Mỗi tuần một ngày, vào tối thứ năm, gia đình Raquin tiếp khách. Họ thắp một ngọn đèn lớn ở giữa phòng ăn, và đun một ấm nước sôi để pha trà. Đó là cả một biến cố. Buổi tối đó khác hẳn những buổi tối thông thường, nó được chấp nhận trong tập quán gia đình như một cuộc chè chén trưởng giả với niềm vui ngây ngất. Rồi mọi người đi ngủ vào lúc mười một giờ.
Bà Raquin gặp lại ở Paris một trong những người bạn cũ, ông cò Michaud, người đã tòng sự ở Vernon trong hai mươi năm, ở trọ chung nhà với bà hàng xén. Vì thế một tình cảm mật thiết đã xác lập giữa hai người, rồi đến khi bà quả phụ bán gia sản để đến ngụ cư nơi ngôi nhà ven bờ sông, họ dần dà bặt tin nhau. Michaud rời khỏi tỉnh lẻ vài tháng sau đó và trở về sinh nhai yên ổn tai Paris trên đường sông Seine với đồng lương hưu một ngàn năm trăm francs. Một ngày mưa, ông hội ngộ bà bạn cũ ở ngõ Cầu mới, và buổi tối cùng ngày, ông dùng bữa tối nơi gia đình Raquin.
Thế là hình thành những buổi tiếp khách ngày thứ năm. Viên cựu uỷ viên cảnh sát có thói quen đến đúng hẹn mỗi tuần một lần. sau cùng thì ông dẫn đến đứa con trai Olivier của mình, một gã thanh niên lớn con, khô khan, gầy gò, đã lập gia đình với một phụ nữ người nhỏ thó, chậm chạp và bệnh hoạn. Olivier giữ một chức vụ ở Sở cảnh sát lương ba ngàn francs khiến Camille đặc biệt tỏ ra ganh tị, anh ta là trưởng phòng cảnh sát về trật tự và an ninh. Ngay từ ngày đầu tiên, Thérèse đã thấy ghét cái gã cứng đờ và lạnh lùng đó khi anh ta cứ ngỡ mình mang đến vinh dự cho cửa tiệm ngõ hẻm này cùng với sự khô khan của cái cơ thể lớn và vẻ suy nhược của người vợ nhỏ thó tội nghiệp của anh ta.
Camille dẫn về một người khách khác, một nhân viên già của đường sắt Orléans, Girvet đã có hai mươi năm phục vụ. Lão là viên chức hàng đầu và hưởng lương hai ngàn francs. Chính lão là người cắt đặt công việc cho nhân viên sở làm của Camille và gã tỏ rõ một niềm kính trọng nào đó đối với lão, trong lúc mơ mộng, gã nhủ thầm ngày nào đó Grivet chết đi, cũng có thể gã sẽ thế chỗ lão ta, sau chục năm gì đó. Grivet khoái trá vì sự đón tiếp của bà Raquin, mỗi tuần lão lại đến với một sự đều đặn không chê vào đâu được. Sáu tháng sau, cuộc viếng thăm ngày thứ năm đối với với lão là một bổn phận, lão đến ngõ Cầu Mới giống như mỗi buổi sáng lão đến văn phòng của mình, một cách máy móc, theo bản năng của loài vật.
Kể từ đó, những cuộc hội họp trở nên thú vị. Từ bảy giờ, bà Raquin thắp đèn mang đến đặt giữa bàn, một bộ cờ domino để bên cạnh, bà lau chùi bộ đồ trà đặt trên tủ búp phê. Đúng tám giờ, ông già Michaud và Grivet gặp nhau trước cửa hiệu, kẻ từ đường sông Seine đến, người từ phố Mazarine sang. Họ bước vào và cả nhà lên tầng một. Mọi người ngồi chung quanh bàn, họ chờ Olivier và cô vợ bao giờ cũng đến trễ hơn. Khi cả nhóm có mặt đông đủ, bà Raquin châm trà, Camille trút hộp domino lên mặt tấm vải dầu, rồi ai nấy mải mê vào cuộc. không còn nghe thấy gì nữa ngoài những tiếng lách cách của các quân cờ domino. Sau mỗi ván, các con bạc chuyện vãn trong hai hoặc ba phút, rồi yên lặng lại bao trùm, sự im lặng buồn tẻ bị cắt đứt bởi những tiếng động khô khan.
Thérèse chơi với thái độ thờ ơ khiến Camille nổi cáu. Nàng ôm trên người con Francois, con mèo vằn to con bà Raquin mang theo từ Vernon, bàn tay nàng vuốt ve nó, trong khi tay kia đặt những quân cờ. Những buổi tối thứ năm là cực hình đối với nàng, thường thì nàng kêu ca là khó ở, là nhức đầu như búa bổ để khỏi tham dự trò chơi, để được ngồi yên nhàn rỗi ở đó mà ngủ chập chờn. Một khuỷu tay tựa lên bàn, má áp vào lòng bàn tay, nàng lặng nhìn những khách mời của người cô và chồng mình, trông thấy họ xuyên qua một thứ màn sương mù vàng vọt, lờ mờ hắt ra từ ngọn đèn. Những cái đầu kia khiến nàng phẫn nộ.
Nàng lướt từ đầu nọ sang đầu kia với sự chán ngấy sâu xa, bực dọc âm ỉ. Ông già Michaud chường ra khuôn mặt nhợt nhạt, lấm tấm những đốm đỏ, một trong những bộ mặt chết rồi của tuổi già đã hoá ra lẩm cẩm. Grivet mang chiếc mặt bé choắt, cặp mắt tròn xoe, đôi môi mỏng dính của một kẻ ngây độn. Olivier thì xương gò má nhô lên, mang trên cơ thể dị hợm một cái đầu cứng đờ và vô vị, về phần Suzanne, vợ của Olivier, cô hoàn toàn xanh lướt với đôi mắt lờ đờ, hai môi trắng bệch và bộ mặt mềm nhão. Và Thérèse không tìm được một con người, một sinh vật giữa những tạo vật lố lăng và thảm hại này mà với chúng, nàng đang bị vây hãm, đôi lúc những ảo giác xâm chiếm lấy nàng, nàng tưởng như mình bị chôn vùi tận đáy một hầm mộ, đánh bạn cùng những xác chết bằng máy, động đậy chiếc đầu, nhúc nhích chân tay khi người ta kéo dây. Không khí dầy đặc của phòng ăn làm nàng ngạt thở, sự yên lặng rợn người, những lằn sáng vàng vọt ngấm vào nàng một nỗi khiếp sợ mơ hồ, một nỗi bàng hoàng không tài nào diễn tả.
Họ đã đặt ở dưới, nơi cánh cửa một chuông báo có tiếng kêu nhọn sắc cho biết có khách hàng bước vào. Thérèse căng tai nghe ngóng, khi chuông vang lên, nàng nhanh chân bước xuống, sung sướng vì đã thoát khỏi phòng ăn. Nàng nhẩn nha bán hàng. Khi được một mình, nàng đến ngồi phía sau quầy hàng, ở lại đó thật lâu trong khả năng có thể, rất sợ phải trở lên, để nhấm nhá niềm vui đích thực khi không còn Grivet và Olivier trước mặt mình. Không khí ẩm ướt của cửa tiệm làm dịu đi cơn sốt nóng bỏng đôi bàn tay. Và nàng chìm vào cơn mộng mị nặng nề thường hay xảy đến.
Nhưng nàng không thể ở đó lâu như vậy. Camille bực mình vì sự vắng mặt của nàng, và không hiểu tại sao có người lại có thể thích thú cửa tiệm hơn phòng ăn, vào buổi tối thứ năm. Thế là gã nghiêng mình trên lan can, đưa mắt tìm vợ.
- Này! – gã la lên – Em ở đó làm gì thế? Sao không lên?... Grivet gặp vận may quái quỷ, ông ta lại thắng thêm ván nữa.
Thiếu phụ nặng nề đứng lên và trở về lại chỗ cũ đối diện với ông già Michaud, lúc đó đôi môi đang trề ra với nụ cười phát tởm. Và đến mười một giờ, nàng ngồi rũ rượi trên ghế dựa, nhìn con Francois đang ôm trong tay để khỏi trông thấy những con búp bê giấy bồi đang nhăn nhở xung quanh mình.