THỜI CỦA THÁNH THẦN

Chương 22

Cơn mưa rả rích khiến đêm thật dài. Nghe rất rõ cành cây khô bên đầu trái nhà rơi xuống mái ngói tạo một âm thanh như tiếng ho khan trầm của cây.

Cái nhánh khô này Khiêm đã nhìn thấy từ mấy hôm trước. Và suốt năm đêm liền nàng đã canh xem nó rơi vào lúc nào. Năm đêm liền với những giấc ngủ chập chờn mộng mị. Và cả trước đó, hàng mấy tháng trời, kể từ khi Vỹ ở trại cải tạo về hình như chưa đêm nào nàng ngủ yên giấc.

Sẽ không bao giờ có được một đêm kì diệu như cái đêm mưa trái mùa ở trại K27 ngày ấy nữa. Đêm ấy rét thấu xương. Gió vật vã trên tán rừng như vũ điệu cuồng dại của từng đàn trăn gió. Và trong căn nhà lá trạm xá của trại cải tạo, những tấm ván ép cũng run lên bần bật như không thể chịu nổi sức nặng và sự cuồng nhiệt của hai thân thề quấn xiết lấy nhau.

"Em chết mất". Hình như nàng đã nói với Vỹ thế khi nàng nghe rất rõ tiếng những khớp xương mảnh dẻ của nàng kêu răng rắc như có thể gãy vụn dưới sức nặng và sự cuồng bạo của anh. Cái đêm kì diệu ấy chính là sự run rủi của trời đất sinh ra và lớn lên không biết mặt bố. Rất nhiều lần sau này, mỗi khi nói với các con về bé Phong, Khiêm cứ đùa rằng để có được thằng bé, nàng suýt bị gãy cả bộ xương sườn.

Bây giờ thì đúng là tiếng cành cây khô rơi chứ không phải tiếng khớp xương nàng. Vỹ không bao giờ có được cái sức mạnh kỳ diệu của người đàn ông. Vĩnh viễn Vỹ không còn là đàn ông nữa rồi.

Những giọt nước mắt âm thầm rơi xuống gối. Nàng lại khóc Không biết đã bao đêm rồi. Nỗi đau không thể nói với ai. Nỗi đau hành hạ từng đêm, âm ỉ, nhức buốt. Giá như Vỹ cứ đi mất hút như anh đã từng mất hút khỏi đời nàng bẩy năm qua. Giá như nàng đã già nua, xấu xí, hay bị một tật nguyền gì đó. Nghiệt ngã thay, nàng mới chớm vào tuổi hồi xuân, cái tuổi mà rất nhiều người đàn bà chưa biết yêu, hoặc chưa kịp hưởng thụ thời con gái thì đây là những ngày đại lễ hội của đời mình. Đàn ông sành sỏi, biết thưởng thức mùi đời thưởng tìm đến những cuộc tình tuổi bốn mươi. Không nũng nịu, sướt mướt, nai tơ ngờ nghệch, mà chín đỏ, nồng nã, đắm đuối cuồng nhiệt. Khiêm tự cảm thấy mình đang ở đỉnh điểm của người đàn bà. Nàng như trở lại thời xuân sắc. Da thịt nàng sau bao ngày xanh xao héo úa, nay bỗng căng nở, phồn thực. Rất nhiều lần đi đường nàng thấy những gã trai đạp vượt lên rồi ngoái lại nhìn nàng với ánh mắt vừa ngưỡng mộ vừa thèm muốn. Nhiều người đàn ông, trong đó bền bỉ nhất vẫn là Văn Quyền, biết tình cảnh của nàng, cố tình đến ve vãn, gỡ gạc. Nực cười nhất là ông giáo dạy toán đeo đôi kính cận hơn mười đi-ốp, ngày nào cũng săn đón, chĩa đôi mắt kính dày như đít chai vào khoảng ngực nàng với niềm khao khát không cần che giấu. Đã thế ông giáo toán còn làm thơ nữa chứ. Những bài thơ viết trên giấy vở học trò, nhiều bài phỏng giọng thơ Bút Tre, thỉnh thoảng như vô tình lại rơi vào cặp sách của nàng. Có lần con gái Trinh Mai ôm lấy người nàng rồi lùi ra xa ngắm nghía mẹ, thở dài: "Con lo cho mẹ lắm. Đến như con mà cũng bị mẹ quyến rũ. Mẹ làm sao mà giữ nổi mình, chờ được cho đến khi bố con về?" Con bé đến tuổi yêu nên đã biết thương mẹ. Nó lo cho mẹ là phải. Chính Khiêm có lúc trước một ánh mắt, một nụ cười cám dỗ, cung tự lo thay cho mình.

Nhưng rồi cuối cùng thì Khiêm vẫn trụ vững được. Quả bom từ trường dù gặp sắt thép cũng không chịu nổ. Trái nho chín mọng trên cây nhưng còn lâu mới đến miệng những con cáo. Nàng vẫn đủ trinh trắng và kiêu sa chờ ngày Vỹ về.

Cái đêm đầu tiên Vỹ từ trại cải tạo về là một đêm quá sức. Cả nàng, mẹ nàng, con Trinh Mai và bé Phong đều sốc vì quá bất ngờ. Vỹ đột ngột như từ trên trời rơi xuống. Đến mức con chó cũng không kịp sủa. Khi nghe tiếng gõ cửa, Khiêm cứ ngỡ ma chứ không phải người. Ôi chao, hay là hồn ma Vỹ từ trên ấy mò về? Nếu được tha thì trại người ta phải báo chứ? Người ta phải nhắn người nhà lên đón về chứ? Mà sao phải về nhà giữa lúc nửa đêm? Hay là trốn trại? Hay là có chuyện động trời? Khiêm cuống cuồng, hốt hoảng. Cả nhà hốt hoảng, cuống cuồng.

Nhưng sốc nhất lại là Vỹ. Cho tới lúc gặp Khiêm và các con rồi, anh vẫn còn bàng hoàng. Suốt từ ga tàu về nhà, chốc chốc Vỹ lại véo tay mình. Khi thấy còn đau anh mới tin rằng mình còn đang sống.

Mãi sau này, những lúc Vỹ minh mẫn nhất, nghe Vỹ kể lại, nàng tưởng như chuyện hoang đường.

- Em có nhớ ông giám thị Bản không?

- Làm sao mà quên được. Không có bác Bản, làm gì có thằng Phong nhà mình.

- Ừ, cái ông người giời sai xuống ấy, nhân từ và độ lượng nhất trên đời, đã trở thành Giám đốc trại. Sáng hôm ấy, ngay sau giờ tập thể dục, Giám đốc Bản cho gọi anh lên phòng làm việc đưa cho anh tờ giấy đánh máy và bảo:

- Anh được tự do từ hôm nay. Về chuẩn bị tư trang đồ đạc. Có người nhà nào muốn đón thì nhắn lên.

Trời ơi, tưởng nghe lầm, anh hỏi lại:

- Dạ… thưa, tôi được tự do và được về nhà?

- Chứ còn gì nữa. Tôi rất mừng cho anh. Từ giờ phút này, anh là người tự do.

Anh mân mê tờ giấy đánh máy, cảm thấy tờ giấy chưa đủ độ tin cậy, lại hỏi:

- Dạ, tôi tưởng phải mở phiên toà? Tôi phạm tội danh gì phải có tuyên án?…

- Ôi cái ông văn sĩ này, rõ rách việc. Người ta bảo chúng tôi tha ông thì chúng tôi viết giấy. Chứ chúng tôi cũng chẳng biết gì hơn ông. Mấy chục năm nay hàng nghìn con người vào, ra trại, cũng đều thế cả. Chúng tôi chỉ biết làm việc theo lệnh. Có tội danh hay không có tội danh, đã vào đây đều phải xử theo lệnh. Ai tuyên án ông ngồi tù? Án đâu? Tội danh gì? Tù thời hạn bao nhiêu năm? Đến như giám đốc trại là tôi mà cũng không có nổi những văn bản ấy, thì làm sao có phiên toà để xử ông được?

- Dạ… nhưng khi về địa phương, tôi sẽ không có bằng chứng gì để trình báo rằng tôi đã được tha sau bẩy năm tù.

- Thì bằng chứng anh đang cầm trên tay đó thôi. Chỉ một tờ giấy xuất trại này là đủ. Nó cũng giống như anh bị bệnh phải nhập viện bắt anh phải đi viện? Chẳng ai bắt. Có bệnh thì anh tự đến, hoặc anh bị đột quỵ ngang đường một người làm phúc nào đó đưa anh vào viện. Có đúng vậy không? Hết bệnh rồi, người ta cho anh một cái giấy ra viện - Giám thị Bản vừa nói vừa cố nhịn cười, vé mỉa mai không cần giấu giếm - Anh không được nói là anh đi tù, phải nói là đi học tập cải tạo. Không được nói là bẩy năm tù mà là hơn hai lệnh. Mỗi lệnh tính ba năm. Có người gần chục lệnh rồi mà vẫn chưa thành án. Số anh vẫn còn may đấy. Có quý nhân phù trợ. Ông nhà văn Châu Hà tốt với anh lắm. Không có ông ấy thì chẳng biết bao giờ anh mới được rời khỏi đây…

Câu chuyện ra tù của Vỹ chỉ đơn giản như vậy. Sinh mạng chính trị, tư cách công dân của một con người chỉ một cái hất đầu là đi đứt, chỉ một mảnh giấy là tha bổng. Thế nên anh mới sốc. Cứ nghĩ mình đang trong mơ. Cứ tưởng chuyện hoang đường. Có lẽ vì quá sức, mà đêm đầu tiên ngủ với vợ, cố gắng thế nào Vỹ vẫn bất lực. Lại giống hệt như cái lần ồng giám thị Bản cho vợ chồng Vỹ gặp nhau ở cái lán trạm xá trại cải tạo. Những phút đầu gặp gỡ, Vỹ thực sự biết mình không còn khả năng chăn gối. Anh run rẩy đưa cả mười ngón tay vuốt ve làn da ngà ngọc và những đường cong tuyệt mỹ của nàng mà thồn thức khóc vì bất lực. Và đến lượt Khiêm, với tất cả nỗi thèm khát yêu đương mấy năm dồn nén, với sự sung mãn bùng nổ của người đàn bà đang độ hồi xuân, nàng cố phả vào Vỹ ngọn lửa ma mị của tình ái, giúp anh hồi sinh lại. Tấm thân ngà ngọc của người đàn bà đang độ mãn khai, giống như đoá quỳnh lúc nửa đêm, phô diễn vẻ ngần trắng tinh khiết, quyến rũ mê hoặc. Điệu thoát y vũ tuyệt mỹ ban đầu còn mơn trớn khêu gợi, mời mọc, sau thì trần trụi, suồng sã với những đụng chạm, cào cấu thô thiển, quyết liệt. Từ ham muốn, thèm khát tới nhẫn nhục chờ đợi, rồi trơ trẽn, ê chề… Hì hục hàng tiếng đồng hồ mà dương vật Vỹ vẫn mềm oặt như con giun chết.

Tưởng những trục trặc ban đầu rồi sẽ qua. Nhiều đêm sau, lúc điên cuồng, rạo rực như người đàn bà đang cơn thèm khát bản năng, khi đầy trách nhiệm và sự thương cảm của một người thầy thuốc, khi xa xót cảm thông như người mẹ… Khiêm đã dùng đủ mọi cách, từ các loại thuốc cường dương đặc hiệu, đến các liệu pháp kích hoạt, để giúp Vỹ lấy lại cảm hứng đàn ông. Nhưng vô vọng. Vỹ không bao giờ có được cái phút thăng hoa kỳ diệu để thổi vào nàng một cơn xoáy lốc đủ nàng lượng hoài thai một sinh linh bé bỏng Nguyễn Kỳ Phong như ngày ấy nữa. Những T5, và K27 đã huỷ hoại dần ở Vỹ tố chất đàn ông rồi.

°°°

Cái phần đàn ông bản năng của. Vỹ mất đi, thì, như để bù lại cái phần đàn ông lý trí, mà trung tâm là não bộ, lại phát triển như một quái thai trong Vỹ. Nói chẻ hoe ra là, dương vật Vỹ bị liệt, không cương nổi, thì bù lại, Vỹ quyết làm tình bằng mắt, bằng tay, bằng miệng và lưỡi. Chỉ mấy tuần sau, khi cảm giác nhục nhã và xấu hổ vì bất lực sinh lý qua đi, Vỹ bắt đầu mắc chứng bệnh cuồng dục. Hằng đêm, và cả ban ngày, nếu thấy thuận lợi, Vỹ lại mò mẫm sục sạo khắp người nàng, dùng tứ chi, tứ giác, ngũ khiếu, tóm lại là mọi bộ phận của cơ thể để khám phá, gậm nhấm cho thoả cơn thèm khát nhục dục. Vỹ thích ngắm nhìn nàng loã thể, thích vày vò, hành xác cả những khi nàng run lên vì khiếp sợ. Căn bệnh trần cảm càng nặng, bệnh cuồng dục của Vỹ càng tăng. Bình thường, có khi cả ngày Vỹ chỉ ngồi trầm ngâm một chỗ, hoặc tỉ mẩn bào chế thứ thuốc trĩ gia truyền theo thần đơn do ông Hữu Hiệu tặng từ ngay còn ở trại. Nhưng nếu có người đàn ông nào đến nhà nhìn ngắm, trò chuyện với cô giáo Khiêm, là Vỹ liền thay đổi và ghen. Vỹ tưởng tượng ra cảnh người đàn ông kia sẽ tìm cách ngủ với vợ mình, làm đủ thứ trò khả ố với nàng. Vỹ sợ mất quyền sở hữu. Chỉ đợi người đàn ông ấy ra về, chỉ đợi đêm xuống là Vỹ giành lại quyền chiếm đoạt nàng. Vỹ đẩy nàng vào giường, hoặc bế thốc nàng lên. Không hiểu sao những lúc ấy Vỹ có một sức khoẻ phi thường, đến nỗi mọi chống cự của nàng chỉ là sự ngúng nguẩy của một đứa trẻ.

Nhưng thường thì nàng, với bản tính con nhà gia giáo, không muốn gây cãi cọ, không muốn phát ra tiếng động thô lậu để mẹ và các con biết, nàng đành bất lực, ngoan ngoãn cam chịu. Được thể, Vỹ tự lột hết quần áo nàng. Không để sót mảnh vải nào. Vỹ ngây ngất nhìn ngắm toà thiên nhiên, như nhà danh hoạ tự chiêm ngưỡng kiệt tác của mình. Rồi Vỹ rên lên khe khẽ như con thú thưởng thức con mồi. Hôn hít. Cào cấu khóc lóc. Cắn xé. Vày vò. Đủ mọi hành xử cuồng dục. Nhiều lần khắp người Khiêm thâm tím những vết cắn, vết cào. Nhiều lần môi Khiêm sưng tấy. "Em van anh. Nỡ nào anh hành hạ em thế này?" Đã bao lần nàng kêu lên, nàng van xin Vỹ. Có lần biết chuyện, con Trinh Mai phải vào đưa mẹ ra ngủ cùng với bà ngoại. Khiêm xấu hổ và đau đớn ê chề.

Rất nhiều lần đến chơi, nhà văn Châu Hà đều phát hiện thấy những vết thâm tím trên cổ, trên má, trên môi Khiêm. Anh khe khẽ thở dài, ánh mắt xa xót đầy thương cảm. Anh hỏi. Nhưng nàng đều tìm cách lảng tránh. Một lần gặp Khiêm ngang đường, Châu Hà phát hiện một vết tím rất sâu, như một vết cắn, dưới cằm nàng. Anh mời nàng vào hiệu cà phê gần đấy.

- Chị đừng giấu tôi nữa - Từ hồi Khiêm lấy Vỹ, Đà Giang và các bạn của anh đều coi nàng như em gái, luôn gọi em xưng anh. Nhưng từ khi Vỹ đi trại cải tạo, và Đà Giang đã trở thành nhà văn giải phóng Châu Hà, thì anh liền thay đổi cách xưng hô, gọi nàng bằng chị, xưng tôi, một cách xưng hô để đề phòng những hiểu lầm, để tăng phần giãn cách, tạo một rào chắn theo lời khuyến cáo của người xưa: "Con thầy, vợ bạn, gái cơ quan".

Châu Hà nhìn chằm chằm vào vết tím mà Khiêm cố đẩy chiếc khăn che. Bao giờ cũng vậy, cứ gặp Khiêm là Châu Hà lại nghĩ đến nàng ba Châu Long trong vở chèo cổ "Lưu Bình, Dương Lễ". Nàng có phẩm hạnh tuyệt vời của một người vợ chỉ biết yêu chồng, hy sinh tất cả vì chồng con. Từ lâu rồi, Châu Hà đã chọn nàng làm hình mẫu, nhân vật trung tâm của một cuốn tiểu thuyết về tình yêu, về người phụ nữ Việt, nhưng rồi nấn ná mãi, anh vẫn chưa đặt bút viết. Vỹ, anh bạn tài hoa nhưng khốn khổ của Châu Hà, đáng là Lưu Bình, hay là Dương Lễ nhỉ? Nhưng dẫu là ai thì cậu ta cũng có một nàng ba Châu Long. Còn Châu Hà chỉ là khán giả, đứng ngoài và mơ tưởng…

- Tôi đã tìm đọc tài liệu nói về trường hợp cuồng dục. Những người sống trong trạng thái ức chế quá lâu như Vỹ thường mắc căn bệnh ấy. Tôi mới nghe nói có một thầy lang đã tìm thấy bài thuốc thần diệu của vua Càn Long chữa chứng liệt dương. Để tôi sẽ lùng tìm cho Vỹ…

Khiêm rùng mình. Má nàng chợt đỏ bừng lên. Nàng quá xấu hổ khi người khác phát hiện ra những bí mật riêng tư của mình. Chắc là Vỹ đã nói cho Châu Hà biết? Đã vậy thì cần gì phải giấu giếm? Tự nhiên nàng thấy tủi thân và muốn được chia sẻ. Cố kìm, mà nước mắt cứ trào ra.

- Anh Vỹ cứ hành hạ mãi thế này, thì em đến chết mất…

- Lẽ ra chị phải nói với tôi sớm. Chị hãy coi tôi như người nhà. Tôi sẵn sàng chia sẻ với Vỹ và chị mọi chuyện. Con Trinh Mai nó mới đến khóc với tôi. Nó bảo từ ngày bố ra tù, mẹ Khiêm lại khổ hơn. Hình như đêm đến bố thường đánh mẹ. Nhiều sáng ngủ dậy con thấy mắt mẹ sưng và nhiều vết cào… Có đúng là Vỹ nó thường hành hạ chị không Nó muốn giải toả. Nó muốn giành giật lấy cái mà nó không thể. Đây là một thứ bệnh, y học gọi là bệnh cuồng dục, do tác động của hoàn cảnh. Hồi chúng tôi ở rừng Trường Sơn, có thời kỳ hàng loạt các đơn vị bộ đội nữ, nữ thanh niên xung phong bỗng nhiên ôm nhau cào cấu, rồi nhức đầu, nôn mửa và ngất xỉu. Y học gọi là bệnh Dơtstơri, bệnh thiếu đàn ông. Căn bệnh của Vỹ, cần có thời gian, và chắc chắn rồi sẽ khỏi. Trước mắt phải cách ly Vỹ khỏi chị. Tốt nhất là phải để Vỹ ngủ riêng…

- Em đang nghĩ cách phải cơi thêm một gian gác xép. Vừa cơi gác xép, vừa nới thêm một gian chỗ cây hồng xiêm. Cây hồng xiêm cỗi rồi, chặt đi làm một gian cho Vỹ bốc thuốc và tiếp bệnh nhân. Bài thuốc trĩ của Vỹ xem ra đắc địa đấy. Đã có mấy người đến Vỹ chữa khỏi.

- Vâng. Hôm vừa rồi cô Nguyệt đưa bác Hữu Hiệu đến chơi. Từ ngày về hưu theo nghề trĩ gia truyền, bác ấy làm không hết khách. Bác Hiệu thương nhà em lắm, nói sẽ bào chế thuốc sẵn ở quê mang lên để nhà em hành nghề. Thú thật với anh, mẹ con em cứ nghĩ giời cho bác Hiệu xuống cứu giúp nhà em. Thu nhập kinh tế là một phần, vì nhà em thường chữa giúp, không lấy công. Cái chính là có việc làm, có kẻ ra người vào mà bệnh trầm uất ở nhà em thuyên giảm…

Châu Hà mở cặp, lấy ra một phong bì và một gói nhỏ.

- Chị cầm tạm số tiền này để sửa nhà. Đây là nhuận bút cuốn "Đường lớn ta đi" của tôi vừa tái bản. Nó chẳng đáng là bao. Khi nào cần đến tôi sẽ lấy lại. Chị đừng ngại. Còn đây là hai lạng cao hổ cốt, tiêu chuẩn của tôi, tôi không dùng vì bác sĩ nói tôi đang phải kiêng, chị mang về ngâm rượu cho Vỹ uống. Ít thôi. Mỗi ngày một chén hạt mít trước khi ngủ. Bệnh của Vỹ uống cao này rất tốt.

Khiêm chối đây đẩy. Nhưng Châu Hà bắt nàng phải cầm về.

- Tôi đã trù tính sẵn việc này và định đến nhà trao cho chị. Nhưng tôi hiểu tính Vỹ. Gần đây cậu ta gàn và có lúc điên khùng. Gặp chị ở đây tiện hơn. Đừng làm tôi buồn vì một việc cỏn con này…

Suốt từ lúc gặp, Khiêm để ý thấy Châu Hà luôn lần tránh đôi mắt nàng. Ngay cả lời nói của anh cũng lạnh băng, cố không lộ một biểu cảm gì. Châu Hà là người bạn vô tư trong sáng nhất của Vỹ mà Khiêm luôn coi như anh trai mình.

Số tiền nhận bút của Châu Hà đủ để Khiêm cơi nới một gian gác làm phòng riêng cho Mai. Cô bé đang tuổi dậy thì, nổi tiếng là hoa khôi của trường. Phải có một phòng riêng để cô bé ôn thi vào đại học. Căn phòng mới dựng đầu chái nhà, vách trát toocxi, mái lợp giấy dầu, nhưng thoáng rộng, phía trong là giường ngủ của Vỹ, phía ngoài là nơi tiếp và chữa trị bệnh nhân trĩ.

Rất may, chất kẻ sĩ trong người Vỹ dần dần hồi phục. Ngủ riêng, Vỹ mới đủ dũng cảm thoát khỏi sức quyến rũ của nàng. Khi ấy, Vỹ như con thú cô đơn, một mình nằm trong hang ổ của mình mà gặm nhấm sự đời. Nhưng thường thì Vỹ chẳng gặm nhấm gì cả. Vỹ lười biếng để cho đầu óc trống rỗng. Và khi ấy não bộ Vỹ giống hệt như một cái hang hút gió, hoặc một sân khấu bỏ ngỏ, mặc sức cho mây sà, sương giăng, gió thổi, mặc sức cho các loại con rối, các nhân vật tuồng, chèo, chính kịch, hài kịch… múa may quay cuồng. Dường như bộ nhớ của Vỹ đã xoá hết những con người, những cảnh ngộ, sự kiện, gắn bó với Vỹ suốt nửa đời người. Cả những bài thơ, những cuốn sách của Vỹ từng xuất bản, nhiều khi gõ đầu mãi Vỹ cũng không nhớ ra.

Một lần Trần Nhân Ảnh và Châu Hà đến chơi. Ảnh khoe với Vỹ cuốn "Người Việt, nhìn từ góc độ triết học" có chữ ký đề tặng của giáo sư Trần, rồi vỗ vai hỏi Vỹ:

- Tao vừa gặp giáo sư Trần. Thấy mày được về giáo sư mừng lắm. Thế nào, còn nhớ giáo sư Trần không?

- Trần nào? Nhà thơ Trần Nhân Ảnh thì đang ở trước mặt tôi đây!

- Thằng này có sạn trong đầu rồi Châu Hà ơi. Nó quen phản cung quản giáo, tao chưa hỏi đã bật lò xo liền.

- Cho suy nghĩ năm giây - Châu Hà đưa năm ngón tay trước mặt Vỹ - Giáo sư Trần Đức, nhà triết học số một Việt Nam, nhớ chưa?

- Không nhớ. Tôi chưa gặp con người này - Vỹ lắc đầu.

- Ha ha… - Châu Hà bỗng cười lớn, cầm chiếc điếu cày dứ dứ trước mặt Vỹ - Tên phạm nhân nửa Nhân văn Giai phẩm, nửa Xét lại kia, hãy nghe Quản giáo hỏi đây. Trước lúc ngươi đụng xe trên đường phố rồi bị công an tóm về đồn khám xét, ngươi có đến thăm giáo sư Trần và tặng ông ta cuốn sách "Đường lớn ta đi" của bạn ngươi là nhà văn Châu Hà, một thằng bạn từng ký bút danh Đà Giang mà nhà ngươi chúa ghét. Nhà ngươi vừa mua ở hiệu sách quốc văn cuốn sách đó, liền mang ngay đến tặng giáo sư Trần, có đúng không? Vẫn ngoan cố, không chịu khai báo phải không? - Trần Nhân Ảnh thấy mặt Vỹ cứ nghiệt ra, liền hỏi tiếp - Vậy là I-sê của phạm nhân có vấn đề rồi. Châu Hà ơi, thằng này giống Bàng Quyên, đáng tội tứ mã phanh thây. Nó từng tôn giáo sư Trần là đại sư phụ, nhà triết học thiên tài của nước Việt, thế mà mới đi nghỉ ở Hiltơn đờ Lahiên bẩy năm, đã quên béng sư phụ. Học trò mà không nhớ thầy thì đại bất nghĩa. Thời Xuân Thu chiến quốc, Bàng Quyên lừa thầy phản bạn, bao nhiêu lần mưu giết Tôn Tẫn, nhưng khi gặp thầy Quỷ Cốc Tiên Sinh vẫn phải quỳ lạy xin đại xá. Ngươi mang danh là nhà thơ nổi tiếng Nguyễn Kỳ Vỹ, mà há chẳng bằng người xưa thế ru?

Vỹ nghển mặt, chẳng hiểu hai người bạn nói gì.

Thuận tay, Châu Hà rút tập thơ "Thời của Thánh Thần" trên giá sách, chìa trước mặt Vỹ:

- Tập thơ này có phải của nhà ngươi viết không?

Vỹ sầm mặt, giằng lấy cuốn sách, vứt xuống gầm giường.

- Hãy quên nó đi. Đời không đáng một cái tổ trĩ! Vứt hết thơ phú ra sọt rác.

Châu Hà và Trần Nhân Ảnh nhìn nhau lắc đầu. Họ nên hiểu bạn mình bị mất trí nhớ hay là y chưa hề quên một điều gì?

°°°

Vỹ đang là con người đặc biệt. Từ ngày đi trại cải tạo về, trong Vỹ tồn tại hai con người: Một thầy lang mẫn cán, tận tuỵ thương người và một thi sĩ cùn, trầm cảm, lầm cẩm và bất đắc chí.

Buổi sáng Vỹ là một thầy lang tận tuỵ. Vỹ thường dậy từ sáu giờ sáng. Một tiếng thể dục, vệ sinh cá nhân, ăn bát cơm nguội rang do Khiêm chuẩn bị, rồi bắt đầu làm việc. Công việc của một thầy lang không có gì phức tạp. Thuốc bào chế sẵn thường thì ông Hữu Hiệu gửi từ quê lên hoặc do chính tay Vỹ sao tẩm. Bệnh nhân thường tự đến, thảng hoặc có ca đặc biệt, Vỹ có thể đến tận nhà. Cực nhọc và bỉ lậu nhất là lúc khám và làm thuốc. Bệnh nhân tụt quần ngang đùi, chổng mông, chìa cục trĩ dơ dáy và bốc mùi vào sát mắt, mũi thầy lang.

Căn bệnh trầm cảm của Vỹ thường chỉ xuất hiện từ đầu giờ chiều, lúc bệnh nhân đã về và Vỹ đã ăn xong bữa trưa. Xét theo thuyết âm dương thì thời khắc đó cho tới nửa đêm thuộc về âm. Từ khoảng bốn giờ chiều, Vỹ thường không làm một việc gì hay ngồi một mình trong góc nhà liên tục đốt thuốc lá và nhìn xa xăm vào một khoảng không gian nào đó. Đó là lúc Vỹ lười biếng để cho đầu óc trống rỗng. Bộ óc Vỹ khi ấy giống hệt như một cái hang mặc sức gió lùa, hoặc một sân khấu bỏ ngỏ, tha hồ phô diễn những tấn trò đời. Thường thì Vỹ hay "tua" lại những cảnh mà Vỹ đã trải qua ở T5, ở K27, nhớ lại những gương mặt, những thân phận của anh em cùng nằm sương nếm gió với mình. Những lúc ấy, nước mắt ở đâu cứ ồng ộc ứa ra.

Mãi sau này, Khiêm mới biết đó là một thứ bệnh lý, dạng tiền Alzheimer (bệnh mất trí nhớ). Đưa đi bệnh viện chụp chiếu, siêu âm, vẫn chẳng phát hiện thấy gì. Các bác sĩ đêu cùng phê hai chữ "trầm cảm". Khi biết rõ bệnh, Khiêm nhờ người viết son trắng trên tấm bảng con của học trò dòng chữ: "Chỉ nhận chữa bệnh vào các buổi sáng hằng ngày" treo trước phòng Vỹ. Đấy là một cách thông báo về nội dung và thời gian biểu làm việc của Vỹ với các bệnh nhân.

Vỹ về nhà thêm một miệng ăn, một bệnh nhân hổ lốn nhiều thứ bệnh, nhưng sổ gạo, tem phiếu, lương bổng thì hoàn toàn không có. Đây là thời kỳ củi châu gạo quế. Nền nông nghiệp của nước Việt Nam thống nhất tiến lên sản xuất lớn, kế hoạch hoá Xã hội chủ nghĩa theo ba ngọn cờ hồng, ba dòng thác cách mạng… mà vẫn ì ạch chưa vượt nổi cái ngưỡng 19 triệu tấn quy thóc một năm. Toàn dân ăn bo bo, sắn khô, khoai tây. Giáo viên ở nông thôn mang sổ gạo đến cửa hàng mua cám chăn nuôi, mua phân đạm trừ vào tiêu chuẩn gạo. Cán bộ công nhân viên một năm bị cắt một tháng lương thực, tức 13kg tem gạo. Để bù lại, các cơ quan trường học đóng cửa vài ba tháng đưa người lên trung du trồng khoai sắn, hoặc về các tỉnh đồng bằng xin đất hợp tác xã bỏ hoang, trồng lúa. Câu cửa miệng: "Bố chết không bằng mất sổ gạo" ra đời trong thời kỳ này.

Phải bằng cách nào đảm bảo những điều kiện sống tối thiểu cho Vỹ? Đó là mục tiêu lớn nhất mà Khiêm phải thực hiện. Không có án tù, tức là Vỹ chưa mất quyền công dân, chưa bị loại ra khỏi danh sách cán bộ công nhân viên nhà nước. Với Vỹ, điều này chẳng có mảy may ý nghĩa gì. Nhưng với Khiêm thì đó lại là tất cả.

Nhà xuất bản Bình Dân, nơi Vỹ làm việc trước đây đã bị giải thể và sáp nhập với Xưởng phim Đèn chiếu. Sau rồi Xưởng phim Đèn chiếu cũng giải thể nốt. Thủ trưởng, nhân viên tứ tán đi bốn phương. Đến như giám đốc Tiến Tới, người mà Khiêm có thể bấu víu được để xin giải quyết công việc và quyền lợi cho Vỹ thì đã xin chuyển về quê, làm một công việc lạ hoắc với sở trường sở đoản của anh ta: Hiệu trưởng trường Bồi dưỡng Chính trị tỉnh. Bí quá, Khiêm đành viết đơn kêu các cửa, xin tổ chức xét quá trình cống hiến, đi theo cách mạng từ kháng chiến chống Pháp của Vỹ, mà cho Vỹ được giải quyết chế độ hưu non, hoặc về mất sức một cục. Hướng này do Châu Hà gợi ý. Anh chạy đôn chạy đáo gõ cửa các nơi. Anh gặp Chiến Thắng Lợi nói như van vỉ, rằng ông có thể ghét Vỹ, nhưng ông không thể để hai đứa cháu ruột của ông phải đứt bữa, phải bỏ học. Thấy Lợi còn chần chừ, Châu Hà trực tiếp lên gặp đồng chí Tư Vuông, đề nghị đồng chí có công văn gửi Bộ Thương binh Xã hội xem xét giải quyết cho Vỹ một chút quyền lợi, như một cứu giúp kẻ cùng đường.

°°°

Căn bệnh trầm cảm của Vỹ, thời kỳ này hay bột phát về đêm. Thường lúc ba giờ, Vỹ trở dậy, bật ngọn đèn bàn, ngồi im như tượng cho đến sáng.

Đêm nay cũng vậy. Đúng vào lúc cành cây khô rơi xuống mái ngói, cũng là lúc Khiêm nghe thấy tiếng ho khan ngoài phòng Vỹ, mở mắt nhìn ra đã thấy anh ngồi im phăng phắc trước ngọn đèn bàn. Vỹ viết gì? Hay nghiệp viết lại thôi thúc, anh lại bắt đầu phục hồi sức sáng tạo? Khiêm rùng mình.

Nàng sợ những trang bản thảo của Vỹ. Chúng sẽ là một đại hoạ, như hết thảy những gì anh đã viết ra. Thà Vỹ cứ là một ông lang chữa trĩ. Thà không có lương bổng, không có nhuận bút, không có danh tiếng. Miễn là yên thân, sống bình lặng một kiếp người. Quên cả căn bệnh cuồng dục của Vỹ có thể tái phát, Khiêm trở dậy, khoác hờ chiếc khăn phủ qua vai, rón rén đi lại chỗ Vỹ.

Kỳ lạ, Vỹ ngồi im phắc hút thuốc, trước mặt là một chồng giấy thếp một mặt trắng, loại giấy kiểm tra bài của học sinh mà Khiêm đã soạn lại từ những tập bài bỏ đi. Vỹ viết liên tục, từng tờ, như ông hiệu trưởng ký bằng khen, ông giám đốc ký séc: Chân trời hoang tưởng. Chân trời hoang tưởng. Chân tròi hoang tưởng. Chân trời hoang tưởng. Chân trời hoang tưởng. Chân trời hoang tưởng. Chân trời hoang tưởng

Thì ra cuốn tiểu thuyết mà Vỹ viết dở những năm trước, đã bị tịch thu bản thảo từ hồi khám nhà, cho tới giờ vẫn quẩn quanh trong đầu Vỹ.

Khiêm định nói với Vỹ một điều, nhưng rồi nàng cảm thấy người mình như đông cứng lại. Nàng không nỡ phá vỡ khát vọng của một người hoang tưởng.

Cái công việc Vỹ làm một cách cơ học, một cách vô thức, bỗng bị dừng đột ngột. Vỹ châm tiếp một điếu thuốc, rồi vơ hết những tờ giấy vừa viết, vo tròn, vứt xuống gậm bàn.

Tâm thần rồi. Ý nghĩ cay đắng ấy như xộc từ tim lên đỉnh đầu Khiêm. Xót ruột vì những tờ giấy trắng mà nàng đã kì công chuẩn bị cho Vỹ nháp bản thảo, nàng quyết ngăn cái trò lẩm cẩm của Vỹ, khi thấy anh chọn một tờ giấy đẹp nhất, định viết tiếp Nhưng không kịp. Nàng định vươn tay ra lấy chiếc bút, thì Vỹ đã nắn nót viết hai chữ mới: "Giỗ thầy".

Dòng tư duy nào đang nhảy cóc trong đầu Vỹ, để từ "Chân trời hoang tưởng" vắt sang "Giỗ thầy"? Không thể là tâm thần. Đó chỉ là những dòng ý thức rối rắm, không phương hướng. Là nỗi dày vò, dằn vặt của một tâm hồn bấn loạn không có hướng tháo cởi. Hoá ra Vỹ vẫn không quên ngày giỗ thầy. Suốt bẩy năm trong tù, có ai nhắc Vỹ ngày giỗ này đâu?

Khiêm đặt hai bàn tay lên vai Vỹ.

- Anh không ngủ được ư?

Vỹ giật mình quay lại. Hai hốc mắt đọng đầy nước.

- Bốn ngày nữa là giỗ thầy. Cả nhà mình cùng về quê nhé.

- Em quên bẵng đi mất, chưa kịp nói với anh. Bác Lợi với bác Là bảo, bà mới vào trong Sài Gòn với chú Vọng, giỗ ở quê cứ để vợ chồng chú Cục cúng, chủ nhật tới hai bác cúng giỗ thầy ở ngoài này.

- Sao?

- Chiều qua chị Là mới gặp em. Chị Là thế mà tin cúng bái lắm nhé. Tháng trước chị ấy về quê, ra mộ thầy xin một gói đất mang sang điện cô Hằng. Thầy về, vừa nói mấy câu mà chị Là đã sởn hết da gà.

- Có chuyện ấy thật à? - Lờ mờ trong ký ức Vỹ là hình ảnh cái chết không toàn thây của ông Lý Phúc mà Cục đã kể lại cho anh nghe.

- Em cũng chẳng biết hồi thầy mất thế nào. Chị Là cũng không biết. Nhưng chị ấy bảo, lúc ở điện cô Hăng thấy thầy về trong bộ quần áo trăng toát, đầu cắm xuống đất như người trồng cây chuôi.

- Vợ quan chức cấp cao mà cũng tin bói toán?

- Điện cô Hằng ngày nào chẳng đón vợ các ông cốp. Họ kéo nhau đến nườm nượp. Hỏi gia cảnh, cầu xin chức quyền, tài lộc nhà cửa, đất cát, đi nước ngoài, chuyện học hành của con cái. Thầy không nói thì vừa rồi khéo vợ chồng bác Lợi bỏ nhau… Thế nên chủ nhật này, vợ chồng bác Lợi muốn đích thân làm giỗ. Bác ấy bảo cả nhà mình phải đến.

- Làm gì có chuyện đó?

- Thế anh không biết gì à? Đơn tố cáo anh Lợi gửi lên tận tổ chức Trung ương. Chuyện tanh bành ra, chị Là khóc lóc, bỏ ăn đến hai ngày, toan làm đơn li dị. Anh có biết thằng Chu, con riêng của chị Cam không? Cháu đích tôn của anh đấy.

Vỹ ngẩn người, như nghe chuyện hoang đường.

- Chị Là lên gặp tổ chức Trung ương, đề nghị can thiệp, cho cậu Chu đi thử gien. Tổ chức người ta khuyên can. Người ta bảo vệ uy tín anh Lợi, chị Cam, muốn dẹp yên chuyện. Chỉ đến khi thầy về, thầy khuyên chị Là, chị ấy mới chịu… Thế nên chủ nhật này, vợ chồng bác Lợi muốn đích thân làm giỗ.

- Bác ấy bảo cả nhà mình phải đến.