Thịnh Vượng Tài Chính Tuổi 30 - Tập 2

Lời Tác Giả

Những bước chuẩn bị hôm nay sẽ quyết định tương lai 30 năm sau

Khi còn nhỏ, cha mẹ thường dạy chúng ta rằng: “Con hãy học tập chăm chỉ, đạt điểm cao, thi đỗ trường đại học danh tiếng, con sẽ tìm được công việc với mức lương cao và đãi ngộ tốt”. Ngày nay, bạn tốt nghiệp đại học, bắt đầu đi làm, phấn đấu trong công việc, ngày nghỉ đi du lịch cùng bạn bè, như vậy cũng là tạm ổn. Nhưng 30 năm sau thì sao? Bạn đã bao giờ mường tượng về cuộc sống của mình 30 năm sau? Bạn sẽ cầm tay người bạn đời của mình ngắm mặt trời mọc trên biển Aegean Hy Lạp, hay ngồi ăn cháo trắng trong ngôi nhà nhỏ bé của mình? Mỗi người chúng ta đều sẽ già đi, nhưng không ai mong muốn thu nhập hôm nay kém hơn hôm qua; ai cũng mong mình sống lâu, và không muốn phải chịu cảnh buồn tủi lúc tuổi già.

Bạn đã bao giờ tính toán thử xem 30 năm sau, với vai trò làm cha mẹ, bạn sẽ có bao nhiêu tiền để cho con ăn học, kết hôn? Sau khi nghỉ hưu bạn sẽ duy trì mức sống như hiện nay bằng cách nào? Bạn cần bao nhiêu tiền để làm việc đó?

Giả sử hiện nay bạn 30 tuổi, bạn sẽ nghỉ hưu năm 55 tuổi, và sẽ mất vào năm 80 tuổi. Hiện nay chi phí tối thiểu cho cuộc sống ở thành phố và bảo hiểm y tế là 300.000 Won/tháng, tạm tính tỷ lệ lạm phát là 4%, 25 năm sau nếu muốn duy trì mức sống như hiện nay cần phải có 800.000 Won/tháng. Cuộc sống sau khi nghỉ hưu trong 25 năm tối thiểu cần 800.000 Won/tháng x 12 tháng x 25 năm = 240.000.000 Won. Nếu thêm 200.000 Won chi phí du lịch và thư giãn tối thiểu, thì sẽ phải thêm 160.000.000 Won nữa, tổng cộng là 400.000.000 Won. 400.000.000 Won mới chỉ là chi phí cho bản thân, tổng chi phí cho hai vợ chồng tính sơ sơ cũng lên đến 800.000.000 Won.

Hơn nữa, nếu có sức khỏe, bạn còn có thể sống đến 85 tuổi thậm chí là 90 tuổi. Thêm vào đó là những chi phí không thể tính trước dành để chữa trị những căn bệnh của tuổi già. Do vậy mà số tiền cần thiết để dưỡng già sẽ có thể lên tới 1.000.000.000 Won hoặc cao hơn nữa.

Nhưng tôi sẽ tiết lộ cho bạn biết thời gian để chúng ta kiếm ra số tiền đó. Theo giả thiết trên, nếu bạn đi làm năm 25 tuổi, thì thời gian làm việc là 30 năm, thời gian nghỉ hưu 25 năm, cũng có nghĩa là trong 30 năm đi làm bạn sẽ phải chuẩn bị 800.000.000 Won, trong đó chưa bao gồm khoản tiền mua nhà, mua xe và nuôi con cái.

30 năm, 800.000.000 Won, tôi dám chắc rằng bạn đang choáng váng với những con số này. Thực ra, bạn không cần phải hoang mang đến vậy, bởi vì nhà hoạch định tài chính hàng đầu châu Á đã tìm ra đối sách cho bạn, giúp bạn vượt qua bức tường ngăn cách giữa nghèo khó và giàu sang!

Hãy cùng tôi xem xét bảng tính sau:

Mỗi tháng 200.000 Won, 30 năm sau sẽ có 1.200.000.000 Won.

Nếu bạn 30 tuổi, mỗi tháng bạn chỉ cần đầu tư 200.000 Won, thì 30 năm sau, tức là khi bạn 60 tuổi, bạn sẽ có 1.200.000.000 Won! 1.200.000.000 Won đủ cho bạn và người bạn đời hưởng thụ cuộc sống an nhàn lúc tuổi già.

Có thể bạn thấy điều này thật khó, bạn đang trong độ tuổi lập nghiệp, bạn phải mua nhà, mua xe, chuẩn bị kết hôn, không thể để ra 200.000 Won mỗi tháng, vậy thì bạn có thể lùi lại 10 năm, đến khi 40 tuổi được không? Đáp án là có, nhưng bạn sẽ tổn thất hơn 900.000.000 Won.

Từ năm 30 tuổi mỗi tháng đầu tư 200.000 Won, trong 30 năm thu lời sẽ là 1.200.000.000 Won. Đến năm 40 tuổi mới bắt đầu đầu tư, đầu tư trong 20 năm thì lợi nhuận sẽ là bao nhiêu? 282.744.200 Won! Chỉ chậm 10 năm thôi, thu nhập của bạn đã giảm đi hơn 900.000.000 Won.

Thời gian không chờ đợi ai cả, nếu bạn bắt đầu hoạch định cuộc sống của mình theo cách của các nhà hoạch định tài chính ngay bây giờ, tôi tin rằng không cần đến 30 năm, chỉ cần 10 năm sau thôi bạn đã có thể ung dung hưởng thụ cuộc sống tuổi già.

Có ba tài sản lớn trong tay, bạn sẽ có một cuộc sống sung túc

Sau khi đọc cuốn Thịnh vượng tài chính tuổi 30 - Tập I, nhiều người đã muốn sống thêm một lần nữa, hơn một triệu người bắt đầu quản lý chi tiêu và chuẩn bị cho cuộc sống 30 năm sau của mình. Một cô gái thuộc tầng lớp có thu nhập cao đã từ bỏ sở thích mua sắm đồ hiệu; một người 30 tuổi đã thay đổi ý định từ đổi xe mới sang mua bảo hiểm dưỡng lão cho mọi người trong gia đình; một người đàn ông 40 tuổi vô cùng hối tiếc vì không được đọc cuốn sách này sớm hơn… Tôi rất vui khi thấy được những thay đổi của độc giả. Để hướng dẫn người đọc đề ra kế hoạch tốt hơn tôi đã viết cuốn sách này.

“Nếu được trẻ lại, việc đầu tiên tôi sẽ làm là tích lũy tiền cho cuộc sống sau khi về hưu của mình. Cuộc sống của tôi khó khăn như thế này chính là vì không có tiền. Tuy lúc còn trẻ tôi cũng đã từng đau đầu vì tiền, đã từng bị “viêm màng túi”, nhưng dù sao đi nữa lúc đó vẫn có thu nhập hàng tháng; tuy tôi cũng lo lắng hoang mang về tương lai của mình, nhưng tôi không nghĩ mình sẽ đến nông nỗi này. Bây giờ không có thu nhập, sức khỏe cũng không được như trước, hàng ngày vẫn có nhiều khoản phải chi tiêu. Chỉ nghĩ đến điều đó là tim tôi đau như có dao cứa vào!”

Một ông lão mơ hồ nhìn vào không trung thẳng thắn tâm sự với tôi những lời như của một kẻ bại trận. Khi ông còn trẻ, lúc đó vật giá cũng bắt đầu tăng cao, kinh tế cũng rất khó khăn, nhiều lúc ông cũng nghĩ về tương lai mờ mịt khi chỉ có trong tay một khoản thu nhập eo hẹp. Nhưng lúc đó vẫn còn hy vọng bởi ông còn trẻ, còn có sức lực. Sau khi về hưu, ông phát hiện ra rằng vấn đề kinh tế còn nghiêm trọng hơn ông tưởng tượng, việc không có tiền tiết kiệm đã đưa ông vào hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Tuy rằng tiền không thể giải quyết mọi vấn đề, nhưng chúng ta cũng phải thừa nhận một sự thật là, một ông lão suốt ngày đau đầu vì tiền thì không thể sống vui vẻ được.

“Vậy thì vấn đề là ở đâu?” “Cả đời tôi đã phải đau đầu vì tiền, không ngờ đến lúc về hưu rồi vẫn gặp phải vấn đề đó!”

Chúng ta phải tiếp xúc với tiền cả đời, và luôn luôn phải đau đầu vì nó, vậy có cách nào giúp chúng ta thoát khỏi nỗi phiền muộn đó không, hoặc ít ra có cách nào giúp chúng ta không phải đau đầu vì tiền lúc tuổi già hay không? Xuất phát từ ý tưởng này tôi đã quyết định đặt bút viết cuốn sách này. Để giúp cho quá trình mô tả gần hơn với đời sống, tôi đã quan sát năm nhân vật ở những độ tuổi khác nhau một cách kỹ lưỡng trong vòng 5 năm, đồng thời để tìm ra một biện pháp khả thi giúp chúng ta không phải đau đầu về cơm ăn áo mặc khi về hưu và cụ thể hóa biện pháp đó, tôi đã thử quan sát và tư duy từ góc độ của họ. Năm nhân vật của tôi là những người có nhiều thẻ tín dụng, thường xuyên giật gấu vá vai, đó là Choe Socheon luôn trong tình trạng bức bách; là những người tin vào sự may mắn, luôn đổ lỗi cho số phận như O Junbi; là những công chức nhà nước sống cho qua ngày như No Buseong; là những người theo chủ nghĩa hưởng thụ, cho dù mắc nợ nhưng vẫn phải ở nhà đẹp, đi xe xịn như Song Huiseong; và là những người coi đầu tư như một canh bạc, mong muốn sau một đêm trở thành triệu phú như Do Jihae.

Đa số những người xung quanh tôi đều có tài sản là một căn nhà, một cái xe, mà tiền mua nhà đó là tiền vay ngân hàng. Mọi người luôn nói rằng người thân khỏe mạnh, sống yên bình hạnh phúc là niềm vui lớn nhất, nhưng sự thật là trước mặt chúng ta có các loại hóa đơn, chi phí vô cùng lớn cho việc học hành của con cái, ngoài ra còn có tiền trả góp mua nhà, mua xe. Chỉ riêng những khoản đó thôi đã đủ làm chúng ta đau đầu, lãi suất ngân hàng lúc tăng lúc giảm, điều này làm cho việc hoạch định tài chính khó khăn hơn rất nhiều, cho nên mọi người bắt đầu buông tay, tiêu tiền ngày càng thiếu suy nghĩ, chi tiêu không có mục đích. Thời gian trôi qua, đa số trong chúng ta không chuẩn bị được gì cho cuộc sống về hưu sắp đến của mình.

Để giúp cho mọi người nhận thức rõ về cuộc sống sau khi về hưu không còn xa nữa, trước đây tôi đã viết cuốn Thịnh vượng tài chính tuổi 30 tập I.

Cuốn sách trên đã nhận được phản hồi tốt của bạn đọc. Cuốn sách này tuy sinh sau đẻ muộn nhưng tôi hy vọng nó cũng sẽ mang lại nhiều cảm xúc cho độc giả, góp thêm một viên gạch nhỏ cho cuộc sống tương lai tốt đẹp của bạn. Những độc giả đã đóng góp ý kiến và cổ vũ nhiệt tình cho tôi nếu có thể xin hãy tiếp tục ủng hộ tôi, sự ủng hộ của các bạn là niềm vinh dự lớn lao đối với tôi. Nội dung cuốn sách này không hoàn toàn tách biệt với cuốn trước, sách miêu tả chi tiết hơn những việc cần chuẩn bị cho cuộc sống sau khi về hưu. Nếu cuốn sách trước được coi là đã mô tả hiện thực khốc liệt, tính cấp bách, tính tất yếu và mức độ cẩn trọng của công việc chuẩn bị cho cuộc sống về hưu, thì cuốn sách này sẽ chú trọng đến những bước chuẩn bị về tài chính, và sự chuẩn bị đó được áp dụng vào đời sống thực tế như thế nào. Có thể nói cuốn sách này là bản thực hành của cuốn sách trước.

Nhân đây tôi xin được gửi lời cảm ơn sâu sắc đến những người đã giúp đỡ tôi trong quá trình viết sách. Đầu tiên tôi xin được cảm ơn các độc giả đã tham gia những lần hội thảo giành cho bạn đọc và đã quyết định chuẩn bị cho cuộc sống về hưu. Tôi xin cảm ơn hai đồng tác giả cuốn sách trước là Jeong Seong Jin và Choi Pyong Hee, họ đã không ngần ngại đóng góp những ý kiến vô cùng quý báu. Còn có giám đốc Jeong Dae Ryung phụ trách bộ phận nghiệp vụ cá nhân ngân hàng SC First Bank Hàn Quốc cùng các nhân viên, các khách hàng của ngân hàng, cùng với các bạn đồng nghiệp tại Dasan Books đã giúp đỡ tôi trong quá trình viết cuốn sách này. Tôi cũng muốn cảm ơn những người thân trong gia đình đã lặng lẽ ủng hộ cổ vũ cho tôi.

Mục đích cuối cùng của quản lý chi tiêu là đạt đến sự tự do về mặt tài chính, cả đời không phải đau đầu vì tiền, lúc nào cần đến tiền là có để dùng ngay. Đến lúc về hưu chúng ta cũng cần phải được tự do về tài chính, chỉ có như vậy ta mới ứng phó được với những vấn đề sau khi về hưu. Cần biết rằng khoản tiền 200.000 Won ta đã tiêu khi còn trẻ nếu để dành đến lúc về hưu sẽ có ý nghĩa và tác dụng lớn lao hơn rất nhiều. Bạn cũng nên học tập chú kiến tích lũy từng chút thức ăn một, bắt đầu chuẩn bị ba món tài sản lớn là tài sản bảo đảm, tài sản về hưu và tài sản đầu tư. Mong rằng mỗi người trong chúng ta sau những năm tháng làm việc vất vả cực nhọc sẽ có được quãng thời gian cuối đời an nhàn và hạnh phúc.”