Thiên Táng

Chương 2: Thư văn

Không thể nói được tôi hối tiếc đến chừng nào về toàn bộ những điều ngu dốt ngớ ngẩn tôi đã hỏi Thư Văn trong quán trà đó ở Tô Châu. Có quá nhiều điều khi đó tôi không biết.

Đôi mắt bí hiểm của bà lão nhìn xuyên qua tôi vào thế giới bên ngoài cửa sổ - đường phố náo nhiệt, xe cộ ồn ào, những khối nhà cao tầng hiện đại ngang hàng thẳng lối. Bà thấy gì ở đó mà chăm chú đến vậy? Tôi cố lôi kéo sự chú ý của bà trở lại.

“Bà đã ở Tây Tạng trong bao lâu?”

“Hơn ba mươi năm,” bà khẽ nói.

“Ba mươi năm!”

Sự kinh ngạc của tôi hẳn phải quá lộ liễu vì những vị khách khác ngồi trong quán trà ngừng nói chuyện quay lại nhìn tôi.

“Nhưng tại sao bà lại tới nơi đó?” tôi hỏi. “Vì cái gì?”

“Vì tình yêu,” bà trả lời giản dị, rồi lại nhìn xa xăm qua tôi lên bầu trời quang đãng bên ngoài.

“Vì tình yêu ư?”

“Chồng tôi là bác sĩ Giải phóng quân Nhân dân. Đơn vị anh ấy được phái tới Tây Tạng. Hai tháng sau, tôi nhận được thông báo nói anh ấy mất tích trong trận đánh. Lúc đó chúng tôi mới cưới nhau chưa được trăm ngày.”

“Tôi rất tiếc,” tôi nói, rùng mình khi nghĩ tới cảnh một người phụ nữ mất chồng quá sớm.

“Tôi không chấp nhận nổi là anh ấy đã chết,” bà tiếp tục. “Không một ai trong Sở chỉ huy quân đội có thể cho tôi biết chút gì về việc anh ấy chết như thế nào. Tôi chỉ nghĩ tới một việc duy nhất là chính tôi sẽ tới Tây Tạng tìm anh ấy.”

Tôi nhìn bà đăm đăm ngờ vực. Tôi không thể hình dung nổi làm sao một người phụ nữ trẻ tại thời điểm đó lại có thể mơ tưởng chuyện đi đến một nơi xa xôi và khủng khiếp như Tây Tạng. Chính tôi cũng từng được phân công một chuyến tác nghiệp báo chí ngắn ngày tới rìa Đông Tây Tạng vào năm 1984. tôi đã bị choáng ngợp trước độ cao, phong cảnh hùng vĩ, hoang vu và điều kiện sống khắc nghiệt ở đó. Hơn ba mươi năm, điều gì đã khiến một phụ nữ Trung Quốc trẻ đến Tây Tạng?

“Lúc ấy tôi là một thiếu phụ đang yêu,” bà nói. “Tôi không nghĩ đến chuyện tôi sẽ đối mặt với cái gì. Tôi chỉ muốn tìm chồng.”

Tôi cúi đầu xấu hổ. Tôi biết gì về thứ tình yêu có thể dẫn đến một phản ứng tột cùng đến thế? Tôi đã nghe rất nhiều chuyện tình yêu từ những người gọi đến chương trình phát thanh, nhưng không gì giống vậy. Thính giả của tôi quen với một xã hội có truyền thống kìm nén cảm xúc và che đậy ý nghĩ. Tôi không hình dung nổi rằng những người trẻ tuổi ở thế hệ mẹ tôi lại có thể yêu nhau mãnh liệt đến thế. Người ta không nói gì nhiều về thời kỳ đó, lại càng không nói về cuộc xung đột đẫm máu giữa người Tây Tạng và người Trung Quốc. Tôi khao khát muốn biết câu chuyện của người phụ nữ này, vốn xảy ra vào quãng thời gian khi Trung Quốc đang dần phục hồi sau cuộc nội chiến khốc liệt trong thập niên trước đó giữa phe Quốc dân đảng với những người Cộng sản, và Chủ tịch Mao đang tái thiết đất nước.

“Bà gặp chồng mình trong hoàn cảnh nào?” tôi hỏi, hy vọng bằng việc quay trở lại điểm xuất phát của câu chuyện, tôi có thể khuyến khích người phụ nữ bí ẩn này tin tưởng mà giãi bày tâm sự với tôi.

“Ở Nam Kinh,” bà đáp, hai mắt nhắm hờ. “Tôi sinh ra ở đó. Khả Quân và tôi quen nhau ở trường y.”

Sáng hôm đó, Thư Văn kể cho tôi nghe về thời trẻ của mình. Cách nói chuyện của bà giống kiểu một người phụ nữ không quen trò chuyện, hay dừng lời và nhìn đăm đắm xa xăm. Nhưng ngay cả sau ngần ấy thời gian, lời nói của bà vẫn cháy bỏng tình yêu dành cho chồng.

“Khi những người Cộng sản nắm quyền kiểm soát toàn bộ đất nước vào năm 1949, tôi mười bảy tuổi,” bà kể. “Tôi nhớ là mình bị cuốn theo làn sóng lạc quan chủ nghĩa đang tràn ngập đất nước Trung Quốc. Cha tôi làm thư ký cho một công ty người Tây. Ông không đến trường mà tự học. Cha tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng chị gái tôi và tôi nên được học hành đến nơi đến chốn. Chúng tôi thật may mắn. Đa số dân chúng vào thời kỳ ấy là nông dân thất học. Tôi đến học tại một trường truyền giáo, sau đó thì tới trường Cao đẳng Nữ sinh Jingling để học y. Trường do một phụ nữ Mỹ sáng lập vào năm 1915. Bấy giờ trong trường chỉ có năm sinh viên Trung Quốc. Khi tôi vào học thì trường đã có hơn 100 sinh viên Trung Quốc. Hai năm sau, tôi học lên đại học, nghiên cứu về y khoa. Tôi chọn chuyên ngành da liễu.

“Khả Quân và tôi quen nhau khi anh ấy hai mươi lăm còn tôi hai mươi tuổi. Hồi đầu mới gặp Khả Quân, anh ấy đang làm trợ lý phòng thí nghiệm cho thầy giáo lớp giải phẫu. Trước đó tôi chưa từng bao giờ nhìn thấy một thân người bị cắt xẻ. Tôi nấp sau lưng các bạn cùng lớp giống như con thú đầy sợ hãi, thậm chí hoảng quá không dám cả nhìn vào xác chết trắng nhợt ướp phoóc môn. Khả Quân cứ nhìn vào mắt tôi mà cười. Dường như anh ấy hiểu và thông cảm cho tôi. Hôm sau, anh ấy đến tìm tôi rồi cho tôi mượn một cuốn sách biểu đồ giải phẫu có tô màu. Anh ấy nói tôi sẽ hết sợ nếu có tìm hiểu chúng trước. Anh ấy nói đúng. Sau khi đọc cuốn sách vài lần, tôi thấy buổi học giải phẫu tiếp theo dễ dàng hơn nhiều. Từ đó trở đi, Khả Quân luôn kiên nhẫn trả lời tất cả các câu hỏi của tôi. Anh ấy sớm trở nên thân thiết với tôi hơn cả một người anh lớn hay một người thầy. Tôi bắt đầu yêu anh ấy bằng tất cả trái tim mình.”

Mắt Thư Văn vẫn bất động như thế - nhìn riết vào cái gì đó mà tôi không thể thấy.

“Mọi người đều khâm phục Khả Quân,” bà nói tiếp. “Anh ấy mất hết người thân trong chiến tranh Trung - Nhật, và chính phủ tài trợ cho anh ấy đi học trường y. Bởi vì nhất quyết trả khoản nợ này nên anh ấy học hành rất chăm chỉ và là một sinh viên nổi bật. Nhưng anh ấy cũng đối xử với mọi người xung quanh rất tốt và hoà nhã, đặc biệt là với tôi. Tôi vô cùng hạnh phúc... Sau đó, giáo sư của Khả Quân quay trở về sau chuyến thăm các chiến trường trong cuộc chiến tranh Triều Tiên kể cho anh ấy chuyện những người lính quả cảm bị thương trong các trận đánh khủng khiếp đó đã phải tự xoay xở khi không hề có bác sĩ hay thuốc men ra sao, cứ mười người thì chín người chết như thế nào. Giáo sư nói lẽ ra ông đã ở lại đó giúp đỡ họ nếu không nghĩ tới trách nhiệm truyền đạt kiến thức y học cho thế hệ mới, để thêm nhiều bệnh viện nữa có được đội ngũ bác sĩ phẫu thuật được đào tạo tốt. Trong chiến tranh, y học là con đường sống duy nhất: dù cuộc chiến có là chính nghĩa hay phi nghĩa, thì việc cứu giúp người hấp hối và người bị thương vẫn là những hàng động anh hùng.

“Khả Quân có ấn tượng sâu sắc với những gì thầy giáo nói. Anh ấy kể với tôi điều đó. Quân đội rất cần bác sĩ phẫu thuật để cứu chữa thương binh. Anh ấy cảm thấy mình phải gia nhập quân đội. Mặc dù lo lắng cho Khả Quân nhưng tôi không muốn giữ chân anh. Khi ấy tất cả chúng tôi đang phải chịu đựng khó khăn gian khổ, nhưng chúng tôi biết đó là vì lợi ích lớn hơn của đất nước. Mọi thứ đang thay đổi ở Trung Quốc. Nhiều người đang gói ghém hành trang, tiến về những vùng nông thôn nghèo khổ thực hiện cải cách ruộng đất; hoặc tới vùng biên cương cằn cỗi không người để biến nơi hoang vu thành những cánh đồng. Họ tới vùng Đông Bắc và Tây Bắc tìm dầu, hay dấn sâu vào rừng núi để đốn cây và xây dựng tuyến đường sắt. Chúng tôi coi sự ly biệt trong tình yêu là cơ hội chứng minh lòng trung thành đối với Tổ quốc.”

Thư Văn không cho tôi biết ban đầu đơn vị của Khả Quân được điều đến đâu. Có lẽ chính bà cũng không biết. Bà chỉ nói rằng Khả Quân đi xa trong hai năm.

Tôi hỏi thế bà với Khả Quân có viết thư cho nhau không. Tôi nhận được rất nhiều thư từ những thính giả cô đơn của chương trình phát thanh. Thư từ là một cách tuyệt vời để chiến thắng nỗi cô đơn.

Thư Văn nhìn tôi riết róng khiến tôi thấy xấu hổ vì sự ngu dốt của mình.

“Chiến tranh đã tạo ra biến động lớn. Khắp Trung Quốc những người phụ nữ đều mong ngóng tin tức của chồng, anh em trai, con trai. Tôi không phải là người duy nhất. Tôi phải chịu đựng trong câm lặng.

“Hai năm trời tôi không nhận được tin tức gì của Khả Quân. Ly biệt không lãng mạn như tôi tưởng - nó gây đau đớn. Thời gian cứ chậm chạp trôi đi. Tôi nghĩ mình sẽ phát điên lên mất. Nhưng sau đó, Khả Quân trở về, ngực gắn đầy huân chương. Đơn vị anh ấy quay về Nam Kinh dự khoá học nâng cao về Tây Tạng và y học Tây Tạng.

“Suốt hai năm tiếp theo tình yêu của chúng tôi ngày càng sâu đậm hơn. Chúng tôi nói với nhau mọi chuyện trên trời dưới biển, động viên và khuyên bảo nhau. Cuộc sống ở Trung Quốc dường như khá lên từng ngày. Mọi người đều có việc làm. Họ không làm việc cho những ông chủ tư bản mà làm việc cho chính phủ và Tổ quốc. Có những trường học và bệnh viện miễn phí. Chúng tôi được tuyên truyền rằng, nhờ các chính sách của Mao Chủ Tịch, nền kinh tế Trung Quốc sẽ bắt kịp các nước Anh và Mỹ chỉ trong vòng hai mươi năm tới. Chúng tôi cũng có quyền tự do lựa chọn người kết hôn thay vì cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy. Tôi kể với Khả Quân chuyện cô bạn Mai của tôi đã khiến cho mọi người kinh ngạc khi cưới Lý, một chàng trai nông thôn chất phác như thế nào, cả chuyện Mẫn Hoa, cô bạn có vẻ rất nhu mì dễ bảo trốn đi cùng Đại Lỗ, chủ tịch hội sinh viên ra sao. Cha mẹ họ đến tận trường phàn nàn. Nhưng tôi không nói với Khả Quân rằng trong lúc anh đi xa, tôi cũng có người này người nọ si mê, và mọi người khuyên tôi đừng đặt hy vọng vào một người có nguy cơ chết nơi chiến trận.

“Khi Khả Quân hoàn thành khoá học, chúng tôi quyết định cưới nhau. Anh ấy đang chờ lệnh từ Sở chỉ huy quân đội ở Nam Kinh. Tôi đang làm bác sĩ da liễu tại một bệnh viện lớn ở Nam Kinh. Rất nhiều bạn bè của chúng tôi đã có con, trong mắt bọn họ chúng tôi trì hoãn đám cưới đến giờ là khá muộn rồi. Khả Quân hai mươi chín, còn tôi hai mươi sáu. Vì vậy chúng tôi xin phép Đảng bộ cho hai đứa kết hôn. Mặc dù cha tôi thấy khó lòng quen được với quan niệm tự do lựa chọn trong hôn nhân, nhưng ông cũng rất mến Khả Quân và biết tôi đã quyết định đúng. Bất luận thế nào, nếu tôi trì hoãn đám cưới thêm nữa, ông sẽ mất mặt với mọi người. Chị gái tôi đã kết hôn rồi chuyển tới sống ở Tô Châu, đưa cả ba mẹ tôi đến ở cùng.

“Đám cưới của chúng tôi được tổ chức theo đúng ‘tác phong cách mạng’. Một nhóm cán bộ chính trị cấp cao là người làm chứng cùng bạn bè và các đồng nghiệp mang những bông hoa giấy màu đỏ bé xinh làm thành đoàn rước của chúng tôi. Tiệc cưới có ba gói thuốc lá Hằng Đạt và ít bánh kẹo hoa quả. Sau đấy chúng tôi chuyển đến khu nhà dành cho vợ chồng mới của bệnh viện. Tất cả những gì chúng tôi có là hai chiếc giường đơn bằng gỗ ván, hai chiếc chăn đơn, một tủ gỗ hồng sắc, một tờ giấy đỏ được cắt thành chữ “song hỉ”, còn giấy chứng nhận kết hôn được trang trí bằng chân dung Mao Chủ tịch. Nhưng chúng tôi hạnh phúc đến ngất ngây. Sau đó, chỉ ba tuần sau, Khả Quân nhận được giấy triệu tập. Đơn vị anh ấy được điều đi Tây Tạng.

“Chúng tôi hầu như không có thời gian để tiêu hoá cái tin ấy trước khi Khả Quân ra đi. Quân đội sắp xếp cho tôi chuyển tới một bệnh viện ở Tô Châu để tôi có thể ở gần cha mẹ và chị gái. Chúng tôi xin thuyên chuyển, nhưng Đảng bộ nói rằng những người thuộc diện ăn theo quân đội cần phải có gia đình ở cạnh chăm sóc mới đúng. Tôi vùi mình vào công việc để quên đi là tôi đang nhớ Khả Quân biết bao. Đêm đến, khi những người khác đã chìm vào giấc ngủ, tôi lấy tấm hình của Khả Quân ra, ngắm nhìn khuôn mặt tươi cười của anh. Lúc nào tôi cũng nghĩ về những điều anh nói ngay trước khi đi: Anh sẽ sớm quay về bởi vì anh mong được làm đứa con trai hiếu thảo với cha mẹ tôi và là người cha tốt của con cái chúng tôi. Tôi mong anh trở về. Nhưng thay vì vậy tôi nhận được giấy mời đến Sở chỉ huy quân đội ở Tô Châu để được thông báo rằng anh đã chết.”

Khi Văn nói những lời này, tim tôi lặng đi.

Chúng tôi cùng ngồi im lặng một lát. Tôi không muốn làm gián đoạn dòng suy nghĩ của bà.

Đêm đó, Thư Văn và tôi ở chung một phòng trong khách sạn nhỏ kế bên quán trà. Suốt hai ngày chúng tôi bên nhau, bà giãi bày tâm sự theo cách mà tôi hầu như chưa hề dám hy vọng. Khi trở về cơ quan ở Nam Kinh, tôi bắt đầu hăm hở ghi chép lại. Khi làm như vậy, tôi nhận ra rằng vẫn còn quá nhiều điều tôi không biết về người phụ nữ khác thường này. Do bối rối về sự kém hiểu biết của mình, tôi đã rất khó khăn khi đặt câu hỏi. Thậm chí còn không đủ vốn từ để mô tả bộ quần áo bà mặc.

○○○

Tôi gọi điện tới khách sạn ở Tô Châu nơi chúng tôi lưu lại hôm trước, nhưng bà đi rồi. Trong nỗi hoang mang, tôi liên lạc với vị thính giả đã gọi điện kể về bà cho tôi.

“Tôi không biết bà ấy đi đâu,” anh ta nói. “Gần đây bà ấy gửi cho tôi một gói trà xanh qua người bán rượu gạo để cảm ơn vì tôi đã giới thiệu bà ấy với Hân Nhiên. Bà ấy nói rằng hy vọng cô sẽ kể cho mọi người nghe câu chuyện của bà ấy. Từ đó đến nay tôi chưa gặp lại bà ấy.”

Tôi quyết định làm như Thư Văn yêu cầu và kể lại câu chuyện của bà, nhưng tôi thấy mình làm việc đó chẳng dễ dàng gì. Đây là một thời kỳ lịch sử đã khép lại. Trước khi có thể hiểu ý nghĩa của những điều Thư Văn kể, tôi cần biết thêm quá điều nhiều về Tây Tạng. Tôi bắt đầu đọc cật lực, và phỏng vấn những người từng sống ở phía Đông Tây Tạng hoặc những người biết về đất nước này. Nhưng mãi đến năm 1995, khi trở lại Tây Tạng để làm một bộ phim tài liệu, tôi mới cảm thấy bắt đầu hiểu được sống ở đó là như thế nào. Tôi và bốn nhà quay phim lặng người trước sự hoang vu của phong cảnh nơi này, cơn gió vô hình quét qua vùng đất cằn cỗi, bầu trời cao trải ra vô tận, và sự tĩnh lặng tuyệt đối. Trí óc và tâm hồn tôi cảm thấy như trống trơn không vướng bận. Tôi mất hết cảm giác về nơi tôi đang đứng, hay về nhu cầu nói chuyện. Những từ đơn giản mà Thư Văn đã dùng như: “lạnh”, “màu sắc”, “mùa”, “mất mát”, có một sức truyền cảm mới.

Khi viết về câu chuyện của Thư Văn, tôi cố hồi tưởng lại hành trình từ Trung Quốc đến Tây Tạng vào những năm 1950 của bà - để thấy những gì bà đã thấy, cảm nhận những gì bà đã cảm nhận, nghĩ những gì bà đã nghĩ. Đôi khi tôi chìm đắm quá đến nỗi không nhìn thấy đường phố, cửa hiệu và xe điện ngầm ở London - hoặc chồng tôi đang đứng cạnh tôi, tay cầm cốc trà xanh. Tôi vô cùng hối tiếc khi đã để Thư Văn ra đi mà không nói cho tôi biết có thể gặp lại bà bằng cách nào. Sự biến mất của bà tiếp tục ám ảnh tôi. Tôi tha thiết mong mỏi rằng cuốn sách này có thể đưa bà trở lại gặp tôi và rồi bà sẽ biết rằng mọi người trên khắp thế giới đang đọc về cuộc đời và tình yêu của bà.