THỜI CỦA THÁNH THẦN

Chương 14

Văn Quyền có khả năng thính nhạy đặc biệt, có tài đánh hơi trước những thông tin và tín hiệu lạ. Điều này rất ít khi thấy xuất hiện ở con người mà thường hay gặp ở những loài vật, đặc biệt là các giống chim câu và khuyển.

Chim câu bịt mắt thả tít lên trời xanh, vài ngày vẫn tìm được đường về. Dù đi xa đến đâu, chó chỉ cần đánh dấu bằng các vết nước đái dọc đường. Loài chó Phú Quốc, ngoài dáng đẹp bộ lông có những xoáy lưng độc đáo, còn có khả năng đánh hơi và tìm dấu cực kỳ. Một người lái buôn từng mang một con chó Phú Quốc từ cửa biển Dương Đông vào đất liền Hà Tiên, nửa đêm, con chó tự tháo xích, bơi vượt biển hơn bốn mươi hải lý, tức khoảng bẩy mươi nhăm kilômét, để trở về nhà cũ.

Sự xuất hiện bất thường của Cam trong phòng thủ trưởng Chiến Thắng Lợi, khiến Quyền hết sức chú ý. Nói chuyện với Đà Giang ở tầng dưới, nhưng tai, mắt Quyền như để ở cả tầng trên, như có sức xuyên thấu lớp bê tông trần nhà để nhận biết cuộc nói chuyện bất thường giữa Cam và Lợi. Bằng một trí nhớ siêu đẳng, Quyền lại mường tượng tới bức thư có tên Phương Xa, một cái tên phiếm chỉ, theo đường giao liên gửi lên ATK tới địa chỉ người nhận Nguyễn Kỳ Khôi. Dạo ấy cái tên Khôi hầu như không ai biết. Không ai có tên là Nguyễn Kỳ Khôi công tác trong cơ quan đầu não ATK. Vậy mà Văn Quyền đã cầm lá thư ấy đem về cho Lợi. "Em biết lá thư này gửi cho anh. Nhân lúc không ai để ý, em lấy về". Tưởng làm phúc, hoá ra phải tội. Lợi sầm mặt. "Tôi đã nói với cậu bao nhiêu lần rồi. Coi như tôi không bao giờ có cái tên Khôi. Thư từ ai gửi cũng mặc. Cứ để văn thư họ ghi không có người nhận và gửi trả lại…". Quyền đã toan cầm lá thư mang trả thì Lợi giật phắt lại. "Bây giờ trả, hoá ra lạy ông tôi ở bụi này. Cậu để tôi đốt vứt sọt rác. Nhắc, để lần sau phải nhớ".

Một tháng sau lại có một thư khác của Phương Xa gửi Nguyễn Kỳ Khôi. Lần này thì Quyền chẳng dại. Làm phúc, tìm cách lấy lòng thủ trưởng mà lại bị mắng, thì xin cạch. Chào nhé. Quyền tìm mọi cách biển thủ để được bóc lá thư ấy xem Phương Xa là ai, nội dung viết gì?

"Bao lâu rồi bặt tin anh. Em mong anh đến mất ăn mất ngủ. Nhắm mắt lại là em lại mường tương ra ba ngày thần tiên ở phố Phương Đình ấy. Ngay bây giờ, em sẽ đánh đổi tất cả để được sống lại những ngày hạnh phúc ngắn ngủi. Anh yêu ơi anh có biết rằng anh đã cho em một báu vật thiêng liêng và quý giá biết nhường nào không? Nhưng thôi, em muốn dành cho anh sự bí mật tuyệt đối. Để anh bàng hoàng, ngây ngất… Tháng sáu năm ngoái, em lên Định Hoá họp về công tác phụ vận. Tìm anh hoài chẳng thấy. Sao anh im lặng lâu quá vậy? Đã quên em rồi chăng? Hay có sự cố gì đó mà thư tù bị thất lạc. Viết thư cho em, hãy gửi về địa chỉ: Đào Thị Cam, hòm thư lưu 241051. Hoặc gửi theo đường thư tay về K3.

Đào Thị Cam là ai? Quyền cất giấu lá thư không cho ai biết. Rồi sẽ có lúc cần đến như một tang chứng. Có bảo bối, Quyền sống với Lợi có vẻ bình đẳng và tự tin hơn. Sau hoà bình lập lại, chẳng khó khăn gì, Quyền đã tìm ra Phương Xa, tác giả của nhưng lá thư gửi Khôi hồi kháng chiến. Truyện ký "Người đẹp Sơn Minh hay là huyền thoại về Ni cô Đàm Hiên" của Đà Giang đăng trên tạp chí Văn, đã nói quá rõ về con người nổi tiếng này. Để thử thần kinh Chiến Thắng Lợi, Quyền làm ra vẻ hồn nhiên, khoe với Lợi:

- Thằng Đà Giang bạn em viết truyện ký này khá lắm. Anh đã đọc chưa? Đồng chí Đào Thị Cam trong này xứng đáng được phong anh hùng…

Quả nhiên, mặt Lợi tái đi, cử chỉ lúng túng.

- Thế à? Mình hoàn toàn không biết gì về nữ đồng chí ấy.

Rõ ràng là Lợi rất sợ nhắc đến quá khứ, đặc biệt là mối quan hệ mờ ám với Cam.

Đã vậy lần này Quyền lại thử chơi một đòn cân não.

- Báo cáo thủ trưởng. Chị Cam lúc ở phòng thủ trưởng ra, có chuyện gì mà có vẻ xúc động lắm… Tay Đà Giang, bạn em nó khoe hồi gặp để viết truyện ký về chị Cam, nó được chị ấy cho xem khá nhiều bức thư ký tên Phương Xa…

- Các cậu bỏ cái thói chõ mũi vào việc của người khác đi - Lợi giật mình, quay ngoắt nhìn Quyền đầy ngờ vực, rồi sẵng giọng - Mà cái tay Đà Giang ấy nó có việc gì mà cứ quanh quẩn mãi ở đây thế?

Biết mình vừa mó dái ngựa, Quyền liền nhân đà chuyển nhanh câu chuyện.

- Dạ, báo cáo thủ trưởng, cậu Giang muốn lên gặp trực tiếp lãnh đạo Ban để xin đi chiến trường ạ. Cậu ta có đơn viết bằng máu…

- Tưởng cậu ta về Ty Văn hoá Sơn Nam mấy năm nay rồi cơ mà?

- Dạ, đúng vậy. Sau sai lầm với cuốn tiểu thuyết "Cưới chạy" xuyên tạc và bôi nhọ cải cách ruộng đất, rồi tiếp đến là cuốn tiểu thuyết "Máu của đất" bị cấm phát hành, Giang bị kiểm điểm và buộc phải chuyển khỏi báo Tiến Lên. Em nể tình đồng nghiệp, vận động cho cậu ta về quê. Tưởng sẽ yên tâm phấn đấu và sáng tác, nào ngờ Giang lại gây chuyện với ông trưởng ty.

- Tay trưởng ty tên là Huệ Lan phải không? Anh em văn nghệ sĩ Sơn Nam kêu ông này lắm.

- Vâng, một cái tên như ái nam ái nữ. Cái chính là Huệ Lan sợ Đà Giang giỏi hơn mình.

Giỏi hơn là cái chắc. Đợt văn nghệ sĩ đi thâm nhập thực tế, chỉ mới hơn một tháng hắn đã viết được vở kịch nói đoạt huy chương vàng Hội diễn Toàn quốc… Thế nên Huệ Lan mới ra sức trù dập, cho ngồi chơi xơi nước, cho hưởng bẩy mươi phần trăm lương để vô hiệu hoá…

- Đúng như đồng chí Tư Vuông nói. Lãnh đạo mấy tay văn nghệ có tài mệt lắm… - Lợi buông một tiếng thở dài, liếc nhìn tập hồ sơ đang làm dở ở trên góc bàn, ngay phía tay phải của anh. Trong chiếc cặp ba dây màu xanh kia là toàn bộ hồ sơ về Nguyễn Kỳ Vỹ. Nhiều lúc ngồi thừ người bên bàn, Lợi cứ thầm ao ước: Giá cái cặp hồ sơ về Vỹ biến mất, bị tay nào lấy cắp mất, hoặc cháy rụi không còn vết tích. Nhưng không. Nó cứ chềnh ềnh trước mặt anh hàng mấy năm trời, như một trớ trêu, một thách thức. Chềnh ềnh và ngày càng cao lên, to ra.

Từ ngày Vỹ bị gọi từ Liên Xô về nước, số sự cố, vụ việc không hề giảm, ngược lại có nhiều chuyện làm Lợi đau đầu. Gần đây nhất là sự kiện mít tinh biểu tình, đọc thơ Nhân văn Giai phẩm, thơ phản động, tập hợp các phần tử quá khích ở nông trường Quan Chi. Theo báo cáo của công an, nếu không có cô Võ Thu Hạnh, con của đồng chí thượng tá Võ Khang đi cùng, tối ấy Nguyễn Kỳ Vỹ bị bắt tống giam là cái chắc. Liền sau đó là cuốn sổ tay của Vỹ do Sành, nộp cho cơ quan công quyền.

Cuốn sổ ghi chép này đặc biệt nguy hiểm, hoàn toàn phơi bày tâm can Vỹ, chỉ ra những mối quan hệ chằng chịt và phức tạp của Vỹ. Những bài thơ Vỹ sáng tác trong thời gian gần đây, khi tên tác giả bị cấm in trên các báo, đã hoàn toàn bộc lộ tâm trạng u uất, bức bối, chán ghét cuộc đời, hận thù chế độ…

Phần thơ của bạn bè, lại càng nguy hiểm. Những tên đầu sỏ của Nhân văn Giai phẩm đều có thơ được chép. Nhiều tài liệu của bọn Xét lại quốc tế được lưu ý dịch để phát tán… Đã có lần cơ quan báo vệ chính trị đề nghị cho bắt Vỹ. Nhưng đồng chí Tư Vuông không đồng ý. Chưa đủ chứng lý hay đồng chí Tư Vuông còn nể nang Lợi, muốn tiếp tục thử thách lòng trung thành của Chiến Thắng Lợi?

- Lãnh đạo mấy anh văn nghệ trong hoàn cảnh kẻ thù luôn rình rập thế này càng mệt thủ trưởng ạ - Quyền luôn tìm lúc phụ hoạ thích hợp - Em nghĩ hay là tay nhà văn Đà Giang này nó viết bằng nước quả mồng tơi? Đây, xin trình thủ trưởng lá thư tình nguyện của hắn.

Lợi cầm lá thư, đọc và lật đi lật lại, như nhà y học nhìn tiêu bản để xác định thành phần sinh hoá. Có vẻ là máu chứ không phải nước quả mồng tơi. Bọn văn nghệ sĩ hăng lên, uống chén rượu vào là có thể cứa manhxơlam thoải mái, máu chảy ồng ộc đầy cốc ngay ấy mà. Mấy cô mấy cậu diễn viên điện ảnh, kịch sĩ thì giói nhất là khoản khóc. Đang cười toe toét đến cảnh cần khóc chỉ cần chớp chớp mắt là nước chảy tuôn trào… Nét chữ run rẩy thế này chắc là xúc động lắm đây.

- Này, phải nhân lá thư này để kích động lớp trẻ. Phần tử bất mãn chế độ, thoái hoá, trùm chăn như nhà văn Đà Giang, cũng xung phong lên tuyến đầu, một khi đế quốc Mỹ đã xâm phạm đến nơi thiêng liêng nhất: Tình yêu Tổ Quốc. Cậu đưa ngay lá thư này lên báo cáo anh Tư và xin chủ trương. Nếu anh Tư đồng ý, chúng ta sẽ cho chụp đăng bức thư trên báo chí. Các văn nghệ sĩ xung phong ra trận. Lá thư bằng máu của nhà văn Đà Giang sẽ có sức mạnh bằng cả một đơn vị thiện chiến.

Ý kiến thủ trưởng đặc biệt sáng suốt. Đây sẽ là một sáng kiến độc đáo của Ban ta - Quyền xoa tay - Dạ, xin anh mấy chữ đề xuất để em sang trình Anh Tư.

°°°

Đà Giang là bút danh của Mai Văn Nhạ, một cây bút được điều từ báo Liên khu Ba về báo Vệ quốc. Sau chiến dịch Hoà Bình, Nhạ bám sát các đơn vị bộ đội dân công dọc đường số Sáu có nhiều bài ghi chép, ký sự sắc sảo được bộ đội chuyền tay nhau đọc. Rồi đột nhiên một cái tên lạ hoắc bỗng xuất hiện trên báo Văn, với bút ký "Trăng nước sông Đà", ký tên Đà Giang, làm giới văn chương chú ý. Hoá ra Đà Giang và Mai Văn Nhạ chỉ là một. Hồi viết bút ký đó, Nhạ phải lòng một cô dân công Mai Châu có tên là Giang. "Mai Châu mùa em thơm nếp xôi" Câu thơ trong bài thần ca Tây Tiến của nhà thơ Quang Dũng như choàng vào cô gái Mai Châu vẻ đẹp huyền thoại, khiến nhà văn đất Sơn Nam càng thêm mê mẩn. Hai người thường hò hẹn nhau ở bến phà sông Đà. Bút danh Đà Giang xuất xứ là vậy. Đây cũng chính là cái mốc, đánh dấu sự nghiệp văn chương của Nhạ. Độc giả và anh em trong làng văn sẽ quên hẳn một anh chàng Nhạ nhà báo để ghi nhận và yêu mến một nhà văn có bút danh Đà Giang.

Liên tiếp trong ba năm, Đà Giang cho in lần lượt các tập truyện ký, và tiểu thuyết: "Người đẹp châu thổ" "Cưới chạy", "Máu của đất". Tiểu thuyết "Cưới chạy" vừa in ra, đã bị đánh tơi bời. Đến cuốn tiểu thuyết "Máu của đất" thì sự nghiệp văn chương của Đà Giang bị chững lại. Cuốn sách chưa ra khỏi nhà in đã có lệnh ngừng phát hành. Có một thông tin từ đâu đó truyền xuống: "Máu của đất" cùng một mạch viết về cải cách ruộng đất, nhưng đen tối và phản động hơn "Cưới chạy", in ra không có lợi.

Dạo đó, đúng vào cái thời điểm xử lý ngầm vụ án Nhân văn Giai phẩm. người ta tưởng Đà Giang mắc chứng điên. Ông thủ trưởng cơ quan Giang đã gọi người đưa anh đi nhà thương Trâu Quỳ. Giang trốn nhà thương về quê ba tháng. May mà được cô vợ hiền lành tần tảo, chăm nuôi cho Giang vượt qua cơn hoạn nạn. Cuốn tiểu thuyết "Máu của đất" mất hút như chưa hề được sinh ra. Một năm sau, khi cấp trên buộc Đà Giang phải chuyển công tác về Sơn Nam, anh cũng không biết người ta đã làm gì với đứa con tinh thần chưa kịp khai sinh của mình? Chắc chắn là những cuốn sách xấu số ấy đã bị đưa vào máy nghiền để tái chế lại. Hỏi nhà xuất bản, người ta đùn đẩy cho nhau, nhún vai không biết. Tất cả đều như vô can, đều quá dửng dưng. Thậm chí hỏi xin lại bản thảo, người ta cũng nhún vai lắc đầu: "Chúng tôi không giữ. Chúng tôi không biết. Đồng chí lên hỏi cấp trên…"

Cấp trên là ai?

Không biết "Máu của đất" đã hoàn toàn biến khỏi mặt đất.

Lá đơn viết bằng máu của Đà Giang như đã chiêu tuyết cho nhà văn, cho cả giới nhà văn. Hàng chục tờ báo cùng chụp đăng nguyên văn bút tích lá thư xin tình nguyện ra mặt trận tiêu diệt giặc Mỹ xâm lược với những nét chữ run rẩy, mãnh liệt cảm xúc của Đà Giang. Những dòng chữ như một lời hịch, lời hiệu triệu, kích động hàng vạn thanh niên đang náo nức lên đường.

Người đầu tiên mang tin vui đến với nhà văn Đà Giang là cô giáo Đào Trinh Khiêm. Cầm tờ báo Cứu Quốc còn thơm phức mùi mực, nàng phóng một mạch từ trường về nhà, chạy ba bước lên cầu thang, giọng lanh lánh như chuông:

- Có tin rất vui đây các anh ơi. Nhà văn Đà Giang trở thành anh hùng chống Mỹ rồi…

Lúc ấy, trên gác, mấy anh chàng văn sĩ thất thế đang có cuộc tranh luận quyết liệt và bất phân thắng bại về việc máy bay phản lực Mỹ có dám đánh bom Hà Nội hay không? Phái "Hà Nội ngàn năm văn hiến, bất khả xâm phạm" có Vỹ và Hàn Thâm Nho. Phái "Mỹ mà xấu, Mỹ sẽ ném bom tuốt tuột, ngay cả mả bố Tổng thống Hoa Kỳ táng ở giữa Hồ Gươm", có Đà Giang và Du San.

- Thằng Mỹ, có cho ăn kẹo cũng không dám đánh bom. Hà Nội - Tác giả "Bến đò ngang", Hàn Thâm Nho, hùng hồn tuyên bố xanh rờn. Nó đánh Hà Nội tức là đánh vào lương tri thời đại, đánh vào văn minh và văn hiến. Các vị thử nghĩ coi, thằng Mỹ đang dương dương tự đắc vỗ ngực cho mình là đại quốc tiêu biểu cho văn hoá toàn cầu, lẽ nào dám mang bom huỷ diệt Thăng Long?

- Các ông chỉ là một lũ hủ nho gàn, nói chuyện chán bỏ mẹ - Đà Giang giọng ngán ngẩm - Các ông cứ tưởng tên nó là Mỹ, tức là nó phải đẹp chứ gì? Cứt chó. Mỹ mà xấu và đểu mới đúng. Các ông nhớ lại đi. Đại thế chiến thứ hai, thằng Nhật chủ quan khinh thường, ngoằng một cái Mỹ nó táng cho hai quả bom nguyên tử xuống Hirosima và Nagasaki, chết hàng trăm nghìn thường dân vô tội. Năm 1963, anh em nhà Diệm Nhu tưởng Mỹ không dám can thiệp sâu vào miền Nam, ngoằng một cái, Mỹ xúi Thiệu Kỳ Hương làm cuộc đảo chính, xơi tái mấy anh em Diệm. Mỹ là thế đấy, các bố ạ. Vậy thì con xin các bố chớ có chủ quan, có mẹ già vợ dại, con thơ hãy mau mau sơ tán về nông thôn. Lên được núi cao, rừng sâu càng tốt.

Nhất là nhà thơ nổi tiếng Nguyễn Kỳ Vỹ có cô vợ hoa hậu thì phải cố mà giữ, chớ có cho giặc lái Mỹ nó nhìn thấy mặt người đẹp Đào Trinh Khiêm…

- Cái gì mà khiêm với chả nhường thế? Các vị đang nói xấu tôi đấy nhé! - Khiêm xuất hiện ở cửa, tay cầm tờ báo huơ lên - Tôi sẽ phạt, không cho xem lá thư viết bằng máu của nhà văn Đà Giang…

Cả bọn nháo nhào, cùng giành lấy tờ báo.

Đà Giang bỗng lặng đi khi nhìn thấy đích thị những dòng chữ của mình được in trang trọng chính giữa trang nhất.

- Vợ chồng tớ sẽ khao tất cả, nhân sự kiện trọng đại này - Vỹ tuyên bố hùng hồn rồi vẫy Khiêm ra hiên nói nhỏ.

- Tao nói thằng Giang đừng giận nhé - Đợi cho Khiêm xuống nhà, tranh thủ đi chợ, Du San nháy mắt với các bạn rồi nhìn thẳng vào Giang như đang đi guốc trong bụng anh - Mày viết lá thư này bằng máu đỉa hay nước quả mồng tơi? Cũng có thể bằng nước vỏ lựu hay máu mào gà như Nguyễn Du viết trong Kiều khi mô tả thủ đoạn của Tú Bà khuyên gái lầu xanh làm giả sự trinh nguyên… Tinh tướng. Nhưng qua làm sao được mắt thằng này?

Đang châm đóm, Đà Giang vứt phịch cái điếu cày xuống sàn, nước điếu đổ khai mù. Anh chồm tới, hai tay túm chặt cổ áo Du San xoắn một vòng.

- Cho mày nói lại. Nếu không tao sẽ vặn cổ…

Cả bọn xúm lại can. Du San biết đã chọc vào máu Trương Phi, chắp tay rối rít:

- Tao trót xúc phạm… Xin lỗi… Muốn đùa cái chất anh hùng rơm của mày thôi mà…

- Ăn nói láo, lối mất dạy… May mà mày kịp xin lỗi, không tao đấm vỡ mặt - Giang phẩy tay, thở dốc, hai mắt ngân ngấn nước - Chúng mày biết không, tao hoàn toàn không thích cái trò đạo đức giả. Đừng tưởng thằng này cũng như loài cá sấu. Vừa ăn con mồi vừa chảy nước mắt. Trích máu viết thư với tụi mình kể cũng hơi… hề. Nhưng buộc lòng phải viết, phải chứng tỏ tim gan mình. Từ ngày về tỉnh, bỏ sông vào ngòi, uất không chịu được. Làm tớ suốt đời cho thằng Huệ Lan thì thà bốc cứt mà ăn cho xong. Tao biết nỗi khổ này không chỉ riêng ai. Thằng Vỹ phải làm quân cho thằng xe đạp thồ Tiến Tới cũng nhục lắm. Hàn Tín chui qua dái thằng hoạn lợn. Nhưng còn đỡ hơn tao, vì giám đốc Tiến Tới còn biết cách nghĩ ra thơ ca hò vè để thằng Vỹ có công ăn việc làm, có tí tiền nộp cho cô giáo Khiêm. Thằng Huệ Lan nó chơi tao tới số, chỉ thiếu cách bốc cứt nhét vào mồm tao. Phải bằng mọi giá thoát khỏi vùng đất tổ tiên ông bà, thoát khỏi thằng Huệ Lan. Với lại, làm thằng viết mà cứ bí rì rì như thế, viết thế đếch nào được. Tao bèn viết đơn, rồi trực tiếp lên gặp lãnh đạo cao nhất của tỉnh, xin tình nguyện đi chiến trường, quyết chết xanh cỏ, sống đỏ ngực. Khốn nạn thân tao, mọi đơn từ, lời thỉnh cầu, cuối cùng đều chuyển về cho thằng Huệ Lan giải quyết. "Anh bỉ mặt tôi, anh coi thường tôi. Có lá đơn mà anh cũng vượt mặt tôi, lên làm phiền các đồng chí lãnh đạo tỉnh". Thăng Huệ Lan xạc tao, họp kiềm điểm trước toàn cơ quan, vu cho tao tội coi thường lãnh đạo, vi phạm quy chế tổ chức…

- Và uất ức quá nhà văn Đà Giang đã viết đơn bằng máu, gửi lên tận Trung ương - Hàn Thâm Nho tiếp đoạn kết.

- Đúng vậy - Giang nói tiếp - Cực chẳng đã, tao bèn nghĩ án binh pháp Tôn Tử. Có thể gọi là "khổ nhục kế", mà cũng có thể gọi là "bi phẫn kế" cũng được. Tao soạn một cái án thư kê giữa sân nhà, có hương, nến và giấy dó hảo hạng của làng Bưởi. Đêm sáng trăng vằng vặc, người hoàn toàn chay tịnh, tao thắp ba nén hương, quỳ lạy, kính cẩn bố cáo cùng trời đất, các bậc tiên tổ, anh linh. Rồi tao lấy một chiếc gai bưởi già, đâm vào đầu ngón tay trỏ và viết… "

Du San tròn mắt nghe. Khi Giang kể vừa dứt, anh liền phủ phục, chắp hai tay:

- Bái phục, bái phục. Hệt như Ức Trai tiên sinh những ngày bị giam lỏng ở thành Đông Quan, nhìn giặc Minh đi lại mà bầm gan tím ruột. Tiểu nhân đây có mắt như mù. Núi Thái Sơn sừng sững trước mặt mà không biết. Xin nhận ở tiểu đệ này một lạy…

Cả bọn ngớ ra, rồi cùng cả cười. Bắt chước Du San, cả Nho và Vỹ cũng phủ phục như diễn tuồng. Đúng là không còn động tác nào để diễn tả sự kính nể và khâm phục hơn thế.

Câu chuyện lập tức xoay quanh một chủ đề hết sức nghiêm túc: Sứ mệnh của nhà văn trước Nhân dân và Tổ Quốc. Vỹ bộc bạch:

- Sau cái chết của cô em dâu, của hàng trăm người dân vô tội trong vụ ném bom cầu Thanh Am của máy bay Mỹ, tao cứ suy nghĩ, phải làm một cái gì. Chúng mình chỉ mới trượt qua cuộc kháng chiến chống Pháp. Chúng mình còn tuổi trẻ. Chỉ quanh quẩn bàn giấy, rồi đi sơ tán, đào hầm hào trú ẩn… thì phí cả đời trai. Lúc này mới là thời của trường ca và tiểu thuyết chúng mày ạ. Alexandr Tolstoy nếu không từ bỏ giai cấp của mình đi với nhân dân thì làm sao có bộ tiểu thuyết bất hủ "Con đường đau khổ"? Và ngay cả "Pie Đại đế", bộ tiểu thuyết đưa ông lên hàng những nhà văn Nga kiệt xuất nữa. Phải có ánh sáng của Nhân dân mới dựng lên được hình tượng ông vua vĩ đại của nước Nga như thế…

- Nếu ra trận, mày sẽ để hoa hậu Đào Trinh Khiêm cho ai? - Giang rít thêm hơi thuốc, nhả những vòng tròn đều đặn lên trần nhà.

- Đà Giang, mày đừng giễu cợt tao. Khi mày viết đơn bằng máu tức là mày đã nghĩ đến vợ và con mày. Vợ mày, một cô mậu dịch viên bán gạo ở cửa hàng lương thực huyện, với Khiêm vợ tao, đều đáng yêu như nhau, đều phải được tính đến khi chúng ta ra trận. Họ sẽ rất buồn, nhưng họ không bao giờ ngăn cản chúng ta. Tao thề có mặt trời ngoài kia, cách đây hai ngày, tao đã nói với Khiêm điều này ngay trên giường ngủ của nàng. Khiêm khóc và bảo: "Em chỉ sợ người ta không cho anh đi. Anh bây giờ đâu còn được ai tin tưởng".

Cả bọn cùng lặng đi vì câu nói trắng phớ sự thật. Ai cũng tự vận vào mình.

- Khiêm đã điểm trúng cảnh ngộ bọn mình - Nho nói - Chúng mình đều là lũ bị vứt ra ngoài rìa. Thằng em con ông chú ruột tao, thành phần địa chủ. Viết đơn xin đi bộ đội bao lần mà chính quyền nhất quyết không nghe.

- Chúng mày đã bao giờ cảm giác thấy trên mặt mình có cứt không? - Du San bỗng buông câu hỏi - Nhiêu lần tao thấy cứt trên mặt mình rồi đấy. Ấy là mỗi lần họp cơ quan xong, tay bí thư ra vẻ quan trọng bảo các đồng chí trong chi bộ ở lại.

Thế là họ đã loại trừ chín mươi phần trăm quần chúng Mensêvích ra ngoài cuộc. Mà có phải chuyện kinh bang tế thế gì cho cam. Đôi khi chỉ là phân phối trong nội bộ với nhau mảnh vải phíp, hộp thuốc đánh răng, dăm chiếc nan hoa xe đạp.

- Thôi đừng nói nữa, nhục nhã lắm. Nỗi đau của chúng mình là bị gạt ra ngoài cuộc, bị tước bỏ quyền yêu nước… Tất cả nhiệt huyết, tình yêu của chúng mình đều bị nghi ngờ, bị khước từ. Độc quyền yêu nước đang là một tội ác…

Giọng Vỹ tắc lại. Anh ôm mặt và khóc tức tưởi.

°°°

Cuộc tụ tập của bốn văn sĩ ở nhà Vỹ, chỉ đầu giờ làm việc sáng hôm sau đã đến tai Văn Quyền. Liền sau đó, Quyền nhận được lá đơn ký tên cả bốn người xin tình nguyện ra mặt trận. Đơn không viết bằng máu, mà bằng thứ chữ nắn nót rất đẹp của Hàn Thâm Nho.

Tất nhiên, người sốt sắng để làm việc này là Đà Giang. Giang nói với Quyền:

- Cả bốn thằng chúng tớ quyết định viết chung lá đơn này. Tớ viết đon bằng máu rồi, giờ lại viết nữa. Cậu báo cáo với Trung ương, tinh thần văn nghệ sĩ sôi sục lắm. Thằng Vỹ, vợ bìu con díu gay nhất bọn, cũng quyết xin ra đi đợt này. Riêng tớ, có quen thượng tá Võ Khang trên Ban Quân lực Bộ Tổng. Nếu thủ trưởng Tư Vuông đồng ý thì ông sẽ gửi tớ sang Thông tấn xã Giải phóng. Chỗ này ngon lành đấy. Rất hợp sở trường của tớ. Cậu cố gắng giúp nhé!

Quyền đã chuyển ngay lá đơn và nguyện vọng đề đạt của Giang lên bàn làm việc của Chiến Thắng Lợi.

Họ đùa bỡn hay thật lòng? - Lợi ngồi trầm ngâm trước lá đơn Họ định thử lòng tin của chế độ, chính quyền đối với giới văn nghệ sĩ? Bài toán phải giải với lá đơn này không hề dễ dàng. Không cho đi, họ sẽ lu loa lên rằng Đảng không tin ở trí thức, văn nghệ sĩ, Đảng đóng cửa, độc quyền yêu nước một mình. Cho đi, biết đâu chỉ cần vượt vĩ tuyến 17, họ sẽ "qua sông đấm buồi vào sóng", họ sẽ tha hồ viết sách, viết báo bôi nhọ cộng sản, xoá sạch thành quả của Chủ nghĩa xã hội. Lợi bất cập hại. Hậu quả khôn lường. Riêng với Vỹ, Lợi còn lo điều này: Vỹ muốn đi Nam là để gặp Vọng. Nguyễn Kỳ Vọng hắn đang giữ một chức vụ gì đó trong chế độ Nguỵ? Có thể Lợi không biết gì về Vọng, nhưng Vỹ thì biết. Anh em ruột thịt, cùng một cửa chui ra sẽ khác hẳn anh em cùng cha khác mẹ. Vậy thì đại nguy. Sẵn bất mãn, chán ghét chế độ, Vỹ dễ dàng nhảy sang hàng ngũ giặc, hợp tác với giặc. Đến lúc ấy, chính Vỹ sẽ giết chết sự nghiệp chính trị của Lợi. Không thể giải thích và vô can trong chuyện này được. Còn ai tin Lợi? Cả sự nghiệp, tiền đồ, thậm chí tính mạng của Lợi sẽ đi tong.

Lợi đã trình bày tất cả những suy nghĩ ấy với đồng chí Tư Vuông.

- Tôi hoàn toàn tán thành với những phân tích của đồng chí - Tư Vuông gật gù - Tôi càng thông cảm và chia sẻ với đông chí về trường hợp cậu Nguyễn Kỳ Vỹ. Trong bốn cậu này, chúng ta phải tách ra để có đối sách với từng trường hợp. Đà Giang viết về cải cách ruộng đất như một phản kháng bản năng, "Cưới chạy" và thậm chí cả "Máu của đất", nếu chúng ta không thu hồi thì cũng chẳng gây nguy hại gì. Chúng ta đã công khai nhận sai lầm về cải cách ruộng đất, chúng ta đã có cuộc sửa sai, vậy thì tác phẩm của Đà Giang cũng chỉ là minh hoạ cho chính sách sửa sai của chúng ta. Du San viết truyện ngắn "Bại luân", Hàn Thâm Nho viết thơ "Bến đò ngang", cần phải phê phán. Nhưng đây cũng chỉ là sản phẩm hạng hai. Vả lại sự dính líu của họ với Nhân văn Giai phẩm cũng chỉ là sự a dua, theo đóm ăn tàn. Rắn đe như thế là đủ. Với ba trường hợp này, có thể biên chế họ vào các đơn vị phục vụ hoả tuyến. Đà Giang tính phổi bò, nhưng văn khoáng hoạt và rất có lửa. Ta cho đăng công khai lá thư viết bằng máu của Đà Giang, tất phải bố trí cho cậu ta đi. Nếu muốn đi theo con đường Thông Tấn Xã thì ta nên ủng hộ. Tôi sẽ viết thư để đồng chí sang gặp anh Võ Khang bên Bộ Tổng tham mưu bố trí cho Đà Giang đi theo đường dây của Trung ương Cục"

Lợi lắng nghe mà tim đập như trống trận. Thủ trưởng Tư Vuông quả là hiểu thấu tim gan từng người. Ông chưa nói đến Vỹ tức là ông đã ngầm tách Vỹ ra khỏi nhóm ba người kia. Hay ông ngại Lợi là anh em ruột rà với Vỹ nên không muốn nói hết? Hay ông còn điều gì nghi kỵ không tin Thắng Lợi? Cần phải làm gì để ông tin rằng, Lợi và Vỹ tuy anh em ruột, nhưng là anh em cùng bố khác mẹ, rằng rất lâu rồi Lợi không muốn nhìn mặt Vỹ, không tiếp xúc thăm hỏi gì. Anh em kiến giả nhất phận, ai làm người ấy chịu. Thương em anh để trong lòng, việc quan anh cứ phép công anh làm.

Lạ thế. Đợi mãi mà anh Tư vẫn chưa nói gì đến Vỹ. Anh Tư nhẩn nha gõ ngón tay xuống bàn, như nhả ra từng chữ:

- Cả tôi và đồng chí cần phải thấy hết tầm nhìn của Trung ương. Chúng ta không chỉ đơn thuần chiến đấu trên mặt trận quân sự, mà đã chuẩn bị kỹ lực lượng trên các mặt trận chính trị ngoại giao, văn hoá văn nghệ… Hàng trăm các văn nghệ sĩ trí thức tài năng, trung kiên đã được đưa về quê hương chiến đấu. Từ miệt rừng U Minh, Đông Nam Bộ, Tây Nguyên Trung Bộ… ta đều đã bố trí lực lượng. Đợt bổ sung này phải rất thận trọng. Nếu là công nông binh ta tin dùng một trăm phần trăm, thì giới trí thức tiểu tư sản chỉ nên tin dùng năm mươi phần trăm. Văn nghệ sĩ, nói chung là tốt, nhưng dễ dao động thiếu lòng tin. Họ như con dao hai lưỡi, dùng không dễ. Xưa Lê Lợi dùng Nguyễn Trãi, nhưng chưa hắn đã tin. Nguyễn Huệ dùng Ngô Thì Nhậm, nhưng vẫn ngầm sai Ngô Văn Sở luôn thăm dò giám sát. Bởi vì giới văn chương họ có cái lưỡi vô cùng lợi hại. Cái lưỡi của Edốp nguy hại không? Cái lưỡi đây tức là sự phát ngôn. Người xưa nói "uốn ba tấc lưỡi" là vì thế. Cái tập thơ "Thủ đô gió ngàn" của tôi, tôi cho hội thảo là để thăm dò những cái lưỡi chống đối mình…

Một luồng khí lạnh bỗng chạy từ chót sống lưng lên tận gáy Chiến Thắng Lợi. Thì ra nhà thơ Ngô Sỹ Liên vẫn găm trong lòng mối hận với những kẻ dám chê bai, phủ nhận thơ mình. Ngày ấy, chính Vỹ, bằng sự hồn nhiên thẳng thắn của mình đã trót cho đăng trên báo Văn bài phê bình ca ngợi tập thơ "Thủ đô gió ngàn", nhưng đoạn cuối lại có ý chê thơ Ngô Sỹ Liên thiếu chân thực, còn nặng chất ca dao hò vè và hô hào khấu hiệu. Ngần ấy chữ thôi, đủ phải trá giá cả một đời…

- Trường hợp của cậu Vỹ, tôi rất tiếc - Tư Vuông nhìn thẳng vào mắt Lợi, như để đọc những phản ứng của anh - Đây là một câu chuyện rất dài mà đồng chí chưa biết hết đâu. Tôi chỉ nói vắn tắt thế này: Vỹ là trường hợp ngoại lệ. Là nhà thơ loại một, văn chương thứ thiệt. Không thể để cậu Vỹ đi bất cứ đâu lúc này. Đây cũng là một biện pháp để bảo vệ sinh mạng chính trị cho cả cậu nữa, đồng chí Chiến Thắng Lợi ạ!

°°°

Lời cảnh báo của đồng chí Tư Vuông về Vỹ, lúc khác chắc sẽ làm Lợi lo lắng, nhưng lúc này thì anh lại có những việc còn trọng đại, đáng lo hơn nhiều.

Đã mấy ngày nay, Lợi như người sống dở chết dở. Có khi anh ngồi hàng giờ bên bàn, mắt nhìn trân trân những dòng chữ họ tên ngày tháng năm sinh của Lê Kỳ Chu do Cam gửi lại mà đầu óc trống rỗng như kẻ vô hồn. Dường như căn phòng làm việc với bốn bề cửa kính cửa chớp kín mít là nơi trú ngụ yên ổn nhất của Lợi. Đó là pháo đài có thể bảo vệ, che chở anh trước những ánh mắt soi mói, những lời thì thào bàn tán. Hết giờ làm việc, Lợi thường cố nán lại, có hôm thành phố lên đèn, hoặc tiếng còi báo động ủ vang mà Lợi vẫn không hay biết. Lợi sợ phải về nhà. Lợi không dám nhìn mặt Là và thằng Nhất, không dám sà xuống bế bổng bé Ly rồi công kênh nó lên cổ lên đầu như mọi ngày.

Sự xuất hiện đột ngột của Cam với tin báo về Lê Kỳ Chu đã làm xáo trộn tất cả cuộc sống của Lợi. Sung sướng như kẻ bỗng vớ được vàng. Bồi hồi phấp phỏng như người vừa tìm lại được báu vật tưởng đã mất. Lo âu hốt hoảng như kẻ từng man trá, biển lận nay có nguy cơ bị tố giác. Xấu hổ, day dứt như kẻ phản bội, lừa gạt… Lợi có tất cả những tâm trạng, cung bậc tình cảm đó. Cái điều mà suốt mười tám năm nay anh không nghĩ tới, hoặc cho rằng không thể xảy ra, thì giờ nó đã đến.

Anh đã có con trai với Cam, đứa con ngoài giá thú. Giá là một người đàn ông bình thường, một nông dân, một gã đạp xích lô, một anh cu li… thì chẳng có gì phải bận tâm. Mo phú tuốt. Cá vào ao ta, ta được. Khi ấy thậm chí Lợi sẽ vui sướng khoe ầm với bàn dân thiên hạ, rằng họ Nguyễn Kỳ có thêm một chi mới tận vùng Mường Bi. Nhưng sự đời không đơn giản vậy. Lợi đang là một cán bộ cách mạng, đang được tin dùng và giữ một trọng trách mà không phải anh cán bộ nào cũng với tới được.

Lợi đang có một gia đình êm ấm. Một người vợ hiền chung thuỷ, đang là cán bộ thương nghiệp ở một cửa hàng vào loại số một Hà Nội, hai đứa con, một trai một gái, ngoan ngoãn xinh đẹp. Một mẫu hình gia đình lý tưởng. Sự xuất hiện của Lê Kỳ Chu sẽ là một quả bộc phá, san bằng tất cả. Đầu tiên tổ chức sẽ gọi Lợi đến, đề nghị viết tường trình. Sau đó là đồng chí hãy bàn giao công việc, chờ tổ chức kết luận. Ăn cám rồi. Dám hủ hoá với vợ liệt sĩ cách mạng, lại là vợ liệt sĩ Lê Thuyết, khu uỷ viên Liên khu Hữu ngạn, đó là một tội. Thấy đồng chí Cam có thai lại lẩn trốn trách nhiệm, khai man lý lịch, đổi từ họ Nguyên Kỳ ra họ Chiến để che giấu tổ chức, là hai tội. Hủ hoá tiếp với Là, khi tổ chức phát hiện mới làm lễ cưới chạy, là ba tội. Vô trách nhiệm với con mình, với đồng chí Cam, dối trá to chức suốt mười mấy năm, đó là bốn tội… Trời ơi, toàn những tội tày đình.

Có một phương án mà Lợi thoáng nghĩ đến đầu tiên. Ấy là Lợi sẽ không làm gì cả, không tác động gì cả. Coi như Lợi không biết có cuộc Cam tìm gặp. Không dính líu gì đến Cam. Không quen biết. Bằng chứng ở đâu chứ? Chị ta có thai với ai đó giờ đổ vạ. Người đúc cốt kẻ tráng men đã đi một nhẽ, đằng này kẻ ăn ốc, người đổ vỏ sao được? Đã vô can thì cứ bình chân như vại. Cứ mặc cho Chu vào chiến trường. Càng vào nhanh càng tốt. Chỉ cần chớm đến Quảng Bình, Vĩnh Linh đã thấy tử thần chiến tranh đứng đợi với hàng trăm lượt máy bay, tàu chiến quần đảo mỗi ngày, với lửa cháy ngút trời, bom đạn như vãi trấu. Nếu vượt qua được vĩ tuyến 17, ở vùng Cửa Tùng, hay đầu nguồn sông Bến Hải, hay vòng qua Lào vào Lao Bảo, Hướng Hoá, thì cũng có nghĩa là lọt vào giữa họng của thần chết. Không chóng thì chầy cũng phơi xác Trường Sơn… Thế là phi tang. Sạch sành sanh tang chứng vật chứng. Chẳng còn dấu vết gì của cuộc tình tội lỗi.

Những ý nghĩ, những phương án chạy tội, có phần nguy biện và bất nhẫn ấy, làm đầu óc Lợi mụ mị, chai lì. Suốt một tuần, Lợi án binh bất động, chẳng làm gì.

Thì bỗng có điện thoại của Cam.

- Tôi đã lên thăm Chu. Nó đang nằng nặc xin ra mặt trận. Đơn vị của nó đang luyện tập suốt ngày đêm. Thằng bé phải đeo bốn, năm mươi cân, toàn gạch đá và súng đạn đi mỗi đêm ba mươi cây số. Thằng bé phải học võ thuật, ngã sứt đầu, sưng tay… Anh đã thu xếp đến đâu rồi? Anh phải làm gì đi chứ? Anh không thể để thằng bé tự làm theo ý nó được…

- Tôi đang tìm cách… Phải chuyển cho nó về tỉnh đội đã… Cũng có thể chuyển nó đi học… Nhưng phải từ từ, tế nhị. Biết bao trường hợp cũng hoàn cảnh như… con mình. Làm không khéo có khi rũ tù.

- Nếu anh ngại thì thôi… - Tiếng Cam như oà khóc trong ông nói.

- Tôi xin… Tôi sẽ làm…

- Không còn nhiều thời gian đâu… Tôi lo thằng bé hăng hái quá sẽ xung phong vượt Trường Sơn trước mùa mưa này… Nếu xảy ra việc gì, anh sẽ…

Thật là rốt ráo, quyết liệt. Thật trái ngược hẳn với con người và tính cách của Cam. Hoàn toàn trái ngược với cương vị và trách nhiệm công tác của Cam hiện giờ. Cú điện thoại ấy buộc Lợi phải huỷ ngay sách lược án binh bất động bàn đầu để vào cuộc một cách nghiêm túc. Phải nhanh chóng tìm ra giải pháp không để Chu đi chiến trường. Lợi gầy rộc, kém ăn, ít ngủ, nhiều lúc như người mất hồn. Có lần Là đứng sau Lợi rất lâu mà anh không biết.

- Anh có chuyện gì giấu em? Chú Vỹ nhà mình lại gặp nạn hả anh?

Lợi giật mình.

- Cơ quan hồi này nhiều việc quá. Phải sơ tán ra ba nơi. Anh đang tính có khi phải đưa hai đứa trẻ về Định Hoá với ông bà ngoại.

- Sao không đưa về làng Động với bà nội? Chỗ bà nội gần hơn, mình tiện về thăm nom. Chú Vỹ với thím Khiêm cũng đưa bọn trẻ về quê rồi đấy.

- Em thu xếp cho các con về bà nội cũng được - Lợi nói như muốn cho qua chuyện.

- Anh vẫn còn việc gì giấu em? Hôm qua em đã điện thoại cho bác Tư.

- Sao? Điện cái gì?

- Em lo cho anh thôi. Em nói với bác cố gắng giúp đỡ nhà em. Tự nhiên nhà em hồi này bỗng gầy rộc đi…

- Vớ vẩn. Này, tôi cấm cô không dúng vào công việc cơ quan của tôi đấy nhé.

Là xịu mặt, mắt ngấn ướt chực khóc. Lợi thấy ân hận vì bỗng nhiên vô cớ nặng lời với vợ.

- Anh nói thế để em rút kinh nghiệm. Em không nên tự tiện gọi điện cho anh Tư và các đồng chí Trung ương. Đừng lo gì cho anh…

Nói vậy, chứ Lợi vẫn lo sốt vó. Cam gọi điện giục liên tục.

Hình như Cam đang muốn trắng phớ ra mọi chuyện. Không tìm ra lối thoát thì khác nào tự treo cổ mình.

°°°

Lá thư của đồng chí Tư Vuông gửi thượng tá Võ Khang về việc bố trí cho nhà văn Đà Giang đi chiến trường, không ngờ lại là cầu nối để Lợi có cơ hội giải quyết chuyện riêng của mình. Ban Quân lực Bộ Tổng tham mưu mới là nơi quyết định chuyện đi ở của tân binh Lê Kỳ Chu. Chính Lợi phải trực tiếp trình bày với Võ Khang.

- Báo cáo anh, tôi có chuyện riêng muốn nhờ anh giúp đỡ!

Sau khi làm xong công việc của Đà Giang, Lợi ngồi nán lại, nói với thượng tá Võ Khang.

- Có chuyện gì, đồng chí cứ nói. Tôi sẽ làm hết sức mình - Võ Khang hồ hởi và nồng nhiệt chìa bàn tay to bè của ông ra.

Cử chỉ ấy khiến Lợi thêm tự tin và hy vọng.

- Tôi có người thủ trưởng cũ, có thể coi là ân nhân, là người thầy, đã dìu dắt tôi từ ngày còn hoạt động bí mật trong vòng địch hậu Liên khu Ba…

- Tình cảm đã qua rèn luyện, thử thách, quí lắm đó.

- Vâng. Quí hơn mọi thứ trên đời. Đồng chí ấy tên là Lê Thuyết, từng là uỷ viên Liên khu uỷ. Một chiến sĩ cách mạng kiên cường. Rất tiếc rằng đồng chí đã bị bọn Việt quốc, Việt cách giết hại tại Hải Phòng…

- Tiếc quá. Đồng chí Lê Thuyết có còn ân nhân nào không?

Một người quá thông minh. Lợi nghĩ vậy và nhìn Võ Khang thở phào, mặt rạng rỡ hẳn.

- Giọt máu của đồng chí Lê Thuyết để lại là một cháu trai tên là Lê Kỳ Chu, năm nay vừa chớm mười tám tuổi. Cháu Chu đang học dở lớp mười, sắp tốt nghiệp thì xung phong đi bộ đội.

- Vậy hả? Con nối chí cha. Giỏi quá.

- Cả trường các cháu viết đơn bằng máu, xin tình nguyện xẻ dọc Trường Sơn đi con nước…

- Khắp nơi đang dấy lên phong trào yêu nước như vậy đó. Thế hệ trẻ ngày nay rất có lý tưởng, rất đáng tự hào… Nhưng… tôi đang suy nghĩ về trường hợp cháu Lê Kỳ Chu mà đồng chí nói. Có nhất thiết phải để Chu ra mặt trận không? Đồng chí Lê Thuyết chỉ còn duy nhất giọt máu này. Tôi chưa biết mẹ của cháu…

Ông này như đang ngồi trong đầu mình - Lợi thầm nghĩ - Những điều mình đang khó nói thì ông ấy cứ đọc ra vanh vách.

- Chắc đồng chí biết chị Đào Thị Cam, Phó Chủ tịch Hội phụ nữ Sơn Minh…

Võ Khang bỗng vỗ hai tay vào nhau.

- Con trai chị Cam hả? Người đẹp Sơn Minh sao kẻ võ biền này lại không biết? Đại tá Quảng Lạc khen chị Cam không tiếc lời ông đang muốn vun vào cho thiếu tướng Bình Nguyên, người theo chủ nghĩa độc thân. Tướng Bình Nguyên gặp người đẹp Sơn Minh mê như điếu đổ. Ổng muốn cầu hôn chị Cam mà chưa được.

- Lê Kỳ Chu là con trai độc nhất của chị Cam. Nếu anh hiểu tâm trạng một người mẹ và trách nhiệm một cán bộ lãnh đạo phong trào ở đồng chí ấy… Chị Cam không dám đề đạt với Trung ương, không dám vì con mình mà ảnh hưởng đến phong trào…

- Tôi hiểu. Đồng chí Cam làm sao mà yên tâm công tác được khi cháu Chu đi chiến trường? Cháu Chu hiện đang đóng quân ở đâu? Thuộc quân số đơn vị nào?

Lợi vội lấy mảnh giấy mà Cam đã ghi địa chỉ của Chu đưa cho Khang.

- Đang ở Suối Hai ư? Tôi biết rồi. Đây là đơn vị tình nguyện, tuyển chọn những chiến sĩ có sức khoẻ, trình độ văn hoá, được chuyên gia bạn huấn luyện đặc biệt. Những mũi dao thép của chiến trường…

- Chị Cam đã lên thăm cháu…

- Tôi với đồng chí cũng sẽ lên thăm cháu - Võ Khang đột ngột đưa ra đề nghị, rồi mở cuốn lịch trên bàn xem rất nhanh - Thế này nhé. Tuần sau tôi kín hết. Chỉ còn buổi chiều thứ ba. Tôi mời đồng chí cùng lên thăm cháu Chu được không? Tôi muốn biết nguyện vọng của cháu trước khi có những quyết định.

Lợi định đưa tay ra, nhưng rồi một ý nghĩ vụt loé trong đầu khiến anh rụt nhanh tay lại. Sau này, tức chỉ ba ngày sau, thì Lợi tự khen cái quyết định lúc đó của mình là rất chính xác.

- Tôi không dám phiền tới đồng chí. Đồng chí còn bận nhiều công việc. Chị Cam sẽ gặp đồng chí để cám ơn sau, nhưng cũng không dám phiền đồng chí phải cất công đến tận đơn vị cháu như thế. Chỉ cần đồng chí chỉ thị xuống đơn vị, chuyển cháu Chu về tỉnh đội, hoặc cho đi học…

Vò Khang nhìn Lợi rất nhanh rồi gật đầu.

- Thế cũng được. Anh nói với đồng chí Cam là chúng tôi sẽ hết sức lưu ý trường hợp cháu Chu. Chị Cam hãy hoàn toàn yên tâm.

Lợi chia tay người sĩ quan quân lực với tâm trạng của người vừa trút một gánh nặng trên đoạn đường leo dốc. Anh gọi điện ngay cho Cam:

- Tôi vừa gặp thượng tá Võ Khang, người phụ trách Quân lực Bộ Tổng tham mưu.

- Thật ư? Vậy thì may rồi - Tiếng Cam mừng quýnh.

- Anh Khang hứa sẽ giải quyết ngay trong tuần này. Ngày mai tôi sẽ lên thăm Chu để báo tin cho con mừng. Cam đừng lo lắng gì cả.

Không thấy Cam nói gì. Chỉ nghe một tiếng khóc cố kìm nén. Hẳn là Cam đang quá sung sướng.

°°°

Con đường lên hồ Suối Hai hôm ấy vừa có ve đẹp thần tiên sơn thuỷ hữu tình, vừa có không khí hùng tráng náo nức của trước ngày vào trận. Cả một vùng quanh núi Ba Vì kéo từ Trung Hà, Sơn Tây đến Lương Sơn, Kỳ Sơn, Miếu Môn… là khu tập kết để chuẩn bị cho tiền tuyến. Cơ man nào là xe pháo, đủ các loại binh chủng hợp thành: Xe tăng, thiết giáp, xe cơ giới, đại, trung xa, pháo tự hành, pháo cao xạ, cachiusa… Hàng nghìn xe Giải Phóng, Zin ba cầu, I Pha, Uat mới nhập còn bóng nước sơn, nườm nượp đi trên đường, san sát đậu trong các bãi đỗ. Ở đâu, chỗ nào cũng gặp màu xanh áo lính. Các đơn vị bộ binh hành quân, ba lô, mũ rợp lá nguy trang, súng đạn, xẻng, cuốc, tăng, võng lỉnh kỉnh. Các đơn vị cơ động chật kín từng đoàn xe tải, nối dài như bất tận. Những dòng người và xe này đang nối nhau chảy vào Trường Sơn, vượt Trường Sơn…

Câu thơ Quang Dũng như chợt từ những tảng mây nhởn nhơ trên đỉnh Tản Viên Sơn kia hiện ra:

"Em ở Thành Sơn chạy giặc về

Anh từ chinh chiến thủa ra đi

Gặp nhau giữa vùng quê Bất Bạt

Chiều xanh không thấy bóng Ba Vì… "

Hào khí đánh giặc chín năm của cả dân tộc giờ lại đang trỗi dậy, sống động một vùng trung du.

Trong bạt ngàn rừng người kín lá nguỵ trang ấy, Lợi bỗng nhận ra ngay Lê Kỳ Chu. Trời ơi, chàng trai cao trên một mét bẩy, mũi dọc dừa, mắt xếch, mặt lấm tấm trứng cá kia, nhác trông đã thấy giống Lợi lạ lùng. Lợi thầm khen mình thật nhậy cảm và thông minh khi quyết từ chối không đi cùng Võ Khang. Đây chính là giác quan chính trị, nghiệp vụ tổ chức Lợi học được từ những ngày ở ATK. Thì ra ba ngày hoan lạc vô tiền khoáng hậu ở Phương Đình đã không tan đi phí hoài. Thì ra Cam đã âm thầm và bí mật giữ lại giọt máu của anh trong ba ngày thần tiên ấy. Nàng là người đàn bà kỳ diệu nhất mà anh từng gặp trên đời.

Lợi sững người, thót tim khi bắt gặp ánh mắt chàng trai cũng đang sững sờ nhìn mình. Một tình cảm thật kỳ lạ, chỉ có ở tình cha con, máu mủ ruột rà, bỗng tràn ngập trong lòng Lợi. Giá như không có những ánh mắt bao quanh, giá như chỉ có hai người, ở giữa một cánh rừng, hay một khoảng đồng trống, một xứ sở xa lạ nào đó, Lợi sẽ ào đến, ôm chầm lấy Chu và kêu lên: Con trai! Bố đây. Bố đẻ của con đây. Bố hạnh phúc vô cùng! Suốt từ hôm mẹ báo tin cho bố, bố như người đang sống trong mơ…

Hình như chàng trai cũng đang chột dạ, hoang mang tự hỏi: Sao lại có người giống mình thế kia? Hay là bố Lê Thuyết? Bố Lê Thuyết vẫn còn sống và đến tìm mình?

Suýt nữa thì Lợi bật khóc. Anh phải cắn môi mình đến chảy máu để cố trấn tĩnh lại. Lúc này vẫn chưa phải là lúc để lộ tông tích của mình. Sẽ rất nguy hiểm cho mình và cho cả thằng bé. Hãy đừng để thằng bé sốc. Rồi sẽ có nhiều dịp để con biết ta là ai - Lợi cố tự nhủ mình như thế khi đi đến bên Chu.

- Chú là Chiến Thắng Lợi, bạn của mẹ cháu, và là học trò của bố Lê Thuyết cháu ngày trước - Lợi nói và tránh không nhìn vào mắt Chu.

- Thế mà mẹ cháu chẳng bao giờ nhắc đến chú… Cháu cứ tưởng…

- Chú bận công tác đặc biệt. Rất lâu rồi mới gặp lại mẹ. Nghe nói cháu học giỏi và có thể được vào diện đi học nước ngoài…

- Đi nước ngoài trong hoàn cảnh nước nhà như thế này để làm gì hả chú? Cháu muốn trả thù cho bố cháu. Cháu muốn ra mặt trận, muốn tiêu diệt giặc Mỹ như anh Nguyễn Văn Trỗi.

Lợi mỉm cười hài lòng. Đường lối giáo dục lý tưởng, lập trường giai cấp đã thấm đến từng li ti huyết quản của lớp trẻ như thế này, làm sao chúng ta không chiến thắng? Trong giây lát, Lợi bỗng quên phắt vai một người cha đi tìm đứa con thất lạc mà anh lại trở về nguyên vai một nhà tuyên huấn, nhà chính trị. Đây là một vấn đề rất có ý nghĩa trong việc tổng kết công tác thanh vận, công tác giảo dục lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ.

- Tình nguyện đi chiến trường, cháu không sợ hy sinh gian khổ ư? Không lo mẹ phải ở nhà một mình sao?

- Nếu sợ hy sinh thì chẳng có ai dám đánh Mỹ. Còn mẹ cháu đã có tổ chức. Bây giờ không phải là lúc để nghĩ đến cá nhân mình chú ạ. Bác Hồ đã dạy: "Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải giành cho được tự do độc lập…"

Lợi bàng hoàng. Không ngờ những bài anh giảng ở các lớp bồi dưỡng chính trị, những lời cổ vũ trong những buổi nói chuyện với thanh niên, sinh viên, giờ lại được Chu nhắc lại đầy tâm huyết. Hãy cứ để thằng bé sống với lý tưởng của mình. Lợi xoài tay ôm lấy đôi vai rắn chắc của cậu tân binh.

Tưởng như từng dòng máu chảy giần giật trong tấm thân trai căng tràn mười bẩy tuổi đang truyền sang anh. Cảm giác ruột thịt máu mủ bỗng làm mắt Lợi cay xè. Anh bỗng thấy biết ơn Cam vô cùng. Cam thật sâu sắc, biết nhìn xa trông rộng khi quyết bằng mọi giá giành lại đứa con của mình. Lợi phải biết ơn Cam, ngàn lần biết ơn nàng đã cho anh giọt máu vô giá này. Nó sẽ phải ở lại hậu phương như nàng mong muốn.

Không ai có quyền cướp đi báu vật quí giá nhất của đời nàng, giọt máu thiêng liêng mà suốt mười tám năm vì nó nàng đã chịu muôn vàn đắng cay cơ cực. Chỉ vài ngày nữa thôi, nếu đúng như lời thượng tá Võ Khang đã hứa, chàng tân binh hừng hực lý tưởng này sẽ tách khỏi đội ngũ, và đi ngược dòng người xẻ dọc Trường Sơn để đến nơi mà móng vuốt của tử thần chiến tranh không thể với tới được.

- Chú đến đây để nói với cháu điều này - Nhớ đến công việc của mình, Lợi ghé sát tai Chu nói nhỏ - Sắp tới, nếu cấp trên có lệnh tách cháu ra khỏi đoàn chiến sĩ đi B, ở lại để nhận nhiệm vụ khác, thì cháu phải tuyệt đối chấp hành đấy nhé. Mẹ dặn chú nói với cháu như vậy.

- Kìa chú - Đến lượt Chu tròn mắt ngạc nhiên. Cậu thấy người lớn thật khó hiểu - Cháu nhất định ra chiến trường. Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù. Cháu viết đơn bằng máu chứ không phải bằng nước lã đâu…

Lợi không biết nói sao trước những lời tưởng như ngu tín nhưng rất hồn nhiên và chân thực của chàng trai, sản phẩm của anh, của Cam và thời đại đầy chất lý tưởng, "Thời của Thánh Thần", như tên tập thơ của Nguyễn Kỳ Vỹ, em trai anh…