Nhưng rồi một sự cố xảy ra: Điện khẩn của Văn phòng đại diện phía nam Bộ giao thông yêu cầu kỹ sư Nguyễn Kỳ Vọng phải về ngay Sài Gòn. Bức điện mập mờ và có vẻ rất nghiêm trọng khiến Vọng vô cùng lo lắng và bối rối.
Có chuyện gì xảy ra? Việc nhà thì Miên phải báo cho anh chứ sao lại nhờ cơ quan? Vì mối quan hệ ruột thịt giữa Vọng và Vỹ ư? Bên an ninh đã phát hiện ra chuyện gì về Vỹ và tìm cách ngăn không cho Vọng lên gặp anh trai ư? Hay có việc hệ trọng liên quan đến một sự cố kỹ thuật cầu đường? Rất nhiều câu hỏi tình huống được đặt ra, nhưng không có lời đáp.
Vọng về quê từ biệt mẹ và chia tay với vợ chồng Cục.
- Chưa biết khi nào tôi mới trở lại quê được - Vọng nói với Cục những lời có vẻ như trăn trối - Chú là em Út, nhưng công lao với thầy u và em Hậu thì cả ba anh em tôi không thể sánh bằng. Nếu không có chú, hương khói thờ tự đã nguội lạnh từ lâu mà u và em Hậu cũng chẳng biết sống chết thế nào… Tôi là kẻ đại bất hiếu. Tôi chưa báo đáp u được một ngày. Chỉ còn biết trông cậy ở chú thím và các cháu…
Vọng lấy hết những gì anh mang theo đưa cho Cục. Mấy lá vàng con rồng Miên khâu trong chiếc túi vải nhỏ xíu giắt trong người. Hai chiếc nhẫn mặt kim cương. Chiếc đồng hồ Rado khảm hạt xoàn. Tất cả số tiền còn lại. Chú thím cầm tạm nhưng thứ này để phụng dưỡng u. Tôi vào sẽ bàn với nhà tôi thu xếp để hàng tháng gửi thêm cho chú thím. U chẳng còn sống được bao lâu nữa đâu. Tôi muốn được rước u vào trong ấy để báo đáp những năm cuối đời. Nhưng bây giờ vẫn phải trăm sự nhờ chú thím và các cháu… Vọng mang hương ra bãi tha ma cuối làng, thắp trên mộ ông Cử Phúc, ngồi cho đến lúc chiều tối.
Sáng hôm sau, tinh mơ, anh từ biệt mẹ, ôm lấy bà Cử Phúc như thể không có ngày gặp lại, rồi lủi thủi rời làng Động.
°°°
Căn nhà của Vọng nằm trong một phố cụt gần bờ kênh Nhiêu Lộc. Trước năm 1968, đây là khu sình lầy, rác rưởi ngập ngụa. Bằng con mắt của nhà kinh doanh địa ốc, lại có thế của một dân biểu, ông nhạc Lê Huy Mật đã xây cất mấy lô biệt thự dành cho thuê, trong đó một căn là của vợ chồng Vọng. Căn biệt thự hai tầng lầu, sáu phòng, trong một khuôn viên rộng ba trăm bẩy mươi mét vuông, có vườn hoa cây kiểng. Với một gia đình trí thức trung lưu, một cơ ngơi như thế là quá lý tưởng. Nơi đây, đã bẩy năm rồi, trở thành tổ ấm của Vọng. Ngay cả trong những ngày bão táp tháng Tư năm 1975, cách mạng ào về, thành phố ngập chìm trong khói súng, thành phố náo loạn vì tin đồn về một cuộc tắm máu…, thì cái tổ ấm của vợ chồng Vọng vẫn không hề vương một mảnh đạn pháo. Khói súng tan đi, thành phố lại trở về cuộc sống yên bình. Con Vân, con Vy lại đến trường tiểu học. Miên lại về làm công việc của một y sĩ tại bệnh viện Bình dân. Còn Vọng, tuy không còn ở vị thế một quan chức, nhưng không phải đi cải tạo, không thuộc diện nguy quyền tay sai, vẫn có một công việc trong guồng máy mới, thậm chí còn được tin dùng, trọng dụng.
Thực lòng, đôi khi Vọng vẫn nhớ tiếc những ngày xưa. Nhớ tiếc với một nỗi đau đớn, mất mát lớn. Bao nhiêu năm đèn sách. Hai chục năm phấn đấu nỗ lực. Một hàm kỹ sư đặc hạng. Một chức trưởng ty Công chánh, cộng với mười lăm huy chương danh dự. Một chức Phụ tá Giám đốc Nha kế hoạch kiêm Trưởng ban phần vụ kế hoạch Tổng cục Kiều lộ… Đâu phải dễ ai cũng có được trong đời? Nhưng, thế gian biến cải, thương hải tang điền. Vẫn còn lại một công việc, một gia đình, còn mẹ già, anh em; quê hương yêu dấu với đầy ắp những kỷ niệm thân thương. Và cao hơn, lớn hơn là một đất nước thống nhất, toàn vẹn. Vậy thì cá nhân dù mất mát đi phần nào, cũng vẫn là hạnh phúc.
Vọng bằng lòng với hạnh phúc đang có. Chuyến hành hương đất Bắc sau hơn hai chục năm xa quê biền biệt là niềm sung sướng vô bờ. Nếu không có cú sốc về Vỹ thì quả là trọn vẹn.
Vọng sẽ đưa Miên và các con về thăm quê. Chuyến hành hương của cả gia đình có thể sẽ được thu xếp ngay trong dịp Tết năm tới. Sẽ kết hợp đưa Miên và các con về thăm xứ đạo Ninh Bình, quê cha của nàng. Chính nàng đã bao lần ao ước được về thăm quê nội, quê chồng. Đất Bắc là cội nguồn của những cuộc hành tiến phương Nam. Về quê, nàng sẽ thấm thía câu thơ: "Từ thuở mang gươm đi mở cõi. Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long".
Với một tâm trạng xốn xang, bồi hồi như thế, máy bay vừa đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhất, Vọng đã gọi taxi về thẳng ngôi nhà thân thuộc của mình.
Ơ kìa, sao ổ khoá đã bị thay? Sao lại có băng giấy niêm phong giữa hai cánh cửa? Và kìa, khoảng vườn thần tiên với cây mai thế trăm tuổi và những chậu kiểng quí hiếm đã biến đâu rồi? Chân Vọng như khuỵu xuống, đứng không vững. Mồ hôi toá đầy người. Miên và các con đi đâu? Chị Út Chín, người giúp việc bỏ nhà đi đâu? Có việc gì đã xảy ra với Vân, Vy, với nàng?
Như đã túc trực sẵn để đón Vọng, một người đàn ông trong bộ đồ màu rêu bạc, chiếc nón nỉ màu lông chuột chụp ngang mặt, từ đâu bỗng xuất hiện. Đó là ông tổ trưởng dân phố.
- Hoá ra anh còn ở lại? - ông tổ trưởng nhìn Vọng với ánh mắt hằn học và nói bằng giọng Quảng Trị trầm đục rất khó nghe - Nhà anh đã bị niêm phong.
- Vì sao, thưa ông? - Khó khăn lắm Vọng mới mếu máo bật ra được mấy tiếng.
- Kẻ trộm giả làm thợ sửa ống nước đột nhập vào nhà, bắt trói người giúp việc, cướp hết tài sản. Anh đóng kịch giỏi lắm. Nhưng làm sao che nổi mắt chính quyền cách mạng và lưới trời nhân dân thiên la địa võng. Vụ trộm là do vợ chồng anh bày đặt. Tôi biết ngay mà. Bản chất phản động của các anh đâu dễ thay đổi.
- Tôi thực sự không hiểu… - Đang nói, Vọng bỗng sững lại, lạnh toát sống lưng khi nhìn thấy khẩu súng ngắn lòi ra cạnh sườn ông tổ trưởng.
- Rồi anh sẽ hiểu. Ngay bây giờ anh theo tôi lên công an để trình diện và ký nhận biên bản. Cũng may mà tổ dân phố đã phát hiện kịp thời vụ trộm và giải cứu cho cô Út Chín về quê rồi. Tôi chờ anh đã năm ngày rồi đó. Có tin nhóm vượt biên của mụ Miên và hai con gái anh đã bị bắt lại ở Vũng Tàu. Nếu đúng vậy thì nhà anh vẫn còn đại hồng phúc. Mùa này không tàu nào vượt biên thoát khỏi bọn hải tặc và mồi cho cá biển đâu.
Suốt từ đó Vọng như người mất hồn. Nỗi sợ hãi qua đi nhanh và thay vào đó là nỗi lo đến hoảng loạn. Khắp các gian phòng, ngổn ngang như một bãi chiến trường. Đồ đạc, giá sách, chăn màn quần áo bị xới tung. Những con búp bê của Vân, Vy bị rạch bụng, moi mắt, vứt lăn lóc. Những chiếc gối nhồi bông bị xé nát, bông gòn bay khắp nhà… Miên và hai con đã trốn đi thật rồi. Kẻ trộm đã vào hôi của hay mẹ con nàng đã tự phá huỷ? Sao nàng nỡ lừa Vọng về Bắc để mang các con đi? Vì sao lại gấp gáp và bí mật thế? Ít ra nàng cũng phải đợi Vọng về để vợ chồng bàn bạc? Hay là đã có kẻ nào chen vào? Ai? Lâu nay nàng vẫn giấu kín một gã nào đó? Tên vô lại nào đã bảo kê đưa nàng đi?
Vọng muốn phát điên lên. Sự ghen tuông vốn không phải là bản tính của anh. Từ hồi lấy nhau, chỉ duy nhất một lần Vọng nổi nóng khi cái gã thiếu tá Võ Nhựt Biền, sĩ quan tổng hành dinh, hay đến nhà ông nhạc, giở trò chim chuột nàng. Cũng vì lần ấy bị ép uống say, nàng nổi hứng đi cùng xe với hắn từ khách sạn về nhà. Đã thế, từ lúc thay đồ đi ngủ, nàng không ngớt lời nhắc đến hắn, ca ngợi hắn. Điên tiết, Vọng tặng cho một cái bạt tai, rồi ôm chăn gối ra ngủ ngoài đi-văng.
Gã thiếu tá Võ Nhựt Biền sau đó được thăng vượt cấp, lên đại tá. Và hắn đã chuồn theo quan thầy Mỹ trước ngày quân giải phóng vào Sài Gòn.
Hay là chính Võ Nhựt Biền đã móc nối đưa Miên đi? Và Miên đã ngấm ngầm chờ cơ hội lừa cho Vọng về Bắc để bán xới theo tình nhân?
Cái ý nghĩ mơ hồ, nỗi lo xa như một ám ảnh, như linh cảm trước một cái gì đó rất khó nhận biết bắt đầu nảy sinh từ hôm Vọng nhận được quyết định của cơ quan ra Hà Nội họp, không ngờ nay đã thành sự thật.
Vọng nhớ lại cái đêm hai vợ chồng nằm bên nhau trước ngày anh lên tàu ra Bắc. Nàng lột trần anh ra, cào cấu, hôn hít, bắt thoả mãn nàng như sẽ không bao giờ còn được sống bên anh nữa.
- Em biết không thể ngăn được anh trở về thăm mẹ, thăm quê cha đất tổ. Anh khao khát bao nhiêu nărn rồi… Anh có thể không có em và các con, nhưng anh không thể bỏ mẹ và quê Bắc…
- Sao em lại nói thế? Anh muốn có tất cả. Cả em, cả Vân, Vy cả mẹ, cả anh em gia đình và quê hương đất Bắc. Giờ là lúc chúng ta đã có tất cả. Anh ra thăm mẹ rồi anh lại về…
- Nhưng em thì lại thiếu ba mẹ. Không biết giờ này ba mẹ ở đâu?
Nàng áp mặt vào ngực Vọng và khóc nức nở. Đúng là nàng đã trải qua những cơn dày vò, vật vã vì cuộc ra đi của ông bà dân biểu Lê Huy Mật và gia đình anh trai Lê Huy Mão. Trước ngày tướng Dương Văn Minh đọc bản tuyên bố đầu hàng trên Đài phát thanh, trung tá Lê Huy Mão còn là Chỉ huy trưởng cảnh vệ Hành dinh Tổng thống. Ngay trong giờ phút chính quyền Sài Gòn hấp hối, Mão đã kịp thời đưa bố mẹ và gia đình lên máy bay trực thăng chuồn khỏi đô thành.
- Nhất định anh Mão đã đưa ba mẹ sang Mỹ an toàn. Người Mỹ chẳng bao giờ bỏ rơi những chiến hữu của họ…
- Giá như khi đó mình theo kịp anh Mão và ba mẹ…
- Ở lại cũng là một cách lựa chọn… Thì chúng mình cũng đang sống yên ổn đây thôi. Thậm chí cả anh và em đều được chính quyền mới dung nạp…
- Sống thế này mà cũng là được dung nạp ư? Em thấy ngột ngạt quá. Cả khu biệt thự này giờ đã thuộc về những người phía bên kia. Chúng mình như những tử tù bị giam lỏng. Bọn trẻ luôn sống trong nỗi khiếp sợ, luôn bị những ánh mắt hằn học vây bủa. Rồi sẽ bị đưa lên đoạn đầu đài lúc nào không hay…
- Đừng nghĩ thế em. Chúng mình phải thay đổi lại cách nhìn, lối sống. Em không được bi quan dao động. Em phải khuyên các con tập sống hoà đồng. Cuộc cách mạng nào cũng phải qua những khoảng giao thời.
- Muốn hoà đồng nhưng đâu có được. Gặp ai trong ngõ phố này em và các con cũng cúi gập người chào. Nhưng không ai thèm đáp lại. Họ nhổ nước bọt, quay đi. Em nhục lắm…
- Phải học cách sống với chữ Nhẫn em ạ. Những ngày vừa qua, đã nhiều lúc anh muốn bỏ việc. Đến nhiệm sở, gặp toàn những bộ mặt xa lạ, nghe toàn những điều sáo rỗng, giả tạo. Người ta nhìn anh với con mắt nghi kỵ, cảnh giác, ác cảm. Không ai nghĩ đến chuyên môn, nghiệp vụ, mà chỉ lo tìm được một căn nhà, kiếm được tí quyền chức, thêm được ô tem phiếu. Có ông còn giả bộ đi chân đất đến cơ quan để được phân phối một đôi dép nhựa. Có cô sẵn sàng nằm cạnh nhà cầu để đòi phân cái ga ra ô tô cơ quan làm nhà ở… Nhưng đấy có thể chỉ là những cá biệt. Rồi cuộc sống sẽ trở lại nhịp điệu bình thường…
Miên nằm như ngủ. Dường như nàng không nghe những điều Vọng nói. Dường như nàng đang chìm đắm vào một cơn mộng mị. Rồi bất ngờ nàng nhỏm dậy, xoay người anh lại phía mình.
- Nhỡ khi anh về, không gặp mẹ con em thì sao?
Câu hỏi ấy, cho đến bây giờ Vọng mới nghĩ ra, chứ lúc ấy anh chỉ ôm xiết lấy nàng và bảo:
- Thì anh sẽ đi tìm. Anh sẽ đi tận cùng trời cuối đất…
°°°
Bây giờ thì Vọng biết tìm mẹ con nàng ở đâu?
Vọng tìm mua tất cả các tờ báo ra trong ngày, đọc không sót một mẩu tin nào. Những cuộc vượt biên đăng nhan nhản trên các trang báo:
Một vụ vượt biên không thành vừa diễn ra ở Mũi Nai, Hà Tiên. Chủ tàu và bẩy mươi sáu người, cả người lớn tre em, bị bắt lại. Ở biển Long Hải, Bà Rịa, một đường dây có tổ chức đã lừa một trăm mười hai người vượt biên trái phép. Mỗi người phải nộp trước ba cây vàng. Bọn chúng lừa đưa nhũng người cả tin nhẹ dạ ra phao số không rồi thả trôi tàu, chuồn về đất liền. Tại Đồ Sơn, Hải Phòng, tàu Hải quân vừa bắt một tàu chờ năm mươi chín người, trong đó có mười ba người từ Sài Gòn ra đang định vượt biên sang Hồng kông…
Có một tin không đăng báo, nhưng đang loan đồn ầm ĩ khắp các quán cà phê vỉa hè: Một tàu vượt biên bị hải tặc tấn công. Chúng cướp toàn bộ của cải vàng bạc, hãm hiếp phụ nữ, rồi đánh chìm tàu. Hiện mười bốn xác người trôi dạt vào Bãi Sau và Bãi Trước thành phố Vũng Tàu. Công an đang thông báo để các thân nhân ra nhận xác…
Thông tin khủng khiếp này đã phản bác lại cái tin ông to trưởng dân phố thông báo lúc Vọng vừa từ Hà Nội về. Đúng, nếu mẹ con Miên bị bắt lại thì là đại phúc cho Vọng. Nhưng đã qua mấy tuần rồi, vẫn bặt vô âm tín. Rất có thể trong số những xác người dạt vào bờ biển Vũng Tàu kia có mẹ con Miên…
Vọng đến Công an quận, Uỷ ban phường, đến báo cáo thủ trưởng cơ quan xin được ra Vũng Tàu để tìm vợ con. Nhưng ở đâu cũng một câu trả lời: Hiện thời công dân Nguyễn Kỳ Vọng không được đi khỏi thành phố.
Không một văn bản, một tuyên bố nào tống đạt đến tay Vọng, nhưng từ hôm ở Hà Nội về, Vọng như một kẻ bị quản thúc. Người ta mở cửa cho Vọng vào nhà, ngôi nhà thuộc quyền sở hữu của anh, nhưng lại phải kê biên tất cả những tài sản, giấy tờ, vật dụng… Tại cơ quan Phân cục Cầu đường nơi Vọng đang làm việc, cũng diễn ra những buổi tường trình, kiểm điểm tương tự. Cái uy tín chuyên môn, sự nể trọng về năng lực nghề nghiệp mà Vọng mới giành được, giờ tan như bọt xà phòng. Không ai dám gần Vọng, bắt chuyện với Vọng.
Ông trưởng phòng kỹ thuật bảo Vọng nộp lại toàn bộ hồ sơ tài liệu để giao cho người khác. Huỳnh Út ái ngại nói với Vọng:
- Công lao tôi giúp anh hoàn lương thành công cốc. Anh xem có cơ quan nào họ nhận thì chuyển đi là hơn.
Riêng Khuất Sỹ Hào, người phụ trách thi đua, có lê là người còn ưu ái ngầm với Vọng. Hào kéo Vọng ra một chỗ khuất nháy mắt thân thiện, rồi bảo:
- Dù thế nào, em vẫn rất tin năng lực chuyên môn của ông anh. Đào tạo được một chuyên gia cầu đường như anh còn mệt. Chuyện vợ con, rồi sẽ nguôi ngoai đi. Vẫn phải tìm cách mà sống ông anh ạ. Với lại anh có cái ô trên Trung ương là ông anh ruột Chiến Thắng Lợi, thì ngại gì. Thế lực của đồng chí Chiến Thắng Lợi ngày càng lớn… Nghe nói sắp tới thủ trưởng Lợi sẽ vào chỉ đạo cải tạo tư bản tại phía Nam… Em đã nói với thủ trưởng cơ quan chuyển anh xuống bộ phận thư viện. Tha hồ mà đọc sách, nghiên cứu. Rồi có lúc tài năng của ông anh lại được dùng đến… - Móc túi, mời Vọng một điếu ba số Hào lại bảo - Cùng là dân Bắc Kỳ, hồi mới gặp, em đã khoái ông anh luôn. Thằng em vẫn tín nhiệm ông anh viết báo cáo tổng kết, báo cáo thi đua. Có việc là em vẫn nhờ vả ông anh đấy nhé…
Vọng chán chường, không muốn sống. Những đêm dài dằng dặc trong căn nhà trống hoang trở thành những đêm của ke phát vãng. Vọng lục tìm trong mọi xó xỉnh, gầm giường, giũ tung từng chăn đệm, soi từng cuốn sách, khe nhà, để tìm xem Miên và các con có viết gì để lại. Không một mẩu giấy, một tín hiệu nào. Kiệt sức, Vọng nằm vật. Hình ảnh gã thiếu tá Võ Nhựt Biền say lả lướt, ôm eo Miên cứ chập chờn trong ý nghĩ. Có lúc vọng lại thấy hai người không một mảnh vải trên người đang quằn quại vật nhau trong một khách sạn choáng lộn như cung điện tận bên bờ biển Los Angeles, Hoa Kỳ…
Đề phòng mình có thể phát điên, Vọng lấy khăn mặt dấp nước đá ấp lên mặt. Cũng không thoát khỏi hoảng loạn. Sau rồi, Vọng tìm giải pháp khác. Lần lượt mỗi đêm, Vọng lấy một mảnh quần áo của Miên, của Vân, Vy còn sót lại, ấp lên mặt mình để tìm lại hơi hướng thân thuộc của vợ con, để triền miên trong nỗi nhớ thương, xa xót. Những mảnh xiêm y ấy thường đẫm nước mắt Vọng, lùa anh trong chập chờn, mộng mị.
Thời gian rồi cũng giúp vết thương lên da non. Buồn đau không thể làm Vọng chết được, thì Vọng phải sống. Cái chữ nhẫn mà suốt bao năm Vọng thờ phụng thì nay lại được kèm theo một chữ nhục. Nhẫn nhục sống ở khối phố, với láng giềng, và đặc biệt là ở cơ quan. Vọng ngoan ngoãn như con chiên bị rút phép thông công, muốn thành tâm sửa mình để sớm được về với nước Chúa. Vọng làm tất cả mọi điều mà một công chức mẫu mực nhất có thể làm để được tổ chức, cơ quan tin tưởng, trọng dụng…
Để hằng tháng gửi tiền về cho mẹ như đã hứa với Cục, đồng lương eo hẹp không đủ, mỗi tháng Vọng lại bán đi một vài đồ vật trong nhà. Chiếc ti vi màu hiệu Panasonic, loại hiếm nhất mà cả Sài Gòn hồi ấy mới nhập mấy lô chào hàng. Mấy chiếc quạt cây, quạt trần. Vài chiếc lọ cổ, mấy bộ đĩa sứ quí hiếm có niên đại Càn Long, Khang Hy. Chiếc xe Volvaghen bụi phủ dày trong ga ra rồi cũng phải tìm mối bán…
Trong những ngày hoạn nạn này, Khuất Sỹ Hào quả là người bạn tốt. Hào là người duy nhất trong cơ quan dám ngang nhiên thân thiết với Vọng. Hào thường đến nhà anh chơi, mang những tài liệu kỹ thuật tiếng Anh để Vọng dịch, kiếm chút thù lao. Có những chủ nhật, Hào lân la ở chơi cả buổi. Anh săm soi khắp các ngõ ngách trong nhà, dùng bước chân đo đếm suốt chiều ngang chiều rộng khu vườn, như thầm toan tính công việc sửa chữa, phân chia lại khu biệt thự.
- Khu đất này của ông anh rất có thể bị thu hồi, nếu ông anh chỉ sống có một mình - Hào khoát tay chỉ khu vườn, lắc đầu ái ngại - Không kể hàng bộ thứ trưởng, chánh phó chủ tịch cấp quận, cấp thành phố, nhiều cán bộ tép riu cấp phòng, ban cũng đang hau háu nhìn ngôi biệt thự này như hổ rình mồi… Ông anh phải nghĩ đến phương án đề phòng bị cướp nhà. Thiếu gì thứ lí do. Trưng dụng để làm trụ sở. Đổi cho một căn hộ khác phù hợp với người độc thân. Đưa một đồng chí nào đó đến ở tạm. Bài học cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh ở miền Bắc mấy chục năm trước còn nhỡn tiền đó…
Vọng tái xám mặt. Anh nghĩ đến câu chuyện cộng vợ cộng chồng, cào bằng giàu nghèo đã từng nghe trước đây. Khuất Sỹ Hào trấn an:
- Cho đến giờ vẫn không có tin tức gì của chị Miên và các cháu, tức là… Ông anh phải nghĩ đến những rủi ro cao nhất… Tất nhiên vẫn phải hy vọng ở sự kỳ diệu của Chúa trời - Hào chỉ bức tượng Chúa Jesu trên cây thánh giá trước ban thờ - Nhưng phải cứu lấy mình trước khi Chúa cứu. Ông anh phải nghĩ đến một phương án phòng ngừa, bảo mạng. Trước mắt là phải đón bà cụ vào để có mẹ có con. Anh có điều kiện chăm nom bà cụ, và bà cụ cũng giúp ông anh cơm nước, giữ gìn sức khoẻ, trông nom cửa nhà…
- Tôi cũng đã có ý định thế… Đây là lúc tôi có thể báo đáp công lao mẹ…
- Có tin này liên quan đến anh - Hào khum tay trên miệng như sợ ai nghe thấy - Dư luận cơ quan cho rằng ông anh không yên tâm công tác. Rằng rất có thể rồi anh cũng theo vợ con vượt biên…
- Chết thật - Vọng sững người.
- Thằng em coi ông anh như anh ruột, nói riêng với anh thôi, chớ hở ra cho ai biết. Công an đã đến đặt vấn đề với lãnh đạo phải canh chừng ông anh đó. Một là đề phòng anh làm gián điệp. Hai là đề phòng anh trốn ra nước ngoài. Vì thế họ quyết không cho ông anh đụng đến các tài liệu kỹ thuật và hạn chế việc anh đi cơ sở, ra tỉnh ngoài…
Vọng nén tiếng thở dài, mặt tái dại.
- Tôi cũng linh cảm thấy mình luôn bị theo dõi.
- Cho nên ông anh phải đưa bà cụ vào để đánh tan mối nghi ngờ của tổ chức, chứng tỏ rằng anh thực sự muốn ở lại đất nước. Bà cụ chính là một cái xiềng giữ anh ở lại. Rồi ngoài phương án đưa bà cụ vào, anh cũng phải nghĩ tới việc nhập khẩu cho một vài người bà con thân thiết vào để giữ lấy ngôi nhà. Thằng em nói thế, là đã giãi bày hết gan ruột rồi.
- Vâng. Tôi hiểu. Đúng là như vậy. Tôi không thể bỏ u tôi được Tôi sẽ viết thư ra ngoài quê để thu xếp đưa u tôi vào.
- Còn một việc nữa - Hào nói tiếp - Dù đón được hay chưa đón được bà cụ thì ông anh cũng phải có một người đàn bà để an ủi sẻ chia với mình… Đàn ông chúng mình không ép xác được đâu.
Vọng bỗng ngước nhìn lên cây thánh giá, xua tay hốt hoảng:
- Chuyện này thì… xin đừng nhắc đến. Tôi không dám nghĩ tới…
- Đừng thần thánh hoá điều gì trên cõi đời này, ông anh ạ. Chung tình, chung thuỷ cũng có dăm bầy đường. Đời mà thiếu vắng đàn bà thì còn có nghĩa lý gì…
Tưởng Hào chỉ đùa vui thế thôi, nào ngờ, mấy ngày sau, anh đưa đến nhà Vọng một người đàn bà, không còn trẻ, tuổi chừng ba mươi, nhưng đẹp như một diễn viên chèo. Đó là Thu Xoan, cán bộ ngành thuế, mới từ Hà Nội vào để chuẩn bị cho công cuộc cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh.
- Thu Xoan là người làng em. Có chồng là liệt sỹ, hy sinh ở chiến trường Quảng Trị - Hào ghé tai Vọng thầm thì - Gái một con, trông mòn con mắt. Nếu ông anh ưng thì em chỉ nói một tiếng là xong…
Vọng lại hốt hoảng xua tay:
- Đừng làm thế. Tôi sẽ có tội với Miên và các con.
- Thì cứ để em Thu Xoan thỉnh thoảng được lui tới chăm sóc ông anh. Nên chăng thì thiếp với chàng. Chẳng nên ta lại họ hàng với nhau… Ông anh có mất gì đâu. Với lại, em muốn Xoan giúp anh che mắt thiên hạ. Rằng anh đã tìm được niềm vui mới. Anh đã yên tâm ở lại, đã toàn tâm toàn ý với cơ quan…
Vọng thầm cám ơn cao kiến của Khuất Sỹ Hào. Nhưng với Thu Xoan, anh luôn luôn giữ một khoảng cách.
°°°
Từ hồi lấy Miên, Vọng trở thành một con chiên ngoan đạo. Gia đình Miên theo đạo đã nhiều đời. Vùng quê Ninh Bình của nàng là một xứ đạo toàn tòng. Trước khi cưới, anh đã đến nhà thờ chịu lễ rửa tội và làm lễ đặt tên Thánh: Juse Nguyễn Kỳ Vọng.
Vào một chiều chủ nhật, khi Vọng đang hành lễ ở nhà thờ xứ đạo, thì có một người đàn bà chít khăn che mặt lặng lẽ đến bên.
- Chào anh Vọng. Chắc anh không nhận ra em. Em là em họ anh Tạ Đôn và chị Tạ Thu Uyên. Anh Đôn đang ở cùng chỗ với chị Miên…
Tiếng nói giọng pha Bắc, rất khẽ nhưng Vọng tưởng như tiếng loa phóng thanh bên tai. Giật bắn người, Vọng quay nhìn tứ phía.
- Anh bình tĩnh. Chỗ này không tiện nói chuyện. Em phải đi ngay. Có thư chị Miên gửi cho anh.
Người đàn bà dúi vào tay Vọng một bì thư, rồi thoắt cái đã lủi đi đâu mất.
Vọng bỏ dở cuộc hành lễ về nhà. Sau khi đóng kỹ các cửa phòng, anh lấy bì thư ra. Đúng là nét chữ của Miên. Nhưng không có ngày tháng, không biết gửi từ đâu, bao giờ. Phong bì cũ nhàu, các góc đã sờn.
"Anh thương yêu,
Đưa thư cho anh là một người bạn rất tốt của em. Anh, có thế nhờ cậy khi cần…
Anh nhận được thư này thì mẹ con em, hoặc đã làm mồi cho cá biển, hoặc may mắn đã đặt chân đến xứ người. Cầu Chúa. Đức Chúa lòng lành vô cùng. Chúng con xin gửi trọn đức tin noi nước Chúa.
Mong anh đừng trách và hận em cùng cây con. Em phải giấu anh, quyết dứt áo ra đi thế này mói mong kéo anh đi theo được Mẹ con em hy vọng một ngày gần đây nhất sẽ được đón anh nơi xứ người. Khi nào thuận tiện, em sẽ báo tin.
"Em và các con rất thương anh phải ở lại giữa những người xa lạ. Vì thế, trước khi đi, em đã trù tính cho anh mọi điều. Anh có thể bán chiếc Volvnghen, nhưng nhớ phải xem lại thùng dầu mỡ… tra dầu mỡ thường xuyến cho xe khôi han rỉ. Và ngay cá ngôi biệt thự nhà mình. Nếu cần sửa chữa, chuyển đổi cũng chỉ cần nói với bạn em một tiếng…
Cầu chúc cho anh bằng an…"
Đọc xong thư, Vọng đã hiểu ngay những ẩn ý bên trong. Anh xuống ngay nhà xe. Chiếc Volvaghen lâu nay vẫn phủ bạt im lìm. Cuối ga ra có một ngách nhỏ đựng đồ nghề sửa xe, dăm thứ phụ tùng và thùng dầu mỡ. Cái nhà kho nhớp nháp, hôi hám đầy muỗi gián này, hằng năm nay không ai sờ đến. Nếu không có những dòng thư của Miên, không chừng nó sẽ vĩnh viễn bị bô quên.
Hồi hộp như kẻ tìm vàng, Vọng thận trọng bê thùng mỡ xe ra. Chiếc thùng sắt tây dung tích năm lít rúm ró và bụi bặm vẫn chứa đầy thứ mỡ sánh đặc mầu nâu. Vọng khẽ chọc năm đầu ngón tay xuống. Và khắp người anh bỗng râm ran một niềm kinh hoàng, như chính anh đang sống trong một thế giới cổ tích. Ngập trong mỡ, chen chúc trong cái hộp sắt tây bẩn thỉu là vàng thỏi, nhẫn, hạt xoàn, dây chuyền, lập là vòng cổ, vòng tay và đủ mọi thứ đồ trang sức đắt tiền…
Vọng không tính đếm được từng thứ, nhưng mường tượng được giá trị của chúng. Một tài sản khổng lồ mà anh và Miên đã chiu chắt bao năm có thể đủ đóng cả một con tàu vượt đại dương… Tất nhiên để lo liệu cho chuyến vượt biên và trù tính cuộc sống ở xứ người, mẹ con Miên đã tiêu tốn và mang đi một phần lớn rồi… Chính Vọng cũng không ngờ Miên, nhờ người cha làm nghề thầu khoán và kinh doanh địa ốc, đã nối nghiệp, làm đồng tiền sinh sôi nảy nở, tích cóp được nhiều của cải đến thế. Hoá ra từ hồi lấy anh, Miên đã lặng lẽ làm một người quản gia, người thủ kho vĩ đại. Hằng tháng Vọng chỉ biết làm việc và đều đặn đưa tiền lương, tiền thưởng và bổng lộc về cho Miên. Nhưng Miên mới là người giữ của và làm cho chúng sinh sôi. Bao nhiêu phi vụ làm ăn từ uy tín và vị thế, từ các mối quan hệ nghề nghiệp và xã hội của Vọng, từ địa vị, kinh nghiệm và mánh lới của người cha… Tất cả đều do Miên điều hành, do Miên làm nảy nở sinh sôi…
Cứ xem cái cách giấu của của Miên thì đủ biết nàng tinh khôn và mưu lược đến mức nào. Cho các ông bà cách mạng cứ khám xét rương tủ, két sắt, bàn thờ. Cứ việc lục tung va ly, quần áo, đồ dùng sang trọng. Các vị không thể ngờ trong cái hộp mỡ xe vứt lay lắt ngay dưới chân các vị là cả một gia tài mà cả đời hoạt động cách mạng của các vị, có nằm mơ cũng không có được.
Suốt đêm ấy Vọng hì hụi phân loại kho báu, số thì tiếp tục để trong thùng mỡ xe, số để trong dầu luôn, số gói trong các túi nilông mang chôn ở các gốc cây ngoài vườn hay nhét dưới khe, hốc. Phải phân tán đề phòng bất trắc. Mất chỗ này, còn chỗ khác. Sẽ có rất nhiều việc cần đến tiền, vàng. Để sống yên ổn với những người cộng sản lại cần phải có rất nhiều tiền, vàng.
Đã đến lúc Vọng báo hiếu được mẹ rồi. Anh viết thư cho vợ chồng anh Lợi, cho chị Khiêm, cho vợ chồng Cục kể rõ sự tình mẹ con Miên vượt biên và thiết tha đề nghị mọi người hãy đưa u và em Hậu vào sống với anh. Kèm theo thư là số tiền đủ mua năm vé máy bay cho hai mẹ con và cả những người tháp tùng.