Mũi trinh sát của công đã góp Công lớn vào chiến thắng An Lộc. Liệt sĩ Nguyễn Kỳ Công được lập hồ sơ để truy tặng Anh hùng lực lượng vũ trang.
Những thông tin trên bà Cam biết được từ chuyến đến thăm đột ngột của nhà văn Châu Hà. Sau khi bị miễn nhiệm chức Tồng biên tập báo Văn Chương, nhà văn Châu Hà được điều lên làm Chủ tịch Hiệp hội Hữu nghị thay vị Chủ tịch cũ vừa mất. Trong thời gian chờ nhận bàn giao công việc, ông đã đến nhiều nơi, từ các cơ quan Bộ Quốc phòng, tới các quân đoàn, quân khu, sư đoàn có liên quan, dồn hết tâm sức để làm rõ sự thật về bức ảnh bẩy chiến sĩ suýt bị máy ủi hành hình trước cuộc tấn công vào thị xã An Lộc.
- Ảnh gốc tôi đã nộp cho Tổng cục Chính trị. Đây là bức ảnh chụp lại.
Bà Cam lặng đi khi nhận ra đứa cháu nội của mình cao vọt lên trong số bẩy chiến sĩ bị chôn sống.
- Cấp trên đã xác định được chàng trai Nguyễn Kỳ Công này là con ông Nguyễn Kỳ Quặc ở làng Động, cháu ruột nhà thơ Nguyễn Kỳ Vỹ và ông Chiến Thắng Lợi - Châu Hà nói - Nếu không có gì thay đổi, danh sách tuyên dương Anh hùng sẽ được công bố vào Quốc khánh 2 tháng 9.
Bà Cam hơi cúi xuống như đang chặn một cơn đau tim. Nước mắt bà trào ra. Không phải vì cơn đau mà vì quá thương tiếc tự hào. Đúng là thằng Công, con trai cả của Cục, cháu nội bà. Nó xung phong đi bộ đội để trả thù cho mẹ nó bị máy bay Mỹ giết hại, khi chưa đầy mười bẩy tuổi. Tiếp đến là hai em nó, Nguyễn Kỳ Cải, rồi Nguyễn Kỳ Cách. Hai thằng anh nằm lại chiến trường. Chi mình thằng Cách trở về. Nguyễn Kỳ Cải đã có giấy báo tử. Còn Nguyễn Kỳ Công, biền biệt từ ấy may mà bây giờ mới biết tin tức.
- Để tôi nhắn ông Lợi báo tin về làng Động cho ông Cục biết - Bà Cam nói và cứ băn khoăn không hiếu sao Châu Hà lại báo tin này với mình.
- Chắc ông Lợi cũng biết tin này rồi - Châu Hà nói - Tôi đến thăm, nhân tiện kể với chị về tắm ảnh, mà người tặng tôi, cũng là người gửi tặng chị món quà tôi mang theo đây. Không hiếu sao tôi cứ có linh cảm ông ta phải có một mối quan hệ bí ẩn nào đó với liệt sĩ Nguyễn Kỳ Công. Chính ông ta cũng bảo: "Tôi giữ mãi bức ảnh này vì nhìn ảnh, tôi cứ nghĩ, cậu ta hình như là con trai mình, cháu ruột mình. Suýt nữa thì tôi lại giết một người ruột thịt…"
Châu Hà đưa chiếc hộp đá chạm cho bà Cam.
- Ai gửi cho tôi? Món quà gì thế này?
- Thì chị thử mở ra xem.
Châu Hà lặng lẽ theo dõi phản ứng và tâm lý của bà Cam, với cái nhìn và óc phán đoán của nhà tiểu thuyết. Quả nhiên, vừa nhìn thấy chiếc dây thánh giá bạch kim có khắc chìm hai chữ TP, thì sắc mặt bà Cam tái dại, hai khoé mép bà run rẩy.
- Tôi không nhận đâu. Sao anh lại chuyển cho tôi món quà này? Chắc có sự nhầm lẫn…
- Tôi cũng định không nhận, vì lỡ chị từ chối… Nhưng ông ta nài nỉ tha thiết quá. Ông ta nói đây không phải là một món quà tặng mà là biểu hiện của lời cầu chúc, là sự ăn năn, sám hối…
Đôi mắt bà Cam đau đáu như nhìn sâu vào cõi xa xăm nào của quá khứ.
- Hồi anh gặp tôi ở Đại hội Chiến sĩ thi đua để viết bài, tôi vẫn chưa kể hết với anh. Vì sao tôi đến chùa Phổ Hướng? Vì sao tôi lại trở thành Ni cô Đàm Hiên?
- Có một khoảng trống đầy bí ẩn ở chị mà hồi ấy tôi không tiện hỏi. Bây giờ chắc là lúc chị có thể kể…
- Là người giàu óc tưởng tượng như nhà văn các anh, chắc cũng không thể nghĩ đời tôi lại có nỗi truân chuyên đến thế…
- Con người mà anh gặp, đã đẩy tôi phải tìm đến cái chết. May mà Đức Phật đã ra tay cứu giúp… - Bà Cam dừng hồi lâu, cố nén những tiếng thở dài. Rồi đột ngột hỏi - Các anh sang bên Mỹ, lão Trương Phiên và bọn phản động lưu vong có làm khó dễ nhiều không?
- Ở New Orleans, ngày đầu có một vài nhóm biểu tình. Nhưng sau lại rất thân ái. Chuẩn tướng Trương Phiên chủ động nhờ người giới thiệu đến gặp chúng tôi. Ông ấy ân hận và muốn được tha thứ…
- Rồi tôi sẽ kể với anh… Cả về bức ảnh anh bộ đội giải phóng sắp được tuyên dương anh hùng này… Nhưng bây giờ chưa phải lúc… - Tránh cái nhìn như mũi dao săm soi của nhà tiểu thuyết, bà Cam lim dim mắt như nhìn vào chính đáy tâm hồn mình.
Bà nghe có tiếng vang từ đâu đó, như những chuỗi câu hỏi, âm âm trong đầu: Vậy thì đến bao giờ? Bao giờ vết thương mới vỡ bung ra? Sự thật của đời ta phải được phơi bày. Nhưng khi nào? Hôm nay? Ngày mai? Hoặc không bao giờ?
- Kìa ông ơi, bà cháu… - Cô cháu gái nãy giờ vẫn đứng lảng vảng canh chừng, bỗng nhảy bổ lại - Bà cháu có bệnh tụt huyết áp…
- Chị ơi. Chị mệt lắm phải không? - Châu Hà hốt hoảng khi thấy mặt bà Cam tái nhợt, đang muốn xỉu đi. Ông bảo cô gái đi lấy dầu xoa và cốc nước trà gừng rồi đưa bà vào giường nằm.
Lúc sau, bà Cam tỉnh dần.
- Tôi đau đầu quá. Tôi con nợ nhà văn và nợ mọi người… - Bà Cam thều thào nói trước khi Châu Hà ra về.
°°°
Cái tin Cục đi cấp cứu bệnh viện. Và người suýt gây ra án mạng, lại là Chu, khiến bà Cam đột quỵ. Một tuần trong bệnh viện, nhiều lúc bà Cam hôn mê sâu, phải thở bằng máy. Chu phải huỷ kế hoạch bay sang Nga để ở lại chăm sóc mẹ.
- Ông Cục sao rồi hả con? - Đó là những tiếng thều thào duy nhất mỗi lần bà Cam hồi tỉnh. Bà hỏi Chu, nhưng lại nhìn anh như trách móc.
- Vẫn đang nằm ở không cấp cứu hồi sức bệnh viện tỉnh. Nhưng chú ấy tỉnh rồi mẹ ạ. Mảng sọ bên trái bị rạn. Não bị tụ máu. Mấy hôm đầu tưởng không qua khôi… Lỗi tại con. Con không có ý đánh chú ấy mà chỉ cứu em Nhất. Nếu con không gạt lưỡi xẻng của Mạn thì em Nhất đi rồi…
Bà Cam muốn nói điều gì, nhưng không thể diễn tả nổi. Trong đầu bà âm u như một buổi chiều đầy sương mù. Tất cả chỉ một màu tro xám. Văng vẳng đâu đây như có tiếng gió rít từng hồi, tiếng những bụi tre kẽo kẹt. Tiếng con chim lợn buông mấy tiếng rợn người. Rồi lờ mờ hiện ra một gò ông Đống đầy những bụi tầm xuân. Con chim lợn vô cánh bay quạt theo cơn gió lạnh tử thần. Rồi tiếng trẻ con bỗng khóc ré. Tiếng khóc như xé màng nhĩ. Bà Cam bỗng hốt hoảng giật bắn người, vã hết mồ hôi.
- Kìa mẹ. Mẹ thấy trong người thế nào? Chu cúi xuống, ôm ghì lấy mẹ. Anh thấy như chính mình đau đớn mỗi khi mẹ cựa mình. Suốt mười mấy năm phiêu bạt xứ người, những lúc anh yếu đuối nhất, lo lắng nhất là khi nghe tin mẹ ốm, hay có sự cố gì xảy ra với mẹ.
Chu lấy khăn lau nước mắt cho mẹ. Cứ lần nào nhìn thấy Chu là nước mắt mẹ lại giàn giụa. Mẹ thương Chu hay có điều gì muốn nói với anh?
- Con điện cho Linh đưa hai cháu về thăm mẹ rồi. Nhà con đang thu xếp công việc. Cậu Quách Liêu nghe tin mẹ ốm nặng cũng đòi về. Riêng cháu Liên của bà có khi không về được vì đang mắc kỳ thi cuối khoá…
Bà Cam gật đầu.
- Mấy hôm nay bao nhiêu người đến thăm mẹ, mẹ có biết không? Tất cả những cô dì hồi làm ở Hội Phụ nữ với mẹ, không thiếu một ai. Ban Tổ chúc Trung ương, Mặt trận Tổ Quốc, Văn phòng Quốc hội, Uỷ ban tỉnh Sơn Minh đều đến thăm và có quà cho mẹ này. Bố con và dì Là, em Nhất ngày nào cũng vào viện. Rồi bố mẹ vợ con, chú Vỹ, thím Khiêm. Chú Vọng mới ở Mỹ về cũng đến ngay… Trong quê thì không thiếu một ai. Cả Mường Bi, cả làng Động… Đủ hết thành phần. Mẹ cố khoẻ, mẹ nhé…
Chu nghẹn giọng. Mắt ướt nhoè. Anh có cảm giác như mọi người đến để tiễn biệt mẹ anh lần cuối.
Bà Cam quay mặt vào tường. Giữa cơn mơ chập chờn, bà lại nghe có tiếng trẻ khóc ở trong búi tầm xuân gò ông Đống giữa đồng. Có rất nhiều tiếng chí choé của đàn chuột đồng, nhiều tiếng quạ như xé nát màn sương. Rồi lào rào như tiếng gió tiếng lá khô bị xô đẩy. Đó là dấu hiệu hành quân của kiến. Đàn kiến lửa đông tới triệu triệư con, nối đuôi nhau, đỏ như một vệt máu đông di động… Tiếng trẻ bỗng kêu thét lên, tựa hồ như cùng một lúc, bọn chuột, bầy quạ và đàn kiến cùng nhất tề tấn công thằng bé.
Bà Cam ú ớ, đưa tay chới với như bắt chuồn chuồn.
Chu hốt hoảng vội gọi bác sĩ.
- Tôi cảm thấy mẹ tôi có những biểu hiện bệnh lý lạ. Xin các bác sĩ cho hội chẩn để tìm nguyên nhân - Chu gặp bác sĩ trưởng, nài nỉ. Anh cũng không quên đưa chục chiếc phong bì cho một bác sĩ quen để nhờ lo liệu công việc.
Bốn ngày sau, bác sĩ trưởng gọi Chu vào phòng riêng và báo:
- Lần đầu tiên trong đời làm bác sĩ, tôi mói thấy một bệnh nhân có biểu hiện bệnh lý kỳ lạ thế này.
Chu run bắn người.
- Dạ xin bác sĩ cứ nói. Mẹ tôi…
- Anh phải hết sức bình tĩnh. Tôi biết anh rất yêu mẹ… Nhưng chúng ta phải dám nhìn thẳng vào sự thật. Tiến triển bệnh của bà cụ rất lạ. Hôm đầu vào viện chúng tôi đã chiếu chụp toàn bộ, nhưng không hề thấy dấu hiệu gì ở gan. Vậy mà, bây giờ, tình hình đã khác hẳn. Khối u của bà cụ phát triển rất nhanh…
- Thưa bác sĩ, mẹ tôi đã… - Chu bật khóc - Các bác sĩ đã cho làm sinh tiết chưa? Có cần gửi sang bệnh viện K không, thưa bác sĩ?
- Chúng tôi đã gửi sinh tiết sang bên K. Đã mời bác sĩ đầu ngành ở K đến hội chẩn. Và chúng tôi đã cùng thống nhất trong bệnh án…
Chu như đổ sụp xuống ghế. Anh không thể kìm mình được. Anh khóc tức tưởi. Con đau quá mẹ ơi. Vì con mà mẹ chịu trăm bề cơ cực. Con là một đứa bé bơ vơ, côi cút của Mường Bi. Tuổi thơ của con tưởng chừng như vắng bóng mẹ. Con là đứa trẻ mồ côi, bao nhiêu năm khát tình cha mẹ. Rồi con dần hiểu ra. Con biết mẹ phải hy sinh tình cảm mẹ con để phụng sự cho một sự nghiệp lớn lao hơn… Cho đến khi con có mẹ và có cha, thì mẹ lại chịu biết bao thua thiệt. Con biết, khi viết lá đơn xin ra khỏi tổ chức, xin gửi lại hết huân chương, bằng khen, danh hiệu… mẹ đã đau đớn biết nhường nào… Mẹ không phải là kẻ phản bội lý tưởng, phản bội con đường đã lựa chọn. Nhưng vì con, mẹ đành chịu mất mát lớn, chịu những thương tổn mà với một người như mẹ, là vượt quá sức, là đau đến tận cùng… Con biết mẹ vẫn chưa hết nỗi đau. Mẹ vẫn giấu con một cái gì. Đó là nỗi đau gì hả mẹ?
Chu muốn gào lên. Muốn hỏi trời xanh. Anh loạng choạng bước ra khỏi phòng bác sĩ, nhưng lại đâm bổ vào thành cửa.
Bệnh tình bà Cam trở nên rất nguy kịch.
°°°
Chu quyết định đưa mẹ sang Singapore hay Trung Quốc. Nhưng các bác sĩ khuyên anh nên cân nhắc kỹ. Bởi bà Cam không chịu đựng nồi một cuộc di chuyển đường dài, dù trên một chuyến chuyên cơ đặc biệt.
Sau mấy tuần xạ trị, tóc bà Cam rụng hết. Bà chỉ càn như một bộ khung xương nằm thoi thóp trong căn phòng dịch vụ trắng toát của bệnh viện.
Một sáng tinh mơ, bà Cam bỗng gượng dậy, đưa mắt hê nhìn.
- Ôi mẹ, mẹ tỉnh lại rồi! Cả Chu và Linh đều reo lên - Con Linh đây. Con dâu và hai cháu nội của mẹ, Nguyễn Kỳ Châu, Nguyền Thu Liên của bà đã về đây.
- Đầy đủ cả rồi à? - Bà Cam nhìn quanh, như tìm kiếm một ai đó - Thế chú Quặc đâu?
- Dạ chú Cục đã ra viện rồi mẹ ạ. Nhà nước vừa công bố tên em Nguyễn Kỳ Công trong danh sách truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang đợt này. Chú Cục và cả họ, cả làng Động phấn khởi lắm…
Nụ cười trên môi bà Cam méo xệch. Lâu lắm rồi Chu mới thấy mẹ cười.
- Mẹ muốn gặp chú Quặc. Muốn được mừng cháu Công anh hùng…
Bà Cam một mực đòi về nhà. Vợ chồng Chu đành thu xếp cho bà ra viện.
Căn nhà đã được tu sửa, quét vôi sáng trắng để đón bà Cam.
Từ hôm đó, bà Cam như khoé lại. Bà gượng ngồi tựa lưng hàng giờ. Bà đòi được tắm rửa, mặc quần áo mới.
Chu biết, ngày hệ trọng của đời mẹ sắp đến.
Hôm ấy, theo lời dặn của mẹ, Chu đã mời đông đủ anh em chú bác chi họ Nguyễn Kỳ: ông bà Chiến Thắng Lợi, ông bà Nguyễn Kỳ Vỹ, ông Nguyễn Kỳ Vọng, ông bà Nguyễn Kỳ Quặc, cùng cậu Quách Liêu và tướng Quảng Lạc, thông gia của bà Cam. Một người ngoài gia tộc duy nhất mà bà Cam dặn phải mời đến là nhà văn Châu Hà.
Ai cũng lặng lẽ như bước vào một lễ cầu siêu.
Bà Cam nằm, mảnh chăn mỏng đắp ngang người, như ngủ. Gương mặt đã bị thời gian và bệnh tật tàn phá chỉ còn là bộ khung xương, với hai hốc mắt trũng sâu, tuy vậy, vẫn thấp thoáng những đường nét của một thời xuân sắc. Riêng mảnh khăn nâu mà cô cháu gái đã khéo che cái đầu rụng tóc khiến cả ông Lợi và nhà vãn Châu Hà vừa bước vào đã giật mình, cùng nghĩ tới ni sư Đàm Hiên chùa Phổ Hướng năm nào.
Nằm yên đó, nhưng dường như bà Cam biết hết. Bà như cảm nhận được ánh mắt của ông Lợi đang nhìn mình. Bà biết tiếng bước chân hơi lệch của ông Quặc đang đi đến bên cạnh, ngay sát bên Chu.
Khi mọi người đã tề tựu đông đủ quanh giường bệnh, bà Cam gượng chống tay ngồi dậy. Chu, Linh rồi bà Nhi, bà Khiêm, bà Là cùng xúm lại, người đỡ vai, người xốc nách.
- Tôi cám ơn mọi người đã đến - Bằng một giọng trầm, nhỏ, nhưng khúc triết đến không ngờ, bà Cam mở đầu - Tôi biết mình không còn được ở với mọi người lâu nữa, nên bảo vợ chồng cháu Nguyễn Kỳ Chu tổ chức cuộc gặp này. Người xưa nói, con chim trước lúc chết thì cất tiếng kêu thương. Con người trước khi chết thì cất lời nói thật. Có phải thế không chú Châu Hà nhỉ?
- Dạ, đây là câu trong Luận Ngữ. Tăng Tử bị ốm nặng, đã nói với Mạnh Tử Kính như vậy - Châu Hà nói.
- Nay tôi mời mọi người đến đây để chứng kiến cho một lời nói thật. Điều này tôi tưởng sẽ phải đem theo xuống mồ. Nhưng tôi không thể…
Nước mắt bà Cam chan hoà, chảy thành dòng theo gò má.
Chu khóc nấc lên, ôm lấy mẹ. Những người đàn bà đều thút thít.
- Đừng khóc…- Bà Cam lại nói - Anh Quặc đâu, Chu đâu, đưa tay cho mẹ.
Linh cảm điều gì từ lúc đến, ông Cục quỳ xuống bên giường.
Bà Cam cầm tay Chu đặt vào tay Cục.
- Chu con. Đây là anh trai của con. Giọt máu của mẹ sinh ra. Con hãy thương yêu anh Quặc con, hai anh em hãy thương yêu nhau như hai nhánh cây cùng một nguồn cội. Xin mọi người hãy chứng giám cho hai đứa con của tôi. Chúng có hai người cha, hai kẻ thù ở hai phía, nhưng chúng lại được sinh ra từ một người mẹ lương thiện nhưng khốn khổ và chồng chất những bi kịch. Ông Khôi ơi, nếu ông khinh bỉ tôi, coi tôi như đồ chung chạ, như người đàn bà hư hông, thì tôi cũng đành chịu. Thời cuộc sinh ra thế. Đất nước chúng ta từng trải qua những khúc nhôi bi đát thế. Chúng ta đều là những đứa con khốn khổ của mẹ Việt Nam. Mẹ Việt không chối bỏ đứa con nào. Vậy thì hai con tôi có tội tình gì mà bao nhiêu năm tôi phải chối bỏ? Tôi sẽ không xứng đáng là người mẹ, nếu tôi không dám thừa nhận rằng chính tôi đã sinh ra chúng, không dám đối diện với những lầm lỗi, không vượt qua được sự ích kỳ, giả dối, hèn nhát… Mọi thứ trên đời sẽ còn có ý nghĩa gì, khi hai đứa con của tôi không biết rằng chúng là anh em cốt nhục. Quặc ơi, con có một cái bớt màu tro ở dưới rốn, đúng không? Suýt nữa thì mẹ đã giết chết người bố của một anh hùng. Con Kỳ Quặc tới mức cha thế, mẹ thế, mà đẻ ra được Anh hùng. Con phải cám ơn nhà văn Châu Hà đã mang từ nước Mỹ về tấm ảnh của cháu Công để Nhà nước có chứng cứ truy tặng cháu danh hiệu cao quý nhất. Nhân đây tôi cám ơn chú Nguyễn Kỳ Vọng. Giờ thì chú và mọi người có mặt ở đây có cho phép tôi làm chị dâu của chú, con dâu của họ Nguyễn Kỳ không? Tôi vẫn nhớ mãi hai anh em Vện, Cục, như hai đứa trẻ sinh đôi của ông bà Cử Phúc… Chú Vọng đã cứu cháu Công khỏi rơi đầu từ lòng hận thù mù quáng của ông nội nó… Bây giờ cháu Công đã trở thành Anh hùng. Nhưng cả tôi và cháu, cùng hàng triệu người ngã xuống, không được chứng kiến cái ngày phong tặng danh hiệu thiêng liêng ấy. Dòng họ Nguyễn Kỳ hãy nhận niềm vinh quang… Hãy xoá bỏ hận thù để thương yêu đùm bọc lấy nhau… Quặc ơi, từ nước Mỹ, đất nước mà một thời đã gây cho chúng ta biết bao đau khổ, chú Châu Hà mang về cho con cái này. Đây là bằng chứng của sự sám hối, là lời cầu xin tha thứ…
Bà Cam luồn tay dưới gối, lấy ra sợi dây thánh giá bạch kim, đặt vào tay Cục.
Từ lúc nào, Cục cũng đã cầm sẵn trên tay chiếc vòng bạc có vuốt hổ. Ông đặt kỷ vật mà ông đã cất giữ bao nhiêu năm, vào tay bà Cam. Và gào lên:
- Mẹ… mẹ… mẹ…! Mẹ ơi!
Tiếng gọi mẹ đầu tiên của Cục, cũng là tiếng khóc tiễn cuối cùng của đứa con sau sáu mươi mốt năm mới được nhận mặt người đẻ ra mình.
Khắp người bà Cam đã lạnh giá. Bà buông xuôi tay, đầu ngật hẳn vào vai Chu, trên môi thoáng một nụ cười. Nụ cười mãn nguyện của người mẹ trước lúc ra đi.
Hà nội 16h16 ngày 1.6.2008.
(Khởi thảo thảo 2005, viết tại Hà Nội, Hà Tây, Vĩnh Phúc, Nha Trang, Bình Phước. TP Hồ Chí Minh)