Thiền và sức khỏe

THIỀN VỚI TRÍ THỨC

Trí thức vốn hay lý luận, hay phê phán… nên trí thức dễ thất bại trong thiền. Một anh hàng thịt buông dao thành Phật. Trí thức còn lâu! Nhưng trí thức lại có cái hay của nó. Trí thức không dễ tin, hay ngờ. Nhưng, đại nghi thì đại ngộ. Càng nghi càng ngộ. Hơn hai ngàn năm trăm năm trước, một nhà minh triết - Đức Phật - bảo đừng vội tin tôi, cứ đến nếm thử đi rồi biết. Đến và nếm thử. Đến là thực hành. Làm đi, đừng nói nữa. Vụ này nói không được. “Bất khả thuyết”! Nếm thử là cảm nhận. Phải tự mình cảm nhận, tự mình thể nghiệm để cảm nhận riêng mình, không thể nhờ ai khác. Thở mà cũng phải nhờ người khác thở giùm mình hay sao? Tôi ngạc nhiên thấy các ông thầy dạy “thở” bắt người ta làm theo ý mình. Làm theo sao được! Mỗi người có cái sinh lý, thể chất, tâm lý riêng của mình chứ. Nắm lấy nguyên tắc thôi, rồi thực hành theo kiểu của mình. Bắt chước người khác, tẩu hỏa nhập ma như chơi! Họa sĩ Hoàng Lập Ngôn có lần nói với tôi là ông đi máy bay từ Hà Nội vào Sài Gòn chỉ thở 60 lần là tới nơi, nghĩa là mỗi hơi thở của ông dài 2 phút. Máy bay bay 2 giờ, ông thở 60 lần. Còn ta, bắt chước ông sao được. Ông có cái sinh lý của ông, lại rèn tập đã quen từ thuở nhỏ.

Cái lợi thứ hai của trí thức là “suy tưởng”. Thiền cần suy tưởng. Không phải suy tưởng chuyện tranh bá đồ vương, gồm thâu lục quốc, nhất thống giang hồ, muôn năm trường trị gì đâu! Trước hết là suy tưởng về cái hơi thở đang vào đang ra của mình kia! Nó ngộ lắm! Tưởng nó là của ta mà chẳng phải của ta. Tưởng nó ở trong ta mà hóa ra ở ngoài ta. Tưởng ta điều khiển nó mà thật ra nó cóc cần ta. Lợi ích bất ngờ là sự dõi theo và suy tưởng “hồn nhiên” đó ai dè đã giúp ta cắt đứt dòng “tâm viên ý mã” linh tinh khác, gom thân tâm ta về một mối là hơi thở của chính mình, ở đây và bây giờ, dứt bặt những âu lo phiền muộn. Nói khác đi, nó làm ta được “thảnh thơi”, nó giải stress, nghĩa là mang lại sức khỏe, an lạc, hạnh phúc. Chưa nói chuyện “tâm linh” ở đây. Thiền có thể làm ta được thảnh thơi, giải stress, mang lại sức khỏe, an lạc, hạnh phúc ư? Tin được không? Có cơ sở khoa học không? Trí thức sẽ hỏi. Trí thức đâu dễ tin. Và câu trả lời là có. Ít ra là về mặt sinh y học. Thở chẳng phải trước hết là chuyện sinh y học ư? Ta biết thân thể ta lúc nào cũng ở trong tình trạng căng cứng cơ bắp để hoạt động. Sự căng cứng cơ bắp đó (tonus musculaire) cần năng lượng, tiêu thụ khoảng 40% năng lượng. Nếu có cách nào làm giảm sự căng cơ ta sẽ tích lũy năng lượng đáng kể, cơ thể nhờ đó mà đỡ vất vả. Riêng não bộ chỉ chiếm 2% thể trọng mà tiêu tốn đến 30% năng lượng cho các hoạt động của tế bào thần kinh.

Trí thức là người sử dụng “thần kinh” nhiều nhất nên dễ cảm thấy uể oải, suy nhược vì thiếu năng lượng, đi bác sĩ cũng chịu thua vì không tìm ra nguyên nhân, đành gắn cho những cụm từ như “suy nhược thần kinh”, “rối loạn thần kinh thực vật” “hội chứng mệt mỏi kinh niên”... Lúc say mê làm việc, trí thức thường quên... thở, sau đó lại hào hễn thở, “trả nợ Oxy”. Thiền vừa làm giãn cơ, vừa làm lắng dịu các hoạt động “điên cái đầu” của não, nhờ đó mà giúp cơ thể thảnh thơi, an lạc. Hoạt động thể chất sau đó sẽ bền bỉ hơn, suy tưởng sau đó sẽ tập trung hơn, sáng suốt hơn, sáng tạo hơn!

Trong lúc tập trung dõi theo hơi thở như thế, những câu hỏi sẽ gợi lên: Tại sao phải thở? Không thở được không? Tại sao ta cần Oxy (O2) - khí thải của cây xanh - trong khi cây xanh cần Carbonic (CO2) - khí thải của ta? Có sinh vật nào sống mà không cần Oxy không?… Câu trả lời sẽ liên quan đến khí quyển, đến môi trường, đến cây xanh, đến sinh vật hiếm khí, vi khuẩn sống trong núi lửa, trong băng tuyết… Rồi nhìn ra mênh mông, thấy không chỉ một vũ trụ (universe) mà là đa vũ trụ (multiverse), tam thiên đại thiên thế giới, với trùng trùng duyên khởi… từ đó, có một lúc nào đó nhận ra thực tướng vô tướng, cái mà bây giờ người ta gọi là “Theory of Everything” (?)… hay như Stephen W. Hawking giật mình nhận ra cái The Grand Design, “vô sở tùng lai diệc vô sở khứ” (?). Thiệt ngộ, chỉ với C, H và O quấn quít lấy nhau, khi cần ngọt ngào thì có đường, khi cần chua chát thì có dấm, khi cần đắng cay lại có chút rượu mềm môi, chỉ một chút duyên sinh, một chút men (enzyme), một áp suất, một nhiệt độ nào đó.

Khi bản đồ gen người được thiết lập, các nhà sinh học giật mình thấy cái cây cổ thụ ngoài sân kia chứa đến 70% gen người, ai dám bảo không có chuyện “thạch nữ giá bồ lang”? Tinh tinh có 99.9% gen người. Chuột có đến 97.5% gen người. Ểnh ương, tắc kè, thằn lằn, rắn mối… Thì ra con nào cũng phì phò xì xụp, cũng phình phình xẹp xẹp đó thôi…