đâm mạnh, nhưng Lục-Phỉ-Thanh đã nhanh nhẹn lách mình tránh khỏi.

Tăng-Đồ-Nam thấy thế liền dùng đao đuổi theo, nhưng bị Dương-Thanh-Hiệp chặn lại. Hai bên cùng nhau trao đổi vài chiêu.

Lý-Mộng-Ngọc xót tình phụ-tử nên không còn kể gì đến nguy hiểm nữa, dùng ngay một thế Bạch hồng quán nhật đâm ngay vào hậu tâm Lục-Phỉ-Thanh một mũi kiếm vô cùng ác độ. Lục-Phỉ-Thanh nghe tiếng gió sau lưng, nhưng trong lúc dùng khinh công xông pha trong vòng lửa không có cách nào quay lại được bèn gia tăng đề khí nhảy ra xa, tránh khỏi mũi kiếm của đồ đệ mình và nhanh nhẹn đem Lý-Khả-Tú nhảy vào tòa nhà.

Lửa cháy bùng lên chung quanh. Không một người nào dám nhảy vào cứu Lý-Khả-Tú. Tăng-Đồ-Nam đấu với Dương-Thanh-Hiệp dần dần yếu thế, trường thương bị đánh gẫy, Lý-Mộng-Ngọc bị Vệ-Xuân-Hoa chặn lại không cho rượt theo.

Trần-Gia-Cách thấy Lục-Phỉ-Thanh bắt Lý-Khả-Tú đem về thì hiểu ý, bước ra nói lớn:

-Không ai được vào đây!

Lý-Khả-Tú bị Lục-Phỉ-Thanh điểm huyệt thì toàn thân mềm nhũn ra, chẳng còn làm gì được nữa...

Quân Thanh tuy đông đúc nhưng không ai dám động đậy gì cả. Tăng-Đồ-Nam thấy Lý-Khả-Tú đã nằm trong tay địch thì không dám sai quân mồi thuốc nổ, nghĩ ngợi phân vân, không biết tìm cách nào để cứu chủ tướng.

Bỗng nhiên một bóng người nhảy tới xô Tăng-Đồ-Nam qua một bên, giật lấy ngọn đuốc từ tay một tên quân xông tới châm ngòi thuốc nổ.

Tăng-Đồ-Nam kinh hãi, nhận ra là Phạm-Trung-Tứ, người từng bị đám quần hùng Hồng Hoa Hội đánh cho một trận xiểng liểng, làm nhục y trước mặt vua Càn-Long. Sư thúc của hắn là Phương-Long-Tuấn bị Vô-Trần Đạo-Nhân cắt đứt gân hai tay trở thành phế nhân nên hắn căm thù Hồng Hoa Hội vô cùng. Giờ đây nhìn thấy cơ hội tiêu diệt được toàn bộ lãnh tụ của Hồng Hoa Hội, Phạm-Trung-Tứ không kể gì đến sự an nguy của bất cứ người nào, dù là Lý-Khả-Tú.

Nếu ngòi nổ cháy đến gốc, đương nhiên tất cả người bên trong tòa nhà kia đều phải chết hết. Nhưng mọi người chung quanh cũng sẽ bị vạ lây không nhỏ. Vì thông thường, trước khi châm ngòi nổ, người chủ tướng phải ra lệnh cho tất cả quân lính tránh ra xa để khỏi bị tổn hại.

Trong lúc binh lính kinh hãi bỏ chạy tán loạn thì bỗng đâu một người bịt mặt chạy như bay đến, đâm đầu vào vòng lửa. Người ấy mặc y phục màu xanh đậm, chiếc vải thưa che mặt cũng màu xanh đậm chỉ để chừa hai mắt ra mà thôi. Trên tay y cầm một cây roi xông tới đập túi bụi lên ngòi lên ngòi nổ, một sợi dây dài đang bốc cháy dẫn đến nới chôn địa lôi.

Nhưng sợi dây quá cứng, hắn có đập bao nhiêu cũng thành vô dụng, ngọn lửa mỗi lúc cháy mau hơn. Thấy không có hiệu quả, người bịt mặt nhảy lên sợi dây dùng tay bứt ra. Bỗng đâu, sợi dây cháy bùng lên, toàn thân người bịt mặt như một cây đuốc, nhưng sợi dây dẫn hỏa cũng bị đứt, không còn dẫn tới địa lôi nữa.

Lúc ấy, Chương-Tấn và Tưởng-Tứ-Căn đã đỡ được Văn-Thái-Lai ra khỏi vòng lửa. Trên người cả ba cùng bị lửa bốc cháy. Tây-Xuyên Song-Hiệp vội vàng chạy tới giúp, luôn miệng nói:

-Lăn mình xuống đất mau!

Chương-Tấn và Tưởng-Tứ-Căn buông Văn-Thái-Lai xuống, lăn mình chàng trên đất mấy vòng. Tất cả lửa cháy trên mình Văn-Thái-Lai đã được dập tắt. Lạc-Băng nhảy tới đỡ chồng. Chương-Tấn cùng Trưởng-Tứ-Căn cũng vội lăn mình xuống đất để dập tắt hết lửa trên mình.

Quần hùng thấy người bị mặt liều thân cứu không biết bao nhiêu người thì ai nấy đều cảm động, cùng tới giúp hắn một tay. Tây-Xuyên Song-Hiệp nhảy vào trong lửa, bế xốc hắn lên chạy ra ngoài, quần hùng mỗi người một tay giúp hắn dập tắt hết tất cả lửa trên mình. Đến lúc dập tắt được ngọn lửa thì toàn thân hắn đã bị phỏng nặng. Mọi người ai nấy lắc đầu, thương hại.

Trần-Gia-Cách lớn tiếng gọi:

-Thành công rồi! Chúng ta rút thôi!

Thấy Văn-Thái-Lai đã được giải thoát, Lục-Phỉ-Thanh liền dùng thân pháp Yến tử tam sao thủy hít mạnh một hơi nhảy qua ngọn lửa, trên lưng cõng theo Lý-Khả-Tú.

Lúc ấy mọi người ai nấy đều tìm cách dập tắc lửa thành thử không ai buồn chú ý đến đám quần hùng Hồng Hoa Hội. Chỉ có Lý-Mộng-Ngọc thấy cha mình bị bắt đem đi liền múa kiếm xông lên để giằng lại.

Vệ-Xuân-Hoa liền múa song câu chặn Lý-Mộng-Ngọc lại nói:

-Mau quay lại đi! Nể mặt sư phụ ngươi, ta không nỡ đả thương đồ đệ của ông ta đâu!

Trần-Gia-Cách chợt nhìn thấy Phạm-Trung-Tứ thì nhớ ngay ra là kẻ đã châm ngòi nổ, suýt nữa thì đã giết chết bao nhiêu sinh mạng thì cả giận, nói với Triệu-Bán-Sơn.

Đưa thanh Ngân-Bích-Kiếm cho Triệu-Bán-Sơn, Trần-Gia-Cách nói:

-Tam ca! Anh đi đoạn hậu bảo vệ cho tất cả. Tôi còn một vài việc chưa thanh toán xong.

Trần-Gia-Cách móc túi lấy sợi dây sách, Mã-Đại-Đình đưa thêm cho chàng tấm câu kiếm thuẫn. Chàng khẽ tung ra một cái, năm lóng châu sách điểm ngay vào mặt Phạm-Trung-Tứ.

Phạm-Trung-Tứ cả kinh, đưa phán quan bút lên cản lại, nghe tiếng Châu-Tổ-Âm nói:

-Phạm đại ca, coi chừng sợi dây của tên tiểu quỷ đó, lợi hại lắm.

Mã-Đại-Đình nghe Châu-Tổ-Âm dám vô lễ với Tổng-Đà-Chủ thì giận lắm, vung cô đánh thẳng tới. Châu-Tổ-Ấm cúi đầu tránh khỏi, dùng đao chém trả lại.

Đầu kia, Phạm-Trung-Tứ mới đánh được với Trần-Gia-Cách được vài hiệp đã yếu thế. Biết là gặp nguy hiểm, Phạm-Trung-Tứ liền tìm đường để thoát thân. Trần-Gia-Cách vung sợi châu sách theo thế Thiên đầu vạn tự quất đối phương cả trên lẫn dưới. Phạm-Trung-Tứ bấn loạn tinh thần, không biết đường nào mà đỡ, hai ống chân bị châu sách quất trúng làm hắn mất thăng bằng, không tự chủ được, toàn thân bay vào biển lửa.

Sẵn đà, Trần-Gia-Cách dùng sợi châu sách quất ngang qua một cái vào ngay bả vai Châu-Tổ-Âm khiến hắn kêu lên một tiếng đau đớn. Chưa kịp trở tay thì cây côn của Mã-Đại-Đình đã phang ngay vào đầu hắn một cái vỡ sọ chết tốt!

Lúc bấy giờ, quần hùng đã ra khỏi dinh thự của Nguyên-soái Hàng-Châu. Trần-Gia-Cách đứng nhìn Phạm-Trung-Tứ quằn quại trong biển lửa thì chỉ cười nhạt một tiếng rồi cùng với Mã-Đại-Đình rút lui theo đồng bọn...

***

Tăng-Đồ-Nam phi ngựa đi khắp phía Tây-Nam một hồi lâu bỗng gặp Lý-Mộng-Ngọc hộ tống tống Lý-Khả-Tú trở về thì mừng rỡ vô cùng, mời lên ngựa đưa về dinh...

Nguyên Lý-Mộng-Ngọc vì thương cha nên bất chấp nguy hiểm, liều thân vượt thành đi tìm kiếm khắp chốn. Đang tuyệt vọng thì bỗng trong bụi rậm một tiếng nói quen thuộc vọng ra:

-Mộng-Ngọc! Cha ở đây này!

Lý-Mộng-Ngọc liền chạy đến ôm Lý-Khả-Tú. Hai cha con đều mừng mừng tủi tủi.

Lý-Mộng-Ngọc ân cần hỏi thăm:

-Cha có bị thương không?

Lý-Khả-Tú đáp:

-Không! Chẳng sao cả!

Thật ra, sau khi quần hùng cứu thoát Văn-Thái-Lai, thấy không có quan binh đuổi theo, mọi người mới yên tâm đi đến bờ sông. Tại đó, Mã-Thiện-Quân đã chờ sẵn, mời mọi người xuống thuyền.

Lục-Phỉ-Thanh bước tới nói nhỏ với Trần-Gia-Cách:

-Lý-Khả-Tú với lão phu có chút tình cố cựu và chút ân nghĩa. Nay chúng ta đã cứu được Văn tứ đương-gia, xin Tổng-Đà-Chủ phóng thích, tha cho Lý-Khả-Tú.

Trần-Gia-Cách nói:

-Thật ra tôi vẫn trọng Lý-Khả-Tú là một anh hùng, mặc dầu hai bên đối đầu với nhau. Tôi chẳng bao giờ có ý hại y cả. Nay Lục lão tiền bối bàn như vậy, thật quả hợp ý tôi.

Sau đó, chàng lập tức thả ngay Lý-Khả-Tú ra, để tự do tùy ý muốn đi đâu thì đi, rồi hạ lệnh cho đoàn thuyền về Gia-Hưng...

Trong khoang thuyền, Lạc-Băng hết lòng chăm sóc, lo cho Văn-Thái-Lai. Từ-Thiện-Hoằng hỏi Trần-Gia-Cách:

-Người bịt mặt bị thương trầm trọng lắm. Ta có nên gỡ khăn trên mặt hắn xuống để xem thử là ai không?

Châu-Trọng-Anh đáp:

-Y đã dùng khăn để che mặt tất nhiên là không muốn ai biết mình là ai. Tốt hơn hết, chúng ta nên tôn trọng y, đừng gỡ xuống.

Quần hùng lúc đó cùng nhau vào thăm người bịt mặt. Mặc dù được Tâm-Nghiện rịt thuốc băng bó vết thương, người bịt mặt như vẫn đau đớn vô cùng, nằm hôn mê cả đêm. Thình lình, người bịt mặt hình như khó thở nên tự tay tháo miếng vải xuống. Mọi người không hẹn mà cùng nhau kêu lên một tiếng kinh ngạc.

Trần-Gia-Cách không dằn được kêu lên:

-Thập-tứ đệ đây mà!

Quả nhiên, người đó chính là Kim-Địch Tú-Tài Dư-Ngư-Đồng. Lạc-Băng lấy khăn thấm nước lau hết đất cát trên mặt Dư-Ngư-Đồng rồi lấy lông gà phết dầu bạch tượng phết lên nhè nhẹ.

Sau mấy tiếng, đoàn tàu đã đến Tư-Hàng. Mã-Thiện-Quân vội vã đi tìm danh y về coi mạch cho Văn-Thái-Lai và Dư-Ngư-Đồng.

Bắt mạch Văn-Thái-Lai, vị danh y nói:

-Vị này bị ngoại thương. Gân cốt vẫn còn cứng cáp mạnh mẽ. Chỉ điều trị mấy tháng là bình phục.

Xem mạch Dư-Ngư-Đồng, vị danh y nói:

-Vị này thương tích nặng lắm. Tôi ra trước một toa thuốc để ngăn độc ngấm vào nội tạng, xem tình thế ra sao rồi mới liệu được.

Sau khi vị danh y ra về, Văn-Thái-Lai chợt tỉnh giấc lên tiếng hỏi:

-Đây là đâu? Tại sao tất cả cùng có mặt nơi này?

Thấy chồng hồi tỉnh, Lạc-Băng mừng đến rơi lệ nói:

-Anh em đã cứu thoát được anh rồi! Anh đã thoát hiểm rồi đó.

Văn-Thái-Lai nhìn quần hùng gật đầu mấy cái rồi lại nhắm mắt lại ngủ tiếp. Chàng vì bị giam cầm bao nhiêu ngày nên sức lực có phần kém sút nên cần được nghỉ ngơi nhiều mới bình phục lại được.

Nghe vị danh y nói thương tích của Dư-Ngư-Đồng trầm trọng hơn thương tích của Văn-Thái-Lai nên mọi người có phần lo lắng cho chàng.

Chương-Tấn thở dài hỏi:

-Thập-tứ đệ khôn ngoan lanh lợi, không hiểu sao lại lọt vào dinh thự của Lý-Khả-Tú? Thật lạ kỳ!

Thường-Bá-Chí nói:

-Lần trước chính Thập-tứ đệ dẫn đường cho chúng ta đến địa lao. Thế mà tôi không nhận ra được còn đánh cho y một chưởng nữa chứ!

Thường-Thích-Chí nói:

-Thập-tứ đệ giúp chúng ta, mà cũng cứu cả Lý-Khả-Tú, chẳng hiểu vì lý do gì?

Ai nấy đều thắc mắc, bàn tán xôn xao. Duy chỉ có một mình Từ-Thiện-Hoằng là hiểu được lờ mờ chút đỉnh nhưng không tiện bày tỏ...

Trong trận kịch chiến tại sông Hoàng-Hà, Lý-Mộng-Ngọc bị lạc trong đám loạn quân. Đang hoang mang thì bỗng thấy một cỗ xe chạy tới. Lý-Mộng-Ngọc liền phóng lên xe cầm cương dong ruổi. Đám Thanh-binh rượt theo đều bị nàng chém chết một số đông nên đều thối lui lại hết. Không biết phải về đâu, Lý-Mộng-Ngọc chỉ còn biết chạy bừa, mặc cho số phận đưa đẩy.

Đến lúc trời sáng, thấy an toàn, không còn ai đuổi theo nữa, nàng mới dừng xe lại nghỉ ngơi. Nàng vén màn lên xem thử, thấy có một người đàn ông bị thương tích rất nặng, đang mê man bất tỉnh. Lý-Mộng-Ngọc nhận ra là Kim-Địch Tú-Tài Dư-Ngư-Đồng mà nàng đã gặp qua hai lần trên đường đi từ Bắc-Kinh ra quan ải, và cũng được biết là sư huynh đồng môn của nàng.

Suy nghĩ một hồi, Lý-Mộng-Ngọc lại đánh xe chạy tiếp và lạc vào Văn-Quan trấn. Nàng tìm đến một nơi xin tạm trú, chẳng may trúng vào nhà tên ác bá Đường lục gia mà dân chúng gọi là Đường mắc mưa. Khám phá được Lý-Mộng-Ngọc là gái giả trai, Đường mắc mưa âm mưu với thầy thuốc Tào-Tư-Bằng định làm chuyện bỉ ổi. Nhưng chẳng may cho tên Đường mắc mưa, bị Châu-Ỷ giết chết tại kỹ-viện Bạch-Mai-Khôi.

Lúc đó Dư-Ngư-Đồng đã tỉnh lại. Nghe tin Đường mắc mưa bị ám sát , sợ ở trong nhà hắn sẽ bị vạ lây nên bàn với Lý-Mộng-Ngọc nên thừa lúc gia đình hắn đang tang gia bối rối mà trốn đi.

Đến phủ Khai-Phong, Lý-Mộng-Ngọc lên gặp quan tri-phủ bảo rằng mình là con của Lý Nguyên-soái đi đường bị cướp dọc đường nên được tặng cho một số vàng bạc, đồng thời lại được quan tri-phủ sai quân lính thắng xe ngựa đưa thẳng về Hàng-Châu bình an vô sự.

Lý-Mộng-Ngọc sau đó nói dối với cha là mình bị cướp dọc đường, được Dư-Ngư-Đồng ra tay nghĩa hiệp cứu nguy nên bị cướp đánh bị thương.

Lý-Khả-Tú cảm kích vô cùng, để Dư-Ngư-Đồng ăn ở ngay trong dinh, tiếp đãi rất trọng hậu, rước lương y về điều trị thương tích cho đến khi bình phục. Nhận thấy Dư-Ngư-Đồng tính tình nhã nhặn, mặt mũi khôi ngô tuấn tú, văn võ song toàn, lại còn có ơn cứu mạng ái-nữ, được con gái mình đem lòng thương mến thì có ý muốn chiêu mộ chàng làm rể. Nhưng Lý-Khả-Tú có biết đâu, chàng là Thập-tứ đương-gia của Hồng Hoa Hội.

Mấy tháng liên tiếp trôi qua, Lý-Mộng-Ngọc buồn ủ rũ, mang môt tâm sự nan giải. Nàng là một thiên kim tiểu thư, tính tình hết sức kiêu ngạo nhưng không hiểu sao lại có cảm tình tha thiết đối với chàng lãng tử giang hồ kia. Có lúc nàng nhớ đến tiếng sáo du dương của chàng... Lại có lúc nàng nhớ đến những phút hoạn nạn bên chàng... Nhưng nàng vẫn không quên đây là người đối địch với cha nàng.

Lúc thương tích Dư-Ngư-Đồng vừa khỏi thì cũng là lúc quần hùng Hồng Hoa Hội tấn công vào dinh thự nguyên-soái. Dư-Ngư-Đồng liều chết, cứu thoát được Lý-Khả-Tú, không để ông ta bị hại trong tay quần hùng Hồng Hoa Hội. Sau việc này, Lý-Mộng-Ngọc còn thương chàng nhiều hơn nữa, và mừng thầm là có lẽ Dư-Ngư-Đồng đã vì nàng mà thay đổi cả lập trường... Nàng hy vọng từ đây chàng sẽ vĩnh viễn ở bên nàng không bao giờ rời xa nữa... Lý-Mộng-Ngọc như say, như tỉnh trong giấc mộng tình...

Trần-Gia-Cách sai bốn tên tiểu đầu mục thường trực bên Dư-Ngư-Đồng, lo lắng từng chén thuốc, miếng ăn, giấc ngủ thật chu đáo.

Lục-Phỉ-Thanh bàn với Trần-Gia-Cách đưa Văn-Thái-Lai và Dư-Ngư-Đồng lên Thiên-Mục-Sơn tạm dưỡng bệnh. Lạc-Băng và Chương-Tấn tình nguyện xin đi theo hộ tống, bảo vệ hai người.

Châu-Trọng-Anh nói:

-Càn-Long mất khâm phạm, có thể huy động lực lượng hùng hậu để truy nã, phong tỏa tất cả các ngã thủy, bộ..., e rằng hai người không đủ sức bảo vệ nổi.

Trần-Gia-Cách nhận thấy chí lý, định phái thêm mấy người nữa, tăng cường thêm lực lượng trong việc hộ tống. Nhưng rồi Trần-Gia-Cách lại nghĩ ra được một biện pháp mới:

-Như thế này thì hay hơn. Để tôi đi tìm Càn-Long nói chuyện. Những bí mật của y đã bị tất cả Hồng Hoa Hội biết hết rồi, Văn tứ ca giờ đây không còn giá trị gì đối với y nữa!

Mọi người nghe nói đều cho đó là cao kiến, hết lời ca ngợi.

Từ-Thiện-Hoằng quay sang Vệ-Xuân-Hoa hỏi:

-Cửu đệ thấy ở Hàng-Châu có vũ miếu nào để chúng ta có thể mở hội nghị không?

Vệ-Xuân-Hoa đáp:

-Vũ miếu thì không có. Theo tục lệ thì mỗi năm có một cuộc tuyển hoa thăng hội. Và hình như đêm nay nhằm đúng vào ngày đó!

Từ-Thiện-Hoằng hỏi:

-Tuyển hoa nghĩa là gì?

Vệ-Xuân-Hoa cười đáp:

-Chọn danh kỹ Hàng-Châu đấy mà! Tây-Hồ sẽ náo nhiệt vô cùng.

Từ-Thiện-Hoằng nói:

-Thế thì chúng ta có cách dắt Càn-Long đến kỹ viện. Tổng-Đà-Chủ sẽ đến đó giáp mặt với y.

Châu-Ỷ lắc đầu nói:

-Anh nói bậy bạ quá! Sao lại bảo Tổng-Đà-Chủ đến kỹ viện?

Từ-Thiện-Hoằng nói:

-Đến kỹ viện nói chuyện với Hoàng-Đế thì đã sao?

Trần-Gia-Cách nói:

-Chỉ sợ y không đến.

Vô-Trần Đạo-Nhân nói:

-Cần gì phải bàn mưu với kế! Chúng ta cứ đến dinh Tuần-Vũ bắt y về đây, đòi phải chấp nhận theo yêu sách của chúng ta. Nếu không nghe cứ giết quách đi là xong chuyện!

Thấy ý kiến của Vô-Trần có phần táo bạo, không ai dám bàn gì cả. Nhưng Trần-Gia-Cách bỗng tươi cười nói:

-Y bắt Văn tứ ca. Tại sao chúng ta không bắt lại y được?

Được Trần-Gia-Cách tán thành ý kiến của mình, Vô-Trần Đạo-Nhân thích chí, nói:

-Chúng ta làm sao bắt y ở kỹ viện thì tiện hơn ở dinh Tuần-Vũ. Từ-Thiện-Hoằng suy nghĩ một hồi rồi đem ý kiến của mình ra trình bày. Lục-Phỉ-Thanh khen ngợi chẳng cùng:

-Hay lắm! Hay lắm! Thật khôn hổ dang là Võ-Gia-Cát!

Chương-Tấn và Lạc-Băng sau đó hộ tống Văn-Thái-Lai và Dư-Ngư-Đồng đi dưỡng bệnh trên Thiên-Mục-Sơn. Quần hùng cũng gấp rút lên đường đi Hàng-Châu thực hiện công tác...

Chú thích:

(1-) Địa đạo: đường hầm.