Thiên thần sa ngã

Chương 1

Khi thiên thần rớt xuống trần gian

Tôi vẫn thường nghĩ Nhậm Đạm Ngọc là một thiên thần.

Dịu dàng và nhã nhặn, điềm tĩnh, giống như một viên ngọc trong lúc người ta không chú ý, bỗng hé lộ ánh hào quang rực rỡ, rất tự nhiên, không hề khiên cưỡng. Nhẹ nhàng liếc nàng một cái, từ đầu khớp xương đến tận cùng góc tim đều lan toả một cảm giác thoải mái khôn tả.

Đăng quảng cáo tìm bạn đời là một việc quá tầm thường, nhưng nếu viết mấy chữ “Đại tỉ phú” thì lại là một việc hiếm có. Thế nên quảng cáo vừa đăng lên đã có vô số cô gái hưởng ứng.

Thiên thần sinh ra ở Thiên giới, được nuôi dưỡng bằng thức ăn tinh khiết là sương trời, nhưng cũng bị mấy chữ đầy ma lực đó thu hút.

Và thế là thiên thần rớt xuống trần gian.

1

Tào Lợi Hồng nói rõ ràng, ai gặp Nhậm Đạm Ngọc chắc chắn sẽ phải công nhận Đạm Ngọc có dung mạo giống như tiên nữ Thiên đình. Điều này quả cũng làm tôi vì Đạm Ngọc suy nghĩ và tương tư.

Tôi đã xem qua tấm ảnh. Cô gái không trang điểm, dáng vẻ thanh nhã, nụ cười nhẹ nhàng, ánh mắt mềm mại, dưới ánh mặt trời hiện rõ một vầng hào quang màu vàng chanh nhạt. Chỗ tiếp xúc với chân mày, làn tóc ấy nhẹ uốn thành một đường cong mềm mại. Tận sâu trong đôi mắt thuần khiết ấy dường như có hàng ngàn con sóng dạt dào, chẳng hề vương chút bụi trần. Giống hệt một thiên thần.

Thời bây giờ, kiểu đăng quảng cáo tìm bạn đời phổ biến nhất là kiểu một số nhà doanh nghiệp thành đạt, thành công có thừa nhưng lại không đủ thời gian và sức lực đuổi theo cái thứ đỏng đảnh tên gọi ái tình, nên phải dùng cái phương pháp thẳng thừng nhất để tìm cho mình một phu nhân như ý.

Tào Lợi Hồng là một người như thế. Vợ mất khi ông mới vừa vào tuổi trung niên, để lại một cậu con trai. Lợi Hồng cho đăng quảng cáo trên toàn quốc chỉ gồm mấy chữ: “Đại tỉ phú địch quốc”. Thế nhưng cậu con trai đã vào cái tuổi có thể dùng chung mẹ kế với bố mình rồi.

Tào Lợi Hồng là một đại tỉ phú, đang tìm bạn đời. Còn tôi, tôi là luật sư.

Luật sư vốn là một nghề đáng kiêu ngạo, chắng hiểu sao A Lam lại không nghĩ thế. Cậu ta nói: “Em nghe kể một chuyện rất buồn cười: một thiếu nữ trẻ cho rằng tất cả luật sư đều vô cùng chính trực và liêm khiết.” Lúc nói câu đó, đôi mắt cậu ta liên tục “vô tình” liếc sang tôi loang loáng.

Mẩu quảng cáo tìm bạn đời này quả thực đã trở thành lựa chọn số một trên toàn quốc. Gần một trăm cô gái đã đến Thượng Hải xin phỏng vấn, tất nhiên toàn bộ chi phí đều do Tào Lợi Hồng bao cả.

Tào Lợi Hồng lúc nào cũng bận rộn, một trăm cô gái làm sao mà gặp mặt hết cho được (đây là đặc quyền của những người có tiền). Thế nên, cái nhiệm vụ cao cả thay mặt cấp trên thụ lý vụ việc dĩ nhiên được trao cho cấp dưới là tôi.

Tôi gặp mặt các cô gái, xem xét cô nào đạt yêu cầu thì sẽ tiến cử trực tiếo gặp Tào Lợi Hồng (có một giả thuyết rất hay như thế này: những cô gái mà cha đã chơi chán thì sẽ nhường cho con). Cảm giác thật tuyệt vời, thử tưởng tượng mà xem, giống như Hoàng đế phong kiến tuyển phi, không gặp mặt hết được các cô gái, phải nhờ hoạ sĩ là tôi vẽ lại chân dung từng cô để dễ tuyển chọn. Vậy là cô nào cũng phải nịnh bợ tôi, hối lộ tôi, nếu không tôi sẽ vẽ cô thành ra xấu xí hoặc là bơm thổi những điều không tốt về cô… Cứ thử đắc tội với tôi đi, rồi cả đời này kiếp này cô đừng hòng mà gặp được hoàng đế nhé!

Mãi rồi cuối cùng nhân vật chính Tào Lợi Hồng cũng xuất hiện, xé toang tấm màn huyền bí. Hoặc một cú điện thoại, hoặc một lần dùng bữa; vừa mắt sẽ tiếp tục vào vòng hai, không thích thì cho tôi biết – tỉ phú cũng chẳng phải là người xấu đâu, nhiệm vụ nói lời từ chối khéo léo ngọt ngào lại đến lượt tôi xử lý.

Đa số các cô gái, hoặc là sinh viên mới ra trường, hoặc là đã tốt nghiệp và có một công việc bình thường, không xuất sắc lắm. Trong khoảng từ hai mươi đến hai lăm là thời kỳ hoàng kim của người phụ nữ. Dáng vẻ kiều diễm của các nàng trong lứa tuổi này thật sự là giấc mơ của mọi chàng trai.

Thế cho nên tôi thấy nực cười khi những cô gái mang khuôn mặt thiên thần, dáng vẻ tươi tắn, đang ở thời kỳ đẹp nhất của tuổi thanh xuân lại lần lượt xuất hiện trước mắt. Họ thể hiện như thể ta đây mang trong mình linh hồn cao quý của một thánh nữ vậy.

Thực ra thì không phải tôi khinh thường các cô gái đó; là tôi đang bất mãn đấy thôi. Tôi bất mãn với cái việc có người lại dùng tiền bạc và quyền lực như một thứ mồi giăng câu buông lưới, sau đó giở lưới ra để thấy bên trong là một đàn những nàng tiên cá xinh đẹp.

Nhưng dù sao thì tôi không thể để lộ suy nghĩ đó trước mặt các mỹ nhân. Tôi phải đóng sao cho thật giống một chàng trau hào hoa, ân cân, chăm sóc chu đáo cả những cô bị rớt lẫn những cô được chọn; mặc dù lòng đau như dao cắt. Rồi tôi sẽ dùng điệu bộ vừa đứng đắn vừa hài hước để an ủi các cô, rằng thì các cô rất tuyệt, rất hay, còn nhiều cơ hội nữa. Tôi phải thay mặt Tào Lợi Hồng mời những cô gái đến Thượng Hải ứng thí dùng bữa. Khi các cô gái tụ tập với nhau thật thú vị. Có cô linh hoạt giống như một cơn gió, nổi lên như nhân vật chính của bữa tiệc; có cô yên lặng chẳng nói gì, vừa đụng đến đã e lệ đỏ bừng hai má, cười đấy rồi lại đổi sắc mặt ngay; lại có cô ngồi riêng một góc, hoa đẹp tự thưởng, mơ mộng sẽ được chú ý đến như một người khác hẳn những người xung quanh.

Cuộc sống thần tiên ngày trước hằng mơ giờ đã thành hiện thực, nhưng sao vẫn thật khó quen với nó. Tôi muốn chân thành khuyên những chàng trai mơ mộng được vô số người đẹp vây quanh rằng, có một cô gái là hạnh phúc, có hai cô gái là rất hạnh phúc, có ba cô gái là đại phúc, nhưng nhiều hơn thì có thể gọi là đám đĩ điếm rồi.

Rồi quãng thời gian bận rộn với việc mặc Âu phục xem ra rất đứng đắn , khoác vào dáng vẻ một người trí thức đầy hiểu biết và kinh nghiệm để gặp mặt các mỹ nhân cũng trôi qua. Tôi đã dùng toàn bộ khứu giác nhạy bén cùng năng lực quan sát của mình vào việc thăm dò xem ai đạt hoặc không đạt yêu cầu mà Tào Lợi Hồng đưa ra.

Lần quảng cáo tìm bạn đời này, ngoại việc làm phong phú thêm thu nhập, lại giúp tôi luyện thêm được nhiều kỹ xảo tuyệt vời – trong vòng bán kính 10m, chỉ dùng miệng chứ không dùng tay tôi có thể phán đoán những cô gái đồng trinh là thật hay giả.

A Lam khi biết chuyện này đã không khỏi giật mình. Cậu ta bảo là tôi quả là đã luyện được mắt thần rồi.

A Lam là một nhà thơ.

Quan điểm của mọi người chắc hẳn giống hệt tôi hồi còn đi học, cho các nhà thơ đều có chút quan hệ với thánh thần, mà người đời thì phục nhất thánh thần ở chỗ các ngài qua được ải mỹ nhân.

Nhưng sau khi tiếp xúc với A Lam, tôi liền thay đổi quan điểm sai lầm của mình. Mấy năm trời lăn lộn, luyện rèn trong xã hội, nhà thơ cuối cùng cũng phải biến chẩt. A Lam biết tôi đang giúp một tỉ phú tuyển vợ thì nằng nặc đòi theo, mong nhận được từ mỹ nhân một chút ân huệ. Tôi mắng cậu ta chẳng biết gì.

- Cậu đúng là đại ngốc, vì đàn bà mà phải như thế có đáng không? Thời bây giờ chả cần có bất kỳ yêu cầu nào khác đối với chú rể đâu. Những anh tuấn, dịu dàng, dũng mãnh… – một chữ tiền là đủ bao gồm tất cả rồi.

Nói xong những lời này tôi cảm thấy mình đã nhìn thấu nhiều thứ lắm.

- Thôi đi, đâu phải con gái ai cũng vậy! Em vẫn tin tiền có thể mua được mọi thứ, trừ tuổi thanh xuân!

Thi nhân ai cũng mắc bệnh mộng mơ thì phải. Tôi nhìn cậu ta, cảm thấy A Lam quả là ngây thơ hết thuốc chữa. Rồi A Lam lại hỏi tôi, giúp một tỉ phú tìm vợ thì có lợi gì. Tôi nghĩ ngợi rồi nói:

- Được nhận nhiều quà cáp lắm, hầu như cô nào cũng mang tặng tôi một thứ gì đó.

Nói xong, tôi cảm thấy vô cùng đắc ý, nghĩ thế nào A Lam cũng nhìn tôi bằng đôi mắt kính phục.

Ai ngờ A Lam liếc tôi một cái sắc lẻm:

- Là em muốn nói có cô nào vì muốn gả vào nhà danh giá mà hiến thân cho anh không?

A Lam hỏi như thế, tôi bỗng cảm thấy hình như cậu ta đã trưởng thành lên nhiều.

Ngày xưa, A Lam ngây thơ lắm, biểu hiện rõ nhất là việc cậu ta theo đuổi các cô gái. A Lam theo đuổi các nàng chỉ bằng một phương pháp cố lỗ sĩ nhất: ôm cây đợi thỏ. Tôi thường dùng cái chuyện tỉ phú tuyển vợ được hàng loạt các cô gái hưởng ứng kia để cảnh báo cậu ta:

- Cậu không có tiền thì đừng mơ việc ra đường tìm bạn gái, chẳng còn cô nào cho cậu nữa đâu.

Mới đầu, A Lam chẳng chịu tin, sau nhận ra thì cũng đã muộn.

Cứ như cậu ta nói, thì đại khái là thế này: “Đến khi tôi thức tỉnh ở trần gian thì cũng đã bỏ lỡ mất mùa tình yêu rồi.” Lúc cậu nói câu này, chúng tôi đang uống rượu, câu nói được cậu “nhổ” ra khỏi miệng một cách cầu kỳ, khéo léo, lại nêm chút gia vị nước mắt lâm ly. Và cũng nhờ tác dụng của rượu nữa nên ai cũng nhiệt liệt hưởng ứng.

Một cậu A Lam như thế, chậm chạp và kém nhạy bén, giờ bỗng nhiên lại hỏi được một câu sâu sắc đến thế, đúng là “trường đời” có công lao dạy dỗ rất lớn. Tôi bảo:

- Mấy đứa con gái đó mắt mọc trên đầu thì làm sao mà thấy tôi được? Cậu yên tâm đi, cái loại thích hy vọng hão huyền ấy thì…

A Lam nhổ nước bọt:

- Nếu mà có thật, anh nhất định phải cho em xem đấy. Xem để còn rút kinh nghiệm, xem để biết đứa con gái nào mà có thể hèn hạ, bẩn thỉu đến thế!

Tôi cười thoải mái gật đầu.

Hôm qua, tôi nhận được điện thoại của Nhậm Đạm Ngọc, thông báo nàng đã đến nơi. Chúng tôi hẹn gặp nhau lúc sáu giờ chiều bên bến Thượng Hải.

Hôm đó, tôi sắp ra khỏi cổng thì gặp A Lam. Hai chúng tôi cùng giật bắn mình, tưởng như vừa trông thấy chó hoang mặc đồ hiệu.

A Lam nói:

- Anh diện đồ J&R trông chả khác gì chó sói đội lốt cừu non.

Tôi lườm cậu ta, trả miếng:

- Còn cậu khoác lên người đồ Pierre Cardin nhìn giống hệt một đứa bụi đời.

Rồi tôi vỗ vai cậu ta, bảo:

- Này người anh em, thật ra cậu không cần phải chau chuốt thế để đến gặp anh đâu.

A Lam quầy quậy nói không phải đến vì tôi, mà là vì muốn đi cùng tôi tới gặp cô thiên thần trong truyền thuyết:

- Anh chả bảo hôm nay sẽ gặp Nhậm Đạm Ngọc còn gì. Bộ Âu phục này em mới mượn của đứa bạn. M… nó chứ, cái thằng keo kiệt. Nó sợ em mượn rồi lấy luôn không trả, còn cẩn thận kí tên lên áo nữa!

A Lam điệu bộ buồn rầu lật cổ tay áo cho tôi xem, nó thêm:

- À đúng rồi, đến lúc ấy anh nhớ bảo em là trọ lý của anh nhé!

Đến danh phận của mình cậu ta cũng chuẩn bị giúp tôi rồi, làm sao không đưa cậu ta đi cho được?

Suốt quãng đường, A Lam nói đi nói lại: “Xem thế là được rồi. Nhưng mà anh làm sao biết được cô ta còn là gái trinh hay không?” Rồi cậu lại mơ mộng một mình: “Giá mà được thử một lần thì hay biết mấy!”

Tôi đấm cậu ta một quả. Có xấu tính thì xấu tính một mình thôi, lôi kéo tôi vào nữa là sao?

Nhưng trước khi gặp Nhậm Đạm Ngọc, chúng tôi còn phải tiếp một ứng viên khác nữa. Chúng tôi ngồi đợi rất lâu, mãi sau mới thấy một cô gái mặc áo dài yểu điệu đi đến. Cái cô này kì quặc ngoài dự đoán của chúng tôi. Lúc nóng lúc lạnh, lúc trầm tĩnh, lúc lại hoạt bát nhanh nhẹn. Ấn tượng sâu đậm nhất của tôi về cô là lúc câu chuyện đang trầm xuống, cô ngước mắt nhìn trời. và sau khi ban cho tôi một ánh mẳt đầy vẻ u buồn, chắc là ngại không có ai tán thưởng biểu hiện đặc sắc của mình, cô ta bật ra: “Quân bất kiến, Hoàng Hà chi thuỷ thiên thượng lai…” (Anh chẳng thấy, nước Hoàng Hà từ trên trời đổ xuống…)

Theo lý thi A Lam là một nhà thơ, chắc sẽ tìm được nhiều điểm chung với cô gái này. Nhưng cuối cùng tôi lại bị A Lam cho một trận:

- Tào Lợi Hồng không thể mê nổi cái loại dở người này đâu, bỏ đi cho rồi.

A Lam tuy hơi bị sốc và có chút nản chí nhưng vẫn muốn gặp mặt thiên thần, đành miễn cưỡng cùng tôi ngồi đợi Nhậm Đạm Ngọc. Đúng lúc đó, chuông điện thoại réo vang, rồi tôi nghe thấy tiếng thiên thần.

Ôi thiên thần đang nói chuyện với tôi đấy, thiên thần nói:

- Alô, chào anh, tôi là Nhậm Đạm Ngọc đây…

Tiếng nói của nàng thiên thần thật dịu dàng, thật ngọt ngào, thật mềm mại, dẻo quánh thơm tho, cứ như là… như là xôi nếp ấy.

Có lúc tôi buột miệng nói ra những điều mà một người làm nghề của tôi không bao giờ được nói. Hình dung một cô gái, bao giờ tôi cũng chỉ nghĩ đến đồ ăn mới khổ. Nhưng có lẽ rất nhiều năm nữa, mỗi khi nghĩ về thanh âm giọng nói thiên thần ấy, chắc tôi vẫn thầm khen mình giỏi, đã miêu tả chính xác và kỳ diệu đến không ngờ.

Chiều tối!

Cơn gió mùa xuân tháng Hai thoáng cái làm biến đổi cả đất trời. Thượng Hải trong cái tươi non của mùa xuân bỗng biến thành một biển hoa.

Tôi và A Lam ngồi bên bến Thượng Hải đơih Nhậm Đạm Ngọc. Nhìn những cô gái xinh đẹp từ mọi ngả đường lũ lượt lướt qua trước mắt, tôi cảm thấy những bông hoa đang thì xuân sắc này còn đẹp hơn gấp mấy lần ngọn tháp truyền hình Đông Phương Minh Châu nổi tiếng đang sừng sững trước mắt. Đông Phương Minh Châu bất động vô hồn, còn những cô gái lại sống động với trăm dáng vẻ lẳng lơ quyến rũ.

Nhìn hai cô gái xinh đẹp đang chụp ảnh cạnh tôi, cậu chàng A Lam bồng bột cũng hứng chí muốn tham gia. Tôi cản lại, bảo cậu nên tỉnh táo một chút. Những cô nàg như thế, bao giừo chả xem thường loại người làm công ăn lương như chúng tôi. Giá trị của những người có hộ khẩu ở Thượng Hải bao giờ chẳng cao hơn chúng tôi một cấp. Tôi bĩu môi chỉ chằng trai đang cắm cúi chụp ảnh cho mấy cô gái.

A Lam thở dài một tiếng nghe rất tuyệt vọng.

Tôi liền lấy tấm ảnh Nhậm Đạm Ngọc ra. Thế này mới là mỹ nhân đích thực chứ. Đúng lúc đó, A Lam liền nhắc nhở cái việc là tôi lúc nào cũng mang theo trong người tấm ảnh cô gái của tỉ phú. Lời cậu ta làm tôi hơi hoang mang, tôi chẳng thích thế này tí nào. Tôi nhận ra những cảm xúc tôi có với Đạm Ngọc cũng chỉ do dáng vẻ yêu kiều của nàng chứ không phải vì kính trọng hay quý mến gì. Tôi có gắng nghĩ đến những ưu điểm khác của Đạm Ngọc ngoài vẻ xinh đẹp hiếm thấy. Nhưng vô ích. Tôi đau khổ nhận ra rằng mình cũng chỉ là một kẻ phàm tục mà thôi.

Nhân lúc tôi đang trăn trở với những suy nghĩ bộn bề ấy, A Lam giật tấm ảnh từ tay tôi:

- Công nhận con bé xinh thật.

- Chỉ xinh thôi à?

- Nhưng mà trông thường quá.

Tôi lườm cậu ta một cái, bảo cậu ta đừng có làm ra vẻ như mình đã gặp nhiều người đẹp lắm rồi vậy.

- Thật đấy!

A Lam trợn mắt, vung tay chỉ phía trước mặt:

- Ví dụ như cái cô kia kìa, chả giống hệt như trong ảnh còn gì?

Tôi gườm gườm lườm cậu ta, nhưng theo thói quen vẫn nhìn theo hướng ngón tay cậu chỉ.

Trời đất, tôi kinh ngạc đến mức thấy tim mình bỗng nhảy thót lên một cái. Cô gái đó đang dựa trên hàng rào sắt trên vỉa hè. Nàng mặc quần jeans bó chặt, áo cánh trắng và đôi giày cao gót màu hồng táo. Một chân chống xuống làm trụ, chân kia thả lỏng, di di trên nền đất. Phần thân trên của nàng nhìn không rõ lắm, nhưng đôi chân thì rõ ràng vừa dại, vừa thon thả, cân đối, bắp chân thon duyên dáng. Mái tóc nàng mềm mại óng ả, dưới nắng chiều ánh lên một vầng hào quang, làn tóc nhẹ buông trên bờ vai uốn thành một đường cong mềm mại.

Bên bờ sông, cơn gió xuân vô duyên lừ lừ thổi tới, làm rối tung mái tóc nàng. Nàng đưa tay vuốt lại những sợi tóc ngỗ ngược, làm lộ ra nửa khuôn mặt với những đường nét tinh tế đáng yêu. Sắc nắng phủ một màu vàng kim lên khuôn mặt và mái tóc nàng, khiến nàng trông còn đẹp hơn cả hoàng hôn. Lúc ấy, tôi chỉ ước mình được giống như cơn gió, thoả sức ve vuốt tà áo nàng, thảo sức ôm ấp hình dáng yêu kiều của nàng. Có laọi con gái chỉ dùng để tiêu khiển một đêm. Có loại con gái lại khiến người khác chỉ cần nhìn ngắm họ thôi cũng cảm thấy hình như mình đang bất kính, mạo phạm. Không nghi ngờ gì nữa, Nhậm Đạm Ngọc là loại thứ hai. Tôi có thể tự tin mà khẳng định cô gái này chính là Nhậm Đạm Ngọc. Liệu còn ai có thể khắc hoạ được hai chữ thiên thần một cách rõ ràng và hoàn mỹ đến thế? Tất nhiên là chỉ có những nàng con gái của Thượng đế.

- Này!

A Lam lấy điện thoại di động huých tôi một cái:

- Ngắm người đẹp thì cũng phải ý tứ chứ! Kín đáo một chút được không ông ơi!

Tôi giật mình thoát khỏi giấc mơ màng, lấy lại vẻ mặt nghiêm túc, tôi hỏi một cách thô lỗ:

- Can cớ gì nào?

- Anh nhìn trắng trợn như thế làm cô ấy phát ngượng bỏ đi rồi còn đâu.

- Cái gì?

Tôi vội quay đầu lại nhìn. Nàng đã bỏ đi thật. Thế chỗ nàng, dựa vào hàng lan can sắt lúc này, là một người đàn ông trung niên. Gió lại thổi bay mái tóc ông ta, và ông cũng điệu đàng vuốt lại nó với một động tác y hệt nàng.

Tôi bỗng thấy trong lòng nóng như lửa đốt.

May mà thiên thần vẫn chưa đi xa lắm. Tôi chỉnh lại cà vạt, khẽ e hèm, lấy điệu bộ cực kỳ lịch sự đuổi theo nàng:

-Xin lỗi, có phải cô Nhậm Đạm Ngọc không? Tôi là luật sư Hà.