Thiền trong nghệ thuật bắn cung

CHƯƠNG 2

Docsach24.com

ôi cần phải giải thích tại sao tôi học Thiền – và vì mục đích học Thiền mà tôi đã học nghệ thuật bắn cung. Ngay từ thời còn là một sinh viên tôi đã quan tâm nhiều về huyền-bí-học, tựa hồ như bị thúc đẩy bởi một lực bí ẩn, dù rằng vào thời đó những môn học loại này không thịnh hành. Tuy nhiên, dù cố gắng thế nào, càng ngày tôi càng nhận thức được rằng mình chỉ có thể tiếp cận những tác phẩm mật giáo này từ bên ngoài; và dù rằng tôi biết cách đi vòng quanh cái gọi là hiện tượng huyền bí nguyên thủy, tôi vẫn không thể nhẩy qua cái giới tuyến bao vây sự huyền bí giống như một bức tường cao. Trong bao nhiêu sách vở huyền-bí-học tôi cũng không thể tìm đúng những gì mà tôi muốn tìm; rồi vì thất vọng và nản lòng, dần dần tôi nhận thức rằng chỉ những ai thực sự “vô chấp’ mới có thể hiểu được ý nghĩa của “sự vô chấp”; và chỉ những người trầm mặc, đã hoàn toàn đoạn trừ cái ngã, mới sẵn sàng “trở thành đồng nhất” với “Đấng Chí Tôn siêu việt.” Vì vậy, tôi nhận thức rằng chỉ có một con đường – và không còn con đường nào khác – đưa tới huyền-bí-học là con đường xây đắp bằng kinh nghiệm và đau khổ của bản thân; nếu thiếu tiền đề này thì tất cả những gì nói về nó chỉ là những lời bàn tán trống rỗng. Nhưng làm cách nào để trở thành một nhà huyền bí? Làm cách nào để đạt tới cảnh giới vô chấp thực sự chứ chẳng phải tưởng tượng? Phải chăng ngày nay vẫn còn có con đường đạt tới cảnh giới huyền bí, ngay cả đối với những người bị ngăn cách với các vị Đại Sư bởi cái hố thẳm của thời gian nhiều thế kỷ? Và đối với con người hiện đại sinh trưởng trong những điều kiện hoàn toàn khác biệt? Bất cứ nơi đâu, tôi chẳng hề tìm thấy điều gì có thể trả lời thỏa đáng cho những câu hỏi của mình, dù rằng tôi đã nghe nói về những chặng đường và những trạm của một con đường hứa hẹn dẫn tới mục tiêu. Để đi trên con đường này, tôi thiếu những giáo huấn chính xác và đúng phương pháp mà người ta có thể dùng để thay thế cho một vị ̣đại sư, ít ra là trong một phần của cuộc hành trình. Nhưng nếu thực sự có những giáo huấn như vậy thì chúng có đủ sức dạy chúng ta hay không? Phải chăng những giáo huấn như vậy chỉ có thể tạo được sự chuẩn bị để tiếp nhận điều gì đó mà ngay cả những phương pháp tốt nhất cũng không thể cung cấp? Phải chăng kinh nghiệm huyền bí là điều mà con người bình thường không thể tự sản sanh ra? Bất luận tôi nhìn vấn đề thế nào, tôi cũng thấy mình đối diện với những cánh cửa khóa kín nhưng tôi vẫn không cách nào tự ngăn cản mình tiếp tục gõ cửa. Khát vọng không ngừng cho đến khi khát vọng mệt mỏi, tôi lại khởi lên khát vọng của tấm lòng khát vọng ấy.

Vì thế, khi có người hỏi tôi – lúc này tôi đã là giảng sư trường đại học – có muốn đi dạy triết học ở trường Đại Học Đông Kinh không, tôi vui sướng đón mừng cái cơ hội có thể giúp tôi nhận thức về nước Nhật và nhân dân Nhật, nơi đó tôi có hy vọng tiếp xúc với Phật giáo, và từ đó tiếp xúc với sự thực hành nội quán về huyền-bí-học. Tôi đã nghe nói ở Nhật Bổn vẫn còn giữ gìn nghiêm mật một truyền thống Thiền, một nghệ thuật giáo huấn đã được khảo nghiệm qua bao thế kỷ, và điều quan trọng nhất là có những vị Thiền sư tinh thông về nghệ thuật chỉ giáo tâm linh.

Chẳng bao lâu sau khi tới Nhật Bổn tôi bắt đầu việc thực hiện sự mong muốn của mình, nhưng tôi liền gặp những lời từ chối khiến tôi lúng túng. Người ta bảo rằng xưa nay chưa từng có người Âu Châu nào nghiêm cẩn quan tâm học Thiền bao giờ; và bởi vì Thiền khước từ mọi dấu vết gì về “giáo huấn” cho nên nó sẽ không thể nào thỏa mãn tôi “một cách lý thuyết.” Tôi phải phí thêm bao tâm huyết và thì giờ mới giãi bày rõ tại sao tôi muốn hiến thân đặc biệt cho Thiền mà không nặng phần lý luận. Nghe qua, họ lại cho tôi biết rằng người Âu Châu muốn thâm nhập vào lãnh vực sinh hoạt tâm linh này là hoàn toàn không có hy vọng – loại sinh hoạt tâm linh này có lẽ là kỳ lạ nhất của người Đông phương – trừ phi người đó khởi sự bằng cách học tập một môn nghệ thuật liên quan với Thiền.

Cái ý tưởng phải trải qua một loại thụ huấn dự bị chẳng khiến tôi sờn lòng chút nào. Tôi cảm thấy sẵn sàng để đi bất cứ đoạn đường dài nào nếu có chút hy vọng được tiến tới gần Thiền hơn chút nữa; và, đối với tôi, một con đường khúc khuỷu phải đi quanh co, dù tốn bao nhiêu công sức, vẫn tốt hơn là chẳng có con đường nào cả. Nhưng tôi nên theo đuổi bộ môn nào trong các loại nghệ thuật mà họ đề ra cho tôi phải học? Vợ tôi, sau khi hơi do dự, liền quyết định học nghệ thuật cắm hoa và hội họa. Còn tôi cảm thấy tựa hồ nghệ thuật bắn cung đối với tôi thích hợp hơn. Tại vì tôi sai lầm – sau này mới phát hiện – cho rằng những kinh nghiệm bắn súng trường và súng lục của tôi sẽ có lợi cho mình.

Tôi khẩn khoản yêu cầu một trong những bạn đồng sự của tôi, ông Sozo Komachiya – một giáo sư môn công pháp đã từng học bắn cung hai mươi năm và được coi là môn sinh tài giỏi nhất của nghệ thuật này tại trường đại học – giúp tôi ghi danh theo học vị thầy trước đây từng dạy ông, vị đại sư lừng danh tên là Kenzo Awa.

Đầu tiên, đại sư không nhận tôi, bảo rằng ông bị lầm một lần trước đây, từng dạy một người ngoại quốc, và cho tới nay vẫn còn cảm thấy hối hận về cái kinh nghiệm đó. Ông không có ý định nhượng bộ lần thứ hai, để tránh cho học viên cái gánh nặng tinh thần đặc thù của môn nghệ thuật này. Tôi thỉnh rằng: “Một vị Đại Sư coi trọng công việc của mình như vậy thì phải là một người có thể nhận tôi làm đệ tử nhỏ nhất.” Ông thấy tôi không phải chỉ muốn học nghệ thuật này như một thú vui mà vì muốn tầm cầu “Đại Đạo” mới tìm học môn này. Cuối cùng ông bằng lòng nhận tôi làm môn đồ và nhận cả vợ tôi. Ở Nhật Bổn, giới thiếu nữ học bắn cung là một cổ tục, vợ và hai con gái của đại sư cũng đều siêng học đạo này.

Thế là bắt đầu một khóa trình huấn luyện đầy cam go. Bạn tôi, ông Komachiya – người đã kiên nhẫn làm thuyết khách và hầu như đứng ra bảo lãnh cho chúng tôi – bây giờ là người thông ngôn của chúng tôi. Đồng thời, thời vận tôi cũng khá, cho nên tôi được mời tham dự những bài học về nghệ thuật cắm hoa và hội họa mà vợ tôi đang theo học, để tôi có dịp không ngừng so sánh các môn nghệ thuật lẫn nhau, hầu đạt được một căn bản kiến thức bao quát hơn về Thiền.