Langdon tụt xuống khỏi giàn giáo, anh phủi bụi vôi vữa vương đầy quần áo. Vittoria đã đứng đợi sẵn dưới mặt đất.
Không thấy gì à? – Cô gái hỏi. Anh lắc đầu:
Họ đã đưa thi thể đức Hồng y lên xe rồi.
Langdon đưa mắt nhìn chiếc xe, Olivetti và mấy người lính đang trải một tấm bản đồ thành phố lên mui xe.
Họ đang tìm về hướng Tây Nam đấy à? Vittoria gật đầu.
Không thấy nhà thờ. Tính từ đây thì nhà thờ đầu tiên là thánh đường St. Peter. Langdon cằn nhằn. Ít ra thì họ cũng đã thống nhất được một điểm. Anh tiến lại phía Olivetti, những người lính đứng dạt ra để nhường đường.
Olivetti ngẩng lên nói:
Không thấy gì. Nhưng bản đồ này không đánh dấu tất cả các thánh đường. Chỉ thấy những nhà thờ lớn thôi. ít nhất là 50 thánh đường.
Chúng ta đang ở đâu? – Langdon hỏi.
Olivetti lấy ngón tay chỉ vị trí quảng trường Piazza Del Popolo và đi tay theo hướng Tây Nam. Ngón tay chạy qua một mảng đặc những ô vuông đen, biểu tượng của những nhà thờ lớn của Rome. Rủi thay, những nhà thờ lớn này đều được xây từ thế kỷ XVII.
Chúng ta phải quyết thật nhanh. – Olivetti nói – Anh có chắc là hướng Tây Nam không?
Langdon mường tượng lại cánh tay vươn thẳng của thiên thần, tình hình lúc này đã cấp bách lắm rồi.
Rất chắc chắn.
Olivetti nhún vai rồi lại đi ngón tay theo hướng Tây Nam một lần nữa. Ngón tay ông ta lướt qua cầu Hoàng hậu Margherita, Via Cola Di Riezo, rồi quảng trường Piazza Del Risorgimento, không gặp bất kỳ một nhà thờ nào cho đến khi chạm vào quảng trường St. Peter.
– Đại thánh đường St. Peter thì sao? – Một người lính có vết sẹo rất dài trên mặt hỏi. –
Đó cũng là nhà thờ đấy chứ.
Langdon lắc đầu:
Phải là một địa điểm công cộng cơ. Trông chỗ đó chẳng có vẻ gì là công cộng cả.
Nhưng nhà thờ St. Peter nằm đúng hướng ấy còn gì. – Vittoria góp ý cô đang đứng sau lưng Langdon. – Quảng trường thì phải là nơi công cộng chứ.
Langdon đã nghĩ đến điều đó từ trước:
Nhưng làm gì có bức tượng nào đâu?
Ở giữa quảng trường có một tảng đá nguyên khối đấy thôi.
Cô gái nói đúng. Có một Kim tự tháp bằng đá nguyên khối đặt ở chính giữa quảng trường St. Peter. Kim tự tháp cao cả. Một sự trùng lặp kỳ lạ, Langdon nghĩ thầm. Nhưng anh gạt địa điểm đó khỏi đầu:
Các Kim tự tháp của Vatican không phải do Bernini sáng tạo ra. Đó là do Caligula mang về đặt ở đó. Và chẳng liên quan gì đến Khí cả. – Đấy là chưa kể còn một vấn đế nữa: Bài thơ nói rằng những nguyên tố trải khắp thành Rome. Quảng trường St. Peter nằm trong Vatican cơ mà, có thuộc địa phận Rome đâu.
Cái đó còn tuỳ. – Người lính gác ban nãy ngắt lời.
Gì cơ?
Chỉ là một bất đồng nhỏ thôi. Hầu hết các bản đồ đều coi quảng trường St. Peter là thuộc Vatican, nhưng vì nó nằm ngoài đường bao, nên suốt bao thế kỷ nay, các nhà chức trách thành phố vẫn cho rằng nó thuộc về thành Rome.
Anh nói đùa! – Langdon thốt lên. Chi tiết này thì anh chưa hề biết.
Tôi nói thế là vì chỉ huy và cô Vittoria hỏi về một tác phẩm điêu khắc có liên quan đến Khí.
Langdon tròn mắt:
Và biết một tác phẩm như thế ở quảng trường St. Peter à?
Không hẳn. Đó không hẳn là một tác phẩm điêu khắc. Nói thế không đúng lắm.
Để anh ta nói xem nào. – Olivetti yêu cầu.
Tôi biết tác phẩm đó chẳng qua vì ngày nào cũng gác ở quảng trường. Tôi biết rõ từng viên gạch trên quảng trường St. Peter.
Tác phẩm điêu khắc đó trông thế nào? – Langdon hỏi. Anh bắt đầu băn khoăn, chẳng lẽ hội Illuminati lại táo bạo đến mức đặt biểu tượng của họ ngay bên cạnh Đại thánh đường St. Peter.
Ngày nào tôi cũng đi tuần ở đó. – Người lính nói – Tác phẩm đó nằm đúng hướng Tây Nam tính từ đây, cho nên tôi mới nhớ ra. Ban nãy tôi đã nói rồi, không hẳn là một tác phẩm điêu khắc, nó chỉ là một.. khối dẹt thôi.
Olivetti có vẻ thất thần:
Khối dẹt à?
Vâng, thưa chỉ huy. Một khối đá cẩm thạch được gắn trên nền quảng trường. Ngay dưới chân Kim tự tháp. Nhưng không phải hình chữ nhật, mà là hình e-líp. Trên khối đá đó có khắc hình một cơn gió đang thổi rất mạnh. – Anh ta ngừng lời giây lát. – Khí, nếu anh muốn nói cho có vẻ học thuật một chút.
Langdon kinh ngạc nhìn người lính trẻ tuổi:
Tác phẩm chạm khắc! – anh thốt lên.
Chạm khắc là một thể loại khác của nghệ thuật điêu khắc! – Langdon nói.
Điêu khắc là nghệ thuật tạo hình đa diện và cả trên mặt phẳng nữa. Bao năm nay anh vẫn dùng phấn viết định nghĩa đó lên bảng đen trên giảng đường. Chạm khắc là các tác phẩm điêu khắc có hai mặt, như hình Abraham Lincoln trên đồng tiền xu. Những tấm bảng tròn trong nhà nguyện Chigi do Bernini tạo nên cũng là những ví dụ điển hình cho thể loại này.
Bassoreliévo phải không? – Người lính gác dùng thuật ngữ bằng tiếng Ý.
Đúng rồi! – Tay Langdon đập mạnh xuống mui xe. – Thế mà suýt nữa tôi không nghĩ ra. Tấm lát lớn mà anh vừa nhắc đến trên quảng trường St. Peter có tên là Gió Tây. Nó còn được gọi là Respiro di Dio(1).
Hơi thở của Chúa à?
Đúng rồi! Khí! Chính tay nhà điêu khắc đã đặt tấm đá ở đó!
Vittoria có vẻ không hiểu:
Tôi tưởng Michelangelo thiết kế Đại thánh đường St. Peter?
Đúng, chỉ mỗi thánh đường thôi! – Langdon thốt lên đây đắc thắng. – Còn quảng trường St. Peter là do Bernini thiết kế!
Khi chiếc xe hòm Alfa Romeo lao ra khỏi quảng trường Piazza Del Popolo, mọi người đều quá vội vàng nên không trông thấy chiếc xe truyền hình của hãng BBC đang bám theo sau.
Chú thích:
(1) Respiro di Dio: Hơi thở của Chúa.