THỜI CỦA THÁNH THẦN

Chương 6

Mùa thu ấy Hà Nội sống trong ngây ngất và chờ đợi. Ngây ngất như trong cuộc đại tiệc chếnh choáng, thăng hoa, như trong cuộc tình sét đánh, choáng ngợp, đắm đuối, như trong cuộc hồi sinh bàng hoàng, thảng thốt. Chờ đợi vì chưa hết hoang mang, mơ thực, vì đang kỳ vọng và viễn tưởng, đang toan tính và dự liệu…

Lúc không giờ ngày 10 tháng 10 năm 1954, Hà Nội chứng kiến giờ giao ban của trời đất với những bước đi đầu tiên của đoàn quân thiên thần từ thủ đô kháng chiến Việt Bắc, từ lòng chảo Điện Biên ngập đầy thuốc súng, xác thù và máu, từ khắp năm cửa ô, tiến vào Hà Nội.

Năm cửa ô đón chào

Đoàn quân tiến về.

Như đài hoa đón mừng

Nở năm cánh đào

Cháy dòng sương sớm long lanh

Bài hát "Tiến về Hà Nội" của Văn Cao hoà với gió, với sóng sông Hồng tràn vào từng cửa ô, góc phố, phần phật reo trên ngàn vạn lá cờ đỏ sao vàng, rập rờn trên những vòm đại thu quanh Hồ Gươm cổ kính. Sóng nhạc của Văn Cao như ngân reo trong tóc, trong mắt, trên môi từng người Hà Nội.

°°°

Trong đoàn quân tiến về giải phóng Thủ đô ngày ấy, làng Động có hai người con của ông bà Lý Phúc. Chiến Thắng Lợi đi theo phiên chế của phái đoàn Chính phủ trong một đội hình đặc biệt có ô tô đặc chủng và đội vệ binh hộ tống. Nhà thơ trẻ Nguyễn Kỳ Vỹ đi trong đội hình chính thức của năm đại đoàn chủ lực và các binh chủng hợp thành tiến vào trung tâm Hà Nội theo hướng từ phía đê Yên Phụ, dọc đường Cổ Ngư, diễu binh qua Quảng trường Ba Đình rồi tiến vào ba mươi sáu phố phường để đến tập kết tại quảng trường Nhà Hát Lớn.

Để chuẩn bị cho đoàn quân chiến thắng tiến vào tiếp quản Thủ đô ngay từ ba tháng trước, trong toàn quân đã có sự bình chọn, sàng lọc kỹ lưỡng. Từng tiểu đội, trung đội, đại đội bình bầu; chọn những chiến sĩ có thành tích xuất sắc trong chiến đấu, trẻ về tuổi đời, đẹp về ngoại hình, lý lịch trong sạch. Những người được chọn lựa, qua hai tháng an dưỡng, luyện tập rèn luyện về quân kỷ, tác phong, quan điểm lập trường chính trị, lại được sàng lọc một lần nữa để chính thức đưa vào đội hình hành tiến. Được chọn vào đoàn quân danh. dự tiếp quản Hà Nội quả là niềm vinh hạnh lớn lao, có một không hai của đời chiến sĩ. Nguyễn Kỳ Vỹ, nhà thơ trẻ gần ba tuổi quân, người nổi tiếng như cồn với tập thơ "Thời của Thánh Thần" được phiên chế trong hàng quân đi đầu, những chàng Vệ quốc hào hoa và đặc biệt xuất sắc. Họ là những nhân vật trung tâm, là dàn diễn viên chính để các máy quay phim chụp ảnh ghi hình. Cao một mét bẩy mươi, gương mặt thư sinh thanh tú, đôi mắt to ẩn dưới hàng mi rợp, lông mày lưỡi mác, Nguyễn Kỳ Vỹ như sinh ra để diện bộ quân phục màu cỏ úa, áo trấn thủ, mũ vải lưới nguỵ trang xanh. Oai nhất là Vỹ được đeo khẩu Ru lô chiến lợi phẩm do đồng chí Chính uỷ Đại đoàn 312 đơn vị chủ công đánh đồi Him Lam, người đặc biệt mến mộ tác giả "Thời của Thánh Thần" trao tặng. Nghe nói khẩu Ru lô này chính là báu vật bất ly thân của quan ba Lan de Courcy, viên sĩ quan Pháp dòng họ quí tộc cháu nội của tướng Roussel de Courcy, người từng làm Thống tướng của Chính phủ Pháp tại An Nam sau cuộc xâm lược Bắc Kỳ lần thứ 2 (1881-1885). Khẩu Ru lô sáng xanh ánh thép đựng trong túi da đeo lệch bên sườn, kéo chiếc thắt lưng kiểu Mỹ to bản với rất nhiều hàng đanh, khiến Vỹ càng thêm nổi bật trong hàng quân.

Ước mơ đặt chân đến Hà Nội bao nhiêu năm của Vỹ, bây giờ mới thành hiện thực. Tiếng là con ông Cử, cháu cụ Đồ, dòng tộc danh giá giàu có nhất làng Động, vậy mà ngay cả khi lên học đến Thành chung, Vỹ vẫn chỉ mới mon men được đến đất phố huyện, thị xã. Làng Động chỉ cách Hà Nội dăm chục cây số đường chim bay, hằng đêm đứng ở gốc đa đầu làng nhìn về phương bắc, Vỹ và bọn trẻ trong làng đều nhận ra Hà Nội trong quầng sáng mờ huyền ảo hắt lên từ chân trời. Vầng sáng ấy bao năm vẫy gọi, thôi thúc, để rồi Vỹ phải làm một cuộc hành trình dài hàng ngàn cây số vòng qua Kim Bôi, Hoà Bình, vượt qua sông Đà, sông Thao, qua Phú Thọ, Tuyên Quang, vòng qua Pha Đin, Tuần Giáo, Điện Biên Phủ… và hôm nay hùng dũng hiên ngang trở về Hà Nội.

Trùng trùng quân đi như sóng.

Lớp lớp đoàn quân tiến về

Lời thơ và âm nhạc của Văn Cao đã nói hộ Vỹ tất cả. Mắt Vỹ bao lần mờ đi, nhoà đi. Những phố phường đất kinh kỳ Thăng Long với mái ngói thâm nâu, tường vôi loang lổ, những vòm cây thấp thoáng, giờ được choàng lên sắc cờ đỏ thắm, và hàng ngàn hàng vạn gương mặt trẻ già, hàng rừng tay cầm cờ hoa reo vẫy. Và kìa. Liệu tài Vỹ có nghe nhầm không? Đúng là bài trường ca "Sao ơi" của nhạc sĩ Đường Thanh phổ nhạc bài thơ của Vỹ. "Máu tuôn trào đỏ ngợp trời như sóng/ Búa liềm ơi, vàng rực, sao sao oi!" Trời ơi! Thơ của Nguyễn Kỳ Vỹ đang ngân reo giữa lòng Hà Nội. Một tốp các nghệ sĩ vừa nam vừa nữ, complê, áo dài đủ mầu, đàn ắccoócđêông, đàn ghita, đàn măngđôlin… đang hát vang trường ca "Sao ơi" Bài hát đang đến đoạn cao trào, bỗng vang lên những loạt súng từ trên tầng thượng một ngôi nhà. Vỹ ngước nhìn lên.

Anh chợt nhận ra một cậu bé tóc rối bù, cao gầy và đen trũi đang vừa chĩa khẩu súng ngắn lên trời xiết cò, vừa vẫy vẫy tay như cười riêng với Vỹ. Cậu bé ấy chinh là Lê Đoàn, bạn của Nguyễn Kỳ Vọng.

Khi đoàn quân hành tiến vào khu phố cổ Hàng Bông, Hàng Gai thì Vỹ bỗng gặp sự cố. Mấy trăm ngày đêm quen đi dép cao su quai hậu, giờ được xỏ chân vào đôi giày xăng đá chiến lợi phẩm, cổ chân phải của anh bị giày xiết vào đau rát.

Rồi, như trớ trêu, một viên sỏi từ đâu lọt vào đế giày chân trái, khiến mỗi bước đi viên sỏi lại xiết vào gan bàn chân buốt nhói. Không thể dừng lại buộc lại giày, vứt hòn sỏi, đành cố nhịn đau bước hùng dũng trong hàng. Gồng người chịu đau để không ai biết. Gần đến Hồ Gươm phố phường càng như tắc nghẽn lại. Đồng bào từ hai bên hè ùa tràn cả xuống phố. Hàng trăm máy ảnh, máy quay phim xông ra đón đầu. Hoa từ trên gác hai, gác ba, từ tầng thượng các mái nhà rắc xuống. Hoa từ tay các em bé, các thiếu nữ ùa ra trao vào tay các chiến sĩ.

Trong hàng người ken đặc, Vỹ bỗng chú ý đến một thiếu nữ. Nàng dịu dàng trong bộ áo dài màu trắng tinh khôi, tóc thề xoã vai. Lạ kỳ thay, Vỹ bỗng quên cả đôi chân đau. Anh nhìn người thiếu nữ không chớp mắt. Có ai đó khẽ đầy sau lưng nàng, hay một động lực nào thôi thúc, nàng bỗng băng từ bên hè đường đến trước Vỹ, trao cho anh bó hoa lay on trắng muốt.

Như bị thôi miên, Vy đứng sưng lại. Anh chỉ kịp đưa tay đón lấy bó hoa và nhận ra một gương mặt kiều diễm với đôi mắt to đen choáng ngợp. Hình như trong giây phút, những ngón tay anh như chạm vào tay nàng. Một luồng điện bỗng truyền thẳng vào tim, làm trống ngực Vỹ đập loạn xạ. "Ôm hôn đi!" có tiếng một cậu lính trẻ nào đó từ phía sau. Rồi những tiếng lao xao: "Đẹp quá! Thiếu nữ Hà Nội!"… Vỹ chớp mắt như trong chiêm bao. Thoắt cái, nàng đã quay đi, cắm đầu chạy.

- Em tên gì?

Vỹ bỗng thốt lên, những âm thanh như bật ra từ vô thức. Chính anh cũng không biết mình gọi nàng hay trái tim anh bật gọi.

Nàng vụt quay lại, trước khi hoà vào đám đông, bàn tay thon mềm như búp hoa che ngang miệng:

- Em là… Đào… Trinh… Khiêm…

°°°

Nàng mất hút trong đám đông, nhưng cái tên nàng thì thánh thót ngân vang trong hồn Vỹ tựa hồ như có một tiếng chuông nào thả từ trời cao, từ gió thu, nắng thu lấp lánh sặc mau. Đào Trinh Khiêm. Lần đầu trong đời, Vỹ nghe thấy một cái tên thiếu nữ đẹp và kỳ diệu đến thế.

Ngay đêm đó bài thơ Vỹ viết tặng riêng Khiêm, đã được hoàn thành. Vỹ viết trong một cảm xúc tuôn trào, ào ạt. Cả một ngày đầy ắp không khí phố phường với đoàn quân chiến thắng hùng dũng đi giữa rừng cờ hoa, rừng người, với ào ạt gió thu, nắng thu, cứ tràn về, ùa về réo gọi từng con chữ. Tất cả khung cảnh phố phường, con người, trời đất ấy đã tạo nền cho bức tranh sơn dầu hoành tráng đầy sắc màu ấn tượng. Và điểm nhấn duy nhất, nhãn lực của bức tranh ấy là gương mặt thánh thiện, kiều diễm của Đào Trinh Khiêm. Lần đầu tiên trong đời, Vỹ gặp một người con gái như Khiêm. Suốt những năm đi học trường huyện, và ba năm đi kháng chiến nhưng chưa bao giờ Vỹ có cảm giác yêu. Hồi viết bài thơ "Sống" có một cô Mai cùng làng cũng làm Vỹ bâng khuâng, và anh có nghĩ tới nàng; nhưng đó chỉ là một cái cớ để anh làm thơ. Rồi ngày ở Sơn Dương làm báo Vệ quốc, cô gái Tày, Nông Thị Ngần, có đôi mắt đen láy và lúm đồng tiền trên hai má bánh đúc trắng hồng cũng làm Vỹ xốn xang mấy tuần. Nhưng rồi, sau lần đơn vị chuyển địa điểm, hình ảnh Ngần cũng phải nhạt dần. Lần này với Khiêm thì khác hẳn. Dường như đã có sự sắp đặt của tạo hoá. Vỹ lên Việt Bắc, Vỹ ngủ hầm vượt suối trèo non, cùng các chiến sĩ trải qua 56 ngày đêm chiến dịch điện Biên Phủ, là để dẫn đến cuộc kỳ ngộ giữa Hà Nội hôm nay. Vườn Thuý là nơi gặp gỡ trao duyên giữa chàng Kim và nàng Kiều. Còn Hà Nội ngày chiến thắng là nơi gặp gỡ giữa Nguyễn Kỳ Vỹ và Đào Trinh Khiêm. Cứ liên tưởng như thế là Vỹ đã thấy xốn xang, đã muốn thêu dệt ra một cuộc tình lãng mạn mà tâm hồn thi sĩ và óc tưởng tượng của anh không bao giờ có điểm dừng. Vỹ chép nắn nót bài thơ vào tờ giấy pơluya mỏng tang, ướp nước hoa thơm phức, gấp trong phong bì, đặt trong túi áo quân phục, đi tìm nàng.

Đơn vị Vỹ đóng trong khu nhà thương Đồn Thuỷ. Đây vốn là khu nhượng địa của Pháp từ cuộc khai phá thuộc địa lần thứ hai, sau trở thành khu Đồn Thuỷ, rồi trở thành nhà thương chữa trị cho quân Pháp trong cuộc chiến ở Đông Dương. Không có xe đạp, tranh thủ ngày nghỉ, Vỹ cuốc bộ ra phố Huế, đón tàu điện lên Bờ Hồ, rồi đi bộ lên Hàng Gai. Bắt đầu từ dốc Hàng Gai, tim Vỹ bỗng đập liên hồi. Vết sẹo ở cổ chân phải tái đau, làm anh nhớ lại quang cảnh lúc gặp nàng. Anh như người đang làm một công việc vụng trộm, chỉ sợ người khác bắt gặp. Hết nhìn qua phải, rồi lại nhìn sang trái, nhìn trước rồi lại nhìn sau. Không một thiếu nữ nào qua đường mà anh không dò tìm. Anh nhìn lên các ban công, các cửa sổ tầng hai, tầng ba. Hôm ấy nàng rẽ đám đông từ bên hè phố kia, chỗ đối diện với cây đa cổ thụ có những chùm rễ gân guốc áp sát vào bên cửa ngách ngôi chùa cổ. Nàng cầm bó hoa lay ơn ào ra đường tới trước mặt Vỹ. Rồi nàng lại trở về chỗ cột điện kia. Tiếng "Em là Đào Trinh Khiêm" nàng thốt lên từ cột điện ấy.

Chị bán hàng tạp hoá bên hè đường với chiếc tủ kính ba ngăn có bốn bánh xe ở chân đã chú ý tới Vỹ từ mấy buổi nay, giờ thấy Vỹ đi lại quãng phố tới lần thứ ba, liền đánh tiếng hỏi:

- Anh bộ đội tìm ai?

- Dạ không - Vỹ giật thót người, định tháo từ, nhưng rồi nhận ra gương mặt phúc hậu của người đàn bà bốn mươi tuổi, anh liền đánh bạo - Chị ơi, em là bộ đội…

- Tôi biết rồi. Tôi còn nhớ là đã gặp chú hôm đi diễu binh…

- Dạ vâng. Chị có thể giúp em…

- Chú cứ nói. Được giúp bộ đội Cụ Hồ như các chú, việc khó đến mấy tôi cũng làm…

- Em đang đi tìm một người họ hàng chị ạ - Vỹ nhanh ý bịa ra một cái cớ để khỏi ngượng.

- Ai? Ở phố nào, nhà số mấy?

- Em không biết số nhà. Chỉ biết ở quãng phố này.

- Cả khu phố này, nhà ai tôi cũng biết. Chú tin tôi đi. Tôi là Mỹ, bán hàng xén ở đây gần hai chục năm rồi.

- Thế chị có biết cô gái nào tên là Đào Trinh Khiêm không? Một cô gái chừng mười bẩy tuổi…

- Thế mà cứ vòng vo mãi - Người đàn bà lườm Vỹ một cái rõ dài - Xinh nhất khu phố này đấy. Cô Khiêm con ông Ký Lạng, người giàu nhất nhì Hà nội ai mà chả biết. Nghe nói sắp lấy chồng rồi. Con trai ông Đốc tờ Huyên ở Hàng Bè đang muốn xin cưới rồi dinh tê vào Sài gòn.

Mặt Vỹ bỗng biến sắc. Mấy hôm nay cả đơn vị đang được phổ biến về chủ trương cải cách nhộng đất, cải tạo tư sản, về âm mưu của Mỹ và tay sai đang kêu gọi đồng bào giáo dân, các nhà tư sản và công chức xuống khu ba trăm ngày ở Hải Phòng để di cư vào Nam. Những thiếu nữ như Khiêm rất có thể sẽ biến khỏi Hà Nội. Sẽ chỉ còn lại công nông binh. Cả Hà Thành sẽ tràn ngập màu áo nâu thôn dã và màu xanh áo thợ…

- Cám ơn chị… em xin lỗi - Vỹ lắp bắp và toan bước đi.

- Không tìm cô Khiêm nữa à? - Đôi mắt người đàn bà vẫn như không muốn buông tha chàng bộ đội đẹp trai. - Cô Khiêm không ở phố này. Chú rẽ vào phố Lương Văn Can, tìm hiệu may Phúc Hoà.

Biết mình đang tìm bóng chim tăm cá, nhưng Vỹ vẫn không thể điều khiển được bước chân mình. Theo lời chị bán hàng tạp hoá mách bảo, mấy hôm sau Vỹ tìm đến phố Lương Văn Can. Kia rồi, Hiệu may Phúc Hoà, chuyên comple áo dài, ở gần giữa phố. Đó là một ngôi nhà ba tầng mái ngói, sâu hun hút, có ban công chìa ra mặt phố. Sừng sững hai dãy tủ kính hai bên là những manơcanh, với đủ loại nam và nữ, trắng và đen. Manơcanh nam với những bộ veston đủ loại, mang đậm phong cách Paris. Manơcanh nữ trong những bộ áo dài màu trắng, màu thanh thiên, màu hồng và hoàng yến khiến mỗi manơcanh là một cô dâu, một hoa hậu lộng lẫy nhưng lại đậm nét truyền thống Việt.

Những cư dân ở khu phố cổ Hồ Gươm đều biết rất rõ những hiệu may áo dài nổi tiếng dọc phố Lương Văn Can, đều có chung một cái tên Hoà phía sau: Phúc Hoà, Ứng Hoà, Phương Hoà, Hải Hoà, Ngọc Hoà, Thanh Hoà… Hỏi ra mới biết tất cả những hiệu áo dài này đều là anh em họ hàng do người làng Trạch Xá, Hoà Lâm, một làng vùng đồng chiêm Ứng Hoà thuộc tỉnh Hà Đông lập ra. Người mở tiệm comple áo dài đầu tiên ở phố Lương Văn Can là cụ Quản Tập. Cụ có ông nội làm quan nội y thời vua Tự Đức nên đã nối nghề gia truyền của cha ông để lại. Đến đời con cụ Quán Tập là ông Ký Trùng thì nghề may cực kỳ phát đạt. Ông Ký Lạng mở rộng ngành nghề, đưa anh em còn cháu từ Hoà Lâm ra, mua một xưởng dệt kim của Cự Doanh ở ngõ Cự Lộc và mua nhà mở thêm cơ sở kinh doanh may mặc ở các phố Lê Văn Hưu, Thi Sách, Hàng Ngang, Hàng Đường cho các con. Con trai cả Ký Lạng là Đốc Khẩn lại mở tiếp tổng đại lý vải ở phố Huế và xây một Hotel bốn tầng ở gần ga Hàng Cỏ, tậu một đội xe khách chạy tuyến Hà Đông - Phương Đình. Riêng hiệu may Phúc Hoà, thương hiệu lâu năm và uy tín nhất, ông Ký Lạng để cho bà Ba Yên với hai người con là cô tám Đào Trinh Khiêm và cậu út Đào Phan Khánh kinh doanh.

Bà Ba Yên, vợ ba ông Ký Lạng tên đầy đủ là là Phan Thị Hà Yên, con gái yêu cụ Đốc Phan Quảng, từng giữ chức Bố chánh tỉnh Bắc Giang. Do dính líu đến cuộc khởi nghĩa Đề Thám, chính quyền bảo hộ buộc chính phủ Nam Triều bãi chức Phan Quảng. Ông về Hà Nội mở trường dạy học và tham gia phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục, cùng cụ cử Lương Văn Can ngầm tuyển chọn các thanh niên ưu tú đưa đi du học tại Nhật Bản và trung Quốc. Con trai cụ Đốc, ông Phan Quyến tốt nghiệp trường sư phạm Đông Dương, vốn ghét Pháp và yêu thích nghề dạy học, ông vận động em rể và em gái bỏ vốn lập trường tư thục ở gần hồ Thiền Quang đế dạy trẻ. Ông Ký Lạng, vốn rất yêu bà Ba Yên, nhưng vẫn sợ bà cả, bà hai và các con ghen tỵ, nhân dịp này bí mật rút một phần vốn ở xưởng dệt kim Cự Lộc, đầu tư cho bà Ba Yên xây trường. Trường tư thục có tên Đất Việt, gồm 2 tầng 12 phòng dạy hai ca sáng chiều, do bà Phan Thị Hà Yên làm chủ nhiệm, ông Phan Quyến làm hiệu trưởng.

Trường tư thục Đất Việt ngay từ khi thành lập đã gắn bó thân thiết với hai chị em Đào Trinh Khiêm. Chính ở ngôi trường của gia đình, với những thầy cô giáo vốn rất thân thiết với mẹ và bác Phan Quyến, Khiêm cùng cậu em trai Đào Phan Khánh đã học qua bậc tiểu học. Đến năm lên học trung học, Khiêm chuyển sang trường nữ sinh Đồng Khánh. Ước mơ lớn nhất của Khiêm là học xong tú tài, sẽ vào trường sư phạm, để rồi lại theo nghiệp của mẹ và bác Phan Quyến… Với ý thức như thế, ngày nào sau giờ học ở trường Đồng Khánh hoặc trong những ngày chủ nhật, Khiêm cũng đến trường tư thục Đất Việt, khi thì giúp mẹ hoàn thiện sổ sách, học bạ cho học trò, khi thì lên lớp phụ đạo cho các em, hoặc dạy thay giờ các thầy cô vắng lớp. Khiêm thích đến trường hơn là về hiệu may Phúc Hoà ở phố Lương Văn Can.

Chiều nay, khi những cơn gió bấc đầu mùa xao xác trên những hàng cây quanh hồ Thiền Quang, Khiêm bỗng thấy se lạnh. Có thể đó là cái lạnh tâm lý từ mấy hôm nay, khi ông Ký Lạng cùng bà cả và vợ chồng anh Phán Lục, anh Tư Khoa cùng con cháu một đoàn hơn hai chục người kéo nhau xuống Hải Phòng đợi chuyến tàu di cư vào Nam? Chẳng ai dính dáng gì đến nhà thờ Công giáo, ngoài vợ anh Phán Lục, con dâu thứ hai ông Ký Lạng. Nhưng Phán Lục trước sau rất kiên quyết.

- Không thể để cả nhà mình chơi canh bạc này với Việt Minh được. Nhất định rồi sẽ dẫn tới cảnh cộng chồng, cộng vợ, cộng tất cả tài sản thành của chung. Tin họ rồi có ngày treo niêu cả nút. Ai không muốn đi thì cứ ở lại Hà Nội. Hai năm sau hiệp thương lại đoàn tụ với nhau thì nhà mình còn đại phúc.

Khiêm và Khánh kiên quyết thuyết phục mẹ ở lại. Bà Ba Yên gạt nước mắt tiễn ông Ký Lạng cùng các con bà cả, bà hai. Khiêm và Khánh là những người lạc quan nhất. Thậm chí họ còn chế giễu bố và các anh là những kẻ vong bản tình nguyện làm tay sai cho Pháp, Mỹ, những kẻ bi quan chủ nghĩa.

Khiêm đạp xe từ trường tư thục Đất Việt về phố Lương Văn Can. Vừa dừng xe bên hè, bỗng sững người khi nhìn thấy anh bộ đội mặc áo trấn thủ đang đứng tần ngần bên tủ kính.

Những anh bộ đội, thậm chí từng tốp từng đoàn bộ đội, áo trấn thủ, mũ nan tre nguỵ trang, trông anh nào cũng hao hao giống nhau với vẻ mặt chất phác, hơi ngô ngố kiểu thôn quê, thậm chí nhiều khi ngơ ngác như người đồng rừng, lâu nay với Khiêm quen quá đi rồi. Nhưng anh bộ đội kia có nét gì đó khác hẳn, làm Khiêm phải chú ý. Trông quen quá. Hình như Khiêm đã gặp anh ở đâu rồi.

Như có luồng điện sau gáy, Vỹ quay lại. Anh muốn kêu lên: "Đào Trinh Khiêm. Em không nhận ra tôi ư?" Nhưng không hiểu sao, Vỹ cứ đứng sưng như trời trồng.

Khiêm bỗng bật cười. Nàng vừa đưa tay che miệng vừa chạy vào chỗ gian bán hàng của người giúp việc.

- Ôi em buồn cười quá. Chị hỏi anh bộ đội kia xem anh ấy đinh mua gì?

Mặt Vỹ đỏ bừng, rồi khắp người anh bỗng nóng râm ran. Anh không nghĩ mình lại trở thành lố bịch trước mặt nàng. Vỹ đưa tay lên má, tựa hồ như anh vừa có một vết nhọ.

Thoắt cái, Khiêm đã lên trên gác rồi nàng xuống cầu thang với chiếc áo len màu hoàng yến và tấm khăn van trắng muốt. Biết mình vừa đùa anh chàng bộ đội kia một cách quái ác nàng cố làm ra vẻ nghiêm trang.

- Dạ, anh cần may comple hay muốn gặp ai ạ?

- Cô là… Đào Trinh Khiêm… - Vỹ bấm thật đau vào tay mình, giọng nghiêm trang.

- Dạ. Sao anh biết tên em?

- Có người tìm cô Khiêm suốt hai tuần nay.

- Vì việc gì thế anh?

- Để nhờ tôi gửi một lá thư - Vỹ lấy từ trong áo trấn thủ bì thư anh đã dán cẩn thận - Người ấy nói sẽ rất sung sướng nếu cô vui lòng… và mong nhận được hồi âm sớm.

Tay Khiêm bỗng run bắn khi nàng chạm vào lá thư. Nàng có cảm giác như đó là một trái bom hẹn giờ. Nó sẽ nổ bất cứ lúc nào. Nó có thể làm cho trái tim nàng ngừng đập hoặc nổ tung xác pháo.

MÙA THU HÀ NỘI

Tặng Đ.T.K

Em choàng lên vai Mùa Thu Hà Nội

Cả kinh thành lộng lẫy sắc cờ hoa

Tên em ngân giữa trời cao xanh thẳm

Gieo vào hồn anh khúc tình ca.

Anh mang Việt Bắc về đây, ơi Hà Nội

Ròng rã chín năm gối súng ngủ hầm

Rượu Hồ Gươm chỉ soi mà không uống

Đủ làm say nghiêng ngả trăm năm.

Anh muốn ôm cá phố phường Hà Nội

Những Đồng Xuân, Cầu Gỗ, Hàng Đào

Ao dài ơi, cứ thướt tha như nắng

Đừng để anh lẫn thực với chiêm bao…

Khiêm ấp bài thơ trong lần áo ngực, bên trái tim mình. Rồi nàng ép vào giữa cuốn sổ nhật ký, chốc chốc lại mở ra, mắt mở to nhìn vào giữa những dòng chữ, như đọc được điều gì ở đó Nàng không thể tưởng tượng rằng tác giả của bài thơ viết tặng nàng lại chính là người nổi tiếng như cồn với bài thơ"sống và tập thơ "Thời của Thánh Thần" mà suốt cả năm học qua, bọn nữ sinh trường Đồng Khánh của nàng đã chuyền cho nhau đọc và chép tập thơ đến nhàu nát. Nàng là gì mà con người nổi tiếng và khá bảnh trai ấy lại tự mình viết hẳn một bài thơ rồi cất công tìm đến tận nơi để tang - Khiêm ghi vào nhật ký:

Ngày 24 tháng 10

Mình đến chết mất vì quá sung sướng, hạnh phúc. Anh như tia chớp vụt loé trong cuộc đời mình. Bài "Mùa Thu Hà Nội" như một trái bom làm nổ tung mọi dự định, toan tính.

Quả nhiên, mình quyết định cùng mợ và em Khánh ở lại Hà Nội là sáng suốt. Hôm qua cậu nhắn tin lên là tàu đã rời Hải Phòng. Bao giờ thì vào đến Sài Gòn Cuộc chia ly này dài hai năm hay bao nhiêu năm. Mình ở lại Hà Nội chính là để có cuộc kỳ ngộ này chăng? Kỳ lạ thật. Mình như đoán biết trước có người đang đón đợi. Chính là anh đấy. Anh thực sự là một hiệp sỹ hào hoa. Khối đứa phát ghen với mình mất. Tuấn còi mà đứng cạnh anh thì có khác gì gã hầu phòng bên chàng Nam tước. Mợ ơi, đừng bắt con phải gắn bó cuộc đời với gã ký còm bần tiện ấy. Giàu có mà tâm hồn trống rỗng thì thật thảm hại. Bây giờ đã khác rồi. Không còn là thời của kẻ giàu. Đây là thòi của lý tưởng. Cả trường lúc nào cũng ngâm thơ Tố Hữu: "Ơi anh vệ quốc quân. Sao mà yêu anh thế". Cả trường đang dấy lên phong trào yêu và lấy bộ đội. Thương binh cũng lấy. Buồn cười quá. Cái Oanh nó khoe dì nó đang làm mối cho nó một thương binh hỏng mắt. Nó bảo mấy hôm nay nó đang tập dắt người mù qua đường. Trông nó làm điệu bộ dắt anh thương binh, cười đến thắt ruột.

Ngày 29 tháng 10

Anh lại mang đến tập thơ "Thời của Thánh Thần" với lời đề: "Tặng Kh, thời của em". Anh bảo: "Lẽ ra phải tặng Khiêm tập thơ này từ hôm mới gặp. Nhưng không còn sách. Phải đi lùng mua mấy ngày. Mua ở hiệu sách cũ, đừng chê nhé". Tế nhị và hào hoa đến thế là cùng. Mình tiễn anh. Hai đứa đi dọc Bờ Hồ. Có bao nhiêu điều muốn nói mà sao lúc ấy mình ngố và đần đến thé. Anh đọc một câu của Jacques Prévert: Et il est parti / Sous ỉa pluie/ Sans une parole/ Sans me regarder/Et moi j'ai pris/ Ma tête dans ma main/ Et j'ai pleuré(1). Mình tròn mắt kinh ngạc và kính nể. Giọng Paris rất chuẩn. Anh muốn mượn câu thơ ấy để nói hộ lòng mình.

Ngày 17 tháng 11

Gần mười ngày nay không thấy tin tức gì của anh. Muốn phát điên lên. Suốt ngày mong ngóng, đờ đẫn như đứa mất hồn. Mình là con bé đần nhất trên đời. Sao không hỏi địa chỉ của anh. Chỉ sợ người ta bào là cọc đi tìm trâu cơ. Sĩ diên dởm. Bây giờ thì tìm anh ở đâu? Có lúc mình như một con ngố đi tha thẩn trước khu nhà thương Đồn Thuỷ, gặp anh bộ đội nào cũng nhòm như đi bắt kẻ cắp.

Vẫn biệt tăm. Hay anh bị tai nạn Hay cô ả nào đã cuỗm anh đi? Trời ơi, con ngố. Mày yêu mất rồi.

 

Chú thích:

(1) Rồi người đi/ Dưới trời mưa/ Chẳng có một lời / Chẳng nhìn tôi / Còn tôi / Bưng đầu trong tay/ và bật khóc