Thiền trong nghệ thuật bắn cung

Lời Giới Thiệu của Nhà Xuất Bản

Docsach24.com

ỗi người trong chúng ta ai cũng nghĩ rằng mình đang ý thức và cảm nhận rất rõ về đời sống của mình, rằng chúng ta đang sống một cuộc sống đích thực, một đời sống cho chính chúng ta, rằng chúng ta đang sống chứ không phải đang chết. Lấy cái gì để con người có thể xác quyết được các điều trên? Đó là sự có mặt của tự ngã, sự có mặt của một xác thân ngũ uẩn: sắc, thọ, tưởng, hành và thức. Chúng ta quan niệm rằng khi cái tự ngã này còn là sống, lúc tự ngã hoại diệt là chết. Sống và chết là hai thế giới cách biệt, chúng ta cũng nghĩ như vậy.

Docsach24.com

Tất nhiên, vấn đề không đơn giản như thế. Điều mà ai cũng có thể nhận thấy được là đời sống con người luôn luôn biến đổi: trẻ trung thì khỏe đẹp, già cả thì yếu và xấu. Chặng đường từ trẻ đến già không bỗng nhiên mà có, chúng kinh qua vô số những biến đổi không ngừng. Chúng ta có thể đếm thời gian của những biến đổi này trong từng mươi năm, vài năm, một năm, một tháng, một tuần, một ngày, một giờ, một phút, một giây, một tích tắc, và vô cùng... Ở thời điểm vô cùng ấy, tâm thức con người thật khó phân ra giữa sống và chết. Nơi đây, cái nền của sự sống mà chúng ta cho là thật chỉ là cái nền cát xây trên bờ vực trước những cơn sóng thác loạn của biển cả tồn sinh không ngừng biến động.

Chúng ta có phải đang sống thực chăng? Đây không phải là một câu hỏi như một câu hỏi. Đây là một tự vấn, một tham cứu nghiêm cẩn vào chính đời sống của chúng ta. Lúc lái xe trên đường phố, chúng ta có thật sự đang để tâm, đang giác tỉnh đến việc lái xe, hay như là một thói quen, một quán lệ: thấy đèn xanh thì chạy, đèn đỏ thì ngừng? Lúc đang ngừng mà đèn xanh bật lên, chúng ta có nhận biết ngay điều này chăng, hay là nhờ xe bên cạnh chạy rồi chúng ta mới biết là đèn đã xanh mà chạy? Khi thấy đèn vàng sáng lên, chúng ta có bình tĩnh dừng xe kịp thời và an nhiên tự tại đợi cho đến đèn xanh rồi mới thong thả chạy, hay là chúng ta vội vã nhấn thêm ga để vượt qua cho nhanh? Tại sao chúng ta phải lái xe vội vã, hấp tấp? Chúng ta vì chạy theo thời gian, chạy theo công việc, hay chạy theo bản tánh bôn ba, hối hả của mình? Dù là gì chúng ta cũng đã và đang sống theo cung cách hành xử của một hình nộm bị giật dây, sống cho cái gì đó mà không phải là chính mình. Cuộc sống chúng ta lúc nào cũng hướng đến một cái gì, một nơi nào đó: Ăn thì để ăn cho no. Ngủ thì để ngủ cho đầy đủ, cho khỏe. Uống thì để cho đã khát. Đi thì để cho đến đích. Nằm thì để nghỉ ngơi. Ngồi thì để an nhàn, yên ổn. Học hành thì để thành đạt công danh. Làm việc vất vả thì để kiếm tiền, để được sống sung túc, để giàu sang. Chính vì vậy, chúng ta thật đã đánh mất sự sống đích thực trong chính cái ăn, ngủ, uống, đi, đứng, nằm, ngồi, học hành và làm việc, v.v... Chúng ta quả không phải đang sống thực. Chúng ta đang mộng, một cơn trường mộng!

Đạo Phật, một cách đơn giản là nghệ thuật sống. Nghệ thuật đánh thức con người ra khỏi cơn đại mộng. Nghệ thuật làm thế nào sống như là sống như là sống trong ý nghĩa tinh mật và vi diệu nhất của sự sống: Sống sinh động, sống giác tỉnh, sống vượt thoát lên trên những trói buộc của vọng tâm, của phiền não, của tham, sân, si, v.v... từ bài pháp đầu tiên ở vườn Lộc Uyển đến bài pháp cuối cùng tại rừng cây Ta La, thỉ chung đức Phật chỉ dạy cho thất chúng đệ tử của ngài nghệ thuật sống giác ngộ và giải thoát. Sống giác ngộ là sống thức tỉnh trong từng ý niệm, lời nói và việc làm. Sống giải thoát là sống thong dong tự tại, không bị vướng mắc trong bất cứ ý niệm, lời nói và việc làm nào. Trong số những pháp môn của đạo Phật, thiền đã đạt đến kỹ thuật tinh xảo của nghệ thuật sống. Ở đó, con người đã thừa tiếp được nguồn năng lực nhiệm mầu của sự sống bằng lối ngõ mở tung cánh cửa giác tâm. Sự thành tựu này đòi hỏi đến quyết tâm và sức mạnh tu tập kiên trì vô hạn lượng của người thực nghiệm, không phải chỉ bằng vài ba mớ kiến thức thô thiển nhận được từ sách vở, hay một ít tập luyện hời hợt bề ngoài không đánh động được cội nguồn tâm linh sâu thẳm.

Eugen Herrigel là một triết gia Đức tất nhiên thừa hưởng được gia tài văn hóa của Phương tây, nhưng ông đã không tìm thấy câu giải đáp thỏa đáng từ truyền thống triết lý ấy cho vấn nạn căn bản của ông về đời sống đích thực. Trong một cơ duyên hãn hữu ông đã được thâm nhập vào giòng thiền qua con đường nghệ thuật bắn cung tại Nhật Bản. Thiền Trong Nghệ Thuật Bắn Cung là tác phẩm mà Eugen Herrigel đã trình bày một cách tinh yếu nghệ thuật bắn cung ở Nhật và qua đó để lộ sắc diện và phong thái ưu việt của thiền đối với các môn nghệ thuật nói riêng và đối với nghệ thuật sống cho con người nói chung. Tác phẩm này nay được Thượng Tọa Thích Viên Lý dịch sang tiếng Việt với lời văn trong sáng, từ ngữ chuẩn xác đã chuyển hiện được tất cả tinh hoa của nguyên tác sang dic̣h bản. Thượng Tọa Thích Viên Lý là một nhà lãnh đạo trẻ của Phật giáo Việt Nam, một nhà văn hóa đã đóng góp xứng đáng cho gia tài văn hóa dân tộc và Phật giáo qua nhiều công trình sáng tác và dịch thuật giá trị. Chính bối cảnh này làm tăng thêm phẩm chất quý giá của bản dịch Việt văn.

Trong sự biết ơn sâu xa của chúng tôi đối với công đức của dịch giả đóng góp cho nền văn hóa nước nhà, Viện Triết Lý Việt Nam và Triết Học Thế Giới trân trọng giới thiệu cuốn Thiền Trong Nghệ Thuật Bắn Cung đến quý vị độc giả trong và ngoài nước.

California, mùa xuân năm 2001

Viện Triết Lý Việt Nam và Triết Học Thế Giới